Quantcast
Channel: Đàn Chim Việt »ĐIỂM SÁCH
Viewing all 82 articles
Browse latest View live

Vũ Hoàng Chương, lạc loài trong cõi nhân sinh

$
0
0

 

 (Viết nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương 1915-2015)

Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương

Khi tiếng kêu đớn đau của thi sĩ Hàn Mặc Tử ở phương Nam chợt vụt tắt, thì vòm trời thi ca đất Việt dường như chỉ còn một Vũ Hoàng Chương đang quằn quại với những vết thương xẻ nát tâm hồn. Thì kỳ lạ thay, từ chính vết thương đang rỉ máu ấy lại vẽ ra một lối đi riêng, một con đường cho thi ca ngay từ buổi đầu đến với thơ mới. Nếu ai đó đã nói, thơ là tiếng nói hồn nhiên trong trẻo của tâm hồn, là tuổi thơ của loài người còn xót lại…thì quả thật với Vũ Hoàng Chương, nó lại là tiếng bi ai được cất lên từ nỗi đau rách nát của linh hồn. Chính vì vậy, thơ ông đã chạm đến tận cùng nỗi đau và sự cảm thông của con người. Để rồi thơ văn Vũ Hoàng Chương không chỉ đóng đinh vào lòng người, mà còn dán chặt tên tuổi ông vào nền văn học nước nhà. Ông viết nhiều thể loại, từ thơ, văn đến cả kịch thơ…Hơn hai chục tác phẩm tuy chưa hẳn đã là nhiều, nhưng chính tư tưởng, hình tượng nghệ thuật mới làm nên chân dung và sự nghiệp sáng tác đồ sộ Vũ Hoàng Chương.

Vũ Hoàng Chương sinh năm 1915 tại Nam Định, trong một gia đình nho giáo. Cha ông là quan tri huyện, mẹ ông cũng hay chữ, yêu văn học và âm nhạc, nên ông được học và tiếp cận với Hán văn từ nhỏ. Sau đó, Vũ Hoàng Chương học tiếp tiếng Pháp và vào học trung học, đỗ tú tài Pháp tại Hà Nội năm 1938. Đang học luật ông bỏ đi làm ngành hỏa xa và in tập Thơ Say đầu tay vào năm 1940. Năm 1941 ông theo học khoa toán, Đại học khoa học Hà Nội. Rồi một lần nữa ông lại bỏ xuống Hải Phòng dạy học và cùng với Chu Ngọc, Nguyễn Bính lập ra Ban Kịch Hà Nội. Năm 1943 ông in tập thơ Mây, rồi theo kháng chiến. Một thời gian sau ông bỏ kháng chiến về thành, rồi di cư vào Nam. Từ đây ông theo nghề dạy học và viết văn làm thơ. Thời gian này, ông viết nhiều, được dịch và in ra nhiều thứ tiếng. Do vậy, tên tuổi ông đến gần hơn với bạn đọc nước ngoài cũng như văn bút quốc tế.

Sau biến cố 30-4-1975 ông bị bắt vào tù và mất ngay sau đó vào tháng 9 năm 1976.

Có thể nói, Vũ Hoàng Chương là nhà thơ lớn của dân tộc. Nếu nhìn lại văn học sử, ta có thể thấy: Sau sự cổ vũ của các cụ Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh… Vũ Hoàng Chương góp phần không nhỏ, cùng với những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Huy Cận…mở đường, tiên phong cho phong trào thơ mới từ những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi. Thơ ông sang trọng, giàu nhạc tính, tuy cách tân mà vẫn mang mang hoài cổ.

Tập Mây (in năm 1943) và Lửa Từ Bi (năm 1963) có thể chưa phải là những thi tập hay nhất của Vũ Hoàng Chương, nhưng với tôi, nó là hai tập thơ tiêu biểu nhất cho từng giai đoạn, tư tưởng cũng như thi pháp sáng tác của ông.

*Men khói “ba mươi năm” sầu dựng mộ.

Vũ Hoàng Chương xuất hiện vào thời kỳ cuối của phong trào thơ mới bằng tập Thơ Say. Nhưng phải đến thi tập Mây (năm 1943) tên tuổi ông mới được khẳng định trên thi đàn. Và tập thơ này đã làm rung động giới thưởng ngoạn, bởi giọng điệu thơ khác hẳn với những thi sĩ cùng thời.

Thật vậy, khi đọc và và nghiên cứu sâu về thơ Vũ Hoàng Chương, tôi mới chợt nhận ra cái tôi, cái riêng biệt trong thiên tình sử của ông, sao mà nó khác với những tuyên ngôn tình yêu, dành cho hội trường, đọc nơi đông người như trong thơ tình Xuân Diệu đến vậy. Với khoảng cách, sự trái ngược này, chỉ có cảm thụ của cá nhân người đọc mới có thể tự so sánh rạch ròi. Nếu được phép gắn ông hoàng, bà chúa cho thơ (tình) như người ta vẫn thường làm, với tôi chắc chắn vương miện đó phải được trao cho Vũ Hoàng Chương.

Sinh ra, lớn lên trong gia đình quyền quí, nhưng cuộc sống, tình yêu Vũ Hoàng Chương luôn tuyệt vọng, chán chường. Để tự thoát ra khỏi cuộc sống bơ vơ nơi địa ngục: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” ông đã treo hồn mình lơ lửng giữa vòm trời thi ca. Và Vũ Hoàng Chương không chỉ lạc loài giữa cõi nhân sinh hiện hữu này, mà chính linh hồn ông cũng lạc khỏi thân xác mình. Do vậy, đọc Vũ Hoàng Chương, ta có cảm giác thơ ông được chiết ra từ khói thuốc, men rượu trong những cơn chao đảo, thất tình điên loạn.

Vâng! Chỉ có những cơn say ấy mới có thể nhập linh hồn vào với thể xác, để thi nhân đủ can đảm đi đến tận cùng sự thật đắng cay. Đọc thơ ông, vẳng lên tiếng kêu sầu thảm, dường như không phải từ con chữ, mà được vắt ra từ trái tim đang vỡ vụn. Và biết bao đêm trường ấy, nấm mồ sầu thảm đó vẫn được đong bằng nước mắt của thi nhân:

“Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyện ước
Tố của Hoàng ơi Tố của Anh
———————————–

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của Ai” (Mười hai tháng sáu)
Có lẽ, không có nỗi đau nào bằng sự đổ vỡ, phụ bạc của tình yêu, nhất là trái tim dễ vỡ của thi nhân. Và Vũ Hoàng Chương cũng không nằm ngoài cái qui luật đó “Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp/ Tình mười năm còn lại mấy tờ thư!”. Đứng trước sự bế tắc của xã hội và tình yêu nhà thơ luôn cảm thấy lạc loài, bơ vơ với cuộc sống đang hiện hữu, nên luôn luôn muốn từ bỏ, thoát ly nó, tìm đến cõi mộng ảo địa đàng. Thật vậy! Vũ Hoàng Chương đang trốn chạy, tìm nơi ẩn nấp. Và cứ tưởng rằng, trốn vào men say và khói thuốc, thì sẽ mất đi nỗi đau, sầu nhớ đó, nhưng rượu đã cạn, thuốc đã tàn càng buốt lạnh thêm tâm hồn thi nhân:

“Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa, mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm thế nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc?
Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá, lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ…”.
(Lá thư ngày trước)

Có thể nói, Mây là tập thơ hay và tiêu biểu về sự bế tắc tình yêu, cuộc sống của Vũ Hoàng Chương. Trong đó, có một số bài, một số câu thơ mới táo bạo đã đạt đến độ toàn bích. Có lẽ, ở thời điểm đó, ngoài Vũ Hoàng Chương không ai dám viết và viết hay được như vậy. Có một điều đặc biệt, đa phần những bài thơ hay của ông đều thuộc thể thất ngôn. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong bài Đời Vắng Em Rồi, để thấy rõ sự chia ly và tình yêu đắng chát như vậy, nhưng lời thơ rất đẹp, nhẹ nhàng và trau chuốt:

“…Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai”
———————————-
Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi
Thoảng gió trà mi động mấy bông.”
Trong cuộc sống đầy thị phi này, có rất nhiều người có những mối tình đầu đổ vỡ, đắng cay. Nhưng thất vọng sầu thảm, gục mặt vào bồng bềnh men khói, tìm đam mê, khoái cảm, quên đi nỗi buồn dằng dặc như Vũ Hoàng Chương, thì quả thật trong văn học sử đất Việt, (ngoài Hàn Mặc Tử cùng thời) dường như chỉ có nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ (có thể) coi là hậu nhân của ông mà thôi.

Vũ Hoàng Chương là người giỏi Hán Văn và chịu nhiều ảnh hưởng Đường thi.

Mỗi lần đọc ông, ta lại thấy hồn cốt của Bạch Cư Dị, Lý Bạch… chợt hiện về. Những Đà Giang, Nghe Hát…đã nối dài thêm mạch chảy Tỳ Bà Hành, một thi phẩm gắn liền với tên tuổi Bạch Cư Dị. Và khi viết, ông sử dụng nhiều từ Hán Việt cũng như hình tượng điển tích, làm cho lời thơ sang trọng ẩn chứa thiền triết hoài cổ. Những nét phương đông cổ kính ấy cho ta cảm giác gần gũi lạ thường.

Tuy sâu sắc như vậy, nhưng thơ ông lại kén người đọc, nhất là tầng lớp bình dân và những người ít am hiểu văn học cũng như (tích tuồng) lịch sử. Đoạn trích trong bài Chân Hứng dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:

“Từ thuở chàng say ôm vũ trụ
Thu trong bầu rượu một đêm trăng.
Nhảy xuống muôn trùng sông quạnh quẽ
Đem theo chân hứng gửi cô Hằng.
————————————-
Ngựa ơi hãy nghỉ chân cuồng khấu
Cho thoả lòng ta nỗi khát khao
Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch
Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao…

Tình hoa thuở trước xô về đọng
Ơi phiến gương vàng một tối nay.
Ta lặng buông thân trời lảo đảo,
Mơ hồ sông nước choáng men say…”
Cũng là người yêu thích thơ Đường, nên tôi hay tìm đọc những bài cổ thi qua bản dịch của các nhà thơ, dịch giả tên tuổi. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, tôi đã được đọc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua bản dịch của Tản Đà, sau đó là những bản dịch Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng và một số người khác. Tuy nhiên bản dịch của Tản Đà hay và nhiều người biết hơn cả. Nhưng gần đây tôi mới tìm được bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Đọc xong, tôi lặng người, bởi lời thơ thoát, thoáng đạt giữ nguyên thể thơ Đường, nhưng vẫn kéo tâm trạng sầu nhớ nao nao đi đến tận cùng trong lòng người lữ khách. Qủa thật, bản dịch của Vũ Hoàng Chương tôi thích hơn so với bản dịch theo thể lục bát của Tản Đà. Với tôi, đây là tác phẩm (dịch) tuyệt bút của ông. Chúng ta đọc lại dịch phẩm cuả Tản Đà và của Vũ Hoàng Chương, để nhìn nhận so sánh:

“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Tản Đà)

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người,
Đây Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mất,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!” (Vũ Hoàng Chương)
*Sự giải thoát linh hồn.

Nếu thi phẩm Mây chỉ là những tiếng than trong sự bế tắc cuộc sống,tình yêu, thì đến Lửa Từ Bi là sự giải thoát linh hồn. Điều mà trước đây Vũ Hoàng Chương đã thử nghiệm và kiếm tìm trong kháng chiến. Nhưng con đường giải thoát ấy, không chỉ đắng cay thêm mà còn giết chết cả hồn thơ ông. Những bài thơ, câu thơ ông viết trong thời gian này không hồn vía, nặng tính tụng ca, hò vè hô khẩu hiệu. Có những câu thơ tối nghĩa và mất gốc ” Vì giang sơn quyết bỏ gia đình”. Nhớ Về Hà Nội Vàng Son được Vũ Hoàng Chương viết vào năm 1947, là một bài thơ điển hình như vậy:

“…Năm cánh hoa xoè trên năm cửa ô (…)
Chen tiếng hoan hô, này khẩu hiệu
Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Muôn năm người lính già tiêu biểu
Vì giang sơn quyết bỏ gia đình.
Ôi ngày mười chín, ngày sung sướng!
Vạn ước mong dồn một ước mong!
Ôi mùa thu ấy, mùa tin tưởng!
Một tấm lòng mang vạn tấm lòng.”

Nhát dao cắt đôi đất nước và cuộc di cư năm 1954 là bước ngoặt lớn nhất không chỉ cho riêng Vũ Hoàng Chương, mà cho cả dân tộc. Ông thực sự hoang mang trước sự bi đát ấy. Và với ông, lúc này bàn đèn khói thuốc dường như không còn là nơi trú ngụ cho thể xác lẫn tâm hồn. Sự dằn vặt làm ông thao thức và luôn tự hỏi về thân phận con người trong loạn ly. Bài Nguyện Cầu của Vũ Hoàng Chương ra đời trong hoàn cảnh, tâm trạng như vậy. Bài thơ mang hương vị thiền ở thể lục bát. Khi viết bài này, dường như thi sĩ muốn bỏ cái tham, sân, si của con người để đến gần nơi cửa phật. Cả bài thơ như một câu hỏi tu từ: “Ta còn để lại gì không?” nhằm răn mình, răn đời vậy. Đây là bài thơ không chỉ hay nhất trong thi tập Rừng Phong, mà còn là trong số (ít) những bài hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông:

“,Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.”
Đến với Lửa Từ Bi, Vũ Hoàng Chương đã bốc được ngôi mộ sầu thảm ba mươi năm dài dằng dặc (1933-1963) ra khỏi linh hồn. Ông hoàn toàn trở thành con người khác lạ. Ngòi bút của ông đã chọc thẳng vào cuộc sống xã hội đương thời. Đứng trước sự đàn áp bắt bớ tù đày của chế độ đương thời, ông đã đứng hẳn về phía công lý và sự thật. Thi sĩ tìm ra con đường tự giải thoát mình, giải thoát đời. Và ông đang đi từ hiện hữu đến với cái vô thường:

“Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.”
Ngọn đuốc sống (Bồ Tát) Quảng Đức đã cháy vào lòng thi sĩ, để Vũ Hoàng Chương viết lên (Ngọn) Lửa Từ Bi gửi tình yêu thương con người đến với con người. Bài thơ được chảy ra từ cảm xúc tự nhiên của người thi sĩ, mang một chút hơi hưởng Tế Ca, không phải sở trường viết của Vũ Hoàng Chương. Nhưng nó làm xúc động hàng triệu con tim, không chỉ đóng khung trong đất Việt. Bởi, ngoài giá trị thi ca và thông điệp chỉ có tình yêu mới xóa bỏ được hận thù, khổ đau, nó còn là một lời cảnh tỉnh cho cả chế độ độc tài, độc đảng, gia đình trị, phe nhóm trị. Với tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, nhân bản nhất trong thơ ca Việt từ một trăm năm nay:


“Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhoà lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên…
————————————–
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!
Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI .”
Trong cái bi thương ấy, cũng thật may mắn thay, chiến tranh, bom đạn bắt bớ tù đày, thi sĩ Vũ Hoàng Chương chợt nhận ra ngọn Lửa Từ Bi đang ngùn ngụt cháy là nơi ẩn nấp, che chắn duy nhất cho những linh hồn bơ vơ. Sự giải thoát ấy đã phá bỏ cái vòng tròn ba mươi năm luẩn quẩn, từ đó con đường lên cõi Niết Bàn được mở ra trong ông.
Thật vậy, không có chủ thuyết nào, chế độ nào giải thoát được linh hồn con người, ngoài Đạo Giáo:

“…Nghe được từ lâu cá thở than
Hôm nay mới sõi tiếng cây ngàn
Bao giờ tôi hiểu sâu lòng đất
Là thấy đường lên cõi Niết Bàn…”. (Nhị thập bát tú 2)
Trong cái xã hội nhá nhem điên loạn và sự bấp bênh của thân phận con người, tết Bính thìn 1976 Vũ Hoàng Chương trải lòng mình vào Vịnh Bức Tranh Gà Lợn. Đây là bài thơ hay và lạ. Lạ bởi có lẽ ít ai dám đưa tục ngữ, thành ngữ vào trong thơ như ông một cách dân dã và châm biếm như vậy. Đây là bài thơ có tính thời sự cao, dễ thuộc đi vào mọi tầng lớp trong xã hội và lan truyền nhanh ở trong nước cũng như ra hải ngoại. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, vì bài thơ này Vũ Hoàng Chương đã phải vào tù. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy, mà đây chỉ là cái cớ, nếu không có bài thơ trên, họ cũng sẽ tìm ra muôn vàn lý do khác để bắt ông. Bởi cái Bóng của Vũ Hoàng Chương quá rộng, quá dày đối với một chế độ nhìn đâu cũng thấy vi trùng sợ hãi, dẫn đến việc ông phải nhập kho là điều không thể tránh:

“Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có hoạ
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh“

Tôi không rõ bài thất ngôn tứ tuyệt: Dấu Hỏi Vây Quanh Kiếp Người, được thi sĩ Vũ Hoàng sáng tác từ khi nào? Đây là bài thơ có tính thiền triết, đầy hình tượng ám ảnh, cho ta cảm giác rờn rợn khi đọc. Cả kiếp người là một câu hỏi, một câu hỏi trong vòng luẩn quẩn, đến lúc nhắm mắt xuôi tay không lời giải đáp, mà chỉ có tiếng vọng lại khi nắp quan tài sập lại:

“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.”
Bài thơ này, tiếng vọng kia, phải chăng là câu kết hay lời khép lại của chính cuộc đời thi sĩ Vũ Hoàng Chương?

Leipzig 16-4-2015

Đỗ Trường


30/04: Ân hận một thời Trường Sơn

$
0
0
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Tới nay, sau 40 năm, vẫn còn không ít người Việt Nam, cả ở hải ngoại, dân HO nữa, khi nhắc lại một cái mốc thời gian, không thấy ngại dùng tiếng ” giải phóng ” hay gọi nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam là  “cách mạng” . Thậm chí có khi tự nhận mình là “ngụy” không hề mặc cảm. Thế mới thấy tác dụng ghê gớm của sức mạnh ngôn ngữ và ảnh hưởng của tuyên truyền chánh trị.

Nhưng “giải phớng” và ” cách mạng”, chỉ ít lâu sau ngày 30/04, bị ngay thực tế xã hội định nghĩa lại chính xác, đúng nghĩa thật của nó.

Hơn ai hết, chính lớp tuổi trẻ ở Miền Bắc bị đảng cộng sản lùa vượt Trường Sơn vào Nam làm chiến tranh giải phóng định nghĩa lại “giải phóng” và “cách mạng” bằng thực tề cuộc sống của bản thân mình sau ngày 30/04. Chị Trung Sĩ, tựa và nhơn vật trong truyện ngắn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn là điển hình để phơi bày bản chất cộng sản khi nắm quyền.

Vài hàng về nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Cỏ May viết vài hàng về tác giả truyện Trung Sĩ để tưởng niệm nhà văn mới qua đời ngày 18/12/2014, sau những năm tháng chống chọi với bệnh ung thư  đã ghé qua thăm thành phố nhỏ Roissy en Brie ở ngoại ô Paris cùng với bà Hoàng Minh Chính nhân chuyến hai người đi một vòng ngắn Âu châu, trước khi Ông Hoàng Minh Chính đi qua Mỹ chữa bịnh.

Hôm ấy, Bùi Ngọc Tấn ít nói. Người rất khiêm tốn và dễ gây thiện cảm.

Ông vào làng báo khi theo đội Thanh niên Xung phong tiếp quản Hà Nội tháng 10/0954 với vai trò phóng viên cho tờ Tiền Phong. Ông viết văn dưới tên khác để tránh cái lệnh cấm nhà báo không được viết truyện.

Cái dễ thương ở ông là viết, muốn được viết phải né tránh nhưng vẫn giữ khoảng cách với hàng ngũ “nhà văn cung đình”.

Ông xin chuyển về quê quán Hải phòng, với “ước mong thâm nhập công nông để viết được tác phẩm của đời mình”.

Tháng 11/1968, Bùi Ngọc Tấn bị ở tù về tội “tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án “nhóm xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài”. Và tác phẩm dự định viết chưa viết được. Bùi Ngọc Tấn chưa bao giờ là đảng viên đảng cộng sản ở Hà Nội. Ông cũng chưa hề biết cái tội mà ông bị tù.

Đến khi Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh ở Việt Nam ký kết, ông được nhà cầm quyền ở Hà Nội trả tự do. Nhưng ra tù, ông lại rùng mình ghê sợ hơn lúc ở tù:

“Ông làm nghề bốc vác, kéo xe bò để sống qua ngày . …Ông phát hiện một điều: tất cả những người trên đường không một ai cười. Giống nhau . Xam xám . Đăm chìêu. Đồng phục quần áo. Đồng phục mặt người ….

Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá” . Người bạn của ông bảo “Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật . Đâu phải cuộc sống con người”.

Bùi Ngọc Tấn vất vả tận cùng để kiếm cơm áo nhưng không khổ bằng bị công an theo dõi, cách ly, dọa nạt, tra hỏi dưới nhiều hình thức mọi lúc khi cần, làm cho ông bị ám ảnh như có một người vô hình bám sát ông, cả khi ngủ.

Năm 2012, tại Paris, truyện “Biển và Chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn được Festival Livre et Mer phát giải thưởng. Nhân dịp này, Ông François Bourgeon, kịch sĩ và nhà văn, người sáng lập giải thưởng, nói về Bùi Ngọc Tấn:
“ Từ khi lập ra giải thưởng này, tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn đã làm chúng tôi thỏa mãn . Tác giả là người Việt nam . Ông tặng cho chúng ta một tác phẩm nhân văn …Bùi Ngọc Tấn biết cái giá của tự do …” (Bùi Ngọc Tấn, Hậu Chuyện Kể Năm 2000 , NXB Tiếng Quê Hương , Virginia , USA 2004) .

Trung Sĩ Lan Anh

Trong truyện này, Bùi Ngọc Tấn viết về cuộc đời của Trung Sĩ Lan Anh, một phụ nữ trẻ đẹp ở Hà Nội, theo lệnh đảng cộng sản, vượt Trường Sơn vào Miền Nam làm chiến tranh cách mạng để giải phóng đồng bào Miền Nam thoát khỏi Mỹ Ngụy kìm kẹp, không đủ cơm ăn, áo mặc . Sau ngày 30/04, hết chiến tranh, đất nước thống nhứt dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Lan Anh tìm được việc làm “ bốc dỡ cá” . Vìệc làm vất vả vì phải làm việc trong hầm lạnh và nặng nhọc. Nhưng có việc làm vẫn hơn thất nghiệp như bao nhiêu người khác.

Làm việc được hơn bảy năm, cơ sở đánh cá dẹp tiệm vì tàu hư, biển hết cá. Cơ quan giải tán. Mọi người từ sếp tới công nhân đều được vứt hết ra vỉa hè, tự do đi tìm việc làm khác.

Lan Anh tìm được vìệc làm trong một nhà hàng ăn sang trọng. Làm tiếp viên (làm điếm trá hình).

Một hôm, Lan Anh gặp lại người bạn thân củ lúc ở Trường Sơn. Anh này làm tài xế đưa sếp và khách của sếp tới đây để đãi đằng theo tập quán làm ăn kinh doanh của thời mở cửa. Hai người bạn cũ xa cách nhau lâu ngày, nay tình cờ gặp lại nên mừng rỡ vô cùng. Lan Anh tự nhiên nắm tay người bạn. Và cũng một phần do phản ứng tự nhiên của nghề nghiệp khi tiếp khách. Nhưng, Lan Anh vội buông tay bạn ra, thụt lùi lại và biến mất khi bạn kêu “Trung Sĩ”, tên gọi thân mật lúc ở Trường Sơn và cũng là cấp bực trong quân đội nhân dân của Lan Anh.

Vài phút sau, Lan Anh trở ra với áo đầm mỏng, không tay, tiến tới người bạn cũ:
“Khi nảy, anh gọi em Trung Sĩ làm cho em xấu hổ quá. Em phải đi thay đồ, bỏ chiếc quần bò đi để trông cho hết ngố”.

Từ lâu lắm rồi, không có ai gọi Lan Anh theo cấp bực trong quân đội. Nay bạn cũ gọi làm cho nàng giựt mình, nghĩ cách ăn mặc giống như bộ đội cách mạng của mình trước đây là ngố, là nhà quê thô kệch. Xấu hổ lắm.

Cũng chính anh bạn này, ngày Sài gòn được “giải phóng”, đã chở Lan Anh và các cô bạn của Lan Anh từ Trường Sơn ra trên một đoạn đường dài ra quốc lộ.

Ngồi trên xe, mọi người trố mặt nhìn nhà cửa, xe cộ ngược xuôi, …Các cô y tá, hộ lý ấy như bay lên. Không phải họ đang ngồi trên xe nữa, mà bay lên tận trời xanh kia kìa. Ai mà không thấy ngay trước mắt mình, cả một thiên đàng đang mở cửa đón chào.

Các cô xúm lại, ùa vào một “cửa hàng mỹ phẩm”, thật ra chỉ là một quán tạp hóa bên đường, bày bán đủ thứ từ bánh kẹo, quần áo may sẵn, ít son phấn, nước hoa rẻ tiền, xà bông thơm của Mỹ như Cadum, Camay, Dove, quần áo lót phụ nữ, … Mắt các cô sáng lên. Lần đầu tiên từ ngày rời Hà Nội, nay mọi người mới trông thấy những thứ lộng lẫy, sang trọng đó. Trước đây, những thứ này, trong mơ, cũng không thể hình dung ra được nữa.

Giờ đây, các cô có ai còn đủ can đảm, còn đủ phẩm chất cách mạng để nhớ lại những ngày ở Trường Sơn, săn sóc thương binh, chôn cất bao nhiêu đồng chí hi sinh cho chiến tranh giải phóng đồng bào Miền Nam?

Làm nghề hoàn toàn lương thiện, trong sạch

Lan Anh làm tiếp viên trong một nhà hàng sang. Cùng với một nhóm trẻ mười tám hai mươi. Lan Anh lớn tuổi, đáng má của nhóm đồng nghiệp nhưng cô nàng vẫn kiếm tiền được. Ngoài khách hàng là cán bộ cao cấp nhiều tiền tới chọn tìếp viên trẻ, còn có ít khách hàng lớn tuổi. Những người này chọn Lan Anh vì các cô trẻ đáng tuổi cháu, có gọi “ anh ” ngọt xớt, có âu yếm, cũng chỉ gượng ép, không thể tự nhiên được. Vả lại, tuổi ngoài bốn mươi nhưng Lan Anh còn giữ được gương mặt dễ coi và thân mình khá quyến rũ. Cô vẫn thường ân hận phải chi còn được cái tuổi hai mươi như lúc ở Trường Sơn!

Biết người bạn cũ nghĩ xa xôi về mình, Lan Anh nắm tay bạn và nói, giọng chắc nịch:

“Anh muốn nghĩ về em thế nào thì nghĩ . Em không làm việc gì xấu . Em không ăn cắp, không tham nhũng, không lấy tiền của nhân dân về xây biệt thự . Em chỉ đem bản thân của em ra kiếm sống. Nếu em chết đi ở Trường Sơn như bao nhiêu người khác thì cũng chẳng còn cái thân này để nay đem ra bán kiếm sống và nuôi con ăn học …” .

Như nhau cả

Lan Anh hỏi người bạn tuần tới có đi về Hà nội không để xin quá giang cùng xe . Anh bạn của Lan Anh cho biết có đi, chở ông Giám đốc đi Hà Nội nhưng ông này rất kỵ xe chở phụ nữ và ông đi cùng xe với phụ nữ . Lan Anh không tin có người làm Giám đốc mà lại như vậy. Bạn của cô phải giải thích thêm. Ông này người gầy gò, khắc khổ. Nói sa sả. Mắng chửi cán bộ vuốt mặt không kịp. Không bia rượu, không thuốc lá, không nhà hàng. Nhứt là không gái, không biết tiếp viên là gì. Tiếp khách, là chỉ cử sếp phó đi. Lúc nào cũng nói đến công việc, nói đến xí nghiệp. Bạn của Lan Anh cố giải thích để Lan Anh hiểu mà đừng nài nỉ xin đi theo xe về Hà Nội. Nhưng Lan Anh, với kinh nghiệm sống dày dặn, không nghe và còn lớn tiếng trả lời:
“Chúng nó như nhau cả . Như nhau …. . Những thứ bề ngoài như vậy mới là cực gian, cực ác!” .

Lan Anh nói với bạn là cô ta ly dị vì chồng nghiện ngập, …Nhưng thật ra, Lan Anh đã thôi chồng vì chọn nghề này mà chồng không đồng ý.

Sau khi xí nghiệp cá dẹp tiệm vì biển hết cá, Lan Anh phải xoay sở nuôi gia đình 4 miệng ăn, con trai đi học khá tốn kém.

Với người mẹ, đứa con là tài sản vô giá. Không có thứ gì có giá trị vượt qua đứa con được. Lan Anh làm tiếp viên nuôi bà mẹ già, đứa con trai đi học. Ai bảo là xấu?
Lan Anh là tiếp viên, xã hội thừa nhận. Nhưng những cán bộ đảng viên không phải là thứ “tiếp viên” theo một ý nghĩa nào đó  sao?

Người đọc truyện Trung Sĩ của Bùi Ngọc Tấn (Truyện ngắn, NXB Hải Phòng 2003,  các trang 227-246), ai có thể không suy nghĩ thêm lời nhận xét: “Trong mỗi chúng ta ít nhiều đều mang chất tiếp viên”.

Chúng ta ở đây, tức cán bộ và đảng viên ở Vìệt Nam, những người làm cách mạng giải phóng thân phận con người thoát khỏi đời sống bị giai cấp cường hào ác bá, tư sản bóc lột, có thừa tiền cần hưởng thụ, đều mang ít nhiều chất “tiếp viên”?

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

Sức khỏe, thuốc men, ăn uống, kiêng cữ…

$
0
0

??????????????????????

Đúng vào đầu tháng 5/2015, một quyển sách nhỏ «Sức Khỏe Của Bạn», giá bán khá mắc, 17e 95, vừa được nhà Michel Lafon xuất bản và phát hành. Trong quyển sách, Giáo sư Y Khoa Didier Raoult của Đại Học Y khoa Marseille, Pháp, nêu lên một số điều đúng và sai lầm nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe của chúng t . Ông phê phán truyền thông loan tin về bịnh, về thuốc men, về cái gì nên, cái gì không nên, thường nói dối về nguồn tin hoặc từ chánh quyền hoặc từ những nhà bào chế .

Chánh quyền y tế ở Pháp không phải là những người chuyên môn mà là những người làm chánh trị . Như các thứ chích ngừa, muối, đường, thuốc đau nhức hạ sốt, đường hóa học, wi-fi, ánh nắng mặt trời khi phơi nắng, thuốc chống trầm cảm, …cái nào thật sự có hại nên tránh, cái nào vô hại mà trước giờ ta kiêng cử do báo chí đưa tin không đúng .

pr-didier-raoult-votre-sante

Lời cảnh báo của Giáo sư Didier Raoult sẽ làm thay đổi tập quán tìêu dùng và kiêng cữ của chúng ta . Và nhờ đó sẽ làm cho chúng ta có thể an tâm hơn.

Giáo sư Didier Raoult là nhà vi trùng học của Pháp, là một trong mười người đứng đầu của thế giới có nhiều công trình nghiên cứu phổ biến và được giới khoa học đọc và trích dẩn . Ông cũng viết nhiều bài báo và sách về khoa học .

Quyển sách mới nhứt của ông « Sức Khỏe Của Bạn » đang gây phản ứng sôi nổi trong dư luận độc giả và cả chánh quyền y tế pháp . Ông làm việc để chống lại bệnh truyền nhiễm, đồng thời cũng chống luôn bệnh truyền nhiễm của truyền thông. Năm 2004, ông phản đối việc thế giới mua thuốc chủng chích ngừa dịch cúm gia cầm vì báo chí loan tin siêu vi khuẩn H5N1 truyền nhiểm qua người . Điều đáng buồn của con người, theo ông, không phải biết bệnh, sợ bệnh bằng sự thể nghiệm mà qua truyền thông . Ngay lúc cúm gia cầm đang hoành hành, ông viết 1 quyển sách nhỏ thông báo về đặc tính bệnh này và chỉ muốn in chừng 2000 quyển . Liền sau đó, có người cũng trong giới chức y khoa, cho xuất bản 1 quyển sách báo động thế giới sẽ chết vì bịnh này và bán được 200 000 bản .

Giáo sư Didier Raoult có tham vọng biến Nhà thương và trường Đại học ở Marseille, nơi ông đang làm việc (Viện vi trùng học) trở thành một Trung tâm nghiên cúu xuất sắc của thế giới chuyên về những bệnh truyền nhiểm như bệnh lao, sốt rét, sida, …đang hoành hành ở các nước nhiệt đới nghèo Á-Phi . Những bệnh dịch này hằng năm đang giết hại 17 triệu nhân mạng trên thế giới .

Sự tận tâm, tận lực và thành quả nghiên cứu thu đạt được đã đem lại cho ông phần thưởng cao quí « Bảo quốc Huy chương (Légion d’honneur) » do Chánh phủ Pháp trao tặng .

Nhưng Giáo sư Didier Raoult, người nổi tìếng cả thế giới, có bề ngoài như thế nào ? Đây là điều đã làm cho những người mới gặp ông lần đầu, như nhà báo Violaine de Montclos của tuần báo Le Nouvel Observateur, số cuối tháng 4/2015, không khỏi không chú ý . Vừa ngạc nhiên, vừa thích thú.

Không thú vị sao được khi nhà báo viết để mô tả bề ngoài của ông « … người tiếp chúng tôi giống bất kỳ người nào, ngoại trừ một vị Giáo sư Y khoa khả kính . Ông để tóc dài chấm vai, bạc trắng, mặc chiếc quần bò (jean) bó sát người giống như bao nhiêu người quen thuộc khác, ở ngón áp út, mang chiếc nhẫn hình đầu lâu. Nhìn bề ngoài như cow-boy, thử hỏi ai dám tin ông là một Giáo sư Y khoa nổi tiếng thế giới và đang điều khiển một Trung tâm lớn nhứt về bịnh truyền nhiểm của Pháp ở Marseille (IHU Méditerranée) . 

Ông nổi giận khi phê phán những bản tin báo động, vô căn cứ và mâu thuẫn của các cơ quan Y tế của chánh phủ đã làm cho nhiều người sợ hải, để tránh bệnh, ăn rau cải, không dám ăn thịt cá trong lúc đó lại ăn nhiều muối, nhiều mở, nhiều đường, uống nhiều thứ độc hại như thuốc chống trầm cảm, an thần, thuốc chống đau nhức, hút thuốc lá, ..

Cữ kiêng: cái nào đúng, cái nào sai?

Giáo sư Didier Raoult cho nhà báo biết nghề nghiệp của ông là chống bệnh truyền nhiểm nhưng ông cũng chống kịch liệt bệnh truyền nhiễm truyền thông . Ông giải thích: khi có một thứ bịnh lạ, bất thường, xảy ra ở đâu đó trên thế giới, lập tức chúng ta sẽ được báo tin về chứng bịnh đó . Dĩ nhiên chúng ta sẽ bị nguồn thông tin đó « khủng bố » như mọi thứ sẽ phủ lên chúng ta y như dân chúng ở nơi xa xôi đó đang bị bịnh hoành hành vậy .

Ông khuyên trong trường hợp này, nên bình tỉnh và nhận định kỷ . Có những cái nguy hiểm được kiểm chứng và thống kê rỏ ràng nhưng chúng ta lại coi thường trong lúc đó có những cái bị truyền thông khai thác làm cho mọi người lo sợ tưỏng như sắp chết đến nơi nhưng lại không thật sự nguy hiểm đến như vậy .

Theo ông, về Y tế, mọi chuyện tiên đoán bịnh thiên thời sẽ xảy ra mà dựa trên chuyện đã xảy ra rồi đều không thể đúng được vì chúng ta sống trong hệ thống môi sinh thay đổi không ngừng . Một thứ bịnh đã đến rồi thì không bao giờ trở lại nữa . Bằng chứng là những thứ như Sras, cúm gia cầm, siêu vi khuẩn N1N1 không bao giờ tái xuất hiện .

Vậy, điều quan trọng là chúng ta nên biết thứ gì nên tránh, thứ gì nên giử cho đời sống hằng ngày .

Những thứ quen thuộc và hại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vitamin, khoáng chất, lợi bất cập hại

Các loại thuốc trị sốt, đau nhức đều có hại . Như aspirine nếu dùng quá 10g ngày rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người . Nó gây ra sự xáo trộn thần kinh hệ mà liều lượng nguy hiểm lại bằng với liệu lượng phải dùng trị bịnh . Trong trường hợi bị sốt nặng, dùng aspirine trong 3 ngày, mỗi ngày 3g . Trái lại, sẽ nguy hiểm nếu dùng thường xuyên từ 5, 6g ngày và ngưởi sử dụng bị yếu gan .

Thứ trị sốt và đau nhức khác như paracétamol cũng nguy hiểm không kém nếu lạm dụng . Ít ai biết nó gây tử vong hằm trăm người hằng năm tại Pháp .

Muối là thứ cực kỳ nguy hiểm vì nó là kẻ thù thứ 3 của sức khỏe của chúng ta, sau thuốc lá và đường . Ăn nhiều muối thường gây ra bịnh tim mạch và cả mầm ung thư bao tử . Theo kết quả những nghiên cứu phổ biến gần đây, thì muối chỉ nên dung 2g mỗi ngày . Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho phép 6g / ngày . Nhưng muối có mặt nhiều trong các thức ăn hằng ngày của chúng ta nên khó kiểm soát để hạn chế .

Thuốc lá, khỏi nói, ai cũng biết là nguy hiểm cho sức khỏe nhưng đã ghiền thì việc bỏ hút không phải đơn giản .

Theo Giáo sư Didier Raoult, thuốc lá gây ung thư cho 17 chỗ khác nhau trên cơ thể con người . Cả ung thư máu và trong một số trường hợp, ung thư vú . Ở Pháp, mỗi năm, có 73 000 người chết do thuốc lá trong đó, có 44 000 người vì ung thư mà nguyên nhân do thuốc lá gây ra . Số tử vong vì ung thư do thuốc lá ngày gia tăng . Số đàn ông chết đứng lại trong lúc đó phụ nữ chết đang tăng mạnh . Pháp là nước tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất Âu châu, chiếm 34% dân số . Có đề nghị dành cho người bỏ hút thuốc lá không phải trả 50 euros cho Pharmacie / năm ( hiện 50 euros bị trừ trên số tiền bảo hiểm sức khỏe trả lại bệnh nhân) .

Hút thuốc lá không khác gì chạy ngược chiều trên xa lộ với tốc lực 140 km/ giờ . Nghĩa là chỉ có ½ may mắn thoát chết mà thôi .

Ngày nay, có nhiều thầy thuốc cho rằng bịnh cảm cúm không cần dùng tới trụ sinh . Tự nhiên nó sẽ khỏi khi siêu vi khuẩn sống hết chu kỳ sẽ chết . Người bị nhiểm liền lành bệnh .

Giáo sư Didier Raoult cho rằng không nên quá ỷ lại mà phải nghĩ đến những bìến chứng khi bị cảm cúm nên vìệc dùng trụ sinh vẫn rất cần thiết và quan trọng .

Những điều cữ kìêng không đúng, nên thay đổi

Đi nghỉ hè, phơi nắng thật sự không nguy hiểm như những thông tin trước giờ . Tuy nhiên, với em bé nhỏ, da trắng, nên tránh ánh nắng rọi thẳng vào em . Da vàng như Việt Nam và da đen, thì chỉ có nắng sợ chớ người không sợ nếu không sợ đen mất vẻ đẹp mỹ mìều . Vì da màu, chính cái màu ở da là thứ “ ấp chiến lược ” cực kiên cố, nắng không bắt được, bị tạc ra ngoài .

Những thứ tham dự vào đời sống hằng ngày của chúng ta mà trước giờ do thông tin chúng ta sợ . Nay, theo xác định của Giáo sư Didier Raoult, nói lại cho rõ : chích ngừa cúm hằng năm vào đầu mùa lạnh không cần thiết, làn sóng điện tử, wi-fi, trò chơi video của trẻ con đều không nguy hiểm, đường Aspartame dành cho người cữ đường vô hại, trò chơi kích thích nảo để tránh bệnh lú lẫn “Alzheimer là không đúng vi không hiệu quả.

Sau cùng, một thứ cực kỳ quan trọng vì nó có chức năng nâng cao nhân quyền các ông, bị các thầy thuốc ảnh hưởng thông tin sai lạc ngăn cấm hay khuyên không nên . Thứ đó là nước nho lên men từ 12° . Màu đỏ, hồng, trắng, đều tốt cả . Tên gọi chung là VIN .

Đỏ hay trắng đều là VIN, nên uống.

Đỏ hay trắng đều là VIN, nên uống.

Vị Giáo sư khả kính Didier Raoult ở Đại học Y khoa của Marseille nói rõ “ UỐNG ( Tây nói “uống ” – boire, có nghĩa là uống bia hoặc vin, không phải uống nước lã) làm gia tăng tuổi THỌ ” . Hiểu thêm người nào không “ UỐNG ” thì không cách chi có thể tăng tuổi thọ được cả . Biện chứng khoa học .

Năm 2011, có một nghìên cứu phân tách cả 100 công trình nghiên cứu thực hiện trước đó dẩn đến kết luận “rượu chát VIN là yếu tố chủ yếu làm gia tăng tuổi thọ con người ” .

Mỗi ngày, uống 4 ly nước nho lên men từ 12° – 13°, nghĩa là có 40g rượu (alocool) sẽ sống thọ hơn những ngưòi không uống hoặc kiêng cử . Bảo đảm!

Thế mà Viện Quốc gia Ung thư Pháp lại nói vin là mầm móng gây bệnh ung thư ngay từ giọt đầu tiên . Nghĩa là cơ quan y tế của chánh quyền muốn ngăn cấm dân pháp uống rượu, ngay cả 1 ly cũng không được.

Giáo sư Didier Raoult cho rằng lập luận đó để cấm uống rượu là hoàn toàn trừu tượng vì nó đi ngược lại với những kết quả nghiên cứu khoa học .

Tại sao có nghịch lý đó? Trong dân chúng có những bệnh nhân ung thư vì những nguyên nhân khác nhau như thuốc lá, môi trường nhiễm độc, …mà những người này có uống rượu nên Viên Ung thư công bố mà không phân biệc tách bạch nguyên nhân.

Điều quan trọng nữa là trong sinh học không có ngưỡng cửa an toàn (seuil de sécurité) . Uống 4 ly ngày là gia tăng tuổi thọ . Nhưng ly như thế nào, 1 chai VIN có 75 ml, rót ra 6 ly, 4 ly và 2 ly cũng được .

Người giỏi toán và thông minh dĩ nhiên sẽ chọn 2 ly / chai và ngày chỉ uống 4 ly đúng theo lời khuyên của bác sĩ !

Xin đừng bao giờ quên lời dạy của Giáo sư Didier Raoult ở Marseille là VIN làm tăng tuổi thọ !

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

Ngọn Cỏ Gió Đùa, cuốn phim đạo lý

$
0
0

Ngọn Cỏ Gió Đùa - Hồ Biểu Chánh

Tổ chức sản xuất Hà Thanh Bình tại Việt Nam mới thực hiện phim Ngọn Cỏ Gió Đùa năm 2012-2013, phim dành cho truyền hình 45 tập, nhà đạo diễn phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, phim hiện có trên youtube.com và một số trang mạng điện ảnh.

Hồ Biếu Chánh (1884-1958)  là một nhà văn lớn, một nhà học giả tại miền Nam đi tiên phong dùng chữ quốc ngữ sáng tác, ông viết đủ thể loại như dịch thuật, thơ, tùy bút phê bình, hồi ký , hát bội, cải lương, tiểu thuyết. Ông là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam thập niên 20, uyên thâm Hán học, thông cả Pháp văn. Toàn bộ sự nghiệp của ông gồm trên 100 tác phẩm, trong đó tiểu thuyết gồm 65 cuốn, biên khảo 25 cuốn….

Ngọn Cỏ Gió Đùa là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của miền Nam đã được quay thành phim cuối thập niên 1950 tại Sài Gòn, sau này được diễn thành tuồng kịch, cải lương.. và đã được quay thành phim mấy năm gần đây. Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã phỏng theo Les Misérables (1862), cuốn tiểu thuyết trường thiên của văn hào Victor Hugo (1802-1885). Trước năm 1975  tôi đã được đọc ba tác phẩm tiêu biểu của Victor Hugo : Notre- Dame de Paris (1831), Les Misérables (1862), Les Travailleurs de la mer (1866).. vì đã khá lâu nay chỉ còn nhớ sơ lược truyện Notre-Dame de Paris

Qua chương trình văn học nghệ thuật đài RFI năm 2008 và sau này 2014, nhà biên khảo Thụy Khê thực hiện một bài dài kỷ niệm 50 năm cụ Hồ Biểu Chánh qua đời (có đăng trên wikipédia Việt ngữ), bài có đề cập tới cuốn Ngọn Cỏ Gió Đùa. Theo tác giả Thụy Khê ông Hồ Biểu Chánh viết Ngọn Cỏ Gió Đùa phỏng theo Les Misérables và đánh giá ở Việt Nam chưa tiểu thuyết nào có tầm cỡ như Ngọn Cỏ Gió Đùa.

Ông Hồ Biểu Chánh đã dành 5 năm để dựng truyện này rồi viết trong vòng 2 tháng thì hoàn tất và in năm 1926. Hồ Biểu Chánh giữ nguyên cốt truyện Les Misérables, nhưng đưa bối cảnh vào xã hội Việt Nam thế kỷ XIX, dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Tác phẩm của ông đề cao các giá trị Á Đông: lòng trọng nghĩa khinh tài của người chính nhân quân tử, ý nghiã từ bi hỷ xả của đức Phật Thích Ca, lòng đoan trinh của người phụ nữ và đạo hiếu trong gia đình.

Nhà đạo diễn đã cho viết lại truyện Ngọn Cỏ Gió Đùa và đưa về thập niên 1920 thời  Pháp thuộc, tên các nhân vật được giữ nguyên như cũ, ở đây tôi chỉ chú trọng vào cuốn phim nhiều tập  kể trên.

Tử một tác phẩm lớn của văn chương Pháp được Hồ Biểu Chánh phóng tác thành một cuốn tiểu thuyết thời nhà Nguyễn thế kỷ thứ 19 bối cảnh tỉnh Gò Công, nhà đạo diễn lại một lần nữa chuyển thành một cuốn phim Việt Nam đề tài thập niên 1920 thời thực dân (Lang Sa) cũng lấy bối cảnh Gò Công, quê hương cụ Hồ Biểu Chánh.

