Quantcast
Channel: Đàn Chim Việt »ĐIỂM SÁCH
Viewing all 82 articles
Browse latest View live

Uyên Thao: Bùi Ngọc Tấn và Hậu Chuyện Kể Năm 2000

$
0
0

hau chuyen ke nam 2000
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông gia nhập làng báo sau khi theo đội Thanh Niên Xung Phong vào tiếp quản Hà Nội tháng 10-1954 với vai trò phóng viên cho tờ Tiền Phong. Thời gian này, ông ký bút danh Tân Sắc và bắt đầu sáng tác văn nghệ, dù có lệnh cấm nhà báo viết văn nên phải viết chui tức ký bút danh khác. Cái lệnh kỳ quái này không cản được Bùi Ngọc Tấn sáng tác và ông đã gửi một truyện ngắn — Chị Trúc — dự thi giải văn nghệ của báo Văn Nghệ. Truyện của ông được Tô Hoài khen hay nhưng không được in và tất nhiên không được chấm giải, vì bị cho là nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng.” Tất nhiên sau đó Bùi Ngọc Tấn phải điều chỉnh cách viết để có thể tiếp tục góp mặt trong sinh hoạt văn nghệ nhưng đã cố giữ khoảng cách với “hàng ngũ nhà văn cung đình.”

Cuối năm 1959, ông chuyển về Hải Phòng làm biên tập viên báo Hải Phòng Kiến Thiết, đồng thời tiếp tục viết văn và đã có một số tác phẩm được xuất bản. Về khoảng thời gian này, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã tâm sự “chuyển về thành phố quê hương Hải Phòng với ước mong thâm nhập công nông để viết được tác phẩm của đời mình.”

Chưa kịp viết tác phẩm ấy thì tháng 11-1968, Bùi Ngọc Tấn bị tống vào tù với tội danh “tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án “nhóm xét lại chống Đảng, làm tay sai cho nước ngoài” có mặt các bạn ông như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà điện ảnh Huy Vân, nhà báo Vũ Huy Cương, nhà báo Kỳ Vân… dù Bùi Ngọc Tấn chưa bao giờ là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam và không hề biết cái tội mình bị quy kết kia mặt ngang mũi dọc ra sao. Từ đây, khúc ngoặt cuộc đời Bùi Ngọc Tấn mở ra với bước khởi đầu là 5 năm sống trong các trại tù mang mỹ danh “trại tập trung cải tạo.”
Đầu tháng 4-1973, đúng 2 tháng 7 ngày sau khi Hiệp Định chấm dứt chiến tranh Việt Nam ký kết tại Paris, Bùi Ngọc Tấn được ra khỏi nhà tù. Tuy nhiên, những ngày sống ngoài nhà tù lại u ám ghê hãi hơn cả cảnh sống giữa những bức vách nhà tù — như ông ghi lại:

“Trong những năm tháng hậu tù thất nghiệp đi bốc vác, kéo xe bò… thoi thóp kinh hoàng ấy, tôi có làm một cuộc khảo sát đời sống: Ra đầu phố những giờ đi làm và tan tầm, nhìn những người đạp xe qua Ngã Sáu và phát hiện một điều: Tất cả những người trên đường không một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu. Đồng phục quần áo. Đồng phục mặt người ……

Khi tôi kêu lên: “Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá”, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi: “Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người.”

Thực tế không dừng tại đó.

Giữa cảnh đọa đầy đẩy con người xuống ngang loài vật ấy, Bùi Ngọc Tấn lại chỉ được xếp vào hạng phó người — chính xác hơn là thua cả loài vật. Cùng với những cực nhọc lam lũ do bị vây hãm bởi nhu cầu cơm áo trong thân phận phó người sống bên lề xã hội phải lao vào đủ loại việc mưu sinh khổ ải nhếch nhác là mạng lưới công an mật vụ luôn vây bọc từng giờ từng phút. Bùi Ngọc Tấn không ngừng bị cách ly, bị theo dõi, bị kiểm tra, bị dọa nạt… dưới nhiều hình thức khiến không tránh khỏi mối ám ảnh luôn bị đeo bám bởi một “người vô hình” : “… Ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ …

Tôi thấy rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo tôi. Họ đã già đi. Đã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Đời này sang đời khác.

Tất cả đều là Gia-ve. Những Gia-ve với lòng dạ đen tối, không phải tìm sự thật mà chỉ nhăm nhăm hãm hại người lương thiện…”

Cuộc sống không còn là cuộc sống mà chỉ là sự tồn tại.

Ý nghĩa duy nhất về sự tồn tại của bản thân với Bùi Ngọc Tấn thời kỳ này là “sống vì những đứa con.” Nhưng mục đích này cũng không dễ theo đuổi vì toàn bộ gia đình thân thuộc của lớp phó người đều phải gánh chung thân phận phó người. Những đứa trẻ ngây thơ vô tội kể cả đứa chỉ mở mắt chào đời khi người cha đã bị đưa vào tù vẫn bị ngăn trở mọi sinh hoạt, kể cả việc cắp sách tới trường … khiến luôn thúc đẩy những cơn tự dằn vặt rồi bùng sôi phẫn nộ : …Tôi càng thấm thía tội lỗi làm bố của mình. Chỉ vì tôi. Chỉ vì tôi nên con tôi có thể thất học… Người tôi sôi lên. Hỡi bọn chó đểu kia. Chúng mày làm gì tao thì làm, bỏ tù lại tao cũng được. Nhưng đừng triệt hạ con tao!!”

May mắn duy nhất với Bùi Ngọc Tấn là không thể từ bỏ cây bút, dù cầm bút là chuyện thiên nan vạn nan. Vì thế kiếp sống phó người đã hiện thành những trang sách để cuối cùng góp mặt với cái tên Chuyện Kể Năm 2000. Đây là tác phẩm được Bùi Ngọc Tấn khởi viết từ cuối năm 1990 sau hơn 20 năm rời xa chữ nghĩa và tiếp tục hoàn chỉnh gần 10 năm cho tới khi có cơ hội ấn hành vào đầu năm 2000. Thế nhưng ngay khi vừa in xong, tác phẩm đã bị gom lại ghiền nát, ngâm thành bột “như thi hành án một tội phạm tử hình với khâu cuối cùng là bác sĩ khám nghiệm tử thi và chôn cất.” Riêng tác giả chưa kịp hưởng “niềm vui trúng số” vì tác phẩm được chào đời đã phải nai nịt và ngụy trang mỗi khi ra đường vào thời điểm đó: “… Mũ Nin-da, thứ mũ có lưỡi trai, trùm kín đầu kín tai kín mặt, xuống tận cổ, chỉ để hở hai con mắt. Rất lợi hại… Trùm vào ấm đã hẳn, người ta lại còn không biết mình là ai. Chưa kể nó bảo vệ mặt tránh được những ca át-xít… Cái cảm giác có đuôi ngày nào trước khi bị bắt năm 1968 lại phả hơi lạnh, hơi bẩn sau gáy.”

Hậu Chuyện Kể Năm 2000 ghi lại nhiều diễn biến quanh tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000 từ các đoạn đường hoàn thành tới khi tác phẩm chào đời và những ngày kế tiếp. Tựa đề đầu tiên của Hậu Chuyện Kể Năm 2000 là Thời Biến Đổi Gien được Hoàng Hưng diễn giải là “Một thời đại ghê gớm trên quê hương chúng ta mà cái “gien” NGƯỜI đã bị biến đổi đến thảm hại!”

Đó là thời đại quét sạch mọi quyền sống căn bản của con người buộc toàn thể xã hội luôn cúi đầu quỳ gối tôn thờ những kẻ thủ đoạt quyền lực — thời đại mà hết thẩy người dân không được phép có một hành vi, một ý nghĩ nào khác ngoài việc tự biến thành công cụ phục vụ ý đồ của kẻ thủ đoạt quyền lực được coi là tín ngưỡng tối cao độc nhất vô nhị. hưng những dòng hồi ức Hậu Chuyện Kể Năm 2000 cho thấy mọi thủ đoạn bất nhân, mọi chủ trương tàn ác không hoàn toàn đáp ứng đúng tham vọng của kẻ thủ đoạt quyền lực. Qua những điều gần như vụn vặt nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống, tình người vẫn luôn vươn lên bằng mọi cách thuộc mọi lúc và ở mọi nơi.

Vợ con người tù tới thăm mộ chồng không dám cất tiếng khóc vì đã có lệnh cấm khóc, nhưng không lệnh nào có thể cấm được nỗi đau dâng lên trong trái tim họ. Cũng không có lệnh nào hỗ trợ nổi cho các luận điệu dối trá nói trắng thành đen để buộc mọi người phải đặt trọn niềm tin vào những điều vu cáo.

Sự câm lặng của người vợ và những đứa con trước mộ chồng, mộ cha cũng như những cái gật đầu của đám đông trước các luận điệu dối trá chỉ biểu tỏ một tâm thế chịu đựng nhất thời trong khi sức sống của tình người hướng về thương yêu, hướng về sự thật luôn kiên trì tồn tại với độ nóng có thể còn vượt mức độ bình thường.

Chính vì thế, cuốn sách bị kết án tử hình, bị ghiền thành bột đã lập tức phát tán khắp nơi qua mọi hình thức và được truyền tay từ người này sang người khác với số lượng khó thể ước đoán. Thêm nữa, những dòng hồi ức Hậu Chuyện Kể Năm 2000 đã ghi rõ tên tuổi từng người liên hệ tới mọi chuyện kể. Điều này không chỉ diễn tả tấm lòng tôn vinh sự thật mà còn cho thấy thái độ bất chấp mọi chủ trương trấn áp, mọi thủ đoạn bạo hành — thái độ bất khuất của ý chí kiên trì sự sống đúng nghĩa.

Năm 2012 tại Paris vào dịp Festival Livre Et Mer trao tặng giải thưởng cho tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá của Bùi Ngọc Tấn, nhà văn kiêm kịch sĩ Francois Bourgeon đã phát biểu : “… Từ khi lập ra giải thưởng này, tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn đã hoàn toàn làm chúng tôi thoả mãn. Tác giả là người Việt Nam. Bùi Ngọc Tấn tặng cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết nhân văn… Bùi Ngọc Tấn biết cái giá của tự do. Tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là một tác phẩm không thể quên. Thậm chí có lẽ là… một tác phẩm làm cho ta tốt hơn.”

Dù chỉ nêu nhận định về tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá, nhưng Francois Bourgeon đã cho thấy cái nhìn bao quát về thế giới chữ nghĩa của Bùi Ngọc Tấn trong đó không thể vắng tác phẩm Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Và có thể nói kết luận của Francois Bourgeon về “một tác phẩm làm cho ta tốt hơn” càng chính xác khi dành cho Hậu Chuyện Kể Năm 2000 tức Thời Biến Đổi Gien.

Bởi Hậu Chuyện Kể Năm 2000 không chỉ phác họa trung thực chân dung “ba kiếp sống” của những thế hệ nạn nhân Việt Nam trong thời đại quyền lực độc tôn mặc tình tác ác mà đã cho thấy ý chí bất khuất và sức sống phi thường của tình người qua vô số diễn biến cụ thể trong cuộc sống thường ngày đang quằn quại dưới đủ mọi thủ đoạn bất nhân tàn khốc. Những dòng hồi ức của Bùi Ngọc Tấn qua Hậu Chuyện Kể Năm 2000 đã dựng lên hình ảnh một chân trời yêu thương đầm ấm với âm hưởng lời ca thúc đẩy những bước chân dũng cảm kiên trì vươn tới chân trời ấy để “làm cho ta tốt hơn” — như cảm nghĩ của Francois Bourgeon — hầu đạt tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

© Uyên Thao


Tùy Ành, từ tháng 4 buồn đến nỗi đau biệt xứ

$
0
0
Từ trái sang nhà thơ Trần Trung Đạo, Nhà thơ Tùy Anh giữa và Đỗ Trường đeo kính)

Từ trái sang nhà thơ Trần Trung Đạo, Nhà thơ Tùy Anh giữa và Đỗ Trường đeo kính)

Có thể nói, tôi đã đọc Tùy Anh khá nhiều, cũng như liên lạc quan hệ bài vở với ông trên tập san Viên Giác phải đến trên hai chục năm. Ấy vậy mà mãi đến kỳ hè vừa rồi (tháng 8-2014) tôi mới có dịp gặp Tùy Anh ở chùa Viên Giác Hannover, khi cùng đi đón nhà thơ Trần Trung Đạo từ Hoa Kỳ sang. Buổi tối, Thượng Tọa Thích Như Điển sợ Trần Trung Đạo mệt, nên trước khi về phòng ngủ còn dặn ba chúng tôi nhớ phải ngủ sớm. Thế mà, mải chè cháo chuyện trò mãi đến gần sáng, tôi mới chợt nhớ mình phải về để kịp giờ làm việc. Mở cổng, tiễn tôi ra xe, Tùy Anh dặn đi dặn lại, lái xe phải cẩn thận, nếu như buồn ngủ quá thì phải dừng xe chợp mắt chút ít, ba trăm cây số chứ chẳng phải chơi đâu. Nghe nói, ông vừa phải mổ khối u phổi, nhưng ở cái tuổi (gần) bát tuần mà dáng ông còn nhanh nhẹn lắm. Đặc biệt, giọng nói của ông rất nhẹ, vang và ấm.
Tùy Anh tên thật là Nguyễn Hòa, sinh năm 1938 tại Huế. Ông là kỹ sư, nguyên Trưởng Ty Thủy Lâm Đà Nẵng và Trưởng Khu Thủy Lâm Vùng Một Chiến Thuật. Sau 30 tháng 4-1975, ông phải đi tù cải tạo. Năm 1980 ra tù, ông vượt biển và định cư tại CHLB Đức, hiện là chủ bút tập san Viên Giác Hannover.

Tuy thơ đã làm nên chân dung thi sĩ Tùy Anh, nhưng mảng văn xuôi cũng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Lão Hũ Chìm viết dưới bút danh Phù Vân là tập truyện điển hình với bút pháp hiện thực của ông. Cũng như nhà thơ Thế Dũng, văn chỉ là hình hài thân xác, thơ mới chính là tư tưởng hồn cốt của Tùy Anh. Có lẽ, đây cũng là cái đặc trưng riêng của các nhà thơ lưu vong. Bởi những biến đổi xã hội, xáo trộn tâm lý cuộc sống quá lớn, riêng thơ khó chuyển tải hết nỗi lòng thi nhân. Do vậy, trang văn cũng là nơi người thi sĩ tìm đến. Và dường như càng lớn tuổi, thơ của họ đến gần với triết lý thiền đạo hơn.

Có thể nói, chính biến cố xã hội(30-4-1975) và sự chia ly ngăn cách đã đưa Tùy Anh đến với nghiệp viết lách. Những năm tháng tù đày, bão tố của biển khơi và cả nửa cuộc đời lưu vong ấy, như những nhát dao chém ngang hồn người thi sĩ. Với ông, chỉ có thơ văn mới là liều thuốc xoa dịu đi những cơn đau và nỗi nhớ đó

* Có những con thuyền chở Tháng Tư đi

Đọc, nghiên cứu ta thấy, thơ Tùy Anh mang đậm tính tự sự. Thông qua thủ pháp nghệ thuật này, thi sĩ đã dựng lại một cách sống động những biến cố xã hội, biến cố cuộc đời cũng như cảm xúc tư tưởng, rồi tan chảy vào những tác phẩm của mình. Thật vậy! Nếu không phải trải qua những năm tháng tù đày, thì chắc chắn Tùy Anh không thể viết được những câu thơ làm cho người đọc cảm thấy bùi ngùi, xót xa đến như vậy. Với những nỗi đau, ôm theo mối hận tưởng như không thể dứt bỏ, ấy vậy lời thơ của ông vẫn thủ thỉ, nhẹ nhàng thương đời, trách mình, tuyệt nhiên không thấy bùng lên sự hận thù cay nghiệt ở trong đó:

“Ôm mối hận nhưng lòng còn son sắt
Thương quê hương đòi đoạn tháng ngày qua
Thương đời mình lỡ một thuở ngu ngơ
Nên lao nhục trong rừng sâu núi thẳm
Cam đày đọa trong lao tù giam hãm…“ (Về Rừng?)

Thoát khỏi nhà tù nhỏ, nhưng cánh cửa nhà tù lớn vẫn khóa chặt cuộc đời thi nhân. Vì vậy, với Tùy Anh ra khơi vượt biển là con đường duy nhất thoát khỏi địa ngục ấy. Muôn Trùng Thiên Lý là một bài thơ, hay là những câu hỏi tu từ xoáy quặn đau lòng người trước giờ chia ly?

…Ba mươi tháng tư, một phương trời bão nổi
Nhân danh nào làm chồng vợ lìa xa?
Chủ nghĩa nào làm tình nghĩa phôi pha?
Ai nhớ ai quên, tiếng hờn vang động…“

Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm qua, lúc bình yên, hay khi chém giết tranh giành quyền lực, dẫn đến đổi thay chế độ, nhưng chưa khi nào người Việt lao ra biển để đi tìm sự sống trong cái mong manh và tăm tối như sau biến cố ba mươi tháng tư vừa qua. Bước chân ra đi là lời vĩnh biệt quê hương hay là lời vĩnh biệt chính cuộc đời mình của người thi sĩ? Nếu ai chưa một lần phải bước lên chiếc thuyền lá tre bồng bềnh, lọt thỏm giữa biển khơi bốn bề sóng gió, đọc thơ Tùy Anh chắc chắn sẽ cảm được phần nào đớn đau, tủi nhục trong nỗi tuyệt vọng của con người:

… vĩnh biệt người, vĩnh biệt quê hương
có nỗi kinh hoàng nào ai hiểu thấu
bởi lũ ma vương
bởi phường thủy khấu
những tiếng cười quái đản
những nét mặt cuồng dâm
mã tấu, dao găm
trút xuống thân người tị nạn!…“ (Vẫy Tay Chào Quê Hương)

Nếu thơ Tùy Anh là tiếng nấc chung đớn đau, xoáy vào thân phận người tị nạn, thì những trang văn của ông đã cụ thể hóa nỗi đắng cay tuyệt vọng hay những hành động phản kháng mãnh liệt của chính mình. Trên Cõi Hồng Hoang là một truyện ký như vậy. Tùy Anh đã đưa hình ảnh cụ thể, sống động nhất vào trang văn. Tuy ông cho rằng, đây là hành động như một phản ứng tự nhiên trước nghịch cảnh đồng loại bị hành hạ, hãm hiếp một cách dã man. Nhưng lãnh một nhát mã tấu chém ngang bụng, để lại vết thương không bao giờ thành sẹo ấy, với tôi, đó hành động can trường, một sự phản kháng có ý thức rõ ràng của Tùy Anh. Chúng ta đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:

…hắn chợt nhớ lại sự kinh hoàng tột độ của mọi người trên ghe vượt biên khi hai tàu đánh cá của Thái Lan bao vây. Những ngày lênh đênh trên mặt biển, đói khát lả người, nên có muốn chống cự cũng chẳng còn ai đủ sức. Tụi cướp nhảy qua ghe như một bầy thú tranh mồi. Cô gái ngồi gần hắn bị tụi cướp lôi ra, xé gần hết quần áo. Cô gái thét lên kinh khiếp. Hắn cảm thấy bất nhẫn và bỗng nhiên một sức mạnh trào dâng, hắn nhảy xổ ra hất mạnh tên cướp và kéo cô gái trở lại. Đây chỉ là một hành động hào hiệp, một phản ứng tự nhiên trước nghịch cảnh man rợ. Hắn đâu có ý thức trước được một hiểm họa một báng súng, một nhát mã tấu…”(Trang 212)

Có một nhà nghiên cứu (ở Paris) trong số báo xuân gần đây viết: ” Phần lớn đề tài trong thơ của Tùy Anh liên hệ xa gần tới thời cuộc, thành thử thơ của ông phần thi hứng bị trí tuệ lấn át…” Có lẽ, nhà nghiên cứu này muốn nhắc đến thi hứng trời mây sông nước, hay ở cõi trên xa rời với đời sống, xã hội con người chăng?

Vâng! Chính cái thi hứng cõi trên này, đã đẻ ra những bài thơ, trang văn đều chết non chết yểu cả. Tài năng thi hứng đến như đại thi hào Nguyễn Du, nếu ngòi bút của cụ không chọc thẳng vào cái xã hội thối nát và thân phận con người, thì có lẽ Truyện Kiều khó sống được đến ngày hôm nay.

Thật vậy, thơ của Tùy Anh đã đi cùng với những thăng trầm của đất nước và nỗi đau của con người, những mảnh đời tha hương biệt xứ. Do vậy, thơ ông đầy ắp hơi thở cuộc sống, sinh động đi thẳng vào lòng người.

*Những vết thương không bao giờ thành sẹo.

Cũng như như nhà thơ lưu vong khác, thơ của Tùy Anh đau đáu một niềm nhớ thương, mong ngày trở về “ Mình ta tháng đợi năm chờ/ Vết nhăn thành sóng trên bờ trán cao” Và sự chờ đợi ấy, dường như chỉ là giấc chiêm bao. Dẫu biết vậy và anh cũng chẳng còn trẻ nữa, nhưng vẫn đưa em về tìm lại ký ức thuở ban đầu. Đủ Ấm Yêu Thương là một giấc mơ mang mang hoài niệm như vậy. Nó tuy không phải là bài thơ thật xuất sắc của Tùy Anh, nhưng có lời thơ rất nhẹ và đẹp:

“…Em về biển- biển muôn đời vẫn mặn
Sóng vỗ hoài phai dấu tích thương xưa
Bên rừng vắng-rừng ngút ngàn tĩnh lặng
Tiếng chim hoang hót gọi buổi giao mùa…”

Ba mươi lăm năm trường, cũng không thể xóa nhòa nỗi đớn đau thân phận lạc loài, để rồi dường như có lúc họ phải trốn chạy ra khỏi thực tại, ra khỏi chính mình. Nếu nhà thơ Luân Hoán đã có lúc phải chìm mình vào trong những cơn say, thì thi sĩ Tùy Anh cố xóa đi cội nguồn gốc gác. Nhưng nhà thơ đã lầm, nỗi đắng cay, uất hận không chỉ quặn lên cứ mỗi độ tháng tư về, mà nó còn luôn thường trực trong lòng người và được nhân lên sau những cơn say ấy.

Thật vậy! Chẳng có cơn say nào, quốc tịch nào làm làm vơi đi được nỗi day dứt khắc khoải đó:

“Tưởng đã phai mờ cội nguồn chủng tộc
Bằng vào tên họ nửa Á, nửa Âu
Bằng vào quốc tịch vô căn mất gốc
Quên hẳn da vàng, mũi tẹt, mắt nâu!

Tưởng rằng đã quên đi đắng cay uất hận
Bằng nửa cuộc đời lưu lạc tha phương
Bằng những đêm trường dày vò thân phận
Dở khóc dở cười đòi đoạn tiếc thương! “ (Tháng Tư Gợi Nhắc Niềm Đau)

Tuy đến với thơ văn bởi hoàn cảnh sống, hoàn cảnh tranh đấu và khá muộn, nhưng Tùy Anh viết nhiều, được cho là một trong những cây bút có nội lực nhất ở Đức trong suốt mấy chục năm qua. Lời thơ Tùy Anh sáng, đẹp, giàu nhạc tính. Do vậy, có khá nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ lục bát tuy không phải là sở trường của Tùy Anh, nhưng ông luôn gây bất ngờ cho người đọc. Buồn Xưa là một bài thơ lục bát như vậy. Để giữ đúng những nhát cắt của cuộc sống, sự vỡ vụn tâm trạng, nhà thơ đã dùng thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng trong câu thơ. Với hình thức này, gần đây cũng có một số nhà thơ đã sử dụng, nhưng để đi đến tận cùng của sự mất mát, đắng cay của những kiếp người, thì quả thật, không phải ai cũng làm được:

“…Tháng tư
rã ngũ tan hàng
nổi trôi vận nước
tan hoang phận người
kẻ đi biền biệt ngàn khơi
người trong tù tội
một đời
đắng cay
buồn xưa
len lén về đây
xót xa nỗi nhớ
phương này
bơ vơ …”

Có lẽ, không nhà văn nhà thơ nào không có một lần viết về mẹ. Tùy Anh cũng không nằm ngoài cái lẽ thông thường đó. Khi đọc và nghiên cứu Tùy Anh, ta thấy, không chỉ một vài lần mà dường như, hình tượng mẹ và quê hương là mạch chảy xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Nỗi nhớ thương ấy, luôn quằn quại trong lòng những người con nơi xứ lạ. Nhà thơ nhân cách hóa một cách rất cụ thể, tinh tế hình ảnh tần tảo của mẹ trong cái đắng cay, nhọc nhằn nơi quê nhà. Tôi nghĩ, đây là sự liên tưởng về mẹ với quê hương một cách rất độc đáo:

“Mẹ mắc võng từ thượng nguồn Bàng Lãng
Đến ngọn triều cuối cửa bể Thuận An
Lưng mang nặng nhịp Trường Tiền, Bạch Hổ
Mẹ gánh thêm núi Ngự, Hương Giang

Nước mắt mẹ đã bao lần nhỏ xuống
Máu xương con tưởng đã chảy thành sông…” (Lời Mẹ Ru)

Còn Chút Gì Để Nhớ là bài thơ khá hay, được viết trong những ngày đầu Tùy Anh đến mảnh đất tạm dung, cách nay đã trên ba chục năm. Ấy vậy mà đọc lại lời tự vấn của nhà thơ trước thảm trạng đất nước con người, vẫn gieo vào lòng ta nặng trữu những ưu tư:

… Thành phố cũ nay mang tên người chết
Bạn bè xưa nay còn mãi lao tù
Xin tự hỏi khi giương buồm vượt thoát
Để đấu tranh hay để mãi ưu tư?”

Trong cái lặng câm của những tướng lĩnh ươn hèn trốn chạy, người thi sĩ uất hận và cố quên đi: “chữ nghĩa phản chiến của đám kiêu binh, buôn dân, nội tuyến” và cả “chữ nghĩa tuyên truyền lừa dối/ của bọn người mệnh danh thiên đàng xã hội”. Thật vậy, nếu bài thơ Quên Hết Chữ Nghĩa, Tùy Anh cố quên đi ươn hèn của những kẻ đã góp phần đưa đất nước vào địa ngục tối tăm, thì Thắp Giùm Tôi Ngọn Nến như một tiếng kêu thức tỉnh lương tri của con người trước sự dối trá lừa lọc của những kẻ “đỉnh cao trí tuệ”. Với ông, đấu tranh là con đường duy nhất để giải thoát cho cả dân tộc khổ đau này:

“thắp giùm tôi ngọn nến
giữa vùng hỏa ngục Việt Nam
có muôn ngàn tiếng kêu trầm thống
có muôn vàn áp bức bất công
thế giới lương tâm
vẫn ngồi trong phòng kín
vẫn câm điếc
vẫn đui chột mù lòa…” (Thắp Giùm Tôi Ngọn Nến)

Ngoài tình yêu quê hương, đất nước, Tùy Anh còn viết khá nhiều thơ tình đôi lứa. Ai đã đọc nó, có lẽ khó dứt ra được. Bởi, một điều đặc biệt, thơ tình của ông không hề có sự bi lụy ở trong đó, mà chỉ thấy phảng phất đâu đó cái nét mang mang hoài cổ, nhẹ nhàng như đến ru người, ru tình vậy: “Hương trầm dìu dặt cung đàn/ Võng em rời khỏi trần gian lụy phiền”
Có thể nói, thơ Tùy Anh là lời tự sự, trăn trở về đất nước, con người trong những năm tháng nơi biệt xứ của mình. Nỗi đau của thi sĩ, gắn liền với số phận của cả một dân tộc. Với ông, vết thương và nỗi đau ấy lành lại, chỉ khi nào con đường trở về được mở ra…

*Thiền- triết đã đi vào trong thơ.

Hình như càng lớn tuổi, con người gần gũi, tìm về với Đạo giáo nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi con người có con đường đi riêng của mình: “Người thích đi tìm phật/Trong tiếng kệ, lời kinh/Còn tôi đi tìm phật/Trong cuộc đời vô minh” Tùy Anh cũng vậy, cùng với thơ văn ông đi tìm triết lý nhà phật, triết lý cuộc sống trong chính cuộc đời u tối này. Do vậy, thơ ông nặng tính triết, tính thời sự xã hội. Trong bài Khuôn Mặt Dấu Xa Bay, thi sĩ đã mượn cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên để khẳng định, cơn đại hồng thủy kia dù có dã man và tàn bạo, nhưng ngày trở về với đất mẹ của những đứa con bị lưu đày là điều tất yếu:

“Dòng sông nào đưa đẩy
Con nước về đại dương
Cơn mưa nào hồng thủy
Xua nước chảy xa nguồn…”

Khi đi vào cõi mênh mông của thiền triết thi ca, hẳn ta không khỏi rung động trước những câu thơ tả cảnh gợi tình, giản đơn nhưng lại đẹp đến nao lòng của Phạm Công Thiện: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Hay những câu thơ đầy hình ảnh triết lý với cái tứ mới lạ của Đỗ Hoàng: “ …và cũng bất ngờ/ nhặt từ bùn/những câu thơ/ thời gian không hóa thạch”. Đọc Tùy Anh, ta lại thấy được cái an nhiên tự tại trong nội tâm của thi sĩ, trước nghịch cảnh cuộc sống:

“…Tâm an trú giữa hồng trần nghiệt ngã
Mà hiển vinh là bào ảnh phù du
Nên ngôn hạnh trong như dòng bát nhã
Thẩm vào đời nghe vời vợi hương nhu.” (Những Vần Thơ Tự Tại)

Là một phật tử và gần hai chục năm làm chủ bút tập san Viên Giác, nên Đạo giáo đã thấm đẫm linh hồn Tùy Anh. Rồi Một Ngày Tâm Tĩnh Lặng là một bài thơ hay, nặng tính triết lý Đạo Giáo. Nó như một lời lý giải cái khoảng cách hư vô giữa Đạo và Đời. Và với thi nhân, khoảng cách ấy tuy là hai thái cực, nhưng sẽ giao nhau ở tâm điểm trong cái vòng quay vũ trụ. Và đó chính là hoa và nụ cười trong cái tĩnh lặng của lòng ta:

“Giữa tăng và tục
Là khoảng trống không cùng
Của giận hờn nhẫn nhục
Của chấp ngã bao dung
Giữa đạo và đời
Là khoảng hư vô diệu vơi
Giữa người và tôi
Là trái tim biết nói
Giữa không và có
Rồi một ngày tâm tĩnh lặng
Như hoa sen và nụ cười
Là niềm vui vô tận
Cho người và cho tôi”

Ba mươi lăm năm sống trên xứ người, thời gian dài đằng đẵng ấy, tưởng như đã đốt cháy tư tưởng, ý trí của Tùy Anh. Nhưng đọc ông, ta thấy niềm tin vẫn hừng hực trong ông như thuở nào, dẫu biết rằng sức đã cạn, đường về nhà còn khó khăn và xa vời vợi…

Và tôi tin, khi hoàng hôn về, Tùy Anh vẫn đi ra hướng biển, nơi Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, để vắt hết những gì còn lại trong trái tim mình, đặt lên trang viết, gửi về nơi đất mẹ.

Leipzig ngày 11-12-2014

Đỗ Trường

@ Đàn Chim Việt

Đọc “Chuyện Kể năm 2000″

$
0
0

bntan

“Chuyện Kể Năm 2000″ của Bùi Ngọc Tấn gồm 2 tập, dày khoảng 1000 trang in cỡ chữ trung bình do Nhà xuất bản Thanh Niên ở Hà nội in và xuất bản. Sách in xong nộp lưu chiếu khoảng tháng 2/2000 chưa bán ra thị trường đã bị nhà nước ra lệnh tịch thu. Nội dung cuốn sách đã được chuyển qua Liên bang Nga. Sinh viên Việt scan lại và chuyển cho độc giả Việt khắp thế giới. Ít nhất có hai nhà xuất bản, nhà xuất bản Văn Nghệ và Tự Lực ở Nam California Hoa Kỳ đã cho in thành sách. Nhà xuất bản Tự Lực cho biết một phần tiền bán sách sẽ dành cho tác giả, và khuyến khích độc giả giúp đỡ tác giả và những người đang gặp khó khăn với chính quyền trong nước vì đã tạo điều kiện cho cuốn sách ra đời.

Từ năm 1986 khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cởi trói văn nghệ, nhiều sách do các nhà văn trong nước viết được gởi ra hải ngoại như các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương … chưa có một cuốn nào gây dư luận sôi nổi như cuốn “Chuyện Kể Năm 2000”.

Bùi Ngọc Tấn viết chuyện ký về nhà văn Nguyễn Văn Tuấn (chính là tác giả) bị tù gần 5 năm, từ tháng 11/1968 cho đến tháng 4/1973. Tập 1 ghi lại chuyện tù từ các trại giam trại 76 ở Hải Phòng, 75 ở Hà Nội đến các trại tù Q.N, VQ. Tập 2 ghi lại những khó khăn nhà văn Nguyễn Văn Tuấn gặp phải sau khi ra tù. Những khó khăn kéo dài triền miên từ năm 1973 cho đến năm 1990. Ông bắt đầu viết khi khối Liên Xô vừa sụp đổ. Ông nghĩ đã đến lúc có thể ghi lại những lỗi lầm của thế kỷ và chiêm nghiệm của bản thân lại cho mai sau.

Ông viết: “Thập niên thứ tư (ông ra tù năm 39 tuổi): Dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm dưới đáy. Đấu tranh đòi hưởng công bình, đòi hưởng luật pháp. Thập niên thứ năm: chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu … trò chuyện với vô cùng.”

Ông trò chuyện với vô cùng qua những trang giấy trắng. Ông miệt mài viết trong 15 tháng liền, kết thúc bản trường thiên ký sự cuối năm 1991. Không ai biết tại sao tác giả ngâm bản thảo suốt 8 năm cho đến tháng 8 năm 1998 mới tìm cách cho cuốn sách ra đời một cách công khai. Có lẽ nhà văn Bùi Ngọc Tấn chờ chế độ đã làm cho cuộc đời ông bầm dập cáo chung, hay không còn chờ được nữa, hay nghĩ chế độ đã đủ cởi mở để nghe những lời ông nói.

Có thể chế độ đã đủ cởi mở hay có những khe hỡ tế nhị để cuốn sách ông qua lọt các thủ tục kiểm duyệt, nhưng sau cùng những người nắm quyền lực tối thượng vẫn còn lo sợ không cho cuốn sách ông được phổ biến. Nhưng có gì ngăn cản được thông tin trong thời đại tin học. Càng cấm nó càng được phổ biến, càng được tìm đọc. Nếu đảng cộng sản Việt Nam không ngăn được nhạc Phạm Duy đi vào quần chúng như mực trên giấy thấm học trò, thì đảng cũng không ngăn được những tư tưởng bình dị nhưng lấp lánh như ánh sao sa được chuyên chở bởi lời văn nhẹ nhàng, súc tích đầm ấm của Bùi Ngọc Tấn đến với nhân dân.

Ký sự về tù đày, nhưng tù đày chỉ là cái khung. Tác giả dùng cái khung đó để chi li đi vào phần thâm kín nhất của tâm hồn con người, trình ra những viên ngọc óng ánh cho chúng ta những giây phút thở dài nhẹ nhõm hay lo âu có khả năng làm cháy lòng ta. Cái tệ tàng, u uất, xấu xa nhất nếu được vẽ ra nguyên hình của nó cũng là một viên ngọc quí của văn học. Ai quên được triết lý nói dối và ăn cắp của Tuấn trong tù như một hình thức phản kháng: “Vào tù hắn đã học được hai điều: ăn cắp và nói dối. Không ăn cắp vẫn sống được đấy. Nhưng khỗ. Và buồn nữa. Nếu không có cái lo lắng hồi hộp của việc ăn cắp và bồng của ăn cắp được về trại thì buồn lắm, buồn không chịu nổi. Sung sướng biết bao khi mình vẫn lấy cắp và mang về trại được tất cả, vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các ông quản giáo. Ăn cắp với hắn còn có nghĩa phản kháng, tuy sự phản kháng đó hơi nguy hiểm. Nó dẫn tới kỷ luật, cùm xà lim, ăn cháo loãng.”

Những điều phi lý của một chế độ độc tài toàn trị văn chương thế giới đã nói nhiều. Nhưng cái phi lý nhà văn Bùi Ngọc Tấn ghi lại làm chúng ta choáng váng, nhức nhối, khó chịu. Nhà văn Nguyễn Văn Tuấn bị bắt vì đã viết cuốn sách “Những Tiếng Động Bị Nhốt” để ca ngợi những chiến sĩ thợ hàn đêm ngày nằm trườn mình trong những thùng phuy bé tí để hàn thùng xăng cho nhu cầu bộ đội Trường Sơn. Người thợ hàn nghe tiếng tí tách của ngọn hồ quang đầu đũa hàn, mình với mình, chịu đựng cam go nóng bức, tiếng động bị nhốt trong thùng không chia xẻ được với ai. Thế nhưng, ông Trần, ông Lan trong bộ máy công an cho rằng Bùi Ngọc Tấn lách chữ nghĩa để xỏ xiên đảng bóp chết tiếng nói của nhân dân.

Đầu năm 1972 sau 3 năm 8 tháng giam cầm Nguyễn Văn Tuấn được đưa từ nhà tù QN về trại giam 75 ở Hà Nội để làm thủ tục phóng thích. Ngày phóng thích, Ngọc vợ Tuấn được mời đến sở công an. Ông Lan, người công an chấp pháp từng lấy cung Nguyễn Văn Tuấn muốn nhân dịp này cho Tuấn có cơ hội nhận lỗi “với nhân dân” trước mặt những người đại diện đảng, nhất là trước mặt vợ để chứng tỏ uy quyền của đảng và thỏa mãn tự ái của ông. Trong hơn 3 năm giam cứu ông Lan không khui ra được một lỗi lầm gì của người tù Nguyễn Văn Tuấn. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể lại: “Hướng về Tuấn như hướng về một thính giả vô hình, ông Lan nói, trước hết anh phải xác định được những sai lầm của mình. Phải nhận thức được thiếu sót của bản thân. Chúng tôi giam giữ anh không ngoài mục đích ấy.”

Cảm thấy không có gì trắng trợn hơn, gian dối hơn, đạo đức giả hơn, đểu hơn, Tuấn buột miệng đáp: “Thưa ông, cho đến giờ này tôi chưa được biết tội lỗi của tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi có tội gì.”

Người sĩ quan công an chấp pháp cười nhạt nói với vợ Tuấn, “Đấy, anh ấy cứ như thế đấy.” Sau đó Tuấn được chở trở lại về nhà tù Q.N trên chiếc xe đít vuông có 4 buồng giam của Rumani viện trợ, rồi chuyển lên trại VQ xa hơn, hắc ám hơn.
Đừng đọc Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấân như một cuốn sách tố cáo chế độ tù đày của chế độ cộng sản Việt Nam. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có mục đích tố cáo chế độ tù đày, ông cũng không dùng cuốn sách để tố cáo chế độ cộng sản. Cộng sản như thế nào ai cũng biết rồi. Stalin, Mao, Pol Pot, cuộc đấu tố tại miền Bắc Việt Nam của thập niên 50 … . Và tù đày: “nhất nhật tại tu thiên thu tại ngoại” đâu cũng vậy. Những khó khăn của người tù để lập lại cuộc đời ở quốc gia nào cũng có.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn dùng cái khung tù đày và những năm phấn đấu sau khi ra khỏi nhà tù để ngoi lên mà sống cho ra một con người để minh họa một bức tranh lớn của xã hội Việt nam dưới một chế độ không có tự do. Khi quyền lực thu vào tay của một số người, vừa làm công an, quan tòa và cai tù thì xã hội và con ngườiụ phải sa đọa đến tầng thấp nhất của địa ngục. Địa ngục không chỉ ở trong nhà tù, địa ngục ở mọi nơi, trong cơ quan làm việc, trong công xưởng, nơi hàng mậu dịch, trường học, trong tâm tư của người chưa bị tù hay vừa ở tù ra, nơi chỗ kín đáo vợ chồng chăn gối với nhau. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết: Khi con người “không còn một nơi nào đi đến thì khủng khiếp thật. Đó là địa ngục của trần gian. Ông không đặt câu hỏi cái gì cho phép cái địa ngục đó tồn tại. Nhưng ai cũng biết: vì tự do là trái cấm. Chỉ có đảng độc quyền tự do, độc quyền tuyệt đối, độc quyền hiến định. Nhưng Tuấn không mất tin tưởng vào con người, và đó là cái làm anh sống, không chọn cái chết như người tù Ngụy Như Cần. Có lần Tuấn thổ lộ với Bình, một người bạn chí thân: “Bình ơi! Lòng chúng ta có bao giờ không trong sáng. Có bao giờ chúng ta không yêu mến con người. Có bao giờ chúng ta căm ghét cuộc đời này…

Những chiêm nghiệm của tác giả được vẽ lại bằng một lối văn nhẹ nhàng đầy ắp hình ảnh, không hờn oán. Trong suốt 1000 trang giấy, trang nào cũng là một bức tranh nhỏ mang tính sự thật phảng phất tâm hồn bao dung của tác giả, ngay cả những cảnh hung bạo nhất. Con người còn tất cả những nét đẹp trong tác phẩm của ông. Xấu chăng chỉ là cái hệ thống, cái chế độ chính trị hư hỏng làm con người đi xuống, đi xuống mà không biết mình đi xuống như ông Trần, ông Lan ông Quảng của sở công an, của một số bạn văn của tác giả trốn tránh anh vì sợ liên hệ dù anh đã được tự do không có án, của những người lối xóm vốn có thể là những người tốt bụng trong khu chung cư nơi ông ở trở thành những người điểm chỉ báo cáo.
Bên cạnh đó, dù khó khăn, nghịch cảnh và đe dọa bởi tù đày vẫn còn những người bạn tốt như Giang, như Dự, già Đô, Bình, như chị Linh vợ một ông đại úy đang chiến đấu trong B. Nếu có những người không may như Lượng, đi tù vợ ở nhà không giữ trọn tình chung thủy vẫn còn những người như Ngọc, vợ Tuấn, biết sống, biết yêu. “Nàng đau khổ hiểu rằng: Cả hắn (Tuấn), cả nàng không có cách gì thoát khỏi cái mà cuộc đời đã dành cho hai người. Nàng thương chồng, nàng thương nàng. Nàng cam chịu.”

Cũng như vợ, tác giả cam chịu trước bóng đen đè ngập xuống cuộc đời anh, xuống cuộc đời của những người tù đã được trả tự do. Từ nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn họ chỉ có thể trở thành kẻ cắp, móc túi, hay chết bờ chết bụi không thân nhân giỏ giọt nước mắt cuối cùng.

Già Đô đăng lính Pháp đánh Đức trong thế chiến II, lập gia đình với một phụ nữ Pháp, có một cô con gái lai xinh đẹp, vì hào quang của Hồ Chí Minh, vì tình yêu đất nước bỏ vợ con ở lại về nước tiếp tay xây dựng quê hương, phục vụ “cách mạng”, thấy cảnh chướng tai gai mắt nói lời bất mãn bị tù. Ra tù không nơi nương tựa, già Đô làm đơn xin trở lại nhà tù không được chấp nhận. Lang thang ngủ bờ ngủ bụi, chịu đựng đói khát nắng mưa, phút sau cùng biết không qua khỏi, già đã chọn một ngôi đình để … chết. “Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng …. Thật là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ thường. Chẳng nhớ một điều gì, chỉ nhớ mình đang tan đi và đang bay … ”

Ngụy Như Cần, người tù lâu năm nhất của trại giam Q.N được sự kính nễ của bạn tù vì tư cách và sự chịu đựng của anh đã treo cổ tự tử sau khi trại tù hoàn tất thủ tục phóng thích. Anh nghĩ anh đã trả đủ nợ đời, không muốn nhà tù lớn ngoài kia làm khổ anh và thân nhân anh. Anh chết đi còn nuối tiếc chăng là thương con cá chép trong hồ anh nuôi và huấn luyện bao nhiêu năm mỗi ngày chờ nghe tiếng anh gõ nổi lên để được anh cho ăn và ve vuốt.

Hai năm sau khi ra tù trong một chuyến đi buôn miền mạn ngược, Tuấn ghé lại trại giam phụ QN thăm bạn tù Ngụy Như Cần. Cần đã chết. Tuấn hỏi một ngườ tù : “Còn con cá chép?” Anh tù kêu lên: “Con cá chép đem về bếp cán bộ rồi.”, và giải thích: “Anh Cần chết.Tôi ra thay (ở trại phụ). Mấy hôm liền nó cứ nổi lên dọc bờ ao, rồi há mồm ngộp ngộp ở chỗ cầu rửa này. Trông như một thằng bé con. Ông quản giáo thấy nó. Ông rút súng bắn. Máu đỏ ao…”

Giữa bóng đêm tăm tối, đôi khi tiếng chữi đổng văng vẳng đâu đó trong khu cư xá giữa những người có quyền thế với nhau làm Tuấn thấy nhẹ nhõm trong lòng. Bà Bường vợ một ông công an, ganh tị vì không có cơ hội làm ra tiền bằng ông Tăng, đảng viên, cán bộ thủ công nghiệp khu phố đã chữi ông Tăng: “nhân dân lao động còn khổ vì chúng mày. Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? Ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn.” Sao mà thấm thía! Tuấn nghe mà thấy “vui lên một chút trong những năm tháng cùng cực”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn tuyên dương tự do. Qua Sáng một thanh niên tuổi mới đôi mươi, năm lần vượt ngục. Những người cai tù coi cuộc vượt ngục của anh lần thứ nhất và lần thứ hai như là một hành động lãng mạn nhớ nhau của con nít ăn chưa no lo chưa tới. Lần vượt ngục thứ hai công an bắt anh lại khi anh đang ngồi ăn cơm với bố mẹ. Lần thứ ba anh bị cùm xà lim một tháng, lần thứ tư công an cho chó cắn bươm người anh trước khi nhốt anh 2 tháng xà lim. Đến lần thứ năm họ mới nhận ra rằng đối với Sáng “tự do hay là chết” không phải là một cụm từ cường điệu nói cho vui. Có lẽ lần này họ cho anh được mãn nguyện và anh sẽ mĩm cười lấy cái chết đổi tự do. Tuấn gặp Sáng giữa bầy chó hung hãn và công an khi Sáng bị bắt lại sau cuộc vượt ngục thứ năm.

Tự do đối với Bùi Ngọc Tấn còn là tốc độ, dù là tốc độ 10 cây số một giờ của chiếc xe đạp cọc cạch của một người bạn tù vừa được tự do chở anh trên khoảng đường mòn giữa rừng rậm đến cơ quan lãnh giấy tờ xuất trại. Tuấn lẩm bẩm nói thầm với vợ, “Em, anh đang được tự do. Anh sẽ về với em.” Gần 5 năm Tuấn mới lại được ngồi trên xe đạp và bây giờ Tuấn mới biết thực sự thế nào là tự do, là phút háo hức được nhìn con và âu yếm vợ. Hẳn là Tuấn đang mĩm cười nhớ lại những phút ái ân với Ngọc.
Hơn một năm trước đây (*), tờ Văn Học, một tạp chí văn học ở hải ngoại do nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ trương có đặt vấn đề, vì sao sau Truyện Kiều của Nguyễn Du Việt Nam chưa có đại tác phẩm nào có giá trị văn chương ở tầm vóc thế giới, và vấn đề đã tạo nên một cuộc tranh luận thú vị.

“Chuyện Kể Năm 2000″ của Bùi Ngọc Tấn có phải là tác phẩm văn chương chờ đợi chăng?

Trần Bình Nam

(Tác giả gửi đăng)

Cụ Bá khôn hơn Bác

$
0
0
Bác và tướng Thanh trước khi bị nhồi máu tim

Bác và tướng Thanh trước khi bị nhồi máu tim

Đầu tắt mặt tối quanh năm quen rồi, nay được nghỉ Tết vài ngày thư thái đến bâng khuâng. Đã chiều mồng Một mà chẳng ma nào rủ, nhậu một mình thì uống không dzô. Thôi thì đi tìm thú vui qua trang sách. Đèn Cù, nghe thiên hạ đồn hay lắm, nhưng chưa mua được, đành đọc lại Bên Thắng Cuộc. Huy Đức kể chuyện Đỗ Mười, tôi cười ngất ngưởng.

Cách nay một phần tư thế kỷ, Đỗ Mười lúc đó chưa lên hàng Bồ Tát. Ông đang giữ chức loàng xoàng ở hàng thủ tướng. Ông thường từ chối dùng hàng tư bản. Điển hình là ông chỉ thích đi xe hơi hiệu Lada, sản xuất tại Liên Xô, an toàn, an ninh, an tâm, lại được tiếng là giản dị, tiết kiệm.

Khổ nỗi, Lada thì vừa dằn vừa nóng, uống xăng còn hơn cả dân nghiền Hà thành uống beer hơi. Đi đường xa, có khi nằm vài tiếng ngoài đường chờ sửa. Hàng trợ lý cho thủ tướng phiền lòng lắm, nhưng chưa biết làm sao.

Một lần Đỗ Mười đi kinh lý Nghệ An. Từ Hà Nội vào Vinh khoảng 300 Km. Đường miền Bắc thời đó không phải chỉ có ổ gà, mà có cả ổ voi, ổ cọp. Người ta nghĩ ra một kế: Ngay trước khi khởi hành, báo cho Đỗ Mười biết. Chiếc Lada riêng của ông đang phải sửa gấp, tạm dùng chiếc Nissan thay thế.

Đến Vinh ông bước ra khỏi xe, bẻ tay, vươn vai, ưỡn ngực, dáng điệu thoải mái, khoan khoái lắm. Trợ lý chớp ngay thời cơ: Thưa anh, sức khỏe của anh là tài sản quốc gia. Từ nay, anh phải dùng chiếc xe này.

Cũng từ bữa đó, hình như Đỗ Mười trở nên thân thiện hơn với hàng hóa và cả các thể chế tư bản.

Bữa qua mới hay tin cụ Bá Thanh đang chữa bệnh tại hang ổ của bọn trùm tư bản, phản động Mỹ mà suốt cả đời của nhiều thế hệ các cụ căm thù, đánh phá. Câu chuyện gợi tôi nhớ tới căn bệnh và cái chết của hai nhân vật lừng danh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tướng Thanh bị nhồi máu cơ tim. Ông được tập thể giáo sư bác sỹ đầu ngành của miền Bắc XHCN tận tình cứu chữa, được Đảng và Nhà nước ta tận tình chăm sóc, nhưng bạo bệnh, qua đời tháng 6 năm 1967, tại Bệnh viên Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Bác cũng lên cơn nhổi máu cơ tim từ đầu năm 1969, nên đi điều trị tại những trung tâm y khoa hiện đại nhất của Liên Xô và Trung Quốc XHCN thời đó. Khi các giáo sư bác sỹ đầu ngành của Liên Xô và Trung Quốc bó tay, Bác về lại Hà Nội viết di chúc, lo hậu sự. Cả Liên Xô và Trung Quốc cử đoàn cán bộ y tế túc trực bên Bác cho đến tận khi Bác tắt thở lúc 9 giờ 45 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969.

Đoàn giáo sư bác sỹ Liên Xô chẩn đoán: Bác chết vì nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành. Đoàn Trung Quốc cao tay hơn chẩn đoán xác định: Bác chết vì nhồi máu cơ tim do tắc động mạnh vành phải, nhánh liên thất sau.

Nhưng thưa bạn đọc! Thủ thuật thông động mạch vành, và phẫu thuật nối động mạch vành tim của Mỹ đã hoàn thiện từ đầu năm 1960.

Giá mà Bác và tướng Thanh đừng đánh Mỹ, thì khi Bác và tướng Thanh lên cơn đau thắt ngực, một chuyến bay từ Hà Nội đến Seattle, nơi cụ Bá đang nằm, là động mạch vành của Bác, của tướng Thanh được thông lại hoặc nối lại bằng phẫu thuật một cách chu toàn.

Nếu sức khỏe của Đỗ Mười là tài sản quốc gia, thì sức khỏe của tướng Thanh và Bác phải là quốc bảo. Sức khỏe của cụ Bá không đến nỗi thiên liêng thần thánh đến như vậy, nhưng nó rất quan trọng cho cụ và gia đình.

Cụ Bá đang dưỡng bệnh tại Seattle

Cụ Bá là kẻ khôn ngoan. Cụ không theo Bác qua Trung Quốc hay Nga. Cụ không tin vào đỉnh cao trí tuệ của CNXH. Cụ tìm đến đỉnh cao trí tuệ y khoa của nhân loại để chữa bệnh. Lỡ mệnh hệ gì mà cụ không qua khỏi, hẳn cụ cùng gia quyến cũng yên lòng.

Cho đến giờ tôi vẫn tin nếu Bác và tướng Thanh không căm thù Mỹ đến tận xương tủy, thì cả hai sẽ được mời qua Mỹ chữa bệnh. Nhất định tướng Thanh không thể chết ở tuổi 53, và Bác cũng sống thêm một vài thập kỷ nữa.

Bác tìm đường đi cho cả dân tộc, nhưng Bác lại không thể tìm đúng thầy đúng thuốc cho riêng bản thân mình. Suy cho cùng, cụ Bá khôn hơn Bác.

Đầu năm, ăn cơm mới mà nói chuyện cũ, bình loạn vài câu, xin bạn đọc thứ lỗi.

© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt

Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài

$
0
0
Nhà văn Tiểu Tử trong buổi ra mắt sách Chuyện Thuở Giao Thời tại Paris ngày 3 tháng 1 năm 2015

Nhà văn Tiểu Tử trong buổi ra mắt sách Chuyện Thuở Giao Thời tại Paris ngày 3 tháng 1 năm 2015

André Gide nói “C’est avec les beaux sentiments qu’on fait de la mauvaise lìttérature” ( Với những tình cảm tốt, người ta làm văn chương dở ). Tiểu Tử là một nhà văn đã chứng minh ngược lại, có thể viết hay với những tình cảm tốt. Trong tác phẩm của ông, hầu như chỉ có những tình cảm tốt, chỉ có tình người. Một nhân vật nói về một nhân vật khác trong truyện ngắn ‘’Made in Vietnam’’: người chi mà tình nghiã quá héng? ‘’. Độc giả nghĩ tới câu đó mỗi lần lại gần những nhân vật của Tiểu Tử. Người chi mà tình nghiã quá héng. Độc giả chai đá tới đâu, đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong một xã hội đảo lộn, vẫn còn đầy tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghiã đồng bào, vẫn còn những người tử tế. Và thấy đời còn đáng sống. Một nhà văn Pháp nói văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực.

Miệt Vườn

Tiểu Tử là một nhà văn miền Nam điển hình, con đường nối dài của những Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không ‘’làm văn‘’ . Ông kể chuyện; không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách, ông viết với tấm lòng.

Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Nga My, Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng. Các địa danh cũng đặc Nam kỳ, không có Cổ Ngư, Vỹ Dạ, Thăng Long, chỉ có những Nhơn Hoà, Cồn Cỏ, Bò Keo, Bình Quới, những tên, những địa chỉ rất ‘’miệt vườn ‘’, chỉ đọc cũng đã thấy dễ thương, lạ tai, ngồ ngộ. Âm thanh như một câu vọng cổ.

Tiểu Tử, 88 tuổi, kỹ sư dầu khí, tác giả nhiều tập truyện ngắn ( Những Mảnh Vụn, Bài ca Vọng Cổ, Chuyện Thuở Giao Thời ) học ở Marseilles, hiện sống ở ngoại ô Paris,  nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào. Rất Việt nam, đúng ra rất Nam Việt, với lối viết như người ta kể chuyện bên ly la de, bên tô hủ tíu, với những chữ nghen, chữ héng, chữ nghe…’’ Cần gì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà…’’ Dưới ngòi bút của một tác giả người Bắc, người Trung, gọi người đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn, ở Tiểu Tử, nó chỉ có sự thân ái.

Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Tiểu Tử đã chứng tỏ ngôn ngữ địa phương, cách diễn tả địa phương làm giầu cho văn hoá dân tộc. Cố gắng bắt chước lối diễn tả Hà Nội là một lầm lỗi, nó chỉ làm cái vốn văn hoá của ta nghèo đi (Sự thực Hà Nội ngày nay không còn gì là nơi văn vật, cái gì cũng ‘’đéo‘’. Còn báo Nhân Dân không? Đéo còn, chỉ còn Người Hà Lội).

Những giọt nước mắt

Văn chương là hư cấu, nhưng đọc Tiểu tử, người ta thấy cái chân thực, có cảm tưởng không có chi tiết nào là kết quả của tưởng tượng. Tất cả đều là những chuyện tác giả đã sống, hay đã nghe kể lại. Vả lại, ở Việt Nam, thực tế vượt xa tưởng tượng. Cái đau đớn, cái thảm kịch mỗi người Việt Nam đã, đang sống, không có người viết văn nào, giầu óc tưởng tượng tới đâu, có thể bịa ra. Trong ‘’Thầy Năm Chén‘’, ông thầy thuốc, suốt đời làm việc nghiã, bị cách mạng hành hạ, chuẩn bị cho con vượt biên. Khi giã từ con, ông đưa cho con, thằng Kiệt, ‘’một cái gói mầu đỏ đã phai màu, cột làm nhiều gút, nói : cho con cái ni (ông là người gốc Huế). Con giữ trong người để hộ thân.’’ Kiệt đến Cannada an toàn, một ngày dở cái gói của cha cho ngày vượt biển. Trong đó có ba cái răng vàng. Thầy Năm Chén, nghèo đói quá, đã cạy ba cái răng vàng cho con làm của hộ thân đi tìm đường sống ở xứ người. Độc giả hiểu tại sao từ ngày con đi, ông Năm Chén chỉ ăn cháo.

‘’Chiếc khăn mùi xoa‘’ có thể coi là điển hình cho truyện ngắn Tiểu Tử, trong đó có sự xúc động cao độ, đẫm nước mắt, với những nhân vật nhân hậu, giầu tình nghiã, những chi tiết éo le như một cuốn phim tình lãng mạn, nhưng đơn giản, chân thực.

Một người Việt tị nạn ở Pháp về thăm nhà, gặp những người bạn học cũ, trong đó có nhân vật chính, ‘’con Huê‘’, sự thực là một người đàn bà đã đứng tuổi. Ông ta kể lại : ‘’Con Huê tiễn tao ra cổng, đứng ngập ngừng một lát rồi bỗng nói một mạch, là lạ, như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ: Anh qua bên Tây, gặp anh Cương nói em gởi lời thăm ảnh. Nó nói rồi bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó đưa tay quệt nước mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con Huê nói với tao: Anh biết không, chị Huê thương anh Cương từ hồi còn nhỏ lận.  Người con gái ở quê mình nó thật thà, trung hậu đến mức độ mà khi trót thương ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là tự nhiên , phải có nước lớn nứơc ròng‘’.

Tiểu Tử viết chuyện tình âm thầm của người đàn bà từ ngày còn đi học, tới ngày nay đã bạc đầu, với người bạn trai ngày xưa tên là Cương, nhưng sóng gíó 75 đã khiến người đàn ông bỏ nước đi lánh nạn. Người con gái của ông Cương, đang sống ở Bruxelles, đọc truyện, cho tác giả hay bố mẹ đều đã qua đời. Trước khi chết, Cương dặn con gái: ‘’Con ráng tìm cách về Nhơn Hoà, Cầu Cỏ, trao cái này cho cô Hai Huê, nói ba không quên ai hết‘’. ‘’Cái này‘’ là một bao thư, trong đó có chiếc khăn mùi xoa cô Huê đã tặng Cương thời trẻ. Người con gái thấy thương bố, thương cô Hai Huê không cùng. Cô gái đi Việt Nam, một xứ xa lạ, tìm về Nhơn Hoà, Cầu cỏ, tìm người bà tên Huê để trao lại kỷ vật của người đã qua đời. Cô Hai Huê xỉu đi khi nghe tin người bạn xưa đã chết. Hai người đàn bà, một già, một trẻ ôm nhau khóc. Nếu bạn là người tưởng mình có tâm hồn sỏi đá vì đã sống, đã chứng kiến đủ mọi thảm kịch của đời sống, nhất là đời sống của một người Việt Nam, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình đang lau nước mắt.

Không Điên Cũng Khùng

Thế giới truyện ngắn của Tiểu Tử xoay quanh hai đề tài chính: những kỷ niệm về một Miền Nam hiền hoà, chất phác, nhân hậu ngày xưa, với những trò vui đùa nghịch ngợm của đám bạn bè trẻ, những mối tình mộc mạc của những người dân quê và, sau đó,  những đảo lộn sau 75, khi tai họa trên trời giáng xuống. ‘’Tất cả đều bị xáo trộn, bị nghịch lý đến nỗi tao sống trong đó mà lắm khi phải tự hỏi: làm sao có thể như vậy được‘’. Một xã hội vô tư , kể cả vùng quê, trở thành địa ngục. Chỉ còn hận thù, phản trắc, gian xảo, cướp đoạt, dối trá.

Những nhân vật của Tiểu Tử không còn cười đuà, vui chơi, dễ dãi nưã. Đó là những nhân vật đầy ưu phiền như ông Tư, như bà Hai, như thầy Năm Chén, như anh Bẩy, như bà Năm cháo lòng. Một xã hội đổ nát, rách bươm. ‘’Những người ‘’cách mạng’’ xông vào nhà, ngang nhiên hùng hổ, như một bọn cướp. Họ ‘’bươi ‘’ từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ sau ra trước… giống như gà bươi đống rác. Gặp gì kiểm tra nấy. Vậy rồi…hốt hết.‘’

Sau 75 , người ta truyền nhau một câu ca dao mới: Thằng khôn thì đã vượt biên. Những thằng ở lại không điên cũng khùng. Các nhân vật của Tiểu Tử, vốn là những người miền Nam hiền lành, dễ tin, yêu đời, nhiều người đã hết lòng với ‘’kháng chiến‘’, sau ‘’cách mạng’’, đều bị đàn áp, gia sản bị cướp đoạt trắng trợn trong những chiến dịch ‘’đánh tư sản mại bản‘,’ trở thành không điên cũng khùng.

Ông Tư ( trong IM LẶNG ) là người có gia sản ở Saìgòn, đã bí mật đóng góp tài chánh cho ‘’Giải Phóng’’. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, không những không được trả ơn, mà bị hành hạ, gia sản bị cướp sạch. ‘’Bỗng nhiên ông Tư nhận thức rằng tất cả những gì thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ cuả ông đang chờ đợi ông ở nhà‘’. Nhưng bà vợ tiếc cuả, uất hận vì bị cách mạng lưà gạt, suốt ngày đay nghiến trách móc chồng. Rốt cuộc hai vợ chồng tìm được cách chạy sang Pháp, nơi con trai ông đã được bố mẹ gởi đi du học, đã thành đạt, có nhà cưả sang trọng. Ông con hỏi bố ở chơi bao nhiêu ngày. Ông Tư nói ở lại luôn. Ông con nói, giọng đặc ‘’Việt kiều yêu nước’’: ‘’Ủa, sao lại ở luôn. Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên cổ mình hết; vậy mà ba má bỏ qua đây luôn. Thiệt là vô lý‘’. Ông Tư trở thành một người câm, không nói gì với ai nưã. Cho đến một hôm lầm lũi lội chết dưới  biển.

Bà Hai ( trong Thằng Đi Mất Biệt ), con cái chết, gia tình tan nát, suốt ngày ngồi chờ đưá con trai còn lại bị đưa đi cải tạo. ‘’Khi trời nắng ráo, bà đi tuốt ra ngoài vàm rạch, lên ngồi trên môi đất có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như vậy, khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám đông, mình cũng nhìn ra đươc nó liền hà‘’.

Thầy Năm Chén ( trong truyện cùng tên ) phòng mạch bị chiếm, con trai phải bỏ đi kiếm ăn. ‘’Chia tay nhau mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra cổng nghiã trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ người ta để ý. Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ chỉ thở dài là không ai để ý. Bởi vì ai cũng thở dài hết‘’.

Ông già bới rác ( truyện cùng tên ) là một ông già có công với ‘’cách mạng’’, bị cách mạng cướp hết không còn manh giáp, trở thành khùng, suốt ngày lang thang ngoài đường bới rác, ‘’tao bới rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng tao đã nuôi trong nhà.‘’

Trong Những Mảnh Vụn, người yêu ‘’đi chui  bán chánh thức‘’, nghiã là đi vượt biển do cán bộ tổ chức, biệt tăm, chắc mất xác vì tầu quá cũ bị chìm, anh Bâỷ suốt ngày, như một người mất hồn, đi qua lại tất cả những nơi ngày xưa hai người vẫn hẹn hò. ‘’Bẩy không biết mình đang đi lượm những những mảnh vụn của cuộc tình. Nếu không có cái ‘’ngày cách mạng thành công‘’ đã thật sự thành công trong nhiệm vụ đập nát tất cả những gì của miền Nam, kể cả những gì nhỏ bé nhứt, tầm thường nhứt như tình yêu của chàng trai và cô gái đó‘’.

Đọc Tiểu Tử, người ta không thể không xúc động. Nhưng văn Tiểu Tử cũng đầy nét khôi hài, những nhận xét ngộ nghĩnh. Phòng mạch của Thầy Năm Chén ‘’bịnh nhơn cũng vắng. Làm như người ta sợ quá rồi… quên bịnh. Trái lại, bên phía chuà thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như người ta chỉ còn biết… dựa vào Phật. ‘’. Qua vài nét chấm phá, ông ghi lại những cảnh trái tai gai mắt, những cảnh lố bịch của những người thắng trận. Những cảnh không biết nên cười hay nên khóc diễn ra trước mắt, mỗi ngày, chỉ cần ghi lại, không thêm thắt, bình luận. André Gide: Plus un humouriste est intelligent, moins il a besoin de déformer la réalité pour le rendre significative ( Một nhà khôi hài càng thông minh, càng không cần bóp méo sự thực để làm cho nó có ý nghiã ). Tiểu Tử không cần bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn luân thường diễn ra mỗi ngày, trước mắt.

Truyện ngắn Tiểu Tử, với lối hành văn dễ dãi, linh động là một cuốn tự điển sống của ngôn ngữ miền Nam thời chưa loạn. Đó là kho tàng quý, trong khi ở hải ngoại, chữ Việt càng ngày càng lai Tây, lai Mỹ; trong nước càng ngày càng lai Tầu, với những chữ, những lối nói ngớ ngẩn, đôi khi kỳ quái, khiến tiếng Việt không còn là tiếng Việt, báo hiệu một ngày người Việt không còn là người Việt. Truyện ngắn Tiểu Tử là những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, nụ cười trong những ngày bình an và ngay cả trong cơn đớn đau cùng cực. Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.

(Paris JAN 2015)

© Từ Thức

Đọc “Sự thật Hải chiến Hoàng Sa”

$
0
0

 

haichien
Thềm Sơn Hà, sĩ quan hải quân khóa 17 trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, vừa giới thiệu cuốn sách ông viết về trận hải chiến Hoàng Sa nhan đề “Sự thật Hải chiến Hoàng Sa 19 tháng 1 năm 1974” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt hôm Chủ nhật 11 tháng 12 , 2014. Thời điểm giới thiệu cuốn sách đúng lúc để đánh dấu kỷ niệm 41 năm tròn của trận hải chiến.
Cuốn sách được tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thứ trưởng bộ Giáo Dục VNCH viết lời giới thiệu, và cũng chính ông đích thân giới thiệu trong buổi ra mắt cuốn sách.

Từ lúc cuộc chiến xẩy ra đã có nhiều bài viết và nhiều cuộc phỏng vấn các nhân vật liên hệ bởi các chương trình Việt ngữ của các đài nước ngoài. Người được phỏng vấn nhiều nhất là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người có trách nhiệm về trận đánh. Năm 2010 Ủy Ban Hoàng Sa do cựu Thiếu Tá Hải Quân Trần Trọng Ngà (Khóa 12 SQ/HQNT) làm Trưởng Ban cùng với 7 Ủy viên khác đều là cựu sĩ quan hải quân cho xuất bản cuốn Hải Chiến Hoàng Sa.

Cho đến năm 2010, cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là tài liệu đầy đủ và nghiêm túc nhất về trận hải chiến lịch sử này. Chỉ có một thiếu sót là không có những tài liệu còn bảo mật về phía Hoa Kỳ.

Cuốn sách của ông Thềm Sơn Hà bổ túc sự thiếu sót này. Trong Lời Mở Đầu của cuốn sách ông Thềm Sơn Hà viết : “Tôi đã quyết định tu chính lại tất cả các bài tôi đã viết liên quan đến trận hải chiến Hoàng Sa để in thành sách với tựa đề “Sự Thật Hải chiến Hòang Sa”, sau khi nhận được tài liệu cuối cùng mà tôi đã chờ đợi sau gần 9 năm yêu cầu các cơ quan thuộc chánh phủ Hoa Kỳ cung cấp dựa trên đạo luật FOIA (Freedom of Information Act). Và đó là phần giá trị nhất của cuốn sách “Sự Thật Hải chiến Hòang Sa”.

Tuy nhiên tôi có cảm tưởng rằng có nhiều điều qua các tài liệu mật tác giả có được do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp tác giả thấy hoặc thoáng thấy nhưng không tiện viết ra.

1. Câu chuyện của ông đại úy Gerald Kosh người được tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng gởi theo tàu hải quân ra Hoàng Sa và có mặt tại đó khi trận đánh diễn ra vẫn úp úp mở mở. Sau khi đượcTrung quốc trả tự do ông ta có viết một báo cáo dài, nay đã được công bố không thấy tác giả ghi lại. Mặc dù bộ Ngọai giao Hoa Kỳ đã phủ lên câu chuyện ông Kosh lờ mờ như chuyện đi chơi, nhưng ai cũng biết ông có một vai trò tình báo.

2. Tác giả không nói rõ việc Hoa Kỳ không cứu vớt thủy thủ HQVN trôi dạt trên biển, một thái độ khó biện minh đối với một đồng minh.

3. Tác giả có ghi lại sự kiện các phi đội Không quân VN vào ngày 21/1/1974 đã sẵn sàng tại căn cứ Không quân Đà Nẵng để ra Hoàng Sa oanh tạc các đơn vị Trung Cộng chiếm đóng đảo và sau đó lệnh hành quân được hủy bỏ. Tác giả không nói lý do tại sao hủy bỏ.

4. Ngày 23/1/1974 TT Nguyễn Văn Thiệu gởi thư yêu cầu TT Nixon yểm trợ “vật chất và chính trị” trước biến cố trên Biển Đông. Sự yêu cầu này nhắm tới ý của TT Thiệu muốn chiếm một số đảo tại Trường Sa. Mấy tuần sau ông đại sứ Martin đã đến trả lời miệng rằng Hoa Kỳ không tán thành những gì TT Thiệu định làm vì e ngại những phản ứng không kiểm soát được của Trung quốc trong đó có vấn đề Hoa Kỳ đang vận động thả tù nhân Mỹ, Việt Trung Quốc bắt tại Hoàng Sa. Tại sao Hoa Kỳ quá lo lắng về phản ứng của Trung Quốc như vậy? Giả thuyết là có một sự sắp xếp giữa hai bên “trên đầu của VNCH” và có thể cả “trên đầu của chính phủ Cộng sản tại Hà Nội”.

5. Sự sắp xếp đó có thể thấy qua cuốn hồi ký chính trị “Years of Upheaval” (Những Năm Tháng Biến Động) của ông Henry Kissinger. Ông Kissinger (lúc đó là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ) thuật lại rằng trong chuyến công du Trung quốc ngày 10 tháng 11 năm 1973 để thảo luận tình hình thế giới với hai ông Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, hai bên quan tâm nhất đến sự bành trướng thế lực của Nga Xô. Ngoại trưởng Kissinger viết, trong một cuộc thảo luận giữa ông với hai ông Chu và Mao, Mao đồng ý với nhận định của ông Chu rằng Nga xô là mối đe dọa lớn nhất của Trung quốc [Mao went along cheerfully with Zhou’ s implications that the Soviets were now the principal threat... (“Years of Upheaval”, trang 689) ]. Trước đó trong một đoạn tóm tắt mục đích và kết quả của chuyến công du ông Kissinger viết rằng quan tâm chung của ông và ông Chu là tình hình thế giới. Ông cho biết báo chí quốc tế tường thuật chuyến công du của ông tại Trung quốc không thuận buồm xuôi gió vì vấn đề Đài Loan, nhưng thực ra đây là chuyến đi thành công nhất của ông. Hoa Kỳ và Trung quốc đã đạt đến một cái nhìn chung làm cho hai nước thắt chặt mối thân hữu, và vì những lý do tế nhị đối với Nga Xô không thể tiết lộ được.

[Following the now well-established practice the heart of the visit was a detailed review of the international situation by Zhou and me, together with our senior associates... Our ties were cemented not by formal agreements but by a common assessment of the international situation... Most of our conversations, as usual, traced our shared analysis of the world situation, though for equally obvious reason of Soviet sensitivities we could not announce that fact either (“Years of Upheaval”, trang 684) ]. Qua những dòng chữ trên, có lẽ có một thỏa thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để Trung quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó Hoa Kỳ biết trước sau Hà Nội cũng chiếm Nam Việt Nam và không muốn Liên bang Xô Viết qua đồng minh Hà Nội dùng Hoàng Sa và Trường Sa dòm ngó eo biển Malacca. Trung quốc (đồng minh chiến lược) đóng chốt ở Hoàng Sa chận đường Nga là một nước bài đắc ý của Kissinger .

Các sự việc diễn ra sau đó giải thích giả thuyết này. Một tháng sau khi ông Kissinger rời Bắc Kinh, hải quân Trung quốc lén lút đổ quân lên chiếm một số đảo trong quần đảo Paracels. Và trong trận đụng độ giữa hải quân Trung quốc và hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/1/1974 hạm đội 7 của Hoa Kỳ đứng né ra ngoài. Hạm đội Hoa Kỳ tránh cả việc cứu vớt thủy thủ Việt Nam bị trôi dạt trên biển dù có lời yêu cầu chính thức của Việt Nam Cộng Hòa. Hải quân Trung quốc sau khi đánh bại hạm đội Việt Nam Cộng Hòa đã không truy kích để cho hạm đội VNCH an toàn trở về căn cứ Đà Nẵng (xem bài Trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa của đại tá Hà Văn Ngạc). Nhưng Hoa Kỳ đã can thiệp để các thủy thủ và quân nhân bị bắt được đối đãi tử tế và trả về trong một thời gian ngắn. Riêng ông Kosh nhân viên tình báo Hoa Kỳ tháp tùng quan sát bị bắt cũng được trả tự do trong vòng một tháng. Bài viết của đại tá Hà Văn Ngạc ghi nhận rằng trong thời gian trước khi hai bên nổ súng Trung quốc hết sức hòa hoãn. Có lẽ Trung quốc nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ thuyết phục được Việt Nam Cộng Hòa bỏ quần đảo Paracels. Khi hải quân Việt Nam đổ bộ lên tái chiếm các hòn đảo nhỏ chung quanh đảo Hoàng Sa mà Trung quốc đã chiếm mấy tuần trước đó họ đã bỏ đi không chống cự. Nhưng sau khi biết Hoa Kỳ không thuyết phục được tổng thống Thiệu bỏ Paracels, Trung quốc dùng sức mạnh.

Cũng còn những góc khuất về trận Hoàng Sa chưa có tài liệu nghiên cứu đến. Vai trò của Đô Đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải Quân chẳng hạn. TT Thiệu có thảo luận trực tiếp với ông không? Bộ Quốc Phòng có chỉ thị gì không? Và trong ngày 19/1 khi súng nổ ngoài Hoàng Sa ông đang làm gì? Vai trò của ông Tư Lệnh Hải quân trong trận hải chiến hết sức lờ mờ. Hình như ông muốn tránh ra ngoài cuộc chiến. Với quan hệ gần như huynh đệ với Đô Đốc Zumwalt thời gian ông Zumwalt làm cố vấn cho HQVN trong giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh, có thể Đô Đốc Chơn biết Hoa Kỳ có chương trình bỏ Hoàng Sa cho Trung Quốc, và không muốn làm gì để trái với kế hoạch của Hoa Kỳ mà trên thực tế ông biết cưỡng lại cũng không được.
Ông Thềm Sơn Hà trong cuốn Sự Thật Hải chiến Hòang Sa không đặt bất cứ một câu hỏi nào về cách hành xử và thời biểu làm việc khó hiểu của ĐĐ Chơn trong ngày 19/1. Ông chỉ nêu ra một sự việc do Đại úy Lê Văn Thự, Trung Tâm trưởng Trung tâm Hành Quân Vùng 1 Duyên Hải thuật lại là ĐĐ Chơn đã khóc khi được báo cáo HQ 10 chìm, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương.

Một vấn đề khác là viết từ miền Nam và hải ngoại trận Hoàng Sa lúc nào cũng được miêu tả là một trận chiến oai hùng của chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh để bảo vệ bờ cỏi mà không đào sâu về những khiếm khuyết khác. Cuốn sách của ông Thềm Sơn Hà cũng không đi ra ngoài thông lệ đó .

Đầu năm 2014 kỷ niệm 40 năm trận Hoàng Sa, ông Bill Hayton, một nhà sử học làm việc cho đài BBC của Anh xuất bản cuốn “The South China Sea” trong đó ông miêu tả lại với khá đầy đủ chi tiết trận hải chiến Hoàng Sa. Trước khi cuốn sách được chính thức xuất bản ông Hayton viết một tài liệu tóm tắt các diễn biến chung quanh trận đánh phổ biến (ngày 2/2/2014) trên BBC Việt ngữ online.

Ông viết: “Nhân kỉ niệm lần thứ 40 vừa qua, đã có hàng loạt các bài báo viết về trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 và lòng dũng cảm của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy vậy, lại có ít thảo luận về điều thực sự diễn ra trong trận chiến”. Và sự thật qua sự nghiên cứu của ông Bill Hayton trận hải chiến Hoàng Sa không phải là màu hồng .

Ông kết luận “Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa”

Bài viết của ông Hayton đã tạo ra nhiều phản ứng trong giới Hải quân VNCH từng nghiên cứu về trận Hoàng Sa, cho rằng ông Hayton có ý mạ lỵ Hải quân VNCH. Lối hành văn của ông Bill Hayton có vẻ mạ lỵ, nhưng sự thật lịch sử của nó vẫn cần được quan tâm.

Với cuốn Sự Thật Hải chiến Hòang Sa ông Thềm Sơn Hà đã làm một công việc đáng ca ngợi là đào sâu thêm vào biến cố Hòang Sa với những tài liệu ông yêu cầu bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (phải) cung cấp cho ông. Cuốn sách là một thành công của tác giả mặc dù về phương diện trình bày ông đưa vào quá nhiều chi tiết đặc tính của các chiến cụ (chiến hạm, máy bay …) không cần thiết.

Và lúc này tác giả có quyền theo gương Phạm Thái trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ chúc bầu rượu hát nghêu ngao:

Tầm tay ta với không vừa.
Mộng cao chi lắm, xin chừa từ đây .
Nước sông có lúc vơi đầy,
Ta về hưu, uống rượu say quên đời!

(Thơ Thềm Sơn Hà)

Sự Thật Hải chiến Hòang Sa – Trang 4

Jan . 17, 2015

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt

 

Lời mở đầu cho sách Nhận Định, Tự Do và nhân Quyền

$
0
0

Nhan Dinh HTV

Tôi không được dạy để trở thành một người viết chuyên nghiệp. Ngay từ những ngày đầu cầm bút, tôi chỉ tâm niệm một điều: viết xuống những điều mình thực sự suy nghĩ, để chia sẻ quan điểm đối lập với nhà cầm quyền độc tài của một người trẻ trong bối cảnh hoàn toàn không có tự do ngôn luận ở Việt Nam. Từ những ngày đó, tôi đã luôn chuẩn bị tinh thần và mang tâm thế sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho mình. Vậy nên, dù bản thân và gia đình bị trù dập nhiều lần, tôi không thấy đó là những chướng ngại trong việc tiếp tục bày tỏ quan điểm khác biệt của mình.

Tôi không xem việc viết lách như là một nghề nghiệp. Một cách chính xác, viết lách đối với tôi chưa bao giờ là một nghề nghiệp. Vì nghề nghiệp là thứ qua đó chúng ta có thể nuôi sống bản thân và chu cấp cho gia đình. Hoàn toàn ngược lại, việc bày tỏ quan điểm qua các bài viết đã lấy đi của tôi khá nhiều thứ. Viết là một đam mê của tôi, một thứ gì đó không phải là phương tiện để nuôi sống thân xác này, mà là nguồn thức ăn vô hình nuôi dưỡng tâm hồn tôi và nâng đỡ tôi mỗi khi tôi yếu lòng, giữ cho tôi thấy mình hữu ích và cho tôi cơ hội nhận thấy đầy đủ phẩm giá của mình như một người tự do. Phẩm giá, điều mà người ta vừa chào đời đã có, nhưng hằng ngày hàng giờ trong từng góc xa xôi của thế giới, nó bị chà đạp một cách đáng xấu hổ.

Tôi được gọi là blogger bất đồng chính kiến, nhưng tôi tự nghĩ rằng mình không blogging. Tôi không thể viết nhiều và thường xuyên. Tôi cũng không có thời gian để chăm sóc blog của mình như cách như blogger khác thường làm. Nhưng tôi thực sự thấy mình may mắn, vì tôi biết rằng qua việc viết lách này, tôi đã có được những bằng hữu thật đặc biệt và đáng kính. Họ vừa là bạn, vừa là thầy. Vậy nên tôi vui vẻ nhận lấy bất cứ cách gọi nào người ta đặt cho tôi, ngoại trừ những lời bôi nhọ của đội quân tuyên truyền nhà nước cộng sản.

Tôi từng chia sẻ với chồng tôi: Không hiểu sao, em có thể làm nhiều thứ khác ngoài chuyện viết lách; nhưng dù có làm việc bận rộn quanh năm suốt tháng, em cũng cảm thấy vô vị và như là mình không làm được gì cả, cho đến khi em mở máy tính ra và gõ từng con chữ xuống. Và sự thật rằng, tôi không thể đưa tâm trí mình tập trung hoàn hoàn để suy nghĩ nghiêm túc về bất cứ vấn đề gì, nếu tôi không ngồi xuống và gõ. Trong lúc gõ từng con chữ trên bàn phím, tôi có thể chạm tới những góc thầm kín và đầy ưu tư của mình; và cũng chính lúc đó những suy luận thấu đáo nhất mới được chạm tới.

Trong cuộc đời này, chưa ở đâu tôi có thể nhận thấy phẩm giá của mình được tôn trọng như khi tôi viết. Bởi lúc đó, tôi có được cái tự do quý giá mà nhiều người khác trên xứ sở độc tài này không thể có hoặc không dám có: Tự do. Dù tự do đó phải đánh đổi bằng bình an thường nhật của tôi và gia đình; nhưng tự do quý giá đến độ chúng ta không thể có được nó mà không phải chiến đấu và khi đã một lần đạt được nó (dù chỉ một phần),chúng ta không thể từ bỏ, chúng ta không thể lùi bước. Không có gì trong cuộc sống này cao quý hơn tự do. Có an toàn, chúng ta có điều kiện để có được những thứ khác như của cải, chức tước…nhưng nếu có được tự do, chúng ta sẽ có mọi thứ một cách xứng đáng nhất. Nhân quyền và Nhân phẩm chỉ có được khi tự do tồn tại. Chỉ với Nhân quyền và Nhân phẩm, con người tự do mới được xác định là Người.

Quả thật, tôi may mắn vì là người viết. Càng có kinh nghiệm trong việc viết lách tôi càng thận trọng hơn với những gì mình viết ra. Những điều tôi viết có thật sự hữu ích, đúng đắn và tử tế? Những gì tôi viết có phải là phương cách để tôi thuyết phục người khác, cố gắng để người khác tin điều mình nói là đúng và ủng hộ mình? Không, những điều tôi viết thực sự là điều tôi tin và tôi phải thuyết phục chính mình trước khi định thuyết phục mọi người. Nghĩa là, từ trong sâu thẳm tâm tư và tư duy của mình, tôi biết hoặc tin một điều thì tôi mới viết ra để chia sẻ với mọi người. Tôi không viết nhằm khuyến dụ mà là để làm sáng tỏ vấn đề mà tôi cho là cần thiết. Tôi không viết nhằm quy tụ nhiều người tung hô và ủng hộ, mà tôi viết để chia sẻ tâm tư, như cách những người bạn tâm giao thường làm với nhau. Tôi không nói điều gì đó để kích động những vết thương thầm kín, để chạm tới những ngóc ngách dễ tổn thương và kích động nhất của con người, đặc biệt là đám đông suy nghĩ và hành động thiên về cảm xúc chứ không duy lý (như về chủ nghĩa dân tộc cực đoan chẳng hạn). Tôi viết và mong nhận được những ý kiến chia sẻ, để từ những thiếu hụt trong lý luận của mình, tôi trưởng thành hơn. Năm năm cầm bút không là một thời gian đủ dài để tôi làm tốt công việc này, những nó không ngắn để tôi nhận ra được tính nước đôi của ngôn ngữ và khoảng cách rất lớn giữa điều người ta viết và những việc họ làm. Bởi vậy tôi cố gắng để chân thành nhất có thể trong từng câu viết của mình, và tôi cũng nỗ lực để xứng đáng với những lời mình viết.

Trong cuộc đấu tranh gian khổ và dai dẳng với chế độ độc tài cộng sản, có thể đối với một vài phe nhóm chính trị, sự giải thể chế độ độc tài này cùng với sự chiến thắng của phòng trào dân chủ, đồng nghĩa với sự kiện rằng họ sẽ lên thay thế đảng cộng sản cầm quyền. Tất nhiên điều đó hữu lý nhưng vấn đề ở đây chính là cách thức hành động của họ. Họ có thể không tiếc lời để hô hào người ủng hộ, khơi động những tình cảm tập thể có lợi cho các mục tiêu của họ. Họ nói rất nhiều về dân chủ nhưng các phương cách họ làm thật phi dân chủ, bất công và dối trá. Tôi luôn tâm niệm rằng: không có mục tiêu nào tốt có thể đạt được bằng các phương tiện xấu ác. Trong khi, đảng và nhà nước cộng sản có nguồn nhân lực và tài nguyên quốc gia, có súng, xe tăng, nhà tù và bộ máy tuyên truyền dối trá… những người đang đấu tranh cho Dân chủ tự do và Nhân quyền tại Việt Nam không có gì ngoài chính nghĩa; và chính nghĩa đó đến từ sự thật, tự do và công lý. Không cố gắng để trau dồi và gìn giữ những giá trị đó, chúng ta sẽ thua chế độ độc tài ngay từ đầu.