 Xin giới thiệu sơ các nhà dựng phim và tài tử như sau

Đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum

     Biên kịch: Võ Đắc Dự

     Dựng phim: Viết Long Thu Oanh

     Âm nhạc: Ngọc Sơn

     Tổ chức sản xuất: Hà Thanh Bình

     Giám đốc sản xuất: Nguyễn Ngọc Bình

     Tài tử chính và các vai

     Ngọc Hưng: trong vai Lê Văn Đó

     Mai Phương:   Cô Lụa

     Hà Trí Quang: Từ Hải Yến, quan Phủ hạng nhất

     Lê Quốc Nam: Bá hộ Cao

     Kim huyền: Vợ Bá hộ Cao

     Tô Châu: Hòa thượng Chánh Tâm

     Phương Bằng: Đỗ Cẩm

     Uyên Thảo: Vợ Đỗ Cẩm

     Thanh Hiền: Ánh Nguyệt

     Dài: hơn 30 tiếng

Sơ lược truyện phim

“Tại một làng nghèo thuộc tỉnh Gò Công, anh Lê Văn Đó con một gia đình nông dân nghèo đói, đính ước với cô Lụa. Một hôm vì cả nhà đói quá anh lẻn ăn cắp nồi cháo heo nhà Bá hộ Cao bị bắt, vợ chồng Bá hộ nổi tiếng độc ác trong vùng, họ vu cho Lê Văn Đó tội chủ mưu ăn cướp đưa  anh vào đường tù tội, bị kết án 10 năm. Đó bỏ trốn, đánh cả quan ba coi tù bị bắt lại, họ kết tội chung thân đầy đi Côn Đảo.

Tại làng cũ, cô Lụa bị nhà Bá Hộ hãm hại, phải trốn đi, người ta tin là cô đã nhẩy xuống sông tự vẫn. Nhà Bá hộ độc ác bị phá sản, cậu con quí tử phá của, chủ nợ cho tịch biên gia sản, hai vợ chồng Bá hộ trắng tay bị gậy ra đi.

Ngoài Côn đảo Lê Văn Đó và nhóm bạn tù uống máu ăn thề lập đảng diệt gian trừ bạo, vượt ngục về đât liền để giúp Đó trả thù nhà Bá Hộ. Họ về được quê cũ, lẩn tránh chính quyền truy nã.

Hòa thượng Chánh Tâm, ông Đàm Tự Chân, ông thầy đồ Lỳ Kỳ Nguyên là ba người bạn thân lập hội kín chung sức giúp việc nước. Ánh Nguyệt con gái thầy đồ lên Gia định tìm cha bị vợ chồng Đỗ Kiểm lường gạt đầy đọa, bóc lột dã man. Cô được Từ Hải yến, viên quan trẻ cứu thoát, y gian díu với Nguyệt rồi bỏ rơi nàng theo tiếng gọi của công danh mặc dù đã có đứa con gái với Nguyệt. Từ Hải Yến ngày càng giầu có thế lực hãm hại nhiều người.

Nhóm anh em tụ nghĩa đã hội ngộ cùng nhau trong khi Lê Văn Đó đi lạc vào một ngôi chùa, được Hòa Thượng Chánh Tâm cứu giúp. Ở chùa một ít ngày chàng trốn đi, đánh cắp bình trà quí của Hoa Thượng, bị mã tà bắt đem về chùa để Hòa thượng xác nhận tang vật, nhưng ông lại nói đã tặng cho Đó bộ trà này khiến chàng thoát nạn. Đức từ bi của nhà sư đã đánh thức lương tâm chàng.

Lê Văn Đó trong lòng vẫn ôm mối thù nhà Bá hộ Cao, Hòa thượng Chánh Tâm biết vậy đã khuyên nhủ chàng:

“Thù hận sẽ thiêu đốt thí chủ như ngọn lửa hồng

   Lòng nhân hậu như làn gió mát đưa thí chủ thoát khỏi vô minh tới vùng ánh sáng hoan lạc”

Một hôm Hòa thượng bàn với ông bạn Đàm Tự Chân vê việc xây dựng một cơ sở từ thiện, dưỡng đường nuôi người già yếu, trẻ mồ côi. Hòa thượng nhớ lại mấy chục năm trước khi ông còn trẻ ngồi đàm đạo với hai người bạn Đàm Tự Chân và thầy đồ Lý Kỳ Nguyên, bỗng một người bị thương sắp chết mang một gói vàng chạy vào lăn ra đất. Người này nói do Giang Thành sư huynh cử đến, mấy chục nghĩa quân đã hy sinh mở đường máu cho người này mang vàng tới nhà sư Chánh Tâm, ông đã tham gia nghĩa quân chống bọn Lang Sa (thực dân) cải trang tu hành sau thành tu sĩ. Số vàng này là dự trữ quân lương, vũ khí của nghĩa quân chống bọn Lang Sa, trước là để báo quốc sau là giúp dân lành, mấy chục năm qua, nhà sư cất dấu vàng vì chưa có cơ hội lo việc báo quốc nay đem ra giúp dân.

Hòa thượng và ông Đàm Tự Chân bàn việc xây trang viện, một dưỡng đường nuôi người già yếu, trẻ mồ côi. Nhân khi ông Đàm Tự Chân biết Michell, một ông điền chủ người Pháp muốn bán lại 600 mẫu ruộng, Từ Hải Yến, ông phủ hạng nhất ép giá trả rẻ nhưng Mitchell chưa bán. Hòa thượng bàn với Đàm Tự Chân việc mua điền sản và sẽ giao cho Lê Văn Đó đứng tên và điều hành cơ sở từ thiện, anh là người mà ông tin tưởng, Đó cảm phục nhà sư đổi tên là Trần Chánh Tâm.

Việc mua điền sản đã xong, Lê Văn Đó bây giờ đóng vai Bá hộ Chánh Tâm, anh quản lý các tá điền, thu lợi tức để nuôi trang viện, Chánh Tâm còn được cô Kim Huê, con gái Đàm Tự Chân phụ giúp sổ sách. Vợ chồng Bá hộ Cao sa cơ thất thế tình cờ vào trang viện xin cứu giúp. Lê Văn Đó nhớ ra nhưng chàng cố quên thù cũ theo lời dậy hỉ xả của Hòa thượng.

Thầy đội Kỳ trước đã bắt và đánh đập Lê Văn Đó nay gặp bá hộ Chánh Tâm sinh nghi, thầy thổ lộ với Từ Hải Yến, tên tham quan này vin vào đó buộc Chánh Tâm phải nhường lại toàn bộ trang viện và ruộng nương cho y. Nhóm bạn tù kết nghĩa của Đó vẫn theo dõi và bảo vệ chàng, họ bắt cóc Từ Hải Yến đem về sào huyệt hạch tội và thay mặt công lý xử tội y.

Mã tà bắt được một người rất giống Lê Văn Đó và kết tội anh đã vượt ngục nhiều năm trước. Viện chủ Chánh Tâm giao lại trang viện cho những người khác quản lý, chàng ra tòa tự nhận mình là Lê Văn Đó để cứu người hàm oan”

*  *  *

Mấy thập niên vừa qua điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan thực hiện những phim nhiều tập, thường gọi là phim bộ, loại này để chiếu trên truyền hình. Nay Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều phim bộ, nói chung phim Tầu cũng như phim Hàn có mục đích thương mại, bình dân, họ có thực hiện một ít phim nghệ thuật để dự giải tại các Đại Hội điện ảnh. Phim Việt Nam nay chịu ảnh hưởng các phim Á châu, chỉ có một số ít phim nghệ thuật và phần nhiều phục vụ thị hiếu quần chúng

Bi kịch Ngọn Cỏ Gió Đùa là một trong những phim hiếm của Việt Nam chú trọng về nghệ thuật, cuốn phim đã làm sống lại xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc với hình ảnh cường hào ác bá áp bức lương dân. Phim có giá trị lịch sử, nghệ thuật, đạo lý, nêu bật chuyện thiện ác, nhờ đức từ bi hỷ xả câu chuyện mà thành. Đạo lý đã khai sáng tuệ giác con người, chân tu mới chuyên chở được đạo nghĩa. Lê Văn Đó từ một người tù vượt ngục trở thành viện chủ một trang viện từ thiện, chàng cảm phục từ tâm của nhà sư mà hóa cải con người mình. Từ bi hỉ xả đã khiến chàng ta từ một người tù khổ sai trở thành một viện chủ cứu giúp những người nghèo khó, trẻ mồ côi

Giữa khi đạo đức luân lý tại Việt Nam đang phá sản, cuốn phim có khuynh hướng giáo dục là một cố gắng lớn đáng được đề cao.

Ngọn Cỏ Gió Đùa chịu ảnh hưởng các nền đạo lý cổ nước nhà như giáo lý nhà Phật, Khổng mạnh, tinh thần nhân quả: gian ác như Bá hộ Cao, vợ chồng Đỗ Kiểm bị tên tham quan gian ác Từ Hải Yến giết hại và rồi chính y bị các nghĩa sĩ, đồng bọn của Lê Văn Đó thay mặt công lý xử tội.

Những cảnh hồi hộp bất ngờ lôi cuốn khán giả pha với nhiều tình tiết ý nghĩa về giáo dục, tình người, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cho thấy phim thích hợp với mọi tầng lớp khán giả, bình dân cũng như trí thức. Nhà đạo diễn cố gắng thực hiện những phong cảnh, dinh thự, xã hội cổ xưa phù hợp với thập niên 1920. Dàn cảnh công phu, tỉ mỉ thực hiện được những pha khó khăn: buổi lao động khổ sai của bọn tù lưu đầy ngoài Côn đảo, cuộc vượt ngục gian khổ qua hình ảnh chiếc bè lênh đênh giữa biển khơi.

Nhờ diễn suất tuyệt vời của các tài tử, vai chính cũng như vai phụ đã khiến cuốn phim sống động gần với sự thật hơn.

Tuy nhiên, mặc dù nhà làm phim có nhiều cố gắng nhưng cách trang phục sang trọng của một số nhân vật không đúng với cách ăn mặc thời xa. Thập niên 1920 một ông quan đầu quận chưa thể có xe hơi tài xế lái như trong phim, thập niên này chưa có loại xe traction như cảnh Từ  Hải Yến thường lái, thực ra chỉ thập niên 30, 40 mới có loại xe traction sang đẹp như thế

Phim mở đầu bằng điệu nhạc bi ai, nhạc đệm buồn thảm tô điểm thêm cho vở bi kịch, từ đầu chí cuối chỉ thấy toàn là chuyện sầu não bi ai. Cảnh phá sản của gia đình họ Cao khiến cho người xem thấy thân phận nghiệt ngã của con ngưới, cảnh bể dâu vô thường cuộc đời mong manh là nhường nào.

Trước khi ra tòa nhận tội vượt ngục trước tòa án tại sài Gòn để cứu người hàm oan vô tội, viện chủ Trần Chánh Tâm căn dặn người ở lại lo quản lý trang viện, dặn cô con gái nuôi học hành chăm chỉ.

Cảnh cuối phim, viện chủ ra toà nhận tội, bị đầy ra Côn Đảo trở lại con người tù Lê Văn Đó, thời gian trôi như nước chẩy qua cầu. Lê Văn Đó nay đầy những râu tóc đã hoa râm ngồi ngoài bãi biển, sóng vỗ dạt dào trên các tảng đá ven bờ, ông già đọc thư của cô con gái nuôi từ đất liền gửi ra. Cô cho biết mọi người đều thương nhớ ông, thấm thoắt cô đã lấy chồng, sinh được một đứa con trai….

Lê Văn Đó ngồi nhìn sóng vỗ dạt dào dưới chân tự nhủ:

“Con người thật là ngốc nghếch, tranh đoạt lợi danh, có tất cả rồi cũng sẽ chết, ta đây Lê Văn Đó rồi cũng sẽ chết”

Nhìn bóng chim lượn trên làn sóng vỗ ông già nói tiếp:

“Ai mà chẳng muốn một cuộc đời vinh hoa phú quí tỏa sáng như những ngôi sao, nhưng nếu để được vinh hoa mà phải dẫm đạp lên đồng loại thì ta thà làm ngọn cỏ, tuy yếu đuối nhưng biết nương tựa vào nhau trước sức gió đùa”

Một ít ý nghĩa vô thường của nhà Phật và một chút tinh thần vô vi lão trang để kết thúc vở bi kịch não nùng.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

Chết mới được ra lời

$
0
0

( bài viết nhân đọc cuốn Hồi ký xuất bản năm 2009 của Cố Thủ tướng Triệu Tử Dương:

bản Anh ngữ nhan đề : “Prisoner of the State – The Secret Journal of

Premier Zhao Ziyang “do nhà xuất bản Simon & Schuster New York ấn hành )

51XBQtcxaIL

Sau biến cố Thiên An Môn vào đầu tháng 6 năm 1989, ông Triệu Tử Dương bị tước đoạt mọi chức vụ lãnh đạo và bị đặt trong tình trạng quản chế nghiêm ngặt tại nhà riêng ở Bắc kinh. Vào khoảng năm 1999-2000, ông tìm cách tường thuật lại sự việc liên hệ đến biến cố này trong khỏang 30 băng ghi âm cỡ nhỏ, rồi hết sức kín đáo chuyển được ra bên ngoài, phân tán tại nhiều nơi khác nhau để tránh bị phát hiện và bị tịch thu. Ông lìa đời vào năm 2005, ở tuổi 86 (1919 – 2005).

Mãi đến năm 2009, nhân dịp tưởng niệm năm thứ 20 các nạn nhân bị thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, thì cuốn Hồi ký này mới đươc công bố với công chúng tại Trung Hoa và khắp nơi trên thế giới, tức là phải đến 4 năm sau khi tác giả đã từ trần. Vì thế mà bài viết này mới có nhan đề là : “ Chết mới được ra lời”.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin bắt đầu bằng việc lược thuật về thân thế và sự nghiệp của tác giả, sau đó sẽ giới thiệu chi tiết về cuốn Hồi ký rất có giá trị này của vị cố Thủ tướng được nhiều người dân Trung quốc mến mộ và thương tiếc.

I – Sơ lược tiểu sử của Thủ tướng Triệu Tử Dương (1919-2005)

Sinh năm 1919 tại tỉnh Hồ Nam, năm 1932 Triệu Tử Dương gia nhập Liên Đòan Thanh niên Công sản. Năm 1936, theo học trường trung học Vũ Xương ở tỉnh Hồ Bắc. Năm 1937, sau khi quân đội Nhật bản xâm lăng Trung quốc, thì Triệu bỏ học, trở về quê nhà tại Hồ Nam và tham gia hàng ngũ kháng chiến chống quân xâm lược do đảng cộng sản tổ chức. Năm 1938, gia nhập đảng cộng sản.

Năm 1949, làm Bí thư đảng tại khu vực Nam Dương tỉnh Hồ Nam. Năm 1951 di chuyển đến tỉnh Quảng Đông, bắt đầu một sự nghiệp thành công của nhà quản lý cấp tỉnh hạt. Năm 1962, được thăng chức Bí thư thứ hai của tỉnh Quảng Đông. Năm 1965 vào độ tuổi 46, Triệu là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất với cương vị Bí thư thứ nhất của tỉnh Quảng Đông.

Năm 1967, trong giai đọan cách mạng văn hóa, ông bị tạm giam ở bộ chỉ huy quân sự tại Quảng châu. Năm 1971, được chuyển đi làm Bí thư tại khu tự trị Nội Mông.

Năm 1972, được trở về Quảng Đông, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng. Năm 1973, được bầu vào chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Trung quốc và năm 1979 trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.

Năm 1975, làm Bí thư Tỉnh Tứ Xuyên. Với chủ trương cải cách nông nghiệp bạo dạn, ông Triệu đã đem lại sự phồn thịnh cho nhân dân địa phương này, và sự thành công của ông đã được nhiều giới thức giả Trung hoa, cũng như ngoại quốc đánh giá cao. Điển hình như kinh tế gia lỗi lạc người Mỹ là Milton Friedman, thì ông này đã từng ca ngợi “Triệu Tử Dương là nhà kinh tế xuất sắc nhất mà tôi đã gặp trong một nước theo xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt ông còn được nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Trung quốc Đặng Tiểu Bình chú ý và đề bạt lên giữ chức vụ cao hơn ở cấp trung ương.

Năm 1980, giữ chức vụ Thủ tướng của Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Năm 1984, với cương vị này, tại thủ đô Bắc kinh họ Triệu cùng với Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh quốc đã ký Bản Tuyên bố chung về việc trao trả chủ quyền của Hongkong về lại cho Trung quốc vào ngày 1 tháng Bảy năm 1997.

Năm 1987, ông giữ chức vụ Quyền Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung quốc, thay thế ông Hồ Diệu Bang. Trong cương vị mới này, ông Triệu đã tìm cách hạn chế việc Bộ chính trị can thiệp vào các vụ kiện do phiên tòa xét xử, và ngưng việc kiểm sóat trong các sinh họat văn học nghệ thuật. Hành động này đã gây bất bình cho giới bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản.

Tháng 4 năm 1989, sau khi Hồ Diệu Bang qua đời, sinh viên khởi sự biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Quan điểm của Tổng Bí thư Triệu Tử Dương là tìm cách đối thoại với sinh viên để giải quyết êm thắm vụ việc đòi hỏi cải cách chính trị này. Nhưng Đặng Tiểu Bình lại có chủ trương cứng rắn là : phải ban hành thiết quân luật để đàn áp cuộc “nổi loạn” này. Họ Triệu bày tỏ sự bất đồng với lối giải quyết tàn bạo đó. Ông thuật lại : “Tôi từ chối không chịu là một vị Tổng Bí thư mà lại huy động quân đội để đàn áp sinh viên”.

Do đó, mà ông bị giới lãnh đạo cứng rắn bảo thủ giáo điều trong Bộ Chính trị phê phán và tước đoạt khỏi mọi chức vụ lãnh đạo trong guồng máy nhà nước. Và từ sau ngày thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đó, họ Triệu hoàn toàn bị cô lập và quản chế tại gia, cho đến khi lìa đời vào năm 2005, ở tuổi thọ 86.

II – Những nét chính yếu trong cuốn Hồi ký.

Cuốn Hồi ký dài cỡ 300 trang, chưa kể bài tựa và bài giới thiệu của nhà xuất bản, tổng cộng gần 20 trang. Nhan đề ấn bản tiếng Anh là “Prisoner of the State” ( Người tù của Nhà nước), kèm theo phụ đề là “the secret journal of Zhao Ziyang “ (Nhật ký bí mật của Triệu Tử Dương).

Nhóm chủ trương phổ biến tài liệu này đã phải làm việc rất thận trọng để khai thác các băng ghi âm, và rồi công phu sắp xếp, biên tập và dịch thuật để có thể trao được tới người đọc khắp thế giới cuốn sách thật quý giá này qua ấn bản Anh ngữ, mà người viết đã có trong tay từ mùa hè năm 2009, vào lúc tôi đang viếng thăm

thành phố New York. Và tuy không được biết đến ấn bản Hoa ngữ, nhưng tôi tin rằng với lối làm việc nghiêm túc, cẩn thận như đối với bản Anh ngữ, thì chắc chắn là độc giả người Hoa cũng sẽ được hài lòng với tác phẩm trong chính ngôn ngữ nguyên gốc của vị Thủ tướng thật đáng quý trọng của họ vậy.

Sách được chia thành 6 phần, mỗi phần gồm nhiều chương nhỏ với tiêu đề riêng biệt. Xin liệt kê nhan đề của 6 phần như sau :

Phần 1 : Cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Phần 2 : Quản chế tại gia.

Phần 3 : Gốc rễ của cuộc bùng nổ kinh tế của Trung quốc.

Phần 4 : Chiến sự bên trong Bộ Chính trị.

Phần 5 : Một năm xáo trộn.

Phần 6 : Trung quốc phải thay đổi như thế nào.

Nói chung, thì tác giả đã tìm cách trình bày diễn giải về sự xáo trộn của Trung quốc trong mấy năm tháng dẫn đến biến cố đẫm máu Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, cũng như những mâu thuẫn đối nghịch trong nội bộ giới lãnh đạo của đảng cộng sản hồi đó. Bằng lối tường thuật bình tĩnh, trung thực họ Triệu đã góp phần làm sáng tỏ những sự việc phức tạp mà nhà nước cộng sản đương quyền ở Trung quốc đã cố tình dấu nhẹm, hay bóp méo sự thật đi. Do vậy mà tài liệu này được giới thức giả quốc tế đánh giá là có độ khả tín và chính xác rất cao, phù hợp với nhân cách của một bậc “chính nhân quân tử” như trong truyền thống ngàn xưa của dân tộc Trung quốc.

Xin trích dẫn một số đọan văn điển hình tiêu biểu như sau :

A – Vụ đàn áp ngày 4 tháng 6 (trang 33 – 34) : … “ Đêm ngày 3, lúc ngồi trong sân với gia đình, tôi nghe tiếng súng nổ dữ dội. Tấn bi kịch làm rung động thế giới đã không thể tránh được, và cuối cùng đã diễn ra…Đã nhiều năm trôi qua. Trong số các sinh viên liên hệ đến vụ này, trừ một số nhỏ đi thóat ra nước ngòai, đa số bị bắt giữ, bị kết án và liên tục bị thẩm vấn. Lúc này cần phải làm sáng tỏ sự thực…Trước đó, tôi đã nói rằng đa số sinh viên chỉ đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa những sai trái, chứ họ không nhằm lật đổ hệ thống chính trị của chúng ta…”

B – Đi tìm đường lối thích hợp ( trang 112 – 113) : …” Dĩ nhiên lúc đầu tôi cũng chỉ hiểu nông cạn, mù mờ về cách thức tiến hành cuộc cải cách…Tôi khởi sự với ý muốn duy nhất là cải thiện hiệu năng kinh tế…, để người dân thấy được những thành quả rõ rệt… Và lần hồi, chúng tôi đã tạo ra được lối đi đúng hướng”.

C – Con đường tiến tới (trang 270) : “ Dĩ nhiên, có thể trong tương lai một hệ thống chính trị tiến bộ hơn nền dân chủ đại nghị sẽ xuất hiện. Vào lúc này, thì chưa thể có con đường nào khác.

Căn cứ vào đó, ta có thể nói rằng nếu một quốc gia muốn hiện đại hóa, thì không những nó phải áp dụng nền kinh tế thị trường, mà còn phải chấp nhận nền dân chủ đại nghị như là hệ thống chính trị của mình…”

III – Thay lời kết luận.

Như đã trình bày ở trên, cuốn hồi ký này chỉ được xuất hiện với công chúng vào năm 2009, tức là 4 năm sau khi tác giả là Thủ tướng Triệu Tử Dương lìa bỏ cõi đời vào đầu năm 2005. Người viết lấy nhan đề bài này là “Chết mới được ra lời”, đó là mượn lời trong bài thơ của người Phật tử Nhất Chi Mai viết để lại trước khi tự thiêu để cầu nguyện cho Hòa bình, tại sân chùa Từ Nghiêm ở đường Bà Hạt Chợ Lớn vào Mùa Phật Đản năm 1967. Câu thơ đó như sau :

Sống mình không thể nói

Chết mới được ra lời “.

Năm 2008, nhân kỷ niệm năm thứ 60 ngày công bố Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, hàng mấy trăm sĩ phu trí thức ở Trung quốc đã cùng ký tên vào bản “Linh Bát Hiến Chương” (Charter 08) kêu gọi đảng cộng sản phải cải cách hệ thống chính trị và mở rộng tự do phát biểu và xây dựng nền tư pháp độc lập. Thế mà nhà cầm quyền Bắc kinh đã thẳng tay đàn áp bằng cách bắt giữ nhiều nhân vật đã ký tên vào văn kiện lịch sử này. Điển hình là nhà đối lập Lưu Hiểu Ba bị kết án tù nhiều năm, mà lại vừa được cấp phát Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 vừa đây. Hành động can đảm bất khuất đó của giới sĩ phu trí thức Trung quốc rõ ràng là đã theo tấm gương kiên cường tiến bộ của những bậc đàn anh như Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương.

Vào năm 2011 này, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng Hoa Lài đang vũ bão diễn ra tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, chúng ta cầu mong cho người dân Trung quốc cũng sẽ thực hiện được một cuộc cách mạng mới như cha ông của họ đã làm được cách đây đúng một thế kỷ, đó là cuộc Cách mạng năm Tân Hợi 1911, lật đổ vương triều phong kiến nhà Mãn Thanh để thành lập được một nền Cộng hòa đầu tiên tại xứ này.

Và chúng ta cũng quyết tâm góp phần vào công cuộc tranh đấu của tòan thể bà con tại quê nhà Việt nam để xóa bỏ hẳn được cái chế độ độc tài phản động thối nát, mà lại tàn bạo sắt máu do đảng cộng sản đã áp đặt từ lâu trên đất nước thân yêu của chúng ta nữa vậy./

California, tháng Ba 2011

© Đòan Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Phạm Ngọc Lư- Người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam

$
0
0
Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Từ độ “đất trời dị biệt, gió mây bất đồng“ thì nền văn học miền Nam bị khai tử. Và tròn bốn mươi năm, tưởng chừng nó cũng đã chìm vào lãng quên. Nhưng nhìn lại, dường như dòng văn học ấy vẫn nảy nở, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Có thể nói, ngay sau biến cố 1975 dòng chảy đó tự chẻ ra như những nhánh sông luân lạc… rồi tìm về, tụ lại đó đây. Tuy chưa thể cháy lên, nhưng nó đã cùng với những nhà thơ, nhà văn hải ngoại làm ấm lại phần nào cho nền văn học miền Nam.

Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 tại một làng nhỏ vùng duyên hải thuộc huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên cách thành phố Huế khoảng 30 cây số về hướng Đông Nam, trong một gia đình thuần nông. Ngay từ thuở ấu thơ Phạm Ngọc Lư đã được cha và người bác truyền dạy chữ Hán. Ông là cựu học sinh Quốc Học, sinh viên Viện Hán học và Đại học Văn Khoa Huế. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn, ông về dạy học ở Tuy Hòa. Năm sau, 1968, ông bị (được?) động viên nhập ngũ khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Chỉ một thời gian ngắn tập luyện ở quân trường, ông lại được biệt phái trở về ngành giáo dục. Nhưng sau năm 1975, ông bỏ nghề. Từ đây, hoàn cảnh, xã hội đã đẩy Phạm Ngọc Lư phiêu bạt nhiều nơi, có những lúc cuộc sống, tâm hồn tuyệt vọng, tưởng chừng ông đã đoạn tuyệt với thi ca. Nhưng rồi chính nó lại là điểm tựa, giúp ông vượt qua những đắng cay, tủi nhục ấy. Và Đà Nẵng mới là nơi hội tụ, điểm dừng chân cuối, không chỉ riêng ông, mà còn của nhiều thi nhân lỡ bước khác.

Phạm Ngọc Lư xuất hiện trên thi đàn rất sớm. Từ năm 17 tuổi (1963) ông bắt đầu tập viết và vài ba năm sau đó đã có thơ và truyện đăng trên các báo, nguyệt san: Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Thơ Phạm Ngọc Lư mang đậm chất cổ thi và sử dụng nhiều điển tích cũng như từ ngữ Hán Việt. Do vậy, thơ ông cổ kính sang trọng, nhưng khi đọc lên tưởng chừng rất dễ vỡ.

Qủa thực, khi đọc, nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, đôi khi ta bắt gặp một vài thủ pháp nghệ thuật sử dụng hình ảnh, câu từ khá tương đồng với cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Bởi, có lẽ hai thi sĩ đều có điểm chung, học chữ Hán và có nền tảng cổ văn khá vững, ngay từ thuở thiếu thời chăng? Tuy là vậy, nhưng tư tưởng, hồn vía trong thơ lại có những khúc rẽ rất khác nhau.

*Tiếng chuông chiêu hồn vọng lên trong thơ.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước không có một ngày bình yên, do vậy Phạm Ngọc Lư thấm được nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh và nỗi thống khổ sau cuộc chiến. Là nhà giáo, không phải cầm súng nơi chiến trường, nhưng với ngòi bút của mình, người thi sĩ trẻ ấy đã bóc trần sự thật của chiến tranh. Có thể nói, Biên Cương Hành là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất Việt. Đa số những bài viết về đề tài chiến tranh, hay cổ động chiến tranh thường có giá trị nhất thời. Nhưng Biên Cương Hành lại có sức sống dẻo dai và sự lan tỏa mạnh mẽ, bởi ngoài sự thật tàn khốc của chiến tranh, nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao.

Bài thơ này, Phạm Ngọc Lư viết vào tháng 5-1972, theo thể Hành, như những tiếng chuông chiêu hồn vọng lên trong không gian (đã trở về) tĩnh lặng, giữa chiến trường sặc mùi tanh của đất chết. Với chỉ một câu khẩu ngữ so sánh cũ kỹ, bình thường: “Chiến trường ném binh như vãi đậu“ nhưng đã được thi sĩ đặt đúng vào vị trí, văn cảnh, nó trở thành câu mới, hình tượng so sánh ẩn dụ mới. Hình ảnh đó là sự tàn nhẫn, với nỗi đau tận cùng và thân phận rẻ mạt của người lính trong chiến tranh. Và đằng sau nó như một bản cáo trạng tội ác đối với những kẻ đã gây ra cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn của nhà thơ. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:

… Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn…“ (Biên cương hành)

Viết về chiến tranh, có lẽ không có thể thơ nào chuyển tải và lột tả hết cái bi thương bằng thể thơ Hành. Thật vậy, như có lần tôi đã viết: Hành thuộc thơ cổ, có xuất xứ từ Trung Quốc, thường viết theo thể thất ngôn, ngũ ngôn, hoặc dài ngắn tùy thuộc tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nó là thể thơ khó nhằn, khó viết. Nhìn chung, các nhà thơ Việt rất ít sử dụng thể loại này.

Đã đọc khá nhiều thơ thể hành, nhưng quả thực, còn đọng lại trong tôi không nhiều. Bởi, tuy là thể thơ mang tính tự do, phóng khoáng, nhưng để đạt đến cái đỉnh bi tráng, thực sự lay động lòng người, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Với tôi, kể từ khi có thơ mới đến nay: Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên, Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư và Đau Thương Hành gần đây của Thế Dũng là những bài thơ hay, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, khi đọc thể loại này.

Phạm Ngọc Lư dường như đã bước ra khỏi cuộc chiến, để viết. Với cái nhìn bình tâm và khách quan như vậy, hình ảnh chiến tranh cũng như thân phận con người hiện lên một cách trung thực nhất. Và con đường cùng, tịt lối ấy: “Chưa hết thanh xuân đã cùng đường“ không chỉ dành riêng cho những người lính, hay những cô phụ mà là ngõ cụt cho cả một dân tộc:

“…Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?...“ (Biên cương hành)

Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là một nhà thơ giầu trí tưởng tượng, có lối nhìn và sự quan sát tỉ mỉ. Chỉ với một vài hình tượng so sánh:“Tử khí bốc lên dày như sương/ Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu“ ông đã dựng lại khung cảnh khác tang thương hơn, ngay sau trận chiến. Tuy không nghe tiếng súng tiếng bom, nhưng ta thấy mùi tử khí bốc lên ngùn ngụt. Nó phơi bày sự chém giết, hủy diệt một cách tàn nhẫn của con người với con người.

Nếu Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du làm cho ta phải rợn người khi đọc, thì Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư sẽ làm ta phải sởn gai ốc, lạnh toát cả sống lưng. Thật vậy, đây là áng văn chiêu hồn hú lên, không chỉ cho những cô hồn đã chết, mà còn cho cả những cô hồn còn sống trong cũng như sau cuộc chiến này:

“…Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương…“ (Biên cương hành)

Gần đây có một nhà thơ già bảo tôi: Sau 43 năm, đọc lại Biên Cương Hành, vẫn cảm thấy mới và có những cảm xúc như lần đầu vậy.

Vâng! Đúng vậy, đó là một thi phẩm toàn bích của Phạm Ngọc Lư. Và tôi nghĩ, cùng với Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính…Biên Cương Hành của ông sẽ sống cùng thời gian.

*Thân phận trí thức sau chiến tranh.

Có lẽ, sau chiến tranh, sự bắt bớ cải tạo tù đày, đánh công thương, di dân kinh tế mới còn dã man, rùng rợn hơn cả bom rơi đạn nổ thời chiến. Nếu thời chiến, chiến trường chỉ xảy ra ở một khu, một vùng, thì thời bình (sau 30-4-1975), chiến trường mới thâm hiểm hơn, trải dài trên toàn tấm thân gầy đất Việt. Do vậy, bình an không thể tìm bất cứ nơi nào trên đất mẹ. Dòng người lao ra biển, người ở lại luẩn quẩn trong vòng tròn nghiệt ngã.

Cuộc sống bần cùng không lối thoát ấy, đã được thi sĩ chép lại bằng thơ. Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là hình ảnh điển hình nhất của trí thức miền Nam sau ngày 30 tháng 4. Từ một nhà thơ, người thày, bị bật ra khỏi cuộc sống và xã hội, ông ngơ ngác giữa vòng đời nghiệt ngã:“Ma xui quỷ khiến ta ngồi chợ/ bán gió rao trăng một núi dừa!“. Trong tận cùng bi thảm đó, chìm vào những cơn say, mới có thể làm cho người thi sĩ quên đi những bi quan và chán trường chăng?

“Thôi để yên ta bên chén rượu
Uống say…thành bại cũng bằng thừa
Uống say…ném áo lên nóc quán
Hết nợ hết duyên vĩnh biệt dừa“ (Ngồi chợ)

Nhưng thi sĩ đã lầm. Rượu và những cơn say ấy, chỉ có thể bần cùng hóa thi nhân, chứ không thể kéo ông ra khỏi những gian nan, rách nát của cuộc đời. Và biên cương sặc mùi tử khí, cao su rừng được bón bằng những xác người chết trận, chắc hẳn là nơi thi sĩ phải đi đến:

… Trời sinh chi đôi vai thêm khổ
Gánh gian nan như gánh tội đồ
Sinh chi kẻ sĩ đem đày đọa
Chôn vùi nơi nắng bẩn mưa dơ
Đi giữa rừng cao su trùng điệp
Lòng đau như vết cạo còn tươi
Mủ cứ chảy bám dày tâm sự
Tâm sự đùn cao như gò mối chôn người…“ (Bụi đỏ)

Người thi sĩ như đèn cù bị dẫn chạy trong vòng vạch sẵn. Cánh đồng hoang bủa vây thân người. Chân trời rộng, nhưng đường về không lối. Sự đầy đọa về thể xác lẫn tư tưởng tâm hồn con người của chế độ hoang tưởng đương thời, không chỉ báo hiệu con đường cụt trước mặt, mà còn giết chết linh hồn của cả một dân tộc. Chiều Qua Châu Thổ là ký ức về những năm tháng lặn ngụp ở đầm lầy Đồng Tháp của Phạm Ngọc Lư. Tuy nó không nằm trong số những bài thơ hay nhất của ông, nhưng đọc ta thấy được tâm trạng cũng như thân phận bèo bọt của kiếp người:

…Đồng khô rậm tiếng ếch kêu
Mây hoang ủ rũ đăm chiêu rối lòng
Chân trời dang rộng mênh mông
Cố hương thăm thẳm tịnh không lối về
Giang hà im bặt thuyền ghe
Tha phương nhật mộ… não nề bèo mây“

Tròn một con giáp trong cái vòng luẩn quẩn “Đất khách lênh đênh tròn một giáp/ Mười hai năm – mười hai bến đục ngầu“ Phạm Ngọc Lư vùi mình trong kiếp lưu đày với nỗi đau xé nát tâm hồn. Và chính giai đoạn này, sự bần hàn cơ cực và chiếc còng vô hình treo lơ lửng trên đầu người thi sĩ thực sự đã giết chết tuổi xanh, khóa chặt thi hứng Phạm Ngọc Lư “Đỏ quạch mồ hôi chua cơm áo/ Cơm áo bạc tình bán hết thanh xuân“. Sau này, trong giây phút tĩnh tâm trở lại, Phạm Ngọc Lư đã mượn hình tượng đề thơ trên đá của tiền nhân, để khắc lại nỗi đau và sự cô đơn ấy của mình. Lên Núi Đề Thơ là một trong những bài thơ hay viết theo thể lục bát đã khắc họa thành công con người, tâm trạng của Phạm Ngọc Lư như vậy:

“…Chiều hôm non nước lặng tờ
Lòng tôi gọt đá đề thơ khóc mình
Đau tay khắc đậm chút tình
Mũi dao là lệ nhân sinh ròng ròng
Ngàn sau hồn chữ rêu phong
Miên man thiên địa… tấc lòng du du …»

Sau biến cố 30- 4- 1975, thì giá trị đạo đức, giá trị con người bị đảo lộn tùng phèo. Nền văn học miền Nam chính thức bị khai tử, nạn đốt sách, truy bức, tù tội các nhà văn một cách dã man và tàn bạo. Phải sống trong một xã hội nhơ nhuốc, bóp chặt bao tử, lấy miếng ăn làm thước đo nhân phẩm và cai trị con người như vậy, giữ được nhân cách biết còn lại bao người?

Tuy nhiên, khi đọc và nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, tôi thấy bóng dáng và chí khí kẻ sĩ bất phục trước danh vọng, tiền tài và quyền lực của nhà thơ Hữu Loan ở trong ông. Đề Thơ Trước Mộ Thanh Xuân là một bài thơ hay, được Phạm Ngọc Lư viết gần đây. Nó như một lời tự sự và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái về chính cuộc đời của thi sĩ đã trải qua. Có thể nói, chính đọc bài thơ này của Phạm Ngọc Lư đã gây cho tôi một cảm xúc muốn viết về ông. Chúng ta đọc đoạn trích dưới đây để thấy được cái khí khái và con người thi sĩ Phạm Ngọc Lư :

« Có người bảo ta ngu
Không thèm ăn thóc nhà Chu
Bỏ về quê ăn cỏ
Có kẻ khoái ta ương gàn càn rỡ
Dám chê rượu nhà Tần
Thứ rượu cung đình của phường hiển vinh quý tộc
Tuổi mới ba mươi
Có ai ngờ ta uống hèn nuốt nhục
Lấy giẻ rách che tai
Cắm chông gai rào miệng
Nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn
Trèo lên xe trâu
Lui về quê kiểng
Mài răng gặm nhấm cái thanh bần…”

Sự trấn áp, bóp nghẹt tư tưởng văn nghệ sĩ, trí thức cho đến nay, càng bộc lộ sự yếu đuối, bất lực của chính quyền. Những việc làm ấy, chỉ có thể cưỡng chế, nhục mạ thân xác con người, chứ không thể bóp méo suy nghĩ, tư tưởng của họ. Và tôi tin, linh hồn ấy vẫn rực cháy lên… Thật vậy! Tiền tài, danh vọng rồi sẽ qua đi, nhưng tài năng, hồn khí của những thi sĩ, trí thức như Hữu Loan, Phạm Ngọc Lư… chắc chắn sẽ còn đọng mãi qua nhiều thế hệ người đọc.

*Tìm lại hồn thơ cũ.

Tôi biết và đọc Phạm Ngọc Lư khi đi vào nghiên cứu thể thơ Hành, cách nay chưa lâu. Nhưng có thể nói, thơ ông không cầu kỳ, nhưng sáng và trau chuốt. Nó gắn liền với số phận cùng cực của chính nhà thơ, dưới một xã hội đương thời điên đảo dối trá. Với tâm hồn muôn năm cũ và là người luôn sống bằng những hoài niệm u buồn: «Ngủ quên bên chén rượu tàn / Giật mình tỉnh giấc: hai ngàn năm qua!»Do vậy, thơ ông mang nhiều những ưu tư, có chiều sâu suy tưởng, cho ta cảm giác được trở về gần gũi với tiền nhân hơn, khi đọc. Có lẽ, được học chữ Hán và tiếp cận rất sớm với văn học cổ, nên nó đã ảnh hưởng rất lớn đến thơ văn cũng như quá trình sáng tác của Phạm Ngọc Lư. Ông viết nhiều thể loại, mọi đề tài, nhưng lục bát mới là sở trường của ông. Thật vậy, đọc thi tập Đan Tâm, ta có thể thấy, những bài thơ hay của Phạm Ngọc Lư hầu như đều thuộc về thể lục bát.

Nếu những năm gần đây, nở rộ trào lưu cách tân của những thơ không vần, hay những tượng trưng, siêu thực…thì Phạm Ngọc Lư cần mẫn đi nhặt lại hồn thơ cũ. Và có thể nói, ông là một trong những nhà thơ đã thổi hồn cổ phong vào thơ lục bát:

« …Một trời mây lặng gió im
Vút lên cánh hạc giữa tiềm thức hoang
Bay bay lá mộng chín vàng
Bay theo oanh yến lai hoàn kiếp chim
Chập chờn một bóng hoàng uyên
Nhập thân hoàng hạc vào thiên cổ rồi!…” (Chim Mộng)

Vẫn hồn vía cổ thi, thơ tình lục bát của Phạm Ngọc Lư lại mang dáng dấp hiện đại, mới lạ. Thơ lục bát dễ làm, nhưng để không bị nhạt và nhàm chán thì thật không phải ai cũng làm được. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại, hiện tượng lục bát được cho tài năng Đồng Đức Bốn (Hải Phòng) từ mấy chục năm qua. Có thể thấy, thơ ông có cái vỏ đẹp, mượt mà, nhưng nhìn tổng thể thiếu bề dày, chiều sâu. Bởi, thành thật mà nói, Đồng Đức Bốn dường như viết theo (năng khiếu) bản năng và thiếu phần kiến thức. Khi đọc lục bát Phạm Ngọc Lư, ta thấy được sự tìm tòi sáng tạo và những kiến thức sâu rộng của ông đọng lại trong thơ rất rõ ràng. Thật vậy, một nhà thơ tài năng, ngoài năng khiếu bẩm sinh dứt khoát phải có kiến thức sâu rộng:

“Em từ tình sử bước ra
Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay…

Chờ nhau gác gió lầu mây
Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ
Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ
Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương giang!..” ( Thuyền Quyên)

Trên nửa thế kỷ qua, Phạm Ngọc Lư không ngừng tìm tòi, sáng tạo dung hòa giữa thơ cũ và mới, để tạo ra một con đường đi riêng. Sóng Vỗ là một bài lục bát rất hay, không chỉ là lời tự sự, cũng như tâm trạng của nhà thơ với người bạn đã vượt thoát và đang sống ở bên kia bờ đại dương, mà còn tô đậm thêm con đường thơ lục bát của ông:

« từ khi mưa nắng đổi thay
đất trời dị biệt gió mây bất đồng
người bờ Tây – ta bờ đông
ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm
. . . . .
lòng ta uống gió mà say
tan ra cồn khói đảo mây chập chờn
biển sâu?
ly biệt sâu hơn !
muôn đời sóng vỗ mỏi mòn bến không
mỏi mòn tiếng sóng nghe chung
bờ Tây tóc rụng… bờ Đông bạc đầu! »

Thông thường, một nhà thơ tài năng, dù là cây cao bóng cả, có nhiều bài thơ hay nhưng cũng không thiếu những bài thơ dở. Đặc biệt trong tập Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư, đã đọc nhiều lần, quả thật, tôi không tìm ra bài thơ nào dở hoặc quá dở. Có lẽ, do tính cẩn thận và ông viết rất ít, nên chưng lọc được tinh cốt chăng?.

Và cũng như nhà thơ Vũ Hoàng Chương do dùng nhiều từ cổ Hán Việt cũng như điển tích, cho nên thơ của Phạm Ngọc Lư thường khó nhận được sự chia xẻ, đồng cảm trong giới bình dân.
Nói thơ ông kén người đọc là như vậy.

Leipzig ngày 15-6-2015

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

Chiến Hữu

$
0
0

“Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.”
Trung úy Đỗ Lệnh Dũng
Tưởng gì chớ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cấp bực làng nhàng, như ông Dũng, tôi quen cả đống.  Bạn cùng khoá độ vài trăm, cùng đơn vị khoảng vài chục, và cùng trại (tù) chắc … vài ngàn!

Tôi đã nghe vô số thằng kể lại những giờ phút cuối cùng của đơn vị mình, nhưng chưa thấy ai bị lâm vào hoàn cảnh bi đát – và giữa lúc thập tử nhất sinh – vẫn “tuyên bố” một câu (ngon lành) dữ vậy.  Cỡ Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (vào giờ phút chót) cũng chỉ âm thầm … đào ngũ thôi, chứ chả hề có mở miệng nói năng gì ráo trọi – với bất cứ ai.  Còn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì ồn ào hơn chút đỉnh, cho nó đã miệng, rồi cũng chuồn êm – không lâu – sau đó.

Trường hợp của Đỗ Lệnh Dũng thì hơi khác.  Cách hành xử của ông cũng khác.  Bảnh hơn thấy rõ. Coi:

Đúng nửa đêm 24/11/1974, trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào trong vòng đai Đồng Xoài.  Với đại pháo và T-54 yểm trợ, hai trung đoàn của Sư Đoàn 7 của Bắc Quân – sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung – đã chiếm được chi khu này, vào rạng sáng 7/12/1974.

Buổi chiều cùng ngày, trong khi đang cùng những quân nhân còn sống sót tìm cách thoát khỏi vòng vây, trung úy Đỗ Lệnh Dũng (bỗng) thấy một đoàn người – toàn là đàn bà và trẻ con nhếch nhác, với tay nải hòm xiểng, lôi thôi, lếch thếch – nằng nặc đòi đi theo toán quân của ông, để trốn ra khỏi vùng đất (sắp) được … hoàn toàn giải phóng.

Tháng 6, 1965: Đồng Xoài, Vietnam. Nguồn: AP/Horst Faas

Tháng 6, 1965: Đồng Xoài, Vietnam. Nguồn: AP/Horst Faas

Trước nguy cơ dân chúng có thể bị thiệt mạng oan uổng trong lúc giao tranh, và để thuyết phục mọi người nên ở lại nhà cho được an toàn, trung úy Dũng đã dõng dạc nói với mọi người:

       – Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.”

Và Đỗ Lệnh Dũng đã trở lại thực, chỉ vài ngày sau, như là một … tù binh!  Ngay sau đó, ông bị đấu tố trước Toà Án Nhân Dân Huyện Đôn Luân (một tên gọi khác, mỹ miều hơn, của Đồng Xoài) rồi bị đưa từ Nam ra Bắc – theo đường mòn Hồ Chí Minh – để … học tập cải tạo. Gần muời năm sau, năm 1982, Đỗ Lệnh Dũng lại được chuyển trại từ Bắc vào Nam (chắc) cho dễ thăm nuôi.

Cuộc đời rõ ràng (và hoàn toàn) không may của trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã được ghi lại bởi nhà văn Lê Thiệp bằng một cuốn sách, dầy đến bốn trăm trang, lấy tên của chính ông làm tựa.  Tác phẩm này được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương viết lời giới thiệu như sau:

“Đỗ Lệnh Dũng không chỉ là câu chuyện về chiến tranh, dù nhân vật chính là một chiến binh mất tích giữa chiến khu D sau một trận đánh dữ dội. Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân Việt Nam phải trải gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay.”

“Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại cha mẹ thì đã gần tới tuổi ngũ tuần.  Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trên con đường mòn vượt rừng núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, là những năm tháng đoạ đầy tại những trại tù …”

“Dù chỉ là một góc cạnh giữa muôn ngàn góc cạnh của một thời bão táp, câu chuyện vẫn là bằng cớ vô giá về thảm trạng con người bị tước đoạt trọn vẹn tuổi trẻ, tình yêu gia đình và mọi điều kiện an bình của cuộc sống.”