Tôi không viết đủ nhiều và đủ tốt để mong các bài viết của mình được xuất hiện trang trọng trong một cuốn sách. Dù những lời lẽ đó xuất phát từ những ưu tư sâu kín nhất của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ nó đủ giá trị để được in thành sách. Nhưng sự yêu thương mà quý thân hữu Việt Thức (một sáng hội phi đảng phái và phi lợi nhuận) dành cho tôi và sự quý trọng mà tôi dành cho họ được thể hiện qua tập sách và việc in ấn này. Những hỗ trợ mà quý thân hữu dành cho tôi quá quý giá đến nỗi mọi lời cám ơn đều sáo rỗng. Nhưng xin cho tôi một lần nữa được gởi lời tri ân quý vị vì tất cả.

Cuốn sách này cũng là lời tri ân của tôi đến tất cả quý bằng hữu người Việt khắp nơi trên thế giới và trong quốc nội Việt Nam. Sự cổ vũ của quý vị đã thực sự tiếp thêm sức mạnh để tôi tiếp tục nắm lấy và thực hiện quyền tự do căn bản của mình: Quyền tự do bày tỏ quan điểm. Xin chân thành cám ơn quý vị.

© Huỳnh Thục Vy

Huỳnh Thục Vy, NHẬN ĐỊNH, TỰ DO & NHÂN QUYỀN, do Cơ Sở VIỆT THỨC xuất bản & sẽ phát hành trong tháng 4 năm 2015. Mời Quý Vị, Quý Độc Giả đón đọc.

Điểm phim: Những thông điệp của “Last Days in Vietnam”

$
0
0

thelast

Giới thiệu: Phim “Last Days in Vietnam”- Những ngày cuối cùng ở Việt Nam

Đạo Diễn: Rory Kennedy; kịch bản/ câu chuyện: Mark Bailey và Keven McAlester; Giám đốc hình ảnh: Joan Churchill; biên tập: Don Kleszy; Giám đốc âm nhạc: Gary Lionelli; Giám đốc sản xuất: Rory Kennedy và McAlester; Phát hành: American Experience Films/PBS. Phim dài: 98 phút.

Nữ Đạo diễn Rory Elizabeth Katherine Kennedy của phim “The Last Days in Vietnam” được biết tiếng qua nhiều phim tài liệu như Ethel (2012), nói về cuộc đời của bà Ethel Kennedy, mẹ của nữ đạo diễn Rory, phim Ghosts of Abu Ghraib – Bóng ma của Nhà tù Abu Ghraib (2007) và American Hollow (1999). Bà đã đạo diễn hơn 30 bộ phim tài liệu và từng đoạt giải Emmy.

Bà lập gia đình với ông Mark Bailey năm 1999 và hiện có 3 người con. Chồng bà là tác giả kịch bản của cuốn phim này.

Rory là ái nữ của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, gọi cố Tổng Thống John F. Kennedy là bác ruột. Là con gái út của TNS Robert Fitzgerald Kennedy và bà Ethel Kennedy, Rory Kennedy ra đời 6 tháng sau khi cha bị ám sát vào tháng Sáu năm 1968. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy lúc bấy giờ mới 42 tuổi, được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ, có triển vọng chiếm được chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thời ấy.

Một chi tiết khác có liên quan tới nữ đạo diễn Rory là John Kennedy Junior, con trai duy nhất của cố Tổng Thống Kennedy và Đệ Nhất Phu nhân Jackie Bouvier Kennedy, đã thiệt mạng cùng với vợ Carolyn Bessette-Kennedy, và chị vợ Lauren Bessette, khi John lái máy bay đến Martha Vineyards dự lễ cưới của cô em họ, giờ là nữ đạo diễn Rory Kennedy.

Phim “Last Days in VN” kể lại một cách hấp dẫn, hồi hộp từng thời điểm xung quanh cuộc di tản quân sự trong năm 1975 tại Sài Gòn. Vào những giờ phút cuối cùng hỗn loạn của chiến tranh Việt Nam, quân đội Bắc Việt áp sát vào Sài Gòn, giữa lúc dân chúng miền Nam Việt Nam hoảng hốt ra sức tìm cách trốn thoát, các sĩ quan, binh sĩ và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phải đối diện với một tình thế khó xử về mặt đạo đức: một là tuân lệnh của Tòa Bạch Ốc đòi chỉ di tản các công dân Mỹ mà thôi, nếu không thì gặp phải nguy cơ bị buộc tội phản quốc; hai là cứu sống nhiều công dân Việt Nam Cộng Hòa theo khả năng của họ. Với thời gian quá gấp rút, và thành phố nằm dưới hỏa lực của địch quân xâm lược, một nhóm anh hùng bất ngờ xuất hiện khi những người Mỹ và những người miền Nam Việt Nam tự tay giải quyết các vấn đề sinh tử của mình trong tình nhân bản, cưu mang giữa con người với con người, bất chấp lệnh trên và có thể bị mất việc, bị truy tố vì những nghĩa cử này, thậm chí còn có thể bị nguy hiểm tới tính mạng.
—————
Nhận xét:

Phim tài liệu “Last Day In Vietnam” mang một số thông điệp của người Mỹ nhìn về ngày 30 tháng 4 của 40 năm về trước. Có thể nó khác với cách nhìn của một số người Việt Nam, nhưng điểm chính rất tuyệt vời của cuốn phim mà ai cũng phải nhìn nhận là nói lên TÌNH NGƯỜI trong giai đoạn khó khăn, cấp bách, nguy hiểm nhất – những ngày cuối cùng của cuộc chiến Quốc-Cộng tang thương kéo dài 20 năm trên đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, cảm nhận của tôi về cuốn phim rất xúc động mà hầu hết ai xem phim cũng nhỏ lệ là:

Chính nghĩa của dân tộc, của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được phục hồi khi nói lên cái ác và bất tín của cộng sản Việt Nam (CSVN). Đồng thời, phơi bày sự thật về lý do tại sao VNCH thất trận, đó là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ chứ không phải do VNCH hèn nhát, tháo chạy như dư luận tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới đã từng hiểu lầm do bị ảnh hưởng của phong trào phản chiến.

Can đảm đưa ra nhận thức là chính Hoa Kỳ đã bỏ rơi VNCH để đưa đến tình trạng kết thúc tang thương tại Việt Nam mà hệ quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Phê phán Hiệp Định Paris là một “kiệt tác của hỏa mù” và nói lên những trí trá của phía CSVN cũng như những ký kết vô trách nhiệm của Hoa Kỳ.

Tinh thần trách nhiệm, bác ái, can trường của nhiều người Mỹ cũng như Việt trong cuộc di tản, sẵn sàng hy sinh cá nhân mình vì người khác.
Bài học lịch sử cho Hoa Kỳ – như lời chia sẻ của Đạo diễn Rory Kennedy: Trước khi mình dấn thân vào một cuộc chiến, phải nghĩ tới sách lược thoát ra các cuộc chiến đó như thế nào để là một kết thúc có hậu.

Bài học lịch sử cho Việt Nam: Luôn lấy sức mình/sức mạnh dân tộc làm chính. Quốc gia nào cũng đặt ưu tiên quyền lợi dân tộc họ; do đó họ chỉ hợp tác khi có tương quan quyền lợi và sẵn sàng bỏ rơi chúng ta khi cần. Cần thực tế hóa và không lý tưởng hóa tương quan với các quốc gia bạn; vận động sự hợp tác quốc tế trên căn bản “tương quan quyền lợi”.

Cuốn phim không cho phía cộng sản Việt Nam có tiếng nói. Ngược lại, nói lên được cái ác của CSVN và sự cảm thông với người dân miền Nam Việt Nam qua lời chia sẻ của một vị đại tá Mỹ: “Người dân miền Nam có đủ lý do để khiếp sợ Cộng Sản Việt Nam. Hành vi của Cộng sản trong suốt cuộc chiến là bạo lực và không hề khoan nhượng. Thí dụ khi thành phố Huế bị Bắc Việt chiếm, nhiều ngàn người có tên trong sổ đen dày cộm của họ đã bị triệu tập, thầy giáo, công chức, những người mang danh chống cộng đã bị xử tử, thậm chí trong một số trường hợp họ bị chôn sống.”

Ngay cả hình ảnh mà đạo diễn Rory Kennedy đã tài tình lồng vào: hình ảnh nhuộm đỏ Việt Nam như một dòng suối máu lan theo  bước chân thôn tính của CSVN – cũng nói lên được nguy cơ vào giai đoạn chót, và sự đe dọa kinh hoàng của một chế độ độc ác.

Ghi nhận những phi công, sĩ quan Việt Nam can đảm, tài giỏi, yêu nước qua hình ảnh tiêu biểu của một số vị. Nói lên được sự thông cảm và thương cảm đối với người dân miền Nam Việt Nam.

Đoạn cuối, cuốn phim đã ghi chú về chính sách tù “cải tạo” tàn bạo của CSVN: “Đối với những người bị bỏ rơi, hàng trăm ngàn người bị đưa vô trại học tập cải tạo. Nhiều người đã bỏ mạng vì bệnh tật và đói khát. Một số không rõ bao nhiêu người bị xử tử.”

Chính vì những ưu điểm này mà cuốn phim đã được đồng bào hải ngoại đón nhận nhiệt liệt, dù vẫn có những ấm ức là cuốn phim chưa nói lên được hết những đau thương mà nhiều người  phải gánh chịu kể từ sau cái ngày tan đàn xẻ nghé 30-4-1975, chưa nói lên được đầy đủ những gương anh hùng của quân cán chính VNCH, những hình ảnh tuẫn tiết của các vị tướng VNCH, và chưa lột hết được sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ.

Nhưng có cuốn phim nào mà nói lên hết được tất cả những u uất, thống khổ, thương tâm của cuộc chiến Quốc-Cộng mà dân tộc chúng ta đã phải gánh chịu, và ngay cả giai đoạn đau thương sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm qua?

Dẫu sao, cuốn phim đã nói lên được phần nào những điểm son để phục hồi sự thật, để rút tỉa kinh nghiệm, để vinh danh giá trị nhân bản và tình người trong một trang sử cận đại mà hệ lụy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.

Điểm đáng khen và bổ túc cho cuốn phim là nỗ lực của đài PBS trong dự án “First Days in America” để dư luận được lắng nghe tiếng nói của chính nạn nhân cuộc chiến, những người Việt Nam đã di tản sang Hoa Kỳ chia sẻ về những kinh nghiệm phấn đấu của mình và gia đình cùng tâm tư qua đoạn đường đã trải.

Với hầu hết những chia sẻ về “Last Days…” là những lời khen, từ các nhà bình luận/điểm phim chuyên nghiệp Mỹ – Việt, cho tới đồng bào chúng ta sau khi xem phim, chúng tôi xin trích lại đây một số những bình phẩm tiêu biểu để giới thiệu cuộn phim tới đồng bào.(xem bản đính kèm)

Chính vì những giá trị của cuốn phim mà tôi đã nhận lời nằm trong ban dịch thuật để PBS có thể phụ đề tiếng Việt cuốn phim gởi tới cho đồng bào Việt Nam ở khắp nơi (ngay cả trong nước hy vọng đồng bào chúng ta cũng có thể xem qua mạng Internet hay DVD).

Đài PBS (Public Broadcasting Service) sẽ trình chiếu phim “Last Days in Vietnam” vào ngày 28-4-2015 nhân dịp tưởng niệm 40 năm biến cố 30-4-1975 trên toàn bộ hệ thống khắp Hoa Kỳ; và những ngày trước đó, cũng có những chia sẻ của đồng bào chúng ta trong loạt tâm tình “First Days in America”. Những tâm tình này cũng được lưu trữ trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress). Phim “Last Days in VN” cũng sẽ ra DVD vào cuối tháng 4, 2015. Bà Kennedy cho biết phim “Last Days in VN” đã gửi đến một số dân cử quốc hội, và năm 2015 kỷ niệm 40 năm cuộc di tản, lúc đó chính giới sẽ chú ý đến phim nhiều hơn.

“Last Days in VN” đã được Academy Awards đề nghị giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2015. Không biết phim có nhận được giải Oscar vào tháng 2 này hay không, nhưng tôi nghĩ “Last Days in Vietnam” đã thắng giải Oscar trong trái tim của nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi.

22 tháng 1, 2015

Trần Diệu Chân

(Tác giả gửi đăng)


Bản dịch tiếng Anh “Giải Khăn Xô Cho Huế” của Nhã Ca

$
0
0

Giới thiệu sách mới

Tác phẩm “Giải Khăn Xô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca đã ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969 tại Việt nam. Năm 1970, tác phẩm này được Giải thưởng Văn học Việt nam. Và vào năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 40 năm vụ Thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế (1968 – 2008), tác phẩm cũng lại được tái bản tại hải ngọai.

Vào tháng 8 năm 2014 vừa qua, bản dịch Anh ngữ lần đầu tiên do dịch giả Olga Dror thực hiện đã được ra mắt với công chúng. Và vào ngày 25 tháng Hai năm 2015, tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror sẽ cùng có mặt trong buổi Giới thiệu bản dịch Anh ngữ này tại Thư viện Doe Library thuộc Đại học Berkeley, California.

khanxo

Xin ghi chi tiết về tác phẩm này như sau:
Mourning Headband For Hue
by Nhã Ca
An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968
Translated and with an Introduction by Olga Dror
Indiana University Press – 2014
Sách dày 378 trang, giấy trắng, khổ chữ 12, bìa cứng
Đối với phần đông độc giả người Việt, thì tôi nghĩ khỏi cần ghi lại chi tiết cuốn sách này bởi lẽ ai ai thì cũng đều có dịp đọc trực tiếp qua nguyên tác rồi. Do đó, trong bài giới thiệu này, tôi sẽ trình bày một số điểm nổi bật trong ấn bản tiếng Anh – đặc biệt là bài Giới thiệu ở đầu cuốn sách dài đến trên 50 trang với rất nhiều chi tiết độc đáo của dịch giả Olga Dror.

I – Sơ lược về tiểu sử dịch giả Olga Dror.

Olga Dror sinh trưởng tại thành phố Leningrad, Liên Xô trong một gia đình gốc Do Thái. Bà chọn học về Ngôn ngữ và Văn hóa Việt nam, đã có văn bằng Cao Học về Đông phương học tại trường Đại học Quốc gia Leningrad năm 1987. Sau đó theo học chuyên sâu tại Viện Ngôn ngữ thuộc Hàn lâm viện Khoa học tại Moscow. Bà làm việc cho bộ phận phát thanh về Việt nam của Đài Phát Thanh Moscow.

Năm 1990, Olga di cư về Do Thái. Tại đây bà học thêm về môn Bang giao Quốc tế tại Đại học Hebrew. Sau đó bà làm việc cho Bộ Ngọai giao Do Thái tại sứ quán Do thái ở thủ đô Riga, nước Latvia.

Qua Mỹ, bà tiếp tục nghiên cứu về Việt nam và năm 2003 đậu thêm văn bằng Tiến sĩ tại Đại học Cornell. Hiện Olga Dror là Giáo sư Phụ tá giảng dậy về Lịch sử tại Đại học Texas A&M, Texas. Phu quân của bà là Giáo sư Keith Taylor người Mỹ dậy học ở Đại học Cornell và cũng là một học giả nổi tiếng chuyên về Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.

Olga Dror còn là tác giả cuốn sách viết về Công chúa Liễu Hạnh có nhan đề “Cult, Culture and Authority : Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History” được nhà xuất bản Đại học Hawaii ấn hành năm 2007. Và bà còn là người biên tập cho hai cuốn sách về Tôn giáo ở Việt nam và Trung quốc. Hiện bà đang nghiên cứu về vấn đề giáo dục giới trẻ ở cả hai miền Bắc và Nam Việt nam trong giai đọan chiến tranh 1965 – 1975.

Nhân tiện cũng xin ghi vài dòng về nhà xuất bản Đại học Indiana, là nơi có một tủ sách chuyên xuất bản những tác phẩm nghiên cứu về chiến tranh Việt nam. Và vào năm 2012 cơ sở này cũng đã cho ấn hành cuốn Hồi ký viết trực tiếp bằng Anh ngữ của tác giả Nguyễn Công Luận với nhan đề là : “Nationalist in the Vietnam Wars : Memoirs of a Victim Turned Soldier”. Olga Dror cũng đã viết bài điểm sách bằng tiếng Anh khá chi tiết về cuốn này và chính tôi người viết bài này cũng đã có dịp giới thiệu sách với bạn đọc người Việt trước đây nữa.

II – Đánh giá của giới nghiên cứu và nhà báo về tác phẩm.

Các giáo sư Trần Huy Bích, Nguyễn Ngọc Bích cũng như nhà báo Phan Tấn Hải đều đánh giá cao công trình chuyển ngữ rất công phu do Olga Dror thực hiện về cuốn Giải Khăn Sô cho Huế từ nguyên tác tiếng Việt qua tiếng Anh.

Gs Trần Huy Bích viết : “Đây là một cuốn sách giá trị, một trong những tác phẩm xuất sắc và đắc ý nhất của nhà văn/nhà thơ Nhã Ca. Dịch giả Olga Dror là một học giả người Nga, rất uyên bác và rất giỏi tiếng Việt …”

Nha sĩ Cao Minh Hưng viết : “Một cuốn sách mà quý vị phụ huynh nên mua cho các cháu sinh ra và lớn lên ở hải ngọai đọc để hiểu thêm về sự thật của Tết Mậu Thân 1968 …”

Nhà báo Đinh Từ Bích Thúy trên báo Damau.org và nhà báo Ngọc Lan trên báo Người Việt đều đã viết bài giới thiệu rất đày đủ về tác phẩm này – kể cả phần phỏng vấn tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror.

Nhà báo Phan Tấn Hải thì nói : “Bài giới thiệu của Olga Dror viết rất kỹ, đề cập đến nhiều khía cạnh của vấn đề với sự thận trọng và tinh thần trách nhiệm mà không ai có thể bắt bẻ chê trách vào đâu được…

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thì nói: “Chúng ta cần phải cho dịch ra ngọai ngữ thật nhiều cuốn sách và tài liệu quan trọng như thế này – để mà có thể đi sâu vào dòng chính của văn học thế giới…”

Các đại học và nhà xuất bản ngọai quốc đều lên tiếng đánh giá cao và khen ngợi tác giả và dịch giả của tác phẩm này – như mọi người chúng ta đều có thể dễ dàng tìm đọc trên Internet.

III – Tóm lược mấy ý chính trong bài Giới thiệu của dịch giả Olga Dror.

Dịch giả Olga Dror

Dịch giả Olga Dror

Với tinh thần trách nhiệm và lối làm việc nghiêm túc của một học giả, Olga Dror đã viết bài Giới thiệu nhan đề là:

“Translator’s Introduction” dài đến 50 trang với nhiều chi tiết thật đáng chú ý. Xin ghi ra mấy điểm chính yếu như sau.

1 – Trong thời gian sinh sống và học tập ở Liên Xô, Olga đã không hề được biết đến văn học của miền Nam Việt nam. Mà chỉ sau này, khi qua Mỹ bà mới có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ hơn về sinh họat văn hóa tại miền Nam. Và bà đã khởi sự công trình dịch thuật tác phẩm Giải Khăn Sô cho Huế trong gần 2 năm với sự trao đổi thường xuyên với tác giả Nhã Ca – tất cả email hay thư từ, điện thọai giữa hai người đều sử dụng tiếng Việt.

Sẵn biết đến những ký ức đau đớn của ông bà cha mẹ và thân nhân phải chịu đựng trong suốt thời kỳ thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây phong tỏa hồi thế chiến thứ hai, nên Olga dễ có sự đồng cảm với nỗi đau thương thống khổ của người dân Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 – mà tác giả Nhã Ca đã mô tả thật rành mạch cảm động trong tác phẩm. Vì thế mà Olga đã ra công tìm hiểu chi tiết về bối cảnh văn hóa xã hội liên hệ đến cuộc chiến và đặc biệt về biến cố Tết Mậu Thân – mà chính quyền cộng sản Xô Viết không bao giờ đưa ra một thông tin nào cho người dân được biết đến.

2 – Olga đặc biệt nhấn mạnh đến tiếng nói của người dân vốn vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân trực tiếp của hận thù bạo lực trong cuộc chiến phức tạp ở Việt nam. Đây không phải đơn giản là cuộc chiến tranh do người Mỹ hòan tòan chủ động, mà chủ yếu đó là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Bà đã tham khảo bao nhiêu sách báo và tài liệu liên quan đến cuộc chiến và còn trưng dẫn lối giải thích của một số tác giả cho là chính mấy trăm cán bộ địa phương của phe cộng sản mới là thủ phạm chính yếu đã ra tay sát hại mấy ngàn người thường dân vô tội của Huế trong mấy ngày đầu họ chiếm giữ được thành phố này.

Trong bài Giới thiệu, Olga đã phân tích rành mạch về nhiều khía cạnh, lối nhìn của hai phía đối nghịch đối với biến cố Tết Mậu Thân ở Huế – kể cả trong công luận ở Mỹ cũng như ở Liên Xô và cả ở nước Nga hiện nay. Để trả lời cho luận điệu thiên vị của một số học giả tại nước Nga hiện nay mà vẫn còn một mực đơn phương kết án sự tàn bạo của Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, Olga nói rằng : “Chúng ta cần ghi thêm cả sự tàn ác trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế nữa. Như vậy mới là khách quan, không thiên vị đối với một bên nào trong cuộc chiến tranh này…” Và cũng vói sự thận trọng của người nghiên cứu lịch sử và văn hóa, bà tránh đưa ra những kết luận vội vã vì nhu cầu chính trị nhất thời hay do thiên kiến phát sinh từ một quan điểm ý thức hệ nào đó.

3 – Olga dành đến 7 trang trong bài Giới thiệu để nói về lập luận của hai người mà dân Huế coi là dính líu nặng nề nhất trong vụ sát hại thường dân – đó là Hòang Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân mà hiện vẫn còn sống tại Huế. Bà trích dẫn những sách báo do hai người này viết, cũng như phát biểu của họ trong những cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh, truyền hình ngọai quốc. Qua những trích dẫn chi tiết này, người đọc dễ dàng nhận ra cái lối chối tội quanh co, tiền hậu bất nhất của hai nhân vật mà nhiều người ở Huế coi là một thứ “đồ tể với bàn tay nhuốm đày máu” trong vụ Tết Mậu Thân vậy. Tuy thế, Olga cũng vẫn thận trọng và tế nhị ghi lại rằng mình không có ý định xác quyết về vai trò của hai người này trong vụ thảm sát đó.
Olga cũng dành đến 2 trang để thuật lại bài nhan đề “Huế Xuân 68” của Đại tá Lê Minh là một vị chỉ huy trong cuộc đánh chiếm Huế năm 1968, bài viết được đăng vào năm 1988 nhân kỷ niệm lần thứ 20 chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Trong phần kết luận, ông Minh kêu gọi :”Cần phải minh oan cho các gia đình và con cháu của những người đã chết trong hòan cảnh đó…”\

IV – Tóm lược.

Nói chung bản dịch tiếng Anh do Olga Dror thực hiện với tinh thần trách nhiệm và sự thận trọng của một học giả uyên bác – rõ ràng là một đóng góp quan trọng để giúp cho công chúng trên thế giới hiểu biết thấu đáo hơn về những nỗi thống khổ đày đọa mà người dân Việt nam phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh tàn khốc cách nay đã trên 40 năm.

Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 47 vụ Thảm sát Tết Mậu Thân (1968 – 2015) người viết xin trân trọng giới thiệu tác phẩm quý giá này đến với bạn đọc – đặc biệt với các gia đình có người thân là những nạn nhân bị sát hại tức tưởi hồi đó với lời nguyện cầu cho hương linh của người quá cố luôn được an nhiên thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng./

Costa Mesa California, Tháng Hai 2015

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Cô gái Huế thời tiền chiến

$
0
0

 

Huế đâu chỉ có sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền mà còn có Thôn Vỹ. Thôn này có bóng dáng một cô gái Huế thời tiền chiến: Cô Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989), người tình trong mộng của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Cô còn là “Chị Cả” của tất cả anh chị em gia đình Phật tử ba miền đất nước và Cô còn để lại một di sản văn hóa cho thế hệ mai sau: hai bộ sách nổi tiếng  Những Món Ăn Nấu Lối Huế  & Cách Nấu Chay.

Bài thơ Ở Đây Thôn Vỹ Dạ, được Hàn Mạc Tử viết từ năm 1939, đã đưa địa danh Vỹ Dạ và mối tình đầu của một thi sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu vào văn học sử. Đó là một kỷ niệm của một mối tình trong trắng, thanh cao và bất diệt giữa hai tâm hồn khác tôn giáo. Cô Hoàng Thị Kim Cúc, người đẹp trong cuộc, đã xác nhận như vậy. Tuy thế, vẫn có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuồi trong hơn nửa thế kỷ qua đã viết về chuyện tình Hàn Mạc Tử + Kim Cúc không trung thực, “có khuynh hướng liêu trai hóa”. Vì vậy, gần đây mới có cuốn Lá Trúc Che Ngang Chuyện Tình Của Cô Tôi ra đời ở Huế.

pic_1

Tác gỉả Hoàng Thị Quỳnh Hoa, cựu Giáo sư Anh Văn trường Nữ Trung Học Gia Long ở Sài Gòn trước 1975, hiện định cư ở Maryland , năm 2013 đã cho xuất bản cuốn sách dày 198 trang nhân 100 năm sinh nhật của cô mình, để phản bác các sai trái. Sách còn cho thấy chân dung của cô Kim Cúc. Tác gỉả Quỳnh Hoa đã mất 10 năm tra cứu tài liệu sách báo; đã về Huế nhiều lần để tham khảo thư từ mà cô mình để lại. Cô Kim Cúc bị hôn mê sau một tai nạn giao thông ở Saigon và qua đời ở Thôn Vỹ. Đám tang của cô ở Huế, ngày 15 tháng 2 năm 1989, được xem như một trong vài đám tang lớn nhất từ trước tới nay.

Vì là người trong gia đình mà cũng theo ý nguyện của người quá cố muốn đưa ra những sự thật, tác gỉả Quỳnh Hoa, trong phần III và phụ lục của tập sách, ngoài việc cho in thủ bút của Hàn Mạc Tử; thủ bút của cô KC và những vần thơ, bài hát của anh chị em trong Gia Đình Phật tử viết về cô; còn có cho in nguyên văn các bài văn xuôi và thơ của cô Kim Cúc cùng bài viết của các tác giả đã – như lời của nhà thơ Chế Lan Viên – “viết thêm quá nhiều, viết bớt quá nhiều, viết bậy…” về chuyện tình của nhà thơ. Đặc biệt có thủ bút của Hàn Mạc Tử trong hai bài Ở Đây Thôn Vỹ Dạ và Sao Vàng Sao.

Hầu như người Huế nào cũng có nghe nói đến tên Kim Cúc, vì cô “công, dung, ngôn hạnh gom đầy đủ” . Cái dáng người thấp nhỏ, lúc nào cũng ân cần, vui vẻ một cách chừng mực nhưng không kém phần nghiêm trang và dịu dàng là hình ảnh quen thuộc của cô giáo dạy bộ môn nữ công gia chánh cho nhiều thế hệ nữ sinh trường Đồng Khánh. Và chiếc áo lam luôn theo người “Chị Cả” có pháp danh Tâm Chánh từ năm 1948 cũng đã để lại bao kỹ niệm kính thương cho anh chị em trong Gia Đình Phật Tử. Cô Hoàng thị Kim Cúc được mô tả như là điển hình cho một cô gái Huế trí thức thời bấy giờ: mẫu mực, dịu hiền và đạo hạnh.

Những bài Phật pháp đã mở rộng tâm trí tôi; đã vạch cho tôi một con đường ngay chính đáng; đã un đúc cho tôi một tâm hồn Phật tử. Tôi không còn buồn khổ nữa vì tôi không còn sống hẹp hòi, ích kỳ, tối tăm. Tôi đã biết đem lòng thiện của một Phật tử cố gắng giúp ích, làm cho những người chung quanh được an vui sung sướng. Đó là ý nguyện của cư sĩ Kim Cúc. Những dòng này cô viết trong bài văn xuôi Một Năm Qua vào năm 1949. Thỉnh thoảng cô có làm thơ ký bút hiệu Hoàng Hoa, Hoàng Hoa thôn nữ, và H.H. Nhưng thật ra, văn giới nhắc nhiều đến tên Hoàng Thị Kim Cúc là vì bài thơ dưới đây:

Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

 

Đấy là bài Hàn Mạc Tử gửi tặng Hoàng thị Kim Cúc năm 1939, được xem là bài nổi nhất trong mấy trăm bài thơ của thi sĩ. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22/9/1912 trong một gia đình công giáo. Ông rất sùng đạo. Ông đã góp phần lớn trong việc chuyển hướng từ thơ Đường sang thơ mới. Ông qua đời khi chưa tới 30 tuổi ở Qui Nhơn ngày 11/11/1940 vì bệnh phung. Ông có nhiều bút hiệu nhưng ông thích bút hiệu Hàn Mạc Tử,  có nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Ông có nhiều mối tình. Hình bóng ghi đậm nhất là với Hoàng thị Kim Cúc, một cô gái đất Thần Kinh. Bài thơ Thôn Vỹ về sau được xếp vào tập thơ Đau Thương, sau này còn có tên Thơ Điên. Ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Chín thành phố ở Việt Nam có đường mang tên Hàn Mạc Tử.

Câu mở đầu Sao anh không về chơi thôn Vỹ và hai câu: Lá trúc che ngang mặt chữ điền; áo em trắng quá nhìn không ra đã tạo ra nhiều huyền thoại về mối tình thứ nhất của thi sĩ. Ba câu đó chỉ là cảm hứng của thi nhân viết ra. Câu đầu có vẻ như một câu hỏi nhưng đã gói ghém một ước mơ. Bài thơ đã là đề tài cho nhiều sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ sau này. Họ đã thêu dệt, vẻ vời thành tiểu thuyết, tuồng cải lương, kịch ảnh vô tuyến truyền hình với nhiều tình tiết không tưởng, ly kỳ và phi lý đã khiến cho cô Kim Cúc “phiền lòng hết sức.” Trong thư gửi Chế Lan Viên ngày 10/9/1987 cô yêu cầu là đừng có ai nhắc đến cô “qua lời các người khác.”

Tác gỉả quyển sách cho biết không có việc Cô Kim Cúc gửi tặng Hàn Mạc Tử ảnh của mình chụp ở Thôn Vỹ. Phiến ảnh chỉ là một bức phong cảnh. Chính cô Kim Cúc cũng đã nói rõ “trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang, với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước, với lời thăm hỏi sức khỏe Tử viết sau tấm ảnh mà không ký tên.” Môt người bạn của nhà thơ báo tin cho Cô biết là Hàn Mạc Tử đau nặng và xin Cô gửi thư thăm hỏi. Vài tháng sau, người bạn gởi về cho Cô bài thơ “Ở Đây Thôn Vỹ Giạ”; với mấy dòng thăm hỏi trong đó có hai câu: mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy đủ. Và mong rằng một mùa xuân nào được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho.

Trong sách có trích lời Cô Kim Cúc kể lại chuyện xưa “Tử có tới gặp tôi 2 lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ  Bâng khuâng  với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thư… Gần cuối năm 1936, khi Tử về dự hội chợ Huế, mang theo một xấp  Gái quê  vừa in xong, có gặp tôi cùng đi với anh em tôi trong hội chợ. Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một tập, có đề chữ tặng, không tặng tôi mà chỉ yên lặng nhìn! Mấy hôm sau, Ngâm cho biết: Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô, rồi từ đó chúng tôi không gặp nhau lại, không thư từ, thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người một ngả,”

Giáo sư Quynh Hoa đã bác bỏ sự dàn dựng của nhà thơ Quách Tấn về chuyện gia đình của cô Kim Cúc chê gia thế Hán Mạc Tử là không xứng mặt đồng sàng khiến Hàn Mạc Tử phải “đi Saigon để lập chí”. Sự thật, giữa Hàn và Kim Cúc chưa hề có lời chê khen, chưa hề có thái độ thân sơ, khinh trọng. Giáo sư Quỳnh Hoa cũng cho rằng một tác gỉa khác, Kiêm Đạt, đã phóng đại khi ông viết cô Hoàng thị Kim Cúc đã có “những ngày yêu thương vô cùng cuồng nhiệt” với thi sĩ. Thư đề ngày 11/5/1988 gởi người anh cả ở Mỹ, Cô cho biết, sau khi thi sĩ qua đời năm 1940, Cô mới hay nỗi lòng của nhà thơ qua người bạn thân của thi sĩ: Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm cũng là người em thúc bá của Cô.

Hoàng Tùng Ngâm còn giao cho Cô tất cả thơ văn của Hàn Mạc Tử có nói đến Cô. Cô “hết sức cảm kích và ngậm ngùi.” Theo sách của tác gỉả Quỳnh Hoa thì “Chỉ khi Hàn Mạc Tử không còn nữa, Cô mới cảm thấy đau lòng và ân hận là đã quá lạnh lùng với chàng; không những ân hận mà còn thấy mình có tội với người quá cố.” Nhân ngày húy nhật của thi sĩ năm 1942, Cô đã viết một bài văn xuôi, “để kính viếng vong hồn một người tài hoa bạc phận, có một tâm hồn tha thiết yêu đương, một lòng mê say cao quí và một cuộc đời vô cùng đau khổ.” Trước đó, năm 1941, Cô cũng có bài thơ cảm tác Ở Đây Thôn Vỹ Dạ:

Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Vẫn biết cách xa ngoài vạn dặm.
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ!

Một mình một cõi với nước mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Lẫy lừng danh tiếng kể từ đây.

Hồn anh lẫn khuất tận mô xa,
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa đời phức tạp ấy
Ai biết tình ai vẫn đậm đà !

H.H. thôn nữ

Cô Hoàng thị Kim Cúc được mọi người kính nể như một hành giả tu tại gia. Tuy một thân một mình và lương tiền không bao nhiêu nhưng Cô đã có gần một tá con nuôi. Cô nuôi con của bà con nghèo, nuôi em, nuôi cháu, nuôi trẻ mồ côi, giúp đỡ những ai đến với Cô. Trong phần “Lời Nói Đầu” của cuốn sách Cách Nấu Chay, cô Kim Cúc tâm sự rằng xuất bản được cuốn này là Cô đã hoàn thành được một công tác Phật sự. Lòng chị như bể rộng bao la. Tình chị tròn đức hạnh vị tha. Lời ca trong bài hát Hướng về chị Cả của Hầng Vang đã nói lên niềm thâm`cảm tri âm cuả Gia đình Phật tử đối với Cô Hoàng Thị Kim Cúc: nửa thế kỷ màu áo lam không phai; suốt cuộc đòi trí giới hạnh trường trai.

Người con gái Việt Nam thuở đầu thế kỷ 20 thường không được học nhiếu. Cô Hoàng Thị Kim Cúc thì may mắn hơn. Trừ thời gian học chữ nghĩa ở trường, Cô lúc rảnh tập làm đủ thứ. Ngoài việc học với ông nội chữ nho, nhiều tay thợ rành nghề được mời về nhà chỉ bày cho cô may vá, làm bánh, nấu đồ ăn Tây, làm hoa.

Một thầy đàn tranh cũng được mời về nhà dạy cho cô. Tuy mới học có nửa tháng mà mà cô đã thuộc đủ bảy bài: Kim tiền, Lưu thủy, Hành Vân, Tứ Đại Cảnh, Cổ Bàn, Nam Ai, Nam Bình. Tiếng đàn của cô đã khiến nhà thơ si tình Hàn Mạc Tử phải điên cuồng rình trước thềm nhà để nghe.

Đêm nay ta lại phải điên cuồng
Quên cả hổ ngươi cả thẹn thuồng
Đứng mãi trước thềm nghe ngóng mãi
Tiếng đàn the thé ở bên trong

Theo tác giả cuốn Lá Trúc Che Ngang khi được hỏi Cô có “cảm” thi sĩ Hàn Mạc Tử không thì Cô chỉ tủm tỉm cười mà không nói năng chi. Cô rất trân trọng mối chân tình của thi sĩ. Đoạn kết của quyển sách còn cho biết nhánh cây cỏ mà một người quen nhặt trên mộ của Hàn ở Gành Ráng đem về tặng đụơc Cô cất rất kỹ. Ngoài ra, Cô còn dựa theo lời tâm tình trong thơ gởi cho bạn của Hàn Mạc Tử mà phóng tác một bài tự truyện với nhan đề Thi sĩ Hàn Mạc Tử với người gái quê. Cô đã ghi lại hầu như nguyên văn nhiều câu chữ của Hàn Mạc Tử trong bài này. Qua đó, người ta thấy Hàn Mạc Tử đã viết: quyết quăng mình đi trên đường gió bụi, rượt nà theo những nguyện vọng cao xa, phải chăng là do sức mạnh của ái tình?

Tuy là một người có tâm hồn ủy mị, nhưng vì thuộc con nhà nề nếp, trọng thanh danh gia đình hơn tất cả mọi sự, và lại sống trong một xã hội thời trước 1945 – một người con gái con nhà khuê các không được tự do chọn bạn, không được nói chuyện với người khác phái ở ngoài đường – nên Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã có vẻ rụt rè, phong kín, bí mật, hờ hững khi gặp Hàn Mạc Tử. Điều này càng khiến cho nhà thơ bao giờ cũng kính cẩn, giữ gìn đứng xa mà chiêm ngưỡng, mà tôn thờ cô thiếu nũ. Dù vậy,trong thư gủi bạn,Hàn Mạc Tử vẫn: quyết lòng đeo đuổi, âm thầm theo dõi bóng cô ta. Cô gái đó có khuôn mặt chữ điền; mái tóc quăn; mũi cao, thẳng như đầm; dáng người thấp nhỏ và đôi mắt đen nháy.

Chính “Đôi măt đen nháy đầy thi vị”của Cô, mà nhà thơ chợt thấy ở chợ phiên do Toà Sứ thành phố Qui Nhơn tổ chức năm 1932 khi ông 20 tuồi và người đẹp 19 tuồi, đã tạo nên sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử. Và cái dáng vẻ nết na, thùy mị, đoan trang của Cô đã un đúc Hàn Mạc Tử có một tâm hồn thi sĩ. Trong thư gửi người bạn, thi sĩ còn thú nhận Kim Cúc “là người mà tôi thường gửi linh hồn một bên dầu cách xa ngàn vạn dặm”. Quyển sách Lá Trúc Che Ngang Chuyện Tình Của Cô Tôi của Giáo Sư Hoàng Thị Quỳnh Hoa là một đóng góp lớn để không còn ai có thể viết bậy nữa.

Saint Paul, 2/2015

© Phan Thanh Tâm

© Đàn Chim Việt

Kiểm duyệt quá khứ – kiểm soát hiện tại

$
0
0

TSWLU_-_black_jacket_-_2-210Năm năm trước đây, tôi bắt đầu một phép thử – không phải do chính tôi tiến hành – để nghiên cứu tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam. Năm 2009, tại Hà Nội, tôi ký hợp đồng xuất bản một trong những cuốn sách của tôi có tên “The Spy Who Loves Us” kể về Phạm Xuân Ẩn, một phóng viên nổi tiếng trong cuộc chiến Việt Nam. (Ông đã kết thúc sự nghiệp báo chí ở chức vụ trưởng văn phòng đại diện của tạp chí Time tại Sài Gòn). Chỉ mãi sau cuộc chiến, chúng ta mới té ngửa ra rằng Ẩn đã nhận được cả lố những huân huy chương quân sự vì thành tích điệp viên cộng sản, phục vụ cho chính quyền Bắc Việt, là một loại vũ khí bí mật lợi hại nhất.

Có lẽ, người ta cho rằng một cuốn sách về người “Anh hùng Quân đội Nhân dân” sẽ được xuất bản dễ dàng tại Việt Nam, nhưng không có gì in ấn tại Việt Nam mà không bị kiểm duyệt. Năm năm trời, tôi nhìn người ta cắt xén sách của tôi. Rồi cuối cùng, một bản dịch ra lò vào cuối năm 2014. Tôi đến Hà Nội để gặp những nhà kiểm duyệt của tôi. Ít nhất, cũng có đến nửa tá các nhà kiểm duyệt chịu nói chuyện với tôi. Họ là những người tốt, dũng cảm, thừa nhận có tình trạng kiểm duyệt tại Việt Nam. Phía sau họ là một giàn âm binh vô hình vận hành toàn bộ xã hội Việt Nam.

Các nhà kiểm duyệt thân yêu của tôi giữa cả hai vai trò biên tập và xuất bản đã xin lỗi cho những gì họ đã làm, và hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn trong tương lai. Tốt sao được, khi Việt Nam và Trung Quốc thi nhau ném các nhà báo, nhà văn, nhà blogs vào tù, cơn hồng thủy ngược đang dâng trào. Đấy là lý do tại sao tôi quyết định phải có một bản dịch chính xác không bị kiểm duyệt xuất bản song song với bản kiểm duyệt của Hà Nội. Văn bản này đã đưa lên mạng vào tháng Mười một năm ngoái, cùng với các tài liệu về Chỉ số Kiểm duyệt của tổ chức quốc tế sẽ được công bố vào tuần này.

Các nhà kiểm duyệt đã thiến đi những gì trong sách của tôi? Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” Mỹ, hay thời ông học báo chí tại California. Ông không được phép “hiểu” Mỹ. Cắt bỏ ngay, tên và lời bình luận của những người Việt lưu vong. Cắt bỏ ngay, những gì đụng đến Trung Quốc, hối lộ, tham nhũng, phi pháp của cán bộ. Cắt bỏ ngay. đọan kể về sự thất sủng Tướng Giáp, người đã thắng Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, qua đời năm 2013.

Nhiều sự kiện nổi tiếng bị loại ra khỏi lịch sử Việt Nam. Hồ Chí Minh dùng khối lượng vàng lớn hối lộ tướng Tầu để họ rút ra khỏi Bắc Việt Nam vào năm 1946; chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại vào thập niên 1950; cuộc di tản vĩ đại của “thuyền nhân” sau 1975; cuộc chiến với Khmer Đỏ tại Cambodia năm 1978; cuộc chiến với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 1979; Nam Tiến, một cuộc hành trình lịch sử của người Việt xuống phương Nam dọc theo dải Annamite Cordillera, cuộc chinh phạt lãnh thổ của người Thượng, người Chăm, người Khmer và các dân tộc thiểu số đều bị cắt, cắt hết.

Ước vọng cuối cùng của Ần là được hỏa táng, rồi mang linh cốt ông rải xuống sông Đồng Nai đã bị thủ tiêu, thay vào là một đoạn miêu tả khung cảnh tang lễ theo nghi thức nhà nước với bài điếu văn được đọc bởi người đứng đầu ngày tình báo quốc gia.

Một danh sách dài các “lỗi” trong bản dịch của Hà Nội đưa ra trong đó các nhà biên tập người Việt của tôi hoặc thành thật, hoặc cố tình hiểu lầm, thí dụ: “người viết ma”, “phản bội”, “hối lộ”, “phi pháp”, “khủng bố”, “tra tấn”, “tổ chức giả danh”, “dân tộc thiểu số”, “trại cải tạo”. Người Pháp không được phép dậy bảo người Việt bất cứ điều gì. Người Mỹ cũng thế. Việt Nam chưa bao giờ sản sinh ra người tỵ nạn, chỉ tạo ra người định cư. Điều gì liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản như là một “thần tượng sụp đổ”: Cắt. Ông Ẩn mô tả mình có não bộ của người Mỹ ghép vào thân sác người Việt: Cắt. Những câu chuyện đùa cợt bông phèng của Ẩn: Cắt. Chưa kể tới những phân tích so sánh của ông về người cộng sản đã thay thế chế độ cảnh sát trị của Ngô Đình Diệm bằng một nhà nước công an trị của chính họ như thế nào. Phần cuối của cuốn sách là những gi chú và nguồn trích dẫn: Cắt.

Thực ra, sự xảo quyệt nhất đã xảy ra ở cung bậc của ngôn ngữ. Ẩn sinh ra ở vùng ven Sài Gòn. Ống là người Nam chính hiệu. Vậy mà, tiếng miền Nam cùng với những đặc thù văn hóa miền Nam đã bị xén tỉa khỏi văn bản, thay bằng ngôn ngữ miền Bắc, của những người đã cưỡng chiếm Sài Gòn 1975.

Kiểm duyệt là một phần của kiểm soát chính trị và khẳng định sức mạnh, nhưng trong trường hợp này là kiểm soát ký ức, kiểm soát lịch sử và kiểm soát ngôn từ.

Thực lòng, tôi không có ý phàn nàn về những gian khổ mà mình đã gặp. Những tác giả Việt Nam đang bị dồn vào thế hoặc phải câm lặng, hoặc phải lưu vong. Họ đã phải chịu đựng muôn vàn thống khổ. Tôi chỉ nhấn mạnh về sự thực của một chế độ kiên quyết bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của mình. Ở Việt Nam, qúa khứ và cách mà bạn nói về thời qúa khứ cũng là một tài sản quốc gia.

Dịch từ: Vietnam’s concerted effort to keep control of its past by Thomas A. Bass; February 1, 2015.

Lời người dịch: Thomas A. Bass một cây bút phóng sự điều tra có tiếng trong làng báo Mỹ. Đồng thời, ông dậy Anh ngữ và báo chí tại Đại học Tiểu bang New York ở Albany. Năm 2009, ông hợp đồng dịch và xuất bản cuốn sách “The Spy Who Loved Us” bằng tiếng Việt tại Hà Nội. Cuối năm 2014, cuốn sách ra lò, nhưng bị cắt xén tan nát. Ông quyết định tung bản dịch của riêng mình lên Pro&Contra của chị Phạm Thị Hoài, kèm phóng sự liên quan đến số phận của nó. Lập tức ông bị tố cáo: Vi phạm hợp đồng; tiết lộ thông tin cá nhân; bản dịch của ông sai tiếng Việt và sự kiện lịch sử. Cuộc bút chiến “đẫm máu” giữa hai người điếc rất thú vị đã nổ ra. Dịch lại một trong loạt bài phản bác của Thomas để bạn đọc có thêm thông tin.

Canada, tháng Hai 2015

© Trần Gia Hồng Ân
© Đàn Chim Việt

Xuất bản sách “Người Việt: 40 Năm Trên Đất Tự Do”

$
0
0
Người vượt biên VN sau năm 1975. Ảnh Google

Người vượt biên VN sau năm 1975. Ảnh Google

Năm 2015 đánh dấu 40 năm người Việt rời bỏ quê hương, tị nạn Cộng Sản và đến sinh sống tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tự do khác trên thế giới. Nhân dịp này BPSOS dự trù xuất bản một cuốn sách trình bầy về nếp sống và sinh hoạt của người Việt tại Hoa Kỳ và hải ngoại từ 1975 đến nay.

Sách sẽ gồm một số bài viết và khoảng 100 tấm hình trên khổ giấy khoảng 8.5 inch x 11 inch. Chúng tôi kêu gọi tất cả những cá nhân và những tổ chức của người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ, Canada và những nước tự do khác ở Âu Châu, Á Châu, và Úc Châu, cũng như những công dân và những tổ chức của thế giới tự do, đóng góp hình ảnh và các bài viết cho cuốn sách này.

Ban Cố Vấn

Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh
Họa Sĩ / Nhiếp Ảnh Gia Vũ Hối
Nhà Văn Mặc Giao
Nhà Văn Cung Thị Lan
Nhà Văn Chu Tất Tiến

Liên lạc

· Hạn chót nộp hình và bài viết : 31-03-2015
· Ngày chính thức phát hành: 19-6-2015 nhân dịp ngày vinh danh và tri ân quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà đã đổ máu xương cho tổ quốc và dân tộc tại John F. Kennedy Center for the Performing Arts, Washington-DC, Hoa Kỳ. Đây cũng là ngày của Quân Lực VNCH.
· Địa chỉ gửi bài và hình: 40yearsfreedombook@gmail.com
· Địa chỉ thư tín: BPSOS, Ủy Ban Xuất Bản “Người Việt: 40 Năm Trên Đất Tự Do”, 6066 Leesburg Pike, Suite 100, Falls Church, VA 22041. ĐT: (703) 538-2190.

Luật lệ và điều kiện

Chủ đề: Người Việt trên đất tự do trong 40 năm qua. Cuốn sách sẽ đặt trọng tâm vào sự hội nhập và thăng tiến của chúng ta tại quê hương thứ hai, trách nhiệm và đóng góp của chúng ta vào xã hội mới, nhưng không bao giờ chúng ta quên quê cha đất tổ.

Bài viết:
· Ngôn ngữ: tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
· Viết về chuyện của chính mình và gia đình hoặc người quen.
· Có thể là truyện ngắn, bút ký, ký sự, tùy bút. Có kèm hình ảnh hoặc tranh minh họa càng tốt.
· Bài viết tiếng Việt phải bỏ dấu.
· Gởi dạng điện tử qua điện thư và không quá 5,000 chữ.
· Các tác phẩm chưa được công bố hay sử dụng trên các phương tiện truyền thông khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Hình Ảnh:
Những tấm ảnh đầy ý nghĩa bao gồm các hình tại các trại tị nạn, những hình con em chúng ta tốt nghiệp đại học, những cơ sở thương mại thành công, những cuộc biểu tình đòi nhân quyền và tự do, chống quân Tầu xâm lược, những người Việt tham gia vào chính quyền, những thanh niên Việt Nam trong quân chủng của các nước tự do.

Hình mầu hay đen trắng digital dưới dạng JPG. Các dạng hình khác như RAW, TIFF, GIF, hoặc PSD cũng được chấp thuận. Chúng tôi không nhận hình đã in ra trên giấy, âm bản (negative film) hoặc dương bản (positive film).

Độ phân giải (resolution) tối thiểu là 150 pixels/inch.

Kích thước pixel (pixel dimension) hay còn gọi là kích thước hình (image size) tối thiểu là 1400 pixels cho chiều dài và 1050 pixels cho chiều ngắn. Trong trường hợp không biết rõ độ phân giải hoặc kích thước hình dưới dạng digital là bao nhiêu, xin cứ gửi cho chúng tôi để ấn định.

Mỗi tấm hình cần có lời chú thích của chính tác giả đi kèm, khoảng 5 – 10 hàng chữ tiếng Việt có dấu.
Những hình tham dự là những hình thời sự (photojournalism), không phải là những hình riêng tư cá nhân hay gia đình.
Hình không được sửa đổi nội dung. Tuy nhiên, cắt xén, điều chỉnh độ sáng, độ đậm, độ nét được chấp thuận.

Bản Quyền Tác Phẩm

Người gửi tác phẩm phải chính là tác giả hay người thừa kế của những tác phẩm gửi. BPSOS không chịu trách nhiệm về bất cứ sự lạm dụng tác quyền nào.

Khi gửi tác phẩm cho BPSOS, tác giả đồng ý cho phép BPSOS sử dụng tác phẩm làm và cổ động cho cuốn sách này hoàn toàn miễn phí.

BPSOS sẽ không hoàn trả các tác giả của những tác phẩm đã gửi đến dù có được chọn cho vào sách hay không.

Tác giả cần cung cấp tên, địa chỉ nơi cư trú, điện thoại, địa chỉ điện thư, tên của bức hình, ngày tháng hay ít nhất là năm chụp tác phẩm.

BPSOS được quyền biên tập các bài viết với sự đồng ý của tác giả hoặc chỉnh lại hình cho mỹ thuật hơn và biên tập lại lời chú thích nếu cần thiết. Dưới mỗi hình sẽ ghi rõ tên tác giả, tên thành phố đang cư ngụ. Trong phần tiếng Việt, tên sẽ trình bầy theo lối Việt (họ, đệm, tên). Trong phần tiếng Anh, tên sẽ viết theo lối tiếng Anh (first, middle, family).

Giải Thưởng

Ủy Ban Xuất Bản sẽ tổ chức hai ban giám khảo để chọn:
1. Ba ảnh đẹp nhất và ý nghĩa nhất cho ba giải Nhất, Nhì và Ba và 10 tấm ảnh cho giải danh dự.
2. Ba bài viết hay nhất cho ba giải Nhất, Nhì và Ba và 10 bài viết cho giải danh dự.
· Ủy Ban Xuất Bản toàn quyền tạo thêm hay bớt giải nếu thấy cần thiết.

Bảo Trợ

BPSOS kêu gọi các hội nhiếp ảnh, các hội văn hóa, các nhiếp ảnh gia, các nhà văn và tất cả những mạnh thường quân bảo trợ cho dự án này bằng cách:

1. Cung cấp hình ảnh và các bài viết cho BPSOS.
2. Yểm trợ tài chánh để xuất bản sách.
3. Mua trước một số sách.

Tên các tổ chức và cá nhân bảo trợ sẽ được vinh danh trong cuốn sách nếu có ít nhất 10 tác phẩm được chọn in trong sách hoặc yểm trợ ít nhất US$1,000 hay số tiền tương đương với ngoại tệ khác, hoặc đặt tiền mua trước 20 cuốn sách.

Tiền lời bán cuốn sách này, sau khi trừ chi phí ấn loát, tiếp thị và phát hành, nếu có sẽ được hoàn toàn xung vào quỹ của BPSOS / CAMSA để hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người, bóc lột lao động, và các tù nhân lương tâm, nạn nhân của đàn áp tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam.

Ủy Ban Xuất Bản “Người Việt: 40 Năm Trên Đất Tự Do” được thành lập để phối hợp dự án này gồm có:

Nguyễn Thúy Hằng, tổ chức, phối hợp, xuất bản, (832) 457-2666
Nguyễn Quốc Khải, kỹ thuật và mỹ thuật nhiếp ảnh, (301) 922-3372
Phan Quang Trọng, xuất bản, (210) 727-7130
Đinh Ngọc Tuyết, thay mặt ban biên tập, (502) 419-5122
Địa chỉ gửi bài và hình: 40yearsfreedombook@gmail.com

Con trai, con gái

$
0
0

boys-and-girls

Con trai, con gái” là chuyện ngắn phóng thuật từ chuyện ngắn “Boys and Girls” của bà Alice Munro. Bà Munro, 82 tuổi, người Canada được giải Nobel văn chương năm 2013 do toàn bộ công trình viết văn của bà gồm 14 tuyển tập chuyện ngắn. Bà được xem là một nhà văn đương thời có biệt tài về chuyện ngắn. “Boys and Girls ” là một trong hằng trăm chuyện ngắn của bà.  ** Trần Bình Nam **

Cha tôi nuôi chồn. Những con chồn bạch kim nuôi trong những dãy chuồng gỗ. Đến mùa thu hay đầu mùa đông khi lông chồn đủ dày cha tôi giết chồn lột da bán cho công ty Hudson hoặc các thương gia buôn da chồn ở Montréal. Sau cánh cửa nhà bếp cha tôi treo đầy lịch quảng cáo của công ty Hudson và của các thương vụ này. Vào tiết thu đông bầu trời Canada xanh ngắt, xa xa bên kia bờ một con sông vắng bóng thuyền là rừng thông phủ một màu đen ảm đạm.

Vài tuần trước trước lễ Giáng sinh, sau bữa cơm chiều hôm nào cha tôi cũng làm việc dưới “basement” điện thắp sáng choang. Có khi ông  Henry Bailey, một người giúp việc cùng làm với cha tôi. Em tôi, Laird và tôi thường ngồi nơi bậc cấp dẫn xuống “basement” xem cha tôi làm việc. Cha tôi lột và lật da chồn trong ra ngoài trông trắng hếu. Thân chồn còn lại nhỏ chỉ bằng một con chuột đồng không còn vẻ dữ tợn như chồn còn sống được bỏ vào một bị lác sẽ được đem chôn.  Có một lần ông Henry mang bao chồn đi chôn, qua chỗ chúng tôi ngồi ông huơ huơ cái bị thịt trước mặt tôi và nói đùa “quà sinh nhật của cô đây.” Mẹ tôi không thích kiểu đùa đó. Mẹ tôi không thích cha tôi giết chồn trong nhà.  Lột da xong cha tôi trải da trên một tấm ván cẩn thận bào sạch mỡ và máu. Trong nhà phảng phất mùi thịt. Mẹ tôi không thích mùi thịt tươi, nhưng với tôi là một mùi quen thuộc hằng năm chẳng khác gì mùi cam mùa hè hay mùi lá thông mùa xuân.

Henry Bailey bị bệnh suyễn. Đang làm việc nhiều khi ông ho mặt đỏ tía, nước mắt ứa ra không ngăn được. Những lúc đó ông không ngần ngại khạc đờm vào lò sưởi đốt bằng củi. Thỉnh thoảng thấy khuya cha tôi bảo chúng tôi đi ngủ. Mùa đông bên ngoài tối om, gió thổi rào rạt, mái nhà đầy tuyết đông cứng phủ xuống như những ngón tay phù thủy nhưng không làm chúng tôi sợ bằng căn phòng nơi chị em chúng tôi ngủ.

Phòng ngủ của chúng tôi ở ngay trên basement và rất luộm thuộm. Một ống khói hình vuông bằng gạch bên tường. Giữa phòng là đầu cầu thang đi xuống basement nơi cha tôi làm việc. Đối diện bên kia là một cuộn linoleum  to bự dựng đứng, và những thứ không còn dùng nữa: một cái xe bằng mây, một cái rá đan bằng thân dương xỉ khô, một cái ché Tàu và một tấm hình vẽ trận thảm bại Bataclava trông rất buồn. Khi Laird lớn hơn một chút tôi giải thích gốc gác các vật lỉnh kỉnh đó và dọa Laird rằng có lần một tù nhân vượt ngục đã leo qua cửa sổ lẻn vào núp sau cuộn linoleum.

Chị em tôi có một quy tắc an toàn. Vào giờ đi ngủ, khi còn đèn chúng tôi không ra khỏi căn phòng.  Và sau khi tắt đèn thì không ra khỏi chiếc giường ngủ. Trong bóng tối chúng tôi hát để bớt sợ. Laird luôn luôn hát “Jingle Bells” dù vào mùa Giáng sinh hay không. Tôi hát “Danny Boys.” Nghe giọng mình hát vang trong bóng tối tôi yên tâm.

Hát một lúc, Laird ngủ say. Và bây giờ là thế giới của riêng tôi . Cuộn chặt mình dưới tấm chăn tôi tự thuật lại câu chuyện đêm nào tôi cũng lượt qua như một cuốn phim. Tôi tưởng tượng lớn lên, người chung quanh nhận ra sự hiện diện của tôi, một cô gái can đảm, bạo dạn và biết hy sinh cho người khác. Tôi cứu người bị bom chôn trong đống gạch. Tôi bắn chết hai con chó sói đến rình sau lưng trường trong khi cô giáo sợ đứng núp sau lưng. Tôi tưởng tượng cỡi ngựa chạy khắp xóm để mọi người có dịp cám ơn hành động anh hùng của tôi. Cỡi ngựa và bắn súng là đề tài quen thuộc trong câu chuyện của tôi mặc dù trên thực tế tôi chỉ leo lên lưng ngựa hai lần. Một lần quên lót yên đít còn đau, và một lần leo lên chưa kịp thúc, ngựa đã quật tôi xuống tuyết. Bắn súng thì tôi có tập nhưng chẳng bao giờ bắn trúng mấy cái lon treo trên hàng rào với tay cũng tới!

Trại chồn của cha tôi gồm nhiều dãy chuồng do tự tay ông đóng chạy dọc theo lối vào cách nhau bởi những đường cỏ, nhìn vào như một cái thành thời trung cổ. Bước qua cái cổng ban đêm đóng chặt, đi qua lối cỏ  hai bên là những chiếc chuồng hình hộp dài, mỗi chuồng dành cho một chú chồn. Ở đầu mỗi chuồng có ổ sinh đẻ và chỗ ngủ ban đêm. Ban ngày chồn có thể chạy tới chạy lui trong chuồng. Dọc theo chiều dài của chuồng có một sợi dây thép cha tôi treo dĩa để thức ăn và nước uống, có chỗ luồn tay vào để rửa và thay thức ăn mới.

Vật liệu làm chuồng hầu hết do cha tôi dùng bất cứ gì ông có được. Hộp thiết cũ cắt ra để làm dĩa thức ăn, gỗ lót chuồng là bất cứ  loại ván nào trong nhà không dùng cha tôi cưa cắt ra. Cha tôi làm như Robinson Crusoe ở hoang đảo! Mùa hè tôi giúp cha tôi châm nước uống cho chồn mỗi ngày hai lần, sáng và chiều .

Cha tôi đặt cho mỗi chú chồn một cái tên và viết tên trên một tấm thiếc gắn nơi cửa chuồng. Sinh ra chồn con phải chờ một năm, sau khi đủ lớn để có thể lột da hay sinh đẻ mới được đặt tên. Cha tôi đặt tên Prince, Bob, Wally và Betty. Tôi đặt  tên Star, Turk, Maureen hay Diana. Laird đặt tên có xuất xứ: Maude là tên một cô bé gái từng giúp việc trong nhà, Harold, tên một bạn trai ở trường. Và có một chú được đặt tên Mexico thì Laird không giải thích tại sao.

Đặt tên cho các chú chồn không có nghĩa chúng tôi được chơi với chúng . Chỉ có cha tôi mới được thò tay vào chuồng riêng của chồn khi cần, và cha tôi đã bị chồn cắn máu nhiễm độc mấy lần. Khi tôi đứng ngoài chuồng đổ nước uống cho chúng, chúng chạy tới chạy lui vừa rình rập vừa đề phòng, đôi mắt vàng rực chòng chọc nhìn như muốn cắn. Ban đêm thỉnh thoảng chúng cùng hú lên như có hẹn.

Ngoài khuôn mặt và đôi mắt ít thiện cảm, thân chồn có bộ lông mềm mại di chuyển nhẹ nhàng uyển chuyển, cái đuôi ngoe nguẩy một cách quý phái.

Mùa hè tôi giúp cha tôi cắt cỏ trên những luống đường trong trại chồn. Cha tôi cắt cỏ bằng một chiếc liềm lớn cán dài, cào lại thành đống rồi phủ lên chuồng cho mát để cho lông chồn không biến thành màu nâu vì nắng. Cha tôi ít nói chuyện này chuyện khác với tôi ngoại trừ những gì liên quan đến công việc đang làm. Mẹ tôi thì khác, khi vui bà nói với tôi trăm thứ chuyện. Nào chuyện về tên con chó bà nuôi hồi nhỏ, tên của những người bạn trai thời thơ ấu, chuyện màu sắc những chiếc áo đã dùng. Tôi không dám hỏi cha tôi ông nghĩ gì về thời trai trẻ như chuyện của mẹ, nhưng tôi rất tự hào làm việc dưới sự chỉ dẫn của ông.

Một hôm cha tôi giới thiệu tôi với người mang thực phẩm tới giao hàng:

“Người giúp việc không thể thiếu của tôi kìa” làm tôi vừa tự hào vừa sung sướng. Nguời giao hàng nói với cha tôi:

“Cô ta chỉ là một cô gái nhỏ thôi mà!”

Cỏ cắt xong, trời bắt đầu vào Thu. Chiều chiều bước qua những lối cỏ đã cắt ngắn để châm nước cho chồn tôi có thể thấy những ráng mây đỏ nơi chân trời. Và sau khi tôi đẩy thùng nước ra khỏi cổng mang bỏ vào kho vật liệu thì trời vừa tối. Một buổi tối tôi thấy cha và mẹ tôi đứng trước cửa kho vật liệu thì thầm nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn tôi. Cha tôi vừa ở tiệm bán thịt về, áo choàng còn dính máu, trên tay cầm mấy cân thịt.

Tôi ngạc nhiên vì mẹ tôi thường làm việc trong nhà bếp, ít ra ngoài trừ  khi đi phơi áo quần hay đào khoai tây.  Mẹ tôi chân trần nổi lên từng cục u vì ít ra mặt trời, áo choàng rửa bát chén dính nước còn choàng trước ngực. Bà cột tóc bằng một chiếc khăn. Mẹ tôi nói bà không có thì giờ trang điểm, cột vậy cho tiện.

 Mùa lạnh sắp tới, trong nhà đầy những rổ đào, bưởi và lê mua ở chợ về, những rá hành, cà chua và dưa leo lấy trong vườn chờ làm mứt và dưa chua. Mẹ tôi làm việc suốt ngày bên lò lửa trong nhà bếp. Bà giao tôi việc gọt đào, nhúng vào nước sôi, và thái hành. Mắt tôi cay xè. Thái xong, tôi chạy nhanh ra ngoài hy vọng mẹ không kịp sai làm việc khác. Tôi không thích ngồi làm việc trong nhà bếp vừa nóng vừa tù túng. Tôi thích giúp việc cha tôi hơn. Vào mùa này mẹ tôi bận không có thì giờ nói chuyện nhiều với tôi ngay cả những chuyện mẹ tôi rất thích như chuyện bà nhảy dạ vũ vào đêm mãn khóa tại trường Sư Phạm hơn một chục năm về trước.

Từ nhà kho tôi nghe mẹ nói với cha tôi: “Chờ thằng Laird lớn chút nữa để giúp ông.” Tôi không nghe cha tôi trả lời, nhưng hình như cha tôi đồng ý.

Tôi tự hỏi tại sao mẹ nhắc đến Laird. Nó còn nhỏ chưa làm được việc gì cả. Suốt ngày chơi, hết xích đu, thì đi bơi, hết bơi thì đi bắt châu chấu. Nó chỉ đến gần tôi khi tôi hết việc làm rảnh để có thể chơi với nó .

“Khi đó tôi có thể nhờ nó nhiều việc ở trong nhà,” và bà nói tiếp, “Ỷ phải giúp ông, nhờ làm gì trong nhà bếp hễ tôi quay lưng là nó biến mất, như thể nó không phải là con gái trong nhà.”

Tôi ngồi một góc trong nhà kho, không muốn nghe những gì mẹ tôi nói. Mẹ tôi dễ tính hơn cha tôi và ai nói gì cũng nghe, nhưng tôi không hiểu mẹ tôi nói vậy là ý gì. Mẹ tôi thương tôi lắm. Bà có thể thức suốt đêm may chiếc áo theo kiểu tôi thích để dùng trong ngày khai giảng sắp tới, nhưng bà cũng có những nhận xét bất lợi cho tôi. Mẹ tôi muốn thuyết phục cha tôi để tôi giúp việc trong nhà mặc dù mẹ tôi biết tôi không thích việc bếp núc. Tôi nghĩ mẹ tôi làm vậy để tỏ với cha tôi bà cũng có quyền hành trong nhà. Tôi không nghĩ mẹ tôi cô đơn vì có con gái mà không làm việc với bà. Ngồi im tôi đá nhẹ và đều đều vào bao thực phẩm dành cho chồn trước mắt cho đỡ chán chờ mẹ tôi đi vào nhà bếp.

Tôi không nghĩ cha tôi quan tâm nhiều đến ý kiến của mẹ tôi. Laird còn nhỏ và ham chơi không làm gì được. Ai tin Laird có thể kéo thùng nước từ trại chồn vào nhà kho mà không té. Ai tưởng tượng được Laird có đủ kiên nhẫn lau chùi các dĩa đựng thức ăn của chồn? Mẹ tôi hoàn toàn không biết gì ngoài cái nhà bếp của bà.

Tôi chưa nói chuyện chồn ăn gì. Nhìn cái áo choàng dính máu của cha tôi mới nhớ. Chúng ăn thịt ngựa tươi. Vào thời gian đó nông dân còn nuôi ngựa . Khi có một con ngựa già hay bị thương không làm việc được nữa, họ gọi cha tôi. Cha tôi và Henry lái xe đến bắn chết xẻ thịt mang về với giá từ 5 đến 12 đồng  một con. Nếu ở nhà còn thịt thì cha tôi dùng xe truck chở ngựa về nhốt vào chuồng năm ba ngày hay một tuần khi nào cần thịt thì giết .

Mùa Đông năm tôi 11 tuổi, trong chuồng ngựa nhà tôi có hai con ngựa. Tôi đặt tên Mack và Flora. Mack là ngựa cỡi, hiền lành, lông đen tuyền. Flora là một con ngựa cái kéo xe màu nâu và khó tính. Một buổi sáng thức dậy tôi nghe mẹ tôi nói chuyện với cha trước cửa nhà kho, vẫn với nội dung xa gần liên quan đến tôi. Tôi cảm thấy khó chịu khi nhận ra rằng những người chung quanh tôi, ngay cả cha mẹ có những ý nghĩ phân biệt con trai và con gái. Danh từ “con gái” từ nhỏ đối với  tôi là một danh từ vô can như một người, một đứa bé thì ra không phải như vậy. Con gái lớn lên khác con trai. Và khi cha hay mẹ tôi nhắc đến tôi ông bà tiếc tôi là con gái, đôi khi có chút châm biếm làm tôi rất buồn . Một hôm tôi và Laird đánh lộn nhau. Tôi thường áp đảo nó, nhưng lần này tôi ráng hết sức mới hơn nó. Có lúc nó bẻ quặt tay tôi tưởng chừng không gỡ ra được. Henry cười và nói : “Cô phải coi chừng, không bắt nạt Laird được mãi đâu. Nó lớn rồi.” Tôi thầm nghĩ  “Nó lớn thì tôi cũng lớn chứ bộ !”

Bà nội tôi đến thăm ở lại mấy hôm. Tôi nghe loáng thoáng những nhận xét như  “con gái mà đóng cửa ầm ầm!” hay “con gái sao ngồi không để hai đầu gối sát vào nhau.” Nhưng khó chịu nhất là nhiều khi tôi hỏi cái gì đó, người lớn trả lời tỉnh bơ, “đó không phải chuyện của con gái.” Phản ứng bất mãn của tôi là cứ đóng cửa mạnh, cứ ngồi theo cách nào tôi muốn, cứ hỏi những câu hỏi tôi muốn hỏi để chứng tỏ tôi là một người tự do.

Mùa Xuân đến, tuyết tan dần. Hằng ngày cha tôi cho ngựa ra sân chuồng có hàng rào bao quanh. Mack thường cọ cổ nơi hàng rào cho đã ngứa, trong khi Flora đi quanh sân hiên ngang như nhớ lại những ngày kéo xe chạy tung tăng trên đường phố.

Một sáng Thứ Bảy, tôi thấy cửa chuồng ngựa mở toang, ánh sáng ban mai và không khí mát rượi chan hòa trong chuồng ngựa. Henry đang lật xem các tấm lịch ông để dành mỗi năm một tấm trên một kệ gỗ khuất trong chuồng ngựa. Thấy Laird bước vào chuồng, Henry  bụm một nắm thóc đổ vào hai bàn tay của Laird và nói: “đem thóc đến cho Mack ăn.”

Mack chậm rãi nhai, hàm răng đã hư day qua day lại để tìm vị trí nghiến thóc. Henry nói, “Tội nghiệp Mack. Răng hư là hết.” Tôi hỏi, “Hôm nay ông giết Mack hả ?”

Henry không trả lời. Ông hát một điệu hát buồn. Mack đang liếm mấy hạt thóc cuối cùng trên đôi bàn tay của Laird.

Tôi chưa thấy bắn ngựa như thế nào, nhưng do một tình cờ tôi biết cha tôi và Henry bắn ngựa ở đâu. Một hôm đi chơi với Laird nơi cánh đồng gần nhà không xa chuồng ngựa bao nhiêu tôi thấy một đống ruột ngựa chưa chôn. Đống ruột đen như một con trăn cuộn mình ngủ say giữa mùa Đông. Tôi nghĩ nếu núp trong nhà kho chứa rơm nhìn qua khe hở tôi có thể thấy cha tôi và Henry làm gì. Tôi không thích việc giết chóc, nhưng tò mò nghĩ nếu đó là việc thường xẩy ra quanh mình, sao không xem cho biết!

Cha tôi mang súng bước khỏi nhà . Thấy tôi ông hỏi:

“Con làm gì quanh quẩn ở đây?”

Tôi trả lời: “Dạ không làm gì cả”

“Vào nhà mà chơi.” Ông bảo

 Ông ta vào chuồng ngựa, bảo Laird ra ngoài .

Thấy Laird ra tôi nói, “mày có muốn xem cha và Henry bắn ngựa không?  Không chờ Laird trả lời, tôi kéo nó đi lẻn vào nhà kho để rơm. Tôi dặn Laird:  “Đừng gây tiếng động, nếu không cha biết chị em mình lẻn vào đây.”

Từ nhà kho tôi nghe cha tôi nói chuyện với Henry, rồi tiếng bước chân chậm chạp của Mack ra khỏi chuồng .

Nền nhà kho đầy rơm và lạnh. Những tia sáng vàng rực len vào nhà kho qua các khe hở gần mái kho. Một thanh gỗ lớn gối trên nhiều cột gỗ chạy quanh kho ở độ cao chừng hơn một thước. Tôi dồn rơm lại đủ cao leo lên thanh gỗ rồi kéo Laird lên theo. Tôi bò theo thanh gỗ cho đến lúc tìm được kẽ hở có thể quan sát bên ngoài. Tôi thấy được một góc kho rơm, cánh cổng mở ra đồng và một phần cánh đồng. Loay hoay mãi Laird chưa tìm ra khe hở nào càu nhàu. Tôi chỉ chỗ hở cho Laird và dặn đừng làm ồn. Cha nghe tiếng là hỏng hết!

Tôi thấy cha tôi mang súng đi trước trên một lối nhỏ cạnh một bờ rào.  Henry cầm dây dẫn Mack theo sau. Bỏ dây ra, Henry vấn thuốc lá cho cha tôi và ông ta mỗi người một điếu. Được tự do, Mack gặm những ngọn cỏ ươn ướt còn sót lại bên bờ rào. Cha tôi mở cửa cánh đồng bước vào. Henry dẫn Mack đến giữa cánh đồng nơi khoảng đất trống. Hai người nói nhau những gì tôi không nghe rõ. Mack tìm cỏ ăn, nhưng ở chỗ trống trải đó không còn gì cả. Cha tôi bước xa ra một khoảng cách vừa tầm súng. Henry  nới dần dây và đi xa Mack, tay vẫn giữ dây. Cha tôi nâng tầm súng. Mack ngẫng đầu chờ đợi. Cha tôi nổ súng.

Mack không khuỵa xuống ngay. Lằn đạn mạnh làm xoay mình nó, trước khi nó ngã ngang xuống bên sườn, bốn chân còn động đậy chới với giữa khoảng không. Tôi nghe Henry cười như ý nói, “chết rồi còn dọa sao?” Khi cha tôi nổ súng, Laird ngạc nhiên kêu thành tiếng: “Mack chưa chết! Mack chưa chết!” Nhưng chân Mack ngưng cử động, các bắp thịt giật giật rồi bất động.

Cha tôi và Henry đến gần quan sát xem Mack chết thật chưa. Hai người cúi nhìn vết đạn vào đầu và tôi thấy máu của Mack chảy ra trên nền đất .

“Thôi đi về. Bây giờ chỉ còn việc lột da và xẻ thịt” Vừa nói tôi vừa nhảy xuống đống rơm dưới chân, và bằng giọng bà chị tôi nói với Laird: “Mày đã thấy bắn một con ngựa như thế nào rồi đấy nhé” như thể tôi đã thấy nhiều lần. Không trả lời, Laird im lặng nhảy xuống. Thái độ ngoan ngoãn của  Laird làm tôi nhớ lại hồi hắn còn nhỏ có một lần tôi dẫn nó vào kho rơm bắt thang bảo nó leo lên thanh gỗ làm dàn nhà kho cao nhất. Và khi không giúp nó trụt xuống được tôi hoảng hốt đi tìm cha tôi nói, “thằng Laird leo thang lên gác thượng nhà kho.”  Cha tôi bình tĩnh vào nhà kho bảo nó đừng nhúc nhích và ông leo lên bậc thang ẵm nó xuống.  Mẹ tôi sợ đứng tựa mình nơi chiếc thang chỉ chực khóc. Cha tôi mắng tôi sao không coi em để nó leo như vậy. Tôi không biết nên cười hay khóc. Laird thì còn quá nhỏ để kể lại sự thật với cha mẹ tôi.

Tôi nhìn Laird da mặt hơi tái. Nó có vẻ suy nghĩ. Tôi nói “mày không mét với cha chị em mình đã lén xem bắn ngựa chứ ?”

Laird trả lời “Không” như không có gì quan trọng cả.

“Mầy hứa chứ?”Tôi nói

“Ừ thì hứa “ Laird trả lời

Để làm dịu cơn xúc động của Laird tôi lấy tiền để dành chiều hôm đó rủ Laird đi xem tuồng do Judy và Canova diễn và cả hai chị em cười thoải mái.

Hai tuần sau tôi biết Flora sắp bị giết thịt.  Đêm trước tôi nghe mẹ tôi hỏi cha tôi khi nào thì đem rơm lót chuồng ngựa ra phơi được. Cha tôi nói “Ngày mốt thì chỉ còn một con bò trong chuồng, và mình có thể thả cho nó ăn cỏ ngoài trời một tuần”

Tôi không có ý định lén xem bắn Flora. Tôi không suy nghĩ nhiều sau khi thấy Mack bị giết. Nhưng đôi khi ở trường học, hay đứng trước gương chải tóc chuẩn bị đi học, suy nghĩ vẩn vơ, hình ảnh Mack ngã xuống bỗng hiện ra. Tôi thấy cha tôi bắn vào đầu Mack một cách dễ dàng quá, và tiếng cười vô tâm của Henry khi thấy Mack giật gân chân trước khi chết. Tôi không thấy sợ hay thắc mắc cha tôi sao giết súc vật. Ở đồng quê hằng ngày tôi thấy súc vật bị giết chết và đối với gia đình tôi đó là một cách sinh sống. Nhưng tôi không ngăn được một cảm nghĩ  bất an và tự hỏi cha mình có thể chọn cách khác để sinh sống và nuôi nấng chị em mình không .

Hôm đó trời tốt, tôi và Laird được giao việc lượm cành gãy trong vườn vừa bị một gió mạnh mùa đông làm gãy, và tôi có ý dùng các cành cây gãy xếp một cái lều hình nón như lều của người mọi da đỏ để chơi. Tôi bỗng nghe tiếng hí của Flora, rồi tiếng nói lớn của cha tôi và Henry. Tò mò, tôi và Laird cùng chạy băng qua vườn vào sân chuồng ngựa.

Cửa chuồng mở. Henry cầm dây dẫn Flora ra thì Flora tung dây chạy dọc theo chiều dài sân chuồng từ đầu này đến đầu kia về phía hai chị em tôi. Chúng tôi leo qua hàng rào ra ngoài để tránh Flora vừa chạy vừa hí, chân sải dài trông đẹp mắt giống như trong phim cao bồi. Cha tôi và Henry chạy theo sau cố chụp sợi dây Flora kéo lòng thòng theo sau .

Chạy đến cuối sân Flora quay lại lách mình chạy giữa cha tôi và Henry đôi mắt giận dữ rồi nhảy băng qua rào ra ngoài đồng. Cánh đồng của gia đình tôi còn một chiếc cổng nữa dẫn vào xóm.  Cổng đó thường đóng nhưng sáng nay Henry mở mang xe truck ra chưa kịp đóng. Nếu Flora vượt qua cổng đó nó sẽ tự do như ngựa hoang. Henry kêu lên: Flora ra đồng rồi! Thấy tôi ở ngoài rào cha tôi bảo : “Con chạy lại đóng chiếc cổng nhanh lên!”

Tôi chạy như bay đến chiếc cổng còn mở, thấy Flora đang phi nước đại chạy tới. Tôi nâng chiếc cửa bằng gỗ khá nặng định khép lại. Cửa khép nửa chừng Flora chạy đến gần hơn tôi thấy đôi mắt Flora trừng trừng nhìn tôi. Tôi có thể đóng cổng kịp không cho Flora chạy ra ngoài, nhưng không biết nghĩ sao thay vì đóng tôi mở rộng cổng ra. Flora chạy vụt qua cổng. Tôi nghe Laird kêu ơi ới, “đóng cổng lại, đóng cổng lại!”mặc dù Laird biết trễ rồi.

Cha tôi và Henry không thấy tôi đã làm gì. Khi cả hai chạy ra đến cổng thì Flora đã chạy ra ngoài xóm và nghĩ là tôi không đóng cổng kịp.

Không để mất thì giờ, cha tôi và Henry lấy súng và dao nhảy lên xe rồ máy chạy đi. Laird chạy theo kêu lên “Cho con đi với” . Cha tôi ngừng xe kéo Laird lên rồi lái xe chạy vào xóm. Tôi đóng cổng rồi vào nhà .

Tôi nghĩ  thế nào Laird cũng kể chuyện cho cha tôi biết và không biết cái gì sẽ xảy đến cho tôi. Từ trước đến nay tôi chưa hề làm trái lời cha tôi. Tôi không biết tại sao lần này tôi làm như vậy. Tôi đủ thông minh để biết chạy ra ngoài xóm Flora cũng không thoát. Ngoài xóm không phải là rừng hoang. Trước sau cha tôi cũng bắt được và giết thịt cho chồn ăn để nuôi sống chúng tôi .

Những gì tôi đã làm không thay đổi gì cả ngoại trừ thêm việc cho cha tôi vốn đã quá bận rộn. Và cha tôi sẽ không tin cậy vào tôi nữa. Nhưng tự hỏi mình có hối hận đã mở rộng chiếc cổng cho Flora chạy thoát không, tôi không thấy hối hận. Trong thoáng chốc tôi đã làm một việc hợp với bản năng.

Vào nhà, mẹ tôi hỏi, cái gì mà ngoài đó ầm ĩ vậy. Tôi nói Flora phá cổng chạy thoát ra ngoài xóm. Mẹ tôi nói “Tội nghiệp cha con, lại phải mất công đi lùng bắt nó. Hôm nay chắc cả nhà ăn cơm trễ”. Tôi định nói cho mẹ tôi biết tại sao Flora chạy thoát được ra ngoài, nhưng nghĩ sao tôi thôi, tôi lên phòng ngồi trên giường ngủ , nhớ lại từng chi tiết của hôm nay chờ cha về mẹ tôi kêu xuống ăn cơm .

 **

Laird trở nên nghiêm chỉnh hơn không như thằng bé chỉ biết ham chơi. Tôi thì biết chăm sóc chiếc giường ngủ của tôi hơn. Tôi trải thêm một tấm vải bông lên trên và kê thêm một bàn chải tóc nhỏ và như một bản năng tôi cách dần phần chỗ tôi ngủ với Laird. Đêm đến chúng tôi không cùng hát nữa. Một hôm nghe tôi hát, Laird bảo:  “Giọng hát của chị nghe như giọng người lớn không thấy hay nữa.” Tôi vẫn tiếp tục hát hết bài, nhưng hôm sau tôi không hát nữa. Thật ra chúng tôi cũng không cần hát vì không còn sợ bóng đêm.

Và sau khi Laird ngủ say tôi vẫn còn thức nằm tưởng tượng những câu chuyện trong đầu như cũ. Tôi tưởng tượng tôi cứu chó hay mèo khi cháy nhà. Có khi bạn trai cùng lớp hay thầy Campbell cứu tôi. Tôi tưởng tượng mái tóc tôi dài, chải chuốt, mặc áo nhiều màu sắc cái hôm thầy Campbell kéo tôi ra khỏi một ngôi nhà đang sụp . Tôi hồi hộp … và luồng tưởng tượng bỗng nhiên biến mất .

**

Hôm đó hơn một giờ chiều cha tôi và Henry mới lái xe truck trở về. Một tấm vải lớn che kín  phần chở hàng phía sau. Nhìn biết là che đống thịt ngựa. Mẹ tôi hâm nóng thức ăn đã làm sẵn và kêu mọi người vào bàn ăn. Cha tôi và Henry đã thay bộ đồ dính máu bằng bộ đồ làm việc đang rửa mặt và chải tóc. Laird đưa cánh tay áo còn dính máu khoe với mẹ “Ba đã bắn chết Flora và con giúp Ba và ông Henry xẻ ra làm 50 miếng thịt.”  Mẹ tôi nói “Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Con thay áo quần  rửa ráy để ăn cơm.”

Cả nhà ngồi vào bàn chuyền tay nhau dĩa xà lách mới hâm còn nóng. Laird ngồi đối diện với tôi và nói tỉnh bơ: “Hôm nay Flora sổng chuồng là lỗi của chị Jane.”

Cha tôi hỏi “Con nói cái gì?”

Laird trả lời: “Jane có thể đóng cổng khi cha bảo thì chị lại kéo rộng cổng ra cho Flora chạy ra ngoài”
“Đúng vậy sao?” Cha tôi ngạc nhiên hỏi

Cả mấy cặp mắt nhìn vào tôi chờ câu trả lời. Tôi im lặng gật đầu, cố nuốt trôi miếng bánh mì còn trong miệng, nước mắt trào ra. Tôi bỏ chiếc nỉa đang cầm trên tay xuống chờ cha tôi đuổi ra khỏi bàn ăn .

Nhưng không. Không ai nói gì  cả. Chỉ có Laird nói “Jane khóc kìa!”

Cha tôi nói,  “Thôi bỏ qua chuyện đó đi!”. Ngừng một chút cha tôi nói như vừa để tha thứ tôi vừa xác định nguyên nhân: “Dù sao hắn chỉ là một đứa con gái!”

Trong thâm tâm tôi không phản đối nhận xét của cha. Biết đâu đúng là vậy./.

© Trần Bình Nam

Bốn mươi năm Dương Nghiễm Mậu và tự truyện Nguyễn Du

$
0
0

 

“… Kẻ có chữ bất mãn thường chọn cách viết sớ tâu lên… Những lá sớ lâm ly thảm thiết này thường không được nghe. Có kẻ dâng sớ nhiều lần nhưng không thấy cởi bỏ áo mũ trở lại làm phó thường dân mà vẫn ung ung tại vị hưởng bổng lộc của triều đình. Một đôi kẻ chấp bút có đôi chút tự trọng thì chọn con đường ở ẩn, không chọn con đường làm giặc nên không có tên trong Sưu Tặc K..” Từ Hải Ngoại Truyện, Dương Nghiễm Mậu, 2005.

1975_ Bùi Giáng và Dương Nghiễm Mậu
Sau 30 tháng 4, 1975 các văn nghệ sĩ không đi thoát, hoặc chọn ở lại như Dương Nghiễm Mậu, nếu không phải đám nằm vùng thì ai cũng chờ cái ngày đi vào nhà giam, các trại tù cải tạo. Giữa những ngày căng thẳng và ảm đạm ấy, có một người vẫn nhởn nhơ, đi tìm thăm bạn bè văn nghệ cũ. Không ai khác hơn đó là nhà thơ Bùi Giáng Lá Hoa Cồn. Trung niên thi sĩ lúc nào cũng gầy và già hơn tuổi, râu tóc xơ xác như từ bao giờ.

Giữa một Sài Gòn thảng thốt, không biết anh đã lượm ở đâu trên đường mà có được bộ quân phục nguỵ với quân hàm Đại tá, Bùi Giáng đem vận ngay vào người, chân thấp chân cao đi nghêu ngao như diễn binh trên hè phố. Có lẽ đây là hình ảnh tuyệt đẹp cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, với một tân binh tình nguyện gia nhập đạo quân đã hoàn toàn rã ngũ.