Cuốn Đỗ Lệnh Dũng đã được ra mắt tại thành phố San Jose, California.  Hôm đó, tôi được hân hạnh nhìn thấy Trung Úy Dũng và Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái – chỉ huy trưởng Chi Khu Đôn Luân – người mà không mấy ai tin là còn có thể sống sót, sau khi đơn vị này bị tràn ngập bởi địch quân.
Thiếu tá Khoái cho biết nhờ tác phẩm này mà trong thời gian qua, một số những người lính năm xưa – đang tản mát khắp năm Châu – đã tìm lại được nhau.  Và ông nghẹn ngào khi giới thiệu với mọi người, vài quân nhân khác của đơn vị hiện (cũng) đang có mặt trong buổi ra mắt sách.

Ảnh:NXB Tiếng Quê Hương

Ảnh:NXB Tiếng Quê Hương

Tôi ngồi ở cuối hội trường, không nhìn được rõ nét mặt của những nhân vật này nhưng có thể đoán được rằng mắt họ đều ngấn lệ.  Tôi cũng là một cựu chiến binh, cũng có cái may mắn lớn lao còn sống sót sau cuộc chiến vừa qua, và thoát thân được đến một nơi an bình nên cảm thông (thấm thía) tình cảm xúc động này.

Trong giây phút đó chắc chắn mọi người đều cảm thấy an ủi và ấm lòng, trước cảnh trùng phùng bất ngờ (và khó ngờ) đến thế.  Cái cảm giác sung sướng vì sự may mắn (hiếm hoi) của mình đã theo tôi suốt cả buổi chiều hôm ấy, và đã cùng với tôi đi vào giấc ngủ.

Nửa khuya, tôi thức giấc. Tôi vẫn luôn thức giấc vào giấc đó.  Và đó cũng là lúc mà tôi hay lò dò trở về … chốn cũ!  Như một công dân “part – time” của nước Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ sống hết mình và hết tình nơi quê hương mới.  Hơn nửa đời lưu lạc, tôi vẫn cứ sống mộng mị – theo kiểu “ngày ở / đêm về” – như thế.

Tôi thường trở về Đà Lạt.  Đây là nơi mà tôi đã lớn lên, và đã ướp đẫm tuổi thơ (cũng như tuổi trẻ của mình) bằng rất nhiều đặc sản của núi rừng: nuớc hồ Xuân Hương, sương mù, phấn thông vàng, mùi cỏ khô của Đồi Cù, cùng với hàng trăm loại hương hoa man dại.

Có dạo, tôi hay trở về những đồi trà, đồi bắp, đồi khoai mì – bao quanh trại cải tạo Tân Rai – ở Blao.  Tôi cùng lũ bạn tù cứ đi trong nắng sớm, trên những con đường mịn màng (thơm nồng mùi đất) sau một đêm mưa.  Cũng có khi tôi về lại Sài Gòn, ghé thăm một người bạn đồng đội, chỉ vừa mới biết sơ, qua một bài báo ngắn – của ký giả Bùi Bảo Trúc:

Sáng nay mở e-mail ra đọc, tôi nhận được từ một người không hề quen biết, không kèm theo một giòng chữ nào, bức hình một người đàn ông mà tôi cũng chưa gặp bao giờ.  Hình chụp người đàn ông đang ngồi trên giường có trải chiếu, đằng sau là bức tường loang lổ, hoen ố những vết đen mốc.  Ông có một bộ ria, tóc dầy và đen, một mắt to, một mắt nhỏ mà tôi nghĩ là bị hư, chỉ còn một con.  Ông không còn chân tay.  Hai chân bị cụt trên đầu gối.  Và hai tay cụt ở trên khuỷu tay, gần nách.”

“Trong hình có ghi tên ông.  Ông tên là Thìn, Nguyễn Văn Thìn.  Năm sinh được ghi là 1952.  Hàng chữ phía dưới cho biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.  Đơn vị cuối của ông là Trung Đoàn 49, Sư Đoàn 25 Bộ Binh.  Cấp bậc của của ông là Trung Sĩ Nhất.  Ông sinh năm 1952, tuổi Thìn nên tên cũng là Thìn.  Ông không còn chân tay.  Từ 30 năm nay, ông không có chân, cũng không có tay.”

Ông làm sao sống nổi qua bằng ấy năm không có hai chân mà cũng không có cả hai tay.  Tôi tưởng tượng, không khó khăn lắm, cũng vẫn thấy ra được những khó khăn của ông.  Trong một chế độ thân thiện với ông, ông cũng đã vô cùng bất hạnh vì thiếu con mắt, thiếu hai tay, lại thiếu luôn cả hai chân.  Huống chi trong một khung cảnh không thân thiện nếu không muốn nói là thù nghịch, thì ông còn khổ biết là bao nhiêu nữa.  Tôi không dám tưởng tượng thêm ra những chuyện khác trong đời sống hàng ngày của ông, nếu đó có thể gọi được là một đời sống.”
Người bạn đồng đội luôn luôn nhìn tôi với đôi mắt u buồn và lắc đầu ra dấu, như có ý nói là đừng đến thăm nhau nữa: “muộn mất rồi.”  Mãi sau này tôi mới biết là … muộn thật!  Trong những trang sổ tay cũ, khi viết về trung sĩ Nguyễn Văn Thìn, cách đây khá lâu, tôi đã có dịp phổ biến địa chỉ của ông: nhà số 9/8 đường Bông Sao, phường 5, quận 8, Sài Gòn.

Độ một tháng sau, có độc giả báo cho tôi biết là họ đã gửi quà về biếu ông Thìn nhưng không còn … kịp nữa.  Ông bạn của tôi đã qua đời, vài tuần, trước đó!

Có đêm thì tôi về miền Trung, phần quê hương khốn khó mà trước đây tôi chưa bao giờ có dịp ghé qua, để thăm một đồng đội khác:

“Tôi phải vượt đường xa tít tăp từ Huế tìm đến nơi 1 anh Thương Binh mù hai mắt, cụt 2 tay lẫn 2 chân gần Lăng Cô … Tôi nhìn thấy anh Dương Quang Thương nằm xấp ngay ngạch cửa.  Tôi lên tiếng chào, anh bật ngồi dậy hỏi tôi là ai?”

Qua những phút giây trao đổi, tôi thấy anh khóc, những dòng nước mắt lăn ra từ hai hố mắt sâu thẳm ấy làm tôi phải khóc theo.  Nghe tiếng người lạ, vợ anh từ sau hè chạy lên trên tay còn cầm nắm rau dền hoang vừa mới ngắt về để lo bữa ăn chiều, chị chào hỏi tôi rồi rót nước mời tôi uống …”
“ Thoạt đầu tôi chỉ nói tôi là người mang tiền và thuốc tây đến cho anh do bà con từ bên Úc đóng góp gửi về. Tôi gởi anh 100 đô Úc và 5 hộp thuốc tây.  Anh đã rưng rưng khóc lần nữa và cảm ơn nhiều lắm đến bà con ở Úc và Hội. Sau một hồi tâm sự anh nhắn gửi lời cảm ơn đến người điều hành Hội mà gia đình anh thường thư từ qua lại nhiều năm nay.  Tôi xúc động quá và cho biết là: Thưa anh chị chính tôi đây…  Nghe đến đó anh quờ quạng hai cái cùi tay còn lại lết thật nhanh về hướng tôi và ôm lấy tôi mà khóc.”

“ Vợ anh cũng khóc.  Tôi cũng khóc.  Người chạy xe ôm cũng khóc theo…  Sự hy sinh của anh quá lớn, hai mắt, hai tay và hai chân cho tổ quốc còn cá nhân chị đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân.  Chị đã khóc nhiều lắm vì những khó khăn đè nặng thân phận của người phụ nữ ốm o gầy còm cố vươn vai suốt hơn ¼ thế kỷ gánh gồng, ẵm bồng tắm rửa, đút ăn và những cơn lũ lụt khủng khiếp phải cõng chồng chạy tìm sinh lộ… Ra tới đầu ngõ, tôi và anh xe ôm vẫn còn khóc… “(Nguyễn Cảnh Tân, “Nỗi Sầu Riêng Hay Cái Đau Chung,” Việt Luận, 27 Oct. 2006).

TPB Dương Quang Thương và tác giả Nguyễn Cảnh Tân. Nguồn: Báo Việt Luận

TPB Dương Quang Thương và tác giả Nguyễn Cảnh Tân. Nguồn: Báo Việt Luận

Những giọt nuớc mắt của ông Nguyễn Cảnh Tân (2) tuy muộn màng nhưng vẫn hơn không. Chả hiểu còn có bao nhiêu ông Dương Quang Thương, và bao nhiêu bà vợ (đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân) nhưng hơn một phần tư thế kỷ qua chưa bao giờ có ai nhớ đến họ – nói chi đến chuyện khóc thương, dù muộn!

© Tưởng Năng Tiến

Con đường Mặc Đỗ

$
0
0

Con đường Mặc Đỗ từ Hà Nội Sài Gòn tới Trưa Trên Đảo San Hô

 

Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại — [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.

TIỂU SỬ MẶC ĐỖ

Tên Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học nhưng hấp thụ một nền văn hoá Tây phương. Học Luật nhưng không hành nghề và chọn viết văn. Tên Mặc Đỗ được thân phụ đặt cho, có nghĩa là người họ Đỗ trầm lặng. Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo. Sau Hiệp định Geneve 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm. Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Sau 1975 Mặc Đỗ tỵ nạn sang Mỹ.

Tác phẩm:
Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Đảo San Hô (2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.
Dịch thuật:
Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh MÔN / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).

Trong Mộng Một Đời, rất sớm từ thuở niên thiếu, Đỗ Quang Bình — chưa có bút hiệu Mặc Đỗ, đã nuôi mộng trở thành nhà văn, “Để luyện văn phong, người trai chọn phương pháp đúng nhất là dịch văn ngoại ra Việt văn. Kỹ thuật viết của những tác giả truyện đã dịch đã giúp khá nhiều cho việc hoàn thiện những cấu trúc cho truyện dài dự định sẽ viết.” Lựa chọn của Mặc Đỗ có tác dụng “đôi”: một viên đá bắn 2 con chim/ kill two birds with one stone, anh tạo được một văn phong rất Mặc Đỗ với ảnh hưởng nền văn học Tây phương, và thành quả tiếp theo là các tác phẩm dịch thuật của Mặc Đỗ từ hai ngôn ngữ Pháp và Anh sang tiếng Việt rất chuẩn mực và tài hoa, đã như một phần sự nghiệp thứ hai của anh bên cạnh sự nghiệp sáng tác. Các sách dịch của anh được liên tục tái bản những năm về sau này.

 

bìa tiểu thuyết Bốn Mươi của Mặc Đỗ, Nxb Quan Điểm, Sài Gòn 1957 [nguồn: internet]

bìa tiểu thuyết Bốn Mươi của Mặc Đỗ,
Nxb Quan Điểm, Sài Gòn 1957 [nguồn: internet]

HƠN NỬA THẾ KỶ

Về tuổi tác Mặc Đỗ hơn tôi hơn một thế hệ. Rất sớm đọc văn anh từ tiểu thuyết Bốn Mươi (1957), Siu Cô Nương (1959) tới Tân Truyện (1967). [Hình I] Tôi có mối giao tình với anh từ thập niên 1960, cho đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ. Cảm tưởng khi mới gặp, anh có phong cách của một nhà văn.

Khi tôi chọn học Y khoa, làm báo Sinh Viên Tình Thương và bắt đầu viết báo viết văn. Báo Tình Thương Y khoa có gửi biếu anh. Năm 1962, một bản thảo truyện dài được viết xong, tôi gửi tới hai anh Mai Xuyên Đỗ Thúc Vịnh Bóng Tre Xanh, và Mặc Đỗ Bốn Mươi đọc trước. Từ hai anh tôi đã nhận được những lời phê bình thẳng thắn.

Anh Đỗ Thúc Vịnh chú trọng tới sự trong sáng và văn phạm của tiếng Việt cùng với vốn sống của người viết, anh rất quan tâm tới thế hệ Những Người Đang Tới, cũng là tên một tác phẩm khác của anh sau này. Nhà văn Đỗ Thúc Vịnh thì nay đã mất [1920-1996], vậy mà cũng đã ngót 20 năm qua rồi.

Anh Mặc Đỗ có quan niệm, với người trẻ bắt đầu viết văn nên tập viết truyện ngắn trước và kỹ thuật là phần quan trọng. Tác phẩm đầu tay của tôi không phải là tập truyện ngắn mà là một cuốn tiểu thuyết. Về chọn lựa bước khởi đầu này, tôi đã không theo được lời khuyên của anh. Mây Bão xuất bản 1963 với nguyên vẹn nội dung với mẫu bìa của người bạn tấm cám hoạ sĩ Nghiêu Đề.

Do gần nửa phần đời sau ở hải ngoại, từ 1975 cuộc sống nhà văn Mặc Đỗ gần như khép kín, thật khó để để vẽ một chân dung toàn diện về anh. Chọn lựa và trích dẫn từ những bức thư anh gửi cho tôi, bớt đi những phần quá riêng tư có lẽ giúp bạn đọc biết được nhiều hơn về một nhà văn Mặc Đỗ quy ẩn.

Sang thế kỷ 21 kỷ nguyên của computer, Mai Thảo thì vẫn cứ ẩn nhẫn viết tay kể cả trên những phong thư hàng tháng gửi báo Văn tới từng độc giả dài hạn, riêng anh Mặc Đỗ vẫn thuỷ chung với chiếc máy chữ xách tay thuở nào. Các thư anh gửi cho tôi đều là thư đánh máy. Chỉ một bức thư hiếm hoi hoàn toàn viết tay của anh mà tôi có được là do một tai nạn, chiếc máy chữ yêu quý thiết thân của nhà văn Mặc Đỗ bị rơi và hư gẫy [Hình II]. Ít lâu sau đó, anh được một ông bạn ở Pháp tặng cho một máy đánh chữ khác như món quà Giáng sinh, từ đó tôi lại nhận được những lá thư đánh máy, chỉ với chữ ký là thủ bút của anh.

Cher Vinh,

Tôi lọng cọng đánh rơi cái máy chữ yêu quý, nhà thương Mỹ thích thay parts hơn là chữa, trong khi chờ một bàn tay Á đông đành nắn nót viết, tập trung vào mấy ngón tay mệt óc quá, cho nên chỉ có thể ngắn gọn, trang thư qua printer mất personality.

Cám ơn Vinh đã cho tôi thấy Vinh rõ hơn nữa. Nhúm lửa trong tôi, có trước ngày tôi nghe lời bạn chôn bản thảo “Đứng ngồi không yên” dưới ba lớp giấy gói và gác lên nóc tủ, nhúm lửa đó tôi thấy thấp thoáng đôi chỗ qua những lời đối thoại của Vinh. Sau ngày đó bút của tôi không tìm thấy AN nữa – chữ AN Phật dạy. Mừng thấy bút Vinh vẫn AN.

Kết luận, thấy Vinh hơi lạc quan. Nhìn thêm cái “nửa vơi”, ngắm con người chúng sinh. Yêu nước cũng là một thứ tham. Thân, [Mặc Đỗ, Feb 5 1996]

 

thư riêng gửi Ngô Thế Vinh, Feb 5,1996

thư riêng gửi Ngô Thế Vinh, Feb 5,1996

TỪ BỐN MƯƠI SIU CÔ NƯƠNG TỚI TÂN TRUYỆN

Bốn Mươi (1957) là một tiểu thuyết, Mặc Đỗ viết về giai tầng trí thức tiểu tư sản, ở cái tuổi không còn ngờ vực “tứ thập nhi bất hoặc”; họ xuất thân từ những gia đình giàu có, đi du học rồi tốt nghiệp, trở về nước và sống trong sự xa hoa của một xã hội thượng lưu. Họ là những chính khách salon, theo cái nghĩa rất thời thượng, tự đồng hoá với giai tầng sĩ phu trước kia, rất xa lạ với đời thường nhưng có ảnh hưởng trên chính trường, họ tin vào vai trò lãnh đạo của giai cấp trí thức tiểu tư sản trong cuộc chiến Quốc-cộng.

Siu Cô Nương (1959) là tiểu thuyết thứ hai của Mặc Đỗ, viết về ba người đàn ông và hai phụ nữ trong bối cảnh một Miền Bắc 1954, sau hiệp định Geneve khi một Việt Nam sắp chia đôi. Ba người đàn ông ấy cũng thế hệ bốn mươi có lý tưởng, tin vào vai trò lãnh đạo giai tầng trí thức tiểu tư sản với chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ kiểu Tây phương — không chấp nhận cộng sản. Và họ giã từ Hà Nội, di cư vào Miền Nam — tỵTần, chữ Mặc Đỗ dùng sau này để chỉ những cuộc lánh nạn cộng sản. Không gian sinh hoạt của các nhân vật trong Siu Cô Nương trải rộng hơn Bốn Mươi nhưng vẫn là một thứ xã hội trên cao, với mấy mối tình ngang trái, tất cả chỉ cái cớ cho những tình huống lịch sử mà viễn kiến của nhà văn là cái nhìn tiên tri. Cũng để nhận ra rằng: cái thème chính của tác phẩm Bốn Mươi, Siu Cô Nương là cuộc đấu tranh giai cấp, đưa tới cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài 20 năm sau đó. Với hậu quả là cuộc tỵTần lần hai sau 1975 với hàng triệu người Việt Nam tung ra khắp thế giới.

Hãy để chính Mặc Đỗ nói về tác phẩm Siu Cô Nương của mình: “Tôi nhớ trong đoạn kết Siu Cô Nương một nhân vật trên chuyến xe lửa ra đi ngó xuống những ruộng đồng hai bên đường với những nông dân đang cặm cụi đã thắc mắc, mai ngày những con người kia sẽ thành thù địch ư? Thắc mắc này trải dài trong 500 trang truyện tiếp SCN.” [Thư Mặc Đỗ, Sept 28, 1994]

Tân Truyện I (Quan Điểm1967) và Tân Truyện II (Văn 1973) là hai tập truyện ngắn mà Mặc Đỗ gọi là tân truyện / nouvelle. Mỗi truyện như một viên ngọc của một chuỗi ngọc thể hiện quan niệm dựng truyện ngắn với nhiều vận dụng kỹ thuật của Mặc Đỗ và ngôn ngữ thì giàu hình ảnh nhưng cô đọng và chau chuốt. Mỗi tân truyện của Mặc Đỗ đều để lại cho người đọc một ấn tượng rất đặc biệt và khó quên.

Tưởng cũng nên ghi lại đây quan niệm viết của Mặc Đỗ: “Từ khi bắt đầu viết tôi đã chọn một đường lối nhất định, không bao giờ đem đời tư của riêng một ai, quen hay không quen vào truyện. Tất cả đều là những nhân vật được cấu thành do những chi tiết, hình ảnh, ngôn từ, đã ghi được qua bao nhiêu dịp quan sát, nhận định; mỗi nhân vật là một hội tụ đúng chỗ của những tài liệu chọn lọc.” [Phụ lục: Truyện Không Thể Viết, Trưa Trên Đảo San Hô. Nxb Quan Điểm 2011]

Một số truyện ngắn trong Tân Truyện I & II được Mặc Đỗ chọn cho in lại trong hai tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô (2011): 13 truyện và tuyển tập Truyện Ngắn (2014); 30 truyện, gồm cả 13 truyện đã in trong tập Trưa Trên Đảo San Hô. Và không có một truyện nào được ghi thời điểm sáng tác.

NHƯ MỘT GIÃ TỪ

Nói rằng nhà văn Mặc Đỗ hoàn toàn không viết gì khi ra hải ngoại thì không đúng. Anh có viết nhưng phải nói là rất ít. Anh đã góp bài cho ấn bản đầu tiên báo Lửa Việt với truyện Cái Áo Len Màu Rêu, anh cũng góp bài cho Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến gồm các bài nhận định văn học, truyện ngắn trong những số đầu tiên: số 1 (Kế hoạch chống đàn bà, truyện ngắn), số 2 (Làm văn học nghệ thuật trong hoàn cảnh tỵ nạn), số 4 (Văn Nghệ Việt Nam ở hải ngoại), số 7 (Con người Nga trong khuôn đúc cộng sản) VHNT bộ cũ (1978) [http://tapchivanhoc.org]

Trong một thư riêng anh viết: “Một hai năm đầu khi mới đến đây tôi có viết đôi chút để tiếp tay vài bạn cũ ra báo trong khi còn hiếm bút, sau này làng ta trở nên phồn thịnh thì tôi yên tâm ngồi im, trừ một số nhỏ dịp phải trả nợ nhiều số báo được tặng không (Văn, Thời Tập) thì có đóng góp một chút.” [Mặc Đỗ 25/08/1991]

Và một năm sau, trong lá thư đánh dấu 17 năm tỵTần, anh viết: “Từ hôm qua tôi bắt đầu nhận được báo Xuân, sớm nhất là Văn [của nhà văn Mai Thảo, ghi chú của người viết]. Vui thấy bạn còn nhớ cho báo đều đặn, đọc báo thì chẳng mấy vui. Rất hiếm đọc những bài viết cho thấy cái công phu của người chau chuốt nghệ thuật. Luôn luôn nổi rõ sự vội vàng sản xuất và vội vàng chấp nhận… Sự đời ở biển ngoài đã biết rồi, thưởng thức hiếm có dịp, thành ra chẳng thấy vui.” [Mặc Đỗ 11/01/1992]

Trong sáng tác, Mặc Đỗ có quan niệm khá nghiêm khắc, cả với chính anh. Anh luôn luôn nhắc tới kỹ thuật là quan trọng nhất trong việc viết truyện.

Anh kể lại: “đã mất khá nhiều bạn trẻ đã cho tôi đọc bản thảo hay sách đã in vì tôi rất thẳng trong ý kiến đưa ra sau khi đọc, tôi cũng than chuyện đó với một vài anh bạn già (không viết) thì được trả lời ai bảo đụng tới nhược điểm của người ta! Tôi tiếp tục không nghe lời khuyên đó vì tôi thấy cần phải sòng phẳng với ai có bụng tin tôi và chính tôi nữa...” [Mặc Đỗ 5/02/1994].

Khi viết về chính anh: “Riêng phần tôi, sau từng trải và đánh giá mọi khả năng còn lại, tôi bây giờ rất sáng suốt mà bi quan và tiêu cực. Thái độ này tôi giữ từ sau khi tự tay đốt cuốn truyện ‘Bong Bóng Bay’ kết quả của cả chục năm hì hục.” [Mặc Đỗ 01/11/1995] Cuộc “phần thư” lần này trên đất Mỹ là do chính tay anh, chứ không phải do kẻ bạo Tần của thế kỷ 21.

Rồi ở cái tuổi đã ngoài 90, anh quyết định cho in tập truyện ngắn Trưa Trên Đảo San Hô (2011), mà anh gọi là “tác phẩm cuối đời” với một bìa lưng hoàn toàn trống trải chỉ với mấy câu thơ thật thanh thoát [Hình III]:

Tự nhiên thành núi băng
Lục địa lạnh một ngày tách biệt
Lênh đênh vào có không

Trưa Trên Đảo San Hô gồm 13 truyện ngắn, được sắp xếp theo ngược dòng thời gian: 7 truyện đầu được viết thời tỵ nạn [tị-Tần chữ của Mặc Đỗ: anh ví chế độ Cộng sản Việt Nam với nhà Tần 221-297 BC được coi là triều đại tàn bạo nhất trong cổ sử Trung Hoa], 3 truyện tiếp theo được viết tại Sài Gòn trước 1975; 3 truyện cuối được viết tại Hà Nội khoảng 1946-52. Mặc Đỗ viết: “Ba truyện cuối trong toàn bộ cũng là ba truyện đầu tiên tôi viết sau nhiều năm học, tập, và đến lúc tự xét thấy có thể bắt đầu viết.” Chỉ là một tập truyện ngắn nhưng đã ghi dấu ấn ba chặng đường và cũng là ba không gian sáng tác của Mặc Đỗ: Hà Nội, Sài Gòn Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong Lời cuối, anh tâm sự: “Thấy tương lai rất ngắn trước mặt (cũng như viễn tượng viết truyện ngắn/dài) tôi tự xuất bản tập truyện này sau một thời gian vắng bóng trong làng văn ở ngoài nước, coi như một giã từ.”

 Trưa Trên Đảo San Hô (2011) tác phẩm giã từ của Mặc Đỗ

Trưa Trên Đảo San Hô (2011) tác phẩm giã từ của Mặc Đỗ

Nhưng rồi tiếp theo đó, ba năm sau “Đứng ngồi không yên” — tên một tác phẩm của anh bị thất lạc, anh lại cho in thêm một tuyển tập Truyện Ngắn (2014), gồm các tân truyện viết trước và sau 1975; cả hai tác phẩm tác giả tự xuất bản vẫn với tên Tủ Sách Quan Điểm.

TÁC PHẨM THẤT LẠC

Nhà của gia đình anh Mặc Đỗ ở Sài Gòn, không phải là ngôi biệt thự sang trọng như bối cảnh sinh hoạt của tiểu thuyết Bốn Mươi, chỉ là một căn phố lầu trên đường Trần Hưng Đạo nhưng rất ấm cúng bao năm, sau 30 tháng Tư, 1975 tôi có ghé thăm, trông thật lạnh lẽo, những chiếc ghế nệm bỏ trống, bức tranh lập thể sơn dầu của Tạ Tỵ rất đẹp cũng không còn treo trên tường nơi phòng khách, sau đó tôi mới được biết cả gia đình Mặc Đỗ đã âm thầm rời Sài Gòn đêm ngày 29 tháng Tư, chỉ một ngày trước đó. Dĩ nhiên, cũng như mọi người, anh chẳng mang được gì ngoài một chiếc túi nhỏ xách tay.

Trong một thư, sau này anh kể rõ hơn về số phận tập bản thảo “Đứng ngồi không yên” và sau đó đã thành tro than ra sao.

“Sau khi hoàn tất cuốn “Đứng ngồi không yên” tôi có đưa cho ba bốn người mà tôi kính trọng, [anh có kể tên nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh] vì nhiều lẽ đọc. Tình cờ tất cả chung một nhận định: lắm động chạm đủ thứ! Nhận định đã khiến tôi suy nghĩ và gói kín trọn vẹn bản thảo và tư liệu trong chiếc hộp, cột dây và gắn si cẩn thận với mảnh giấy dán bên ngoài: Để dành cho thế hệ sau.

75 tôi đi rồi thì một thằng cháu chạy đến lục lọi, nó lấy đi cùng với những thứ khác cái hộp tưởng quý lắm. Về nhà nó mở ra rồi vừa tức vừa sợ nó vứt tất cả trong chiếc thùng sắt đổ dầu đốt cháy sạch. Bao tâm tư đốt cháy khói khét lẹt! Mãi sau này tôi được kể lại chi tiết đã tức cười nghĩ, Thế cũng đáng! Đáng đốt!

“Bên trên là nói chuyện với BS NTV, Biệt Cách Dù. Đây là nói chuyện với nhà văn NTV… Vào thu rồi, đang chuẩn bị nhận một flushot nữa và nhớ lại lũ trẻ trung học Pháp thời trước/ sau TCII gọi những ông bà già là những PPH (Passera Pas cet Hiver/ sẽ không qua khỏi mùa đông này — ghi chú của ngườiviết). Chúng tôi thì chắc chưa!” [Mặc Đỗ, 28/09/1994]

 

Tuyển tập Truyện Ngắn (2014)  tác phẩm giã từ 2 của Mặc Đỗ

Tuyển tập Truyện Ngắn (2014)
tác phẩm giã từ 2 của Mặc Đỗ

TÁC PHẨM LỚN KHÔNG THỂ VIẾT

Sau Lời Cuối trong tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô còn có thêm một Phụ Lục Truyện Không Thể Viết, Mặc Đỗ tâm sự: “Với một người viết đáng buồn nhất khi thấy cần thành thật với chính mình và quyết định không thể viết tác phẩm thèm viết… Theo dòng lịch sử đất nước, tôi không thấy thời cơ nào có thể so sánh với gần tròn một thế kỷ qua, với ba biến cố đặc biệt nối đuôi nhau, cùng hết sức giàu sinh động trong muôn vẻ chi tiết. Cảnh khổ ly tán được cụ thể hoá bằng một vụ phân ly giữa hai miền Nam Bắc. Kinh nghiệm độc lập người Việt ở hai miền cùng thâu góp, chất ngất, trong nước mắt. Biến cố thứ hai hào hùng thay! Nhưng đã hiện hình chẳng bao lâu sau, và kéo dài tới nay đã hơn ba mươi năm. [những dòng chữ này có lẽ Mặc Đỗ viết khoảng 2005, ghi chú của người viết] Hai biến cố đó xô tới biến cố lạ lùng, ngót hai triệu người Việt Nam thình lình tìm được tới, và bắt đầu mọc rễ trên những bến bờ lạ. Khơi lên từ cảnh đời một cô gái lai Mỹ, thiên truyện mọc lên trong đầu tôi khả dĩ ôm trọn ba biến cố vừa kể… Trong nhiều tháng sau tôi mê mải với đề tài Truyện, ra công sắp xếp cái sườn để gài lên những tình tiết… Ai sẽ viết? Cái vốn quan sát nhận định, rung cảm, chứa sẵn trong đầu, tôi có thể dùng cho phần đầu Truyện. Nhưng từ đêm 29 tháng Tư 1975 tôi đâu còn ở trong nước để quan sát, nhận định, rung cảm nữa… Tôi đã không thể viết… Tôi mong cho tôi, cũng mong cho đông đảo độc giả Việt Nam vì hiện chưa có một tác phẩm nào ghi lại liên tục giai đoạn lịch sử độc đáo vừa bi hùng vừa đáng cười ra nước mắt…Kho tàng đó đang chờ những người Việt Nam dám lãnh vinh dự và trách nhiệm là nhà văn.” [TTĐSH, lược dẫn Phụ Lục tr.219-230]

Đó là nỗi buồn và cũng là cái giá rất đắt phải trả của một nhà văn lưu đầy. Không thể viết nhưng Mộng-ngày bao năm trước về một tác phẩm lớn vẫn cứ vất vưởng như một ám ảnh khôn nguôi đối với nhà văn Mặc Đỗ.

Vào đời tràn háo hức
Tiếp theo liền dằng dặc ưu tư
Nhắm mắt còn ưu tư

TÌM CHỮ AN TRONG ĐẠO PHẬT

“Ngay từ thời đọc ‘Cạn Dòng’ tôi đã buồn thấm thía trước viễn tượng sớm muộn sẽ thành sự thật và nông nỗi bất khả kháng trong thời thế toàn cầu hiện nay. Vinh và các bạn đang theo đuổi một cố gắng đúng, rất nhiều người khác tại các nước khác cũng theo đuổi những cố gắng khác với chung một mục đích cứu vãn đời sống trên mặt đất, khổ một nỗi loài người bây giờ quá ham tranh chấp đạp lên mọi lẽ phải. Sinh thời nhà tôi chúng tôi thường nhìn nhau, thu gọn mối sầu mênh mông vào một vòng nhỏ với cảm nghĩ: Tội nghiệp lũ con, cháu, chắt… sinh sau! Cũng như tôi, bất cứ độc giả nào đọc ‘Nghẽn Mạch’ không thể không xúc động trước những sự thật đã hiển hiện sớm hơn cả viễn tượng lo lắng.” [Mặc Đỗ 06/04/2007]

Dưới bức thư đánh máy, anh Mặc Đỗ có thêm một dòng tái bút viết tay: “Vinh có nghĩ tới trận chiến lớn sẽ có thể xảy ra và Việt Nam sẽ hứng chịu?” Với một Biển Đông hiện đang ầm ầm dậy sóng hình như sắp chứng nghiệm cho lời tiên tri của anh.

Mặc Đỗ luôn luôn nói tới chữ AN [viết hoa] trong đạo Phật. Cũng vẫn chữ “AN” trong một thư từ Austin, anh viết:

“Cher Vinh, Năm nay Xuân từ Đồng Bằng Cửu Long không đem ‘AN’ đến cho tôi. Đọc ‘Tìm về’ trước Tết, cái arrière-goût dai dẳng từ trước cho đến sau Tết, không dứt. Tôi còn nhớ hồi nhỏ ở nhà khi có đám giỗ lớn, họp đông họ hàng, hay có một vài vị lớn tuổi, không hiểu dòng dõi với tiền nhân như thế nào nhưng đã được nghe truyền lại, kể thành tích chiến công Nam Tiến với những chi tiết… Mỗi lần Me tôi thường khóc và nói rằng, oán thù bao giờ rũ cho sạch được! Tết năm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi nhận định bi thương đó… Bây giờ sắp tới thời không còn giấu bụi dưới thảm, càng buồn hơn. Nén buồn xuống chỉ còn mơ ước: Con người VN hồi tỉnh và biết nắm tay nhau cùng đối phó, và đối thoại.” [Mặc Đỗ, 18/02/2000]

* [Tìm Về là tên một chương sách Tìm Về Phương Đông, trong Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Nxb Văn Nghệ 2000]

Ba nhà văn chủ lực trong nhóm Quan Điểm mà tôi được biết, phần cuối cuộc đời đều có khuynh hướng tìm về đạo Phật. Tuyết ngưu Vũ Khắc Khoan của Thành Cát Tư Hãn nơi xứ vạn hồ miệt mài với Đọc Kinh và nghe Kinh, để rồi “lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa pháp hội, một mình.” [1917-1986], Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng của Cách Mạng và Hành Động [1920-2000] sau 1975 tịnh tu, mang nặng suy tư từ những trang Kinh Lăng Nghiêm, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp. Vũ Khắc Khoan và Nghiêm Xuân Hồng thì đã lần lượt ra đi trong sự thanh thoát và cả lặng lẽ tiếng kinh kệ. Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật.

XƯỚNG HOẠ VÀ KHAI BÚT

Hôm cuối năm, ông bạn già, anh Đoàn Thêm [nhóm Bách Khoa, tác giả Những Ngày Tháng Không Quên, ghi chú của người viết] làm bài thơ ‘Than già’ gửi cho bạn già đọc. Bài thơ có năm vần rồi-trôi-nòi-thôi-hồi. Một bạn già khác hoạ lại, rồi lác đác nhiều bạn già khác cũng hoạ. Thấy anh em vui tôi cũng nhẩy vô, tuy trong đời đây là lần thứ hai tôi thử trò chơi nghĩ rằng chỉ dành cho các bậc túc nho. Nhảy vô thấy cũng thú giống như thú chơi mots croisés chẳng hạn… Tôi chép hai bài tặng Vinh đọc chơi làm quà cuối năm. Chơi trò xướng hoạ mới thấy cái thú vận dụng tiếng Việt, một vần có thể xoay chuyển qua nhiều nghĩa. Càng thú nữa là xướng hoạ không để đăng báo, thành danh. [Mặc Đỗ 11/01/1992]

DƯ SINH
Lời đẹp nghìn xưa đã dạy rồi
Đời người lãng đãng bóng mâytrôi
Ý tham đeo đẳng không đành thoát
Muôn kiếp sinh sôi vẫn một nòi
Nợ nước tình nhà và sự nghiệp
Tuyết sương rồi cũng thế mà thôi
Sống thừa mới thấy thừa chi lắm
Lão giả chen nhau kiếm chỗ ngồi
Mặc Đỗ

NĂM MỚI
Đã đến thời thôi đếm tuổi rồi
Ngồi bên bờ cỏ để buông trôi
Cúi đầu cố học ngu không hết
Nghển cổ tầm sư lạc mất nòi
Tính sổ cuộc đời nhiều mực đỏ
Bài thua úp xuống xoá đi thôi
Cười xem thời vận mong Bùi Tín
Áo gấm về quê chẳng mấy hồi
Mặc Đỗ

Phải nói là ngạc nhiên đến thú vị khi thấy một người theo Tây học như Mặc Đỗ, mới bước vào trường thơ xướng hoạ mà về vần và niêm luật, nhất là bài thứ hai Dư Sinh anh đã đạt được tới mức độ gần hoàn chỉnh.

“Sáng mùng một tết Tây 2003, tỉnh dậy nằm suy ngẫm chợt nhớ tới những người Việt Nam lưu lạc khắp nơi”, anh Mặc Đỗ gửi tặng tôi bài thơ mới làm.

KHAI BÚT
[Giao thừa lẻ hai vào lẻ ba]
Những khớp xương nghe đời phôi pha
Nhưng như xưa tấm lòng vẫn ấm
Tiễn đưa chào đón chén trà đậm

Cuộc tình trời đất dài thăm thẳm
Hai bàn tay khép mời nguyện ngắm
Theo nén nhang sợi khói bay cao
Những mối yêu nguyên vẹn thuở nào

Một mình bàu bạn không trăng sao
Tư bề không tiếng sóng dạt dào
Thời gian ngồi lại không chờ đợi
Buồn vui không cũ cũng không mới
Mặc Đỗ

CHUẨN BỊ MỘT CHUYẾN ĐI THANH THẢN

Sau ngày Chị Mặc Đỗ mất, là một chấn thương lớn đối với anh, cả về tinh thần và sức khoẻ. Mối quan tâm lớn của anh là chuẩn bị cho riêng mình một chuyến đi thật nhẹ nhàng và thanh thản. Anh kể: “Tôi có một ông bạn Pháp 14 năm nuôi vợ ở tình trạng living death.”

Năm 2006, anh đã tự tay viết một di chúc về sức khoẻ / Advance Medical Directives of Binh DoQuang, anh chia xẻ điều đó với tôi như một witness/ nhân chứng ở xa, do tình thân và cũng có thể do nghề nghiệp y khoa của tôi. “Tôi viết directive bằng Pháp văn cho thật đúng ý nghĩ trước khi dịch ta Anh văn hợp với legalese.”

Nhà văn Mặc Đỗ 95 tuổi, hình chụp tháng 10/2012 [nguồn: hình do anh Trần Huy Bích cung cấp]

Nhà văn Mặc Đỗ 95 tuổi, hình chụp tháng 10/2012
[nguồn: hình do anh Trần Huy Bích cung cấp]

Anh viết về sự hiểu biết của anh đối với căn bệnh Alzheimer cùng những hậu quả do tiến trình căn bệnh trên người bệnh, gia đình và xã hội và với tất cả sáng suốt – như “một lão giả” chữ của Mặc Đỗ, anh đã thanh thản viết xuống giấy sự chọn lựa của anh:

“Si j’amais j’attraperais ce mal Alzheimer, situation bien établie par mon docteur et d’autres spécialistes consultés, je demande que toute nourriture solide et liquide soit interrompue, nourriture ou d’autre substance donnée par quel moyen que ce soit.
J’implore tous les membres de ma famille, toutes les autorités judiciares, administratives, religieuses, politiques, et autres, à ne pas s’opposer à ma décision et me laisser périr comme un vieil arbre paisiblement.”

Chọn lựa của anh có thể là một tấm gương cho nhiều người, biết chấp nhận chu kỳ sinh diệt như lẽ tuần hoàn của trời đất, nó cũng cứu vãn cho một nền y tế Mỹ đang bị phá sản/ bankrupt chỉ vì vẫn muốn duy trì lâu dài những cuộc sống thực vật/ vegetative state hay living death, vẫn chữ của anh Mặc Đỗ.

Năm 2015, đã chín năm sau ngày anh viết di chúc sức khoẻ ấy, sáng nay từ nhà thương nơi tôi làm việc, rất vui mới được nói chuyện điện thoại khá lâu với anh [14/06/2015], vẫn là một nhà văn Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn. Phải chăng một phần do gene, phần kia do một cuộc sống kỷ luật từ thời còn rất trẻ, sáng dậy sớm tập thể dục tắm nước lạnh và sống điều độ suốt những năm sau đó, có thời ở Sài Gòn anh đã chọn chế độ dinh dưỡng gạo lức muối mè, có lẽ vậy mà anh dễ dàng sống tới trăm tuổi, vẫn tự sinh hoạt độc lập với nguyên vẹn phẩm chất của cuộc sống. Một ngày nào đó mong còn xa, sự ra đi của anh theo quan điểm y khoa sẽ được coi như một cái chết tự nhiên/ natural death, như một cây cổ thụ khô và tự héo dần – vẫn chữ của nhà văn Mặc Đỗ.

Long Beach, 20/ 06/ 2015

© Ngô Thế Vinh

© Đàn Chim Việt


Giáo trình Đại học

$
0
0

480216-IMG_7510Tôi là một giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân nên không sành văn chương. Tuy nhiên, con tôi hiện là sinh viên Khoa văn, nên tôi quan tâm đến những vấn đề liên quan. Vừa rồi con tôi hỏi: Có phải hiện nay được phép sử dụng chữ Y dài và I ngắn như nhau không? Tôi giật mình trước câu hỏi này. Chẳng lẽ ba năm ở trường Đại học, con mình không đủ trình độ để nhận biết một vấn đề sơ đẳng của ngôn ngữ tiếng Việt?

Tôi cố gắng tìm nguyên nhân và vỡ lẽ. Trong cuốn giáo trình bậc đại học Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945 rất nhiều từ sử dụng y dài thay cho i ngắn. Tác giả cuốn giáo trình là của tiến sĩ Hoàng Thị Huế, do nhà xuất bản Đại học Huế in năm 2015. Đây là một cuốn giáo trình có quá nhiều sai sót về lỗi chính tả, lỗi diễn đạt và lỗi trích dẫn. Đặc biệt một số kiến thức liên quan đến Hồ Chí Minh theo tôi là khá lệch lạc.

Trước hết, cuốn sách này sai quá nhiều lỗi chính tả. Hầu như tác giả không phân biệt được chữ y dài và i ngắn của tiếng Việt. Chẳng hạn: tư liệu thì thành tư lyệu, liên thì thành lyên, kính thì thành kýnh, hích thì thành hých. Không phải một vài trang mà phải đến cả trăm trang như vậy. Để khỏi dài dòng, tôi xin dẫn ra để bạn đọc tiện theo dõi. Chẳng hạn Trần Huy Lyệu (tr.5, tr.22), đả kých (tr.29), tư lyệu (tr.33), công kých (tr.49), lyếc nhìn (tr.50), gắn lyền (tr.53), đả kých (tr.74), nhân vật huyện Lyên (tr.76), sự kiện lyên quan (tr.80), sự kiện lyên kết (tr.81), vô lyêm sỉ (tr. 83), chương trình Lyên Á (tr.87), xe hơi lyệt máy (tr.93), tư lyệu (tr.97), chất lyệu phóng sự (tr.98), mối lyên hệ chặt chẽ (tr.102), gắn lyền với cái nhìn (tr.109), mãnh lyệt (tr.113, tr.126), dịch tễ lyên tiếp (tr.129), dữ dằn bạo lyệt (tr.133), vùng địch hậu lyên khu ba (tr.143), âm thầm và quyết lyệt (tr.145), quy luật lyên quan (tr.171), cây lyễu (tr.176), điều sâu kýn (tr.179), An và Lyên (tr.188)… Còn nhiều, nhiều nữa tôi không thể kể hết.

Ở đây loại trừ việc cài đặt sẵn, bởi một số từ trên cùng một trang nhưng lại viết i ngắn. Tôi cho đây là trình độ sử dụng ngôn ngữ của tác giả giáo trình. Vì một số từ khác, tác giả cũng không phân biệt được dấu (~) và dấu (?). Chẳng hạn mâu thuẫn thì ghi mâu thuẩn (tr.134), dàn trải thì ghi dàn trãi (tr.137), cấy rẻ thì viết cấy rẽ (tr.225)…

Càng đọc, tôi càng phát hiện ra cuốn giáo trình này có quá nhiều lỗi. Chỉ có chương đầu là tạm ổn, còn lại lỗi tràn lan. Cuốn sách gồm 260 trang thì chiếm đến hơn 200 trang có lỗi: hoặc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, hoặc lỗi trích dẫn, lỗi trình bày. Có những câu văn rối, rườm, không diễn đạt được nội dung của vấn đề cần nói. Một số câu rất ngớ ngẩn, không hiểu người viết muốn nói gì? Có những câu văn lặp đến 6 từ (tết, tết, tết, tết, tết, tết). Xin được dẫn ra trang 204 – 205: “Cũng trong ngày 30, tết Bính Ngọ 1966, khi đến ăn tết tại nhà một người bạn ở xã Hòa Lý, huyện Lý Nhân, là Đỗ Văn Hứa – một người cũng có làm văn viết báo lấy bút hiệu là Tân Thanh, tuy làm nghề bốc thuốc Đông y, tết thời chiến nên Nguyễn Bính đạp xe về Mặc Hạ, Lý Nhân thăm bạn trước rồi mới về quê ăn tết với vợ con sau nhưng tối 29 tết (tính 30 tết) năm đó, Nguyễn Bính bị trúng gió độc và qua đời tại nhà bạn” (Trích từ Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945, Tiến sĩ Hoàng Thị Huế, Nxb Đại học Huế, năm 2015).

Trên là một câu văn viết về cái chết của Nguyễn Bính trong Chương 7 của giáo trình. Và kiểu câu rối, rườm như thế này không phải ít trong cuốn sách này. Tôi nghĩ, học sinh cấp một cũng không thể viết câu văn tồi hơn thế, huống hồ đây lại là một giảng viên, tiến sĩ ở trường đại học.

Đặc biệt chương 8: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, cuốn giáo trình bộc lộ một số lệch lạc khi viết về Hồ Chủ Tịch. Trước hết, tác giả đã nhận định sai về quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Bác Hồ. Ở trang 259, tác giả viết: “Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh sở dĩ đa dạng chính là vì Người đã: “khước từ sự chăm lo tới phong cách” (Trính từ giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945, Tiến sĩ Hoàng Thị Huế, Nxb Đại học Huế, năm 2015). Thiết nghĩ, nhận định này là một sự báng bổ đối với Hồ Chủ Tịch. Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề phong cách trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu khước từ sự chăm lo tới phong cách thì sao các tác phẩm của Bác lại có sức thuyết phục như vậy?

Ở đây, giáo trình có dẫn câu của một tác giả Mácxen nào đó để lý giải về phong cách của Bác Hồ, theo tôi là sai lệch. Xin trích lại: “Mácxen Pruxt nói: “Tôi càng sáng tác nhiều thì càng tin rằng nếu quyết tâm muốn thể hiện sự thật một cách đầy đủ thì cần khước từ sự chăm lo tới phong cách” (tr.259, lưu ý: tác giả không trích dẫn nguồn của câu này ở đâu?). Tôi cho rằng, không thể lấy tùy tiện một phát biểu của ai đó để nhận định về phong cách của một vị lãnh tụ. Tôi không đủ trình độ để bàn về phong cách trong văn chương, nhưng tôi cho rằng câu nói của tác giả trên không có cơ sở xác đáng để đánh giá phong cách của bất kỳ ai, nhất là của Hồ Chủ Tịch.

Cũng trong chương này, giáo trình nhầm lẫn về giai đoạn sáng tác của Hồ Chủ Tịch. Tên giáo trình là Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945, nhưng phần d. Ngôn ngữ đầy tính nhân văn và trí tuệ (tr.242) lại phân tích rất dài về Di chúc. Ai cũng biết Di chúc được Bác hoàn tất trước khi mất năm 1969… Nếu trình bày như trong giáo trình thì hóa ra bác Hồ mất trước năm 1945?

Cũng do viết sai giữa chữ y dài và i ngắn nên giáo trình đã “bịa ra địa danh” của Bác: “Quê nội của Bác làng Kim Lyên” (tr.225). Nếu người Việt Nam thì không sao, nhưng là một du khách nước ngoài, họ muốn tìm về quê Bác để thăm viếng thì biết đâu mà lần?

Ngoài những sai sót trên, tôi thấy việc trích dẫn trong cuốn sách này không rõ ràng. Hàng loạt trang lấy ý của người khác mà không có nguồn chú dẫn. Một số trang có đề tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử nhưng các ý kiến dẫn ra không bỏ trong ngoặc kép, không có nguồn chú giải, trích dẫn. Có những đoạn văn chỉ được một câu, có những mục chỉ vẻn vẹn được một dòng. Chẳng hạn mục 1.2.3. Kịch: Đóng góp (1951) (tr.146). Tôi nghĩ, một tiêu mục thì phải có nội dung bên trong, trừ phần phụ lục để người đọc tra cứu; nếu không giải quyết vấn đề gì thì không nên đặt một mục to tát như vậy. Điều này cho thấy tác giả giáo trình – tiến sĩ Hoàng Thị Huế rất ẩu, rất bất cẩn. Bất cẩn với bản thân mình – một giảng viên, tiến sĩ; bất cẩn với người tiếp nhận: sinh viên đại học.

Thiết nghĩ, giáo trình ở đại học cần phải chính xác về nội dung và trong sáng về sự diễn đạt. Một cuốn sách sai sót như thế này mà đem dạy cho sinh viên, e rằng sẽ rất tác hại. Đây lại là trường Đại học sư phạm – một trường mẫu mực, với mục đích đào tạo những giáo viên trong tương lai thì việc tác hại lại càng gấp bội.

Tôi không đủ trình độ để luận bàn những vấn đề cao siêu về chuyên môn, xin nhường cho các bậc giáo sư, tiến sĩ. Tuy nhiên, ở một trường Đại học mà lại tồn tại những cuốn giáo trình như thế này, chứng tỏ nền giáo dục của Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng.

Võ Văn Kha
Nguồn Blog Nguyễn Trọng Tạo

Bằng Hữu trong thơ Lê Quốc Quân

$
0
0

pobrane

Đọc những câu thơ của Ls Lê Quốc Quân viết tặng người bạn tù Nguyễn Xuân Nghĩa người ta sẽ cảm nhận một nỗi ấm áp lạ lùng dù khung cảnh của bài thơ là một buổi chiều mưa lạnh, với hai con người tù tội, giữa cái âm u của núi rừng và những hàng rào kẽm gai. Tôi chạnh nhớ đến câu nói của nhà văn Mỹ nổi tiếng Hellen Keller “cùng bước với một người bạn trong bóng tối, tốt hơn là bước một mình trong ánh sáng”. Hellen Keller là một phụ nữ khuyết tật từ tấm bé: mù, câm và điếc! Câu trên bà đã nói về Anne Sullivan, một người thầy và cũng là bạn đồng hành trong cái thế giới toàn bóng đêm của bà.

Tình bằng hữu ấy khiến người ta liên tưởng đến Ls Lê Quốc Quân, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và của nhiều người khác nữa… Nhịp chân đó hẳn là nhịp bước gian nan của hai người đồng đội trong cái bóng tối mênh mông đầy bất trắc của tổ quốc mình.

Chiều mưa…

Lọt giữa núi rừng hiu quạnh

Âm u hàng rào kẽm gai

Tôi ngồi bên người bạn hiền tranh đấu

 

Bàn về nhân sinh thế thái u hoài

Về con người và sức sống tương lai

Trên ghế nhựa là John Stuart Mill

“On liberty” gió thổi lật từng tờ

Trong tường cao lao mộ

Chúng tôi “bàn về tự do”

(Chiều Mưa Bàn Về Thế Sự)

 

Hôm xưa đọc trên blog của Ls Lê Quốc Quân thấy anh viết: “Hôm nay 27 tháng 11 ngày xử LS Đài và LS Công Nhân bị đem ra xét xử phúc thẩm, Hôm nay lại có 3 người bạn là LS từ Sài gòn ra bào chữa nên cố đi xem, một phiên tòa được nói là công khai.

Và rồi bị đánh, bị bóp cổ, bị đập đầu vào thành xe, bị nhốt một ngày trong đồn. Mình bị đánh vì chỉ mong một điều: Được đứng yên lặng trên vỉa hè. Nơi đó đã cách xa tòa án khoảng 200 m. Mình cảm nhận rất rõ bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản được thể hiện đối với đồng bào. Mình thực sự ngạc nhiên về sự thô bạo và “rừng rú” của các công cụ cách mạng . Khi gần ngất đi vì nghẹt thở bởi một bàn tay thô bạo và chuyên nghiệp bóp cổ, chợt hiểu ra nhiều điều.”

Hôm nay đọc một bản tin trên báo Lao Động thấy 4 tàu Trung Quốc rượt đuổi, vây hãm, cướp bóc tang thương một tàu đánh cá Việt Nam; bỗng dưng chợt hiểu ra những điều anh hiểu và thấm thía  những câu thơ anh viết từ Hoả Lò:

Đọc vội ngay trên báo Nhân Dân của Đảng đủ làm dậy sóng lòng tôi.
Đêm nay!
Sóng biển đông uất ức vỗ vào nghềnh đá
Tha thiết gọi tên anh tên tôi.
Đêm nay!
Có đôi tay bất lực ghì vào song sắt
Da diết gọi Hoàng Sa-Trường Sa
Âm vang mãi của sóng giọng của người tù
Rơi vào khoảng không vô vọng!
Lũ giặc cướp tung hoành trên biển đông
Chúng lập tam sa xây nhà tù trên đảo.
Bắn giết hải quân cầm tù ngư phủ
Chúng cắt thông tin xua bình minh trên biển
Xô đổ cả hoàng hôn duyên hải
Đem đêm tối kinh hồn cho vợ con xóm nhỏ…

(Hoả Lò vọng sóng biển đông)

Nước mắt của những người mẹ, người vợ ngư dân lại đổ trên bến Tịnh Kỳ, Sa Kỳ… Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày trong tháng sáu, đã có 3 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị lực lượng hải giám Trung Quốc ngăn cản, tấn công, cướp bóc tài sản khi đang đánh bắt hợp pháp tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Kết quả đưa đến là một ngư dân bị thiệt mạng và một số ngư dân khác bị trọng thương.

Nghĩ đến cảnh những con tàu của ngư dân nghèo VN hối hả chạy trốn, cảnh rượt đuổi, bao vây của tàu hải giám Trung Quốc, rồi cảnh những ngư dân bị vòi rồng xịt văng lên không trung; nỗi đau thương làm người ta nghẹt thở, làm chùng cả không gian!

Hãy nghe lời kể của ngư dân Nguyễn Văn Tiến về hành động ức hiếp của những tên cướp được mệnh danh bằng tình hữu nghị thắm thiết này: “Họ dồn toàn bộ ngư dân trên tàu cá lên trước mũi tàu, rồi dùng áo trùm đầu tất cả. Được một lúc, họ yêu cầu chúng tôi cởi bỏ áo trùm đầu và mở nắp hầm tàu, đưa cá lên boong rồi chuyển sang chiếc tàu chiến đang cập sát hông. Đến khoảng 19h cùng ngày, họ lấy hết sạch gần 7 tấn tôm, cá… đánh bắt được chứa ở 2/4 hầm; 5 phuy dầu, 2 máy quét, 2 máy dò… và chặt phá hỏng nhiều dụng cụ trên tàu rồi bỏ đi”

Trung Quốc đã bắt đầu tấn công các tàu ngư dân VN từ năm 2005, những ngư dân của hai xã Hoằng Trường và Hoà Lộc là những nạn nhân đầu tiên. Từ ấy đến nay ròng rã suốt 10 năm trường, chưa thấy lãnh đạo CS có biện pháp nào để bảo vệ ngư dân. Những con tàu vẫn tiếp tục ra khơi, tiếp tục làm mồi ngon cho giặc dữ. Lẫn trong tiếng sóng biển là tiếng than khóc của người mẹ, người vợ làng chài, là hình ảnh cam chịu của những ngư dân tay không “bám biển”.

Đêm đêm có đôi tay bất lực ghì vào song sắt, và sóng cứ âm vang mãi giọng nói của người tù trên những vần thơ gởi ra từ Hoả Lò: Anh có nghe tiếng tổ quốc tha thiết gọi tên anh tên tôi? biển đảo ta đây bao đời cha ông gìn giữ! Ai để cho chúng ngang nhiên, cướp con cá biển trong bữa cơm chiều con trẻ Việt? Ai lấy tình môi-răng, căng mình giữ ghế, tham quyền cố vị, mặc cho giặc ngoại xâm vơ vét tài nguyên, bỏ đói cả tương lai dân tộc?

Mà anh ơi, mà chị ơi, đâu chỉ riêng có biển đông!

Ôi! Tây nguyên, Biên giới, Cà mau, Thanh hóa
Vũng áng, Thái bình nhan nhản dấu chân Tàu
Hoa quả, gia cầm đồ dùng thức uống
Văn hóa phi trường, tràn ngập tiếng Hoa.
Quê hương tôi đã mất thật rồi ư?
Không?
Sóng đã nổi từ trong ngục tối
(Hoả Lò vọng sóng biển đông)

Và gió và mưa cứ tạt rát mặt người. Bạn hiền ơi! chúng ta tin đường đi là đúng. Bước chân này đã khởi đi từ những ngày lập quốc, biết bao nhiêu thăng trầm sóng gió; từ thuở cùng nhau thích trên cánh tay hai chữ Sát Thát cho đến lúc mắt nhoà lệ khi sát quyết một lời thề ở Lũng Nhai.

Chúng tôi tin đường đi là đúng

Mà gió mưa cứ rát mặt người

Như hàng hiên bắt đầu thấm nước.

Buốt lòng ai- hai khóe mắt rưng rưng.

(Chiều Mưa Bàn Về Thế Sự)

Trong cái thế giới xám ngắt, lạnh lẽo của tù ngục ấy; lạ kỳ thay đã nảy sinh những mối ân tình người ta dành cho nhau dù chưa hề quen biết. Điếu Cày Nguyễn Văn Hải kể rằng khi hay tin Ts Nguyễn Quốc Quân bị giam chỉ cách anh hai phòng. Vì vội vã chuyển đồ ăn cho người tù “mồ côi” về từ hải ngoại, anh đã cố len vào giữa tường giam và bể nước trong phòng khiến một nửa lưng và vai bị trầy xướt rướm máu; đến nỗi quản giáo phải viết biên bản bắt anh ký xác nhận rằng vết thương không phải do họ gây ra. Khi Paulus Lê Sơn bị quản giáo trại giam Nam Hà đánh gãy chân, TNLT Vi Đức Hồi đã phản ứng mạnh mẽ đến nỗi ông bị kỷ luật và bị biệt giam. Khi người bạn tù Nguyễn Văn Hải tuyệt thực, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã lợi dụng lúc được thăm nuôi để chuyển tin ra ngoài, dù biết rất nguy hiểm khi phải nói ngay trước mặt quản giáo. Ông bị kỷ luật, bị cắt thăm nuôi và bị biệt giam…

Trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi này và đặc biệt trong hoàn cảnh gian nan của đất nước, tình đồng đội đẹp và đáng quý nhất! Nó như một vòng tay ôm làm tim mình ấm áp làm tâm hồn mình mạnh mẽ. Đọc thơ Lê Quốc Quân, tôi tin chúng ta ai cũng cảm nhận được sự cần thiết của một bờ vai đồng đội, nó tựa như cái quàng vai của hai người bạn tù trong những tháng ngày đơn độc nhất.

Gió vẫn thổi

Nối dài chiều tháng tám.

Man mác lạnh

Chợt sợ mình

Một ngày nguội lạnh với non sông

Bỗng cùng nhau xích lại

Hơi ấm nào như của tổ tông…

(Chiều Mưa Bàn Về Thế Sự)

 

Người tù trẻ tuổi và chí khí Lê Quốc Quân sẽ được trả tự do vào ngày 27/6 này. Tôi chợt nhớ cái dáng anh đứng ngày nào bên lề đường Hoàng Diệu say sưa hát quốc ca và câu nhắn anh gởi ra từ Hoả Lò:

“Tôi sẵn sàng ngồi tù cho đến chết nếu điều đó là tốt đẹp hơn cho Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam anh hùng”. 

Anh Quân ơi! Xin được đón anh về trong vòng tay bè bạn.

Bạn hiền ơi!

Chúng ta đi cho “Quốc gia khởi nghiệp”

Dầu bao la chiều mưa gió ngược.

Chặng đường dài chông gai trước mắt.

Chúng tôi đi trong mưa.

 

Và xin được mượn bốn câu thơ cuối để nhịp bước cùng anh: “Đôi chân trần hối hả / Gió vẫn thổi và đêm còn dài / Nhưng không bước, dặm đường sao ngắn lại / Ta đi là ánh sáng ban mai. (Chiều Mưa Bàn Về Thế Sự)”

© Nguyện Quỳnh

© Đàn Chim Việt

 

 

Vaclac Havel và Cách Mạng Nhung ở Tiệp Khắc

$
0
0

havel-life-michael-zantovsky-hardcover-cover-art

Tài liệu tham khảo chính yếu:

                                                   HAVEL: A Life

                                                   by Michael Zantovsky

                                                   do Grove Press New York ấn hành

                                                   năm 2014, sách dày 543 trang

* * Năm 1989, lịch sử thế giới đã ghi nhận một biến cố cực kỳ quan trọng: đó là sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại khu vực Đông Âu để rồi kéo theo sự giải  thể của Liên Bang Xô Viết vào cuối năm 1991. Và kể từ đó là sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh (The Cold War) giữa hai khối Cộng sản và Tư bản – cuộc đối đầu thật căng thẳng liên miên giữa hai siêu cường Mỹ và Nga khởi sự ngay sau khi thế chiến II chấm dứt vào năm 1945.

Trong bối cảnh chính trị xã hội sôi động của Đông Âu vào thời kỳ đó, thì tuy chỉ là một nước nhỏ với dân số tổng cộng chỉ vào khỏang 15 triệu người, thì Tiệp khắc đã được cả thế giới chú ý và ca ngợi vì thành tích tranh đấu bền bỉ để dành lại Tự do và Nhân quyền thông qua Phong trào Hiến chương 77 khởi sự từ đầu năm 1977 (The Charter 77 Movement). Và đặc biệt là cuộc Cách Mạng Nhung diễn ra trong các năm 1988 – 1989 (The Velvet Revolution) cùng với một nhân vật lãnh đạo xuất chúng: đó là Vaclac Havel – người sau này được bàu vào chức vụ Tổng thống suốt mấy nhiệm kỳ kéo dài trên 13 năm.

Bài viết này được xây dựng dựa trên những thông tin và tư liệu rất phong phú được chứa đựng trong cuốn sách có nhan đề là: “Havel : A Life” do tác giả Michael Zantovsky biên sọan và cho ấn hành mới đây vào năm 2014 – sau khi Vaclac Havel qua đời vào cuối năm 2011.

I – Sơ lược về tác giả Michael Zantovsky.

Michael Zantovsky hiện đang là Đại sứ của Cộng hòa Czech tại Anh quốc và là Chủ tịch của Viện Aspen Praha. Ông là một trong những thành viên sáng lập phong trào điều hợp công cuộc lật đổ chế độ cộng sản ở Tiệp khắc.

Năm 1990, ông trở thành phát ngôn viên, tùy viên báo chí và cố vấn cho Tổng thống Vaclac Havel. Sau đó, ông giữ chức vụ Đại sứ của Czech tại Washington và Tel Aviv. Ông họat động trên lãnh vực chính trị, ngọai giao và  còn là một tác giả và dịch giả chuyên giới thiệu tác phẩm của các tác giả đương đại của Anh và Mỹ cho độc giả người Tiệp khắc.

II – Giới thiệu tổng quát về cuốn sách “Havel: A Life”.

Là một bạn chiến hứu thân thiết đã từng sát cánh lâu năm với Havel, nên tác giả Zantovsky đã có thể cống hiến cho chúng ta rất nhiều tư liệu và thông tin về đời tư và nhất là về những họat động thật hăng say sôi động của Vaclac Havel (1936 – 2011), đó là một nhân vật cực kỳ nổi danh của Tiệp khắc vào cuối thế kỷ XX qua đầu thế kỷ XXI.

Cuốn sách trải dài 543 trang, được phân chia thành 47 đề mục với mỗi tiêu đề riêng cho từng mục. Tuy vậy, tác giả lại không chia thành những chương, những phân đọan như thường gặp trong các sách khác và cũng không chịu ghi số thứ tự của mỗi mục. Vì thế mà  người đọc gặp khó khăn trong việc theo dõi diễn biến của các sự việc với vô số chi tiết xảy ra xung quanh cuộc sống và họat động của Havel là nhân vật chính yếu của tác phẩm.

Đại cương, ta có thể ghi nhận tóm lược về cuộc đời của Havel với mấy nét nổi bật như sau:

21 – Trong thế chiến II, gia đình của Havel đã phải trải qua những đày đọa do chế độ độc tài Đức Quốc Xã gây ra cho tòan thể nước Tiệp Khắc. Rồi sau khi hết chiến tranh chẳng bao lâu, thì kể từ năm 1948 chế độ cộng sản do Stalin lãnh đạo đã bao trùm lên tòan thể khu vực Đông Âu và cậu bé Havel vừa đến tuổi 12, thì đã bị gạt ra ngòai lề xã hội, không được tiếp tục đi học và cũng thật khó mà kiếm được một việc làm tương đối ổn định – vì lý do là cậu xuất thân từ một gia đình tư sản địa chủ được coi như là một thứ “kẻ thù của cách mạng vô sản”.

Tuy vậy, do cố gắng vượt bậc vào độ tuổi 30 Havel đã trở thành một nhà viết kịch có tên tuổi với nhiều vở kịch được công chúng trong nước cũng như ngòai nước yêu chuộng – nhờ vậy mà ông đã có thể sống tự túc được bằng công việc sáng tác.

22 – Biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968 và tiếp theo là cuộc “xâm lăng ào ạt” của các đạo quân thuộc khối Liên minh Quân sự Varsava do Liên Xô điều động để xâm nhập vào Tiệp khắc – nhằm dẹp bỏ cái chủ trương “Xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân bản” (Socialism with Human Face) do giới lãnh đạo cộng sản địa phương phát động – đã khơi dậy tinh thần quật cường yêu nước của đa số nhân dân Tiệp khắc.Điển hình là vụ tự thiêu vào đầu năm 1969 của sinh viên Jan Palach tại công trương Wensceslav nơi trung tâm thủ đô Praha.

Và rồi với Thỏa ước Helsinki năm 1975, phong trào tranh đấu nhân quyền trong các quốc gia do cộng sản Liên Xô cầm trịch đã nhất lọat vùng lên – sự kiện này lại càng tiếp sức cho công cuộc đòi hỏi tự do và nhân quyền ở Tiệp khắc kể từ ngày nước này bị Liên Xô chiếm đóng sau vụ Mùa Xuân Praha như đã ghi ở trên.

Và chính trong bối cảnh chính trị xã hội sôi động đó mà Havel đã dấn thân nhập cuộc cùng với các bạn đồng chí hướng với mình trong việc đòi hỏi nhà nước cộng sản đương quyền phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm bị giam giữ vô ly  – điển hình như vụ các nghệ sĩ bị đàn áp vì lý do trình diễn lọai nhạc theo trào lưu Rock N Roll ở các nước Tây phương. Đó là điểm xuất phát của Phong trào Hiến chương 77 với sự phổ biến tòan văn Bản Hiến chương này được gửi đến chính quyền cộng sản. Ta sẽ bàn thảo chi tiết về biến cố cực kỳ quan trọng này khởi sự từ đầu năm 1977 ở mục sau.

23 – Tiếp theo là cuộc Cách Mạng Nhung phát động vào năm 1988 – 89 đưa đến thắng lợi cuối cùng là giải thể được chế độ cộng sản vào cuối năm 1989 và sau đó Vaclac Havel được dân chúng tín nhiệm giao cho trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia Tiệp khắc trong giai đọan xây dựng và tái thiết đất nước kể từ đầu thập niên 1990.

Lãnh tụ Havel đã được cả thế giới biết đến và yêu chuộng vì phong cách hòa ái nhân hậu khi điều hành guồng máy nhà nước – mà cũng vì lập trường tranh đấu bất bạo động và hết sức kiên cường chống lại chế độ độc tài chuyên chế cộng sản. Ta sẽ ghi thêm chi tiết về họat động của người nghệ sĩ và chiến sĩ Havel trong mục sau.

III – Vaclac Havel là một nghệ sĩ mà cũng là một chiến sĩ nữa.

Là người sọan kịch (playwright) với nhiều tác phẩm được công chúng tán thưởng yêu chuộng, Havel luôn cố gắng trau dồi vê học thuật tư tưởng theo truyền thống nhân bản của Âu châu. Nhờ vậy mà ông đã có được một căn bản sở học vững vàng để hội nhập được với trào lưu văn hóa tiến bộ của thế giới.

Và mặc dầu phải sống trong khung cảnh ngột ngạt do sự kềm kẹp của Liên Xô sau biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968, Havel vẫn tìm cách liên hệ được với giới văn nghệ sĩ trí thức tại các nước Âu Mỹ qua những vở kịch được trình diễn ở nước ngòai. Nhờ đó, mà ông được sự yểm trợ và bênh đỡ tận tình của những nhân vật có tên tuổi trên thế giới – mỗi khi bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, bắt giam vì những họat động tranh đấu cho Tự do và Nhân quyền. Dưới đây, ta sẽ xem xét chi tiết hơn về sự nhập cuộc của Havel khi bước vào tuổi 30. Và sau đó, cũng điểm qua một số thành tích nổi bật nhất của ông trong thời giam giữ chức vụ Tổng thống của Tiệp khắc tự do dân chủ.

31 – Cuộc tranh đấu kiên cường ròng rã suốt trên 20 năm (1968 – 1989)

Nói chung, sau vụ khối Liên Xô kéo quân đội vào Tiệp khắc năm 1948, thì giới trí thức văn nghệ sĩ tại xứ này cũng như tại Đông Âu lại càng trở nên bất mãn và chống đối lại chính quyền cộng sản do Liên Xô áp đặt để kềm kẹp dân chúng chặt chẽ, khắc nghiệt hơn nữa – theo chính sách mà họ gọi là “bình thường hóa” (normalisation) để tái lập quyền thống trị tòan diện của đảng cộng sản chống lại khuynh hướng cải cách (reformist). Havel đã mỗi ngày tham gia nhiệt thành hơn vào cuộc tranh đấu của những phần tử cấp tiến nhất trong giới văn nghệ sĩ trí thức tại quê hương mình.

Nổi bật nhất là việc Havel góp phần sọan thảo bản văn của Hiến Chương 77 và rồi được giao phó trách nhiệm là một trong ba người phát ngôn viên của tổ chức này (spokeman). Lời văn nhẹ nhàng, khiêm tốn, nhưng nội dung thật dứt khóat tập chú vào việc đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng nhân quyền bằng cách thả những người bị bắt giữ vì lý do chính kiến bất đồng (dissident).

Cũng vì tích cực hành động như vậy mà Havel đã bị giam giữ ngặt nghèo liên tục đến gần 5 năm từ năm 1978 đến 1983.

Tiếp đến là vào năm 1988, nhân kỷ niệm 40 năm ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948 – 1988), giới tranh đấu lại quy tụ với nhau dưới danh nghĩa “Diễn Đàn Công Dân” (Civic Forum) để đảy mạnh hơn nữa cuộc tranh đấu cho Tự do và Nhân quyền. Và đó là căn nguyên của cuộc Cách Mạng Nhung đưa đến sự sụp đổ dứt khóat của chế độ cộng sản ở Tiệp khắc vào cuối năm 1989. Gọi là Cách Mạng Nhung bởi vì không hề có bạo động đổ máu và cũng không có sự trả thù của bên thắng cuộc là phe tự do dân chủ của Havel đối với những cựu đảng viên cán bộ cộng sản ở bên thua cuộc.

Tổng thống Havel được quốc tế ca ngợi và mến phục vì thái độ trượng phu quân tử khi nắm quyền lãnh đạo quốc gia sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 đó vậy, mặc dầu ông cũng bị một số bà con đồng bào ấm ức bất mãn vì chuyện quá ư nhân đạo bao dung cho kẻ đã từng gây ra bao nhiêu tội ác trong suốt hơn 40 năm đảng cộng sản nắm giữ quyền hành.

32 – Một vị Tổng thống được nhiều người mến mộ.

Từ sau năm 1990, ít có vị lãnh đạo quốc gia nào mà lại được tòan thể chính  giới quốc tế ca ngợi mến chuộng như là đối với Tổng thống Havel của Tiệp khắc, một nước nhỏ mà vừa mới thóat khỏi ách cộng sản do thắng lợi kỳ diệu của cuộc Cách Mạng Nhung. Nhưng thành tích nổi bật nhất của Tổng thống Havel là ông đã thật khôn ngoan nhiệt thành trong việc vận động để Tiệp khắc được gia nhập minh ước phòng thủ  NATO và tiếp theo là gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu (EU = European Union).

Đó quả thật là một kỳ công để Tiệp khắc có thể trở về trong vòng tay ấm cúng của đại gia đình Âu châu vốn có truyền thống văn hóa lịch sử cũng như học thuật tư tưởng sáng chói -  mà nước này cũng như Ba Lan, Hungary ở Đông Âu đã chia sẻ chung với nhau từ cả ngàn năm trước. Chỉ có tầm nhìn thật bao quát rộng lớn của người nghệ sĩ trí thức như Vaclac Havel mới có thể lôi cuốn thuyết phục được giới lãnh đạo chính quyền cũng như xã hội dân sự tại các nước Tây Âu và Hoa kỳ chấp thuận cho Tiệp khắc hội nhập êm thăm với cộng đồng Tây Âu như vậy mà thôi.

33 – Một số tác phẩm tiêu biểu của Vaclac Havel.

Tại cuối sách “Havel:A Life”, tác giả Michael Zantovsky đã ghi ra khá nhiều tác phẩm của Havel mà ông đã trích dẫn trong sách. Xin ghi nơi đây một số tác phẩm tiêu biểu ;

A – “Disturbing the Peace” do Paul Wilson dịch, ấn hành năm 1990.

B – “Letters to Olga” cũng do P.Wilson dịch, ấn hành 1990. Olga là bà vợ lâu năm của Havel, hai người không có con với nhau. Bà chết vì bệnh ung thư năm 1995. Sau khi Olga mất, Havel tục huyền với Dasa Dagmar.

C – “Toward a Civil Society” do P. Wilson và những người khác dịch, ấn hành năm 1995.

D – “ The Power of the Powerless” tiểu luận viết năm 1978  (có đề tặng và  tưởng niệm triết gia Jan Patocka người bị chết sau cuộc điều tra của công an mật vụ vì là đồng tác giả và phát ngôn nhân của Hiến chương 77).Bản dịch tiếng Anh ấn hành năm 1985 tại London.

E – “Selected Plays, 1963 – 83”, do Vera Blackwell dịch ấn hành tại London năm 1992

*  * Tóm tắt lại, Vaclac Havel là một nhân vật xuất chúng của Tiệp khắc vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Ông là một đại diện nổi trội nhất của tầng lớp trì thức văn nghệ sĩ tại Đông Âu với lòng dũng cảm kiên trì trong phong trào tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền để đạt tới thắng lợi cuối cùng vào năm 1989 – là dẹp bỏ dứt khóat được chế độ cộng sản độc tài tòan trị do Liên Xô áp đặt trên quê hương đất nước ông từ năm 1948. Cả thế giới đều ngưỡng mộ con người kiệt xuất này của thời đại chúng ta ngày nay vậy./

Costa Mesa California, Tháng Sáu 2015

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Đến với Linh Bảo: Từ Gió Bấc tới Mây Tần

$
0
0

Nhà văn Linh Bảo đang nặn tượng Mẹ trong xưởng tranh tượng  của một đại học California [nguồn: Linh Bảo cung cấp]

Nhà văn Linh Bảo đang nặn tượng Mẹ trong xưởng tranh tượng
của một đại học California [nguồn: Linh Bảo cung cấp]

Sau các nhà văn nữ tiền chiến như Thuỵ An, Mộng Sơn của thập niên 1940s, Linh Bảo và Nguyễn Thị Vinh là hai nhà văn đi trước thế hệ đông đảo các nhà văn nữ của thập niên 1960s về sau này như Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Trần Thị NgH…

Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.

TIỂU SỬ

Nhà văn Linh Bảo, tên Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: cha Võ Chuẩn nguyên tổng đốc Quảng Nam, mẹ gốc hoàng tộc Tôn Nữ Thị Lịch. Từ thời rất trẻ, Linh Bảo đã nuôi tham vọng được đi du học, rời xa gia đình sớm, sống lưu lạc qua nhiều quốc gia ngoài Việt Nam: Nam Kinh, Quảng Châu, Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ. Linh Bảo còn có hai tên khác: Lại Cẩm Hoa là tên trên chiếc vé xuống tàu vượt biển sang Hương Cảng, Vũ Trung Thư / Mo Chung Shu là tên ghi danh đi học ở Nam Kinh và Quảng Châu. Các bức thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo khi còn ở Hương Cảng đều gửi với tên Lại Cẩm Hoa. [Hình II]

Mới xong năm thứ hai (1947-1949) Đại học Tôn Trung Sơn [do tôn kính người Hoa không gọi tên Tôn Dật Tiên / Sun Yat Sen University], thì Hồng quân của Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục 1950, Linh Bảo một lần nữa từ Quảng Châu chạy tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây, cô đã làm mọi việc để kiếm sống: từ phụ tá nha sĩ / dental tech tới lồng âm tiếng Việt cho các bộ phim Tàu đang thịnh hành thời bấy giờ.

Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh do cuộc hôn nhân này. Bút hiệu Linh Bảo, có nguồn gốc rất đơn giản, đó chỉ là tên người chồng Trần Linh Bảo / Ling Po Chan và bút hiệu ấy gắn mãi với văn nghiệp của chị trong văn học sử Việt Nam.

Đến 1954, khi Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hoà mới được thành lập, Linh Bảo là người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại, tiếng Anh và dĩ nhiên cả tiếng Việt, cô được tuyển làm nhân viên của toà Lãnh Sự Việt Nam tại Hương Cảng. Làm việc tới 1957, trở về nước và chỉ sau 2 năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.

Từ Hương Cảng, qua Pháp rồi qua Anh một thời gian, cuối cùng Linh Bảo chọn định cư ở Mỹ sau khi được tuyển dụng vào giảng dạy môn Việt ngữ 14 năm [1962-1976] tại trường Sinh ngữ Quân đội Mỹ / Defense Language Institute, Monterey, California cho đến khi ngôi trường bị giải thể sau Chiến tranh Việt Nam.
Linh Bảo hiện sống tại Nam California.

Tác phẩm:

- Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953
- Tầu Ngựa Cũ, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961
- Những Đêm Mưa, truyện dài, Nxb Đời Nay 1961
- Những Cánh Diều, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971
- Mây Tần, tuyển tập đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981
Sách Nhi đồng:
- Chiếc áo nhung lam, Sách Hồng, Nxb Đời Nay 1953
- Con Chồn Tinh Quái, truyện Nhi đồng, Nxb Ngày Mới 1967

Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961. [Hình V] Trừ truyện dài Gió Bấc và truyện nhi đồng Chiếc áo nhung lam được in từ 1953, các tác phẩm chính của Linh Bảo đều được xuất bản trong thời kỳ 1954-1975.

TỪ GIÓ BẮC TỚI GIÓ BẤC

hình bìa Gió Bấc do Phượng Giang xuất bản 1953

hình bìa Gió Bấc do Phượng Giang xuất bản 1953

Tại Hương Cảng, Linh Bảo được dịp làm quen với hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Trương Bảo Sơn. Bản thảo Gió Bắc [chưa phải là Gió Bấc] như một tự truyện viết theo ngôi thứ nhất kể lại cuộc sống lưu lạc của cô sinh viên Linh Bảo, được trao cho chị Nguyễn Thị Vinh và sau đó tới tay nhà văn Nhất Linh.

Sau khi đọc bản thảo Gió Bắc, thấy được “cốt cách nhà văn – chữ của Nhất Linh” của tác giả, Nhất Linh đã viết thư khuyến khích Linh Bảo với hai gợi ý: viết lại cuốn tự truyện theo ngôi thứ ba và sửa nhan đề cuốn sách là Gió Bấc thay vì Gió Bắc. Linh Bảo đã làm theo lời khuyên của nhà văn Nhất Linh. [Hình II]

Nowy obraz (1)

Từ Sài Gòn, ngày 29 tháng 5 năm 1953 nhà văn Nhất Linh đã viết thư cho Linh Bảo lúc đó vẫn đang còn ở Hương Cảng, với tên Lại Cẩm Hoa:

Kính gửi chị Hoa,

Tôi đã nhận được cuốn Gió Bấc và đã đọc hết. Khá lắm và hay hơn lần viết đầu. Xin gửi lời khen chị. Các nhân vật quốc nội và hải ngoại cũng rõ ràng linh hoạt hơn, đoạn kết cũng rất khéo và vừa vặn. Sách chị ra chắc sẽ được hoan nghênh, có lẽ ra đồng thời với Thương Yêu và Gió Mát [của Nguyễn Thị Vinh và Tường Hùng, ghi chú của người viết]. Ba cuốn, ba tâm sự và mỗi cuốn một vẻ.

Tôi sẽ chữa lại văn, xoá bỏ ít đoạn (việc này cũng mất độ mươi hôm) rồi đánh máy đưa kiểm duyệt. Cái chính là hay, còn văn là phụ; song hoàn toàn thì vẫn hơn.

Trong 3 cuốn Thương Yêu, Gió Mát, Gió Bấc cuốn của chị ít sắp đặt, ít tiểu thuyết hoá nhất; những cuốn sau cần phải bố cục… nhưng thôi để khi chị viết cuốn thứ hai. Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị.

Chúc chị mạnh và nếu tiếng đàn vẫn còn văng vẳng (chỉ cơn hen suyễn của Linh Bảo, trong một thư khác Nhất Linh còn gọi đó là tiếng đàn violon, ghi chú của người viết) cũng không sao vì cái đó có ngăn cản gì đâu việc chị viết Gió Bấc.

Nhất Linh

Chẳng thể ngờ rằng chỉ 10 năm sau khi viết bức thư này, nhà văn Nhất Linh đã tuẫn tiết ở tuổi 57 [1906-1963].

Gió Bấc là tác phẩm đầu tay của Linh Bảo được Phượng Giang xuất bản năm 1953. [Hình II] Có thể coi đây như bước khởi đầu vững vàng trên con đường văn nghiệp của Linh Bảo. Vừa mới thành danh với Gió Bấc, vì một lý do tâm cảnh, Linh Bảo muốn đổi bút hiệu, nhưng được nhà văn Nhất Linh khuyên can và cô đã nghe theo.

TỪ GIÓ BẤC TỚI NHỮNG ĐÊM MƯA

Gió Bấc là truyện một cô gái tên Trang sinh ra và lớn lên ở Huế, thể chất yếu đuối do từ nhỏ đã mắc phải căn bệnh suyễn kinh niên, và trở nặng theo mùa và mỗi lần gió bấc thổi về thì cơn hen suyễn lại nổi lên thê thảm; tuy vậy tinh thần cô gái thì mạnh mẽ. Do quan niệm xưa cũ, mẹ Trang không khuyến khích sự học của con gái nhưng Trang thì vẫn nuôi mơ ước được đi du học. Chiến tranh ly tán, Trang xa gia đình rất sớm, lưu lạc vào Sài Gòn, bị bắt và cả tù đầy và rồi cơ hội tới, cô kiếm được một vé xuống tàu với một tên Trung Hoa và qua được Hương Cảng, rồi Nam Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Cô gái mảnh mai ấy đã sống sót qua những biến cố lịch sử: cách mạng ở Việt Nam, cách mạng ở Trung Hoa, trải qua những ngày đầy chiến tranh loạn lạc. Ở đâu thì cô cũng phải làm việc cật lực để mưu sinh. Rồi cô cũng vào được Đại học Tôn Trung Sơn Quảng Châu, chưa được bao lâu thì Hồng quân của Mao Trạch Đông toàn chiếm Hoa lục, một lần nữa lại phải tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây cô đã phải làm đủ nghề để kiếm sống cho đến khi gặp được một người đàn ông Hương Cảng gốc Hoa không tham vọng hiền lành tên Bình, tìm tới muốn chia sẻ cuộc sống với Trang

Trang cuối của Gió Bấc: “Và Bình bỗng nắm chặt tay Trang: Trang, Trang cho phép tôi… được săn sóc Trang … suốt đời nhé?” Nàng đã không chống cự và siêu lòng.

Gió Bấc viết xong tại Hương Cảng 1952 khi ấy Linh Bảo vừa mới 26 tuổi.

Những Đêm Mưa có thể coi như tiếp nối “Gió Bấc”, vẫn cô gái tên Trang. Trang và Bình hai người cưới nhau, cuộc sống lứa đôi ngay sau đó đã chẳng thơ mộng hay hạnh phúc như người con gái từng hy vọng; nhiều xung khắc trái nghịch xảy ra nhất là khi nàng sinh đứa con gái đầu tiên trong cảnh gia đình thiếu hụt đưa tới sự bế tắc. Không thể tiếp tục sống với một người đàn ông mà nàng cho là tầm thường, Trang lại thu xếp hành trang đem theo đứa con gái nhỏ và cái bụng đang mang thai trở về Huế sống với cha mẹ trong một thời gian không hạn định.

Đã thất vọng với cuộc hôn nhân nhưng khi về tới quê nhà, Trang lại phải chứng kiến những tấn bi kịch khác của gia đình: người cha đã bỏ mẹ nàng trong nỗi đau buồn tủi vì mê say sống với mấy người vợ bé trẻ trung hơn mẹ. Chính Trang cũng bị người cha ruột ruồng rẫy. Rồi người cha ngã bệnh chết, bà mẹ quá chán chường tìm chốn nương thân nơi cửa Phật. Người phụ nữ tên Trang ấy, ở đâu cũng thấy cô đơn, chẳng còn trông cậy vào một ai khác, và Trang lần này lại ra đi, chưa biết đi đâu nhưng không có dự tính trở lại với người chồng cũ ở bên Hương Cảng.

Trang cuối của Những Đêm Mưa: “Trang không cần đọc cũng biết nội dung trong thư có những gì [những bức thư của Bình, người chồng cũ]. Trong những năm tháng xa nhau, Bình đã viết đều đều cho Trang mỗi tuần lễ hai bức thư như thế… văn tài của anh dù “yên sĩ” có lên độ cuối cùng cũng không bao giờ đủ hứng để viết thành một cái chuyện ngắn chuyện dài nào… Trang nhìn theo con như cố tìm can đảm để phấn đấu, để chịu đựng những thử thách của một cuộc phiêu lưu sắp tới ngày mai…”

Những Đêm Mưa cũng viết xong tại Hương Cảng 1957, năm năm sau Gió Bấc khi ấy Linh Bảo 31 tuổi.

Cả hai cuốn tiểu thuyết đều bao gồm rất nhiều kinh nghiệm sống của Linh Bảo. Không phải là do câu chuyện mà nghệ thuật viết đã làm nên giá trị độc đáo của tác phẩm Linh Bảo.  Ngòi bút của Linh Bảo thông minh sắc sảo, diễu cợt lật ra những mặt trái của cuộc sống, một cách tàn nhẫn với giọng nghịch ngợm tinh quái bất cần đời nhưng cũng thật là chua chát. Người phụ nữ trong tác phẩm Linh Bảo tuy cứng cỏi, chịu đựng nhưng vẫn luôn luôn là nạn nhân đáng thương của những hoàn cảnh.
Nhìn xa hơn nữa, có thể nói qua các tác phẩm Linh Bảo rất sớm là ngòi bút đấu tranh cho nữ quyền.

LINH BẢO NHỮNG NGÀY SÀI GÒN

Dù ở trong nước hay ở hải ngoại, Linh Bảo viết khá đều tay trong khoảng hai thập niên 1950s và 1970s. Cùng với Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo là một trong hai cây viết nữ chủ lực của tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, báo Tân Phong của Nguyễn Thị Vinh Trương Bảo Sơn, và tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu và một số báo khác.

Sau Gió Bấc, tên tuổi Linh Bảo một thời sáng chói với các truyện ngắn truyện dài xuất hiện sau đó. Những Đêm Mưa và Tầu Ngựa Cũ là hai tác phẩm văn học giá trị của nhà văn Linh Bảo.

Tưởng cũng nên ghi lại đây nhận xét của nhà văn Bình Nguyên Lộc, một cây viết thuần Nam Bộ viết về Linh Bảo qua một thư riêng.

Sài Gòn 21/9/1958

Chị Linh Bảo,

Hôm nọ tôi có đến thăm chị nhưng chị đi vắng…

Một điều sau đây tôi được biết, nói ra sợ chị không tin nhưng không thể không nói được: là rất nhiều bạn văn, bên phe không cọng, nói với tôi rằng các tiểu thuyết đăng ở Văn Hoá Ngày Nay chỉ có tiểu thuyết của Linh Bảo là hay. Họ không nói là hay hơn hết mà chỉ nói là hay thôi. Thế nghĩa là còn hơn là hay hơn hết nữa kia.

Riêng tôi, tôi thấy chị hay hơn Gió Bấc nhiều lắm [Bình Nguyên Lộc muốn nói tới tiểu thuyết Những Đêm Mưa, đang đăng định kỳ trên Văn Hoá Ngày Nay, ghi chú của người viết] và giọng văn của chị đã rõ nét ra, một giọng văn mà ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được…

Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục. Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi…

Bình Nguyên Lộc

T.B. Xin mời chị có đi đâu ngoài nầy, ghé qua nhà tôi một bận. Tôi ở phố Võ tánh, gần chợ Thái Bình. Buổi chiều tôi luôn luôn có nhà, trừ chiều thứ bảy và chiều chúa nhựt.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã mất năm ông 73 tuổi [1914-1987]

Sau Nhất Linh và Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến cũng đã viết về Linh Bảo trên tạp chí Bách Khoa [số 161, năm 1962] như sau: “Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt… Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà ‘lịch sự’: vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả.”

Rất tình cờ từ ba địa phương, cả ba tác giả Bắc Nam Trung đều có chung một nhận định: Linh Bảo là một cây bút có văn tài. Linh Bảo viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào cũng đặc sắc. Chỉ có tiếc là từ hơn bốn chục năm qua, Linh Bảo hầu như không còn quan tâm tới chuyện viết lách và sáng tác thêm nữa.

TÀU NGỰA CŨ GIẢI VĂN CHƯƠNG 1961

Tầu Ngựa Cũ được trao giải văn chương 1961. Năm đó có ba giải văn học, nhà xuất bản Ngày Nay chiếm hai giải: cuốn Thềm Hoang giải nhất truyện dài của Nhật Tiến, Tầu Ngựa Cũ tuyển tập truyện ngắn của Linh Bảo, Gìn Vàng Giữ Ngọc của Doãn Quốc Sỹ do Sáng Tạo xuất bản.

Tầu Ngựa Cũ là tuyển tập chín truyện ngắn của Linh Bảo đã đăng tải trên tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh và Tân Phong của Nguyễn Thị Vinh Trương Bảo Sơn. Tầu Ngựa Cũ được trao giải thưởng Văn chương 1961. Học giả Nghiêm Xuân Việt, Văn bút Việt Nam “với thiện chí trao đổi văn hoá với ngoại quốc” đã chọn hai truyện Người Quân Tử và Áo Mới trong Tầu Ngựa Cũ dịch ra Anh ngữ với tên truyện The Noble Man và Our Brand New Robes và gửi đi dự cuộc thi truyện ngắn do International PEN tổ chức 1961. Thành phần ban giám khảo gồm những tên tuổi như: Storm Jameson (Anh), André Maurois (Pháp), và Whit Burnett (Mỹ).

Kết quả là cả hai truyện ngắn này được tuyển chọn vào chung kết trong số 26 truyện ngắn quốc tế hay nhất năm đó. Cũng thời gian đó Linh Bảo đang sống ở Luân Đôn. Hình như sau đó, hai truyện ngắn này được PEN Vietnam Centre dịch sang tiếng Pháp: L’ homme noble, và Robles Nouvelles để in trong tuyển tập truyện ngắn của Văn Bút Việt Nam.

Tầu Ngựa Cũ là một truyện ngắn được lấy tên cho toàn tập truyện. Đó là truyện tình nhẹ nhàng cảm động. Kỳ trong một chuyến tàu đi suốt từ Huế vào Sài Gòn, anh ao ước có một người bạn đồng hành để có thể truyện trò. Rất tình cờ từ một ga xép, một thiếu nữ lên tàu ngồi bên cạnh Kỳ. Với nốt ruồi đỏ như son trên cổ tay thiếu nữ, Kỳ bỗng nhận ra Thơ người bạn gái xa cách từ lâu, thuở hai người rất yêu nhau. Họ nhận ra nhau và hạnh phúc được ngồi bên nhau trong những kỷ niệm hồi tưởng. Nhưng khi con tàu ghé Nha Trang thì người vợ của Kỳ xuất hiện. Cô gái lặng lẽ bước xuống tàu, không nói một lời chia tay. Tất cả thoáng diễn ra như một giấc mơ. Kỳ trở lại cuộc sống thực tế với một người đàn bà ngồi bên cạnh là vợ chàng. Kỳ có cảm giác mình như một con ngựa đã thuần hoá và từ nay chỉ có một con đường trở về như con ngựa trở về tầu ngựa cũ.

Người Quân Tử là câu chuyện của một cô gái trẻ đẹp tên Dung, đang làm cho một hãng hàng không, sống độc lập bỗng dưng rơi vào nghịch cảnh trong vòng kiềm toả của một người đàn ông đã có vợ nhưng nhiều thủ đoạn, nham hiểm và cả bạo hành; hắn đã biến Dung thành cô “thư ký vạn năng” cùng lúc đóng nhiều vai người tình, người vợ không bao giờ cưới vẫn phải đẻ con lấy họ mẹ, Dung được người đàn ông ấy đối xử như người đầy tớ gái nhưng vẫn nhồi sọ Dung rằng chính hắn mới là kẻ gia ơn và bao bọc, hắn là người quân tử đến mức chính Dung cũng tin là như vậy và khuất phục cam chịu.

Áo Mới với bối cảnh một gia đình của một thời vang bóng nơi kinh đô Huế cổ xưa của một triều đại phong kiến đang suy tàn. Truyện kể về sự tích một chiếc áo do mẹ vua ban mà bà mẹ đem về cho các con. Do gốc tích cao sang chiếc áo được giữ gìn chuyền qua tay những đứa con từ lớn xuống bé và chỉ được dùng trong những dịp giỗ tết nhưng khi đến phiên Hoa đứa con gái nhỏ nhất vì qua thời gian chiếc áo ấy đã bị mục nát. Hoa đã khóc trong ngày Tết năm đó vì không được mặc chiếc áo mơ ước, để rồi sau này lớn lên cô gái đi làm có tiền có thể mua sắm bao nhiêu chiếc áo mới nhưng lúc đó đã mất mẹ nên cô gái chẳng còn thấy đâu niềm vui để khoác lên những chiếc áo mới ấy.

Gió Bấc (1953) là truyện dài đầu tay của Linh Bảo, nhưng Những Đêm Mưa (1961) và Tầu Ngựa Cũ (1961) là hai tác phẩm biểu lộ hết tài năng của Linh Bảo.