Rồi Bùi Giáng cũng tới được khu nhà thờ Ba Chuông, nơi có căn nhà Dương Nghiễm Mậu. Bùi Giáng hồn nhiên đi sâu vào con hẻm chật chội ấy đã thấp thoáng màu cờ đỏ. Anh vẫn tỉnh táo nhớ đúng nhà, tới đập cửa rầm rầm đòi vào thăm cho được cố tri. Trầm tĩnh và bản lãnh như Nghiễm, mà trước tình huống ấy cũng vẫn như gái ngồi phải cọc; được cái lúc ấy chòm xóm còn là thân quen, mạng lưới công an chưa đủ dầy đặc để gây nỗi phiền hà. Ra khỏi nhà Dương Nghiễm Mậu, không biết Bùi Giáng còn đi gõ cửa tới thăm những ai khác, hay anh lại ra nơi đầu cầu Trương Minh Giảng như một người tỉnh táo đứng làm cảnh sát công lộ chỉ đường “trên dòng luân lưu hỗn mang của lịch sử”
và để rồi sau đó nếu anh không bị đám “cách mạng 30” hay bọn công an đánh tả tơi sưng mặt mũi thì rồi cuối cùng chắc anh cũng lại tìm về với “mẫu hậu” Kim Cương, ngồi trước cửa phóng bút làm thơ tặng nàng.

Phóng viên chiến tranh Dương Nghiễm Mậu đi qua nhịp cầu Tràng Tìền bị giựt sập trong Tết Mậu Thân, Huế 1968 [photo by Đinh Cường]

Phóng viên chiến tranh Dương Nghiễm Mậu đi qua nhịp cầu Tràng Tìền
bị giựt sập trong Tết Mậu Thân, Huế 1968 [photo by Đinh Cường]


1975_ Toà Soạn Bách Khoa và anh Lê Ngộ Châu
Tuần lễ trước 30 tháng 4, 1975, nhân viên Đài Mẹ Việt Nam và những cây viết cộng tác đã được Mỹ lên kế hoạch di tản khỏi Việt Nam – để tránh bị trả thù. Trước ngày lên tàu ra đảo Phú Quốc, nhà văn Võ Phiến tới thăm toà soạn Bách Khoa, nơi vùng “xôi đậu” có Võ Phiến Bắt Trẻ Đồng Xanh ngồi chung với Vũ Hạnh Bút Máu; cũng là nơi mà Võ Phiến đã gắn bó suốt 18 năm cùng với tuổi thọ của tờ báo. Anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa kể lại: Võ Phiến thì phải đi, nhưng linh cảm không có ngày về, vẻ mặt buồn thảm, anh chỉ ngồi khóc lặng lẽ không nói nổi lời giã từ và rồi đứng dậy bước ra khỏi toà soạn.

Toà soạn báo Bách Khoa trước 1975, 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn, từ phải: chủ nhiệm Lê Ngộ Châu (2006), Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê (1984), Vi Huyền Đắc (1976), Lê Phương Chi, Võ Phiến [nguồn: internet]

Toà soạn báo Bách Khoa trước 1975, 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn,
từ phải: chủ nhiệm Lê Ngộ Châu (2006), Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê (1984), Vi Huyền
Đắc (1976), Lê Phương Chi, Võ Phiến [nguồn: internet]


Trước một ngày mất Sài Gòn, thì hầu như toàn bộ nhân viên Đài Mẹ Việt Nam trong đó có gia đình Võ Phiến Giã Từ, Lê Tất Điều Phá Núi, Viên Linh Hoá Thân, Tu. Hồng Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Thanh Nam Bóng Nhỏ Đường Dài từ Phú Quốc đã được đưa lên con tàu lớn Challenger đậu sẵn ngoài khơi. Khi bờ biển Phú Quốc xa mờ trong tầm mắt, lần này thì Lê Tất Điều thấy Võ Phiến khóc. Cùng với những con tàu thuộc Đệ Thất Hạm đội, họ lênh đênh trên Biển Đông trong cuộc hải trình nhiều ngày để tới đảo Guam.

Guam đã từng là căn cứ xuất phát của các đoàn phi cơ B52 trong cuộc chiến tranh Việt Nam với những trận mưa bom trải thảm/ carpet
bombing có sức tàn phá của một cơn địa chấn. Đảo Guam chỉ rộng 550 km2 sau tháng Tư 1975, là chặng dừng chân đầu tiên của hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn trước khi vào đất Mỹ. Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa, Nghiêm Xuân Hồng Người Viễn Khách Thứ 10, Mặc Đỗ Siu Cô Nương nhóm Quan Điểm cũng đi thoát và trước sau đặt chân tới các trại tỵ nạn trên đất Mỹ.

Chưa đến một tuần lễ sau, ngày 5 tháng 5, 1975 một trong những cây viết lâu năm của Bách Khoa, Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã tuẫn tiết tại tư gia khi cộng sản hoàn toàn chiếm Miền Nam. Cái chết rất sớm và tức tưởi của một tác giả có viễn kiến về lịch sử dân tộc, sức sáng tạo đang sung mãn mới bước vào tuổi 43, đã như một hồi chuông báo tử cho bao
nhiêu tang thương diễn ra sau đó.
1975_ Chiến Dịch Đốt Sách
Những ngày sau 30 tháng 4, 1975, hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới toà báo Bách Khoa cũng là nơi cư ngụ của anh chị Lê Ngộ Châu. Trước khách lạ, đứa con gái nói giọng hãnh tiến: “Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.” Người dân lành nào vô phước đi lạc trên đường ruộng đêm đó có thể bị tụi nó coi là nguỵ. Những tên nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” này chỉ như phó bản đám Hồng vệ binh của Mao nhưng lại sau cả thập niên. Cũng chính những đám này là thành phần kích động chủ lực trong chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ, chúng dẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả tới những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả một tủ sách “Học Làm Người”. Sách của những “tên biệt kích văn nghệ” còn được trưng bày trong toà nhà triển lãm Tội ác Mỹ Nguỵ cùng với vũ khí chiến tranh và chuồng cọp, dĩ nhiên có sách của Dương Nghiễm Mậu, có cả cuốn Vòng Đai Xanh của người viết. Cảm khái với câu thơ Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh kí: văn chương vô mệnh cũng tro than/ văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

Hơn hai ngàn năm sau, chẳng ai quên chuyện “đốt sách chôn nho/ phần thư, khanh nho” của Tần Thuỷ Hoàng, nhưng không biết chỉ 100 năm tới đây, các thế hệ tương lai có ai còn giữ được“bộ nhớ” Đã Có Một Thời Như Thế – tên một bài viết của Nhật Tiến, về giai đoạn người Cộng sản Việt Nam đốt sách giam tù cả một thế hệ văn nghệ sĩ của Miền Nam?

 Chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ sau 30-04-1975 với những vụ “đốt sách” [nguồn: internet]


Chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ sau 30-04-1975 với những vụ “đốt sách” [nguồn: internet]


1975_ Nhà hàng Givral và Phạm Xuân Ẩn
Trước 1975, La Pagode, Brodard, Givral là nơi tôi, Phạm Đình Vy [chủ nhiệm Tình Thương] và các bạn y khoa thỉnh thoảng có dịp lui tới kể cả khi đã ra trường. Givral cũng là nơi thường gặp gỡ các nhà báo như Phạm Xuân Ẩn, Cao Giao, Nguyễn Tú, Như Phong Lê Văn Tiến… Phạm Xuân Ẩn, là bạn đồng môn với nhà văn Sơn Nam thời trung học Cần Thơ, Ẩn gốc người Nam dáng chân quê mộc mạc.

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn chỉ được biết tới như phóng viên của Reuters, sau đó chuyển sang tuần báo Times, trụ sở trong Continental Palace bên kia đường. Cũng không thể không nhắc tới khách sạn Caravelle, gần toà nhà Quốc hội cũ, nơi tập trung đông đảo nhà báo ngoại quốc, nơi đặt văn phòng của các hãng thông tấn và truyền hình Mỹ như ABC, NBC, CBS…

Cũng chính Morley Safer trong một buổi phát hình CBS Evening News ngày 5 tháng 8, 1965 chiếu cảnh lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong cuộc hành quân xua dân ra khỏi làng và sau đó bật quẹt Zippo đốt nhà của họ, những hình ấy đã làm rúng động Toà Nhà Trắng và cả nước Mỹ như một vết hằn sâu của một cuộc chiến bắt đầu thất nhân tâm. Bảy năm sau, Nick Ut phóng viên AP với bức hình “Napalm Girl” chụp trong trận giao tranh Trảng Bàng Tây Ninh ngày 8 tháng 6, 1972, cũng là thời điểm Quốc Hội Mỹ dứt khoát cắt viện trợ quân sự cho Miền Nam.
Đội quân báo chí hùng hậu ấy, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, có khả năng điều kiện hoá dư luận với “những tin tức xấu từ một phía”, đủ làm nản lòng dân Mỹ, cùng với đám GI’s đang cầm súng từ phía bên kia nửa vòng trái đất; truyền thông Mỹ có phần công lao không nhỏ gián tiếp đưa tới mất Miền Nam Tự Do và cũng là một thất trận đầu tiên trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ. Và rồi, tất cả bọn họ cũng đã kịp tháo chạy trước khi Sài Gòn đổi chủ.

Và rồi mấy ngày đầu tháng 5, 1975, Givral lại như điểm hẹn của những người bạn còn kẹt lại, tới đó để biết ai ở ai đi và nghe ngóng tin tức. Từ những chiếc bàn nhìn qua khung kính trong suốt ấy, tình cờ gặp lại Phạm Xuân Ẩn. Ẩn cũng đã từng tới thăm toà soạn báo sinh viên Y khoa Tình Thương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nào. Vợ con Phạm Xuân Ẩn đã được tuần báo Times cho di tản trước đó nhiều hôm, nhưng Ẩn thì ở lại. Với hơi chút ngạc nhiên và vẻ quan tâm, Ẩn hỏi tôi: “Vinh, tại sao toa không đi?” Lúc đó chỉ như một câu hỏi xã giao, nhưng phải sau này, khi đã ở trong vòng rào các trại tù cải tạo, tôi mới thấm thía vỡ lẽ được câu hỏi ấy của Phạm Xuân Ẩn, nó đã như lời báo bão về những năm tháng tù đầy từ một chính sách mà Ẩn thì biết rất rõ.

Trong vỏ bọc của một nhà báo làm cho tuần báo Times danh tiếng của Mỹ, thực chất trước đó nhiều năm Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên chiến lược đơn tuyến của Cộng sản Hà Nội. Sau này cũng chính Phạm Xuân Ẩn tâm sự với Morley Safer chương trình 60 Minutes của CBS rằng khi Sài Gòn sụp đổ không dễ gì để nói với đám “cách mạng 30” đeo súng AK lúc đó rằng, tôi là đại tá quân đội của họ, không phải
CIA. Có thể tôi bị tụi nó giết và cả con chó của tôi cũng bị nướng sống.
[Flashback, Vietnam Revisited 1989, The Spy in Winter]

Từ trái: Cao Giao Newsweek, Phạm Xuân Ẩn Times, Robert Shaplen New Yorker, Nguyễn Hữu Vượng Newsweek, Nguyễn Tú Chính Luận, [photo by Richard Avedon, Continental Hotel Saigon April 17, 1971; “The Spy Who Loved Us”, Thomas A. Bass] 1975_ Nhà báo Như Phong

Từ trái: Cao Giao Newsweek, Phạm Xuân Ẩn Times, Robert Shaplen New Yorker,
Nguyễn Hữu Vượng Newsweek, Nguyễn Tú Chính Luận, [photo by Richard Avedon,
Continental Hotel Saigon April 17, 1971; “The Spy Who Loved Us”, Thomas A. Bass]

1975_ Nhà báo Như Phong
Chỉ sau cụ Hoàng Văn Chí Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, người hiểu rõ cộng sản sau này không ai hơn nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Cô Thần cũng là bút hiệu khác của Như Phong Khói Sóng trên nhật báo Tự Do, một chuyên mục viết về cộng sản Miền Bắc. Hiểu cộng sản như vậy, với biết trước những tháng năm tù đầy, vậy mà anh vẫn chọn ở lại. Gặp lại anh tại nhà luật sư Mai Văn Lễ, trước bệnh viện Sùng Chính trên đường Trần Hưng Đạo. Anh Mai Văn Lễ có một thời làm Khoa trưởng Luật khoa Huế thời Phật giáo Tranh đấu, bây giờ chỉ còn lại mình anh, chị và hai con thì đã đi trước đó một tuần.
Trưa ngày 30 tháng Tư, ngay sau khi lệnh đầu hàng được phát đi, có thể thấy từ mấy tầng lầu cao là một cơn mưa confetti, chỉ một màu trắng của những mảnh vụn giấy tờ tuỳ thân của quân cán chính cần được xé huỷ trước khi cộng quân hoàn toàn kiểm soát Sài Gòn. Không kể những giày nón quân phục được cởi bỏ vội vàng vứt tả tơi trên đường phố. Là người đi trước thời cuộc, anh Như Phong tiên đoán đúng những gì sắp diễn ra: chiến dịch đánh tư sản, kế hoạch đổi tiền cho mỗi hộ khẩu và rồi những cuộn giấy bạc sau đó trở thành rẻ rách và rồi sẽ là quần đảo ngục tù / Gulag Archipelago một tên sách của Solzhenitsyn. Dư tiền cũ thiên hạ đổ xô đi mua vàng, đôla chợ đen không dễ gì có trong thời điểm này.

Anh Như Phong thì chỉ gợi ý  mua những cuộn len qu. nhồi trong các bộ nệm sa lông giống như ngoài Bắc, sau này khi cần có thể gỡ dần ra bán để kiếm sống. Nói vậy thôi chứ thái độ của cả mấy anh em vẫn là “chờ xem”.

Và rồi vang lên tiếng xích sắt nghiến trên mặt nhựa, nhìn qua khung cửa là những chiếc tăng T54 treo cờ giải phóng hối hả chạy về phía trung tâm Sài Gòn.

1980_ Cũng đừng tới thăm
Ra tù ba năm sau, trở về một Sài Gòn đã đổi khác. Nếu còn chút gì thân quen thì là mấy người bạn, không nhiều còn ở lại. Anh ấy là một trong những cố tri đầu tiên tôi nghĩ tới thăm. Là giáo sư đại học, anh tốt nghiệp ở Mỹ, trở về Việt Nam từ cuối thập niên 1960, đầy l. tưởng, ôm mộng lớn về một cuộc cách mạng xã hội – theo anh công bằng xã hội/ social justice phải là giải pháp rốt ráo cho một cuộc chiến tranh bế tắc đang diễn ra khốc liệt giữa hai miền Bắc Nam.

Tôi cũng đã từng gặp anh ở Mỹ và cả những năm sau này ở Việt Nam. Sự xụp đổ mau chóng của Miền Nam với anh là cả một “giấc mộng lỡ”. Tuy không phải chịu những năm tháng tù đầy, nhưng cuộc sống gia đình anh, cũng như cả Miền Nam rõ ràng là khó khăn. Từng bước,
anh đã bán những bộ tự điển qu. lúc đó rất có giá, cho đám học giả đói sách từ Bắc vào mua; tiếp đến là đồ đạc tranh tượng, cuối cùng là còn lại là một tủ sách khoa-học-xã-hội đồ sộ mà anh đem từ Mỹ về thì nay trở thành vô giá – no value, chỉ có thể đem cân k. bán lạt-son để làm bột giấy.

Vợ anh là cô giáo cũng phải ra giữa chốn chợ trời tần tảo kiếm sống. Anh thì quá nhậy cảm để thấy nỗi đau và nhục.

Gặp lại anh, vẫn nét mặt trí thức và đôn hậu như ngày nào, nhưng trong ánh mắt thì lộ rõ vẻ bất an. Thoáng nét vui mừng nhưng anh kịp kìm hãm, vừa nói vừa canh chừng nhìn ra cửa : “Biết toa được ra trại thì mừng nhưng cũng xin toa đừng tới thăm”. Sự thẳng thắn rất trực tiếp của anh, thoáng như một gáo nước lạnh, nhưng tôi cảm thông và vẫn rất thương anh. Gia đình bên vợ anh ở Mỹ đang làm thủ tục bảo lãnh, nghĩ rằng việc có liên hệ với lính nguỵ với tù cải tạo có thể là cản trở cho cuộc hành trình hy vọng của gia đình anh tới bến bờ tự do ấy.

Anh phản ứng theo hoàn cảnh, không chút phán đoán tôi vẫn dành cho anh sự kính trọng, và mai mốt đây nếu có ngày gặp lại anh thì chắc chắn phải là trên một lục địa khác. Rất sớm trên toàn Miền Nam đã bắt đầu có một mạng lưới tai mắt tổ dân phố và công an đủ để
gây hoài nghi và cả sự sợ hãi.

Ra khỏi nhà anh, có lại được niềm vui ấm lòng khi gặp người bạn tấm cám Nghiêu Đề. Nghiêu Đề cho biết mới gặp Sao Trên Rừng đi xe gắn máy từ Đà Lạt xuống, ngạc nhiên thấy Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên ăn vận đồ lớn complet cravate, hỏi tại sao thì Sơn cười giọng khinh mạn: “có vậy mới khỏi lẫn với tụi nó”.
1980_ Trần Phong Giao ngoài chợ
Trần Phong Giao dáng vạm vỡ, da sậm có vẻ công nhân lao động ngoài nắng hơn là người làm việc chữ nghĩa văn phòng. Nổi tiếng là thư k. toà soạn báo Văn trong 8 năm từ 1963 tới 1971, một tờ báo có vị trí đặc biệt trong sinh hoạt văn học Miền Nam với phát hiện những cây bút mới và không ít sau này đã trở thành những tên tuổi. Sau Văn, anh thử làm nhiều công việc khác cũng trong lãnh vực báo chí, xuất bản, rồi thủ thư nhưng đã không để lại nhiều dấu ấn như ở Văn.

Không lâu sau 30 tháng 4, cả hai anh chị đã phải chạy chợ kiếm sống với chiếc xe ba bánh, đậu trên đường Lê Thánh Tôn đứng bán từng bó củi, mấy nải chuối hay những bó rau tươi để nuôi đàn con. Ngày ra tù, tới thăm anh, vẫn ở trong con hẻm gần Cầu Kiệu, bên Tân Định,
anh gầy sút đi nhiều hai chân đã rất yếu. Gia tài của anh đáng giá vỏn vẹn còn một tủ sách, quý nhất là trọn bộ báo Văn đóng bìa da, một sự nghiệp của Trần Phong Giao nhưng rồi anh cũng đã không giữ được và phải đem bán cho một Việt kiều từ Mỹ về để có tiền chạy gạo và thuốc men. Trần Phong Giao mất trong sự túng quẫn và bạo bệnh (2005), anh cũng bước qua được ngưỡng tuổi cổ lai hy.
1981_ Và những bữa cơm gia đình
Ngôi nhà Nghiễm trong con hẻm với mặt tiền hẹp nhưng khá sâu. Nghiễm mặc quần soóc, áo thun trắng, đôi mắt rất tinh anh lúc nào cũng như mỉm cười, trông trẻ hơn tuổi của một người sinh năm 1936.

Tuy sống gần khu Chợ Cũ, sẵn những quán ăn vỉa hè và nhà hàng, rất tiện cho nếp sống cơm hàng cháo chợ, nhưng thường sau một ngày làm việc, thay vì về nhà tôi ghé nhà Nghiễm, được chị Trang vợ Nghiễm cho thêm chén thêm đũa với những bữa ăn đạm bạc nhưng ngon miệng vì là bữa cơm hạnh phúc gia đình. Trong tù, tôi và Nghiễm thì đã quen với những bữa ăn đói ngày đêm, ra ngoài tuy rau đậu nhưng cũng là bữa tạm no.

Người lớn thì không sao, nhưng với trẻ nhỏ đang tuổi “mau ăn, chóng lớn” thì khẩu phần ấy phải xem là suy dinh dưỡng. Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu nhau rồi.

Chỉ có cô giáo Trang vợ Nghiễm sau một ngày dạy học mệt nhọc nhưng lúc nào cũng có đôi chuyện vui từ trường đem về gia đình. Miền Nam tài nguyên thì vẫn nguyên vẹn, nhưng đã có chính sách bần cùng hoá kiểm soát từng bao tử của người dân qua khẩu phần và sổ lương thực của họ.
1982_ Dương Nghiễm Mậu và một Thanh Tâm Tuyền khác
Đã gặp Thanh Tâm Tuyền ở những ngày 30 tháng Tư 1975 nơi một căn nhà nhỏ bên Gia Định. Vợ Tâm lúc đó cũng vừa sinh đứa con trai út trong cảnh tán loạn bệnh viện Nguyễn Văn Học. “Một Chủ Nhật Khác” cuốn tiểu thuyết cuối cùng của “một thời để yêu một thời để chết” cũng vừa mới in xong, chưa kịp phát hành. Ra tù 1982, gặp lại Thanh Tâm Tuyền của Bếp Lửa, bằng tuổi Dương Nghiễm Mậu nhưng trông anh già hơn nhiều, da sậm đen sắc diện của một người bị bệnh sốt rét kinh niên.

Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót qua suốt bảy năm tù đầy ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. Bảy năm đốn tre trảy gỗ trên ngàn, bị tre nứa đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ nhưng là những bài thơ trở về với các thể thơ truyền thống.

Thơ ở Đâu Xa là tập thơ cuối cùng làm trong tù TTT cho xuất bản ở bên Mỹ (1990). Trong một cuộc phỏng vấn rất hiếm năm 1993, Thanh Tâm Tuyền đã giải thích sự chuyển biến trong thi ca của anh: “Làm thơ trong trại cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ Faire de la poésie dans un camp de redressement, c’est aussi retourner à la poésie de tradition populaire.”
[Thanh Tam Tuyen, la poésie entre la guerre et le camp; par Le Huu Khoa,
Publications de l’Université de Provence]
Trong chỗ rất riêng tư, anh tâm sự: Thái Thanh bạn anh đã dứt khoát không hát từ sau 1975. Khi biết Thanh Tâm Tuyền vừa ra tù đến thăm, cô ấy cầm đàn và hát lại những bài thơ phổ nhạc của anh: Đêm màu hồng, Nửa hồn thương đau, Lệ đá xanh… tuy ấm lòng gặp lại cố tri nhưng rồi anh đã không còn nguyên vẹn cảm xúc để nghe lại những thanh âm ngày cũ. Anh đã nói không với những người mới muốn gặp anh. Anh vẫn giữ thái độ đó khi sang định cư ở Mỹ. Sự khép kín ấy khiến Mai Thảo đôi khi cũng phản ứng giận
lẫy.

Từ phải: Thanh Tâm Tuyền và Doãn Quốc Sĩ trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn 1985 [nguồn: internet]

Từ phải: Thanh Tâm Tuyền và Doãn Quốc Sĩ
trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn 1985 [nguồn: internet]


Rồi cũng có một buổi gặp gỡ cuối 1982, từ nhà Nghiễm có Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và tôi cùng đi bộ tới một quán cóc cũng trên đường Trương Minh Giảng nơi gần đường xe lửa. Thức uống của Nghiễm bao giờ cũng là một chai bia. Nhắc tới Tô Thuỳ Yên Trường Sa Hành thì vẫn còn ở trong tù. Rồi chẳng ai nhắc tới nỗi khổ hiện tại mà câu chuyện lại xoay quanh những người bạn may may mắn ở phương xa. Những người đi thoát trước 1975, vài tên tuổi được nhắc tới: Thanh Nam Tu. Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Viên Linh… Nhưng rồi tên Mai Thảo Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời vẫn như điểm hội tụ của những tin tức. Anh là nhà văn duy nhất hiếm hoi thoát các vụ ruồng bắt của cộng sản trong suốt hai năm sống lẩn lút ở Sài Gòn. Vẫn có nhiều người liều mạng che chở cho anh. Trần Dạ Từ Tỏ Tình Trong Đêm cùng với rất nhiều nhà văn nhà báo thì đang trong tù, Nhã Ca Giải Khăn Sô Cho Huế ra tù sớm phải cưu mang một đàn con nhỏ nhưng cũng chính mấy mẹ con Nhã Ca đã bất chấp hệ luỵ cất dấu bác Mai Thảo trong nhà, một căn phố lầu trên góc đường Tự Do, đây cũng là chặng ẩn náu cuối cùng của Mai Thảo cho đến khi anh vượt biển rất sớm thoát được tới đảo Pulau Besar Mã Lai đầu tháng 12, 1977.

Hai năm sau Mai Thảo 1979, phải kể tới chuyến đi thừa sống thiếu chết của  81 thuyền nhân trong số đó có Nhật Tiến Người Kéo Màn và thầy Từ Mẫn Lá Bối, vợ chồng ký giả Dương Phục Vũ Thanh Thuỷ… và con tàu đã gặp nạn hải tặc Thái Lan trên biển rồi trên đảo Kra, và cũng rất sớm qua ngòi bút của người chứng Nhật Tiến đã ghi lại những thảm cảnh ấy và bắt đầu làm rúng động lương tâm thế giới. Cũng khởi đầu cho phong trào Cứu Người Vượt Biển về sau này.
Sau lần gặp gỡ nơi nhà Nghiễm, Thanh Tâm Tuyền chuẩn bị đi Mỹ theo diện HO, cho dù “tâm thái” – chữ của TTT, vẫn gắn bó với một quê hương mà anh không muốn xa rời, riêng tác giả Ba Sinh Hương Lửa lại vào tù tổng cộng 14 năm trước khi đi định cư 1995 và gặp lại Mai Thảo ở Quận Cam. Trên đường đi, tôi không thể không có . nghĩ nếu làm một con toán cộng những năm tù đầy của mỗi văn nghệ sĩ Miền Nam, con số ấy phải vượt trên nhiều thế kỷ. Không phải chỉ có oan nghiệt giam cầm huỷ hoại những thân xác, họ còn giết chết sức sáng tạo của văn nghệ sĩ trong khoảng thời gian sung mãn nhất. Một nỗ lực huỷ diệt cả một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?

Tiểu sử:
Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh năm 1936 tại Hà Đông, cùng năm sinh với Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường. Học tiểu học trường Hàng Than, trung học Chu Văn An Hà Nội. Cùng học 2 trường ấy nhưng Nghiễm hơn tôi 5 tuổi, có lẽ trên nhiều lớp nên không được biết anh. 1954 di cư vào Nam. Từ 1957 viết nhiều tùy bút, đoản văn, truyện ngắn, truyện dài cho Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Điểm, Chính Văn. Có một giai đoạn ngắn, Nghiễm sinh hoạt nơi Đàm Trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh Ai Có Qua Cầu. Từ 1962, làm tạp chí Văn Nghệ với L. Hoàng Phong, anh của nhà thơ Quách Thoại.

Tập truyện ngắn đầu tay Cũng Đành, Văn Nghệ xuất bản năm 1963. Truyện dài Gia tài Người Mẹ, giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1966. Nhập ngũ 1966 với cấp bậc hạ sĩ đồng hoá, làm phóng viên chiến trường đến tháng
4/1975. Sau 1975 bị bắt, ra tù 1977, sống bằng nghề sơn mài tại Sài Gòn.

 

Nghiễm nhắm mắt mỉm cười dưới mặt đồng hồ kim phút kim giờ cùng rớt xuống [photo by Trần Cao Lĩnh]

Nghiễm nhắm mắt mỉm cười dưới mặt đồng hồ kim phút kim giờ
cùng rớt xuống [photo by Trần Cao Lĩnh]

2006_ Những Cơn Mưa Sài Gòn
Từ một khách sạn nhỏ gần đường Tự Do, để tới khu nhà thờ Ba Chuông, đi bộ thì quá xa, taxi thì nạn kẹt xe, tôi chọn Honda ôm, nhưng đã không tránh khỏi thót tim vì mấy tay lái xe quá liều mạng: chạy nhanh len lách, ngược dòng xe cộ, cắt cả lên vỉa hè đông người đi bộ mà anh ta cho là an toàn hơn đi theo luật giao thông. Tuy không có mẩu giấy địa chỉ trên tay, nhưng có trí nhớ tốt về hình ảnh / photographic memory, tôi nghĩ vẫn có thể tìm ra nhà Dương Nghiễm Mậu vẫn trong ngõ hẻm ấy cho dù đã nhiều năm không gặp.

Nhà đã được xây lại, cất thêm một từng lầu. Nghiễm nay là nghệ nhân sơn mài, chị Trang vợ Nghiễm thì vẫn dạy Anh văn ở Marie Curie, hai con Nghiễm đã trưởng thành tốt nghiệp đại học và đi làm. Cả gia đình đều làm việc cật lực để tạo được một cơ ngơi như hôm nay.
Khi Nhà Văn là Con Bệnh
Tháng 9, 2006 gặp lại Nghiễm sau bao năm, khi anh vừa bước vào ngưỡng tuổi cổ lai hy. Thanh Tâm Tuyền vừa mất trước đó 6 tháng [03/2006]. Như Phong Khói Sóng mất đã 5 năm [12/2001], Mai Thảo Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền cũng mất trước đó 8 năm [01/1998], cùng năm với Nghiêu Đề Ngọn Tóc Trăm Năm [11/1998]. Họ là những nghệ sĩ Việt Nam chọn tự do phải sống lưu vong và vùi thân ở một nơi không phải quê nhà.

Nghiễm thì vừa gặp nạn ở cái tuổi 70, khi đang đi bộ trên lề anh bị một xe gắn máy chắc cũng lại xe ôm leo lên tông gẫy xương cổ chân, phải phẫu thuật bó bột gần 2 tuần lễ rồi mà còn sưng đau, vẫn phải chống nạng.

Nghiễm giỏi chịu đựng, không hề than đau chính điều ấy khiến tôi quan tâm. Nghiễm cần được tái khám để có một . kiến thứ hai / second opinion. Tôi nghĩ tới một bạn đồng môn còn ở lại, chuyên khoa chỉnh trực, giảng dạy ở Y khoa, bạn bè gọi anh là người có bàn tay vàng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Anh cũng có phòng mạch tư ngoài giờ và tôi đề nghị đưa Nghiễm tới đó. Nghiễm thì lưỡng lự không muốn nhưng vì tình bạn anh đã không thể nói không.

Không có địa chỉ, nhưng biết phòng mạch Bs Võ Thành Phụng trên đường Lê Văn Duyệt, đối diện với trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công cũ. Với một cổ chân bị gẫy còn rất xưng đau, thì lên và xuống taxi lúc này không phải là dễ dàng đối với Nghiễm. Cơn mưa nhiệt đới thì vẫn cứ tầm tã từ nhà cho tới khi Nghiễm bước chân được vào phía trong phòng mạch. Gặp chị Võ Thành Phụng, khi biết người bệnh là nhà văn Dương Nghiễm Mậu, thì tôi hầu như không còn vai trò gì nữa. Chị là độc giả lâu năm và rất quen thuộc với các tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, từ thời báo Văn, Văn Nghệ và cả Sáng Tạo ngày nào, không kể những cuốn sách của Nghiễm mà chị đã đọc.

Phòng mạch đông khách, do sắp xếp của chị Phụng, Nghiễm là bệnh nhân mới được ưu tiên khám trước. Anh Phụng cùng tôi đọc những tấm phim chỉ rõ xương cổ chân gẫy chưa lành nhưng không nhiều di lệch nên không cần thêm phẫu thuật mà là điều trị bảo tồn. Quá bận bịu với chuyên môn, anh Phụng có lẽ không là độc giả của Dương Nghiễm Mậu như chị Phụng nhưng Nghiễm đương nhiên trở thành người bệnh đặc biệt của phòng mạch anh chị hôm đó. Trời vẫn không ngớt mưa, trong taxi trên đường về, tôi nói đùa với Nghiễm, trong cuộc đời viết văn, tôi chưa bao giờ có hạnh phúc được gặp được một nữ độc giả tâm đắc và yêu văn chương đến như vậy. Rất ít bày tỏ, như từ bao giờ Nghiễm chỉ đáp lại bằng một nụ cười hiền.

 Dương Nghiễm Mậu gẫy chân, ngồi cười trước tủ sách, hai tay tựa trên khung đi / walker [photo by Ngô Thế Vinh 09/ 2006] 2012_ Từ Hải Ngoại Truyện.

Dương Nghiễm Mậu gẫy chân, ngồi cười trước tủ sách,
hai tay tựa trên khung đi / walker [photo by Ngô Thế Vinh 09/ 2006]
2012_ Từ Hải Ngoại Truyện.


Trước 1975, đọc Kinh Kha với con chủy thủ trên đất Tần bất trắc trong Nhan Sắc để thấy truyện Dương Nghiễm Mậu là những tình huống và thái độ lựa chọn, rất biểu tượng và nhiều ẩn dụ. Nghiễm viết truyện xưa mà nói tới nay. Kinh Kha qua sông Dịch, chàng lọt vào được cung điện, khi đã kề đoản đao vào cổ Tần Vương, nhưng thay vì run sợ, thì Tần Vương lại ngửa mặt cười. Và Kinh Kha chợt hiểu ra tất cả: giết bạo chúa này sẽ lại có một bạo chúa khác… Và hình ảnh Kinh Kha lầm lũi rời khỏi cung điện vẫn là nỗi đau không cùng, như một dự báo oan khiên cho ngày hôm nay.

Từ Hải Ngoại Truyện được Dương Nghiễm Mậu viết khoảng 10 năm sau 1975, [Gia Định, 2005]. Từ Hải là nhân vật được Dương Nghiễm Mậu khá nâng niu. Phí Ích Bành em Nghiễm, trao cho tôi một phong bì với 16 trang chữ có ít dòng thủ bút của Nghiễm. Đọc ngay những trang viết ấy để thấy một Từ Hải Ngoại Truyện nửa anh hùng nửa thảo khấu, rất khác với nhân vật chính truyện khi chọn con đường bổng lộc giam thân về chốn triều đình.

Từ Hải Ngoại Truyện với thủ bút của Dương Nghiễm Mậu Một trích đoạn về bối cảnh xã hội trong Từ Hải Ngoại Truyện: “một hôm thầy Khổng ngồi xe đi trên đường thì thấy một bô lão bước tới vái chào, thầy Khổng cho dừng xe lại, trong chốc lát cả một đám đông trẻ con gầy còm nhếch nhác vây quanh. Ông lão nói: nghe thiên hạ nói thầy nhiều chữ nên tới xin một ít. Khổng Tử liền mở cái hòm gỗ lấy ra một cuốn sách trao tận tay cụ già. Cụ già cầm lấy ngắm nghía rồi lật những trang sách nhìn trên nhìn dưới rồi gấp lại đứa trả thầy Khổng và nói: tôi không biết dùng cái này để làm gì. Có tiếng cười khả ố vang lên từ một người trung niên ở trần, đóng khố: sách chẳng có giá trị gì đối với những người không có cơm ăn và mù chữ. Ông hãy bước chân xuống ruộng, đi cày trồng lúa rồi lấy thóc mà cho họ thì có ích hơn. Chuyện chỉ kể tới đó không cho biết hành xử của thầy Khổng ra sao”.
Cũng trong Từ Hải Ngoại Truyện, Dương Nghiễm Mậu viết về giới quan lại khoa bảng: “Trong Sưu Tặc K. những kẻ nổi lên làm giặc thường xuất thân là dân thuyền chài, kẻ cầy ruộng, người chăn trâu, kẻ đốn củi; tuyệt nhiên không thấy có kẻ nào đậu tiến sĩ, trạng nguyên. Không tên giặc nào có làm thơ làm phú, hoặc từng làm quan, làm thầy giáo mà đi làm giặc. Ở những sách khác có viết về kẻ có chữ bất mãn thường chọn cách viết sớ tâu lên: khi thì đòi chém tham quan ô lại, khi kêu ca sưu cao thuế nặng khiền dân đen chết đói, khi kêu oan cho lương dân bị chết chém… Những lá sớ lâm ly thảm thiết này thường không được nghe. Có kẻ dâng sớ nhiều lần nhưng không thấy cởi bỏ áo mũ trở lại làm phó thường dân mà vẫn ung ung tại vị hưởng bổng lộc của triều đình. Một đôi kẻ chấp bút có đôi chút tự trọng thì chọn con đường ở ẩn, không chọn con đường làm giặc nên không có tên trong Sưu Tặc K..”

Dương Nghiễm Mậu viết những dòng cuối: “Từ những trang sách tới thực tế của chuyến đi làm ta hoài nghi những ghi chép của người xưa… nhiều sách truyện đã để cho Từ Hải chết đứng giữa trận tiền. Một anh hùng phải có cái chết anh hùng. Trong ngoại truyện Từ Hải, cuối cùng Từ Hải đã chết nhưng chết một cách khác, không phải cách chết đứng giữa trận tiền.”

Rồi từ chuyện xưa mà hóa ra nay, Dương Nghiễm Mậu viết tiếp: “Nhiều sách tạo ra những anh hùng như mô tả kẻ tự biến mình thành cây đuốc sống, lấy thân mình bịt họng súng thần công, ôm bom lao vào quân giặc mà chết. Hầu hết những anh hùng trong sách đó chẳng bao giờ người ta tìm ra tung tích.”
Tưởng cũng nên nói thêm, căn nhà của gia đình Nghiễm không xa cây cầu Nguyễn Văn Trổi trên đường Công L. thời chống Mỹ, rồi không thể không nhắc tới “cây đuốc sống” Lê Văn Tám đốt kho xăng Thị Nghè 1945 thời chống Pháp: một nhân vật mà sau này Trần Huy Liệu, bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào những ngày cuối đời đã trối trăng lại với đám môn sinh: Lê Văn Tám chỉ là sản phẩm của tuyên truyền và không có thật.

Ba mươi hai năm sau 1975, qua liên lạc vận động của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, [cũng là người giới thiệu Phạm Duy đến với Công ty Phương Nam], nhà xuất bản Phương Nam đã tái bản 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi Mắt Trên Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc, Tiếng Sáo Người Em Út), và truyện dài Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên. Ngay sau đó, Vũ Hạnh, tuổi đã ngoài 80, như một đao phủ đã không nương tay viết bài đấu tố Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, và quy tội Công ty Phương Nam.

Vũ Hạnh viết: “Sách của Dương Nghiễm Mậu thì nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược, còn sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy.” Vũ Hạnh viết tiếp: “Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu… Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất  nước.” Và rồi cũng Vũ Hạnh kể lể: “các tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào.” [Sài Gòn Giải Phóng, 22/4/2007].
Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây, trước 1975 đông đảo thế hệ văn nghệ sĩ Miền Nam không thiếu lòng nhân ái đã hơn một lần cùng vận động k. tên yêu cầu thả Vũ Hạnh. Vũ Hạnh cũng được Văn Bút Việt Nam che chở, và khi bị kết án tù thì chính linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Văn Bút đứng ra bảo lãnh, để rồi sau đó Vũ Hạnh lại công khai ra ngoài họat động.

Sau 1975, nhiều nhà văn nhà báo miền Nam ấy đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương. Nếu còn sống sót, đều nhất loạt phải gác bút: Dương Nghiễm Mậu sống bằng nghề sơn mài, Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ ở đầu đường, Trần Lê Nguyễn tác giả kịch Bão Thời Đại thì phải đứng sạp bán báo để độ nhật, Nguyễn Mộng Giác Đường Một Chiều làm công nhân sản xuất mì sợi, Trần Hoài Thư Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi ba năm ở tù ra trở thành Người Bán Cà Rem Dạo.
Nghiễm vốn tâm lành, nếu có ai nhắc đến chuyện Vũ Hạnh thì anh chỉ cười, giọng vẫn bao dung, anh tin trên đời người tốt nhiều hơn kẻ xấu, kẻ xấu như vậy rốt cuộc họ cũng tự thấy sai. Nghiễm có lạc quan quá không vì đã hơn 40 năm chịu khổ ải do họ gây ra, nay đã tới tuổi gần đất xa trời mà sao họ vẫn“chưa tự thấy sai” chưa hề biết sám hối. Một người bạn rất quen biết Vũ Hạnh nhận định: sự hung hãn ấy chỉ như tấm bình phong – một thứ raison d’être, biện minh cho sự hiện hữu của Vũ Hạnh còn như một người cộng sản.
“Ngày Xưa Vũ Hạnh” cộng sản nằm vùng vẫn được sống thênh thang, vẫn được đối xử như một nhà văn [L. Đợi, talawas 10.5.2007] “Ngày Nay Vũ Hạnh” bên thắng cuộc – tên bộ sách của Huy Đức, thì vô cảm vênh váo, là tiếng nói hung hãn nhất trong Hội đồng đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia. Vẫn một cliché, vẫn một khẩu hiệu tung hô không suy xuyển: “tác giả là gốc ngụy, nội dung tác phẩm là nô dịch phản động đồi trụy”. Vũ Hạnh xấp xỉ tuổi Võ Phiến, nay sắp bước vào cái tuổi 90 vẫn cứ nhân danh “đảng ta, chèo lái con thuyền chở đạo” vẫn không ngừng truy đuổi cả những thế hệ nhà văn trẻ nối tiếp có khuynh hướng tự do, điển hình qua bài viết phê phán Nhã Thuyên và Nhóm Mở Miệng với hai cây bút nổi trội là L. Đợi và Bùi Chát [Thấy gì từ một luận văn sai lạc, Văn Nghệ
29/2013].
Có lẽ tấn thảm kịch của Vũ Hạnh cũng như những người cộng sản tha hoá bước vào Thế Kỷ 21 là sự “nguỵ tín/ mauvaise foi” họ sống với hai bộ mặt, vẫn không ngừng hô hào cổ võ cho điều mà họ không còn chút tin tưởng. Vũ Hạnh vẫn không ngưng nặng lời chửi rủa Mỹ, nhưng rồi vẫn gửi con cái đi du học rồi trưởng thành sống ở Mỹ; Vũ Hạnh vẫn được ra vào nước Mỹ như một con người tự do.

Trở lại với Nghiễm, nhiều người vẫn nghĩ rằng, sau 1975, ngoài thời gian bị tù đày, đi làm sơn mài kiếm sống, Dương Nghiễm Mậu không còn viết gì. Điều này có lẽ không đúng. Nghiễm không có sách mới xuất bản trong nước suốt 40 năm từ sau 1975. Nhưng Dương Nghiễm Mậu như tôi biết, anh vẫn viết, trong đó có “Tự Truyện Nguyễn Du” như một tác phẩm lớn mà tôi tin là anh vẫn bền bỉ hoàn tất từng trang sách.

2015_ Mưa California Mưa Sài Gòn
California vẫn khô hạn, nhưng thản hoặc cũng có những cơn mưa đủ tầm tã để gợi nhớ những cơn mưa Sài Gòn, nhớ ngày tới thăm bạn cũng vào một buổi chiều mưa như vậy, với những khúc đường xá thì ngập lụt. Hạnh phúc ở xa là có được một người bạn như Nghiễm, cho dù ở đâu và bao giờ có biến động ra sao thì vẫn cứ là một Dương Nghiễm Mậu với Nhan Sắc ấy, nhất quán và xác tín như thuở nào: có cái dũng để nói không.

Tôi nghĩ tới Nghiễm, anh đã sống trong dòng chính sinh hoạt Văn Học Miền Nam, từ rất sớm cho tới 1975, và 40 năm sau anh vẫn thăng trầm với vận nước ngay trên quê nhà. Anh là một nhân chứng khả tín cho suốt thời kỳ ấy và điều anh viết ra được mọi người tin.
Lời Cuối Cho Bài Viết
Dự định khởi đầu là một bài viết về cố tri Dương Nghiễm Mậu, với cuộc hành trình 40 năm của anh. Bài viết chỉ với hơn bảy ngàn chữ, nhưng rồi không tránh được, như một flashback, có thêm những khúc phim trắng đen ngắn của hồi tưởng rất chung và cả rất riêng tư, khá rời rạc đổ tràn theo những trang viết.
Vậy mà đã 40 năm qua đi 1975-2015, với đời người như một cơn gió thoảng, với lịch sử chỉ là một chớp mắt, nhưng lại là một chặng đường rất dài trải nghiệm những tang thương. Thêm một chớp mắt nữa, thế hệ những người cầm bút 1954-1975 đều trở về với cát bụi, một số có thể còn được nhắc tới qua tác phẩm nhưng rồi cũng phải kể tới cuộc sống đầy đoạ và cả những cái chết tức tưởi của họ. Nói tới Văn Học Miền Nam, không thể không có một “cuốn sách trắng/ livre blanc” về thời kỳ đó, một Wikipedia mở, như một “bộ nhớ” cho các thế hệ Việt Nam tương lai.