Tài năng và cơ hội, Linh Bảo đã có cả hai. Sau này Linh Bảo tâm sự là nếu không có buổi gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bản thảo Gió Bấc sẽ chẳng thể đến tay nhà văn Nhất Linh và không chắc đã có một Linh Bảo sau này. Chính Nhất Linh đã khám phá ra tài năng của tác giả Gió Bấc và đồng thời tạo cơ hội cho Linh Bảo đi những bước tiếp theo vững vàng trên con đường văn nghiệp.

NHỮNG NGÀY MONTEREY

Năm 1972, tôi đi tu nghiệp ở Mỹ về ngành Y khoa Phục hồi / Rehabilitation Medicine tại quân y viện Letterman General Hospital, Presidio San Francisco. Trước khi đi, anh Lê Ngộ Châu đã dặn dò: “Anh Vinh sang đó phải tới thăm cho được chị Linh Bảo” cùng với một bức thư tay như một cái cớ để tôi có nhiệm vụ trao lại cho chị.

Một buổi sáng thứ Bảy cuối tuần, do có hẹn trước qua phone, chị Linh Bảo lái xe đến đón tôi tại một trạm xe bus Greyhound. Đã gặp chị ở Sài Gòn, nên không có chút gì ngỡ ngàng khi gặp lại nhưng lần này là trên đất Mỹ. Chị Linh Bảo lúc đó đang ở tuổi 46 có lẽ là thời gian đẹp nhất của chị. Linh Bảo có nét cứng cỏi khoẻ mạnh của một phụ nữ Tây phương nhưng vẫn giữ được nét đẹp hiền dịu Đông phương. Sáng hôm đó, cùng với chị đi thăm biển Monterey một ngày nắng đẹp, trời trong xanh, bãi biển với những thảm hoa đỏ rực, thấp thoáng nóc mấy nhà thờ cổ theo lối kiến trúc Tây Ban Nha. Đến buổi trưa mới về đến nhà, nhà chị trên một lưng đồi, tại đây tôi được gặp “ông Linh Bảo”, là giáo sư Đại học Berkeley về sinh thái học/ ecology, cũng là lãnh vực mà tôi quan tâm. Được biết anh chị cũng vừa đi dự một hội nghị của American Institute of Biological Sciences ở Đại học Vermont từ miền Đông về. Ông ấy rất yêu thiên nhiên và quan tâm bảo vệ sự nguyên vẹn của các hệ sinh thái trên hành tinh này. Vẫn mơ một giấc mơ không thể được/ impossible dream, ông được Linh bảo gọi đùa là mad scientist; nhưng với tôi, ông mang tất cả vẻ đẹp trí tuệ của giới trí thức đại học Mỹ. Cao nguyên Tây Tạng luôn luôn được ông nhắc tới, là vùng ông quan tâm và chuẩn bị một fieldtrip tới đó nghiên cứu [đó là một xứ tuyết Tây Tạng của năm 1972 cách đây 43 năm, chưa bị Trung Quốc tàn phá đến tan hoang như bây giờ, ghi chú của người viết].

Về tới nhà, chị Linh Bảo quấn ngay tấm tablier vào bếp chăm sóc bữa ăn trưa cho ba người. Trong bận rộn nhưng không có vẻ gì tất bật, chị vẫn tươi cười ra vào hiện diện. Bữa ăn dọn ra đơn giản như một thứ fusion-cuisine nửa Việt nửa Mỹ, có món thịt nhưng không thiếu phần rau đậu, rất ngon miệng và giữa chủ và khách đã có ngay được mối thân tình.

Hai người đàn ông thì vẫn đằm mình trong những câu chuyện môi sinh mà chị Linh Bảo thì rất ít tham gia; sau bữa ăn bên ly cà phê, nghĩ rằng cũng đủ thân để chia xẻ chút riêng tư, với một chút hài hước “ông Linh Bảo” chuyển sang một câu chuyện khác, ông nói về kinh nghiệm khi cưới một người vợ Á Đông, khởi từ ý niệm về một phụ nữ hiền thục và tuân phục, rồi ông dí dỏm đưa ra nhận xét: “nhưng khi lấy Linh Bảo rồi, thì mới thấy họ là những người đàn bà có bàn tay sắt bọc nhung/ an iron hand in a velvet glove.” Cả ba chúng tôi đều bật cười, nhưng cảm tưởng của khách viếng thăm là “ông Linh Bảo” đang sống những ngày rất hạnh phúc trong bàn tay sắt kìm kẹp ấy.

Buổi chiều, cả ba chúng tôi cùng đi thăm trường Defense Language Institute, Monterey, California, rất lớn nơi đây giảng dậy hơn ba chục ngôn ngữ trong đó có Việt ngữ, cho những người Mỹ trước khi tung họ đi các quốc gia trên khắp thế giới. Tới thăm một khu chăm sóc trẻ thương tật là nơi chị Linh Bảo tới làm thiện nguyện/ volunteer những ngày cuối tuần. Sau đó đi thăm một vòng bên trong thành phố Monterey, cho mãi tới sẩm chiều trước khi anh chị đưa tôi ra trạm Greyhound về lại San Francisco.

Trở về Việt Nam, ít lâu sau đó tôi nhận được thư chị Linh Bảo viết ngày 23-01-1973 gửi qua toà soạn Bách Khoa, chị viết: “Được thư và sách của anh, tôi mừng quá vì cứ tưởng anh đã bị ai bỏ bùa ngải quyến rũ đi Canada mất rồi. Anh có cách gì để tôi có thể mua số sách của anh cho sinh viên của tôi đọc được không? Đọc Vòng Đai Xanh tôi thích lắm vì đúng loại sách tôi đang muốn đọc để hiểu. Tại sao anh không nói chuyện về cô Như Nguyện của anh cho tôi nghe? Cô ấy chắc là tu nhiều kiếp rồi phải không? [Như Nguyện là nhân vật nữ trong Vòng Đai Xanh, ghi chú của người viết]. Tôi muốn về thăm nhà một chuyến… Monterey vừa rồi có tuyết, đó là chuyện mấy chục năm chưa từng có...” Linh Bảo.

LINH BẢO LITTLE SAIGON 1991

Sau những năm đèn sách “cải tạo” từ New York trở về California, tôi mới có dịp gặp lại chị Linh Bảo. Lần này qua một người bạn chung là chị Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, chị Nha Trang một Ph.D. của Đại học Berkeley có thời gian ở với chị Linh Bảo, để hoàn tất tác phẩm Women’s Writers of South Vietnam 1954- 1975. Chị Nha Trang và chồng William L. Pensinger là hai dịch giả cuốn Vòng Đai Xanh của tôi về sau này. [The Green Belt, Ivy House 2004].

Sau 1975, Linh Bảo hầu như hoàn toàn không viết và chị cũng chẳng mấy quan tâm tới những tác phẩm đã tạo nên văn nghiệp của mình. Linh Bảo thì lúc nào cũng vẫn như Một Cánh Diều sống lưu lạc ngoài Việt Nam, nhưng lòng thì vẫn khắc khoải hướng về quê nhà.

Linh Bảo đã ví thân phận những người Việt tha hương như những cánh diều, chỉ vì một cơn cuồng phong, cơn bão thời đại đã thổi bạt họ đi khắp mọi nơi trên thế giới:

“Trời đang xanh biếc, những đám mây nhẹ như tơ, trắng như tuyết, đang theo làn gió bay lang thang, vương vấn làm quen với bọn diều thì bỗng dưng có một trận gió lạ cuồn cuộn thổi đến. Bọn diều băng băng vượt mây lên thật cao: một số lớn bị đứt dây, và một số khác bị tuột. Cánh diều ngũ sắc không còn bị kiềm chế, tự do bay vùn vụt. Chúng như những chấm nhỏ li ti in trên nền trời xanh biếc. Gió thổi chúng lên núi, ra bể, đến thành thị, về thôn quê, gió thổi bạt chúng đi khắp mọi nơi…
Những cánh diều là những bọn người tha hương, một số đã bị đứt dây, đã thành mồ côi, đã mất liên lạc với quê hương, đã không còn một ai thân mến nữa… Một số bất đắc dĩ, hay tự nguyện làm cho mất gốc. Cảnh mất gốc này có người đau khổ mà chịu, có người tự tạo ra, cũng có người lấy làm hãnh diện về sự mất gốc của mình và cố tranh đấu để xoá tan những tàn tích còn vương lại. Có người còn liên lạc với gia đình, với quê hương, nhưng liệu tình yêu gia đình và quê hương có mạnh hơn lòng tham thụ hưởng những sung sướng vật chất và an nhàn nơi xứ người…
Lạy trời thổi ngọn gió hiền, ngày mai đưa những cánh diều tha hương trở về đất mẹ!” Những Cánh Diều, tr.5-7, Nxb Trí Đăng Saigon 1971

Nhưng chừng nào mà Đất Mẹ vẫn còn một chế độ “Nhốt Gió – tên một tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc” ngăn chặn những ngọn gió hiền Dân Chủ thổi về, thì vẫn còn hơn ba triệu cánh diều tha hương vẫn cứ khắc khoải với ” Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” như câu thơ của văn hào Nguyễn Du từ hơn 200 năm cũ.

TÌM LẠI THỜI GIAN ĐÃ MẤT 2015

Không còn cảm hứng viết văn, Linh Bảo có thêm nhiều thú vui mới khác: theo học các lớp vẽ tranh nặn tượng, làm đồ men sứ, học in hình trên đĩa, làm vườn, tập Yoga và cả luyện võ. Điều ít ai biết, nhà văn nữ Linh Bảo giỏi võ nghệ đã có huyền đai từ một võ đường của Bảo Truyền.

Linh Bảo hiện sống trong một ngôi nhà nhỏ nơi Thị trấn Giữa đường / Midway City, có vườn cây trái phía sau, một hồ cá Koi. Cùng sống trong ngôi nhà ấy là ba thế hệ cũng là ba thế giới: Linh Bảo, con gái và một cháu ngoại nay cũng tới cái tuổi tam thập nhi lập.

Nhà văn Linh Bảo sắp bước vào tuổi 90 [chị sinh sau nhà văn Nguyễn Thị Vinh hai năm, chỉ sau nhà văn Võ Phiến có 6 tháng - 20 tháng 10, 1925], chị còn minh mẫn, vẫn với giọng nói của Linh Bảo ngày nào, đọc sách không cần kính, lưng vẫn thẳng, dáng đi vững vàng, chị còn sinh hoạt độc lập.

Bài viết với cả chút riêng tư, như món quà sinh nhật sớm gửi tặng nhà văn Linh Bảo trước khi chị bước vào ngưỡng tuổi 90 xưa nay là hiếm.

NGÔ THẾ VINH

California, 4th of July 2015

© Đàn Chim Việt

Xuân Vũ, Củ Chi & Wikipedia

$
0
0

“People in the developing world don’t always understand how Wikipedia is created. It’s such a credible website, it comes so high up the search rankings—people think it’s just another encyclopedia.”

Nhiều người ở các quốc gia đang phát triển không phải lúc nào cũng hiểu cách thức wikipedia được tạo ra. Đó là một website được tin cậy, đến độ thứ hạng tra cứu thông tin qua nó đứng ở mức rất cao –  người ta nghĩ rằng nó là một dạng tự điển bách khoa.

Andreas Kolbe, Wikipedia editor

Nowy obraz (4)

Cuối đời, tôi hơi hốt hoảng khi chợt nhớ ra rằng mình chưa được đi du lịch lần nào ráo trọi. Trước khi chuyển qua từ trần, có lẽ, cũng nên thử nghỉ hè một chuyến cho nó giống với (phần đông) thiên hạ!

Gọi điện thoại hỏi qua mấy hãng du lịch, và được khuyên rằng nếu không rành tiếng Anh tiếng Pháp thì đừng có bầy đặt qua Tây qua Úc làm chi (cho má nó khi) cứ qui cố hương cho nó chắc ăn. Thủ tục xin chiếu khán vào Việt Nam, bây giờ, thoáng lắm.

Những địa điểm họ đề nghị nên đến “tham quan” cũng đều vô cùng hấp dẫn:

-         Lăng Bác

-         Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng

-         Địa Đạo Củ Chi

Giữa tôi và ông Hồ Chí Minh không có mâu thuẫn gì lớn. Xích mích, đụng chạm, cãi cọ (nho nhỏ) cũng không luôn. Vào thăm lăng Bác âm u cho biết (nó âm u tới cỡ nào) cũng tốt thôi nhưng kẹt cái là phải ra tuốt luốt tận Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại thì xa xôi và lôi thôi quá. Đã thế, cứ theo dư luận thì nạn rạch hành lý của du khách ở phi trường Nội Bài “nổi cộm” hơn ở Tân Sơn Nhất rất nhiều lần (nên) tôi đành … thôi vậy!

 

Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi.

Lý do, theo ông Nguyễn Như Công, giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam: “vì lượng người đổ về tham quan quá đông” nên cái nền chịu đời không thấu.

Ông Công khiến tôi trộm nghĩ (“không mợ chợ cũng đã đông rồi”) mình  bon chen vào xem làm gạch của tượng đài vỡ nặng hơn nữa thì dám bị nghi rằng đây là “âm mưu phá hoại của bọn thù địch nước ngoài,” chứ chả phải đùa đâu.

Lôi thôi có thể bị mời vô phường hay vô đồn để “làm rõ” là bỏ mẹ, hay (dám) bỏ mạng luôn. Ngày nào mà không có người đã “tự tử” ở trụ sở phường, hay trong đồn công an Việt Nam, đúng không?

Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi đến nơi tưởng cũng nên google thử chơi một cú. Wikipedia ghi rõ:

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách ThànhphốHồChí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được MặttrậnDântộcGiảiphóngmiền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ ChiếntranhĐôngDươngChiếntranhViệt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.

 Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây... tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.

Trời, đất, qủi thần ơi – hồi đó – sao cán bộ cách mạng giỏi dữ vậy cà? Ở dưới tuốt địa đạo cả chục thước mà không ai bị  ngộp nước ráo trọi; đã vậy, họ còn làm kho chứa vũ khí, bệnh viện giải phẫu, và rạp để chiếu phim hay trình diễn văn nghệ nữa kìa.

Vậy mà bây giờ hễ cứ mưa là thủ đô Hà Nội trở thành Hà Lội, và thành phố Hồ Chí Minh (rực rỡ tên vàng) cũng bớt rực rỡ rất nhiều vì lụt lội – theo tin loan của báo Pháp Luật, số ra ngày 09 tháng 5 năm 2015: “Mưa nửa tiếng đường ngập như sông, xe cộ bì bõm trong nước cống… Trên đường đường Nguyễn Văn Quá (đoạn qua phường Đông Hưng Thuận, quận 12), sau cơn mưa lớn, tuyến đường này ngập ngụa nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc hơn 500m.”

Mưa Hà Nội. Ảnh: infonet.vn

Mưa Hà Nội. Ảnh: infonet.vn

Blogger Cao Huy Huân (VOA) còn cho biết thêm chi tiết: “ Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực trung tâm TP được xác định còn 68 điểm ngập, so với năm 2011 số điểm ngập trên nhiều hơn 10 điểm. Công tác chống ngập thời gian qua cứ loay hoay với câu chuyện xóa, giảm điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập khác, thời gian qua tại TP đã phát sinh tới 29 điểm ngập.”

Mưa Sài Gòn. Ảnh: wikivn.org

Mưa Sài Gòn. Ảnh: wikivn.org

Khoảng cách rất gần giữa Sài Gòn và Củ Chi, và rất xa giữa “khả năng của chính quyền cách mạng” hồi thời chiến với thời bình khiến tôi hơi nghi ngại – nghi ngại về mức độ khả tín và khả xác của Wikipedia! Lò dò thêm một chập tôi tìm ra được một nguồn tài liệu khác viết về Củ Chi, qua ghi nhận của một nhà văn: Xuân Vũ.

Ông không có tên trong Wikipedia, tất nhiên, dù đã để lại cho đời “một gia tài văn chương đồ sộ gần 50 tác phẩm” – theo ghi nhận của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh:

“Xuân Vũ (1930-2004) là một nhà văn mà các tác phẩm cả về lượng lẫn phẩm đều nổi trội. Ông viết nhiều thể loại, từ những hồi ký đến truyện dài, từ những truyện phong tục đồng quê của Nam Bộ thời xa xưa đến những truyện theo sát thời sự từ thuở kháng chiến chống Pháp đến lúc vượt Trường Sơn vào Nam…

Một bộ hồi ký gồm 5 cuốn mà Xuân Vũ viết qua ký ức của Dương Đình Lôi ‘2000 Ngày Đêm trấn Thủ Củ Chi’ cũng là một chứng tích của một cuộc chiến mà những chiến công tưởng tượng và những anh hùng là người có tên có tuổi thực nhưng được thổi phồng với những việc làm mà óc tưởng tượng cũng phải khó khăn lắm để sáng tạo ra.”

Tôi vào hệ thống thư viện ở thành phố San Jose, California, và tìm được ngay bộ sách này:

Title: 2000 ngày đêm trấn thủ củ chi / Xuân Vũ & Dương Đình.
Author: Xuân Vũ.
Publication Information: Glendale, CA : Đại Nam, 1991-
Description: v. <1-7 > ; 21 cm.
Note: Volumes 1-4 published by Trời Nam ; Volumes 5-7 published by Đại Nam.
Subject: Vietnamese War, 1961-1975 — Tunnel warfare.  Vietnamese War, 1961-1975 — Vietnam — Củ Chi (Quận)
Củ Chi (Vietnam : Quận) — History.

Té ra trọn bộ tới bẩy cuốn lận, chớ không phải năm. Mẹ ơi, mấy ngàn trang sách thì đọc chắc tới tết hay dám tới chết luôn – không chừng. Mới coi qua đôi dòng “LÁ THƯ GỞI CHO MỘT NỮ ‘DŨNG SĨ’ ĐẤT CỦA CHI” mà tác giả viết thay cho lời tựa thấy cũng đủ thấy “chóng mặt” rồi:

Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 8 năm 1991

Em Bảy Mô thân mến,

Bất ngờ anh bắt gặp một quyển sách tiếng Anh viết về địa đạo Củ Chi trong đó có đề cập tới em và hình em nữa. Xem xong quyển sách này anh cười phì vì nó hài hước và bịp bợm quá lẽ, anh không muốn nêu tên sách và tác giả ra đây vì họ không đáng cho anh gọi là nhà văn, mà họ chỉ đáng được gọi là những thằng bịp…

Anh tự hỏi tại sao tác giả quá ngây ngô để bị lừa một cách dễ dàng rồi trở lại lừa độc giả của họ một cách vô lương như thế. Nhưng cho dù họ bịp được toàn nhân loại đi nữa, họ cũng không lừa được anh và em, những kẻ đã từng đổ mồ hôi và máu trên mảnh đất này. Riêng anh thì đã tử thủ mặt trận: Hai ngàn ngày đêm, không vắng mặt phút nào. Để nói cho độc giả biết rằng bọn Cộng Sản đã bày trò bịp thế gian một lần nữa, sau vụ đường mòn xương trắng và khuyên những người nhẹ dạ chớ có mắc lừa, anh quyết định viết quyển sách này.

Họ bảo rằng bề dài địa đạo là hai trăm dậm. Em có tin không ? Sự thực Củ Chi có mấy khúc địa đạo còn tạm xài được trước khi Mỹ vô (1964) ? Quận Củ Chi là một quận nhỏ gồm mươi lăm xã cách Sài gòn hai chục cây số đường chim bay, nhưng nó là cửa ngỏ đi vào Sài gòn cho nên có hai bên Quốc Gia lẫn Cộng Sản đều tử chiến ở đây, một chiến trường khốc liệt nhất Miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai của nước ta. Nếu tính bề châu vi thì quận Củ Chi đo được chừng năm mươi cây số. Như vậy bề dài của địa đạo ít nhất bốn lần chu vi Củ Chi. Họ còn viết rằng địa đạo đã lập thành một vòng đai thép bao quanh căn cứ Đồng Dù và người cán bộ mặt trận có thể ở dưới địa đạo nghe nhạc đang đánh ở trên căn cứ này. Cụ thể là ông Năm Phạm Sang ngồi đàn dưới địa đạo mà nghe Bon Hope diễn kịch ở trên đầu hắn.

Du khách được ăn uống thử dưới địa đạo những món ăn của cư dân địa đạo trước đây. Ảnh và chú thích: wikipedia

Du khách được ăn uống thử dưới địa đạo những món ăn của cư dân địa đạo trước đây. Ảnh và chú thích: wikipedia

Quyển sách ma này nói láo, nói bậy hoặc nói nhầm hầu hết về những gì đã xảy ra ở Củ Chi trong vòng năm năm (1965-1970) anh và em có mặt ở đó. Nhưng ở đây anh chỉ nhặt ra vài ba điểm quá ư ngu xuẩn của tác giả mà một người đã dám cầm bút viết nên sách dù kém tài đến đâu cũng không thể có được.

Ví dụ họ viết rằng anh Tám Lê và vợ là Thị Thắm mổ xẻ thương binh dưới địa đạo. Xin hỏi: “Làm cách nào để đem thương binh xuống đó ? ” Nên biết rằng miệng địa đạo chỉ hẹp bằng cái khay trầu thôi. Người thường tuột xuống đó còn phải lách chứ không dễ dàng. Thương binh, nếu nặng thì nằm trên cáng, còn nhẹ thì băng bó đầy mình làm sao tụt xuống được? Và nếu có tụt xuống được thì nằm ở đâu, dụng cụ gì, đèn đóm nào dùng cho cuộc giải phẫu. 

Đó là chưa nói đến cái không khí ác độc ở dưới địa đạo. Người khỏe mạnh bất đắc dĩ phải xuống địa đạo thì chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã mệt ngất ngư rồi: vì không đủ dưỡng khí! Nếu bị kẹt vài giờ dưới đó thì con người đã trở thành miếng giẻ rách, còn khi bò lên được thì đã quên hết tên họ mình. Vậy sau khi được giải phẫu, thương binh phải sống dưới đó làm sao? 

Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác như thương binh phóng uế hoặc thủ tiêu những băng đầy máu me. Những người chưa từng ở địa đạo nghe mấy vị này mô tả chắc sẽ nghĩ rằng cuộc sống dưới địa đạo khỏe khoắn như ở trong nhà lầu có máy điều hòa không khí.

Xin thưa câu chuyện không đẹp tai cho lắm: Một lần nọ khi chui xuống địa đạo chúng tôi bị quân Việt Nam Cộng hòa chốt trên đầu không lên được. Rủi thay một nữ cán bộ có đường kinh. Nếu ở trên mặt đất thì dù không kịp dùng băng vệ sinh người đàn bà vẫn không toát ra mùi gì (xin lỗi) nhưng ở dưới địa đạo gặp trường hợp này mọi người đều ngặt mình như sắp chết vì cái mùi uế tạp kia. Người chưa từng ở địa đạo không thể biết rằng đánh một cái rắm dưới đó chẳng khác nào bỏ một trái bom nguyên tử… 

Em Mô thân mến,

Chúng ta hãy cùng nhau cúi hôn mảnh đất Củ Chi đau khổ của chúng ta hiện nay đang nhục nhã vì bị bọn Cộng Sản đem ra làm trò bịp thế gian…

 

Cái gì chớ “bịp” thì là nghề của “bọn Cộng Sản” mà, và Wikipedia (tiếng Việt) thì đúng là mảnh đất lý tưởng để cho mấy ổng múa gậy vườn hoang.

© Tưởng Năng Tiến

© Đàn Chim Việt

Nguyễn Văn Thọ – Nhịp cầu của đảng nơi xứ người

$
0
0

96996pobrane (1)

Có lẽ, không nơi đâu có sự hình thành hai luồng văn học thật rõ ràng như cộng đồng người Việt ở Đức. Sự khác biệt ấy, không chỉ về tư tưởng, mà còn về cả phương thức sáng tác. Hố ngăn đó, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng lịch sử là yếu tố chính tạo nên hai dòng chảy này. Nếu những sáng tác của người Việt (thuyền nhân) vùng phía Tây là sự tiếp nối của văn học miền Nam, thì những sáng tác của người Việt ở miền Đông nước Đức là cánh tay nối dài của nền văn học bác Thỉnh (Hữu Thỉnh), bác Thiều (Nguyễn Quang Thiều) dưới sự dẫn dắt, chỉ đường của đồng chí Đinh Thế Huynh.

Trong bối cảnh ấy, từ trong cộng đồng đã xuất hiện một số cây viết mới. Tuy ở vị thế cũng như tư tưởng khác nhau, nhưng nó đã nói lên được nhiều điều về lẽ sống, con người. Và có thể nói, Nguyễn Văn Thọ là một nhà văn điển hình như vậy. Dù sống ở đất nước tư bản đang giãy chết đã khá lâu, nhưng ông là một trong những tác giả sung sức ở miền Đông nước Đức vẫn kiên định rọi soi tính Đảng vào trong những tác phẩm của mình.

*Hành trình đến với Quyên

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 tại Thái Bình, trong một gia đình có cha là họa sỹ khá nổi tiếng. Ông có những năm tháng dài trong quân ngũ. Thời gian này, ông cũng tập tành viết lách, nhưng không để lại dấu ấn. Có lẽ do tài năng, hoặc chưa gặp thời, gặp vận chăng? Sau chiến tranh trở về với nghề muối và mộng văn chương dường như đã tắt ngấm trong ông. Trong khung cảnh đói khát, bần cùng tịt lối không riêng Nguyễn Văn Thọ, mà của chung toàn xã hội đương thời. Là một Đảng viên trung thành, cần mẫn, do vậy ông đã được Đảng giải thoát bằng con đường xuất khẩu lao động tại Đông Đức, với tư cách đội trưởng.

Nguyễn Văn Thọ (trái) cùng dư luận viên Trần Nhật Quang (phải) trong 1 cuộc biểu tình

Nguyễn Văn Thọ (trái) cùng dư luận viên Trần Nhật Quang (phải) trong 1 cuộc biểu tình

Mấy năm sau bức tường Berlin sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu tan rã, đe dọa nghiêm trọng đến chế độ nơi quê nhà. Những biến động ấy, như những nhát búa gõ vào tâm hồn, làm Nguyễn Văn Thọ bừng tỉnh. Và dường như ông cảm thấy phải có trách nhiệm trước sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, Nguyễn Văn Thọ lại tìm đến văn chương, tuyên truyền, gieo niềm tin của Đảng đến đồng bào, không chỉ nơi hải ngoại. Thời kỳ này, ông đã viết khá nhiều truyện ngắn và thơ chủ yếu về dĩ vãng chiến tranh với anh hùng chiến sỹ thi đua, người tốt việc tốt… nhưng vẫn chưa gây được dư luận. Và sau này, nếu không có cặp mắt xanh của Đảng, đưa về với bác Thỉnh, bác Thiều, thì có lẽ, ông vẫn còn lẩn quất đâu đó, chứ không phổng phao, tên tuổi như bây giờ… Qủa thực, văn chương cũng có số phận như con người vậy.

Và từ đây, con đường văn thơ của ông phát tiết, đi đúng đường rày. Tiểu thuyết Quyên là một minh chứng hùng hồn nhất. Sau khi nhận giải thưởng của hội nhà văn, Quyên đã bế thẳng Nguyễn Văn Thọ xông vào lãnh địa điện ảnh, tuyên truyền. Làm ông sướng đến phát khóc.

Vâng! Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là người dễ xúc động lắm, khi nghĩ về chiến tranh, nghĩ đến tình thương yêu của Đảng luôn làm ông sụt sùi rơi lệ. Thật chẳng ngoa tẹo nào, có người bảo, cứ đà này, ông sẽ trở thành nhà “khóc học“ chứ chẳng chơi.
Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích lời ngợi ca của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhân lần thứ 80 ngày sinh của Đảng, để thấy rõ tình yêu Đảng trong ông dạt dào biết nhường nào: “…Lịch sử 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử hai lần thiên tài. Một đội quân ban đầu chỉ có gươm, mác, súng kíp và tầm vông, mà hai lần đánh thắng hai đế quốc lớn nhất thế giới: Pháp và Mỹ, hoàn thành sứ mạng, thống nhất giang sơn về một mối. Ở khắp nơi trên thế giới người ta đã biết đến Việt Nam, một dân tộc anh hùng bất khuất và điều ấy một lần mang lại niềm tự hào cho người Việt Nam. Lần thứ hai, khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, nhiều quốc gia tưởng vững mạnh đã sụp đổ, song nước Việt Nam vẫn đứng vững, lại tìm ra giải pháp đổi mới toàn diện để vượt qua những giai đoạn đau khổ nhất sau 4 cuộc chiến tranh, đưa đất nước Việt Nam từ một nước đói nghèo, trở thành một quốc gia có vị thế đáng nể trên thế giới…”

Có nhiều ý kiến và dư luận cho rằng, diễn văn ngợi ca trên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là thẻ thông hành đưa Quyên đến với điện ảnh một cách tưng bừng, rầm rộ, tốn kém như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ khác, đường đường là một nhà văn, đời nào bác Thọ lại làm một cái công việc hèn mạt, bẩn thỉu ấy. Nhưng hôm rồi, có ông bạn dí màn hình Ifon vào mặt bảo: Ông không nhìn thấy bác Thọ Muối đang nghiêng mình, suýt bật khóc, trịnh trọng cảm ơn ông Trương Xuân Thanh, trưởng lãnh sự quán sứ quán VN tại Franfurt, người đã đưa Quyên đến với điện ảnh sao?

Điều này, làm tôi phân vân tự hỏi, lẽ nào những ý kiến và dư luận trên là sự thật? Bởi đồng chí Trương Xuân Thanh là Đảng, là chính phủ Việt Nam ở Đức.

Nhưng thôi, điều này không còn quan trọng nữa. Bởi hiện tại, dường như nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã trở về Việt Nam được gần Đảng, gần các đồng chí và ôm Quyên của mình. Dù ông vẫn hưởng tiền trợ cấp xã hội hay hưu trí (?) của thằng tư bản được cho là kẻ thù của giai cấp (đỏ).

Trước đây, tôi đã đọc một số truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ, quả thực, văn và tư tưởng của ông không phải là thứ tôi thích. Thời gian sau, tôi đọc Quyên, nhưng đành phải dừng lại chương thứ 7 hoặc 8 gì đó. Gần đây, độp một phát, lại thấy rầm rộ werbung quảng cáo Quyên và bác Thọ đã ẵm nhau lên phim. Với những lời lẽ đao to búa lớn này, làm cho tôi giật mình. Có lẽ, trước đây mình đã sai lầm, để lọt Quyên chăng? Tôi lọ mọ tìm Quyên và bác Thọ để đọc. Đọc xong, tôi lại thấy tiếc, bởi, giá như đừng đọc hết cuốn sách, có lẽ sẽ còn tia hy vọng hay một chút gì đó còn đọng lại, nhưng đọc xong, thấy trống rỗng, trôi tuột đâu mất rồi.

Hôm chiếu Quyên tuyên truyền trên Berlin, tôi gọi điện hỏi nhà văn Võ Thị Hảo, có đi xem phim không? Chị bảo, có vé mời, nhưng nhân cách của Nguyễn Văn Thọ không đáng để xem, nên chị không đi. Rồi chị xuống giọng: Đỗ Trường cũng đi xem à! Tôi trả lời, không có thời gian, hơn nữa truyện què cụt, có lẽ, phim còn cơm nguội hơn!

Phải nói, tôi là người chưa bao giờ tham gia hội đoàn hay hội họp, có chăng ngày lễ tết, anh em bạn bè riêng tư gọi đến đàn hát cho vui vậy thôi. Nên tôi không va chạm, ít để ý đến những sinh hoạt cộng đồng. Nhưng không hiểu sao, chẳng riêng gì ở Đức, mà ở Ba Lan hay Tiệp… cũng vậy, trong bữa nhậu, tiệc tùng cứ nhắc đến tên nhà văn Nguyễn Văn Thọ, y rằng nghe được những lời bàn cãi. Hôm 28-6 vừa rồi, sinh nhật ông bạn ở câu lạc bộ 100 Erfurt. Bia, rượu vào, người đã tưng tửng, tôi cầm đàn hát ông ổng… rồi lôi cả mấy bài thơ con cóc của mình ra đọc. Có ông bạn cũng ngân ngất, có vẻ khoái, kéo thốc tôi ra, giới thiệu với một bác già, có lẽ đến bảy bó (70). Ông bác nhìn tôi gằm gằm từ đầu đến chân, cảm giác còn kinh hơn cả gặp an ninh VN, gằn giọng như định tiu nhau:

- Các ông viết gì, làm gì cũng được, đừng như Thọ Muối thì buồn lắm đấy!

*Quyên, một tác phẩm què quặt, nặng tính tuyên truyền.

Một tác phẩm văn học nghệ thuật dù có sử dụng bất cứ hình thức, thể loại, vòng vo trừu tượng, siêu hình hay gì gì…đi chăng nữa, rốt cuộc đối tượng vẫn phải là con người gắn liền với xã hội đương thời. Nếu tác phẩm ấy, không đi đến tận cùng của sự thật một cách trung thực, thì nó chỉ là những trang viết què cụt, bệnh hoạn.

Thật vậy, khi đọc Quyên của Nguyễn Văn Thọ, ta thấy thiếu hẳn bối cảnh xã hội Việt Nam đương thời. Và những lý giải, tại sao rất nhiều thành phần trí thức như Dũng, như Quyên cũng như dòng người Việt phải vượt rừng trốn chạy, một cách rất mơ hồ. Thiết nghĩ, việc lấy 40 năm chiến tranh để che đậy, biện giải cho sự đói nghèo, dẫn đến những cuộc di dân của tác giả là đưa tuyên truyền chính trị một cách gượng gạo vào tiểu thuyết. Vâng! Dù tác giả có cố tình che đậy, thì cho đến hôm nay, tức là sau hai mươi năm, sâu bọ vẫn tiếp tục sinh sôi, nảy nở như chính Chủ Tịch Trương Tân Sang đã nói. Sự thối nát, cũng như hiện tại và tương lai đang đi vào ngõ cụt đó mới chính là nguyên nhân trốn chạy của những Thuyền nhân, Tường nhân, rồi đến Dũng, đến Quyên… là những “Rừng nhân“. Đoạn trích dưới đây, cho ta thấy được sự tuyên truyền nhàm chán ấy: “ Vâng, chúng tôi xin ghi nhận! Xin ông (bà) kiên trì chờ đợi phán xét của Tòa án liên bang. Đó là câu nói cuối cùng, rất lịch sự, tràn trề hy vọng, dành cho mọi đối tượng tới từ một xứ sở gần 40 năm với 4 cuộc chiến đẫm máu, đang chuyển mình sang kinh tế thị trường với cả thành công và thất bại.

Như vậy, sở ngoại kiều, suy cho cùng, người ta đều biết tỏng thực chất xin cư trú của người Việt đều là vấn đề cơm áo gạo tiền, chứ chẳng có nguyên nhân nào khác. Họ cũng biết tỏng, sự mong muốn thoát khỏi cảnh đối nghèo đã đẩy bao người Việt tới đây bằng mọi giá đắt, với nhiều con đường khác nhau “(Quyên-nguồn watt.pad.com)

Sự trốn chạy của hàng triệu người sau 30-4-1975, và mấy chục ngàn người Việt từ Đông Âu, từ Việt Nam vượt tường, vượt rừng thoát sang Tây Âu sau năm1989, sách báo và một số nhà nghiên cứu trong nước gần đây cho rằng, đó là hiện tượng di dân. Một lời lý giải đậm tính ngụy biện, cả vú lấp miệng em, đánh tráo khái niệm một cách trắng trợn. Sự đánh tráo khái niệm này, phải chăng nhằm che đậy, xóa nhòa những sai lầm và tội ác của chế độ đã gây ra với chính những người anh em cùng chung giống nòi?

Đọc Quyên, ta có thể thấy, tuyên truyền không chỉ áp đặt trong tư tưởng, mà còn được cài đặt vào từng câu thoại của nhân vật. Vừa tới Đức, chưa biết tiếng, cũng như chưa chạm đến văn hóa và luật pháp nước sở tại, nhưng tác giả đã ấn vào miệng nhân vật Quyên một câu sặc mùi tuyên truyền giả tạo: “– Anh Kumar này. Anh Phi sẽ sống ra sao? Anh ấy vừa ra tù. Một người vừa ra tù, không họ hàng, không bạn thân, không vợ con. …Ở nước Đức này, người có án thực khó mà có một cơ hội để có công ăn việc làm tử tế. Anh ấy đang cần chúng ta, như ngày nào em cần ai đó giúp đỡ. Ngày mai chúng ta tới thăm Phi, anh ạ.” ( Quyên- chương 10)

Vâng! Câu nói này, chắc chắn phải đảo ngược lại ở nơi lý lịch hóa con người như ở Việt Nam: Ở Việt Nam, người có án khó mà có một cơ hội để có công ăn việc làm tử tế. Có lẽ, ai đã từng sống ở Đức sẽ hiểu rõ, người Đức không lý lịch hóa con người và khái niệm lý lịch rất xa lạ với họ. Hết tù hết tội, hoàn toàn có cơ hội xin việc làm như những người bình thường khác. Tuy nhiên, người mới ra tù sẽ bị tạm cấm, làm chủ các nhà hàng, công ty, nhà máy trong một thời gian ngắn, luật pháp qui định rõ ràng. Sống và làm việc ở Đức đã 30 năm, chỉ một lần duy nhất tôi phải khai lý lịch, khi vào quốc tịch. Thật ra, lý lịch (Lebenlauf) ở Đức cũng chỉ khai sơ sơ vợ con, học vấn, nghề nghiệp. Tuyệt đối, không có mục cha mẹ, anh em họ hàng như ở Việt Nam. Sống và làm việc lâu năm ở Đức như nhà văn Nguyễn Văn Thọ hiển nhiên phải biết rõ điều này.

Có thể nói, khi viết Quyên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ thiếu sự trải nghiệm, với sự quan sát hời hợt dẫn đến không có sự đồng nhất (logic), làm cho hình ảnh trở nên giả tạo. Ta có thể thấy nó ngay những dòng đầu cuốn sách, khi miêu tả Quyên bị hãm hiếp. Một người đàn bà 24 tuổi, trải qua nhiều ngày đói khát, rét mướt, vượt biên trốn chạy đến nỗi chiếc quần cũng trở nên cứng queo, thì dứt khoát mặt phải bạc đi, môi miệng thâm lại hôi hám, đùi, da phải tái choắt đi, nhất là trong hoàn cảnh sợ hãi đến tận cùng, khi bị hiếp dâm. Chứ làm sao mà thon thả, mịn màng, mơn mởn nõn nường, như tác giả miêu tả. Hơn nữa, một kẻ sống giữa rừng bẩn thỉu, lại mùa đông giá rét, củi đốt ám khói cả ngày, làm sao mà tóc nàng đổ xòa trên tấm ga trắng muốt, như trong khách sạn sang trọng bốn, năm sao vậy?

Vâng! Dù có tiểu thuyết hóa, thì những tình tiết, tâm lý, hành động cũng phải có tính logic của nó. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ sự phi logic, thiếu trải nghiệm của tác giả:

“ Cô gái vùng vẫy, giằng xé, cắn vào bàn tay thô ráp của gã khi áo ngoài, áo lót lần lượt bị giật tung. Chiếc quần Jeans, sau bao ngày lẩn lút, bươn lội từ Nga, trong rừng thẳm, tuyết dày, đẫm mùi mồ hôi và nước, trở nên cứng queo đến khó cởi vẫn bị lột phắt. Trên nệm, phơi ra cặp đùi trần đang độ thanh xuân, thon thả, mịn màng, mơn mởn nõn nường. Gã đổ người xuống.
Cô gái biết rõ con rắn đã trườn trên da thịt mình, từng centimet. Cô tiếp tục cố oằn lên, nghiêng mình, rãy, chéo đùi. ‘‘Đồ đĩ! Giạng chân ra!” Giọng khàn đanh, lạnh lùng cất lên và tiếp đó, một cái tạt tai giáng sượt phía trái mái tóc. Chiếc cặp nhựa màu nâu văng ra đập vào tường gỗ nghe khô khốc. Mớ tóc cắt ngang lưng, dầy, đen tuyền xõa tung, đổ xòa trên tấm ga trắng muốt. Gã dướn lên, thúc mạnh…” ( Quyên-chương 1, những dòng đầu cuốn sách)

Tôi không rõ, những giải thưởng của Hội nhà văn VN được chia đều cho những vùng miền hay do sự thẩm định yếu kém của hội đồng chấm giải. Hoặc vì những lý do khó nói sau tấm màn nhung, mà những năm gần đây, ta thấy những tác phẩm ẵm giải đều yếu kém về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật. Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một trong những số đó.

Qủa thực, Quyên là cuốn tiểu thuyết có giọng văn khá đơn điệu, bởi cả cuốn sách khá dài, nhưng rất ít ngôn ngữ đối thoại ngắn gọn sinh động của nhân vật. Dẫu biết rằng cuốn sách này, được ra đời từ những truyện ngắn trước đó của ông, với những suy tưởng, độc thoại nội tâm, nhưng đưa ghép vào tiểu thuyết vẫn giữ lời kể của tác giả và từ ký ức của nhân vật. Sự rề rà đó làm cho người đọc có cảm giác mệt mỏi. Cũng từ lý do đó, khi đọc Quyên, chúng ta bắt gặp sự trùng lặp trong hành động, suy nghĩ của nhân vật, cũng như câu văn, đoạn văn thừa và tối nghĩa. Đoạn văn thừa câu, tối nghĩa dưới đây, chứng minh điều đó:

“Năm sắp hết. Sát Noel Quyên có tin vui. Cô nhận được giấy định cư chính thức. Tin ấy làm Kumar bất ngờ, tuy rằng trước đó nửa tháng, mẹ của Kumar gọi điện báo tin rằng, bà đã lo xong thủ tục, giấy tờ sang thăm một người họ hàng ở Anh và sẽ từ Anh sang Đức thăm con trai vào tháng sau”( Quyên -chương 11)

Tôi xin phép nhà văn Nguyễn Văn Thọ thử chữa lại đoạn văn trên. Câu đầu hoàn toàn thừa, có thể loại bỏ, bởi Noel ai cũng biết vào những ngày cuối năm. Từ Sát, ta có thể thay bằng tính từ Gần. Thay từ tuy rằng, bằng từ cùng với, bỏ đi một số từ thừa và đưa sự bất ngờ xuống dưới…Cả đoạn văn độc lập rất tối nghĩa này, có thể rõ ràng, sáng và sạch đẹp hơn chăng?:
Gần Noel Quyên có tin vui. Cô nhận được giấy cư trú chính thức. Cùng với điện báo từ nửa tháng trước mẹ của Kumar đã lo xong thủ tục, giấy tờ sang thăm họ hàng ở Anh và sang Đức thăm con trai vào cuối tháng, tin này đã làm cho Kumar bất ngờ”.

Và nếu nói, một cuốn sách hay, tự đi bằng hai chân của mình, thì bác Thọ phải cõng Quyên đến thày thuốc Thỉnh, Thiều, để điều trị đôi chân què quặt của nó là vậy.

* Xa lánh cộng đồng, một sự bệnh hoạn trong tâm hồn Quyên

Có thể nói, tình dục đã xuyên suốt tiểu thuyết Quyên. Không biết, là người trải nghiệm hay có trí tưởng tượng một cách tuyệt vời, mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ tả những pha tình dục rất thật và trần trụi đến như vậy. Thực ra, nói một cách văn hoa tình dục hay Sex là hương vị của tình yêu, nét đẹp văn hóa. Khi đưa vừa đủ vào tác phẩm văn học, nghệ thuật, nó như một thứ gia vị vậy. Nhưng gần đây, văn học cũng như điện ảnh, một số tác giả đã lạm dụng Sex để câu khách, câu người đọc, làm nó trở nên nhớp nháp, biến dạng.

Viết đến đây, chợt tôi nhớ lại một câu chuyện đã lâu, nhưng nó lại gần với đề tài sex, siếc này: Những hồ, bãi tắm tự nhiên ở Đức, hình như nơi nào cũng dành một khu cho những ai muốn tắm, phơi nắng trần truồng. Ngày mới sang, chúng tôi thấy mới nên khoái, rủ nhau ra hồ(FKK). Đến nơi chẳng thằng nào đủ dũng khí cởi quần áo, trần như nhộng giống những người xung quanh. Mặc nguyên quần áo thấy kỳ, nên chúng tôi giả vờ đến Imbiss mua bia, lai rai. Tắm chán, đói, các cô mười sáu, mười bảy, mảnh mai, thon thả đến các bà sồn sồn, tồng ngồng lên mua đồ ăn. Chà chà… trắng, vàng, hồng, rực cả một góc trời, nhìn như một bầy thiên nga đang hạ thế. Ấy vậy, chỉ một vài lần chúng tôi chán, không còn hứng thú ra bãi tắm nữa. Mùa hè năm 1988 có đoàn công tác của Bộ Nông Nghiệp, do thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân và GS-TS Nguyễn Ngọc Kính dẫn đầu sang công tác, công teo gì đó, nhờ chúng tôi đưa đi. Có bác hăng lên, mang theo cả ống nhòm, đứng núp từ bụi cây xa “mục sở thị”. Đúng một lần như vậy, rồi không thấy bác nào nhắc, nhờ đưa đi bãi tắm tiên nữa. Từ đó, tôi rút ra một điều, những cảnh trần trụi, kịch đường tầu như vậy đã làm giảm mất sự tò mò, khám phá lâu dài. Hơn nữa, nó không thích hợp với nếp suy nghĩ, tâm hồn, văn hóa sinh hoạt của người Việt và những nước Á Châu, chịu ảnh hưởng lâu đời của Phật giáo, nho học.

Như vậy có thể thấy, do quá lạm dụng tình dục, nên Quyên luôn luôn được miêu tả trong những hoạt động sinh lý, hoặc nghĩ về tình dục, có rất ít những tình huống văn hóa để nhân vật này biểu lộ Việt tính của mình. Tuy nhiên, hai lần tác giả đưa ra tình huống văn hóa, thì Quyên đã làm người đọc thất vọng. Đó là hành động tụt quần trả ơn Phi bằng tình dục và đặc biệt hơn khi Quyên và Kumar đã thành một gia đình 8 năm. Khi mẹ Kumar từ Anh sang, Kumar đã bàn bạc, đưa Quyên tạm lánh vài ba ngày, để anh thuyết phục mẹ. Nhưng Quyên cương quyết từ chối, bộc lộ tính ích kỷ, nếu không muốn nói là phũ phàng, rồi dẫn con bỏ đi tìm Hùng. Việc để Quyên đột ngột đưa hài cốt Hùng về Việt Nam theo tôi là kiêng cưỡng, dẫn dắt, xử lý rất non tay của tác giả.

Do chưa thực trải nghiệm, nên nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết về tị nạn và công việc liên quan đến công tác xã hội chưa được thuyết phục. Có thể nói, tất cả các trại tị nạn trên nước Đức ngoài những nhân viên xã hội, phiên dịch ra còn có khá nhiều các hội đoàn, hoặc cá nhân thiện nguyện giúp đỡ các đồng hương mới đến.

Điều này, tôi là người tị nạn đã trải nghiệm qua thực tế, từ trại Spandau Tây Berlin đến trại Ingelheim những ngày cuối năm 1989. Sau này, qua lại các trại người Việt tị nạn ở Halberstadt và Halle, tôi thấy, chỗ nào người tị nạn cũng nhận được sự giúp đỡ như vậy, bất kể người đó là ai và từ đâu đến.