Trong quá trình phục hồi di sản Văn Học Miền Nam, không thể không nhắc tới một tên tuổi: Trần Hoài Thư – Thư Quán Bản Thảo, anh có hùng tâm và đơn độc trong suốt nhiều năm nỗ lực khôi phục lại những văn bản của một thời kỳ văn học bị truy lùng và huỷ diệt.

Không phải là quá sớm để ghi lại một giai đoạn lịch sử trung thực, chứ không phải là “phiên bản” nguỵ tạo mà người cộng sản đã và đang làm. Trước khi lịch sử bước qua một trang khác.
NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 1975 – California 2015

(Tác giả gửi đăng)
23

Trần Đức Thảo và những va đập hiện thực nghiệt ngã

$
0
0

Tran Duc Thao Trần Đức Thảo thuộc “thế hệ vàng” trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những bàn luận, tranh cãi mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau.

Năm 1951, để lại đằng sau kinh thành Paris hoa lệ, chọn đứng về “phe nước mắt”, quyết định trở về nơi chiến tranh và cách mạng đang diễn ra cuồng nhiệt, nóng bỏng đến độ trần trụi, hy vọng tìm thấy một con đường cho triết học cũng như thực tại, có lẽ Trần Đức Thảo không bao giờ tưởng tượng ra rằng, hiện thực không giàu chất thơ và sự dã man của chính trị là khôn cùng…

1- “Tai bay vạ gió” vì khát vọng

Khi Trần Đức Thảo trở về Việt Nam qua ngả Trung Quốc, một cán bộ giỏi cả tiếng Quảng Đông và Quan thoại là Trần Lâm được cử đi đón ông. Dọc đường, hai người thường xuyên tâm sự và trở nên thân thiết như anh em. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và “bàn giao” Trần Đức Thảo cho “cấp trên”, Trần Lâm nhận được yêu cầu phải báo cáo tỉ mỉ, chính xác, không thiếu dù chỉ một chi tiết nhỏ toàn bộ những gì hai người đã trao đổi lúc đi đường. Hy vọng có thể làm cho cách mạng chú ý tới tài năng và trọng dụng Trần Đức Thảo, Trần Lâm thành thật nhận xét Trần Đức Thảo “là người có học thức, có trình độ suy nghĩ cao, rất có tinh thần yêu nước, có lý tưởng trong sáng, rất mong được phục vụ cách mạng”[1]. Đánh giá cao Trần Đức Thảo, Trần Lâm khẳng định đây là người luôn “ao ước được góp tim, óc để xây dựng một cuộc cách mạng huy hoàng ở quê hương, để có thể làm một mẫu mực cho các nước đang tranh đấu giành độc lập cho Tổ quốc và dân tộc của các nước bị trị”[2].

Bản báo cáo ấy được mang đọc cho cố vấn Trung Quốc, “các đồng chí cố vấn” ghi vào đó cảm nghĩ rồi hỏa tốc gửi về Trung ương. “Trung ương” không chỉ không hài lòng vì “một kẻ chưa hề sống với cách mạng một ngày mà dám mưu tính về dạy người của cách mạng làm cách mạng”[3], mà còn nêu nghi vấn Trần Đức Thảo có thể “là người do thực dân gián tiếp đưa về, là một thứ siêu gián điệp trí thức mà thực dân mưu toan cài vào hàng ngũ cách mạng”[4].

Kết quả là khát khao xây dựng “một mô hình cách mạng hoàn chỉnh, trong sáng và nhân đạo mà cả loài người chờ đợi”[5] của Trần Đức Thảo bị quy là “ý đồ chính trị độc hại!”. Thay vì đưa Trần Đức Thảo về trường Đại học ở Khu Tư, người ta lệnh đưa ông về An toàn khu ở gần Trung ương để dễ bề kiểm soát.

Một ước mơ nhân bản có phần mộng mị được rưới thêm một chút nước sốt ca ngợi đầy thành ý của Trần Lâm thoắt cái đã biến thành sợi dây oan nghiệt, thít chặt một cách không thương tiếc cuộc đời và số phận triết gia tài danh. Trần Đức Thảo chua chát kết luận: “Sự nghi ngờ của lãnh đạo khi đi xuống tới cấp thừa hành thì nó đã trở thành một xác định”[6]. Ông chỉ còn được phân làm mấy việc vớ vẩn như dịch những tài liệu cũ kỹ vô tác dụng, hoặc được cử theo chân một vài phái đoàn thanh tra Trung ương như một vật trang trí. Trần Đức Thảo biết rằng mình đã bị biến thành thứ tô điểm, trang hoàng, quảng bá để bên ngoài nhìn vào tưởng chế độ “có nền tảng đoàn kết quốc gia và dân chủ rộng rãi”[7]. Ông buộc phải đi tiếp con đường đã chọn nhưng với hình hài “bù nhìn đứng giữa ruộng dưa”.

Bằng một cú hích tàn nhẫn, hiện thực đã kéo triết gia đang lơ lửng trong những khát vọng đem “hiểu biết đúng” của mình, đem ánh sáng tinh thần lành mạnh, sâu sắc nhen góp cho sự tiến bộ của đất nước, buộc phải đặt chân xuống mảnh đất bỏng rẫy than hồng, lởm chởm gai góc và đá tai mèo sắc nhọn. Từ đây, trên mảnh đất ấy, dù không là kẻ tuẫn nạn, song mỗi bước chân ông đi đều rớm máu. Ông bắt đầu lờ mờ hiểu ra rằng, nhân tài không thể và không bao giờ có chỗ đứng trong vương quốc tôn thờ chủ nghĩa độc quyền chân lý.

2- Chủ nghĩa lý lịch và thói dối trá

Chưa hết bàng hoàng bởi cú sốc vì mộng ước “hoàn toàn tan vỡ ngay từ đầu khi chưa đặt chân trở lại mảnh đất quê hương”[8], Trần Đức Thảo đã phải đối diện ngay với một thứ chủ nghĩa man rợ – chủ nghĩa lý lịch.

Trở về từ trời Tây, chân ướt, chân ráo xuống tới Nam Ninh (Trung Quốc), Trần Đức Thảo được một cán bộ quân sự tên Hùng tới hướng dẫn làm hồ sơ trước khi “hành quân” về nước. Cầm trên tay bản “Tự khai”, “Trích ngang”, bộ óc triết học nổi tiếng thông tuệ bỗng đông cứng, chuyển từ trạng thái choáng váng sang kinh hoàng, lo sợ. Nếu như bản “Trích ngang” rối rắm có 15 cột[9] cùng khá nhiều nội dung vô nghĩa, vô giá trị đối với phẩm giá và nhân cách con người, thì bản “Tự khai” thực chất là một văn bản phản giá trị khi nó yêu cầu “đánh giá, tố cáo tất cả mọi người thân thích từ mấy đời trong đại gia đình bao quanh mình”[10].

Khó có lời lẽ, ngôn từ nào có thể diễn tả được tâm trạng rối bời và hoảng loạn của Trần Đức Thảo lúc đó. Những câu hỏi nhức nhối cứ quay cuồng trong đầu óc triết gia: Có thật sự cần thiết phải phán xét công tội đối với cách mạng của cả bố mẹ, ông bà nội ngoại, anh em họ hàng…? Liệu có người nào đó muốn bao che cho bố mẹ, họ hàng? Liệu có thể lợi dụng tố giác để làm hại người mình ghét?

Những giải thích mang tính “khai trí” cho Trần Đức Thảo của người cán bộ tên Hùng khiến ông bất ngờ và sửng sốt: Phán xét là “cách chứng tỏ mức độ giác ngộ cách mạng của mình. Nó giúp cách mạng đánh giá bản thân người khai”[11]; “vì ai cũng muốn tỏ lòng thành với cách mạng, nên có khi họ còn cố khai khống lên là có bố mẹ, ông bà là thành phần phản động để có cơ hội lên án, để tỏ vẻ là mình đã khai rất thành khẩn!”; “cách mạng bảo mình khai thế thì cứ thế mà làm. Còn chuyện lo ngại làm hại người khác, hay lo có thể khai gian dối v v… thì để cách mạng xét. Ta đã theo cách mạng, theo “đảng” thì để “đảng” suy xét hộ ta”[12].

Chỉ bằng bấy nhiêu lời lẽ, một cách vô tình, không trực tiếp, người cán bộ tên Hùng đã chạm tới tầng sâu bản chất sự việc, “hồn nhiên” gọi tên, chỉ mặt những tha hóa đạo đức sinh ra từ những lề luật, những quy tắc vụn vặt song lại có sức nặng ngàn cân để nắm lấy, kiểm soát và kiềm tỏa từng con người. Ẩn đằng sau thứ chủ nghĩa lý lịch mà Trần Đức Thảo hoàn toàn xa lạ là một thực tại nham nhở đến đau đớn, hãi hùng: Thói gian dối, đạo đức giả, thói a dua, hèn hạ đạp lên quá khứ, chối bỏ nguồn cội, phản bội chính mình…tất cả chỉ để được “cách mạng” ưu ái hoặc thậm chí chỉ để được yên thân.

Bứt khỏi căng thẳng và ngột ngạt, con người lý tính trong Trần Đức Thảo lên tiếng đối thoại với chính mình: “Trong thâm tâm ta có thấy bố ta đáng bị lên án là kẻ làm “tay sai cho Pháp” hay không?”; “Cảnh giác cách mạng buộc ta phải chơi trò dối trá?”; “Cứ nói dối như mọi người thì có lợi cho ta không? Thì ta có còn là ta không?”[13]. Tư duy, luận giả một cách logic, chặt chẽ, gẫy gọn, con người lý tính kết luận: “Khai và lên án bố thực ra là đã nói dối, mà là nói dối với chính ta! Dù đây là một sự nói dối bắt buộc nhưng vẫn là nói dối, dù cho cách mạng muốn vậy, bắt phải làm như vậy!”; “khai khống như vậy là cách mạng dạy ta xảo trá!”[14].

Cuối cùng, bất chấp lời khuyên “phải lên án mạnh mẽ cha mẹ họ hàng đã từng đi theo phong kiến, chạy theo thực dân!” của người cán bộ tên Hùng, con người đạo đức trong Trần Đức Thảo quyết định không đi theo lối mòn của đám đông nhút nhát được chăn dắt. Dù biết rằng mình đang làm một điều cực kỳ nguy hại cho bản thân, bước vào con đường chông gai mà tất thảy mọi người đều muốn tránh, Trần Đức Thảo vẫn dứt khoát không “bắt đầu bằng thái độ cúi đầu nói dối, khai man”. Bản “Tự khai” của Trần Đức Thảo được viết ra với tất cả tấm lòng thành thật, khai đúng những gì ông biết, ông nghĩ, ông tin, không núp dưới mác “giác ngộ cách mạng” mà lừa dối chính mình, mà “xỉ vả ông bà, cha mẹ” – những người, như Trần Đức Thảo giải thích, “đã dạy tôi nên người lương thiện, yêu nước, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc…”[15].

Thay vì khai lý lịch theo kiểu tỏ ra “giác ngộ cách mạng”, Trần Đức Thảo viết một bản “Tự bạch” – một bài luận kín bốn trang của tờ đôi vở học trò, giải thích sự thành thực của mình, nêu rõ quan điểm không thể nhắm mắt lên án quá khứ chỉ vì chưa có ý thức cách mạng. Ông phân tích: “Thời đó tổ tiên dân tộc đã biết tạo ra bao nhiêu thế hệ sống lương thiện, biết xây dựng những con người dũng cảm, đã biết tạo dựng và biết bảo vệ non sông gấm vóc, Tổ quốc vinh quang… mà ngày nay không ai có thể chối bỏ dĩ vãng lịch sử, chối bỏ non sông gấm vóc và Tổ quốc này”[16].

“Tổ chức” quyết định gửi hồ sơ của Trần Đức Thảo về Trung ương với dòng chữ: “Hồ sơ chưa hoàn tất vì lý do đặc biệt, đang chờ Trung ương cứu xét”. Còn đang trong nghi án “siêu gián điệp trí thức” lại mắc thêm cái tội “ngoan cố, cứng đầu”, không chấp nhận khuôn mặt ma quái của “giác ngộ cách mạng” theo lối “nói và làm đúng theo yêu cầu của cách mạng”[17], số phận của Trần Đức Thảo coi như đã được định đoạt. Sau cơn địa chấn với “giấc mơ vỡ vụn”, hiện thực tàn nhẫn lạnh lùng phóng tay châm lửa thiêu cháy rụi chút hy vọng mong manh còn sót lại nơi triết gia đã đánh cược đời mình hòng thắp lên những tư tưởng đúng với lương tri, thấm đẫm sự thật.

Thoát ra khỏi vòng xoáy gọt mình dối trá để đáp ứng “Tổ chức”, song Trần Đức Thảo đã không thoát khỏi những cái vòi bạch tuộc bền bỉ, dai dẳng quấn chặt, trói buộc từng cá nhân, không thoát khỏi cỗ máy xay cần mẫn nghiền nát rồi nhào nặn, đúc khuôn những hình hài, buộc chúng phải thuộc về và lẫn trong đám đông, không đi chệch đám đông và không đi xa hơn đám đông. Định mệnh đã an bài cho ông một con đường đau khổ chỉ vì ông có chính kiến, có tư duy độc lập và phê phán. “Cách mạng” không cần những đầu óc độc đáo, những góc nhìn tỉnh táo, những tâm hồn mạnh mẽ. “Cách mạng” cần “nghe” và “thực hiện” hơn là “sáng tạo” và “phản biện!

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả. Hiện tại nghiệt ngã vẫn chưa thôi cười cợt nhà Hiện tượng học uyên bác về lý luận, nhưng lại ngây thơ, cả tin trong thực tiễn. Vị đắng dằn vặt, day dứt, chua xót nhấn chìm nội tâm vẫn còn ở phía trước…

3- Con sóng dữ cải cách ruộng đất

Có lẽ một trong những sự kiện để lại dấu ấn nặng nề nhất trong ký ức và tâm khảm Trần Đức Thảo là cuộc cải cách ruộng đất theo mô hình thổ cải của Trung Quốc mà ông buộc phải tham gia và trở thành chứng nhân bất đắc dĩ.

Ngay từ hôm đầu tiên tiếp xúc với những từ “lạ tai” như “bắt rễ”[18], “xâu chuỗi”[19] trong công việc của đoàn cải cách ruộng đất tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang), ở Trần Đức Thảo đã nảy sinh những thắc mắc về đạo lý, công lý. Ông nhận thấy ngay rằng, phương pháp cải cách này là kết quả của tư duy méo mó được Lenin và Mao tùy tiện khai triển, đẩy nó đi xa một cách hết sức nguy hiểm so với những gợi ý đấu tranh giai cấp của Marx.

Theo như Trần Đức Thảo mô tả, cải cách ruộng đất được chia thành nhiều “công đoạn” khác nhau, từ “động viên, giáo dục bần cố nông” tức là dạy cho họ biết “hạch tội, trừng trị”, thậm chí bịa tội cho giai cấp được coi là từng “cưỡi lên đầu lên cổ”, “bóc lột, hành hạ, đánh đập bần cố nông từ đời này qua đời khác”, cho đến dám đưa tay đấm thẳng vào mặt những “kẻ thù giai cấp” ấy. Trần Đức Thảo nhận xét: “Sự thành công của công tác cải cách ruộng đất tùy thuộc vào tài tổ chức, động viên và huấn luyện bần cố nông thành những nhân chứng luận tội nhân dân, để nhân dân biết vùng lên tiêu diệt giai cấp đã bóc lột họ”[20]. “Tài tổ chức, động viên và huấn luyện” ở đây được hiểu là “tài” kích động tinh thần bần cố nông, là “tài’ sử dụng phương pháp kích thích hận thù để họ có ý chí căm thù cao độ, biến hận thù thành hành động, thẳng tay trừng trị, tiêu diệt, đòi xử tử “những tên nặng tội nhất, ngoan cố nhất, có nợ máu nhiều nhất với giai cấp bần cố nông”. Động lực kích thích bần cố nông chính là “quả thực” – càng vạch mặt chỉ tên cũng như trừng trị được càng nhiều thành phần phản động thì càng tịch thu được nhiều của cải, ruộng đất, nhà cửa và họ càng được chia nhiều những thứ tịch thu được. Bằng cách ấy, “người cách mạng” chẳng những không bài trừ cái xấu, cái hủ lậu như sứ mệnh họ hằng tuyên truyền, mà còn góp phần cài cấy những mầm mốc độc ác, dối trá, thậm chí “bón thúc”, ươm trồng để chúng nảy nở, sinh sôi.

Bệnh quan liêu, thành tích, thờ ơ, vô cảm đã xuất hiện ngay từ ngày ấy khi để hoàn thành nhiệm vụ, người ta đã “đôn” những hộ nông dân có vài mẫu ruộng đủ ăn lên thành phú nông. Với “nỗ lực” của đội cải cách, ở cái làng quê nghèo xác xơ quanh năm ăn độn, dân thưa thớt, ruộng đất phân tán, chen lấn quanh núi rừng, người ta cũng đã “lôi” ra được sáu địa chủ, trong đó có một bà cụ tuổi ngoài sáu chục, là mẹ bộ đội đóng lon trung úy của “Trung đoàn Thủ đô”.

Sau một tuần lễ chuẩn bị, phiên toà đấu tố được tổ chức vào khoảng hai giờ trưa, tại sân gạch lớn của đình làng dưới trời nắng chói chang với la liệt biểu ngữ lên án “bọn” trí, phú địa hào, quy “chúng” là “tàn dư phong kiến, thực dân, là kẻ thù của giai cấp công nông, là kẻ phá hoại xã hội, là kẻ nối giáo cho giặc…”[21]. Bàn chủ toạ được đặt phía trong đình làng, trên sân là một cột cờ cao sáu thước và một hàng cọc tre dành cho tội nhân. Ngay bên trái đình là một mô đất nâu sậm mới đắp cùng một hàng cọc khác có tấm bảng ghi dòng chữ: “Trường bắn”. Toàn bộ khung cảnh của phiên tòa ngay từ đầu đã sặc mùi tử khí. Giữa thanh thiên bạch nhật và cái nắng gay gắt, bầu không khí chợt trở nên u ám, ngột ngạt, đặc quánh sợ hãi.

Cuối cùng phiên tòa cũng bắt đầu. Trước đám “bần cố nông” nói cười ồn ào “bồng bế nhau đi coi xử tội địa chủ”, một toán “thanh niên và nhi đồng cải cách” được dẫn vào và bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền “tạo không khí cách mạng”. Sau màn lấy khí thế gồm có hô khẩu hiệu chen lẫn vỗ tay ca hát và sau màn chào cờ long trọng là đến phần chính của “phiên toà cải cách”. Ba tiếng trống thình thình, rờn rợn là hiệu lệnh cho một cuộc “nồi da xáo thịt” vừa mang sắc thái trung cổ, vừa đậm đặc màu sắc “thổ cải” Trung Hoa.

Có lẽ cái ngày định mệnh đó đã chém một nhát sâu đau đớn vào tinh thần của Trần Đức Thảo, trở thành nỗi ám ảnh đằng đẵng đeo bám, nên ông đã nhớ ghi gột đến từng chi tiết. Sau nhiều năm, qua mô tả của Trần Đức Thảo, nỗi ám ảnh ghê rợn ấy lại hiện ra sừng sững, vừa đóng vai nhân chứng, vừa đóng vai quan tòa: “Kẻ thù giai cấp” quần áo xốc xếch vương vết bùn, máu bị buộc thành một chuỗi bởi những khúc dây thừng to vòng quanh cổ được mang ra cho đám đông ngu muội, cuồng nộ và quá khích hành hạ bằng báng súng, cùi chỏ và những lời buộc tội ngô nghê, mơ hồ theo lối mớm cung, ngụy tạo. Nạn nhân bị vu cáo những tội lỗi giời ơi từ trên trời rơi xuống, bị đánh đập, bị vả vào mặt theo cùng một cách đã được huấn luyện. Không có văn bản điều tra, không có một điều luật nào được viện dẫn để lấy đó làm cơ sở buộc tội – lần đầu tiên trong đời, Trần Đức Thảo chứng kiến một “phiên toà” lạ lùng đến vậy với sự đánh đập thô bạo tới mức khủng khiếp. Một ý nghĩ lướt nhanh qua đầu ông: “Đây là một trò hề công lý chứ có luật lệ gì đâu!”.

Thật vậy, trong sáu kẻ bị đấu tố có lẽ chỉ có tên lý trưởng là gian ác, còn lại thì đều bị oan, đều là người dân hiền lành. “Tội” của họ chỉ là có chút của ăn, của để, mà thứ “của ăn, của để” ấy có được cũng là nhờ vào lao động vất vả[22].

Kết thúc “phiên tòa”, các tội nhân bị tuyên tử hình, bị tịch thu toàn bộ tài sản để chia lại cho nhân dân trong xã. Mặc dù làm dữ như vậy song cuộc đấu tố vẫn bị đánh giá là “không thành công”, là “một phiên xét xử không đạt tiêu chuẩn về mọi mặt”. Nguyên nhân sai sót được “cán bộ cố vấn” chỉ ra là do “không ai hiểu rõ được mục tiêu của phiên toà” – kết án tử hình mấy tên phản động, phản cách mạng ấy chỉ là chuyện nhỏ, chúng có thể bị xử tử, xử bắn một cách dễ dàng, bất cứ lúc nào mà không cần triệu tập đông đảo nhân dân đến chứng kiến. Vấn đề là ở chỗ phải dứt khoát biến “quần chúng nhân dân” thành “quần chúng cách mạng”. Vì thế, “phải xử sao cho quyết liệt, sao cho gây chấn động trong từng cái đầu (…). Phải xử sao cho có khí thế để phát huy uy quyền của bạo lực cách mạng trong đầu mọi người (…). Phải chứng tỏ bạo lực cách mạng là dứt khoát, không gì lay chuyển nổi!”[23]. Vì mục tiêu ấy, phiên tòa được quyết định mang ra xử lại cho thật có khí thế, “trừng trị mấy tên phản động ấy cho thật ròn rã, vang dội, để dập tắt mọi tư tưởng phản động trong đầu quần chúng. Phải làm cho tư tưởng phản động, phản cách mạng không bao giờ có thể bùng lên trong đầu mỗi con người. Họp phiên toà để xử án là vì quần chúng! Xử tử bọn phản cách mạng là để giác ngộ tập thể!”[24].

Kết luận chắc nịch như đinh đóng cột, như dao chém đá của “đồng chí cố vấn” Trung Quốc dẫn đến một phiên xử lại được sắp đặt kỹ lưỡng từng chi tiết vào buổi đêm ba ngày sau đó – một phiên tòa nghiêm trang và áp đảo hơn phiên trước với phần hạch tội dữ dội hơn, số nhân chứng đứng ra kể khổ, kể tội đông hơn, thuộc bài hơn và tỏ ra hung hãn hơn. Đây thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ, uy hiếp tinh thần đúng theo khẩu hiệu “Quyết tâm tiêu diệt tàn dư phong kiến, thực dân!”.

Phán quyết từ hình tất cả sáu tội nhân được thi hành ngay tại chỗ trước một bãi đông nghẹt người trong đêm lờ mờ ánh trăng, dưới ánh lửa bập bùng ma quái của những bó đuốc. Thời gian như ngưng lại. Và rồi…loạt súng nổ vang dội làm rung chuyển cả núi rừng trong phút chốc đã biến sáu mạng người thành những cái xác không hồn.

Ngay từ những buổi đầu được giao nhiệm vụ “bắt rễ” với một gia đình bần cố nông, Trần Đức Thảo đã nhận thấy ngay tình thế vừa nguy nan, vừa khôi hài, tiến thoái, lưỡng nan mà ông rơi vào. Tình thế đó khiến Trần Đức Thảo từng cười như nổi cơn điên rồi lại tủi phận mình mà bật khóc, rồi lại cười đến tràn nước mắt. Ông đã có những giấc ngủ không yên, tâm thần ngày càng suy yếu, mộng mị, hoảng hốt như chính mình là bị cáo trước một thứ toà án không luật lệ, không công lý. Cảnh xử bắn hãi hùng bồi thêm một đòn chí mạng, chực làm Trần Đức Thảo gục ngã. Những phát súng chát chúa của phiên tòa hôm ấy như bắn vào chính thân xác ông, “vĩnh viễn đập tan tành giấc mộng trở về góp công sức xây dựng một mô hình cách mạng mà nhân loại trông chờ”[25]. Mặc cảm đồng lõa với tội ác hành hạ Trần Đức Thảo, gay gắt, quay cuồng chất vấn, đòi ông “phải tỏ thái độ, phải có lập trường rõ rệt; không thể im lặng a dua đồng loã một cách mù quáng”[26]. Từ giờ phút ấy, Trần Đức Thảo “ý thức rất rõ rằng, lúc này, ở nơi đây, mình sẽ không có một cơ hội nào để góp một chút gì tốt đẹp cho cách mạng”[27].

Thực tại tàn nhẫn đặt cho Trần Đức Thảo những câu hỏi hết sức hóc búa: “Có thể nào cản ngăn được thứ bạo lực thô bạo này, khi nó đang trong đà phát động với tất cả hăng say, cuồng nộ, cuồng tín như thế?”; “Tất cả những gì đang làm kia có thật là để cải tạo xã hội, giải phóng con người hay không?”; “Để cái ác cứ tiếp tục phát triển như nó vẫn được khai triển trong suốt chiều dài lịch sử?”; “Một ý thức hệ không bảo vệ được người vô tội thì có còn lý do để tồn tại hay không?”[28]… Rõ ràng, phải hết sức nguỵ biện mới chứng minh được rằng, “thiên đường xã hội chủ nghĩa có thể xây dựng bằng phương pháp giả dối”[29]. Như thế, triết gia đã mắc kẹt vào tình thể dở cười, dở khóc: Giữa một bên là lý tưởng, là lý luận biện chứng mạch lạc và một bên là thực tiễn cách mạng đầy sai trái, thô thiển, cổ lỗ, tăm tối, mâu thuẫn, thô bạo như ở thời sơ khai, man rợ.

Có một điều đáng lưu ý là trong tối tăm, tuyệt vọng vẫn có một khoảng sáng huyền ảo khiến Trần Đức Thảo càng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước hiện tại. Đó là nhận thức của một bộ phận người nông dân thể hiện qua suy nghĩ của một cá nhân cụ thể – bần cố nông Lê Tư. Cái cách mà người nông dân này đóng kịch giả câm, giả điếc, trốn tránh để không phải trở thành “bần có nông nổi dậy” (đội viên cải cách) đứng lên tố đấu tố nhà giàu trái với luân thường, đạo lý đã lay động những suy nghĩ của Trần Đức Thảo. Lý luận của một bần cố nông hết sức đơn giản, không cao siêu, rắc rối, không biết đến những khái niệm trừu tượng, siêu hình song lại hết sức thuyết phục, vì nó chính là những giá trị nhân bản truyền thống luôn tàng ẩn trong tiềm thức mỗi con người. Nó là đạo lý giữa con người với con người được gieo trồng, vun đắp qua chiều dài hàng ngàn năm lịch sử người Việt – một bản năng hiền hòa, một thứ lương tri tự nhiên của đạo làm người: “Sống hiền lành để phúc cho con”, “trời có mắt, trời quả báo”, “sống gian ác trời không dung tha”, “đời này mình không phải trả thì đến đời con, đời cháu mình chúng sẽ phải trả”….

Nhận thức rằng, bạo lực, hận thù, máu và nước mắt của nhân dân không thể đặt nền nóng cho một xã hội lý tưởng, không thể tạo nên một trật tự ổn định, Trần Đức Thảo cho rằng phải xem xét lại toàn bộ các vấn đề bắt đầu từ học thuyết, trên một nguyên tắc đơn giản, khoa học: Gột rửa tâm thức giáo điều sùng bái ý thức hệ một cách lố lăng, vứt bỏ trò chơi dân chủ giả hiệu, trả lại quyền dân chủ cho dân.

4- Lối thoát từ trong va đập hiện thực

Định mệnh dai dẳng đeo bám và không buông tha Trần Đức Thảo, lạnh lùng khoác vào số phận ông hai từ “oan nghiệt”.

Ít năm sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Trần Đức Thảo vướng vào kỳ án “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Hưởng ứng việc giới văn nghệ muốn thoát ra khỏi chế độ quản lý theo kiểu trại lính, đòi “trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ”, Trần Đức Thảo có hai bài viết bàn về dân chủ, tự do đăng trên tờ Nhân Văn và Giai Phẩm Mùa Đông. Bị quy cho “tội danh” âm mưu chống Đảng, Trần Đức Thảo bị cấm giảng dạy, rồi bị bắt. Được thả về, sống trong cô đơn và điều kiện vật chất hết sức ngặt nghèo, chịu đựng ánh nhìn ghẻ lạnh của những người xung quanh, song Trần Đức Thảo không đầu hàng nghịch cảnh. Trong cơn xoay vần của số phận, tố chất triết gia, tư duy triết học đã giúp Trần Đức Thảo nhìn nhận những bể dâu cuộc đời, những vận động của xã hội và thời cuộc quanh mình như một dịp may sống động để trải nghiệm, để tìm hiểu, để lý giải hướng vận hành, cách thức vận hành của cách mạng và xã hội.

Thực hiện công cuộc nghiên cứu thực tại ngay ở hiện trường với tư cách “người quan sát” từ bên trong (chứ không phải là người nhập cuộc), ở vị trí đứng ngoài quyền lực, Trần Đức Thảo tỉnh táo phát hiện những điểm thắt, những nút nghẽn của cơ chế chính sách, những căn bệnh trầm kha của xã hội. Như trong một phòng thí nghiệm lớn, trước một hiện trường tâm lý – xã hội phong phú, đa dạng, Trần Đức Thảo chăm chú theo dõi những chuyển biến ở con người, xã hội trên bước quá độ của cuộc cách mạng vô sản, hiểu những khát vọng, những ước mong thầm kín của họ, nhìn thấy những bế tắc xã hội. Trần Đức Thảo phân tích chủ nghĩa ngu tín (obscurantisme), cuồng tín (fanatisme), tình trạng con người bị nô lệ hoá, có mắt như mù, có đầu mà mất lý trí đang trở nên phổ biến, phân tích mối tương quan giữa hữu sản với vô sản, quan hệ giữa con người hữu sản và con người vô sản, phân tích vấn đề xoá bỏ hay không xóa bỏ giai cấp… Những phân tích như thế cho phép ông khám phá xu thế mà xã hội đang tiến tới.

Để lý giải, Trần Đức Thảo vẽ một sơ đồ phát triển, từ sự hình thành của ý thức tới khả năng truyền thông, lý luận, rồi đẩy lý luận qua thực tại bước tới một giai đoạn tư duy đa chiều, díc dắc. Sơ đồ ấy cho phép ông nhận biết những bước sai lầm trong phương pháp tư duy dẫn tới lệch lạc trong hành động, trong chính sách, dẫn tới cách thức hành động tùy tiện và phương hướng phát triển phiêu lưu, không tưởng, thiếu nền tảng vững chắc. Như vậy, bước đầu Trần Đức Thảo đã “phác họa lộ trình quá độ hình thành sai lầm trong tư duy sơ đồ toàn cảnh của sự vận động hình thành con người qua những hoàn cảnh biến đổi của vũ trụ và của xã hội”[30]. Ẩn dấu dưới dáng vẻ cũ kỹ, có chút lập dị, lúc nào cũng ngơ ngác trước cuộc đời tầm thường là hứng khởi khám phá, là sự say mê đến sôi sục và sự không ngần ngại lao mình vào công cuộc nghiên cứu của một nhà triết học. Nguồn cảm hứng khoa học bất tận làm mạnh mẽ thêm nghị lực của Trần Đức Thảo, rót luồng năng lượng vào trí tuệ vốn đã mẫn tiệp của triết gia khiến nó càng thêm thông tuệ. Trên quan điểm “những gì xuất hiện trong hiện tại đều có gốc rễ từ quá khứ”[31], Trần Đức Thảo kiên trì lật từng lớp đất đá kết tụ qua thời gian đi tới tầng sâu bản chất, sáng tạo lý thuyết “hiện tại sống động”, không mệt mỏi kết nối quá khứ – hiện tại để nhận thức hiện tại và dự báo tương lai.

Tiếp cận thực tại đầy mâu thuẫn trong xã hội đã thức tỉnh Trần Đức Thảo, khiến ông kiên trì phân tích thấu đáo những sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Tin tưởng ở khả năng tư duy mới mẻ, Trần Đức Thảo đơn độc đi tìm thủ phạm của thảm kịch thời đại, mang trên vai cây thập giá đời những mong hoàn thành mục tiêu phác thảo lớp lang một cuốn sách vĩ đại đã và đang chiếm lĩnh, ám ảnh đầu óc ông cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay.

Là chứng nhân bao lở bồi, đổi thay, sống trong hiện thực đau xót với những sai lầm về chính trị, kinh tế, văn hóa kéo dài, song Trần Đức Thảo luôn có một niềm tin vững chắc rằng, “trong lịch sử, luôn luôn có sự vùng dậy của chân lý và lương tri”[32] và “những tư tưởng đúng với lương tri, thấm nhuần thực tại đều có sức mạnh của sự thật”[33]. Từ thất vọng đến nhìn thấu hiện thực dưới lăng kính triết học, đến cuối cuộc đời, dù cô đơn và bệnh tật, ông vẫn luôn tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm kiếm, vẽ nên một mô hình xã hội lý tưởng và hoàn bị. Đó là mô hình tràn ngập “tinh thần và lý tưởng dân chủ của một nền công bằng xã hội chân chính”[34], con người thể hiện rõ quyền sống, quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình. Ở đó, “con người sẽ khai triển một cuộc cách mạng lý tưởng bằng lương tri, trí tuệ, bằng luật pháp nghiêm minh với sức mạnh của công lý, công bằng chứ không phải bằng bạo lực của hận thù”[35]. Mô hình xã hội ấy, như Trần Đức Thảo giải thích, “do hiện thực xã hội đòi hỏi và đặt nền tảng”, một nền tảng duy vật sử quan; đồng thời, những vấn đề nhân bản, công lý và dân chủ sẽ được chú trọng, duy trì bằng cơ chế ưu tiên kiểm soát quyền lực với những cơ sở lý luận và pháp lý phát huy tính thiện, kiềm chế tính ác trong mỗi con người, giúp con người đạt tới công bằng, bác ái, tự do và hạnh phúc thật sự. Đó cũng là nội dung cuốn sách mà ông thôi thúc muốn viết ra để trả món nợ cho triết học, cho dân tộc và nhân loại.

Trần Đức Thảo đã ra đi về với cát bụi, ôm nỗi ân hận “hoàng hôn đi qua cả một cuộc đời” và ước nguyện viết sách của ông vẫn còn dang dở. “Lý thuyết hiện tại sống động” với “lô-gích vừa biện chứng, vừa hình thức” và sự nghiệp triết học trải nghiệm công cuộc cách mạng Việt Nam của Trần Đức Thảo còn đó như một dấu chấm hỏi mà hậu thế liệu có mấy người có thể trả lời.

Dẫu loài người không bao giờ theo được Thập giới của Chúa, thì Trần Đức Thảo cũng đã đi trọn cuộc đời gió sương, bước qua vui buồn, đau khổ của cõi con người. Sự nghiệp triết học ông để lại chắc chắn sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử, như cỏ thơm còn mãi với thời gian.

(Qua cuốn sách “Trần Đức Thảo – những lời trăng trối”)

[1] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2014, tr.92.
[2] Sđd, tr.92.
[3] Sđd, tr.93.
[4] Sđd, tr.93.
[5] Sđd, tr.91.
[6] Sđd, tr.94.
[7] Sđd, tr.88.
[8] Sđd, tr.94.
[9] Trần Đức Thảo mô tả: Bản “Trích ngang” các cột ghi rõ: Họ và tên, các bí danh, ngày, tháng năm sinh, quê quán, trình độ học vấn, trú quán, tình trạng gia đình, họ tên vợ hay chồng, họ tên các con, đã thoát ly theo cách mạng ngày nào, đã vào đảng ngày nào, vào đảng do ai giới thiệu, hiện đang làm nhiệm vụ gì. Ngoài ra còn có phần Ghi chú nêu rõ: “Ghi những gì bản thân muốn khai báo thêm với cách mạng” [Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Sđd, tr.107].
[10] Trần Đức Thảo viết: Phải khai thật chi tiết từ ba đời nội ngoại trở lại hiện tại, chẳng những phải khai cả về bên bố, bên mẹ… Rồi cũng y như thế, phải khai cả về vợ và nội ngoại bên nhà vợ,rồi tới các con cũng với tối đa chi tiết có thể, rồi cả các bên thông gia” [Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Sđd, tr.107].
[11] Sđd, tr.108.
[12] Sđd, tr.109.
[13] Sđd, tr.111.
[14] Sđd, tr.112.
[15] Sđd, tr.115.
[16] Sđd, tr.117.
[17] Sđd, tr.115.
[18] “Bắt rễ” là khi tới địa phương, đội viên phải tìm tới sống chung với một gia đình bần cố nông có tên trong một danh sách thành phần xã hội nghèo túng, mà chính quyền địa phương đã lập từ trước. Các đội viên phát động cải cách có nhiệm vụ động viên, giáo dục bần cố nông, tức là dạy cho họ biết các “quyền” và “lợỉ” của bần cố nông trong và sau khi tham gia cải cách ruộng đất, giải thích để họ hiểu về quyền và nghĩa vụ hạch tội, trừng trị địa chủ, phú nông.
[19] Xâu chuỗi” là sử dụng cách sống chung ấy để kết nạp, thúc đẩy và tổ chức cho bần cố nông ấy trở thành một tổ viên thi hành cải cách, nghĩa là biết đấu tố, biết hạch tội, biết nhận một thứ nhiệm vụ công tố y như trong một toà án. Tổ viên này sẽ đứng ra buộc tội, lên án bọn địa chủ, phú nông, cường hào, ác bá…
[20] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Sđd, tr.121.
[21] Sđd, tr.127.
[22] Sđd, tr.141.
[23] Sđd, tr.145.
[24] Sđd, tr.146.
[25] Sđd, tr.156.
[26] Sđd, tr.157.
[27] Sđd, tr.156.
[28] Sđd, tr.156.
[29] Sđd, tr.150.
[30] Sđd, tr.218.
[31] Sđd, tr.226.
[32] Sđd, tr.262.
[33] Sđd, tr.262.
[34] Sđd, tr.334.
[35] Sđd, tr.334-335.

Hạ Mai
Nguyồn: Viet-studies ngày 22-2-15


Sách về những phụ nữ anh hùng ở Châu Á

$
0
0
Buổi ra mắt cuốn sách “It’s not OK” tại Washington DC hôm 2/3/2015.

Buổi ra mắt cuốn sách “It’s not OK” tại Washington DC hôm 2/3/2015.

Một cuốn sách e-book về những phụ nữ đấu tranh cho quyền con người ở châu Á vừa được tái bản. Cuốn sách bao gồm 17 chân dung của những phụ nữ quả cảm trong những quốc gia và vùng lãnh thổ mà nhân quyền bị đàn áp dữ dội. Hải Ninh có bài tường trình về sự kiện ra mắt cuốn sách nói trên tại Washington D.C. hôm 2/3 vừa qua.

“It’s not OK”

Tựa đề của cuốn sách vừa được tái bản có tên “It’s not OK”. Đây là một câu nói thảng thốt của một phụ nữ trên toà án, khi mà chồng của án của chồng bà bị kéo dài thêm 8 năm. Cuốn sách là bộ sưu tập 17 chân dung của phụ nữ châu Á trong cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại cộng đồng của họ. Có những người tự nguyện dấn thân vào con đường này, tuy nhiên cũng có người bị hoàn cảnh xô đẩy. Mỗi câu chuyện là một lời chứng thực cho lòng quả cảm và sự quyết tâm của những phụ nữ đó.

Bà Catherine Antoine, tổng biên tập của RFA Online và người phụ trách xuất bản cuốn sách, cho biết về sự ra đời của “It’s not OK.” như sau:

Cũng vào thời điểm này năm ngoái, quanh ngày Phụ nữ Quốc tế, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới vấn đề phụ nữ tại các nước và đặt câu hỏi, chúng tôi có thể làm gì. Sứ mệnh của Đài Á châu Tự do là đưa những thông tin bị kiểm duyệt tại các quốc gia không có tự do báo chí và phần lớn nguồn tin của chúng tôi là những phụ nữ: mẹ, vợ, em gái của những nhà hoạt động bị bỏ tù vì những ý tưởng của họ. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc đưa những câu chuyện của những phụ nữ này ra ánh sáng vì thường là họ phải trả những giá rất đắt.

Chúng ta thường nói đến tên tuổi những nhà hoạt động nổi tiếng nhưng không hề nhắc đến vợ của họ dù người vợ phải đối mặt với những sự trừng phạt cũng phải tương đương với người chồng. Chúng tôi mất tới một năm để hoàn thành cuốn sách này vì rất khó khi liên lạc với phần lớn những phụ nữ nói trên. Một số chúng tôi bị mất liên lạc với họ từ đầu năm, một số bị giam lỏng trong khi đó đường liên lạc điện thoại của chúng tôi bị chặn. Chúng tôi muốn vinh danh lòng quả cảm của những phụ nữ này và hướng sự chú ý vào họ quanh thời điểm này trong năm về cuộc sống và cuộc đấu tranh của họ.”

Hai phụ nữ đến từ Việt Nam

Mỗi phụ nữ được phóng viên thuộc 9 ban tiếng địa phương của Đài Á châu Tự do chọn ra sau nhiều năm viết bài và phỏng vấn. Cuốn e-book cũng bao gồm những nội dung đa phương tiện, bao gồm video, đồ hoạ và hình hoạ. Những phụ nữ được khắc hoạ chân dung trong cuốn sách này bao gồm những phụ nữ đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Bắc Hàn, Tây Tạng, Lào và Tân Cương.

Trong số 17 người này có hai phụ nữ đến từ Việt Nam là Trần Thị Nga và Đỗ Thị Minh Hạnh. Trần Thị Nga là một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nam. Chị Nga và con trai cáo buộc công an Việt Nam bắt cóc và đánh đập chị tàn bạo. Còn Đỗ Thị Minh Hạnh là một cô gái trẻ, trở thành nhà đấu tranh vì quyền lao động khi cô mới 20 tuổi.

Bà Nguyễn Thể Bình, giám đốc tổ chức Nhân quyền cho Việt Nam, cũng có mặt trong sự kiện ra mắt cuốn sách “It’s not OK.”. Bà nhận định về phong trào đấu tranh của phụ nữ châu Á có những thuận lợi nhất định. Bà nói:

“Một điều thú vị trong các phong trào đấu tranh vì nhân quyền ở các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam là phụ nữ nhận ra rằng ngày càng có nhiều người phụ nữ nhận ra rằng họ phải làm chủ vận mệnh của mình. Vì thế, họ ngày càng trở nên xông xáo hơn. Đúng là trong thời điểm đầu của phong trào, họ có một chút lợi thế khi không bị cảnh sát hay giới an ninh đánh đập vì điều đó sẽ phản ánh xấu lên hình ảnh của quốc gia. Tuy nhiên, qua thời gian, họ nhận ra sức mạnh của bản thân, họ có được sự đoàn kết và tiến tới đấu tranh cho quyền sở hữu đất, quyền lao động hay quyền phụ nữ nói chung. Họ cũng mạnh dạn lên tiếng phản đối chính phủ và tìm tới sự ủng hộ của chính phủ các nước ngoài nhằm giúp cho nhiều người hiểu về cuộc đấu tranh vì nhân quyền của họ.”

Về sự gia tăng ngày càng nhiều của những nhà đấu tranh nữ trẻ, bà Bình nhận định:

“Với tư cách là những người trẻ, họ chứng kiến những gì cha mẹ họ phải trải qua, chẳng hạn như cha mẹ họ bị bỏ tù, ví dụ như trường hợp của tôi, cha tôi bị sát hại trong trại cải tạo của chính quyền Việt Nam. Những nhà hoạt động trẻ họ đã gánh trên vai trách nhiệm thay đổi tương lai, họ nhận thấy việc cha mẹ họ bị chính quyền đàn áp và họ không muốn bị hứng chịu hoàn cảnh tương tự. Với tư cách là người trẻ, họ thấy rằng họ có nhiều sức mạnh hơn, họ có nhiều mối quan hệ qua Internet và vì thế họ có thể kết nối với cộng đồng bên ngoài tốt hơn bậc cha mẹ của họ. Nhất là khi họ thấy những biến chuyển sau các phong trào như Mùa xuân Ả rập hay ở Myanmar, những nhà đấu tranh ở Trung Quốc hay Việt Nam cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Hơn thế nữa, sự ra đời của tầng lớp trung lưu ở các nước này cho phép giới này những thuận lợi về kinh tế mà bậc cha mẹ họ không có được.”

Bà Zin Mar Aung, từng bị kết án 28 năm tù giam vì tham gia phong trào đấu tranh dân chủ ở Myanmar, là một nhà hoạt động vì dân chủ xuất hiện trong cuốn e-book “It’s not OK.”. Vào năm 2009, bà bất ngờ được trả tự do sau khi mới thụ án được 11 năm. Sau khi tự do, bà thành lập trường về khoa học chính trị ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Bà được giải thưởng quốc tế dành cho phụ nữ về sự can đảm năm 2012. Zin Mar cho biết mục tiêu khi trở về Myanmar lần này là tuyển mộ những phụ nữ quan tâm tới chính trị và giúp họ tham gia nhiều hơn vào chính trường.

Cuốn sách “It’s not OK.” được xuất bản bằng tiếng Anh. Độc giả muốn tìm đọc có thể tải về miễn phí trên iTunes hoặc Google Play hoặc truy nhập trực tiếp vào trang web tại địa chỉwww.womensrights.asia.

Nguồn: RFA

Tháng 3 Thanh Tâm Tuyển rũ bỏ ký ức

$
0
0

 

Hắn rũ bỏ ký ức, và đi
Prélude Cho Những Chuyến Đi, Về (1982)

Rũ bỏ ký ức – ký ức người
Vài khúc dạo tặng tri âm (1988)

Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra, như không có gì biến đổi. Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy? Để có thể viết trở lại (1993)

*
Thanh Tâm Tuyền sinh tháng 3 [13/03/1936] cũng mất tháng 3 [22/03/2006]

Bài viết ngắn tháng 3 [22/03/2015] này để tưởng nhớ 9 năm ngày mất Thanh Tâm Tuyền.

Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh, Nghệ An. Mồ côi cha rất sớm. Đi dạy học từ 16 tuổi, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên, TTT sinh hoạt trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp; cùng chủ trương tập san Lửa Việt. Di cư vào Nam 1954, TTT viết cho tuần báo Dân Chủ, Người Việt và là một trong những cây viết chủ lực tạp chí Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam khoảng từ 1956-1975 và cả những năm về sau này.

TTT bị động viên từ 1962, cấp bực cuối cùng đại úy. Sau 1975 bị đi tù 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. TTT ra tù 1982, ít ai biết mấy năm sau đó TTT đã mất đứa con trai lớn trên đường vượt biển; từ 1986 cho đến khi TTT mất, anh đã không ngừng khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1990, sống trong ẩn dật. TTT mất ngày 22 tháng 03 năm 2006, khi mới bước vào tuổi 70.

Đã xuất bản:

_ Thơ: Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Đêm, Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ).
_ Truyện: Bếp Lửa (1957); Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967), Cát lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970).
_ Một số tác phẩm chưa xuất bản trong đó có tiểu thuyết Ung Thư, đã đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn, một tác phẩm quan trọng sau Bếp Lửa được TTT nhắc tới trong bài phỏng vấn 1993. (4)

 

Nguyễn Xuân Hoàng trong số báo Văn đặc biệt về TTT, đã viết: “Thanh Tâm Tuyền như ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca Việt Nam.” (2) Đặng Tiến khi viết bài tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền đã bày tỏ ít nhiều tiếc rẻ là “lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế.” Cũng vẫn Đặng Tiến viết tiếp: “bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. (3)

Thanh Tâm Tuyền nơi xứ tuyết

Ngoài những năm tháng tù đầy của TTT, trước và sau 1975, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp TTT. Sang Mỹ, phương tiện đi lại dễ dàng nhưng TTT rất ít di chuyển và đi xa. Liên lạc với anh thường bằng thư, có lần qua điện thoại, đôi khi TTT gửi cho tôi cuốn sách mà anh đã đọc và thấy tâm đắc. Cũng để bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống nơi xứ tuyết của TTT — như một nhà văn lưu đầy/ writer in exile từ một đất nước Việt Nam mà “tâm thái” anh thì không bao giờ muốn xa rời, sau đây là trích đoạn đôi ba bức thư trao đổi với Thanh Tâm Tuyền, như để chia xẻ với bạn đọc một chút riêng tư. (6)

St Paul 31-12-92

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Ở đây trận bão lạnh từ bên ấy đang lùa sang, nhiệt độ xuống thấp hơn hai năm trước nhiều, âm độ F là sự thường, gió lạnh thổi có hôm xuống tới 40 – 50 độ âm, phố xá ướt át trắng xoá. Trước kia tôi cũng tưởng mùa đông chim chóc trốn tuyết hết, nhưng đã ở đây qua ba mùa đông, tôi ngạc nhiên thấy mình lầm. Chim chóc vẫn ở lại: quạ, bồ câu, chim xẻ… Bồ câu, chim xẻ đợi lúc có nắng tìm mồi quanh quẩn tại các công viên. Có lẽ chúng ở lại được với mùa đông nhờ trú ẩn trên những nóc mái của các nhà đều có hơi sưởi. Riêng có một loại cây ở đây không biết tên là gì, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Anh hãy tưởng tượng cả một lũng rừng khô úa trơ trơ giữa tuyết trắng. Tôi đã hỏi nhiều người và tra cứu nhưng vẫn chứa biết tên loại cây ấy. Khi lá của cây này rụng ấy là lúc mùa Xuân đã tới…

 

Nhận được thư anh năm đó 1992 và cho cả tới bây giờ, tôi vẫn cứ mãi bị ám ảnh mãi về một loại cây không biết tên, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Cũng là hình ảnh một TTT héo chết, nhưng tâm thái của anh thì vẫn bám chặt với một quê hương Việt Nam mà TTT không muốn xa rời.

 

St Paul 12-14-93

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Gửi anh bài dịch của anh Phan Lạc Phúc đăng ở Úc để đọc. Tờ tạp chí Impressions du Sud đăng bài gốc tôi chưa nhận được. Khi có tôi cũng sẽ copy đầy đủ gửi anh xem… Anh cho gửi lời thăm và chúc lành của tôi cho hai người bạn thơ tôi. Nhân dịp đầu năm…

 

Ký giả Lô-Răng Phan Lạc Phúc, nguyên chủ bút báo Tiền Tuyến, là bạn văn trước 75 và cả bạn tù đầy lâu năm của TTT nơi các trại giam ngoài Bắc. Phan Lạc Phúc định cư ở Sydney, Úc châu từ 1991. Tác giả hai cuốn sách Bạn Bè Gần Xa (2000) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2002) như một hồi ức về những thảm cảnh mà bản thân Phan Lạc Phúc và các bạn văn của anh đã trải qua. Với bút hiệu Huy Quân, Phan Lạc Phúc đã dịch “Thanh Tâm Tuyền, Thơ trong chiến tranh và trong trại cải tạo”, có xen thêm ý kiến của người dịch [ghi chú của người viết]

 

St Paul 11-12-94

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Cám ơn anh về quyển sách anh gửi tặng “để đọc trên xa lộ”. Có lẽ phải chạy “xa lộ xuyên bang” mới thấy cái hữu dụng của loại sách này… Tôi tính sáng nay thứ bảy, sẽ chạy xe ra bờ hồ gần nhà và mở nghe…

Gửi tặng lại anh quyển tiểu thuyết đầu tay của Heny Roth: Call It Sleep. Lâu lắm, có đến mấy chục năm là ít, mới có cuốn tiểu thuyết bắt tôi phải đọc một “hơi”, nói là một “hơi” vậy, chứ cũng phải mất cả tuần lễ, vào những sáng sớm khi thức khoảng 3,4 giờ và những chiều tối… Hồi còn ở Sài Gòn, tôi có đọc trong Express hoặc Nouvel Observateur nói về Henry Roth và quyển sách của ông được tái bản sau 30 năm không được chú ý. Tôi vẫn nhớ lúc bấy giờ ông đang sống bằng nghề “lái vịt” và đối với tôi ông là nhà văn bẻ bút đi chăn vịt. Bấy giờ là đầu những năm 60, Salinger đã bỏ đi đâu biệt tích… Chỉ mong anh đọc và thấy thú vị.

Tiểu thuyết “Call It Sleep” của Henry Roth xuất bản 1934, viết về kinh nghiệm một bé trai lớn lên trong một ghetto cộng đồng di dân Do Thái vào đầu thế kỷ 20 ở New York. Cuốn sách ế ẩm phải 30 năm sau mới bán hết. Nhưng khi sách tái bản 1964, đã trở thành một best seller với hơn một triệu ấn bản, được tuần báo Times 2005 sắp hạng là trong số 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất kể từ 1923 [ghi chú của người viết].

Đây là một bức thư viết tay khá dài, phản ánh nỗi thao thức của TTT và ngưỡng tuổi cầm bút. Năm 1994, TTT mới 58 tuổi. Anh viết:

“Hồi trước khi biết phải ngoài 50 tuổi Stendhal mới viết nổi Le Rouge et Le Noir, tôi phục quá. Bây giờ thấy Henry Roth ngoài 70 mới viết trở lại, càng phục hơn, tuy nhiên cứ khoa học mà nói 50 tuổi thời Stendhal thì cũng bằng 70 tuổi thời này, anh có nghĩ vậy không?” Rồi TTT say sưa kể về cuốn sách mới của Roth: “Trong quyển sách mới, xen giữa những đoạn kể là những mẩu ‘độc thoại tự kiểm’ của nhân vật — người kể, dưới hình thức ‘cuộc đối thoại một chiều’ giữa người viết và cái ‘computer’… Vẫn bị ám ảnh bởi Call It Sleep hơn là chính tác phẩm mới — có lẽ bởi đề tài không khác.”

Sang Mỹ, TTT vẫn đọc thật nhiều và tích luỹ, anh cũng tiếp tục “lao động vinh quang” nhưng là trong tự do và tự nguyện, anh đi học và đi làm trở lại. TTT viết tiếp: “Cuối tháng này tôi sẽ bỏ chỗ làm xa về làm việc tại cái trường dậy nghề ở gần nhà, đỡ lo lái xe trong mùa đông và không khí trường ốc cũng hợp với tôi hơn. Nói để anh mừng cho tôi.”

St Paul 7-18-95

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Lâu lắm không được tin anh. Gửi anh toàn bài trả lời phỏng vấn năm 93… thân, tâm

Như vậy là cách đây cũng đã 20 năm [ngày 18 tháng 7, 1995], TTT gửi cho tôi toàn bài phỏng vấn anh bằng tiếng Pháp. Thanh Tâm Tuyền giỏi ngoại ngữ tiếng Pháp và cả tiếng Anh. Rất sớm qua tiếng Pháp, anh đã tiếp cận rộng rãi với nền văn học thế giới nhưng có lẽ nguyên bản cuộc phỏng vấn này là bằng tiếng Việt do Lê Hữu Khoá, Université de Provence [Aix-en-Provence] thực hiện và dịch sang tiếng Pháp, sau đó bài được in trong tập La part d’exil: littérature vietnamienne / textes réunis et traduits par Le Huu Khoa; Publication de l’Université de Provence, 1995. (1)

 

Không có bản tiếng Việt gốc, qua Đinh Cường, tôi liên lạc được với tác giả bài phỏng vấn TTT, Lê Hữu Khoá nay đã chuyển sang dạy tại Université de Lille. Qua eMail 3/14/2015, anh Khoá cho biết anh đang đi công vụ đại học, không có mặt ở Âu Châu; bài phỏng vấn tiếng Việt của Thanh Tâm Tuyền nằm trong thư viện của anh tại Nice, rất tiếc là anh không có mặt tại Nice.

Trong khi chờ có được bản tiếng Việt gốc trọn vẹn của TTT, do vẫn muốn có một bài viết đúng vào ngày giỗ chín năm TTT, sau đây là trích đoạn bản lược dịch buổi nói chuyện trao đổi ấy – nhưng lại đi theo một đường vòng: từ bản gốc tiếng Việt của TTT dịch sang tiếng Pháp, nay dịch lại từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, tuy văn phong không phải của Thanh Tâm Tuyền nhưng hy vọng nội dung chuyển tải được những điều mà Thanh Tâm Tuyền thực sự muốn phát biểu, và có lẽ giúp người đọc hiểu tại sao và trong hoàn cảnh nào đã đưa tới sự chuyển đổi của TTT từ một nhà thơ tự do khai phá và cách tân của thập niên 1950-1960 nay cuối đời lại trở về với những thể thơ truyền thống. (1)

THƠ GIỮA CHIẾN TRANH VÀ TÙ ĐẦY
Trích phỏng vấn TTT của Lê Hữu Khóa

Thanh Tâm Tuyền một tên tuổi lớn trong văn học Việt Nam hiện đại, với hai đóng góp đặc sắc trong đời sống văn học kể từ sau 1945. Về thơ, Thanh Tâm Tuyền đã dứt bỏ với thể thơ truyền thống có vần điệu, và ông là đại diện cho phong trào thơ tự do. Hai tập thơ đầu tiên Tôi Không Còn Cô Độc và Liên, Đêm và Mặt Trời Tìm Thấy đã khai sinh ra một thế hệ “làm thơ / fait de la poésie” và “không còn làm những câu thơ theo vần/ ne fait plus de vers”.

Về văn xuôi, tác phẩm đầu tiên cuốn Bếp Lửa đã đánh dấu một đoạn tuyệt/ point de non-retour so với kỹ thuật kể chuyện cổ điển. Ở Thanh Tâm Tuyền, sự cô đọng của ngôn từ góp phần vào sự tăng tốc nhịp điệu / accélération des rythmes và chủ động trong xúc cảm thẩm mỹ/ maitrise du sens esthétique.

Là tác giả được biết tới nhưng lại ít được giới phê bình nghiên cứu một cách sâu rộng trong khoảng thời gian chiến tranh 1954-1975, và ngay cho tới bây giờ Thanh Tâm Tuyền là tác giả đáng ngại nhất / le plus redoutable cho giới phê bình văn học Việt Nam, do phong cách sáng tạo phức tạp/ démarche créative complexe và cả lý thuyết văn học tổng hợp/ théorie littéraire synthétique của ông. Tất cả trên một cái nền sáng tạo mới của nhạc tính thi ca/ musicalité poétique.

Thanh Tâm Tuyền trong số các nhà văn hiểu rõ sự tàn phá đất nước Việt Nam do chiến tranh, ông cũng nếm trải sự đàn áp của độc tài toàn trị hiện tại. Thanh Tâm Tuyền đã sống nhiều năm trong tù đầy, qua các trại cải tạo dưới sự áp bức của chế độ mới giữa khoảng từ 1975 tới 1990 [Thanh Tâm Tuyền ở tù 7 năm ra tù 1982; ghi chú của người viết].

ttt

Kinh nghiệm văn chương trong chiến tranh 1954 – 1975

Ngoại trừ thơ, tôi [Thanh Tâm Tuyền], đã có hai thời kỳ ghi dấu bởi hai tác phẩm văn xuôi. Cuốn thứ nhất là Bếp Lửa (1954) mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Tức thời đã gây phản ứng chỉ trích của mấy nhà văn cách mạng. Trong bài nhận định của tạp chí Văn Nghệ (Hà Nội), một cây bút phê bình đã chất vấn tôi: “Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tung toàn lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân vật trong Bếp Lửa đang ở đâu ? ” Tôi đã trả lời: “Hắn đi về hướng huỷ hoại của lịch sử”, mỗi nhà văn là một kẻ sống sót.

Cuốn sách thứ hai, Ung Thư (1970) có thể coi như một tiếp nối của Bếp Lửa. Ung Thư là một hiện hữu mà chúng ta chấp nhận giữa định mệnh phù du và sự lạnh lùng của cái chết. Cuốn sách ấy chưa hề được xuất bản. [tiểu thuyết Ung Thư đăng từng kỳ trên báo Văn từ 1964, là một tác phẩm quan trọng thứ hai của TTT sau Bếp Lửa, ghi chú của người viết]

Tài liệu chuyên đề La Part D'Exil của Đại Học Provence [1995] trong đó có bài phỏng vấn TTT của Lê Hữu Khoá

Tài liệu chuyên đề La Part D’Exil của Đại Học Provence [1995]
trong đó có bài phỏng vấn TTT của Lê Hữu Khoá

 


Kinh nghiệm văn chương trong tù cải tạo 1975 – 1982

Đối mặt với cảnh rối loạn và tình trạng hỗn mang khoảng thời gian sau 1975, tôi nghĩ rằng tôi đã sống hết cuộc đời mình, thời gian còn lại là phần thặng dư, tôi không còn bận tâm nghĩ tới nữa. Mất ảo tưởng toàn diện/ désillusion totale. Năm 1975, chế độ mới bắt tôi vào trại tù cải tạo cùng các bạn “đồng hội đồng thuyền”, chúng tôi rời đồng bằng đi về các miền núi với bình tĩnh và vô cảm, không tuyệt vọng và cũng không hy vọng.

Tôi đã nghĩ tới “biến mất/ disparaitre” không hy vọng trở về, như thứ cặn bã bị cuốn đi bởi cơn lụt của lịch sử/ l’inondation de l’histoire. Nhưng tôi đã lầm. Họ đưa chúng tôi ra Bắc, tới những cánh rừng già cô lập với thế giới bên ngoài, bỏ mặc tôi với thiên nhiên, tự do với “mục tiêu đi đốn gỗ mỗi ngày”, tôi đã tập leo và trượt núi chờ cơ hội đào thoát. Nhưng rồi mỗi ngày tôi chỉ tìm thấy con đường trở về trại.

Tại sao tôi gọi đó là trở về ? Có phải “chẳng còn hy vọng”, hay là sự vỡ mộng của con người bị ruồng bỏ, của con người tuyệt vọng ? Vào lúc này, tôi thực sự sống trong hy vọng không hiện hữu/ l’inexistence, trong một vùng bất khả xâm nhập, một tình trạng không còn liên hệ/ non-relation. Điều ấy không rõ ràng với tôi. Rồi tôi được thuyết phục rằng tôi đã được hồi sinh/ ressuscité, có nghĩa là thi ca đã trở lại, tôi hạnh phúc sung sướng. Tôi cũng đã bẽn lẽn như hồi còn trẻ, với những bài thơ đầu tiên, tôi dấu các bạn trong trại, tôi không dám đưa ra.

Khi anh sống vô cảm ngày qua ngày, không nghĩ gì tới tương lai, không hoài niệm quá khứ, không ưu tư với hiện tại, anh còn lại gì ? Vẫn còn cái gì đã hiện hữu trong anh, và điều ấy vẫn hiện hữu cho dù anh muốn hay không.

Để qua đi những ngày ảm đạm, với mưa, với hè nóng cháy, với sương giá, với bão tố, với những mùa thay đổi, tôi tìm niềm vui trong những thứ ấy, trong tôi, thứ duy nhất mà tôi mang theo, luôn luôn ở trong tôi.

Trong tôi còn lại gì ? Gia đình, bạn hữu. Những bài thơ, đã đọc và nhập tâm/ intériorisés, dĩ nhiên. Một khoảnh khắc tới, ký ức chuyển vận mau chóng, đọc những bài thơ cho riêng tôi. Nơi ấy anh có thể gặp những ánh sáng kỳ lạ. Thời gian của những tàn lụi/ le temps des ruines tăng sức cho thi ca.

Đằm mình trong thời gian “phi lịch sử/ sans histoire” hay đúng hơn không lịch sử từ bên ngoài/ sans l’ histoire de l’extérieur, người ta khám phá ra rằng những ngày, những tháng trong cuộc sống không định hướng, không mục đích, trần trụi. Tuyệt đối trần trụi. Không hiện hữu của đời sống/ inexistence de la vie đem tới sự thanh thản nội tâm/ paix intérieure. Trạng thái thơ thanh bình này/ état poétique paisible ngự trị trên một vũ trụ tĩnh lặng.

Từ đó mỗi bài thơ là một thời gian đóng kín/ temps clos, tách rời khỏi vận động của cuộc sống. Thời gian của lo âu bỗng trở thành thời gian cô đọng/ temps condensé, không có sự khác biệt nào giữa [thời gian] ngưng đọng và trôi qua.

Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire. Chế độ làm việc trong trại là một ngày căng thẳng tám tiếng, không có cuối tuần; mỗi tù nhân có một vũ trụ riêng: một manh chiếu, năm sáu chục tù nhân trên dưới hai tầng giường, khoảng hơn trăm người trong một lán dưới một mái che. Viết là một xa xỉ: một chỗ ngồi, thời gian viết. Với nhịp độ áp đặt trên đám tù nhân trong rét lạnh, đói… ai còn dám nghĩ tới sáng tạo ? Ngay cả một thiên tài, một năng lực siêu nhiên cũng không thể vượt qua được những “ức chế” như vậy.

Tuy nhiên, trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy, người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm, ngồi, khi tỉnh thức… Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định đời sống của chính nó.

Thơ thường kín đáo, đôi khi nó đi vào bằng cửa chính, đôi khi bằng con đường nhỏ, bạn lắng nghe và chú ý. Thơ chuộng sự ẩn mặt/ se masquer, che dấu/ se voiler, do đó nếu trí nhớ bạn không tỉnh thức, bạn sẽ không thể nhận diện nó.

Trong lúc bạn “lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa rừng rậm… Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh. Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang tích luỹ/ stocke.

Nhưng thực tế làm thơ trong trại cải tạo, sự khó khăn vẫn có đó. Vì không thể nào viết sửa/ rédiger những bài thơ, như trạng thái hạn chế cuối cùng của sáng tạo: niềm vui cao giọng đọc thơ và chia xẻ với bằng hữu xung quanh. Thơ phải được đọc và nghe/ la poésie doit être lue et écoutée, đó là số phần cuối cùng của thơ. Số phận của tiếng nói nhưng cũng là số phận ký ức của nhiều người.

Sau khi được trả tự do, trên đường trở về, việc đầu tiên mà tôi đã làm là tự thu mình và viết xuống những bài thơ trong trí nhớ của suốt thời gian bị giam cầm. Tôi là người sống sót, nhưng tôi không còn muốn là một nhà văn, như tôi đã từng luôn luôn ao ước bấy lâu; Tôi đã ghi trong ký ức tù cải tạo : “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra/ comme si rien s’était passé, như không có gì biến đổi/ comme si rien n’était modifié.”
Và bây giờ tôi tự nhủ : “Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy ?” Để có thể viết trở lại/ pour re-écrire.

Hết phần trích dẫn
Thanh Tâm Tuyền, La poésie entre la guerre et le camp
Propos receuillis et traduit par Lê Hữu Khóa

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền 1956 – 1990

Phục Sinh [1956] là bài thơ tự do nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền trong thời kỳ đầu của Sáng Tạo:

 

Mẫu bìa tập thơ  Tôi không còn cô độc, Nxb Người Việt, Sài Gòn 1956

Mẫu bìa tập thơ
Tôi không còn cô độc,
Nxb Người Việt, Sài Gòn 1956

Phục sinh

tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu

tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang

tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh

tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.
TTT 1956

Bài thơ 7 chữ Ngã Trên Núi Việt Hồng [1979], TTT làm trong tù 23 năm sau:
xa

Ngã Trên Núi Việt Hồng
ở yên báy khi đi vác nứa

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu

Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu

Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào ?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sước đau

Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?
Yên Báy, 1979

 

Năm 1986, đã ra khỏi những trại tù Việt Bắc, nhưng vẫn còn phải sống trong một nhà tù lớn Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền đã làm một bài thơ Khóc Muộn Tuyết Ngưu Vũ Khắc Khoan, [Vũ Khắc Khoan mất 12 tháng 9, 1986.
Khóc Muộn Tuyết Ngưu Vũ Khắc Khoan

Cõi tối biếc, quãng đồng trắng xoá
Rừng phong bát ngát tuyết mưa khoả
Bông lạnh tả tơi rối đêm ngày
Cầm chân Tuyết Ngưu đắp rét say

Trợn mắt dòm bão trận sinh tử
Bủa muôn trùng ánh thép hoa bay
Khốn kiếp cổ đại thời băng lũ
Tuyệt bóng dị thú hoang địa bày
TTT 1986

 

Thanh Tâm Tuyền rất thân với Vũ Khắc Khoan, và hai người có điểm giống nhau ở cách viết rất khó khăn theo cái nghĩa cách viết cô đọng với chữ nghĩa sâu và hàm súc.

Tuyết điểu TTT và Giấc Mộng Lớn

Năm 1982, khi mới ra tù, không sao quên được hình ảnh một TTT tiều tuỵ, trông anh già đi, da sậm đen sắc diện của một người bị bệnh sốt rét kinh niên. Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót qua suốt bảy năm tù đầy ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. Bảy năm đốn tre trảy gỗ trên ngàn, bị tre nứa đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ. (5)

Cũng để thấy rằng, những năm sau 1975, TTT đã sống với "giờ thứ 25/ la vingt-cinquième heure" [tên tác phẩm của C.V. Gheorghiu] của đất nước; chất liệu ấy đủ cho TTT viết một Gulag Archipelago [tên tác phẩm của A.I.Solzhenitsyn] Việt Nam. Nhưng anh dứt khoát không có một chọn lựa như vậy. TTT muốn đoạn tuyệt, muốn xoá tất cả khoảng thời gian ấy ra khỏi ký ức. Năm 1982, sau ngày ra tù, ngay từ Sài Gòn, TTT viết:

Prélude Cho Những Chuyến Đi, Về:

Hắn rũ bỏ ký ức, và đi

Trong bóng tối ruỗng im quái gở

Lúc dứt lặng trận chiến man rợ

Hắn rũ bỏ ký ức, và đi

Trong rừng sâu thẳm cây trút lá

Ngọn gió mông muội thổi tràn trề

Bấy giờ hồi trằn trọc lịch sử

Lịm từng cơn ảm đạm ê chề

Sớm hay khuya không biết đâu nữa

Thời khắc tự huỷ hoại vắng tanh

Giòng nước suối chảy không tiếng vang
Giữa bờ bến đắm chìm lấp lú

Những cơn trốt quặn thắt huyền bí

Xoay quanh sự thế vui trầm ngâm

Hắn đưa chân theo bước khôn cầm

Trên lối u mê mờ hoặc

Mọi nỗi niềm đều giấu mặt

Mọi sự thực đều lang thang

Hắn đi như thế, không thể khác.
TTT 1982

Năm 1986, bốn năm sau ra tù, TTT trong một bài thơ khác, vẫn là một phủ nhận quyết liệt, một chối từ quá khứ với điệp khúc “rũ bỏ ký ức” ấy:
Vài khúc dạo tặng tri âm

Rũ bỏ ký ức – ký ức người
mông muội đắm mình
không thể khác

Ngậm tanh tiếng sơ sinh
khốn kiếp
lạnh bất trắc.

Nuốt chọng điếm nhục
Thế giới xa xăm vừa tận số
không trung vô hạn sóng điêu linh
Mây lửa ứa nghẹn thất thanh.

Và đi. Làm kẻ phản phúc
bị lăng mạ
đoạn tuyệt mọi thề thốt gắn bó

Đứt hết ràng buộc
Chốn ở nào đâu
Chốn đến không
Có thể nào khác

Biệt trí nhớ khuất ngoài tích sử.

2.
Trời một bãi đầm lầy man rợ
Đêm vẫn đêm cố cựu bao quanh
Tịch mịch trong ngoài
Câm nín mai một

Nghe như rừng thẳm cây trút lá
Mùa gió bạo ngược lộng tràn trề

Cắt chuỗi khoảnh khắc mạch vỡ lở
Cấn thai hàm hỗn mộng truỵ băng
Thổ huyết dữ bằn bằn đen đúa

3.
Si cette nuit est une nuit de destin
Bénédiction sur
elle jusqu’à l’apparition de l’autore
Chantent les chameliers tartares
dans la nuit du désert.

4.
Như chim chao liệng chưa hừng đông
trên hoang phế cuối đêm thảm hoạ
buột tiếng kêu vô vọng thinh không

Như con nước cuồng lưu mùa lũ
Trắng xoá bão gông mù mịt nguồn
Trôi giạt bến bờ đất khốn đoạ
TTT 1988

Khúc 3: đọc trong Le Temps du Mépris của A. Malraux

Năm 1993, cũng vẫn là một TTT nhất quán dứt khoát “rũ bỏ ký ức” khi đã trả lời cuộc phỏng vấn của Lê Hữu Khoá: “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra, như không có gì biến đổi” (1)

Chọn lựa của Thanh Tâm Tuyền, “Rũ bỏ ký ức – ký ức người” khiến không thể không liên tưởng tới ECT/ Electroconvulsive Therapy, một phương pháp điều trị trong y khoa, đưa dòng điện qua sọ não, tạo một thay đổi hoá chất não bộ/ brain chemistry để xoá bỏ ký ức người bệnh trong một số trường hợp bệnh lý, thường là trầm cảm khi điều trị thuốc men không còn hiệu quả, đó là một quá trình đau đớn phải thực hiện trong gây mê. Rất biểu tượng, một TTT trầm cảm và khắc kỷ đã tự chọn cho mình một chặng đường xoá bỏ ký ức đau đớn đó và không có gây mê.

Những người bạn gần và hiểu TTT đều nghĩ rằng thái độ sống ẩn dật, từ chối những tiếp xúc và khép kín của anh có lý do của một TTT đang tự lột xác, lặng lẽ tích luỹ, TTT vẫn đọc rất nhiều và không ngừng đi tìm cái mới, với “giấc mộng lớn” để rồi khi tái xuất hiện là một TTT hoá thân, đó sẽ là một TTT khác, một TTT phục sinh để anh có thể viết trở lại/ re-écrire. Nhưng rồi, như một định mệnh, TTT đã không còn thời gian.

Hai mươi năm sau ngày mất Vũ Khắc Khoan [1986], tám năm sau ngày mất của Mai Thảo [1998], Thanh Tâm Tuyền Tôi Không Còn Cô Độc đã ra đi lúc 11 giờ 30 ngày 22 tháng 3 năm 2006 tại thành phố Saint Paul, Minnesota Hoa Kỳ. Minnesota cũng là nơi định cư từ 1975 của Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa. Khiêng linh cữu đưa Tuyết Điểu Thanh Tâm Tuyền tới huyệt mộ là những bằng hữu trong đó có Tô Thuỳ Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Đàm, Cung Tiến.

“Mùa đông chiếc lá héo chết khô nay đã lìa cành, cũng là lúc mùa Xuân tới với Thanh Tâm Tuyền, nhưng là ở một thế giới khác.”

Bài viết này như một tưởng niệm nhân ngày giỗ chín năm gửi tới anh TTT và gia đình. Rồi bỗng cũng không thể chạnh nghĩ, từ quan điểm y khoa, liệu có bao nhiêu phần liên hệ của bảy năm ròng rã hút thuốc lào chống rét chống đói trong tù của TTT và căn bệnh ung thư phổi như nguyên nhân cái chết của anh khi mới vừa bước vào tuổi 70.

NGÔ THẾ VINH
California, 22-03-2015

© Đàn Chim Việt

————————————————————–

THAM KHẢO:
1/ 003708225 : La part d’exil [Texte imprimé] : littérature vietnamienne / textes réunis et traduits par Le Huu Khoa ; préface de Geneviève Mouillaud-Fraisse ; posface de Trinh Van Thao / Aix-en-Provence : Publication de l’Université de Provence, 1995
2/ Nguyễn Xuân Hoàng; Văn bộ mới số đặc biệt Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền 1936-2006: số đôi 113&114 tháng Năm & Sáu, 2006. California
3/ Đặng Tiến: Thanh Tâm Tuyền

http://elib.quancoconline.com/ui/viewcontent.aspx?g=42728

4/ Giai phẩm Văn chủ đề Thanh Tâm Tuyền, tháng 10 năm 1973
Phụ bản đặc biệt của Thư Quán Bản Thảo, Trần Hoài Thư tranhoaithu@yahoo.com
5/ Ngô Thế Vinh, Bốn Mươi Năm Dương Nghiễm Mậu và Tự Truyện Nguyễn Du

http://damau.org/archives/35745

6/ Jane Katz Phỏng vấn nhà văn Mai Thảo; Bản tiếng Việt của Tâm Bình
Artists in Exile, American Odyssey; Stein & Day Publishers, NY 1983

http://hopluu.net/p131a2396/mai-thao-jane-katz

 

 

THE GRAPES OF WRATH: Tác phẩm sinh đôi của văn hào John Steinbeck

$
0
0

1234John steinbeck sinh ngày 27-2-1902 tai Salinas, California, mất 20-12-1968, ông và Hemingway là hai cây bút thuộc vào hàng cự phách của nền văn học Mỹ cũng như trên văn đàn thế giới. Hemingway, một tác giả quen thuộc của Sàigòn năm xưa với các tác phẩm Lão Ngư ông Và Biển Cả (The Old Man and The Sea) Giã Từ Vũ Khí (Farewell to Arms), Mặt Trời Vẫn Mọc (The Sun also Rises). . .Tác giả sống tại ngoại quốc lâu năm nên các đề tài của ông đều đã bắt nguồn từ các nước non xa lạ bên Âu Câu, Phi Châu, nào chiến tranh, đấu bò, đánh cá.

Trong khi Hemingway mải mê với các chân trời xa lạ, John Steimbeck quay về với các đề tài ngay tại quê hương ông. Cuối thập niên 30, ông chú trọng tới giai cấp lao động qua các tác phẩm In Dubious Battle (1936), Of Mice And Men (1937) và The Grapes Of Wrath (1939). Trong số ba tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Grapes of Wrath, East of Eden (1952) và Of Mice And Men, cuốn The Grapes Of Wrath được đề cập tới nhiều hơn cả. Of Mice and Men chỉ là một truyện ngắn quay thành phim nhiều lần, gần đây nhất là năm1992, khá hay nhưng khó hiểu. John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902, có theo học Ðại học văn khoa tại Stanford University mấy năm nhưng không đỗ đạt gì, ông đi làm lao động chân tay sinh sống, sau viết báo, làm quản gia. . tác phẩm của ông phản ảnh hiện thực đời sống của giới lao động Mỹ.

The Grapes Of Wrath xuất bản ngày 14-4-1939 được coi như tác phẩm hay nhất của John Steinbeck ( . . the book considered by many his finest) cũng có dư luận coi nó như tác phẩm hay nhất của nền văn chương Mỹ, ít có truyện nào sánh kịp (…. has few peers in American fiction – Robert Demott). Cuốn truuyện đã được giải National Book Award và Pulitzer năm 1940, dài 600 trang, cuốn sách bán chạy nhất trong năm 1939, trên 400 ngàn cuốn, đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng, được giảng dậy như sách giáo khoa tại các trường trung học, đại học từ cấp học sinh cho tới bậc sinh viên tiến sĩ. Năm 1962 John Steinbeck được phát giải Nobel văn chương.

Truyện cũng đã tạo nhiều tranh luận sôi nổi nhất tại Mỹ từ trước đến nay, hồi trước tại nhiều nơi người ta đã đem đốt hoặc cấm lưu hành tác phẩm này vì cho rằng nó mang tính chất tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng Sản, phảng phất cái không khí đấu tranh giai cấp. Cuốn sách cũng đã được nhiều người bênh vực vì nó phản ảnh, nói lên được những nỗi cay đắng uất hận của bọn di dân Ohklahoma đi tìm cơm áo tại miền đất hứa California cũng như đã tranh đấu cho nhân phẩm và quyền sống của con người.

Ngay năm sau 1940, truyện đã được hãng 20th Century-Fox quay thành phim, đạo diễn John Ford, tài tử Henry Fonda, tiền bản quyền là 70 ngàn đồng thời ấy. Phim vẫn giữ nguyên nội dung mang khuynh hướng xã hội của nó như tác giả đã yêu cầu. Cuốn phim đoạt 2 giải Oscars và sau này được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ (American film institute list of the all-time best American film), giá trị nghệ thuật rất cao, John Steinbeck phải khen “hay quá, y như phim tài liệu vậy”.

Một tác phẩm văn chương bất hủ biến thành cuốn phim hay nhất mọi thời đại, một tác phẩm đã được hai lần bất hủ đó là trường hợp hy hữu, đặc biệt vì những phim được xếp trong số những phim hay nhất mọi thời đại hoặc hay nhất thế giới như Rashomon (Nhật, 1951), Bẩy Người Hiệp Sĩ (Nhật, 1953), La Strada (Ý, 1954), La Grande Illusion (Pháp, 1937). . đều được quay từ những truyện không ai biết tới, thậm chí Rashomon do một truyện ngắn mà thành. Lại nữa những tác phẩm lớn bất hủ như Anna Karenine (Nga), Les Frères Karamazov (Nga), Notre Dame De Paris (Pháp), Giờ thứ Hai Mươi Lăm (Lỗ Ma Ni)… đã được quay thành những phim hay nhưng không vào hạng xuất sắc.

Trước 1975 chúng ta vẫn thường gọi truyện này là “Chùm Nho Uất Hận” do một bản dịch từ tiếng Pháp ra Les Raisins de la Colère, nghe thì cũng hay nhưng không được sát nghĩa. Chữ Colère trong tiếng Pháp và Wrath tiếng Anh có nghĩa là cơn phẫn nộ, còn uất hận để chỉ sự căm hờn. Chữ Wrath diễn tả cơn giận sôi sục của bọn di dân nghèo đói đứng nhìn bọn điền chủ cho đổ thực phẩm xuống sông để giữ giá hàng.

John Steinbeck đã làm sống lại cuộc di cư vĩ đại và bi thảm đầy nước mắt của các nhà nông Oklahoma đã bị truất hữu đất đai tài sản trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, họ đã kéo nhau trên các xe vận tải hướng về California hy vọng tìm được việc làm tại các nông trại vượt qua khó khăn gian khổ trước mắt.
Xin sơ lược truyện.

Tom Joad mới ở tù ra, tội giết người tự vệ, án bẩy năm, nhưng được về sớm mấy năm hiện còn trong thời kỳ quản chế. Về tới nơi thấy nhà cửa trống trơn, chàng cùng ông đạo (preacher) Casy sang nhà ông chú, tại đây đại gia đình ông bà nội ba (pa) mẹ (ma), em trai, em gái và hai đứa út. . đã tụ tập đông đủ chuẩn bị lên đường. Ðất đai cằn cỗi, trồng bông gòn không sinh lời nên ngân hàng quyết định lấy lại đất, cho xe ủi hết nhà cửa để bán lại cho cơ sở khác, sống chết mặc bay.

Thu góp được hơn hai trăm mua chiếc xe vận tải cũ kỹ hơn bẩy chục rồi bầu đoàn thê tử lên xa lộ hướng về miền Tây. Chưa ra khỏi tiểu bang ông nội chết vì già yều quá, gia đình quyết định chôn ngay bên đường với mảnh giấy giải thích “nhà nghèo không có tiền lo mai táng”. Hàng đoàn xe vận tải chở bọn di dân đói rách lũ lượt kéo nhau về miền đất hứa California, ban đêm họ tụ tập cắm trại tại bờ sông, bờ hồ, nơi có nước nấu ăn. Họ chia xẻ nhau từ miếng bánh cho đến niềm hy vọng vào ngày mai ở xứ lạ xa xôi. Họ đoàn kết, hoà hợp nhau thành một đơn vị, giúp đỡ nhau để cùng hướng về một lối thoát, cùng chung một hy vọng.
Cuộc hành trình gian nan, chiếc xe nhỏ bị hư hỏng dọc đường phải sửa chữa vất vả. Ðến biên giới tiểu bang Arizona, họ bị cảnh sát nhắc nhở phải tiếp tục con đường còn lại không được trú ngụ tại đây. Họ bị khinh miệt, xua đuổi, bị gọi bằng cái tên khinh thị Okies.

Tới California cả gia đình mừng rỡ, họ nhìn những đồn điền trồng cây xinh tươi mênh mông bát ngát, nơi thu hút nhiều nhân công hái trái cây, ai nấy trong lòng chứa chan hy vọng. Bà nội cũng mất vì giá yếu, mẹ Tom nói: “bà cụ sẽ được chôn cất ở nơi xinh tươi xanh tốt. . cụ phải được nằm xuống tại california”
Ðất Cali xưa thuộc Mễ, những người Mỹ đi khai phá miền Tây võ trang súng đạn chiếm đất đuổi bọn bản xứ về phía Nam. Nay canh tác trở thành kỹ nghệ, nông trại ngày càng lớn mạnh, chủ nhân càng ít đi. Bọn di dân ngoại quốc Tầu, Nhật, Phi Luật Tân, Mễ. . bị đối xử như nô lệ, bị đánh đập, bắn giết. .
Bọn di dân từ Kansas, Oklahoma, New Mexico, Texas. . kéo đến hàng mấy trăm ngàn người như đàn kiến tìm kiếm việc làm, cơm ăn áo mặc. Lũ người rách rưới đói khát cạnh tranh lẫn nhau vì miếng cơm manh áo. Người Cali bắt đầu sợ và ghét dân Oklahoma đói khát, rách rưới vì họ cạnh tranh lao động với đồng lương rẻ mạt, vì đói rách dễ sinh ra trộm cướp. Bọn vô gia cư khốn khổ ngày kéo về ngày một đông.

Gia đình Tom Joad đã tới miền đất hứa, họ dừng chân tại trại Hooverville, đó là một khu tụ tập gần bờ sông của các gia đình di dân, họ làm lều, nhà giấy các tông, lợp cỏ tạm bợ sống qua ngày chờ việc. Những trại tạm cư tự lập thường thấy tại California dơ bẩn, đông đúc, khiến chính quyền lo sợ, Bộ y tế thường cho lệnh giải tỏa, đốt trại để xua đuổi bọn nghèo đói đi, sống chết mặc bay.