Ta có thể thấy, người Việt thường tìm về, sống co cụm vào từng khu và tình người cùng hoàn cảnh xa quê hoàn toàn khác, xa lạ với những gì trên trang văn. Dẫu biết rằng, không đem cái thật của ngoài đời soi rọi vào tiểu thuyết. Nhưng bối cảnh hay hành động nhân vật trong tình huống cụ thể dứt khoát phải như thật.

Trong bối cảnh như vậy, nhưng tác giả đã cường điệu hóa, đẩy Quyên vào hoàn cảnh như tuyệt vọng, ngay trước cả những đồng hương của mình và luôn luôn có những suy nghĩ và hành động tách rời, lìa xa họ: “Cô phải đi thôi. Cô không nên nấn ná ở đây. Có thể tới Sở Ngoại kiều, trình bày thật hoàn cảnh của cô, để chuyển trại. Cách xa đây hai ba trăm cây, nghe nói có một trại nữa, heo hút trong một cánh rừng, ít người Việt Nam. Càng ít người Việt càng tốt. Cô nghĩ như thế rồi nhắm mắt đếm. Lát sau Quyên chìm trong giấc ngủ.“ (Quyên-chương 7)

Có thể nói, Nguyễn Văn Thọ đã miêu tả thành công không chỉ một nhân vật Quyên với những hoạt động tình dục và độc thoại nội tâm, dù trong bất kể hoàn cảnh nào. Nhưng ông đã thất bại về xây dựng nhân cách cũng như văn hóa ứng xử của Quyên.

Trên đây là những suy nghĩ chủ quan của cá nhân tôi về văn thơ, cũng như con người nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Không biết đúng sai thế nào, nhưng gấp (cuốn) Quyên lại, dường như chỉ còn đọng trong tôi, một nhà Sex học, tình dục học tài ba Nguyễn Văn Thọ.

Leipzig ngày 10-7-2015

Đỗ Trường

“Sách của tôi không được phép xuất bản ở đó“

$
0
0

Ralph Trommer phỏng vấn (taz *)

Trần Huê chuyển ngữ
LGT: Trong suốt cuộc chiến Việt Nam, guồng máy tuyên truyền vĩ đại của khối cộng sản, một guồng máy có thể nói là vô địch tuyên truyền toàn cầu, đã “đầu độc” cả thế giới, đặc biệt là những người trí thức thiên tả Tây phuơng. Những nhận định của trí thức thiên tả Tây phuơng phần lớn dựa trên những tư liệu do khối CS thực hiện và phổ biến.

Báo chí Tây phương, được coi là “quyền thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp, có thể coi là khá trung thực, các ký giả Tây phương được hưởng trọn vẹn quyền tự do báo chí trong thế giới tự do nhưng tại các nước cộng sản họ bị ngăn chặn, kiểm soát, cấm đoán, nếu ai viết bài “nhậy cảm” về các nhà nuớc cộng sản thì sau đó sẽ bị từ chối không cấp visa nhập cảnh. Như thế tất cả những sự thật đằng sau bức màn sắt hoàn toàn bị bưng bít trong suốt cuộc chiến Việt Nam.

Sau 1975, một số ít trí thức thiên tả Tây phương đã mở mắt, nhất là khi có làn sóng hơn một triệu người miền Nam bỏ phiếu bằng thuyền, trong số này có triết gia Jean Paul Sartre hay nữ ca sĩ Joan Baez. Số còn lại vẫn còn dựa trên những lập luận do tuyền truyền của khối cộng sản, ngay cả giới truyền thông vẫn dùng những tài liệu đã cũ từ 40, 50 năm trước của CS Bắc Việt và khối cộng. Những gì xẩy ra ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 thế giới tự do hoàn toàn bị chi phối bởi tư liệu CS Việt Nam đưa ra, không có thông tin đầy đủ và trung thực về vùng kinh tế mới, về các trại tù cải tạo, về con số tù cải tạo thiệt mạng, về thương phế binh VNCH bị đầy ải v.v. Marcelino Trương Marcelino Trương là một trong số ít các tác giả ở Tây phương đã nhận chân được bộ mặt thật của cộng sản Việt Nam. Tuy nội dung truyện tranh của anh chỉ xoay quanh thời gian 1961-1963 ở Sài Gòn, nhưng anh cũng tố cáo bộ máy tuyên truyền của cộng sản, bộ mặt giả dối và tính hiếu chiến của giới cầm quyền Hà Nội.

Tác giả của truyện tranh “Une si jolie petite guerre” (Ein schöner kleiner Krieg – Một cuộc chiến xinh xắn) có cha người Việt và mẹ người Pháp. Là con của một nhà ngoại giao Việt Nam, Marcelino Trương sinh năm 1957 tại Manila, Philippines, tên anh được đặt theo tên con đường nơi gia đình sống ở Manila (la calle San Marcelino). Thuở thiếu thời Marcelino Trương cùng cha mẹ sống ở Washington DC khi cha anh làm tùy viên văn hóa ở đó, rồi Sài Gòn và London. Anh tự học vẽ tranh, tốt nghiệp tại hai đại học danh tiếng ở Paris về ngành luật tại trường Sciences-Po và văn chương Anh tại Sorbonne nhưng đến năm 1983 ở tuổi 25 Marcelino Trương quyết định chuyển hẳn sang bộ môn vẽ tranh, đã xuất bản nhiều truyện tranh cho người lớn và trẻ em. Trọng tâm các tranh của anh nhiều gắn bó với Á châu và Việt Nam. Marcelino Trương cũng vẽ bìa cho nhiều tiểu thuyết Việt Nam được dịch sang tiếng Pháp như của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương v.v.

Sau đây là bài phỏng vấn Marcelino Trương trên nhật báo taz, Berlin cùng với phần phụ đính của Diễn Đàn Việt Nam 21. (Ảnh trên từ trang mạng của Marcelino Trương)

tranh

——————————————–

Một điều mà chính quyền Việt Nam đến hôm nay vẫn còn sợ: Truyện tranh về cuộc chiến Việt Nam từ góc nhìn của những người thua trận.

Phụ nữ mang giày cao gót. – một khám phá đầy lôi cuốn đối với Marcelino vừa lên bốn tuổi, khi cậu theo mẹ Yvette đến thăm người dì đài các Elvira. Một thời thơ ấu vô tư ở Việt Nam vào những năm đầu thập niên 60?

Từ góc nhìn của trẻ thơ cho phép tác giả vẽ truyện tranh Marcelino Trương, sinh năm 1957 ở Manila, một trong 4 người con của một nhà ngoại giao Việt Nam và bà mẹ Pháp, trong tác phẩm truyện tranh „Cuộc chiến xinh xắn“ (**) đưa ra hình ảnh sống động thời bấy giờ của Sài Gòn, thủ đô Miền Nam Việt Nam vào những năm từ 1961 đến 1963. Trong khi trẻ con làm sống lại các tin tức về chiến trận chống Việt cộng bằng „những trò chơi đọ sức đánh nhau“ thì cuộc nội chiến diễn ra ngày càng rộng lớn.

Bố ông là một nhà ngoại giao, nhờ có kinh nghiệm với Hoa Kỳ nên được Tổng thống Diệm gọi về làm Thông dịch viên Anh ngữ, trong khi mẹ ông buồn phiền thất thuờng vì các vụ khủng bố ở Sài Gòn và bị bệnh trầm cảm. Các đoạn tự truyện minh họa màu đỏ được ông Trương chen vào bằng những khúc tài liệu phong phú màu xanh dương soi sáng bối cảnh chính trị và lịch sử thời kỳ đó.

Các phần này hơi nặng về bài viết – tương phản với những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ nhưng lại quan trọng để cho người đọc cảm nhận được mối đe dọa đang bao trùm lên đời sống hằng ngày. Về khía cạnh nghệ thuật, các tranh minh họa màu của Marcelino Trương mang tính hàn lâm, ông có lối vẽ đường nét trong sáng như rập theo lối của một Hergé, làm cho Ttuyện tranh – nhất là trong các hình bìa màu của mỗi chương sách – hơi có nét hoài cổ.

Ai là người tốt?

Tuy không nói rõ nhưng hiển nhiên đây là câu chuyện được kể lại từ góc nhìn của những người thua trận, của những người miền Nam Việt Nam. Vì đứng về phe đồng minh với Hoa Kỳ mà Miền Nam bị mang tiếng xấu, trong khi phía Bắc Việt được coi là bên „tốt“, mặc dù chính họ cũng dựa vào hai cường quốc lớn – Trung Quốc và Liên Xô.

Ðọc xong truyện, người đọc có một cái nhìn chung đa chiều và trung thực hơn. Trương phán xét cả hai phe tranh chấp, làm rõ vai trò có hai mặt của TT Diệm người mà đã bị đa số chụp mũ một cách đơn giản là bù nhìn của Hoa Kỳ – một mặt đem lại cho Miền Nam một thời kỳ tương đối ổn định, đằng khác lại theo đuổi chính sách bè phái – trao cho người thân gia đình các chức vị quan trọng trong chính quyền và thiên vị người Thiên Chúa giáo hơn so với các nhóm tôn giáo khác.

Cuối cùng Hoa Kỳ bỏ rơi không ủng hộ chế độ độc tài của TT Diệm. Năm 1963 xảy ra cuộc đảo chánh, Diệm bị giết. Bố của Ông Trương thuộc về giới tư sản trung lưu, có học thức và theo Tây phương. Họ biết rằng, tương lai Việt Nam theo cộng sản của Hồ Chí Minh không có gì là tươi sáng và đồng nghĩa với ngày tàn của những người thuộc thành phần xã hội này.

* * *

Ralph Trommer: Ông Trương, điều gì đã thúc đẩy Ông chọn thời thơ ấu của Ông ở Sài gòn làm khởi điểm cho truyện tranh của Ông?

Marcelino Trương: Tôi muốn kể câu chuyện này từ lâu rồi. Mặc dù lúc ấy tôi mới 4 tuổi khi gia đình chúng tôi về Việt Nam, và lên 6 tuổi vào tháng 8 năm 1963 khi chúng tôi ra đi, khoảng tuổi thơ ngắn ngủi này lại vô cùng phong phú đối với tôi – chẳng những riêng cho cá nhân tôi mà cả về mặt bối cảnh chính trị và lịch sử. Cách đây nhiều năm tôi tìm được một xấp thư của mẹ tôi. Ở khắp các nơi gia đình chúng tôi sống, hằng tuần mẹ tôi vẫn viết thư cho cha mẹ của bà ở Bretagne, từ Manila, từ Hoa Thịnh Ðốn, Sài Gòn và sau đó từ Luân Ðôn (London).

Khi tôi đọc những lá thư viết từ Sài Gòn, tôi đã nghĩ tôi sẽ phải làm một cái gì với những lá thư này. Các lá thư được viết rất sống động và thật chi tiết. Nhờ vậy mà tôi có thể lấp những chỗ trống trong ký ức của tôi và hình dung lại được cuộc sống của chúng tôi vào thời gian đó. Là người vẽ truyện tranh tôi nghĩ hình thức truyện tranh là môi trường thích hợp cho câu chuyện nói về đời mình.

Ralph Trommer: Cha của Ông là một nhà ngoại giao và năm 1961 được thuyên chuyển từ Hoa Thịnh Ðốn về Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam khi đó đã bắt đầu âm ỉ ở mức thấp?

Marcelino Trương: Về đến Việt Nam, cha tôi được giao nhiệm vụ thông dịch viên riêng cho TT Diệm và giúp thông dịch các cuộc đàm thoại bằng Anh ngữ. Cha tôi làm việc mỗi ngày trong „Dinh Ðộc lập“. Thêm vào đó ông còn làm giám đốc Việt Tấn Xã. Qua những lá thư của mẹ tôi, bây giờ tôi biết nhiều hơn về chiến tranh du kích của Việt Cộng vào thời đó. Về những vụ đặt bom khủng bố ở Sài Gòn. Chiến tranh lộ diện từ từ, ban đầu „chỉ“ khoảng 1000 người tử thương mỗi tháng. Hằng ngày, ký giả đến từ khắp nơi trên thế giới đi làm phóng sự chiến trường tại khắp nơi có các cuộc đụng độ và tối về vui chơi đời sống về đêm ở Sài Gòn. Vào đầu thập niên 60, đối với những người này đó là „một cuộc chiến xinh xắn“.

Ralph Trommer: Những người miền Nam và nhất là TT Ngô Ðình Diệm cai trị độc tài thời ấy bị coi là bù nhìn của Hoa Kỳ. Ông lại vẽ một hình ảnh có hơi khác hơn.

Marcelino Trương: Vâng, bởi vì một Việt Nam độc lập là một ước mơ lớn của tất cả mọi người Việt Nam sau khi thoát khỏi ách thuộc địa của Pháp. Nhưng mà họ đã không nhất trí về vấn đề một nước Việt Nam độc lập cần xây dựng trên nền tảng nào. Vì vậy, năm 1954, tại hội nghị về Ðông Dương ở Genève đã đi đến quyết định chia đôi đất nước – phần Miền Bắc do CS cai trị và Miền Nam tự do. Vào tháng 7 năm 1956 sẽ có một cuộc Tổng tuyển cử tự do trên toàn cõi Việt Nam.

Nhưng TT Diệm nghi ngờ sẽ không thể có bầu cử tự do ở Miền Bắc được vì ở đó chỉ có một đảng thôi. Ở Miền Nam, Mặt trận giải phóng MN (NLF) tìm cách ảnh hưởng lên cuộc bầu cử và khủng bố dân chúng. Chính vì vậy, TT Diệm không để có bầu cử. Do lỗi lầm này cuộc chiến bắt đầu bùng nổ. Miền Bắc có thể khả quyết rằng đã bị lừa dối trong thỏa thuận bầu cử mà họ nắm chắc phần thắng.

Ralph Trommer: Trong sách Ông cũng vẽ lại nhiều hình ảnh tuyên truyền của Miền Bắc thời kỳ đó.

Marcelino Trương: Ðó là điểm mạnh của chế độ Hà Nội. Họ có một ảo vọng lớn và biết cách làm cho người ta tin. Ở Miền Nam chúng tôi không có được cái đó.

Ralph Trommer: Ông cũng đặt vấn đề tường thuật chiến trường thiên vị của báo chí quốc tế.

Marcelino Trương: Trong suốt cuộc chiến, miền Nam Việt Nam đã có tự do báo chí trong nước, khoảng 300 ký giả có thể đi lại tự do. Không có kiểm duyệt. Ở Miền Bắc số ký giả có thể đếm trên đầu ngón tay từ các nước gọi là anh em như Ðông Ðức. Chỉ có những hình ảnh nào chính quyền cho phép mới được phổ biến. Phía Tây phương cũng phổ biến những hình ảnh tuyên truyền này, trong đó chỉ thấy nạn nhân của Miền Bắc mà không thấy nạn nhân của Miền Nam và Sài Gòn.

Những người cầm đầu phong trào phản chiến ở Tây phương thường không biết rằng, đây cũng là một phần thuộc về mặt trận tuyên truyền. Những hành động tàn ác của miền Nam Việt Nam và của quân đội Hoa Kỳ được tường thuật quá nhiều trên các cơ quan truyền thông, trong khi đó, vô số tội ác chiến tranh do mặt trận giải phóng gây ra thì hầu như không được để ý gì cả.

Ralph Trommer: Ông thường sang Việt Nam trong 20 năm qua. Vậy ở đất nước đó đã thay đổi như thế nào?

Marcelino Trương: Nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục sau một giai đoạn dài sa sút. Theo kiểu mẫu của Trung Quốc, Việt Nam đã mở cửa, theo kinh tế thị trường và vượt qua được thời kỳ kinh tế bị khủng hoảng. Nhưng thành phần ưu tú thì tham nhũng, hệ thống giáo dục tồi tệ. Về chính trị chẳng có mấy thay đổi: thí dụ như quyển sách của tôi không được phép xuất bản ở đó bởi vì tôi nói cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Theo chính thống, tất cả đối thủ của Hồ Chí Minh đều bị bôi nhọ là kẻ phản quốc hoặc là lính đánh thuê cho Hoa Kỳ.

Nhưng mà con người có thay đổi. Họ có thể vào Internet, họ có thể so sánh cách giải thích chính thống của Ðảng về lịch sử với những cách nhìn khác. Vì vậy, chính quyền ngày càng gặp khó khân để duy trì đường lối chính thống. Năm 2013 chính quyền có ra một quyết nghị chỉ cho phép xử dụng Internet cho các nhu cầu cá nhân, nhưng không được xử dụng vào vấn đề chính trị. Người dân bị đối xử như trẻ con, chỉ có Ðảng mới có quyền làm chính trị, nếu không họ thể bị bỏ tù. Tôi nghĩ rằng, hôm nay phần đông người Việt Nam muốn có một đất nước tự do và mong rằng đến một ngày nào đó thời đại của „Ðảng“ sẽ cáo chung, và sẽ có một chuyển hóa hoà bình sang chế độ dân chủ.

Ralph Trommer: Các chương trình sắp tới của Ông ra sao?

Marcelino Trương: Tôi vừa thương lượng với một nhà xuất bản Anh. Tôi sẽ rất vui nếu các cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ, Anh và Úc có thể đọc quyển truyện tranh của tôi. Ngoài ra, tôi đang soạn câu chuyện tiếp nối về những năm ở Anh quốc, nơi mà tôi đã theo dõi cuộc chiến Việt Nam qua truyền hình, gọi là „chiến tranh phòng khách“. Quyển sách sẽ có tựa là „Give Peace a Chance“ theo bài hát của John Lennon. Trong đó, một phần tôi sẽ kể lại lúc Ông Bà nội tôi từ Việt Nam sang thăm gia đình chúng tôi ở Luân Ðôn và kể về cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968.

—————————————————-

Phụ đính

Biết bao mạng người chỉ để đạt đến thế này sao?

Marcelino Trương (Une si jolie petite guerre ***), người dịch: CTD (Diễn Đàn Việt Nam 21)

Trong nguyên bản tiếng Pháp, Marcelino Trương đã bầy tỏ nhận định của mình kèm theo tranh:

Ở miền Bắc, chính quyền cộng sản – được rèn luyện từ thời chiến tranh với Pháp – đã quân sự hóa mạnh mẽ xã hội và không do dự đặt khẩu súng – dù chỉ là một họa phẩm – vào tay một đứa trẻ.

Cộng sản Việt Nam tự xếp vào hàng ngũ đỏ của tư tưởng Mao. Trẻ con phải chuẩn bị trở thành lính của quân đội nhân dân. Bức họa tuyên truyền gợi tôi nhớ lại các thợ hớt tóc ở Saigon. Họ thổi vào gáy chúng ta để làm dịu bớt vết bỏng của cây kéo hớt tóc.

(Au Nord, l’État communiste – forgé par la guerre avec la France – avait largement militarisé la société et n’hésitait pas à mettre un fusil – fût-il une réplique – dans les mains des enfants. Les communistes vietnamiens se placaient dans la droite ligne de la pensée maoiste. L’enfant devait se préparer à devenir un soldat de l’armée du peuple. Comme dans cette image de propagande qui me rappelle les coiffeurs de Saigon. Ils vous soufflaient dans la nuque pour atténuer la brûlure de la tondeuse), (trang 181, bức tranh vẽ một cậu bé tươi cười đang ngồi hớt tóc bởi một cán bộ CS và cầm trong tay một khẩu súng).

Người cộng sản tự gọi mình là người yêu chuộng hòa bình khi tình thế thích hợp cho họ. Nhưng thật sự, họ là loại quân phiệt cực đoan. So với họ, chúng tôi, những “ngụy quân” Saigon chỉ là dân tài tử. Chúng tôi ít khi bị cưỡng ép gia nhập đảng, đoàn hơn. (Quand ca les arrangeait,les communistes se disaient pacifistes. Mais au fond, ils étaient ultra-militaristes. À côté d’eux, nous, les “fantoches des Saigon” étions des dilettantes. Nous étions bien moins embrigadés) (trang 182).
Năm 1991, tôi đi thăm nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa, gần Saigon. Nghĩa trang hoàn toàn bị cộng sản bỏ bê. 16.000 “ngụy quân” nằm tại đây. (“En 1991, j’ai visité le grand cimetière de l’AR VN (Armée de la République du Vietnam), à Biên Hoa , près de Saigon, laissé complètement à l’abandon par les communistes. Seize mille “fantoches” gisent là” ) (trang 223).

Chú Ba, ông có nằm ở nghĩa trang này không, một nghĩa trang đầy cỏ hoang… Thật khốn nạn cho người thua trận (chú Ba repose-t-il dans ce cimetière aux herbes folles… Malheur au vaincus) (trang 223, tác giả thắc mắc không biết “chú Ba” – người giúp việc cho gia đình cha mẹ tác giả trong thời gian ở Việt Nam 1961-1963 – sau đó bị động viên đi lính Việt Nam Cộng Hòa có sống sót sau cuộc chiến. Tác giả muốn tìm kiếm tin tức về “chú Ba” nhưng không rõ tên thật của chú. Khi đi thăm nghĩa trang quân đội VNCH, tác giả nghĩ đến chú Ba).

Họ đã xúc phạm đến ngôi mộ. Không biết họ đã làm gì cái xác? (Ils ont profané la tombe. Qu’ont-ils fait du corps), (trang 224 vẽ một ngôi mộ của người lính vô danh trống rỗng, không có quan tài, với những hàng chữ thóa mạ “Việt gian phản quốc”, “tay sai Mỹ Ngụy.”…)

Ngày nay người ta biết rằng phong trào chống đối của Phật giáo đã bị cộng sản thâm nhập kỹ và khích động ngọn lửa bất mãn (On sait aujourd’hui que le mouvement bouddhiste était bien noyauté par les communistes, qui attisèrent ainsi la flamme du mécontentement), (trang 228-229 đề cập đến các cuộc biểu tình chống đối của Phật giáo năm 1963 dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm)

Chiến tranh Việt Nam gây dấu ấn cho cả một thế hệ. Người ta trở thành diều hâu hay bồ câu (La guerre du Viêtnam marqua toute une génération. On était faucon ou colombe), (trang 260).

Công kích kịch liệt (thường hợp lý) sự can thiệp của Mỹ, những người tả tây phương bị mù mắt không biết gì về tính chất stalinít hoặc maoít của chế độ Hà Nội và chế độ này được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ của khối cộng sản… (Très critiques – souvent avec raison – à l’égard de l’engagement américain, les gauches occidentales furent totalement aveugles à la nature stalinienne ou maoiste du régime de Hanoi, puissamment soutenu par le bloc communiste…), (trang 261).

Những người “giải phóng” chúng tôi không phải là những người dân chủ theo nghĩa người Tây phương hiểu hoặc chờ đợi. Độc đảng và đầy quyền lực… Ý thức hệ độc tôn… Thần thánh hóa quân đội… Đối lập bị bịt miệng… (Nos libérations n’étaient pas des démocrates au sens où l’on entend en Occident. Parti unique et tout puissant…Idéologie monolithique… Armée sanctifiée… Opposition muselée…). (trang 264).

Các trại cải tạo ngụy quân… Phong tỏa biên giới… Thuyền nhân… Công an kiểm soát… Đặc quyền cho một số nhỏ quan cán còn dân chúng thì nghèo khó… (Camps de rééducation pour les anciens fantoches… Frontières scellées… Boat people… Surveillance policière… Privilèges pour un petit nombre d’apparatchiks et pauvreté pour le masses) (trang 265).

40 năm sau, nước mở cửa và đời sống đỡ khó nhọc hơn, nhưng các anh hùng bình dị thuở trước – hoặc con cháu họ – đã trở thành tư bản đỏ và mặc thị của họ là “Hãy làm giàu nhưng không được làm chính trị”. Chính trị là độc quyền của Đảng. Đảng thối nát đến tận xương tủy. Bỏ mặc công bằng xã hội. Ai lo phận nấy ! Biết bao mạng người chỉ để đạt đến thế này sao?
(Quarante ans plus tard, le pays s’est ouvert et la vie est moins rude, mais les héros spartiates d’hier – ou leur descendance – sont devenus des capitalistes rouges dont le mot tacite est” “Enrichissez-vous, mais ne faites pas de politique!”. La politique est le monopole du Parti. Le Parti est corrompu jusqu’a` la moelle. Au diable la justice socilale. Chacun pour soi! Fallait-il tant de morts pour en arriver là?) (trang 266).

———————————————-

*) Nguồn bài phỏng vấn: „Mein Buch darf da nicht erscheinen“, taz, 16.06.2015
**) Sách tiếng Đức: Marcelino Truong, Ein schöner kleiner Krieg, Egmont Comic Collection
***) Sách tiếng Pháp: Marcelino Truong, Une si jolie petite guerre, Denoël Graphic Collection


Một luận cương khai sáng

$
0
0
Tác giả của Luận Cương là ông Nguyễn Gia Kiểng (bên trái). Ảnh P. Đ. T

Tác giả của Luận Cương là ông Nguyễn Gia Kiểng (bên trái). Ảnh P. Đ. T

Đọc luận cương chính trị KHAI SÁNG KỶ NGUYÊN THỨ HAI của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong lịch sử Việt Nam cận đại đã từng có bản luận cương chính trị đưa Việt Nam vào vòng xoáy bạo lực tàn bạo, vào bóng tối cộng sản triền miên suốt gần một thế kỉ và khởi đầu là cuộc bạo loạn Xô Viết Nghệ Tĩnh tàn khốc tháng chín năm 1930. Đó là bản luận cương chính trị “Cách mạng Tư sản Dân quyền” của Tổng bí thư đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú.

Với luận cương Cách mạng Tư sản Dân quyền được triển khai thực hiện bằng cuộc bạo loạn dựng lên chính quyền Xô Viết ở vài huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà việc làm đầu tiên của chính quyền Xô Viết là quyết liệt phát động cuộc trả thù giai cấp đẫm máu: Trí – Phú – Địa – Hào đào tận gốc, trốc tận rễ. Những cương lĩnh, những nghị quyết mang hồn luận cương cách mạng tư sản dân quyền nối tiếp đến tận ngày nay, kiên trì chủ nghĩa Mác Lê nin, kiên trì sử dụng bạo lực chuyên chính vô sản để khống chế, cai trị dân tộc, dân tộc Việt Nam hiền hòa đã bị đẩy vào những cuộc đấu tố, chém giết, hành hình, thủ tiêu, truy bức triền miên.

Từ những cuộc đấu tố, truy bức, giết hại tầng lớp trên trong xã hội, giết hại những người giàu có của cải, giàu có trí tuệ trong Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong Cải cách ruộng đất, trong Nhân Văn Giai phẩm và trong Xét lại chống đảng đến những điều luật vi hiến 79; 88; 258 trong bộ luật tố tụng hình sự, kết tội, bỏ tù những tiếng nói trung thực, đất nước Việt Nam đã bị nhấn chìm trong bóng tối bạo lực chuyên chính vô sản suốt gần một thế kỉ. Người dân bị tước đoạt những quyền con người, quyền công dân cơ bản. Cuộc sống điêu linh trong chồng chất oan khiên. Đất nước trì trệ, lạc nhịp với thời đại văn minh và tụt lại sau ngày càng xa trong tiến trình đi tới của loài người.

Nhưng với qui luật vận động không ngừng, trong xã hội cũng như trong tự nhiên không có gì là vĩnh viễn, bất biến. Có đêm thì phải có ngày. Có luận cương chính trị đưa dân tộc Việt Nam vào đêm tối bạo lực thì sẽ có luận cương khai sáng đưa dân tộc Việt Nam từ đêm dài cộng sản ra ánh sáng văn minh. Luân cương đó chính là đề án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Luận Cương Khai Sáng, rút gọn từ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, là một đề án chính trị sắc sảo, thấu đáo. Đó thực sự là cương lĩnh của một đảng chính trị cứu nước, là đề cương tranh cử người đứng đầu nhà nước của đất nước Việt Nam dân chủ.

Với số dân đứng hàng 14 thế giới, với một dân tộc thông minh, cần mẫn hàng đầu thế giới, với địa lí tư nhiên và địa chính trị của một nước lớn, giàu mạnh nhưng Việt Nam hiện nay vẫn là nước nghèo hèn, lạc hậu nhất thế giới và lịch sử Việt Nam đến nay chỉ là lịch sử nô lệ. Độc lập chỉ là thay nô lệ bên ngoài bằng nô lệ bên trong. Và nô lệ bên trong tàn bạo nhất, khắc nghiệt nhất, tệ hại nhất nhưng cũng tinh vi nhất chính là nô lệ ý thức hệ cộng sản. Đó là thực trạng của xã hội Việt Nam. Luận cương Khai Sáng là cương lĩnh dẫn dắt người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại quyền làm chủ đất nước, đưa dân tộc Việt Nam từ bóng đêm nô lệ ra ánh sáng tự do.

Luận cương Khai Sáng chỉ ra hai trở ngại lớn nhất đi tới dân chủ, giành lại quyền làm chủ đất nước cho người dân là:

Một. Để duy trì độc tài, nhà nước cộng sản dám làm tất cả, dám thực hiện cả những tội ác lớn nhất: Tàn phá đất nước. Vất bỏ lợi ích dân tộc. Nô lệ nước ngoài. O bế, dung túng cho đám quan chức tham nhũng để buộc chặt họ với nhà nước độc tài tham nhũng, đồng nhất họ với thể chế độc tài tham nhũng. Đàn áp dã man, tàn bạo những tiếng nói đòi tự do, dân chủ, những hoạt động chống nô lệ, Bắc thuộc.

Hai. Người dân đau đớn nhìn tấm gương những người đấu tranh cho dân chủ bị nhà nước cộng sản độc tài đàn áp tàn bạo, cả gia đình họ bị trả thù hèn hạ, bị tước nguồn sống, tước quyền mưu sinh, dù yêu nước, thương nòi, số đông người dân cũng đành buông xuôi, thờ ơ với vận nước, buông xuôi với vận mệnh của chính họ, vận mệnh của cả gia đình họ.

Chỉ ra hai trở ngại lớn đó, trở ngại từ nhà nước độc tài và trở ngại từ chính người dân an phận, buông xuôi, luận cương Khai Sáng còn chỉ ra những làn sóng dân chủ dồn dập xô tới, từ làn sóng dân chủ đầu tiên là cách mạng Hoa Kỳ năm 1776 và cách mạng Pháp năm 1789 đến làn sóng dân chủ thứ tư diễn ra đầu thế kỉ 21 ở các nước độc tài, kinh tế đang khốn cùng phải mở cửa làm ăn đón kĩ thuật và đồng vốn tư bản từ các nước phát triển cũng là các nước dân chủ. Dân chủ phát huy tài năng, trí sáng tạo vô tận của người dân. Kinh tế phát triển luôn đi cùng với dân chủ phát triển. Dân chủ là một trong những yếu tố không thể thiếu để phát triển kinh tế lành manh và bền vững. Đón kinh tế tư bản vào đất nước cũng là đón ngọn sóng dân chủ đến với đất nước. Những làn sóng dân chủ đó đã giải phóng từng mảng nhân loại khỏi bóng tối độc tài. Đến làn sóng dân chủ thứ tư chỉ còn vài nước độc tài lẻ loi thì không thể cưỡng lại được Kỉ nguyên dân chủ sáng lạn đang mở ra trước cả loài người

Vị thế địa chính trị của Việt Nam và thời điểm bản lề đang xoay chuyển của một thế giới mới cũng thúc đẩy Việt Nam phải đón nhận ngọn sóng dân chủ đang ào ạt xô tới.

Là láng giềng, sông chung dòng,  núi liền dải với đất nước Tàu Cộng mà nhà nước Tàu Cộng từ ngàn đời xưa đến tận hôm nay chưa bao giờ nguôi tham vọng xâm lược bành trướng “bình thiên hạ”. Nhất là ngày nay nhà nước Tàu Cộng dưới chính thể cộng sản tham tàn sau mấy chục năm thí bỏ cả những chuẩn mực đạo đức cơ bản, tối thiểu của con người, của xã hội, thí bỏ cả môi trường sống của đất nước, cố sống cố chết làm giàu đã trở thành nước có sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự ở tốp đầu thế giới thì cuồng vọng “bình thiên hạ”, thống trị thế giới lại càng điên cuồng.

Định mệnh đặt Việt Nam liền kề lò lửa chiến tranh Tàu Cộng, liền kề vực thẳm lòng tham Tàu Cộng, lòng tham lãnh thổ, lòng tham quyền lực thống trị thiên hạ, cai trị cả loài người. Ngày nay lòng tham đó đang tập trung hướng xuống Đông Nam Á. Việt Nam không những chốt nhặn ngay cánh cửa mở xuống Đông Nam Á mà Việt Nam còn nêu tấm gương ngàn năm bất khuất trước bạo lực xâm lăng của Tàu Cộng. Vì thế, muốn khuất phục thế giới, khởi đầu bằng khuất phục Đông Nam Á, trước hết Tàu Cộng phải khuất phục Việt Nam. Và Tàu Cộng đang thực hiện khá thành công từng bước khuất phục Việt Nam, nô dịch Việt Nam bằng ý thức hệ cộng sản và bằng tiền bạc mua chuộc, sai khiến những người nắm quyền lực trong nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ý thức hệ cộng sản là hệ thống học thuyết dùng bạo lực chuyên chính vô sản nô dịch người dân, một thứ nô lệ nội tại. Đảng cộng sản Việt Nam mang ý thức hệ nô lệ, chư hầu nước ngoài đó, mang học thuyết bạo lực đấu tranh giai cấp tội ác từ xứ người về nô dịch chính người dân Việt Nam, thứ nô lệ độc ác, mất tính người nhất trong các chế độ nô lệ đã có trong lịch sử loài người. Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo, người dân bị tước quyền làm chủ đất nước, làm chủ chính số phận con người của mình. Người dân.chỉ còn là công cụ trong tay nhúm người có quyền lực trong đảng cộng sản. Khi nhúm người đó đã bị ý thức hệ cộng sản cột chặt vào Tàu Cộng và bị quyền lực đồng tiền của Tàu Cộng sai khiến thì người dân từ nô lệ cộng sản trong nước trở thành nộ lệ cộng sản nước ngoài, từ nô lệ Việt Cộng trở thành nô lệ Tàu Cộng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Số đông người Việt còn chưa nhận ra thân phận nô lệ nội tại vô cùng tinh vi, nô lệ Việt Cộng, nhiều người còn vui sướng, hãnh diện trong thận phận nô lệ đó. Nhưng khi từ nô lệ trong nước chuyển thành nô lệ nước ngoài, nhất là nô lệ Tàu Cộng, thì người dân mang dòng máu Việt Nam không ai còn có thể u mê, mơ hồ nữa. Chỉ còn những kẻ bán linh hồn cho Tàu Cộng để giữ quyền lực mới u mê đến nỗi hốt hoảng lo lắng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”

Chính sự thức tỉnh của người dân trước hiểm họa Bắc thuộc sẽ là những ngọn sóng lừng, là bão táp của biển nhân dân đấu tranh đòi dân chủ, giành quyền làm chủ đất nước.

Vì không thể phó mặc số phận đất nước, phó mặc sự sống còn của dân tộc cho những người đã đặt lợi ích tội lỗi của đảng phái, phe nhóm và đặt lợi ích bất lương của cá nhân họ lên trên lợi ích thiêng liêng của đất nước, của dân tộc.

Vì chỉ có dân chủ mới huy động được sức mạnh vô tận của nhân dân hôm nay và sức mạnh tinh thần của cả dân tộc trong quá khứ đã làm nên lịch sử oai hùng Việt Nam, mới gắn kết dân tộc thành một khối bền vững chống giặc cướp nước, bảo vệ những giá trị Việt Nam như lịch sử Việt Nam đã nhiều lần chứng minh.

Một thời hệ thống tuyên truyền cộng sản thường khếch đại sức mạnh thời đại ba dòng thác cách mạng. Nhưng thời sức mạnh bạo lực của đám đông, của cuồng tín, sức mạnh tàn phá của những dòng thác cách mạng vô sản thế giới nhấn chìm loài người vào biển máu và nước mắt đã vĩnh viễn qua rồi. Văn minh đã thắng bạo tàn. Thành trì của bạo lực cách mạng thế giới đã sụp đổ. Cả hệ thống thế giới tồn tại bằng bạo lực chuyên chính vô sản đã tan chảy như bọt xà bông là một tất yếu lịch sử đã diễn ra bất ngờ và mau lẹ. Dân chủ và quyền con người đã trở thành giá trị phổ quát không thể thiếu của xã hội loài người hôm nay.

Cách mạng Hoa Kỳ 1776 và cách mạng Pháp 1789 đã đơm hoa kết trái. Dân chủ phát huy sức sáng tạo vô tận của con người tạo ra nối tiếp những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật kì diệu, đưa con người bước những bước dài tới cuộc sống giàu sang. Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển đã trở thành thành trì của dân chủ, có tiếng nói đầy sức nặng trong mọi vấn đề, mọi sự kiện liên quan đến số phận hành tinh, số phận các cộng đồng dân tộc. Tiếng nói đó đã liên tiếp cất lên hối thúc, đòi hỏi dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam trong chế độ độc tài cộng sản. Nhất là ngày nay khi Hoa Kỳ đã xoay trục sức mạnh Hoa Kỳ, xoay trục vai trò cáng đáng của Hoa Kỳ với các vấn đề quốc tế về châu Á – Thái Bình Dương thì dân chủ và nhân quyền cũng là tiêu chí không thể thiếu mà Hoa kỳ đòi hỏi ở châu Á – Thái Bình Dương. Đòi hỏi dân chủ, nhân quyền chính là đòi hỏi của thời đại hôm nay, như đòi hỏi bạo lực của thời cách mạng vô sản, của thời độc tài cộng sản.

Dù nhận định “Dân tộc ta đang sống một trong những thử thách lớn nhất từ ngày dựng nước nhưng đồng thời triển vọng tháo bỏ ách độc tài và mở ra kỷ nguyên dân chủ cũng lớn như chưa bao giờ thấy”, T47. Nhưng Luận cương Khai Sáng còn nhắc nhở “Trong một bối cảnh quốc tế thuận lợi, thực trạng của chúng ta rất bi đát và tương lai của Việt Nam rất bấp bênh”, T47.

Những bi đát và bấp bênh:

. Khi một nước chậm tiến bước vào kinh tế thị trường, hội nhập với đời sống kinh tế thế giới thì sự thành công hay thất bại chủ yếu là ở chỗ có tạo ra được hay không một lớp doanh nhân chân chính. Sự thực không thể chối cãi là mở cửa về kinh tế nhưng vẫn khép kín về chính trị đã chỉ tạo ra phần lớn những doanh nhân chụp giật, làm giàu nhờ ăn chia với quyền lực chính trị và kinh doanh bất chính

. Sự duy trì ngoan cố chế độ độc tài toàn trị nhân danh một chủ nghĩa đã bị lên án như một tội ác, những vi phạm trắng trợn về nhân quyền và dân quyền, tệ quan liêu và tham nhũng, sự từ chối những cải tổ cần thiết, cách cư xử thô thiển trong những quan hệ quốc tế, sự lệ thuộc ngày càng chặt chẽ và toàn diện vào Tàu Cộng khiến Việt Nam ngày càng yếu kém và chìm sâu vào thế cô lập bi thảm trong thời đại toàn cầu hóa.

. Nền công nghiệp non trẻ cần được những tài năng và tâm huyết chăm lo để bứt lên thì lại bị quản lý quá yếu kém, vô trách nhiệm, bị cạnh tranh bất chính của hàng nhập lậu chủ yếu từ Tàu Cộng. Thiết bị sản xuất lỗi thời, kể cả những thiết bị mới mua bởi các quan chức tham nhũng. Các doanh nghiệp nhà nước được coi là chủ đạo của nền kinh tế và được sử dụng nguồn lực lớn của đất nước lại cũng là những doanh nghiệp bệnh hoạn, thua lỗ triền miên do lãnh đạo vừa bất tài vừa tham lam được giao chức theo phe nhóm hoặc chạy chọt, mua bán.

. Tài sản quốc gia bị các nhóm lợi ích xâu xé. Lợi tức quốc gia quá thấp lại phải oằn vai gánh quá nặng chi phí bộ máy đảng cồng kềnh và bộ máy công cụ khổng lồ bảo vệ đảng khiến giáo dục và y tế bị bỏ rơi dài dài. Giáo dục và đào tạo hoàn toàn không có khả năng chuẩn bị cho tuổi trẻ trong cuộc cạnh tranh với thế giới. Để được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, đúng đắn, tuổi trẻ phải tìm mọi cơ hội ra nước ngoài, tạo lên dòng người tị nạn giáo dục đông đúc, hối hả như dòng người tị nạn nhân quyền, bỏ nước đi tìm tự do kéo dài suốt trong lịch sử tồn tại của nhà nước cộng sản. Tình trạng của đại đa số các bệnh viện Việt Nam là một sự hổ nhục và một tội ác.

. Tài nguyên quý nhất của đất nước là con người bị xuống cấp một cách thê thảm. Con người ngày càng rời xa các giá trị đạo đức căn bản. Gian manh, dối trá, lừa đảo, bạo lực trở thành chuyện thường ngày trong đời sống xã hội.

. Tham nhũng ngang nhiên và tràn lan đang hoành hành tàn phá đất nước, tàn phá đạo lí, tàn phá các mối quan hệ xã hội. Tham nhũng giao những vị trí quan trong cho những kẻ bất tài,  Tham nhũng vơ vét bòn rút kiệt quệ tài nguyên, ngân sách đất nước, khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo. Đội ngũ quan chức tham nhũng sống đế vương trên sự nghèo khổ, khốn cùng của số đông người dân lương thiện. Dự án Bôxít Tây Nguyên và dự án điện hạt nhân đều phi kinh tế và đe dọa sự sống còn của đất nước nhưng vẫn được áp đặt cũng vì tham nhũng

Thực trạng đen tối đó dẫn đến hai hiểm họa:

. Môi trường sống, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội bị tàn phá, ô nhiễm nặng nề. Tài nguyên bị đào bới, bị rút ruột vô tội vạ. Đất nước bị tàn phá tan hoang. Đời sống văn hóa, nền tảng đạo đức xã hội bị giết chết trong dối trá và bạo lực.

. Không còn chủ quyền trên thực tế. Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 21-06-2013 cho thấy chính quyền cộng sản đã ký rất nhiều thỏa hiệp ngầm đặt Việt Nam trong thế khống chế của Tàu Cộng. Chấp nhận thăm dò chung dầu khí, thực tế là để Tàu Cộng thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng là để Tàu Cộng đưa người vào làm chủ vùng biển cửa ngõ mở ra thế giới của Việt Nam, như đã cho Tàu Cộng đưa người vào làm chủ mảnh đất hiểm yếu chiến lược Tây Nguyên, làm chủ vùng đất, vùng biển Vũng Áng, cắt đôi đất nước Việt Nam chỗ eo đất hẹp Hà Tĩnh. Để Tàu Cộng huấn luyện và đào tạo sĩ quan quân đội và công an Việt Nam. Đến công việc ngoại giao của nhà nước Việt Nam cũng phụ thuộc vào Tàu Cộng khi Tuyên bố chung Việt – Trung cam kết tham khảo Tàu Cộng nghĩa phải là nhận chỉ thị của Thiên Triều trong quan hệ đối ngoại.

Dân tộc Việt Nam đã tới giới hạn của sự chịu đựng. Đất nước Việt Nam đã tới giới hạn của sự nhẫn nhục. Hiện trạng đen tối này còn tiếp diễn, dải đất gấm vóc hình chữ S bên bờ tây Thái Bình Dương sẽ không còn mang tên Việt Nam nữa, dân tộc Việt Nam văn hiến sẽ bị xóa sổ, bị đồng hóa vào văn hóa Trung Nguyên phương Bắc. Luận cương Khai Sáng là kế sách giữ nước, giữ tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc Việt Nam từ đêm tối độc tài ra ánh sáng tự do, từ kỉ nguyên nô lệ đến kỉ nguyên dân chủ.

Phải nhìn nhận đúng hiện thực đất nước mới có kế sách đúng đắn nhưng những báo cáo chính trị của các kì đại hội đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền đều viết bằng cảm hứng ngợi ca sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng, với ngôn từ khoa trương, đại ngôn, đều vô cảm với thân phận nô lệ thống khổ của người dân nên đều né tránh hiện thực, không dám nhìn vào hiện thực đau đớn, tủi nhục của người dân, mất mát lớn lào của đất nước. Đề án chính trị Luận cương Khai Sáng là sản phẩm của một tư duy khoa học mẫn cảm, trung thực, của một trí thức thông tuệ đã tiếp cận được đầy đủ hiện thực đen tối đó. Nhưng cũng chính vì sự thông tuệ của người sống ở thủ đô ánh sáng, ở một trung tâm phát triển của châu Âu, nơi có mặt bằng dân trí khá cao mà đôi chỗ đề án chính trị công phu này còn thiếu sự bình dị, dễ hiểu với nhận thức, trình độ dân trí trong nước.

Luận cương Khai Sáng thực sự là một đề án hành động. Hành động cần cụ thể. Nhưng luận cương mang tên Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai chữ nghĩa triết học quá, như một lí thuyết triết học nên ít thu hút được sự quan tâm của đời sống chính trị đang sôi động trong nước. Bình dị, thiết thực hơn, chẳng hạn như Đi Tới Kỉ Nguyên Dân Chủ, hoặc Việt Nam – Con Đường Dân Chủ Hóa có lẽ gần gũi hơn, sẽ được sự đón nhận mặn mà hơn.

Có những nội dung quan trọng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau cần được có đề mục riêng để luận bàn thỏa đáng như tên gọi nhà nước Việt Nam. Một thực tế phải nhìn nhận là còn rất nhiều người Việt Nam vẫn luyến tiếc, vẫn muốn níu kéo về hiện tại tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của nhà nước cộng sản Hồ Chí Minh và cũng còn rất nhiều người Việt Nam muốn có lại tên nước Việt Nam Cộng Hòa thân thương của một thời lịch sử gắn bó với họ bằng máu, mồ hôi và nước mắt của chính cuộc đời họ. Nhưng trong chương VI, Thể chế, Hiến pháp Cộng hòa Việt Nam bàn về chế độ chính trị và Hiến pháp của nhà nước Việt Nam dân chủ, tên nước Cộng hòa Việt Nam được áp đặt, không một lời lí giải. Tên nước Cộng Hòa Việt Nam xứng đáng có một đề mục riêng để lí giải, thuyết phục như chế độ chính trị và Hiến pháp Cộng Hòa Việt Nam.

Luận cương có mạch văn sáng sủa, mạch lạc nhưng vì những ý tứ dồn dập, đôi chỗ luận cương chỉ quan tâm đến tuôn xả những ý tứ căng đầy mà sa vào văn nói: “Tản quyền có những ưu điểm rõ rệt: nó khuyến khích sinh hoạt chính trị tại các địa phương, nó đem dân chủ tới mọi nơi với mọi người, nó tránh được những đường dây hành chính dài và phức tạp cho sinh hoạt thường ngày với hậu quả là sự tập trung quá đáng dân số vào những thành phố lớn, nó kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa phương, nó cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt phù hợp nhất với đặc tính của mình và nhờ đó mà phát triển”. T. 177. Văn nói chỉ cốt diễn đạt hết ý mà không quan tâm đến câu. Chỉ có văn viết mới giành mối bận tâm hàng đầu đến tổ chức câu làm sáng rõ ý. Nói theo mạch. Viết theo câu. Là văn nói nên cả đoạn dài trên là một câu dồn dập nhiều ý nhỏ. Với văn viết, mỗi ý nhỏ phải là một câu. Ngắt câu, xuống dòng, thay từ “nó” bằng gạch đầu dòng sẽ chuyển từ văn nói rườm rà, lê thê, các ý nhỏ dồn dập chồng lấp nhau thành văn viết gọn gàng, khúc chiết, dễ nắm bắt. Văn nói của không gian. Văn viết của thời gian. Luận cương là tuyên ngôn của một lực lượng chính trị. Lực lượng chính trị đó nói tiếng nói của Nhân Dân, của thời đại thì Luận cương đó chính là Tuyên ngôn của Nhân Dân, của lịch sử, còn mãi với thời gian.

Là cương lĩnh của một đảng chính trị hoặc một đội ngũ trí thức chính trị thì luận cương Khai Sáng đúng đắn, cần thiết này sẽ mau lẹ đi vào đời sống chính trị đất nước. Trong nhà nước độc tài cộng sản không thể tồn tại một đảng chính trị thực sự theo đuổi lí tưởng dân chủ. Trong nhà nước độc tài đó cũng không thể có một đội ngũ trí thức chính trị mà chỉ có lác đác vài cá thể trí thức chính trị lẻ loi, lạc lõng, đơn độc. Vì thế sứ mệnh lịch sử đầu tiên của luận cương Khai Sáng chính là thức tỉnh những trí thức yêu nước và tập hợp họ lại thành đội ngũ trí thức chính trị và đội ngũ trí thức chính trị đó sẽ đưa luận cương Khai Sáng vào đời sống chính trị đất nước, đưa đất nước Việt Nam thân yêu từ bóng đêm nô lệ độc tài ra ánh sáng dân chủ, phát triển.

© Đàn Chim Việt

 

Nguyễn Đình Toản: Từ Đồng Cỏ tới Áo Mơ Phai

$
0
0

23f204c5-46c9-412c-8d90-d8c74d5fc182

TIỂU SỬ:

Nguyễn Đình Toàn có bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu chính thức sau này; sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên bờ sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Di cư vào Nam 1954, Nguyễn Đình Toàn bắt đầu viết văn làm thơ, viết kịch, viết nhạc, cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học [trong nhiều năm, Nguyễn Đình Toàn phụ giúp Trần Phong Giao tuyển chọn thơ và truyện cho báo Văn]; Nguyễn Đình Toàn cũng viết feuilleton cho các nhật báo Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến; biên tập viên đài phát thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trong những năm 1970s. Sau 1975, cùng chung số phận như mọi văn nghệ sĩ Miền Nam, Nguyễn Đình Toàn bị bắt hai lần và đi tù cải tạo một thời gian gần sáu năm. Sang Mỹ định cư từ cuối năm 1998, Nguyễn Đình Toàn và vợ, chị Thu Hồng cùng phụ trách chương trình Đọc Sách cho đài phát thanh VOA, Nguyễn Đình Toàn còn viết cho tuần báo Việt Tide mục Văn Học Nghệ Thuật của nhà văn Nhật Tiến cho tới khi nghỉ hưu. Gia đình Nguyễn Đình Toàn hiện sống tại Nam California.

Tác phẩm đã xuất bản:

Văn: Chị Em Hải (truyện, Nxb Tự Do 1961); Những Kẻ Đứng Bên Lề (truyện, Nxb Giao Điểm 1974); Con Đường (truyện, Nxb Giao Điểm 1965); Ngày Tháng (truyện, Nxb An Tiêm 1968); Phía Ngoài (tập truyện, viết chung với Huỳnh Phan Anh, Nxb Hồng Đức 1969); Đêm Hè (truyện, Nxb Hiện Đại 1970); Giờ Ra Chơi (truyện, Nxb Khai Phóng 1970); Đêm Lãng Quên (Nxb Tân Văn 1970); Không Một Ai (truyện, Nxb Hiện Đại 1971); Thành Phố (truyện, Nxb Kẻ Sĩ 1971); Đám Cháy (tập truyện, Nxb Tân Văn

1971); Tro Than (truyện, Nxb Đồng Nai 1972); Áo Mơ Phai (truyện, Nxb Nguyễn Đình Vượng 1972); Đồng Cỏ (truyện, Nxb Đồng Dao/ Úc châu 1994).

Thơ: Mật Đắng (thơ, Nxb Huyền Trân 1962)

Kịch: các vở kịch Nguyễn Đình Toàn đều là kịch truyền thanh, trừ Cơn Mưa được trích đăng trong bộ môn Kịch Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, những bản thảo khác đều thất lạc.

Nhạc: Hiên Cúc Vàng (tập nhạc, 1999); Tôi Muốn Nói Với Em (tập nhạc, 2001); Mưa Trên Cây Hoàng Lan (tập nhạc, 2002).

Ký: Bông Hồng Tạ Ơn I & II (Nxb Đêm Trắng 2006, 2012)

Áo Mơ Phai đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1973.

CHỊ EM HẢI

Có lẽ Nguyễn Đình Toàn viết khá sớm từ những ngày niên thiếu ở Hà Nội, cũng lập bút nhóm và chọn bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân. Khi di cư vào Nam, thời gian ban đầu, Nguyễn Đình Toàn sống chung với gia đình Nhật Tiến. Không có tiền mua giấy trắng, những trang bản thảo đầu tiên của Nguyễn Đình Toàn đã được viết trên mặt sau của các bản tin VN Thông Tấn Xã phế thải. Khi bắt đầu có tác phẩm xuất bản, Toàn quyết định lấy tên thật làm bút hiệu.

Chị Em Hải là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Toàn, ít được nhắc tới nhưng đã mang ngay dấu ấn văn phong của Con Đường Nguyễn Đình Toàn xuyên suốt qua các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Toàn sau này. Bản thảo Chị Em Hải, được k. giả Lô Răng Phan Lạc Phúc chuyển tới nhà báo Phạm Xuân Ninh rồi tới tay nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả Khói Sóng, lúc đó đang là tổng thư k. nhật báo Tự Do. Như Phong nhìn ngay được viên ngọc ẩn thạch, nhận ra văn tài của Nguyễn Đình Toàn nên đã để

cơ sở báo chí Tự Do xuất bản ngay cuốn sách này cùng với cuốn Thử Lửa của Thao Trường [tiền thân của bút danh Thảo Trường sau này]. Cùng năm sinh 1936, với hai tác phẩm đầu tay, Nguyễn Đình Toàn và Thảo Trường đều mau chóng trở thành hai tên tuổi văn học của Miền Nam.

ÁO MƠ PHAI

Vào thập niên 1960s, nhiều nhà văn Miền Nam, có số lượng sách khá đồ sộ một phần do lối viết feuilleton cho các nhật báo, bên cạnh đó là những truyện kiếm hiệp Kim Dung, truyện dịch Quỳnh Dao nhằm đáp ứng nhu cầu mọi thành phần độc giả thời bấy giờ. Viết feuilleton, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ

còn gọi viết truyện nhật trình; đó là những tiểu thuyết, truyện dài được các tác giả viết mỗi ngày và đăng từng kỳ báo. Điển hình là nhà văn Mai Thảo, cùng một lúc nhận viết truyện dài cho nhiều tờ báo, đôi khi tới ngồi viết ngay tại toà soạn, đưa từng trang viết chưa ráo mực cho nhà in để kịp sắp chữ.

Rồi cũng phải kể tới tình huống một feuilleton do nhiều người viết, điển hình là truyện dài “Một Triệu Đồng” của nhà báo Như Phong đăng trên nhật báo Tự Do, khi Như Phong bị lao phổi, do truyện đang ăn khách, toà soạn quyết định tiếp tục. Trong hồi k. Tôi Làm Báo, nhà văn nhà giáo Tạ Quang Khôi kể lại: “Do, ông Nguyễn Hoạt yêu cầu mỗi người viết một đoạn để chờ ông Như Phong đi làm lại”. Và truyện dài của nhà báo Như Phong đã được nhà thơ Đinh Hùng, nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và sau đó là Tạ Quang Khôi viết thay cho tới khi nhà báo Như Phong trở lại toà báo.

Gần như một phong trào, không thiếu những nhà văn danh tiếng cũng tham dự vào phong trào viết tiểu thuyết feuilleton như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Thảo Trường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nhã Ca, Tu. Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ… nhiều người xem đó như thứ sản phẩm giải trí ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của xã hội tiêu thụ. Nhà văn Sơn Nam cũng viết feuilleton nhưng chính Sơn Nam sau này lên tiếng phủ nhận, không coi đó là những tác phẩm văn học. Công bằng mà nói tiểu thuyết feuilleton không phải không có tác phẩm hay phải nói là rất hay. Chất lượng tác phẩm tuỳ theo thái độ chọn lựa và cách viết của mỗi tác giả.

Nguyễn Đình Toàn cũng không là một ngoại lệ. Trừ Chị Em Hải là tác phẩm được viết xong rồi xuất bản, hầu hết các tác phẩm còn lại của Nguyễn Đình Toàn đều là tiểu thuyết feuilleton sau đó được in thành sách như Con Đường [nhật báo Tự Do], Đồng Cỏ [nhật báo Chính Luận], Áo Mơ Phai [nhật báo Xây Dựng], và những cuốn khác trên nhật báo Tiền Tuyến mà chính Nguyễn Đình Toàn cũng không còn nhớ. Nguyễn Đình Toàn có một đức tính là các trang bản thảo chỉ viết một lần, không sửa chữa và giao thẳng

cho thợ nhà in sắp chữ. [Nguyễn Mộng Giác sau này là người thứ hai cũng viết bản thảo chỉ một lần không sửa chữa]. Nguyễn Đình Toàn cho rằng chưa hề hy sinh tính văn chương khi chọn viết những truyện dài feuilleton như vậy.

Nếu theo thứ tự xuất bản, thì Áo Mơ Phai là cuốn sách feuilleton thứ 13 của Nguyễn Đình Toàn, và cũng là tác phẩm được trao giải Văn Học Nghệ Thuật 1973.

Khi viết bài điểm sách Áo Mơ Phai, Huỳnh Phan Anh, đã nhận định: “Phải nhìn nhận rằng yếu tố ‘truyện’ là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm ‘câu truyện’ mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất . nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn.” [Văn Học 10/02/1974]

Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai như một tác phẩm tâm đắc của mình: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Ba mươi hai năm sau [9/10/2006] trong buổi mạn đàm với Hoàng Khởi Phong trên RFA, khi được hỏi về Áo Mơ Phai Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:

“Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết“. [HKP mạn đàm với NĐT, RFA 9/10/2006]

Phát biểu của Nguyễn Đình Toàn khiến người ta liên hệ tới bài diễn văn của Albert Camus khi dự lễ nhận giải Nobel văn chương 1957 tại Stockholm, Camus đưa ra nhận định rằng ngày nay nhân loại gồm số nhỏ

người làm lịch sử và đông đảo những người phải gánh chịu những hậu quả do biến cố lịch sử. Và tác giả La Peste / Dịch Hạch cho rằng vị trí của những người làm văn học nghệ thuật là đứng về phía những người khổ vì lịch sử.

[Le rôle de l'écrivain, du même coup, ne se sépare pas de devoirs difficiles. Par définition, il ne peut se mettre aujourd'hui au service de ceux qui font l'histoire: il est au service de ceux qui la subissent. [Albert Camus, Discours de Suède 1957]

Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri. Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, để sống với Hà Nội những ngày sắp mất nhưng cũng không bao giờ mất qua hơn 300 trang sách Áo Mơ Phai:

“Tháng bẩy rồi tháng tám [1954, ghi chú của người viết] qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều. Người Hà Nội bỏ đi và chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lầm lũi, ngày ngày gồng gánh, lếch thếch đắt díu nhau về Hà Nội, nằm la liệt tại các công viên, xó xỉnh, vỉa hè, đầy ắp trong Toà Thị Chính, chờ để được đưa đi tới các phi trường, bến tầu, di cư vào Nam.

Chiều chiều Lan thường ngồi trên bao lơn nhìn xuống khu phố đôi lúc vắng vẻ, đôi lúc chen chúc những đám dân quê níu áo nhau đi như chạy, nhìn những tàn cây trước nhà, cây gần nhất có những cành xoè tới sát bao lơn như những cánh tay, những hàng cây xa dọc theo các khu phố, một ngày, một buổi chiều, bao nhiêu lá đều vàng hết, rồi cũng trong một ngày nữa, tất cả lá như tấm áo khoác của thành phố ấy phai thêm một lần nữa, trút khỏi cành như những giấc mơ rời khỏi vầng trán khô cằn, những sợi tóc rụng khỏi chiếc đầu đau ốm.

Trong nhiều ngày, Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan thấy chân tay nặng nề không muốn cử động, hơi thở khó khăn.

Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia xẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc.” [Áo Mơ Phai, Ch.9, Nxb Nguyễn Đình Vượng 1972]

GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT LẦN HAI

Sau 1975, những gì đốt được thì không còn, Nguyễn Đình Toàn cho biết: “không còn một tấm hình nào về cái ngày phát giải VHNT ấy cả. Nhưng cái huy chương thì lạ lắm. Có một người bạn trẻ, đã mua được tấm huy chương đó trên một vỉa hè ở Hà Nội, mang về đây tặng lại cho mình. Hắn nói ‘cháu trao tặng bác giải thưởng lần thứ hai’. Bữa hắn mang tới cho mình có mặt Cao Xuân Huy và bạn Huy là Trần Như Hùng, đài phát thanh Úc Châu. Sự việc, Cao Xuân Huy cho là quá hi hữu, có y viết thành một truyện

ngắn”. Toàn nói: đó là “cuộc phiêu lưu của con dế mèn” [tên một truyện nhi đồng của Tô Hoài]. Cầm trên tay tấm huy chương bằng đồng mạ vàng đã hoen rỉ theo màu thời gian của 42 năm lưu lạc, tôi nói đùa với vợ chồng Nguyễn Đình Toàn: cũng may là không phải vàng ròng, nếu không thì cũng đã bị đốt chảy trong một tiệm kim hoàn nào đó ngoài Hà Nội.

Sách Nguyễn Đình Toàn được xếp vào loại văn hoá đồi truỵ sau 1975; nên tất cả bị tịch thu và trở thành “Tro Than”, như tên một tác phẩm định mệnh Nguyễn Đình Toàn trong chiến dịch đốt sách lan rộng khắp Miền Nam thời bấy giờ.

Giải Văn Học Nghệ Thuật 72-73 không phải chỉ có tấm huy chương, mà còn kèm theo số hiện kim 600,000 đồng tương đương với 40 lượng vàng theo thời giá bấy giờ. Tưởng cũng nên nói thêm về giải Văn Học Nghệ Thuật 1961, với số hiện kim 40,000 đồng lúc đó đủ cho nhà văn Nhật Tiến mua một xe hơi Renault 4CV còn chạy tốt cho tới những năm về sau này.

Cho dù Nguyễn Vỹ có than thở “nhà văn An Nam khổ như chó” nhưng thực ra trong xã hội Việt Nam, họ vẫn là thành phần được quý trọng.

NHÓM ĐÊM TRẮNG

Từ 1954, trong vòng 20 năm của Miền Nam, các phong trào văn học được tự do nở rộ. Tự Lực Văn Đoàn được tiếp nối với Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo Thanh Tâm Tuyền phủ nhận nền văn học tiền chiến với nỗ lực làm mới văn chương, nhóm Quan Điểm của Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ; rồi tới nhóm Đêm Trắng [cũng có thể gọi là nhóm La Pagode nơi họ tụ tập sinh hoạt] được xem như nhóm Tiểu Thuyết Mới của Sài Gòn. Nhóm 6 người ấy đa số xuất thân nhà

giáo: Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng, trừ Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ. Ý kiến khởi đầu lập Nxb Đêm Trắng là từ Huỳnh Phan Anh, để chỉ xuất bản các sáng tác của nhóm. Tuy mang tên nhóm nhưng họ là những cây bút độc lập, có chung ý hướng là tự làm mới cách viết của mỗi người.

Trên là hai mặt của tấm huy chương Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn quốc do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà sáng lập. Ông Nguyễn Đình Toàn giải chính thức tiểu thuyết (72-73) với tác phẩm Áo Mơ Phai.Dưới là bìa tác phẩm Áo Mơ Phai
Nổi bật trong nhóm này là Nguyễn Đình Toàn với kỹ thuật viết mới, viết truyện mà không có truyện, những trang chữ là một chuỗi những hình ảnh tạo cảm xúc và là một trải dài độc thoại nội tâm. Nguyễn Đình Toàn thành công trong nỗ lực tự làm mới văn chương nhưng không vì thế mà bảo ông chịu ảnh hưởng và chạy theo phong trào tiểu thuyết mới của Pháp. Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu là hai tên tuổi khác cũng được nhắc tới khi nói về khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, Hoàng Ngọc Biên không ở trong nhóm Đêm Trắng nhưng chính anh là người đầu tiên thực sự nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman của Pháp, vào giữa thập niên 1950’s với các tên tuổi như Alain Roble-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon.

Hoàng Ngọc Biên đã dịch một số tác phẩm của Alain Roble-Grillet và cũng thể hiện quan niệm tiểu thuyết mới ấy qua tập truyện Đêm Ngủ ở Tỉnh do Cảo Thơm xuất bản Sài Gòn, 1970. Cũng theo Hoàng Ngọc Biên, thì ngoài danh xưng, trong 20 năm Văn Học Miền Nam thực sự đã không có một phong trào Tiểu Thuyết Mới tại Sài Gòn “theo cái nghĩa thời thượng” của phong trào Tiểu Thuyết Mới xuất phát từ Tây Phương.

NHẠC THOẠI CỦA NHẠC CHỦ ĐỀ

Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Mỗi chương trình có một sắc thái hay riêng, nhưng có lẽ “Nhạc chủ đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy vào mỗi tối thứ Năm được chờ đợi đón nghe nhiều nhất. Những lời dẫn quen thuộc với giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn như nhập tâm vào mỗi thính giả:

Tình ca – những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…

Nguyễn Đình Toàn 1 – Nhạc Chủ Đề 1970

Tình Ca Việt Nam [Thu Âm Trước 1975]

Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.

Người lính, sau này trở thành thương phế binh, nhà thơ Phan Xuân Sinh hiện sống ở Houston Texas đã bồi hồi kể lại: “Cho đến bây giờ lớp tuổi trên dưới 60… tôi còn nhớ lúc đó ngoài chiến trường với chiếc radio transistor nhỏ bằng bao thuốc, một cái ecouteur gắn vào tai. Chúng tôi có những giây phút chìm vào chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông đã mang lại cho chúng tôi những giờ nghỉ ngơi thật tuyệt vời khi đối đầu với chiến trường”.

Gs Nguyễn Văn Tuấn từ Viện nghiên cứu Y khoa Garvan Úc Châu trước và sau 1975 là một “fan” của chương trình Nhạc Chủ Đề. Anh Nguyễn Văn Tuấn viết: “Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi…” Rồi mới đây sau khi nghe lại CD Tình Ca Việt Nam

Nguyễn Đình Toàn 1970, anh đã phải thốt lên: “mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một “nhạc thoại” một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn”. Rồi cuối cùng, hai người bạn họ Nguyễn ấy như Bá Nha Tử Kỳ cùng một kiếp tha hương, họ cũng đã gặp nhau không phải trên “một quê hương Việt Nam sợ hãi – chữ của Nguyễn Đình Toàn trong Đồng Cỏ” mà trên lục địa Mỹ Châu thênh thang tự do nhưng vẫn là lưu đầy.

Nguyễn Đình Toàn trái, photo by Trần Cao Lĩnh; phải, photo by Nguyễn Ngọc Dung, con gái nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm
Truyện Nguyễn Đình Toàn rất giàu hình ảnh và nhiều chất thơ có thể đọc như một bài thơ xuôi/ prose poem. Khi đặt lời cho một bản nhạc thì tự thân phần lời ấy đã là một bài thơ. Nguyễn Đình Toàn viết nhạc, nổi tiếng với một số nhạc khúc, nhưng có lẽ những nốt nhạc được cất cánh từ những ý thơ ban đầu của Nguyễn Đình Toàn. Lời bản Tình Khúc Thứ Nhất đã là một thi phẩm trước khi kết hợp với phần nhạc của Vũ Thành An.

Tình Khúc Thứ Nhất, tiếng hát Lệ Thu

Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An)

 

TÌNH KHÚC THỨ NHẤT Tình vui theo gió mây trôi

Y sầu mưa xuống đời

Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi

Mấy tuổi xa người

Ngày thần tiên em bước lên ngôi

Đã nghe son vàng tả tơi

Trầm mình trong hương đốt hơi bay

Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai

Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài

Lời nào em không nói em ơi

Tình nào không gian dối

Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây

Gió lú đưa đường mây

Có yêu nhau xin ngày thơ ngây

Lúc mắt chưa nhạt phai

Lúc tóc chưa đổi thay

Lúc môi chưa biết dối cho lời

Tình vui trong phút giây thôi

Y sầu nuôi suốt đời

Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền

Dù trời đem cay đắng gieo thêm

Cũng xin đón chờ bình yên

Vì còn đây câu nói yêu em

Âm thầm soi lối vui tìm đến

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân

Bước lạc sa xuống trần

Thành tình nhân đứng giữa trời không

Khóc mộng thiên đường

Ngày về quê xa lắc lê thê

Trót nghe theo lời u mê

Làm tình yêu nuôi cánh bay đi

Nhưng còn dăm phút vui trần thế

NƯỚC SÔNG MEKONG MÁU CỦA ĐẤT

Các tác phẩm văn học lớn thường mang những dự cảm hay cả viễn kiến có thể liên hệ với cuộc sống. Truyện Kiều là một ví dụ: hoàn cảnh nào cũng có thể liên hệ với một câu thơ của Nguyễn Du.

Tôi không nói rằng Nguyễn Đình Toàn đã sáng tác những tác phẩm lớn, nhưng từ các trang sách của anh, tôi đã tâm đắc tìm thấy ở đấy những dự cảm để dễ dàng đưa vào trích dẫn. Nguyễn Đình Toàn đã ví nước sông Mekong như “máu của đất” trước viễn tượng một Cửu Long Cạn Dòng.

Và khi có tin cặp vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Chơn cư ngụ tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp mười ngày trước Giáng Sinh đã rất đỗi vui mừng khi lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 k.. Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn là giống cá nước mặn. Trong niềm vui lưới được con cá đuối nước mặn to khủng trên khúc sông Tiền cũng chính là tín hiệu của thảm hoạ:“Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì nạn ngập mặn / salt intrusion đã càng ngày càng lấn vào rất sâu vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi vốn là vùng đất của “phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng…” [CLCD BĐDS, Ch. XIV, Nxb Văn Nghệ 2000]

BÀ TÚ XƯƠNG THU HỒNG

Tôi quen Nguyễn Đình Toàn có lẽ khởi đầu từ những trang sách Chị Em Hải, rất sớm khi còn là sinh viên Khoa học. Quán cà phê La Pagode thường là nơi có thể dễ dàng gặp Toàn và các bạn văn nghệ của anh, cũng là nơi hình thành nhóm Đêm Trắng sau này. Nguyễn Đình Toàn ngoài giờ làm ở đài phát thanh, hầu như thường ngày ra ngồi viết nơi quán Cái Chùa này.

Chỉ được gặp chị Toàn khi tới thăm căn nhà rất nhỏ của anh chị, trước nhà có hàng cây trứng cá, trong một con hẻm cũng rất nhỏ phía sau đài phát thanh Sài Gòn. Chị Thu Hồng, tên người bạn đời tấm cám hơn 60 năm của Nguyễn Đình Toàn, chị nhỏ hơn Nguyễn Đình Toàn sáu tuổi, chị có vẻ đẹp với cá tính mà các hoạ sĩ rất muốn vẽ, một thứ người mẫu cho những bức tranh của Modigliani cộng thêm với cái trán cao bướng bỉnh khi chọn lựa và chấp nhận sự thách đố của số phận. Chị cũng là xướng ngôn viên cho một chương trình của đài phát thanh Sài Gòn. Thời kỳ ấy, Toàn thì bị lao phổi khá nặng, lại mới có một đứa con đầu lòng. Thuốc chữa bệnh lao lúc đó rất hiếm hầu như chỉ có hai thứ: thuốc viên Rimifon, và thuốc chích Streptomycin có thể gây điếc. Toàn thường ho ra máu, sức khoẻ suy kiệt và thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết giữa tuổi mới ngoài 20 ấy. Tập thơ Mật Đắng được sáng tác trong giai đoạn đen tối và gần như tuyệt vọng này. Võ Phiến khi viết về thi phẩm Mật Đắng của Nguyễn Đình Toàn, thay vì bốn

cái khổ: sinh, bệnh, lão, tử “trong Mật Đắng không có cái lão, nhưng thay bằng cái ái, càng tệ hơn… Sinh, bệnh, ái, tử, nghe có hơi lạ tai một chút, dù sao cũng là chuyện của mọi nơi chốn, mọi thời đại“. [Văn Học Miền Nam, Thơ, Nxb Văn Nghệ 1999].

Trong bài thơ Úp Mặt, Nguyễn Đình Toàn viết:

Bàn tay vuốt mặt xương lồi

Hai mươi tư tuổi một đời cũng xong

Có lẽ sức sống toả sáng nơi căn nhà nhỏ chật của vợ chồng Nguyễn Đình Toàn lúc ấy là nụ cười luôn luôn rạng rỡ và cả ẩn nhẫn của chị Thu Hồng, vợ Toàn. Với tôi, chị là hình ảnh nguyên mẫu của một bà Tú Xương lúc ấy và cho tới suốt cả những năm về sau này, chị bền bỉ đảm đương một gia đình bốn con và cả thăm nuôi Nguyễn Đình Toàn trong suốt thời gian gian tù đầy.

“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, bà Tú Xương của thời hiện tại đã đảo nghịch lời tiên tri Mật Đắng, và Nguyễn Đình Toàn thì nay cũng đã vượt xa cái ngưỡng tuổi “cổ lai hy”, tới tháng Chín 2015 này, Nguyễn Đình Toàn tròn 80 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn và bà Tú Xương Thu Hồng. Huntington Beach Library 2014. Photo by Đặng Tam Phong
Rồi vợ chồng Nguyễn Đình Toàn cũng sang được Mỹ tuy khá trễ 1998. Và kể từ sau những năm 2000, sau bao tháng năm thăng trầm, chị Thu Hồng vẫn là hình ảnh một bà Tú Xương ngày nào, nhưng chị đã bắt đầu quên nhiều điều, quên những chuyện nhân sinh hiện tại. Nhưng mỗi khi khi phone tới nhà không gặp Toàn, xin nói chuyện với “bà Tú Xương” thì bên kia đầu dây là một giọng cười ròn rã, chị nhận ra ngay ai đang nói chuyện với chị và nhớ lại đủ mọi điều. Một hôm tới thăm anh chị cách đây không lâu, nửa buổi sáng câu chuyện rộn rã, khi ra về anh chị xuống thang đưa tiễn tôi ra xe, chị Toàn nói hồn nhiên: “hôm nào anh Vinh tới nhà tụi này chơi” Toàn nhắc chị, anh ấy vừa mới từ nhà mình xuống đây mà. Chị Toàn thì vẫn cười hồn nhiên. Tôi vẫn nghĩ nếu không có bà Tú Xương, có lẽ Toàn đã chẳng thể sống sót cho tới cái tuổi gần 80 như hôm nay. Toàn không phủ nhận điều ấy và dí dỏm nói, “cũng vì vậy mà bây giờ tôi đang trả nợ cho bà ấy”, Toàn nói tới vai trò không thể thiếu hàng ngày phải chăm sóc người bạn đời của mình.

Hai vợ chồng sống như đôi chim liền cánh, từ bấy lâu nay, Toàn đã không thể để chị ở nhà một mình.

Quanh năm buôn bán ở ven sông, Nuôi đủ năm con với một chồng.

Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.

MỘT CHÚT RIÊNG TƯ

Ca sĩ Quỳnh Giao, trong bài viết về “Nguyễn Đình Toàn, Dẫn Em Vào Nhạc” đã cho rằng “Nguyễn Đình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu” điều đó có lẽ đúng với các thế hệ sống ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975. Nhưng với các thế hệ sinh ra và lớn lên sau 1975 ở trong nước cũng như ở hải ngoại, những bài viết giới thiệu một Nguyễn Đình Toàn tài năng trong nhiều lãnh vực văn, thơ, nhạc, kịch vẫn là điều cần thiết. Và đáng mừng là đã có rất nhiều bài viết về mọi khía cạnh của Nguyễn Đình Toàn, nghĩ tới một bài viết mới về Nguyễn Đình Toàn, câu hỏi được đặt ra là liệu còn gì để viết nữa nếu không phải là những chia xẻ chút riêng tư với một bạn văn và cũng là cố tri.

Nguyễn Đình Toàn, ký hoạ Tạ Tỵ

Nguyễn Đình Toàn, ký hoạ Tạ Tỵ

Bài viết này gửi tới bà Tú Xương Thu Hồng và Nguyễn Đình Toàn tác giả Mật Đắng khi anh sắp bước vào tuổi 80 gần như một phép lạ.

NGÔ THẾ VINH

California 08/ 03/ 2015

Nhạc sĩ Dzũng Chinh- tác giả “Những Đồi Hoa Sim” đã chết trên đồi hoa sim

$
0
0

 

Nhạc sĩ Dzũng Chinh

Nhạc sĩ Dzũng Chinh

(Đã có một vài bài viết nói về cái chết của Nhạc sĩ Dzũng Chinh, nhưng tiếc là không chính xác. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ cái chết của ông, một nhạc sĩ trẻ được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim”. Người viết bài này đã ở cùng một đơn vị với ông khi ông tử trận)
***

Nhạc sĩ Dzũng Chinh không có nhiều sáng tác, nhưng nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” đã làm nên tên tuổi ông. Bài hát được phổ biến trong những năm đầu thập niên 1960, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu khốc liệt, hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Nam, hầu hết là những học sinh, sinh viên tạm gác bút nghiên, lên đường tòng quân bảo vệ giang sơn. Bài hát Những Đồi Hoa Sim (viết theo ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, một nhà thơ sống ở miền Bắc) phổ biến rất rộng rãi và nhanh chóng được quần chúng đón nhận khá nồng nhiệt, đặc biệt trong hàng ngũ lính chiến miền Nam Việt Nam.
Nhạc sĩ Dzũng Chinh cũng là một người lính chiến thực thụ. Tên thật là Nguyễn Bá Chính, quê quán ở Bình Can- Nha Trang ( có người bào trong giấy tờ anh sinh ở Phan Thiết?). Trước khi theo học khóa sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế Nha Trang, anh là hạ sĩ quan phục vụ tại một Sư Đoàn Bộ Binh thuộc Vùng IV. Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy, anh chọn đơn vị Sư Đoàn 23 BB và xin được phuc vụ tại Trung Đoàn 44 (trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết).

Thời điểm này, Sư Đoàn 23 BB đặt bản doanh tại Ban Mê Thuột, đặc trách hành quân trong lãnh thổ Khu 23 ChiếnThuật. Sư Đoàn có 3 trung đoàn cơ hữu. Trung Đoàn 45 BB trú đóng tại Ban Mê Thuột, nơi có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, phụ tránh hành quân an ninh tại các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn. Trung Đoàn 53 BB đồn trú tại Di Linh (Lâm Đồng), trách nhiệm các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Quảng Đức. Riêng Trung Đoàn 44 BB trú đóng tại Sông Mao, Bình Thuận, đảm trách các tỉnh miền duyên hải: gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Trung Đoàn 44 BB đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao, một doanh trại rộng lớn của Sư Đoàn 5 BB, thời Đại tá Voòng A Sáng, bàn giao lại để di chuyển vào Vùng 3 CT. Sông Mao là một thị trấn nhỏ thuộc quận Hải Ninh, nằm phía Bắc Phan Thiết khoảng 60 cây số, cách Quốc Lộ 1 gần 2 cây số. Hầu hết dân chúng ở đây là người Nùng, đã theo chân Đại tá Voòng A Sáng và Sư Đoàn 3 Dã Chiến (tiền thân của Sư Đoàn 5 BB) từ vùng Mống Cái,Việt Bắc di cư vào đây tháng 8 năm 1954. Phía dưới là quận Phan Lý Chàm (Chợ Lầu). Dân chúng đa số là người Chàm. Có cả dinh cơ của bà công chúa cuối cùng của Vương quốc Chiêm Thành, với đền thờ vua, cờ xí, long bào và ấn tín. Cách đó không xa là mật khu Lê Hồng Phong nổi danh của VC.
Nhắc đến địa danh Sông Mao và mật khu Lê Hồng Phong, người ta nhớ tới mấy câu thơ nổi tiếng hào sảng của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
…..
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

(Núi Chà Bang – nơi Dzũng Chinh nằm xuống)

(Núi Chà Bang – nơi Dzũng Chinh nằm xuống)

Chuẩn Úy Nguyễn Bá Chính xin về Trung Đoàn 44 BB nhằm được gần quê quán. Anh được bổ sung về Đại Đội 1 thuộc Tiểu Đoàn 2/44. Đại Đội Trưởng là Trung Úy Nguyễn Văn Chánh và Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Ngô Văn Xuân (đến tháng 5 năm 1972 ông là Trung tá Trung Đoàn Trưởng). Một tháng sau khi về đơn vị, anh được vị sĩ quan trưởng khối CTCT Trung Đoàn biết anh là nhạc sĩ Dzũng Chinh nên xin biệt phái anh về Khối CTCT, tạm thời đảm trách Ban Văn Nghệ, mới được thành lập. Vốn mang tính nghệ sĩ và sống phóng khoáng, nên anh thường (dù) về Phan Thiết chơi với bạn bè, nhiều lần vắng mặt tại đơn vị, nên bị trả lại Tiểu Đoàn, tiếp tục giữ chức vụ trung đội trưởng tác chiến.

Đầu tháng 3 năm 1969, Tiểu Đoàn 2/44 di chuyển ra hành quân tại khu vực quận Ninh Phước thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận. Đại Đội 1/2 đảm trách an ninh tại Văn Lâm, một làng của người Chàm, nằm phía Đông Nam tỉnh lỵ Phan Rang khoảng 25 cấy số. Nhận tin tức của Phòng Nhì Tiểu Khu, cho biết có một mũi công tác của Việt Cộng từ mật khu núi Chà Bang (tiếng Chàm: Chơk Chabbang) sẽ về Văn Lâm thu thuế và thực phẩm, Tiểu Đoàn ra lệnh Đại Đội 1 cho một trung đội đến án ngữ dưới chân núi Chà Bang để phục kích toán quân VC khi chúng trên đường ra Văn Lâm. Trung Đội của Dzũng Chinh nhận lãnh trách nhiệm đặc biệt này. Đến địa điểm phục kích khoảng 7 giờ tối, Chuẩn úy Chính cho tiểu đội của Trung sĩ Luận ra nằm tiền đồn phía trước, bên con đường mòn dưới chân núi, cách trung đội chừng 500 mét, vừa theo dõi báo cáo bằng tín hiệu riêng khi địch quân xuất hiện, vừa làm nút chặn, khi đám địch bị trung đội tấn công, chạy ngược lại phía sau.

Khoảng 11 giờ tối, một toán người xuất hiện và lên tiếng: “Luận về đây”. Chuẩn úy Chính tưởng là Trung sĩ Luận đã dắt trung đội về, nên hỏi lại: “Sao Luận về sớm vậy?” Một tràng súng nổ tức thì. Chinh ngã xuống.

Thì ra có một trùng hợp kỳ lạ, quái ác, đã đưa đến cái chết tức tưởi của Dzũng Chinh. “Luận về đây” lại là mật khẩu của địch, trong đó cũng có tên Luận trùng với tên Trung sĩ Luận, người tiểu đội trưởng của Chính có nhiệm vụ tiền đồn. Địch quân sợ bị phục kích nên đã chia làm hai toán, sử dụng lộ trình khác, không đi theo con đường mòn, nên tiểu đội tiền đồn của Trung sĩ Luận không phát hiện được. Chính vì sự ngộ nhận đáng tiếc này làm Dzũng Chinh đã hứng trọn một tràng đạn AK của địch. Đại Đội cho bắn trái sáng, kịp thời bao vây và truy kích tiêu diệt đám địch quân. Chính bị thương khá nặng. Được trực thăng của Mỹ tản thương kịp thời về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch Phan Thiết. Nhưng vì vết thương quá nặng ở vùng bụng và ngực, nên sáng hôm sau Dzũng Chinh qua đời.

Cái chết oan uổng của Dzũng Chinh đã được bạn bè cùng đơn vị bàn tán khá nhiều với vài sự kiện mà mọi người cho là những điềm gỡ báo trước:

Ngày xưa lương lính thường không đủ xài, nhất là những khi được về thành phố, nên trước cuộc hành quân, Dzũng Chinh đến Ban Tài Chánh Trung Đoàn xin mượn lương trước. Vị sĩ quan tài chánh ngần ngừ, bảo sao mượn lương sớm thế. mới đầu tháng đã mượn, hơi khó xử cho ông. Dzũng Chinh gãi đầu năn nỉ:

- Thì Đại úy cứ xem như ứng trước tiền tử tuất cho tôi thôi mà.

Vị Đại úy cho mượn, nhưng rầy anh:

- Cậu chớ nói điều gỡ, không nên!

Sau đó, anh rủ hai người lính về thành phố Phan Thiết chơi. Không hiểu đụng chạm thế nào, nhóm anh đánh nhau với một nhóm lính hải thuyền. Trước ngày đi hành quân, anh nhận giấy báo của Quân Cảnh Tư Pháp Phan Thiết, gọi trình diện. Anh khoe với đám bạn bè trong một buổi nhậu rồi nói:

- Kỳ này tao đi luôn, xem thử lấy ai mà trình diện!

Không ngờ anh đã đi luôn thật.

Dưới chân núi Chà Bang, nơi Dzũng Chinh ngã xuống là một vùng đầy hoa sim. Tác giả nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” cuối cùng cũng đã nằm xuống trên ngọn đồi bạt ngàn hoa sim tím. Anh được an táng tại nghĩa trang Mả Thánh ( Phương Sài) Nha Trang. Sau này bị chính quyền CS giải tỏa, không biết đã di dời về đâu,

Cái chết của Chuẩn úy Nguyễn Bá Chính, một trung đội trưởng bộ binh, cũng lặng lẽ như hàng vạn chiến sĩ vô danh khác đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ quê hương, nhưng tên tuổi Dzũng Chinh được nhiều người tiếc thương, nhắc nhở, bởi vì anh là một nhạc sĩ trẻ tuổi, đã tạo nên một tác phẩm đi vào lòng người, và mãi ở lại với thiên thu.

© Phạm Tín An Ninh

© Đàn Chim Việ

Nhật Tiến Thềm Hoang Vẫn Một Tráng Sinh Lên Đường

$
0
0

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Nguyễn Du

image

Hướng đạo thời niên thiếu

Bùi Nhật Tiến, bút hiệu Nhật Tiến sinh ngày 24-8-1936 tại Hà Nội. Năm 1946 mới 10 tuổi Nhật Tiến đã phải theo gia đình rời Hà Nội đi tản cư qua những tỉnh như Sơn Tây, Việt Trì, Hưng Hoá, Phú Thọ. Năm 1950 hồi cư, ở cái tuổi 14 không còn nhỏ nữa để sinh hoạt sói bầy, Nhật Tiến xin gia nhập phong trào Hướng Đạo làm đoàn sinh đội Én Thiếu Đoàn Bình Than khá muộn màng. Thiếu Đoàn Bình Than thuộc Đạo Đồng Nhân, và đạo này có bài hát chính thức do đoàn sinh Cung Thúc Tiến của Thiếu Đoàn Bạch Đằng sáng tác. Cung Thúc Tiến chính là nhạc sĩ Cung Tiến sau này với những nhạc phẩm Hoài Cảm, Thu Vàng.

Ngày “Tuyên Hứa” để được gia nhập phong trào Hướng Đạo Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhà văn nhà giáo Nhật Tiến. Lễ tuyên hứa được tổ chức tại Chùa Láng cách Hà Nội 5 km. Trong Hồi k. của Nhật Tiến, tuy đã hơn 60 năm sau, anh vẫn còn nguyên vẹn xúc động khi hồi tưởng lại phút được “tuyên hứa” như điều mơ ước đã trở thành hiện thực.

“Tôi hồi hộp tiến lại lá cờ Đoàn. Tất cả các anh em đều yên lặng, nghiêm trang theo dõi cử chỉ của tôi. Tôi đứng thẳng người trước lá cờ. Tay phải tôi chào theo kiểu Hướng Đạo, tay trái tôi nắm nhẹ lấy một góc của lá cờ, và tôi cất giọng dõng dạc:

Trước Quốc kỳ, tượng trưng cho Tổ quốc, trước Đoàn kỳ tượng trưng cho tinh thần Hướng Đạo, tôi xin lấy danh dự của tôi để tuyên hứa:

- Thứ Nhất : Trung thành với Tổ Quốc.

- Thứ Nhì : Giúp ích mọi người

- Thứ Ba: Tuân theo Luật Hướng Đạo.

Sau khi lấy được bằng Hạng Nhì, tôi được giao phó nhiệm vụ làm đội trưởng đội Én. Một trong những đội sinh của tôi là anh Đỗ Tiến Đức, sau này trở thành nhà văn, năm 1969 anh được Giải Văn Học Nghệ Thuật với tác phẩm Má Hồng, và còn là đạo diễn kiêm Giám Đốc Nha Điện Ảnh, anh hiện chủ trương tờ Thời Luận ở Los Angeles, trước là báo in, sau này trở thành báo Online.

Tôi lên Kha đoàn năm 17 tuổi, ở dự bị Tráng năm 18. Sau di cư 1954, tôi sinh hoạt nhiều năm trong Tráng Đoàn Bạch Đằng gồm 4 Toán: Chương Dương, Vân Đồn, Hàm Tử và Tây Kết. Tôi được giao nhiệm vụ Toán trưởng

Toán Vân Đồn [trong Toán có anh Trương Trọng Trác sau này lên tới chức Ủy Viên Ngành Thiếu của Hướng Đạo Việt Nam và khi ra hải ngoại, anh là người chủ trương tờ báo Ngày Nay với bút hiệu Trọng Kim ở Houston,

Texas cho đến khi anh qua đời 2009].

“Mùa hè năm 1970, tại một trại của Tráng Đoàn Bạch Đằng tổ chức tại Thủ Đức, tôi được trao cho cây gậy mà ở đầu có 2 gạc của Tráng Sinh Lên Đường, cũng là đẳng cấp mà một Hướng Đạo Sinh mơ ước đạt được. Từ

nay, trong giao dịch sinh hoạt Hướng Đạo tôi có thể ky tên: Én nhanh nhẹn

RS – RS là chữ viết tắt của Rover Scout / Anh hay Routier Scout / Pháp, cũng có nghĩa là Giúp ích / Rendre Service đúng với châm ngôn của ngành Tráng.

Hai chữ Hướng Đạo đối với tôi bao giờ cũng thiêng liêng, nó gợi cho tôi bao tình cảm thắm thiết, bao kỷ niệm khó phai mờ và bao nhiêu anh em đồng đội đã không chỉ chia xẻ với nhau trò chơi Hướng Đạo mà còn ở trong sự nghiệp ở ngoài đời”.

Đến nay cũng đã trên 65 năm trôi qua, Nhật Tiến vẫn thuộc hát bài ca Đoàn, vẫn sống theo tinh thần Hướng Đạo với châm ngôn “Sắp Sẵn” và “Giúp Ích” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo tôi, tinh thần Hướng Đạo ấy đã có ảnh hưởng sâu xa tới nghề giáo và trên nghiệp văn của Nhật Tiến trong suốt những năm về sau này. Hãy nghe chính Nhật Tiến kể lại:

“Những người áo trắng” được sáng tác vào khoảng năm 1955 khi tôi đang dậy học ở Bến Tre. Đấy là những kỷ niệm của thời hướng đạo sinh ở Hà Nội, chúng tôi thường đi làm các công tác từ thiện, như mùa đông thì đẩy xe bò qua các đường phố để quyên góp quần áo của bà con đem giúp những người nghèo. Hoặc chúng tôi tình nguyện ra đứng ở bờ Hồ Gươm bán tác phẩm của kịch tác gia Văn Thuật để gây quỹ giúp đồng bào bão bị lũ lụt thời đó. Chúng tôi cũng thường hay tới sinh hoạt tại trại mồ côi trên đường Hàng Đẫy; trong thời gian này hình ảnh những trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và những cô gái lớn tuổi hơn trông đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và tôi đã dùng những hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết tác phẩm đầu tay“Những người áo trắng”.

Như vậy, có thể nói một cách khá đoan chắc, nếu Nhật Tiến không có những năm sinh hoạt Hướng Đạo, sẽ không có Những Người Áo Trắng và rồi những tác phẩm khác như Thềm Hoang sau này.

Thuở mơ làm văn sĩ

Nhật Tiến cầm bút rất sớm, từ thuở học sinh đã mơ làm văn sĩ, lập bút nhóm có tên là “Gieo Sống”, có truyện ngắn đầu tay “Chiếc nhẫn mặt ngọc” được đăng trên báo Giang Sơn, năm ấy Nhật Tiến mới 15 tuổi.

Di cư vào Nam năm 1954; ban đầu sống ở Đà Lạt, Nhật Tiến viết kịch truyền thanh cho Đài tiếng nói Ngự Lâm Quân [thời còn Hoàng Triều Cương Thổ]. Ít lâu sau đó, gia đình Nhật Tiến dọn về Sài Gòn. Không tốt nghiệp trường sư phạm nào nhưng năm 21 tuổi anh đã bắt đầu đi dạy học môn Lý Hoá tại các trường trung học tư thục, ban đầu ở các tỉnh Miền Tây như Bến Tre, Mỹ Tho ba năm sau đó mới về sống hẳn ở Sài Gòn. Truyện dài đầu tay Những Người Áo Trắng được khởi viết và hoàn tất khi Nhật Tiến đang còn là một thầy giáo tỉnh lẻ.

Nghề giáo như nguồn sinh kế của gia đình nhưng có lẽ nghiệp văn mới là giấc mộng lớn của Nhật Tiến. Anh liên tục viết rất khoẻ từ truyện ngắn, truỵện dài và cả một tiểu thuyết kịch đăng trên các tạp chí: Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương, Bách Khoa, Văn, Văn Học; chủ trương nhà xuất bản Huyền Trân từ năm 1959, chủ bút tuần báo Thiếu Nhi do nhà sách Khai Trí xuất bản từ 1971 tới 1975; năm 1979 trong một chuyến vượt biển thừa sống thiếu chết Nhật Tiến qua được Thái Lan rồi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980.

 Từ phải: Nhật Tiến, Ngô Thế Vinh. Photo by Đào Nhật Tiến, Dallas


Từ phải: Nhật Tiến, Ngô Thế Vinh. Photo by Đào Nhật Tiến, Dallas

Tới Mỹ, không còn sống bằng nghề dạy học, Nhật Tiến đi học về máy điện toán/ hardware và sau đó làm cho một hãng Nhật đủ 15 năm trước khi nghỉ hưu. Tại hải ngoại, Nhật Tiến tiếp tục viết và xuất bản sách, sinh hoạt Hướng Đạo, hoạt động cứu trợ thuyền nhân. Hiện cư ngụ ở Nam California.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Xuất bản trong nước trước 1975: Những Người Áo Trắng (truyện dài,

Huyền Trân 1959), Những Vì Sao Lạc (truyện dài, Phượng Giang 1960),

Thềm Hoang (truyện dài, Đời Nay 1961), Người Kéo Màn (tiểu thuyết kịch, Huyền Trân 1962), Mây Hoàng Hôn (truyện dài, Phượng Giang 1962), Ánh Sáng Công Viên (tập truyện, Ngày Nay 1963), Chuyện Bé Phượng (truyện

dài, Huyền Trân 1964), Vách Đá Cheo Leo (truyện dài, Đông Phương 1965), Chim Hót Trong Lồng (bút k., Huyền Trân 1966), Giọt Lệ Đen (tập truyện, Huyền Trân 1968), Tay Ngọc (bút k., Huyền Trân 1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (truyện dài, Huyền Trân 1969) Quê Nhà Yêu Dấu (Huyền Trân 1970), Theo Gió Ngàn Bay (Huyền Trân 1970), Tặng phẩm của dòng sông (tập truyện, Huyền Trân 1972), Thuở mơ làn văn sĩ (Huyền Trân 1974)…và một

số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên Mã…

- Xuất bản ở hải ngoại sau 1975: Tiếng kèn (1981), Hải tặc trong vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981), Một thời

đang qua (1985), Mồ hôi của đá (1988), Cánh cửa (1990), Quê nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, ấn hành ở trong nước, 1994), Thân Phận Dư Thừa (2002), bản dịch cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn, Hành Trình Chữ Nghĩa (2012) – Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2012) – Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012) – Một Thời… Như Thế (2012)

Với hơn 20 tác phẩm đã xuất bản, với nhiều thể loại, các tác phẩm chính của Nhật Tiến đều có liên hệ tới tuổi thơ. Nhật Tiến được mệnh danh là nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của khuynh hướng xã hội. Võ Phiến trong

bài viết về Nhật Tiến trong bộ Văn Học Miền Nam đã đưa ra nhận xét: “Lúc bấy giờ ai cũng biết ở Miền Nam có nhiều tác giả tên tuổi viết về giới trẻ thơ. Mỗi vị một vẻ. Trẻ em trong truyện Duyên Anh thường là những trẻ đáo

để. Đám trẻ của Lê Tất Điều hầu hết đều có nét tinh nghịch. Trong Nhật Tiến là trẻ bất hạnh”. [VHMN, truyện 2, tr.1270, Nxb Văn Nghệ 1999]

Quan niệm sáng tác

Năm 1961, Nhật Tiến đã thành danh với ba tác phẩm xuất bản: Những Người Áo Trắng 1959, Những Vì Sao Lạc 1960, Thềm Hoang 1961, Nhật Tiến trả lời cuộc Phỏng vấn Văn Nghệ của báo Bách Khoa do nhà văn Nguiễn Ngu Í thực hiện.

_ Sáng tác để làm gì, cho mình hay cho thiên hạ?

_ Theo y tôi, giữa cá nhân người viết và xã hội đã có sự liên quan mật thiết. Từ lúc có y định xây dựng tác phẩm đến lúc hoàn thành, người viết đã băn khoăn biết bao lần trước các hoàn cảnh. Mỗi ngày một ít, mỗi chỗ một cảm hứng riêng biệt, mặc nhiên sự vật chung quanh đã đóng góp cho nhà văn một phần cảm hứng. Như thế khi một tác phẩm hoàn thành, không ít thì nhiều cũng mang lại lợi ích cho cả đôi bên: người viết được phần thưởng tinh thần (vật chất đối với nhà văn ta bây giờ quá ít, không đáng kể), còn xã hội được thêm một phần đóng góp trên phương diện văn hoá.

_ Sáng tác theo đường lối nhất định nào hay là tuỳ cảm hứng?

Nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến ngồi viết cáo trạng thảm cảnh biển Đông trong trại tị nạn Songkhla, Thailand 1980
Có lẽ “đường lối” ở đây là “phương pháp làm việc”. Nếu hiểu theo nghĩa ấy thì tôi không theo được cả hai. Bởi vì nói phương pháp thì phải có hệ thống, có chương trình bó buộc, còn cảm hứng thì phải có nhiều thời gian vì hứng đến với mình từng lúc. Mà riêng tôi thì vì bận bịu với nghề nghiệp [nghề giáo, ghi chú của người viết], nên có khi mệt mỏi hàng tháng không viết thêm được một dòng. Nhưng gặp trường hợp rỗi rãi, có thời gian, tôi cắm cúi viết, bất kể có hứng hay không. Tuy vậy thông thường nếu có cảm hứng, lại thêm rỗi rãi thì sáng tác dễ dàng hơn.

_ Những gì đã xảy ra từ khi tác phẩm thai nghén đến khi hình thành?

Tôi bắt đầu bằng một nhân vật sống trong một hoàn cảnh nào đem lại cho tôi nhiều rung cảm nhất. Từ nhân vật ấy tôi viết chương thứ nhất. Rồi từ đấy, tuỳ theo sự kiện đã viết trong chương trước (sự kiện này đến với tôi trong lúc viết), tôi dựng chương sau. Thường thường là viết được 9, 10 chương tôi mới nghĩ đến “kết”. Lối viết này, theo tôi tạo được nhiều khách quan hơn là xây dựng sẵn một cốt truyện có sắp đặt từ đầu. Vì nếu định trước, tác phẩm sẽ bị gò bó, do đó mất đi nhiều y mới lạ.

_ Kinh nghiệm sống và sáng tác thích nhất?

Về hình thức thì khi viết, tôi cố gắng giữ cho mình cái y nghĩ là “đừng làm văn chương”, vì thật ra tả cảnh mà không sáo thì thật là khó. Để tránh cái khó đó, tôi chọn lối hành văn giản dị. Nhưng chọn là một chuyện, mà theo được hay không lại là một chuyện khác. Cái đó theo tôi nghĩ, thuộc về phê phán của người đọc. Còn nội dung tác phẩm thì thú thật tôi còn băn khoăn nhiều, chưa dám gọi là kinh nghiệm để nêu lên mặt báo. Còn về sáng tác của tôi, tôi thích nhất thì theo thiển y, các truyện của mình tuy đã in ra, chưa hẳn là ai cũng đọc đến, để nói ra là ai cũng biết ngay; cho nên xin miễn điều ấy cho tôi. Nhật Tiến [hết trích dẫn: Bách Khoa, Số 115, 15-10- 1961, tr. 103-104]

Với bài viết ngắn giới hạn khoảng 7 ngàn chữ, với hơn 20 tác phẩm thật khó mà giới thiệu Nhật Tiến một cách đầy đủ. Trong chỗ riêng tư, khi tôi hỏi Anh nếu phải chọn 3 tác phẩm để giới thiệu, Nhật Tiến nhắc tới 3 cuốn:

Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn. Đó cũng là chọn lựa của người viết để giới thiệu tính cách đa dạng của ngòi bút Nhật Tiến.

“Thềm Hoang” là những kiếp người trong Xóm Cỏ, một xóm lao động nghèo với bùn lầy nước đọng giữa lòng thành phố Sài Gòn. Ngay khúc dạo đầu của tác phẩm Thềm Hoang là bốn câu thơ bi ai:

Ai đưa tôi đến chốn này

Ban đêm thì tối ban ngày thì đen

Ôm đàn gẩy khúc huyên thuyên

Nghêu ngao mấy điệu cho quên tháng ngày

Bốn câu thơ ấy để giới thiệu nhân vật chính bác Tốn, nghệ sĩ mù kiếm sống bằng nghề hát dạo. Thằng Ích, mồ côi cha mà đã khôn lanh trước tuổi, nó là đôi mắt sáng của bác Tốn. Cô Huệ gái điếm đã hết thời xuân sắc nhưng

vẫn là nỗi mơ ước của bác Tốn qua trí tưởng tượng và sự mô tả của thằng Ích. Một U Tám goá bụa giữa chừng xuân, mê lời đường mật của một gã đàn ông, sau này trở thành Dượng Tám, hiện nguyên hình tên lưu manh sống bám vợ và cả bạo hành đối với vợ con. Lão Hói, rượu chè be bét, sống bằng bói bài tây và lúc nào cũng tin có ông trời. Tới ông Phó Ngữ goá vợ, chỉ có đứa con gái duy nhất, mong nó có được mô tấm chồng tử tế nhưng cũng chẳng xong. Rồi người lính Năm Trà phải đi đóng đồn xa, để lại vợ con cho mẹ già, người vợ trẻ đang tuổi thanh xuân không chịu được cảnh cô đơn, quyết định bỏ nhà ra đi; do không đủ tiền nuôi cháu, bà mẹ Năm Trà phải đem ba cháu nhỏ cho viện mồ côi, sau đó bà cụ phát điên… Những số phận ấy chung sống với nhau trong Xóm Cỏ tạo nên một khung cảnh xã hội nghèo khó vừa ảm đạm vừa bi thiết và không có lối thoát. Cảnh khổ là mẫu số chung của đám cư dân sống trong Xóm Cỏ. Hình ảnh bác Tốn người nghệ sĩ mù, và thằng Ích, cả hai gần như lúc nào cũng bàng bạc hiện diện trong suốt 300 trang sách.

Đỉnh cao của tấn bi kịch xã hội Thềm Hoang đánh dấu bằng sự trở về của người lính Năm Trà trong bộ quân phục bạc thếch nhếch nhác, gặp lại mẹ già thì nay đã bị mất trí không nhận ra con mình. Trước thảm kịch gia đình

tan nát đó, Năm Trà cũng nổi điên trả thù đốt nhà đốt xóm. Cả Xóm Cỏ tan hoang trong lửa đỏ hoà lẫn với những tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi một trận mưa lớn đổ ập xuống đống tro than như muốn rửa sạch những rác rưởi của những thềm hoang trong Xóm Cỏ. Khép lại trang sách cuối, người đọc tự hỏi liệu có một ngày mai nào tươi sáng hơn cho những Xóm Cỏ tương lai? Với nội dung ấy, với bút pháp điêu luyện của Nhật Tiến, Thềm Hoang đã được trao giải Giải Văn Chương Toàn Quốc 1961-1962.

“Người Kéo Màn” nhiều người cho rằng sở trường của Nhật Tiến là viết truyện ngắn truyện dài về những đề tài xã hội, về trẻ thơ bất hạnh. Thực sự Nhật Tiến cũng đã viết nhiều vở kịch truyền thanh, cả kịch được trình diễn trên sân khấu như “năm 1960, khi có trận bão lụt nặng nề ở Miền Tây, Tráng đoàn Bạch Đằng và Toán Nữ Tráng Thanh Quan đã tham gia công cuộc cứu trợ bằng một Đại hội Văn nghệ ở Rạp Thống Nhất, Sài Gòn. Trong Đại hội này, tôi đã sáng tác một vở kịch ba màn có tên là Cơn Giông mà diễn viên chỉ gồm toàn Tráng sinh Bạch Đằng hay Thanh Quan, một trong những diễn viên của vở kịch ấy là luật sư Trần Sơn Hà, anh hiện đang sống ở Quận Cam “. [Một Đời Hướng Đạo, Nhật Tiến].

Người Kéo Màn được Nhật Tiến gọi là “tiểu thuyết kịch”, là tác phẩm thứ tư của Nhật Tiến, đó là một quan niệm rất mới đối với “kịch” theo cái nghĩa cổ điển. Do đó cũng đã gây ra nhiều phản ứng và tranh luận. GS Nguyễn Văn Trung trong Lược Khảo Văn Học, tập II đã không tán thành tiểu thuyết kịch của Nhật Tiến, và cho rằng “tiểu thuyết kịch chỉ đưa đến sự lẫn lộn bộ môn, đồng thời xoá bỏ khả năng đặc biệt của bộ môn bị sát nhập”. Kịch tác gia Vi Huyền Đắc cũng không đồng . gọi Người Kéo Màn là kịch. Nhưng với Nhật Tiến, sau hơn nửa thế kỷ, anh vẫn cứ tâm đắc với tác phẩm Người Kéo Màn. Nhật Tiến đã khá mạo hiểm vận dụng và kết hợp cả ba kỹ thuật của tiểu thuyết, của kịch, của điện ảnh để viết Người Kéo Màn. Thay vì các nhân vật chỉ diễn xuất trên sân khấu, họ còn có vai trò trải rộng ngoài đời.

Nội dung Người Kéo Màn nói lên mối tương quan giữa các thành viên của ban kịch gồm đạo diễn, lão kéo màn, chàng nhạc công thổi kèn clarinette, nữ diễn viên cho đến đứa bé, nhà mạnh thường quân với nhân vật “tác giả” của

vở kịch, mọi sự diễn ra trong những giả dối, mua chuộc, mưu toàn lừa gạt nhau, mâu thuẫn, đầy ngộ nhận bi thảm ngay trong chính cuộc sống của họ, họ đây là giới hoạt động nghệ thuật. Mỗi nhân vật đều có vai trò không chỉ trên sân khấu, mà cả sau hậu trường nơi phòng hoá trang và ngoài cảnh đời thật của họ với đủ mọi hỉ nộ ái ố không thiếu sự lừa gạt đến nhơ nhuốc. Nhật Tiến, đang từ ngòi bút đôn hậu rào rạt tình thương của Những Người Áo Trắng, Thềm Hoang, bước sang tiểu thuyết kịch Người Kéo Màn là một Nhật Tiến hoàn toàn khác, của hoài nghi bi quan tới mức tàn nhẫn.

“Giấc ngủ chập chờn” được sáng tác vào giữa thập niên 1960s, lúc bấy giờ cuộc chiến ở Việt Nam do Hà Nột phát động đã bắt đầu lan ra các tỉnh Miền Nam. Nhật Tiến viết về ấp Vĩnh Hựu, hoàn cảnh của một vùng xôi đậu tức là vùng tranh tối tranh sáng. Ban ngày thì do quốc gia kiểm soát, nhưng ban đêm thì do bên kia, dân chúng sống trong vùng đó gia đình bị phân tán, có anh em thì theo bên này, có anh em thì theo bên kia, và họ chết vì cuộc chiến tương tàn. Họ sống dở chết dở giữa hai làn đạn với oán thù chồng chất vây bủa giăng mắc họ ngày đêm. Đám thanh niên và cả con nít ở cái làng đó vốn thân thiết với nhau nhưng đến lúc cuộc chiến tràn về thì hàng xóm giết nhau, anh em cũng giết nhau, gây ra bao thảm cảnh khổ đau. Nhưng người dân quê ấp Vĩnh Hựu thì vẫn cứ gắn bó với mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình và không bao giờ muốn xa rời. Các cụ già thường nói với tụi con cháu: “Tụi bây muốn giết nhau ở đâu thì giết, nhưng cấm bắn nhau ở trong các ngõ ngách này. Chẳng dây mơ cũng rễ má, ít nhiều gì thì tụi bây cũng có liên hệ gia đình, ruột thịt hay quê hương. Giết nhau trên phần đất ông cha là nhục nhã”. [Giấc ngủ chập chờn, tr.63, Nxb Huyền Trân 1969].

Cuốn sách nói lên một sự thực là không có phong trào quần chúng bất mãn chế độ mà nổi dậy trong cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Với cái nội dung tố cáo như vậy, Hà Nội đã đánh giá cuốn sách đó là cực kỳ phản động.

Giải văn chương toàn quốc

Giải thưởng Văn Chương Toàn quốc được đặt ra từ 1957. Theo Tạp chí Văn Hữu số 21 do Văn Hoá Vụ ấn hành 1962, tác giả Hàn Phong đã viết về “Lược sử Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc” thời Đệ Nhất Cộng Hoà 1954- 1963:

Giải thưởng Văn Chương Toàn quốc với đặc tính không đòi hỏi một điều kiện nào về nội dung hay hình thức của các tác phẩm dự thi hay những tác phẩm được xem xét đến. Các tác phẩm phải được xuất bản trong niên khoá.

Theo nguyên tắc, giải thưởng được tổ chức hàng năm nhưng do số tác phẩm xuất bản chưa nhiều nên giải thưởng đã được tổ chức hai năm một lần:

_ Lần thứ nhất 1955-57: Hội đồng Giám Khảo đã đọc 206 tác phẩm xuất bản từ 1954 đến cuối năm 1956, do tác giả hay nhà xuất bản gửi tới dự thi, gồm đủ các loại khảo luận, tiểu thuyết, thi ca và kịch.

Hội đồng Giám khảo gồm có học giả, giáo sư, thi sĩ, tiểu thuyết gia, kịch sĩ như: Gs Nghiêm Toản, Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Khắc Kham, Lm Nguyễn Văn Thích, Trương Công Cừu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bà Tùng Long, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Trần Tuấn Khải, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan. Chủ tịch Hội đồng là học giả Đoàn Quan Tấn. Lễ tặng giải thưởng đã được tổ chức ngày 25-8-1958 tại Dinh Độc Lập do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà trao tặng.

Khảo luận: “Văn Chương Bình Dân” của Lm Thanh Lãng, “Xây Dựng Nhân Vị” của Bùi Tuân, “Người Xưa” của Trần Đình Khải.

Tiểu Thuyết: “Tìm về Sinh Lộ” của Kỳ Văn Nguyên, “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử” của Nguyễn Kiên Trung [tức Nguyễn Mạnh Côn, ghi chú của người viết], “Nếp Nhà” của Bửu Kế.

Thơ: “Anh Hoa” của Phạm Mạnh Viện, “Long Giang Thi Tập” của Trần Hữu Thanh, “Nam Trung Thi Tập” của Nguyễn Văn Bình, “Kiếp Hồng Nhan” của Quang Hân.

Kịch: “Bão Thời Đại” của Trần Lê Nguyễn, “Ái Tình Bôn-Sê-Vích” của Thạch Bích, “Hai Màu Áo” của Minh Đăng Khánh.

_ Lần thứ hai 1958-59: Giải thưởng Văn Chương Toàn quốc lần hai có sự đổi mới, lần này tác giả không phải gửi tác phẩm tới dự thi nữa mà do Hội đồng chọn lựa trong toàn bộ ấn loát phẩm xuất bản từ năm 1958 đến cuối năm 1959. Vì không quan niệm là một cuộc dự thi, các nhân viên Hội đồng tìm đọc tất cả các tác phẩm. Và nay Hội Đồng đổi tên thành Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1958-59 [thay vì danh xưng Hội Đồng Giám Khảo, ghi chú của người viết].

Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1958-59 bao gồm nhiều văn nhân nghệ sĩ, giáo sư như Hà Như Chi, Hà Thượng Nhân, Đái Đức Tuấn, Trần Hữu Thanh, Đỗ Đức Thu, Đông Hồ, Vi Huyền Đắc. Chủ tịch Hội Đồng là Gs Trương Công Cừu, Khoa Trưởng Đại học Văn khoa.

Trong suốt 5 tháng Hội Đồng đã đọc 54 cuốn khảo luận, 34 cuốn tiểu thuyết, 50 tập thơ và 3 vở kịch. Và đã trao tặng 7 giải thưởng. Lễ trao giải được tổ chức tại Phòng Triển lãm Đô Thành do Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, đại Diện Tổng Thống chủ toạ.

Khảo Luận: “Dịch Kinh Tần Khảo” của Nguyễn Mạnh Bảo, “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” của Hoàng Trọng Miên.

Tiểu Thuyết: “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc, “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan, “Đời Phi Công” của Toàn Phong [Nguyễn Xuân Vinh, ghi chú của người viết], “Mưa Đêm Cuối Năm” của Võ Phiến.

Thơ: “Tập Hoa Đăng” của Vũ Hoàng Chương Riêng bộ môn Kịch không có giải thưởng.

_ Lần thứ ba 1960-61: Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc lại thay đổi phương hướng và với danh hiệu mới “Hội Đồng Tuyển Trạch Giải Thưởng Văn Chương 1960-1961” do nhà biên khảo Thu Giang Nguyễn Duy

Cần làm chủ tịch gồm ba tiểu ban. Tiểu ban Khảo luận gồm: Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Trung. Tiểu ban Thơ: gồm Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Thanh Tâm Tuyền. Tiểu ban tiểu thuyết và kịch:

Vi huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Đỗ Đức Thu, Bình Nguyên Lộc.

Hội Đồng đã họp 3 lần, cứu xét 112 tác phẩm gồm 37 cuốn biên khảo, 34 cuốn tiểu thuyết, 39 tập thơ và 3 vở kịch, kết quả như sau:

Biên khảo: Giải duy nhất “Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ Tiểu Thuyết: “Thềm Hoang” của Nhật Tiến, “Gìn Vàng Giữ Ngọc” của Doãn Quốc Sỹ, “Tàu Ngựa Cũ” của Linh Bảo.

Thi ca: “Đường Vào Tình Sử” của Đinh Hùng, “Hy Vọng” của Hoàng Bảo Việt, “Tổ Ấm” của Anh Tuyến, “40 Bài Thơ” của Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ.

Riêng bộ môn Kịch không có giải thưởng.

[hết lược dẫn VH21, tr. 76-81]

Tưởng cũng nên ghi lại ở đây là luôn luôn có sự cải tiến về tổ chức sau mỗi kỳ Giải Thưởng Văn Chương. Nhưng có một nguyên tắc không thay đổi là không đòi hỏi một điều kiện nào về nội dung hay hình thức của các tác phẩm. Theo tường thuật của nhà văn Nguiễn Ngu Í, Bách Khoa CXXXVIII

- 113, chủ tịch Hội đồng Giải Văn chương Toàn quốc lần thứ ba, Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nêu lên tiêu chuẩn lựa chọn của Hội đồng, thâu tóm

trong hai chữ Văn chương có nghĩa là . hay lời đẹp và theo ông: “Tác phẩm được chọn sẽ là phản ánh của một nền văn hoá tự do, nghĩa là không bị bó buộc trong khuôn khổ của một hệ thống tư tưởng nào, hay phải theo một khuynh hướng văn nghệ hay chính trị nào cả”.

Sau khi phát giải, ông Lê Ngọc Trụ, đại diện cho các nhà văn trúng giải, lên phát biểu . kiến. Ông cho rằng sự lựa chọn ngày phát giải đúng vào ngày Chủ nhật Nguyễn Du thật là đầy . nghĩa, và gợi cho ông và các bạn văn trúng giải tinh thần trách nhiệm thiêng liêng, ấy là thiên chức của nhà văn đối với tiếng Việt và nguyện vọng của nhà văn đối với tiền đồ văn hóa Tổ quốc. [Nguiễn Ngu Í, Bách Khoa CXXXVIII - 113]

Đây là Giải Văn chương Toàn quốc lần thứ ba và cũng là giải văn chương cuối cùng của nền Đệ nhất Cộng Hoà. Do những biến động chính trị, Giải Văn Chương của Đệ Nhị Cộng Hoà 1963-75 chỉ được phục hoạt kể từ 1966.

Cũng nên ghi nhận thêm ở đây, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi năm của nền Đệ Nhất Cộng Hoà, giới làm văn hoá đã xây dựng được nền móng vững chắc ban đầu trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật của Miền Nam. Các nhà văn nhà thơ được trao giải sau này đều là những tên tuổi lớn của 20 năm Văn Học Miền Nam như: các thi sĩ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Nhật Tiến, Linh Bảo…

Nhật Tiến và văn hào Nhất Linh

Cuối năm 1955, qua Trương Cam Vĩnh là em nhà văn Trương Bảo Sơn, Nhất Linh nhận được bản thảo Những Người Áo Trắng cũng là tác phẩm đầu tay của Nhật Tiến. Nhất Linh nhận ra văn tài của Nhật Tiến nên đã chọn và

đưa ngay Những Người Áo Trắng cho nhà Phượng Giang xuất bản. Nhất Linh giới thiệu Nhật Tiến vào Văn Bút mà lúc đó Nhất Linh đang là Chủ tịch, và đồng thời cũng mời Nhật Tiến viết cho tạp chí Văn Hoá Ngày Nay.

Mối giao tình giữa văn hào Nhất Linh và Nhật Tiến từ 1955 tới 1963 phải nói là sâu đậm.

Năm 1963, tình hình chính trị Miền Nam cực kỳ biến động nơi các thành phố với những cuộc biểu tình tự thiêu, giữa lúc khói lửa ngập trời do cuộc chiến tranh phát động từ Miền Bắc Bắc đã lan rộng ra khắp cá tỉnh Miền Nam. Cái chết của Nguyễn Tường Tam nhà hoạt động chính trị và Nhất Linh nhà văn là một nét của thảm kịch giai đoạn đó. Đó là một phần của lịch sử. Cái chết của nhà văn Nhất Linh thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn là một xúc động lớn cho giới trẻ Miền Nam lúc đó. Người viết muốn ghi lại ở đây một chút riêng tư liên quan tới bản Di Chúc của Nhất Linh.

Có lẽ Nhất Linh đã chuẩn bị chu đáo cái chết của mình từ mấy tuần lễ trước. Bị theo dõi, nghĩ rằng bản di chúc của ông có thể bị tước đoạt, thời điểm năm 1963 chưa có máy photocopy, scanner, internet phổ biến như bây giờ. Nhất Linh đã viết thêm một bản di chúc thứ hai giao cho nhóm sinh viên. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba Y khoa. Vào những ngày đầu của tháng Bảy, 1963 Nguyễn Tường Quý chở anh là Nguyễn Tường Vũ [con của ông Nguyễn Tường Thuỵ, người anh cả của mấy Anh Em gia đình Nguyễn Tường] xuống Đại học xá Minh Mạng tìm tôi. Quý chờ xe ở ngoài, chỉ có Nguyễn Tường Vũ vào gặp. Không nói gì nhiều, Vũ trao tay cho tôi một phong thư mỏng, cho biết đó là một trong hai bản di chúc viết tay của Nhất Linh: “Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại”. Khi Nguyễn Tường Vũ ra về, tôi đã lặng lẽ cất bản di chúc thứ hai ấy – như một chứng từ lịch sử, trong tủ sách giữa những trang bộ Từ điển Đào Duy Anh bìa cứng dầy cộm do Nxb Minh Tân, Paris xuất bản.

Bản Chúc thư ngắn, cô đọng chỉ với 71 chữ:

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự huỷ mình cũng như Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi tự do.”

Nhất Linh tuẫn tiết vào ngày 7 tháng 7 năm 1963. Chỉ một ngày sau bản tin của UPI/ United Press International do Neil Sheehan gửi đi sáng ngày 8 tháng 7, 1963 đã phổ biến rộng rãi trên báo chí thế giới:

South Viet Nam Eminent Writer Commits Suicide” by Neil Sheehan, “South Viet Nam’s most eminent writer committed suicide today as a political protest on the eve of his trial for alledged complicity in the abortive 1960 coup against President Ngo Dinh Diem. Nguyen Tuong Tam [mispelled Pam by Sheehan] 58, who wrote under the pen name of Nhat Linh, left an eloquent testament protesting against Diem’s rule. The former nationalist leader died in a hospital after taking poison. The suicise of Tam, considered Viet Nam’s greatest writer of the 20th century, came at a time of growing political and religious unrest under Diem’s regime. His death was expected to stir further political repercussions, particularly among the country’s intellectuals… The text of Tam’s short testament said: “History alone will judge my life. I will allow no man to try me. The arrest and trial of all the nationalist opponents of the regime is a crime which will force the nation into the hands of the communists.” UPI 7/8/1963 Bản Di chúc của Nhất Linh (trái), bản tin UPI (giữa), Nguyễn Tường Vũ (phải) thập niên 1960 [nguồn: Nguyễn Tường Quy, Nguyễn Tường Thiết]

Và như vậy là bản chúc thư thứ nhất của Nhất Linh đã tới tay báo giới ngoại quốc. Bản tôi hiện giữ không còn tầm quan trọng một-mất-một-còn như lúc Vũ trao cho tôi trước đó. Sau này, qua Ls Nguyễn Tường Bá, tôi được biết bản chúc đã được nhà báo Như Phong chuyển tay cho hãng thông tấn UPI.

Đám tang Nhất Linh diễn ra ngày 13 tháng 7, 1963. Thành phần đưa đám ông đa số là học sinh sinh viên. Nỗi xúc động của họ đa phần hướng về cái chết của một nhà văn, trong khi các đồng chí của ông thì muốn dán nhãn cho cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam như một “tuẫn tiết chính trị”.

Bấy lâu, từ những thập niên 1930, Nhất Linh đã là một khuôn mặt của quần chúng / public figure về cả hai phương diện văn học và chính trị. Phần nào văn học hay chánh trị đậm nét hơn là do tâm cảnh của từng người. Tôi vẫn thấy đậm nét văn học của đám tang Nhất Linh ngày hôm đó. Bức hình chụp chân dung Nhất Linh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, câu đối viếng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với toàn tên tác phẩm của Nhất Linh:

Chân dung Nhất Linh by Nguyễn Gia Trí “Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu” Cái chết của mỗi nhà văn tự thân bao giờ cũng là một bi kịch nếu không muốn nói là một thảm kịch. Theo một nghĩa nào đó, mỗi nhà văn đã chết từng phần trên mỗi tác phẩm của họ. Hãy trân trọng những cái chết đó, xem đó như một mẫu số chung hàn gắn thay vì phân hoá. Chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, nhà văn thì vẫn cứ trường tồn với tác phẩm của họ.

Điếu văn của nhà văn trẻ Nhật Tiến lúc đó mới 27 tuổi, giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, Nhật Tiến đã can đảm phát biểu với tính cách một nhà văn độc lập cho dù lúc đó Anh đang là phó Chủ tịch Văn Bút. Nhật Tiến đã ràn rụa nước mắt với hết tâm can nói tới cái chết của nhà văn Nhất Linh:

“Văn hào đã hình thành sứ mạng cao quy của người cầm bút. Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính.”

Ít ngày sau đám tang Nhất Linh khi gặp lại, tôi trả Nguyễn Tường Vũ và Tường Qu. bản di chúc thứ hai ấy. Nguyễn Tường Vũ rất nghệ sĩ, cũng là người trình bày cho tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, anh đã mất ngày 19 tháng 5, 1991 khi anh đang làm công tác thiện nguyện thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc lo việc cứu trợ thuyền nhân ở Palawan, Phi Luật Tân.

Nguyễn Tường Qu. thì nay vẫn còn nhớ khi đưa Vũ xuống Đại học xá gặp tôi để Vũ đã giao cho tôi giữ một bản di chúc của “Bác Tam” ngày hôm đó.

Từ Sài Gòn tới đảo quỷ Ko Kra

Kẹt lại sau năm 1975, trường ốc chưa mở, nhà in Huyền Trân phải ngưng hoạt động rồi lại phải gác bút, cả gia đình Nhật Tiến ra đường bán quán để kiếm sống.

Mai Thảo và Duyên Anh ít ngày sau 30 tháng tư 1975 đã tới ngồi ăn ở quán vỉa hè này, bên cạnh đấy là một quán khác của Loan Mắt Nhung Nguyễn Thuỵ Long, cũng trên đường Duy Tân. Mai Thảo viết:

“Cái cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó, về hai cái quán liền sát cùng trước một vỉ tường thấp chạy dài, là cái cảnh tượng của một đối nghịch hoàn toàn. Mang chung sự thất thủ của văn nghệ gác bút ra đường bán quán trước hoàn cảnh mới, cái quán của Nguyễn Thụy Long với những xị đế ngổn ngang trên mặt bàn và mấy người khách hàng trẻ tuổi cùng ngất ngưởng như Long, hiện rõ vẻ bụi đời anh chị. Cái quán của Nhật Tiến khác hẳn. Nó lành mạnh hơn và cũng gia đình hơn gấp bội, với những đĩa rau muống chẻ nhỏ đặt ngay ngắn, bên cạnh là một chảo mỡ sôi bốc khói xanh um, chị Nhật Tiến má hồng cái củi lửa chiên những cái bánh tôm vàng ngậy và đứa cháu lớn, nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc, đang phụ một tay với ông bố nhà văn. Nhớ hôm đó, chúng tôi đã ăn ủng hộ Thềm Hoang Quán mỗi người một đĩa bánh tôm, rất ngon, và tôi đã hỏi đùa Nhật Tiến: Rửa bát thạo ngay, giỏi nhỉ? Và Nhật Tiến đã cười, nụ cười bình thường chừng mực, nụ cười hơi già trước tuổi một chút của một nhà giáo. Nhật Tiến bao giờ cũng trước hết xác nhận mình là một nhà giáo: Giỏi quỷ gì. Việc phải làm thì phải làm. Để cho ai đây.” [Nhật Tiến Vẫn Đứng ở Ngoài Nắng, Tạp chí Văn California số 6, tháng 12/1982].

Nhật Tiến nhà văn cũng phải đi dự một khoá học tập chính trị một tháng cùng với nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam khác như Hoài Bắc, Thái Thanh, Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Thuỵ Long… Là thầy dạy lý hoá không phải môn văn, sau này Nhật Tiến được đi dạy học trở lại nơi ngôi trường tư thục cũ. Nhưng rồi không thể tiếp tục sống làm nhà giáo của Một Thời Nhếch Nhác, tháng 11 năm 1979 Nhật Tiến đã quyết định vượt biển ra đi, cùng chuyến đi có thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, nguyên Giám đốc Nxb Lá Bối [và tiếp tục trên đất Mỹ điều hành Nxb Văn Nghệ những năm về sau này].

Đó là một chuyến đi của những thảm kịch khi họ gặp hải tặc Thái Lan. Họ đã sống những tuần lễ địa ngục trên đảo Ko Kra với đói khát, bạo hành. Rồi họ cũng sống sót được cứu đưa về trại tỵ nạn Songkhla, tại đây nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến là một trong những nhân chứng sống của vụ kiện hải tặc trên Vịnh Thái Lan, Anh đã cùng hai nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ viết và gửi ngay ra ngoài những bản cáo trạng về thảm cảnh trên Biển Đông, đã làm rúng động lương tâm của thế giới và cũng là bước đầu hình thành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển hoạt động nhiều năm về sau này.

Nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến ngồi viết cáo trạng thảm cảnh Biển Đông trong trại tỵ nạn Songkhla, Thái Lan 1980

Nhật Tiến Én nhanh nhẹn R.S. 80 tuổi

Còn một tuần lễ nữa 24-08-2015 là sinh nhật thứ 80 của Nhật Tiến. Sinh nhật thứ 80 ở Mỹ, cũng là tuổi Nhật Tiến phải thi lại bằng lái xe. Chuẩn bị cho ngày ấy, Anh đã tới bác sĩ nhãn khoa để được điểu trị laser võng mạc mắt trái, trước đó Anh cũng đã qua hai cuộc mổ cườm mắt/ cataract, nay với kính progressive cận/ lão Anh vẫn đạt mức thị lực 20/20, Anh cũng đang chuẩn bị ráo riết thi lại phần viết của Nha Lộ Vận / DMV để đổi bằng lái xe mới. Ở tuổi nào thì Anh cũng vẫn sốt sắng gắn bó với đời sống theo đúng tinh thần Hướng Đạo. Ngay cả ở tuổi 80 mà vẫn còn chăm chỉ học bài để vác bút đi thi! Tôi nghĩ Anh cũng sẽ dễ dàng bước qua kỳ thi này.

Bài viết vội với hơn 7 ngàn chữ gửi tới Anh, phải kể là quá ngắn so với cuộc đời rất phong phú và đa dạng của Anh: một nhà văn, một nhà giáo, và một đời hướng đạo. Nhật Tiến rất trực tính và can đảm. Không phải ai cũng chia xẻ và đồng tình với cách hành xử của Anh. Và không ít lần Anh đã phải trả giá cho những ngộ nhận và cả vùi dập cho những điều Anh phát biểu.

Nhưng có điều chắc chắn đó là tiếng nói lương tâm của Nhật Tiến. Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng – chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến – Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường.

California 24-08-2015

© Ngô Thế Vinh

© Đàn Chim Việt

Lê Thương và hòn Vọng Phu

$
0
0

Nhạc sĩ Lê Thương, người nghệ sĩ tài danh với sáng tác bất hủ Hòn Vọng Phu, bản trường ca này như đã gắn liền vơí tên tuổi của ông . Sở sĩ chúng tôi chỉ đề cập riêng sáng tác này trong số nhiều bài hát của Lê Thương vì nó đã là một đóng góp rất lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam.

b80e9323-1b16-43d1-a8c6-86c9bf6205ec

Theo Phạm Anh Dũng (trong bài Tiểu sử nhạc sĩ Lê Thương) Lê Thương tên thật là Ngô đình Hộ, ( Phan Hoàng lại nói Lê đình Hộ) sinh năm 1914 tại Nam Ðịnh mất ngày 18-9-1996 tại Việt Nam trong cảnh nghèo nàn. Măc dù là một nghệ sĩ có hạng trong nền nhạc Việt nam nhưng ông lại hành nghề giáo sư sử địa tại một số trường tư thục ở Sài Gòn, ông là một trong những người đi tiên phong trong nền tân nhạc Việt Nam bắt đầu cuối thập niên 30. Lê Thương trước 1975 là giáo sư dạy về nhạc sử ở trường Quốc gia âm nhạc, kịch nghệ Sài Gòn, về sáng tác ông khai thác nhạc tây phương để đưa vào nhạc dân tộc hầu tạo sắc thái Việt Nam, nhạc của ông đều phản ảnh tâm hồn người Việt, bình dị, đơn giản nhưng du dương thanh thoát.

Lê Thương sáng tác rất nhiều, phổ nhạc vào thơ, nhưng bản nổi tiếng nhất và cũng là một trong những bản quan trọng nhất của nền nhạc Việt Nam là Trường ca bất hủ Hòn Vọng Phu, đây là bản nhạc kịch, dùng nhạc (chịu ảnh hưởng của Tây phương) để diễn tả một truyện cổ tích dân gian. Bài trường ca này gồm ba bản viết y như một Tam đoạn kịch ( trilogie), bài có ba phần, mỗi phần có thể tự đứng riêng ra thành một đoản kịch và cũng họp lại thành một trường kịch. Trên thực tế người ta cũng coi Hòn Vọng Phu là một một Tam đoạn kịch vì có khi người ta chỉ hát bản Hòn Vọng Phu Một, có khi riêng bài Ai Xuôi Vạn Lý, hoặc chỉ riêng bản Người Chinh Phu Về Hòn Vọng Phu là một sự tích được truyền tụng sâu rộng trong dân gian tại một số nước thuộc Ðông Nam Á châu như Nam Dương, Trung Hoa, Việt Nam. Hình ảnh người đàn bà chung thủy ôm con chờ chồng hóa đá đã được cụ thể hóa tại nhiều ngọn núi ở Ðông Nam Á như.

-Nam Dương, đảo Bornéo có núi Mont Kinabahu, cao 4,095 mét là Hòn vọng Phu nổi tiếng tại Ðông Nam Á.

-Tại Việt Nam có tại nhiều nơi như Lạng Sơn (nàng Tô Thị), Bình Ðịnh ( núi bà, Hà Tiên , Phú Yên ..

-Bên Trung Hoa, tại Cửu Long nằm trong phần đất Hồng Kông, nhượng địa của Trung Hoa cho Anh Quốc cũng có núi Vọng Phu, bà này đứng trên sư tử đầu sơn và cõng con trên lưng theo kiểu Trung Hoa chính công ( theo Phan Hoàng )

Sự tích cảm động của người đàn bà ôm con chờ chồng hoá đá đã gây xúc động và gợi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ nhạc tại nước ta từ xưa đến nay.

- Về âm nhạc, Lê Thương đã viết lên bản nhạc kịch lừng danh trong những năm 1946, 47 như đã nói ở trên.

-Về Cải lương có vở tuồng tâm lý xã hội Hòn Vọng Phu do Trung tâm Làng Văn xuất bản tháng 6 năm 2006.

-Về Thi ca Hán thì có hai bài Vọng Phu Thạch, một của Cao Bá Quát và một của cụ Nguyễn Du.

Theo Phạm Anh Dũng (trong Tiểu sử Lê Thương) và Vương Trùng Dương (trong Lê Thương mang tình cổ tích dệt ngàn cung thương), bản Hòn Vọng Phu Một chịu ảnh hưởng từ Chinh phụ Ngâm khúc của bà Ðoàn Thị Ðiểm diễn tả tâïm trạng đau thương bi thiết của một người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến, phải cam chịu nỗi cô đơn bóng chiếc. Trong bài “Phỏng vấn cuối cùng Hòn Vọng Phu – Lê thương” của Hoàng Phan thì nhạc sĩ tài danh này lại nói ông làm bản Hòn Vọng Phu I vào lúc ông đang sống bên bờ một con kinh tại Bến Tre năm 1946, Lê Thương ở Hà Nội di cư vào Nam từ 1942, chịu ảnh hưởng của không khí sôi sục kháng chiến chống Pháp hồi đó và đã diễn tả nó giống như không khí của Chinh Phụ Ngâm, ông nói .

“Tôi nhớ khi tôi viết Hòn Vọng Phu I là lúc tôi đang sống ở bên bờ con kinh đào Chạc Sậy nối liền sông Ðại ( một nhánh của sông Cửu Long) với sông Bến Tre , trong không khí sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa. Cái không khí giống như trong Chinh phụ Ngâm”

Thật vậy, dưới đây là những câu mở đầu hùng tráng.

“Lệnh vua hành quân chống kêu dồn,
Quan với quân lên đường
Ðoàn ngựa xe cuối cùng
Vừa ruổi theo lối sông
Phía cách quan sa trường
Quan với quân lên đường
Hàng cờ theo trống dồn”…

Lê Thương cho biết bản trường ca đã được sáng tác trong những ngày luân lạc tại Bến Tre những năm 1945, 46, 47… Nhạc sĩ tài danh đã nói về khuynh hướng sáng tác của ông như sau.

“Chúng tôi nghe nhạc Tây không phải bắt chước giống hệt ho, mà tìm cho mình một lối đi riêng, kết hợp âm nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống dân tộc.Nhờ dựa trên cơ sở đó tôi mới viết được những tác phẩm có tiếng vang sau này như Một Ngày Xanh và ba bản Hòn Vọng Phu…”

Thực vậy khi nghe Hòn Vọng Phu chúng ta thấy bản trường ca dạt dào tình cảm y như làm sống lại cả một thời chinh chiến chan hoà tình tự dân tộc, nó diễn tả tuyệt diệu cả một sự tích dân gian, một bi kịch đã được truyền tụng từ bao lâu nay trong lòng dân tộc. Ta có cảm tưởng như đây là một bản nhạc thuần tuý Việt Nam mặc dù được sáng tác theo kỹ thuật Tây phương.

Hòn Vọng Phu, Tô Thị Vọng Phu .. là một truyện dân gian truyền miệng. Trên thực tế truyện cổ tích Việt Nam được ghi chép lại cũng ít thôi như Truyện Cổ Nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc và gần đây Truyện Cổ Tích Nước Nam của Trần Lam Giang, ngoài ra chúng tôi còn thấy trong tập truyện ngắn nổi tiếng Legendes des terres sereines (Huyền thoại ở xứ thanh bình) của Giáo sư Phạm Duy Khiêm (1908-1974) viết bằng tiếng Pháp năm 1943. Trong tập đoản thiên này truyện Hòn Vọng Phu lấy tên “La Montagne de l’attente”. Xin kể sơ như sau.

“Xưa kia tại một làng miền thượng du có hai anh em mồ côi, một người anh hai mươi tuổi và một người em gái bẩy tuổi. Một hôm có ông thầy tướng số người Tầu đi ngang qua, người anh bèn hỏi ông chuyện tương lai của mình, ông thầy đáp.
“-Nếu ngày giờ sinh của cậu như thế … thì chắc chắn cậu sẽ phải lấy em cậu, không gì thay đổi định mệnh được”

Lời tiên tri ám ảnh ngày đêm khiến cậu ta muốn điên lên được rồi đưa tới quyết định tàn nhẫn. Một hôm hai anh em đi đốn củi trong rừng, thừa lúc cô bé quay lưng lại cậu ta lấy búa chém cô ấy rồi bỏ trốn… Thế là hết ám ảnh, người anh ghê sợ tội ác của mình, đổi tên về sinh sống tại Lạng Sơn. Nhiều năm trôi qua, chàng ta kết hôn với con gái một nhà buôn , người vợ sinh hạ một con trai, gia đình hạnh phúc.

Một hôm trời nắng, người chồng bước vào sân sau thấy vợ đang ngồi phơi tóc, chị ta quay lưng lại nên không thấy người chồng. Khi vợ chải tóc, anh để ý thấy một vết sẹo dài sau gáy bèn hỏi đầu đuôi, người vợ bèn kể lại: Chị chỉ là con nuôi ông nhà buôn, mười lăm năm trước mồ côi, nhà chỉ có hai anh em, một hôm vào rừng đốn củi bị người anh lấy búa chém rồi bỏ trốn, chị được bọn cướp tới cứu, sau chúng bị bỏ chạy vì bị đuổi bắt. Một ông nhà buôn có con gái mới chết bèn đem chị về nuôi. Nghe xong người chồng bèn xác nhận lại tên cha rồi biết chắc đó là em mình, chàng bèn buồn bã bỏ nhà ra đi biền biệt.

Người vợ mỏi mòn chờ đợi không thấy chồng về, nàng ôm con nên núi đợi chờ cho tới khi hóa đá….”

Ông Vũ Ngọc Phan cũng kể một truyện anh em lấy nhau gần giống như vậy nhưng khó hiểu và rườm rà hơn truyện của Phạm Duy Khiêm. Có người nói truyện hai anh em lấy nhau này xuất phát tự bên Tầu, một điều lạ ngay thuở xa xưa ông cha ta và người Trung Hoa đã nghĩ ra được đề tài táo bạo như thế.

Hòn Vọng Phu được lớp người cũ coi như một bản nhạc bất hủ trong số những bản tuyệt diệu nhất của nền tân nhạc Việt Nam như Thiên Thai, Con Thuyền Không Bến, Cô Láng Giềng, Cây Cầu Biên Giới… Theo tôi nghĩ chắc không bao giờ có một Hòn Vọng Phu thứ hai. Đây là bản mà tôi ưa thích nhất từ hồi còn nhỏ cho tới nay, nhất là bài Ai Xuôi Vạn Lý, nó êm dịu, bi thiết, não nùng du dương tuyệt vời thể hiện tâm trạng một người đàn bà đau khổ mỏi mòn đợi chờ mà không gì có thể diễn tả cao hơn thế được.
Nay nhạc phổ thông được khán thính giả nồng nhiệt đón nhận, những bản xưa cũ, bất hủ như Hòn Vọng Phu đã mất đi địa vị ưu thế của nó trước đây. Tuy nhiên mặc dù đã được sáng tác từ hơn nửa thế kỷ qua, Hòn Vọng Phu vẫn sống và sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc.

Ðể kết thúc bài này xin mượn lời Vương Trùng Dương ghi nhận công trạng của Lê Thương cho nền nhạc dân tộc Việt Nam như sau:

“Hơn nửa thế kỷ đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, Lê Thương sáng tác hàng trăm tác phẩm, nhiều ca khúc khai sinh cho nền âm nhạc Việt Nam tuy đánh dấu cái mốc lớn lao trong lịch sử tân nhạc nhưng thời gian rồi sẽ phôi pha như nhiều ca khúc khác cùng thời của ông.Thế nhưng, ngày nào còn nhắc đến hình ảnh Hòn Vọng Phu, ngày đó tên tuổi Lê Thương vẫn còn bay lượn giữa muôn nghìn âm thanh bồng bềnh trong tâm thức.

© Trọng Ðạt

© Đàn Chim Việt

 

Viewing all 82 articles
Browse latest View live