Bà mẹ Tom Joad đem đồ ra nấu ăn, bọn trẻ đói khát kéo lại gần nhìn bằng cặp mắt thèm thuồng, bà cụ không nỡ xua đuổi chúng, chia phần cho mọi người trong gia đình xong bà chừa lại một chút dưới đáy nồi cho bọn trẻ, chúng xúm lại múc vét. .
Có hôm đẹp trời, một ông chủ ăn mặc lịch sự lái xe đến trại tìm người hái quả, một anh thanh niên, bạn mới quen của Tom Joad hỏi ông chủ:
-Ông trả chúng tôi bao nhiệu?
Ông ta nói mập mờ:
Khoảng mấy chục xu.
-Ông phải nói rõ ông mướn chúng tôi bao nhiêu? Nếu không ông không có quyền mướn người!
Nói qua nói lại, ông chủ sai cảnh sát ngồi trong xe bắt anh này về tội phá rối, anh ta bỏ chạy, cảnh sát bắn theo lại trúng một bà già. Tom chạy lại ôm chân ông cảnh sát, ông đạo Casy, bạn chàng đá vào đầu người cảnh sát chết giấc. Một lúc sau xe cảnh sát tới bắt Casy, chiều ấy gia đình Tom Joad phải kéo nhau ra đi vì chính quyền cho người đốt trại.

Gia đình đến ở tạm tại một trại của chính phủ thuộc bộ canh nông. Sở định cư có lập một số trại có điện nước, có tiêu chuẩn vệ sinh, tự quản không có cảnh sát an ninh ăn hiếp di dân. Họ rất thích không khí tại đây song không tìm được việc lại phải dời trại.
Tom và gia đình tìm được việc hái đào (peach) tại trại Hooper Ranch, họ trả rẻ mạt song trước mắt phải có tiền độ nhật, bốn người trong gia đình nhận việc, ai nấy hy vọng trong mấy tháng sẽ kiếm được tiền thuê nhà.

Không khí tại đây thiếu tự do thoải mái như ở trại chính phủ, có an ninh kềm kẹp, số người di dân đến xin việc ngày một đông, chủ trại được thể bóc lột nhân công xương tủy. Một buổi tối Tom đi rong chơi rồi lạc bước đến một cái lều và tình cờ gặp lại bạn cũ, ông đạo Casy, người đánh cảnh sát nay được thả vào làm việc tại đây. Tối ấy Casy bàn chuyện đình công vì họ hạ lương xuống còn một nửa chưa đủ ăn cho một miệng người. Cảnh sát biết tin bèn tìm đến, mọi người bỏ chạy, Tom và Casy lần xuống một con lạch, một tên cảnh sát hung dữ dùng gậy đập chết Casy, Tom giựt cây gậy đập chết tên này để trả thù cho bạn rồi thoát được về nhà, chàng bị đánh ở mặt, sưng một bên má.

Sáng hôm sau gia đình phải rời trại ngay vì Tom đang bị lùng bắt, chàng chui dưới tấm nệm trong xe nên thoát nạn.
Họ đến làm việc tại một trại hái bông gòn, thu nhập đỡ hơn, Tom Joad phải trốn ngoài đồng, ngày chui vào ống cống, đêm ngủ ở vườn nho, tối nào bà mẹ cũng đem đồ ăn tiếp tế vì chàng bị truy nã, khi nào vết thương ở mặt lành mới dám vào trại.

Cuộc sống khả quan hơn, bà mẹ mua thịt, bột mì, khoai về làm đồ ăn, cả nhà hy vọng vào ngày mai, bỗng một hôm đứa con gái nhỏ trong gia đình vô tình nói với bọn trẻ hàng xóm anh nó Tom Joad đã giết người đang trốn. Bà mẹ sợ quá vội tìm chàng, tối ấy bà đưa cho chàng bẩy đồng nói chàng phải đi ngay vì sợ bại lộ, Tom từ biệt mẹ chàng nói.

… Con sẽ ở khắp mọi nơi chỗ nào mà mẹ muốn tìm. Chỗ nào tranh đấu cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt! Chỗ nào có công an cảnh sát đánh người, con sẽ đến nơi . . chỗ nào có tiếng trẻ em nghèo đói thấy bữa ăn, khi người dân ăn miếng bánh họ làm ra và ở trong căn nhà họ dựng lên, con sẽ tới nơi . (. .Wherever they’s (tức there is) a fight so hungry people can eat, I’ll be there. Wherever they’s a cop beating up a guy, I’ll be there. . )
Gia đình chuyển đến một trại bông gòn nhỏ hơn, họ trả khá hơn song rất nhiều người tới làm, chỉ một lúc là hết việc.
Mùa hái trái cây, bông gòn đã qua…

Hết việc, không tiền không thực phẩm, mưa gió dầm dề, nước ngập vào trong lều, bọn di dân đành chịu trận nhìn nước bò dần vào.
Rose Of Sharon, em gái Tom có bầu, mới sanh, cô và gia đình phải dọn đến một nhà kho. Truyện kết thúc khi Rose lấy sữa của mình cứu sống một ông bị kiệt sức đang nằm trong góc.”

Trong số những tác phẩm văn chương nổi tiếng của văn học Mỹ như Cuốn Theo Chiều Gió, Lão Ngư Ông Và Biển Cả, Truyện Quái Ðản của Edgar Poe, Godfather…The Grapes Of Wrath là cuốn tiểu thuyết mà tôi thích nhất. Đây là một tác phẩm hiếm có của văn học Mỹ, vô cùng hiện thực đã diễn tả quá đầy đủ về giai đoạn cay đắng gian khổ nhất của xã hội Mỹ cũng như của con người. Tác phẩm đã thể hiện tiếng nói của John Steinbeck, tiếng nói của lẽ phải, công bằng, tiếng nói đấu tranh cho nhân phẩm và quyền sống của con người.

Người ta thường nói nước Mỹ là thiên đường vật chất khi nhìn cuộc sống sung túc giầu có và nền kinh tế phồn thịnh của nó. Nhưng không phải rằng của cải vật chất ấy tự trên trời rơi xuống, không phải rằng nước Mỹ đã được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc, mà những con người cần cù của đất nước rộng rãi bao la này đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu xương máu để tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng như chúng ta thấy hiện nay. Họ cũng đã trải qua bao nhiêu phấn đấu cam go gian khổ và bao nỗi thăng trầm. The Grapes Of Wrath đã làm sống lại giai đoạn cam go, cay đắng đầy nước mắt ấy.

Khi mới xuất bản, cuốn truyện đã bị nhiều dư luận chỉ trích kịch liệt, nhất là những người đã bị đụng chạm. Một số trí thức cho là truyện không có nghệ thuật, không thuyết phục được ai, một số trường học thư viện cấm lưu hành vì sợ nó xúi dục bạo loạn và dùng ngôn ngữ trắng trợn. Các ông lớn, tu sĩ hữu khuynh, hiệp hội nông dân, chính trị gia… tố cáo tác phẩm có khuynh hướng thân Cộng Sản, không có giá trị đạo đức, suy thoái, sai sự thật. Một vị dân biểu Oklahoma cho rằng truyện này láo khoét, sự sáng tạo của một bộ óc điên loạn, một tu sĩ dòng Tên kết án nó tuyên truyền cho Cộng sản.

John Steinbeck cho rằng khi tài sản tập trung trong tay một số ít người nó sẽ bị lấy đi, khi đa số người dân là nghèo đói thì họ sẽ dùng vũ lực để chiếm lấy (When a majority of the people are hungry and cold they will take by force what they need).

Lịch sử đã chứng tỏ như vậy, các ông điền chủ bỏ nhiều tiền mua các phương tiện vũ lực chống nổi dậy vì họ sợ rằng mấy trăm ngàn người đói rách này nếu có người lãnh đạo thì họ sẽ sụp đổ. (three hundred thousand – if they ever move under a leader – The end)

Bạo lực vũ khí không thể đè bẹp đám đông được, người ta không lưu ý tới nguyên nhân sự nổi dậy (có thể), không quan tâm tới kế hoạch đổi thay kinh tế.
Nhóm khuynh tả ca ngợi đây là một thắng lợi của văn chương vô sản. Nhưng cuốn sách ũng lại được các sử gia trí thức nghiên cứu tỉ mỉ, phân tích và bênh vực cho giá trị tả chân hiện thực của nó, tác phẩm đã phản ảnh tiếng nói của lớp người bị đẩy vào bước đường cùng. Tổng thống Roosevelt và phu nhân khen truyện trung thực vô tư, năm 1940, phu nhân tổng thống đi thăm các trại và tuyên bố “John Steinbeck không nói ngoa chút nào”

Cuốn tiểu thuyết được viết trong mấy tháng nhưng Steinbeck đã bỏ nhiều năm thu thập dữ kiện và sửa soạn, năm 1938 ông đi thăm các trại di cư ở Visalia và Nipomo, mấy ngàn gia đình đói khát bệnh tật, nhiều người chết vì đói, tỉnh và tiểu bang không giúp gì họ vì cho đó là những người ngoài. Di dân đi xin trợ cấp, Sở cứu trợ cho biết họ phải ở đủ một năm, người lớn lo sợ, trẻ nít đói khóc đòi ăn, nhiều người đi xin ăn, trộm cắp. Tại các tỉnh nhỏ mới đầu người ta thương di dân sau đâm sợ, tuyển cảnh sát thêm, mua thêm súng để đề phòng bọn nghèo đói nổi dậy, những điểm này đã được ông diễn tả trong phần cuối truyện, tấn thảm kịch lớn lao thời khủng hoảng kinh tế.

Các điền chủ lớn ngày càng phát tài, thịnh vượng, họ có máy đóng hộp đào, lê, táo để tới năm sau cũng được. Chủ nhỏ nhiều người phải bán rẻ dất đai cho chủ lớn vì không có máy đóng hộp không giữ được sản phẩm, tài sản ngày càng tập trung trong tay một số ít người, đó là đặc điểm của nền kinh tế tư bản.
Các điền chủ có những quyết định kinh tế có lợi cho họ nhưng lại vô nhân đạo, không còn tình dân tộc nghĩa đồng bào. Sản phẩm không bán được bị đem hủy đi để giữ giá hàng. Họ chất cam vàng óng thành một đống rồi tưới dầu hỏa lên hay đổ khoai tây xuống sông, đặt người canh gác hai bên bờ, cấm không cho bọn nhà nghèo được vớt. Họ giết lợn, đào hố chôn tập thể. Dân thiếu ăn đói khát vớt khoai ăn bị lính bắt phải đổ xuống sông chỉ có nước thèm nhỏ dãi đứng nhìn khoai tây trôi bồng bềnh trên sông hoặc nghe tiếng lợn bị giết kêu eng éc. John Steinbeck cho đó là một tội ác vô nhân đạo và vô lý.
Trong con mắt của những người di dân đói khát, niềm phẫn nộ dâng lên, trong tâm trí của bọn điền chủ chùm nho phẫn nộ dâng cao vì vụ mùa nho thất bại (…The Grapes of Wrath are filling and growing heavy)
Ðó là ý nghĩa của The Grapes of Wrath.

Mặc dù tác giả chỉ đề cập đến những người di dân da trắng không nói đến bọn di dân Tầu, Nhật, Mễ… số này khá đông, nhưng truyện cũng được coi như có giá trị nhân bản, tranh đấu cho nhân phẩm và quyền sống của con người: Một gia đình di dân vật lộn với cuộc sống gian truân để tới miền đất hứa, nhiều ngàn vạn người khác cũng di cư tìm đất hứa, đây cũng là truyện di cư của nước Mỹ, nhìn xa hơn ta cũng có thể coi nó như cuộc di cư của nhân loại đi tìm đất hứa.
Nay đa số các nhà phê bình phân tích cho rằng The Grapes of Wrath chỉ là một tác phẩm văn chương không phải là một tài liệu tuyên truyền, nó đã diễn tả và phá tan huyền thoại “đất hứa California”. Con người, tiêu biểu là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Tom Joad ước mơ một xã hội công bằng, tự do, tôn trọng nhân phẩm, con người tự gặt hái thành quả của chính mình.

The Grapes Of Wrath một tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn chương cao đã diễn tả chân thực những ảo tưởng tan vỡ, những nỗi đau khổ của con người, những niềm hy vọng treo trên sợi chỉ mành mong manh. Trên thế giới vẫn còn quá nhiều khổ đau, The Grapes Of Wrath cũng đã đóng góp một phần trong sự diễn tả một cách hiện thực những nỗi cay đắng của con người ngay cả tại phần đất đã được coi như phồn thịnh nhất thế gian này.

Toàn bộ tác phẩm dài 600 trang gồm nhiều đoạn đối thoại dài lê thê nhất là lúc mới vào truyện, Tom Joad gặp lại ông đạo Casy và người bạn Muley, những mẩu chuyện hàn huyên không liên hệ với nội dung là mấy. Lời văn bình dị, không chau chuốt nhưng cảm động đầy nước mắt, John Steinbeck bắt chước ngôn ngữ bình dân trong văn đối thoại cho thêm phần hiện thực. Truyện có nhiều tiếng lóng tiếng lái vừa dễ hiểu mà cũng khó hiểu, trong bản thảo có nhiều tiếng chửi thề đù má đù mẹ, người ta đề nghị bỏ đi vì sợ vô phép với độc giả, ông đã đồng ý. Tên truyện do bà vợ đầu của ông đặt ra, rút từ một bài hát, nó không phù hợp với nội dung chủ đề là mấy. Ðộc giả nhiều người không hiểu tại sao lại gọi là The Grapes Of Wrath, theo tôi biết nó chỉ được nhắc lại có một lần trong toàn bộ tác phẩm
(In the eyes of the hungry there is a growing wrath, in the souls of the people the grapes of wrath are filling and growing heavy, growing heavy for the vintage)
Ý nói người nghèo đói giận dữ vì thực phẩm đổ xuống sông, điền chủ phẫn nộ vì vụ mùa nho thất bại, làm rượu không kết quả. .

The Grapes Of Wrath không phải chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một tài liệu lịch sử giá trị về xã hội kinh tế của thời khủng hoảng với đầy đủ dữ kiện chân thực và sống động. Những người bị đụng chạm đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vì những quyền lợi riêng tư của họ. Bênh vực cho những người nông dân nghèo đói bị kết án khuynh tả, tuyên truyền cho Cộng sản là không đúng vì bênh vực cho những người nghèo đói không phải là độc quyền của Cộng sản.

The Grapes Of Wrath vẫn sống mãi trong tâm khảm của người đọc, hình ảnh Tom Joad, một người hùng hiên ngang, can đảm đương đầu với bạo lực vì lẽ phải, công bằng và nhân phẩm của con người. Người Mỹ rất mê những nhân vật anh hùng, khi nói tới truyện hoặc phim, những lời Tom từ biệt mẹ già thường được nhắc tới như một danh ngôn bất hủ.

“. . Chỗ nào có đấu tranh cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt! Chỗ nào có công an cảnh sát đánh người, con sẽ tới nơi. .”
Những lời ấy đã rung cảm người đọc từ bao lâu nay, nó cũng đã khiến bao người ứa lệ vì chân thực và cao đẹp biết bao. John Steinbeck đã thành công mỹ mãn vì tạo dựng được một mẫu người quá đẹp khiến cho tác phẩm của ông trở lên mỹ miều diễm lệ.

Điều đáng nói là người tỵ nạn kinh tế trong truyện từ tiểu bang này sang tiểu bang kia tại Mỹ bị xua đuổi, kỳ thị, bị đối xửa tàn nhẫn cũng giống như bên Trung Hoa năm 1942 qua phim ảnh những người tỵ nạn chiến tranh từ tỉnh này sang tỉnh khác bị xua đuổi, đối xử thậm tệ. Tôi nhớ lại tại miền nam VN trước 1975 những người tỵ nạn chiến tranh từ tỉnh này, vùng nọ chạy tới đều được tiếp đón ân cần.

Năm 1940 truyện đã được quay thành phim, hãng Twentieth Century Fox mua bản quyền 70 ngàn đồng, cam kết giữ nguyên nội dung xã hội của tác phẩm. Bất chấp mọi phản đối, Darryl F. Zanuck thuê Johnson, ký giả viết lại truyện phim và John Ford đạo diễn. Sau này này nhà đạo diễn cho biết tại quê hương ông bên Ái Nhĩ Lan người ta cũng truất hữu đất đai của bọn tá điền nghèo khiến cho họ lang thang ngoài đường đói rách y như bọn Oklahoma, ông cũng thích đề tài này, thích gia đình Tom đi tìm đất hứa. nhưng không trúng giải, diễn xuất của anh trong phim thật là tuyệt vời. Cuối cùng phim chỉ được hai giải: Giải đạo diễn John Ford và giải diễn xuất cho Phim được đề cử 7 giải Oscars, Henry Fonda vai Tom Joad được đề cử Jane Darwell trong vai phụ mẹ Tom, sau này The Grapes Of Wrath đã được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại (all time best) của Mỹ, đồng thời với La Grande Illusion của Pháp (quay 1937, Jean Renoir) và Cuốn Theo Chiều Gió (1939), ba cuốn phim đã đánh dấu bước tiến dài của nghệ thuật thứ bẩy cuối thập niên 30.

Mặc dù chỉ là phim đen trắng đơn sơ nhưng sự diễn tả cũng đầy ý nghĩa, với kỹ thuật thô sơ non kém từ nửa thế kỷ qua nhưng giá trị hiện thực của nó thật tuyệt vời, nhờ tài dàn cảnh của nhà đạo diễn lỗi lạc John Ford cũng như diễn xuất điêu luyện của các vai chính vai phụ từ trẻ em cho đến ông bà già. Mặc dù không nói lên được nhiều như tác phẩm 600 trang nhưng cũng đủ làm sống lại một giai đoạn đen tối của xã hội Mỹ thời khủng hoảng kinh tế, nó thể hiện bằng cách tả chân nỗi nhục nhằn cay đắng của đám di dân đi tìm đất hứa bị kỳ thị, khinh miệt, chà đạp, bóc lột xương tuỷ.

Nhà làm phim bỏ bớt đi những đoạn dài dòng văn tự vì phim ảnh không thể quay sát hoàn toàn một cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải được. Mặc dù đơn sơ ngắn gọn nhưng hình ảnh của nó đôi khi lại hiện thực và linh động hơn tác phẩm như cảnh bọn trẻ đáng thương đói khát lem luốc thèm thuồng miếng ăn vây quanh bà cụ đang nấu nướng hoặc cảnh trại Hooverville, người cảnh sát bắn thường dân bị Casy đánh chết giấc, hoặc buổi tối ở trại Hooper Ranch bọn an ninh đánh chết Casy. Những hình ảnh sống động ấy cho ta thấy một xã hội còn đầy rẫy bất công, đàn áp, kỳ thị địa phương.

Trong truyện gia đình ở trại chính phủ sau mới sang trại hái đào và cuối cùng đi hái bông gòn, Tom Joad trốn ở ngoài đồng nhưng trong phim người ta đổi ngược lại, gia đình ở trại hái đào, Tom Joad đánh chết cảnh sát và gia đình trốn đến trại của chính phủ, trong truyện chàng từ biệt mẹ ngoài đồng nhưng trong phim từ biệt mẹ tại trại chính phủ. Nhưng những lời chàng từ biệt mẹ đã được giữ nguyên văn y như trong truyện không sai đến một câu một chữ vì người ta cho đó là những lời hay nhất ý nghĩa nhất của tác phẩm.

Có thể nói đây là một cuốn phim hiếm hoi của nền điện ảnh Mỹ với giá trị hiện thực không khác gì trong các phim xã hội Ý, người Ý rất sở trường về đề tài hiện thực xã hội và bây giờ đạo diễn Hoa Lục Trương Nghệ Mưu cũng rất say mê chiều hướng này và đã đạt được những bước tiến xa. Tôi chưa thấy cuốn phim Mỹ nào hiện thực như vậy, nó đã làm sống lại chặng đường gian khổ đầy nước mắt mà xã hội Mỹ đã trải qua cùng những ảo tưởng tan vỡ của đám di dân đi tìm đất hứa.

Cuốn phim cũng là tiếng nói bênh vực cho nhân quyền, nhân vị của những người thấp cổ bé họng đã bị chèn ép, áp bức, khinh thị tủi nhục, ta không thể nào quên được Tom Joad, hình ảnh của người hùng đứng lên đương đầu với bạo lực vì công bằng, nhân phẩm con người. The Grapes Of Wrath rất xứng đáng được xếp trong số mười phim hay nhất của Mỹ từ trước đến nay, với hình ảnh đen trắng đơn sơ nhưng nghệ thuật điêu luyện, nội dung cảm động sâu sắc diễn tả được tất cả những nỗi khổ đau của con người. Tiếng khóc nghẹn ngào của bà mẹ từ biệt con và nhìn chàng ra đi cũng quá đủ để nói lên tất cả và những lời chàng từ biệt mẹ khiến cho khán giả không cầm được nước mắt.

“Con sẽ ở khắp nơi, chỗ nào mẹ muốn tìm. Chỗ nào có đấu tranh cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt. Chỗ nào có công an cảnh sát đánh người con sẽ tới nơi. . .chỗ nào có tiếng cười của trẻ em đói khát khi thấy bữa ăn, khi người dân ăn miếng bánh họ làm ra và ở trong căn nhà do họ dựng lên, con sẽ đến tận nơi”.

© Trọng Ðạt
© Đàn Chim Việt

Chế Lan Viên với ba bài thơ phê phán sâu sắc

$
0
0
Nhà thơ Chế Lan Viên

Nhà thơ Chế Lan Viên

Trong lời giới thiệu tập sách ” Chế Lan Viên – Thơ chọn lọc”, Nxb Văn học 2014 – Dương Phong, người tuyển chọn… khi nói về ba bài thơ này đã viết:

- Ba thi phẩm nổi tiếng công bố muộn mằn của Chế Lan Viên – in trong Di cảo Chế Lan Viên – chính là:  “Ai ? Tôi!”  -  “Bánh vẽ”  -  “Trừ đi”… là những sự trở trăn, lật trái lại mặt sau của cuộc đời.

Thực ra, nếu nói  “Đó là… những sự trở trăn, lật trái lại mặt sau của cuộc đời”, là Dương Phong đã lựa lời nói cho nhỏ nhẹ đi, tránh khâu kiểm duyệt, sợ không cho xuất bản. Theo tôi, xác đáng hơn thì phải nói: Ba thi phẩm đó đã… lật trái lại mặt sau của xã hội và chính trị – Người đã tự phê phán. Thậm chí tự lên án mình! Cả ba bài thơ đều nằm trong Di cảo. Khi còn sống Người đã không cho xuất bản, không dám công bố. Tôi xin phân tích từng bài một.

Trong bài “Ai? Tôi!” – Bài thơ viết vào những ngày sau khi nước nhà đã hoàn toàn giải phóng. Có lẽ một thực trạng xã hội đã tác động vào tâm can, tư tưởng, dầy vò làm ông đau đớn. Ông chạnh nghĩ về những hy sinh của những người lính trong cuộc chiến tranh xưa. Những bi thương mà dân tộc đã phải trả giá. Bắt đầu vào thơ… bằng sự phê phán chính mình, ông chỉ ra:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
 trong mọi cuộc xung phong

Cái nguyên nhân đó chỉ là sự tự vấn lương tâm. Người tự kết tội mình: Vì những câu thơ cổ võ của Người làm cho những người lính xung phong, nên mới để 2.000 người đi thì 1.700 người bỏ mạng không trở về. Nhưng tại sao Người nói vậy???

Ta vẫn biết thơ Chế Lan Viên là loại thơ bình luận. Thơ triết lý. Về phương diện nghệ thuật, nó có tính triết học cao. Tính tư tưởng trong thơ rất sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống, cũng như sự phê phán xã hội và cuộc đời. Mỗi câu thơ ông đều hàm súc ý nghĩa ở bên trong. Thơ đọc càng sâu càng thấm thía. Về tính nhân văn, ông là một nhà thơ của nhân dân.

Nhà thơ của nhân dân ấy từng viết những bài thơ nổi tiếng một thời, như: Sao chiến thắng, Người đi tìm hính của nước… Ông đã sáng tác cả một tập “Ánh sáng và phù sa” danh tiếng. Đầy hoài vọng với một tương lai huy hoàng của đất nước về ngày chiến thắng:

Xưa phù du mà nay đã phù sa
Xưa bay đi mà nay không trôi mất
Cho đến được… lúa vàng đất mật…
Anh đã mất gì? Đã mất bóng đêm.
Không tiếc lời ca ngợi lãnh tụ. Ca ngợi Đảng quang vinh:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của nước
(Người đi tìm hình của nước)
Hết lời ca ngợi chủ nghĩa. Tin vào ngọn cờ khi theo Đảng quang vinh:
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu
……
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông

Thế mà giờ đây, những năm tháng sau chiến tranh, đất nước đã hoà bình. Một thực tế xã hội với bao nhiêu mảng đen về sự bất công, thiếu nhân quyền. Đầy rẫy những quan lại tham nhũng đủ kiểu, tiếp tay cho chính quyền địa phương chèn ép, chiếm đoạt cả đất đai của dân lành, đẩy họ vào sự cùng quẫn. Chính quyền như thế đâu có phải còn của dân? Cái băng rôn Nhà nước do dân, vì dân… âu cũng chỉ là khẩu hiệu? Tâm hồn ông bị đổ vỡ. Người đổ vỡ về Đảng chăng?… Người thất vọng về chủ nghĩa chăng?…  Người không nói. Nhưng rõ ràng đọc: “Ai?Tôi!”, lật mặt sau của những câu thơ ta thấy: Cái thần tượng về một Đảng mác-xít trong ông đã bị sụp đổ. Ông không còn niềm tin thật sự vào thể chế của ngày hôm nay nữa.

Nghĩ lại cuộc chiến xưa. Bao sinh mạng những người lính xung phong cho sự tốt đẹp của đất nước, hạnh phúc của dân tộc… lại như thế này sao? – mà chính thơ ông đã góp phần thúc giục họ xung phong. Hàng vạn, hàng vạn người lính chết cho một cuộc chiến… đã trở thành phi lý ư? Ông đau đớn mà thốt lên. Không, phải nói là ông đã thét lên khi viết những câu thơ:
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
trong mọi cuộc xung phong

Ở đây ta thấy một Chế Lan Viên quay ngược lại hoàn toàn, không còn phải là tâm hồn như khi Người đã viết “Ánh sáng và phù sa” nữa. Trái tim ông quằn quại. Sau đó Người lý giải về kết quả những câu thơ mà Người đã cổ võ những người lính xung phong đó: 2.000 người đi… thì 1.700 người bỏ mạng, chỉ 30 người sống sót. Để cuối cùng dân tộc được gì?… Tổ quốc được gì?… Thông qua một hiện thực cuộc sống, Người viết:
Một trong ba mươi người kia
                                               ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.

Ta đặt câu hỏi: Nếu sự hy sinh kia… cũng vì Tổ quốc, tại sao Người lại phải xấu hổ?… dẫu cho là chính thơ Người cũng đã cổ võ những người lính ấy xung phong chăng nữa. Vấn đề là ở chỗ, bật ra những câu thơ như thế, Trong thẳm sâu trái tim Người đã phải rên rỉ, đớn đau vì tình hình của đất nước hôm nay. Mặc dù ông chỉ giải nghĩa nguyên nhân làm ông xấu hổ, rằng:
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Hay là:

Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ

Chỉ có thể giải thích rằng: mặc dù đất nước đã hoà bình nhưng tình hình xã hội lại ngày càng suy. Rền xiết trong ông một nỗi niềm u uẩn: về chế độ còn nhiều sự giả trá, bất công chăng? Thực tế một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đâu có được tốt đẹp trong tâm hồn như ông hằng tâm niệm. Ông trăn trở… máu dân tộc đã đổ cho cuộc chiến ấy, chỉ để giành lại một chính thể phi lý này ư? Thế mà 1.700 người lính phải chết trong một đêm Mậu Thân – đấy mới chỉ là một cuộc xung phong. Nếu nói đến mọi cuộc xung phong thì phải hàng vạn, hàng vạn những người lính nữa đã phải chết… cho một cuộc sống với bao sự phi nghĩa như thế này?

Ta lật lại mặt kia của câu thơ: Nếu như sự xung phong của những người lính, là để giành lại độc lập, tự do cho một đất nước… có một xã hội công bằng, ấm no và hạnh phúc của dân tộc. Thì việc gì Người phải xấu hổ? Như Người từng viết:
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như cha mẹ ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…
(Sao chiến thắng)

Máu của dân tộc đã đổ. Cái chết của những người lính ngoài chiến trận, cho ngày hôm nay ra sao?

- Vì một Đảng cộng sản quang vinh ư?…  Khi trung ương và chính phủ đầy những quan tham nhũng. Một xã hội tràn lan bao lớp quan lại địa phương cấu kết với quan trên chèn ép, ức hiếp dân lành. Chỗ nào cũng bất công. Chỉ chết những kẻ thấp cổ, bé họng – có oan trái mà không tiền, đi kiện cáo cũng chẳng ai thèm quan tâm.

- Vì một Đảng cộng sản quang vinh ư?… Khi những “đầy tớ của dân” ấy thì giàu nứt đố, đổ vách. Có nguyên Tổng bí thư Đảng làm hai khoá cả chục năm. Đứng đầu của một Đảng cộng sản quang vinh – Thời ông ta còn đương nhiệm… thì Đảng yếu kém, xã hội tạp dịch bung bét, kinh tế quốc dân sa sút. Nếu không tham nhũng mà khi ông ta mãn nhiệm trở về, giàu như một đế vương? Nhà cửa, biệt thự nguy nga như cung vua phủ chúa, sàn lát đá hoa cương. Đạo lý chẳng khác gì những kẻ tha hoá? Cha thì đoạt lấy nhân tình, bồ bịch của con trai. Nhân cách rất rẻ tiền. Con gái với mẹ kế cũng bới móc, kiện cáo nhau vì giành giật tiền bạc của nả.

- Một nhà nước, một chính thể chân chính của dân, do dân, vì dân ư? Ngay cuối tháng 3/2015 vừa qua, trong bài viết “Chả lẽ ông Chủ tịch thành phố Hà Nội không có lỗi gì trong vụ chặt cây”, đăng trên laokhoa.blogtiengviet.net – chính nhà thơ Trần Đăng Khoa đã lên tiếng cảnh báo những lãnh đạo Đảng và Nhà nước, rằng:

… Bởi chúng tôi chỉ là nhân dân. Nhân dân là mác là chông. Là sông là núi nhưng cũng không là gì… Vâng nhân dân là thế đấy. Khi có giặc thì chúng tôi là mác là chông, là sông là biển ngăn giặc, đánh giặc, rồi hy sinh thành hàng vạn, hàng triệu những nấm mồ vô danh ở Điện Biên, ở Thạch Hãn, ở Hoàng Sa, Trường Sa, ở Biển Đông, ở khắp mọi nơi trên đất nước này. Còn khi yên hàn, chúng tôi chẳng là gì cả.

Liên tưởng những năm qua – Ở ngoài biển đảo thì bọn Tàu khựa cướp biển, cướp đảo ta. Chúng hung hăng bắn giết những người dân đánh cá và chiến sĩ ta… đang phải ngày đêm canh giữ biển trời. Khắp nơi trong nước, nhất là ở các thành phố… nhân dân xuống đường biểu tình lên án giặc Tàu – Thì chính quyền lại đi trấn áp, bắt bớ. Rồi hăm dọa, tống giam cả các bloger yêu nước.

Ta trở lại với bài thơ của Chế Lan Viên: Trong thẳm sâu tâm linh của Người, điều làm cho Người xấu hổ – Như Người nói, bởi chính thơ Người đã kêu gọi những người lính kia… và họ đã phải chết đi trong những cuộc xung phong ấy?… cho tương lai của đất nước với một thể chế thiếu nhân đạo như hôm nay.

Tôi xin nói tiếp sang bài thơ “Bánh vẽ”.

BÁNH VẼ

Chưa cần cầm lên nếm,
anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…

Chả cần phải khó nghĩ ta cũng hiểu ngay: Những “bánh vẽ” mà Chế Lan Viên nói ở đây thuộc các chủ trương, chính sách hay đường lối của Nhà nước, của Đảng. Có những thứ bánh vẽ chỉ gây tổn hại lớn nhỏ đối với nền kinh tế hay đời sống dân sinh, làm cho nhân dân đói khổ. Nhưng cũng có loại bánh vẽ thì lại làm… chết người. Có khi giết hàng nghìn, hàng vạn người lương thiện và vô tội.

Xin lược lại mấy cái bánh vẽ đã gây ra những tội ác kinh hoàng trong lịch sử của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chúng ta. Như cái bánh vẽ:

- Về Cải cách ruộng đất của Đảng và chính phủ 1946-1957.
- Sự kiện hay còn gọi là “vụ án nhân văn giai phẩm” 1955-1958.

1.  Sơ lược về thảm hoạ của cuộc Cải Cách Ruộng Đất.  

Cái bánh vẽ của Đảng Lao động VN (tức Đảng Cộng sản VN bây giờ) và Chính phủ nước VN Dân chủ Cộng hòa – Người ta gọi đó là “chiến dịch đấu tố thảm sát tàn bạo”. Nồi da xáo thịt kinh hoàng. Đồng bào, đồng loại thảm sát, tận diệt lẫn nhau. Những người cùng huyết thống trong gia đình bị tuyên truyền, cưỡng chế vu cáo ám hại nhau. Con đấu tố cha, vợ vu cáo chồng… là địa chủ cường hào, là phản động, là bóc lột. Giẫm đạp lên luân thường đạo lý. Người ta chưa biết thật chính xác về số người đã bị giết trong CCRĐ. Có nguồn tin thì nói khoảng 120.000 người bị giết, nhưng cũng có thông tin những người bị giết lên đến trên 170.000 người. Vậy chí ít cũng phải trên chục vạn người bị giết ở cuộc CCRĐ ấy. Trong đó, cứ 10 người đem ra kết án rồi bắn chết thì có 7 người bị vu oan.

Bao nhiêu người cách mạng – hy sinh cả một đời, hy sinh cả gia đình, cống hiến của cải cho kháng chiến… cuối cùng cũng bị đội cải cách của chính phủ qui tội, xử bắn rất tàn ác. Nói về những hành động giết chóc khủng khiếp thời kỳ ấy, thấy nổi trôi trên mạng mấy vần thơ của nhà thơ Tố Hữu – một ông quan cách mạng mà sau này lên tới chót đỉnh, uỷ viên trong Bộ chính trị của Đảng cộng sản, viết tuyên truyền trong thời ký CCRĐ. Thơ rằng:

Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ,

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thơ Sít-ta-lin bất diệt!
Chẳng hiểu có đúng vậy không? Nghe vần thơ, giọng thơ thì rất giống thơ Tố Hữu. Nếu đúng thế thì – Chao ôi!  Một ông quan cấp cao của Đảng cộng sản nhưng thơ khát máu quá!… mà lại là máu cùng đồng loại, giống nòi.

2.  Đôi nét về vụ nhân văn giai phẩm.

- Là phong trào đấu tranh của những văn nghệ sĩ đòi dân chủ, tự do văn hoá và trong sáng tác văn học nghệ thuật.

-  Những văn nghệ sĩ trong Nhân văn giai phẩm tuyên bố: văn học nghệ thuật không để phục vụ cho chính trị, đó là quyền tự do sáng tác của họ. Với khẩu hiệu “trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ”.

- Họ phản đối sự chuyên chính của Đảng, đòi xoá bỏ sự đảng trị, độc đoán trên lĩnh vực văn hoá và sáng tác văn học nghệ thuật. Theo họ, chủ nghĩa cộng sản là không nhân văn, chà đạp con người. Họ chống sùng bái cá nhân. Phong trào nhân văn giai phẩm này đã bị Đảng và Nhà nước dùng bạo lực thanh trừng, bắt bớ, tù đầy. Hàng loạt các văn nghệ sĩ phải đi cải tạo, hoặc bị quản thúc, cấm sáng tác… kéo dài hàng chục năm. Trần Dần phẫn uất cứa cổ tự tử mà không chết. Từ một trào lưu đấu tranh đòi dân chủ, tự do trong văn học nghệ thuật – trở thành một vụ án “nhân văn giai phẩm”, đẩy thành một vụ án chính trị. Phong trào được khởi xướng 1955 và chính thức bị dập tắt tháng 6/1958. Đến khi được cởi trói cho văn nghệ sĩ thì nhiều người đầu đã bạc, kẻ thì bệnh hoạn ốm đau… nào bại liệt, tâm thần, hoặc chết trước khi được cởi trói. Như nhạc sĩ Văn Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh một năm sau khi mất (1996). Tháng 2/2007 các nhà văn trong nhóm Nhân văn giai phẩm như Phùng quán, Trần Dần, Yến Lan, Lê đạt, Hoàng Cầm thì được tặng giải thưởng Nhà nước… vì đã có công trong sự nghiệp sáng tác văn học của nước nhà.

Chao ôi, mới thấy kiểu lãnh đạo của chế độ XHCN chúng ta, có khác gì bánh vẽ? Đúng là những thứ trò. Thậm chí những thứ trò và bánh vẽ ấy đầy giả tạo, lừa dân và vô nhân thất đức… “cởi ra rồi lại buộc vào như không”.

Xin quay trở lại với bài thơ “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên. Tại sao một nhà thơ lớn của chúng ta cũng như bao văn nghệ sĩ khác, biết là “bánh vẽ” rồi… mà vẫn phải ngồi vào bàn, vẫn phải… ăn??? Như Người đã viết:

Chả là… nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
…..
Và đưa anh ra khỏi bàn tiệc

Nghĩa là: nếu anh không ăn cái bánh vẽ của chúng, thì chúng sẽ “đánh”anh. Sẽ qui tội và sẽ… triệt anh. Cũng như “vụ án Nhân văn giai phẩm” vậy thôi.

Ngay như Nguyễn Khải – một nhà văn có danh tiếng và tầm vóc. Đương thời ông đã phải kìm nén, nhẫn nhịn biết bao sự nhiễu nhương của thể chế. Sự vô đạo của những kẻ điều hành xã hội – Ông có dám viết lên cái hiện thực ấy đâu? Đến khi mất, ông mới để lại một cuốn di cảo, tập tùy bút chính trị… gọi là “Đi tìm cái tôi đã mất”. Phê phán, phanh phui những cái mất tự do, dân chủ, chưa có nhân quyền của chế độ. Như người ta nói: Nguyễn Khải chết rồi mới dám nói thật.

Không phải chỉ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… mà cùng bao văn nghệ sĩ khác thời nay – Nếu muốn còn được cầm bút để viết. Nếu muốn còn được sống để hoạt động văn học nghệ thuật, thì phải chấp nhận ăn… “bánh vẽ”. Lương tri dẫu bị dằn vặt? Họ vẫn phải – như Chế Lan Viên đã viết:

Rốt cuộc anh lại phải ngồi vào bàn
Như không có gì xẩy ra hết

Và:

Nhai ngồm ngoàm…

Nếu anh không chịu ngồi vào bàn nhai cái bánh vẽ ấy? Nếu trái tim nhà văn bức bối mà không kìm nén được nữa, cố viết nó ra – thì sẽ bị… triệt ngay. Thí dụ như cuốn tiểu thuyết “Thời của thánh thần” của nhà văn Hoàng Minh Tường chẳng hạn?

“Thời của thánh thần”, Nxb Hội nhà văn 2008 – Là một cuốn tiểu thuyết, một bức tranh tổng thể của xã hội. Nhà văn phục lại những hiện thực, … qua những số phận chìm nổi của một gia đình. Những trận đấu tố đầy chất bi hài. Những chiến dịch cưỡng bức nhuộm máu… để tái hiện lại sự đen tối của thời Cải cách ruộng đất. Vụ án Nhân văn giai phẩm… những người trí thức và văn nghệ sĩ bị nhà cầm quyền vùi dập, bắt tù đầy, khủng bố tư tưởng, bị vô hiệu hoá trở thành những cái bóng dặt dẹo. Rồi cuộc đấu tranh với xét lại hiện đại đến vấn đề Hoà hợp dân tộc?…  Các nhà bình luận nhận xét rằng: “Thời của thánh thần” là bi kịch của một gia đình thông qua tấn đại bi kịch của dân tộc. Đọc Thời của thánh thần phải rùng mình vì sự bất ổn của một xã hội, trong cơn bão loạn thời thế. Bạo lực được xây dựng trên những thứ triết lý không tưởng, vừa cuồng tín vừa

Sách bị qui là bôi xấu chế độ. Mới phát hành được vài ngày thì bị Nhà nước ra sắc lệnh thu hồi. Nghe nói ngày 28/8/2008, chính nhà văn Hoàng Minh Tường đã phải đi tất cả các cửa hiệu gửi… để thu hồi sách.

Năm qua, nhà văn Đỗ Hoàng cũng một lần nữa lên tiếng vạch trần những hành động phi nhân nghĩa của ông Trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương một thời – Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị của Đảng cộng sản. Khi còn đương chức đương quyền, ỷ thế vào bộ máy quyền lực của Đảng đã bóp nghẹt sự tự do dân chủ các văn nghệ sĩ và thẳng tay trấn áp những ai không chịu… “ăn bánh vẽ” của Đảng. Trong bài “Thơ vô lối Nguyễn Khoa Điềm” đăng trên trang vannghecuocsong.com – Nhà văn Đỗ Hoàng vạch rõ:

“Nguyễn Khoa Điềm – Ông trùm tư tưởng văn hoá của Đảng cộng sản Việt Nam, đứt gánh giữa chừng… phải về vườn – Thời còn Trưởng ban tư tưởng văn hoá,  Nguyễn Khoa Điềm để lại nhiều tiếng không hay: Ông ta trù úm Hoàng Minh Chính, bắt nhà văn Dương Thu Hương, bôi nhọ Trần Độ, loại bỏ nhiều nhà bất đồng chính kiến, đàn áp những người đòi tự do dân chủ, cấm mạng, cấm internet, đốt thành tro bụi những tập sách Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, Chuyên kể năm 2000 của Nguyễn Ngọc Tấn, Chúa trời ngủ gật của Nguyễn Dậu, Tâm sự người lính của Đỗ Hoàng, ngăn cản nhiều nhà văn tài năng vào Hội nhà văn Việt Nam… Ký duyệt nhiều dự án tiêu hàng triệu đô là tiền ngân sách, thuế dân đóng để phe nhóm hưởng lại quả nhưng hiệu quả không là bao như: Phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, (phim bỏ kho) 1 triệu đô, phim Dòng sông phẳng lặng (phim bỏ kho)...” v.v.

Như thế có thể thấy rằng: cái bánh vẽ mà Đảng và Nhà nước XHCN của chúng ta vẫn liên tục vẽ ra suốt từ hồi CCRĐ đến giờ. Các văn nghệ sĩ muốn tồn tại bình yên thì đều phải… ăn. Như cách nói của Chế Lan Viên:

Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…

Nếu ai không “nhai ngồm ngoàm…” thì Đảng sẽ cho chính quyền đến… “hỏi thăm”? Sự tự do, dân chủ của chế độ ta vẫn chỉ là giả hiệu: như việc đàn áp, đe nẹt, bắt bớ những người biểu tình chống giặc Tàu. Những kẻ quá khích chỉ là số ít. Chủ yếu đó là dân tình và những trí thức yêu nước. Bóp nghẹt nhân quyền sống của con người qua việc trấn áp, giam hãm tù đầy các bloger yêu nước… dám nói lên sự thật.

Giờ tôi xin nói thêm ít lời về bài “Trừ đi”:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết luôn cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?

Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!

Đọc mấy câu thơ kết trong bài ‘Trừ đi” này, thấy tâm trạng Chế Lan Viên có khác gì Nguyễn Khải và một số văn nghệ sĩ?… chỉ dám viết một nửa sự thật – Còn một nửa thì phải viết theo sự cưỡng chế của… Đảng và chế độ – Người nói:
Thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Người phủ nhận chăng? Không, để rồi cũng chính Người thừa nhận:
Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!

Câu thơ viết thổ lộ như thế – để nói lên những xót xa trong lòng ông, trăn trở và đau đớn. Có thể nói đó là sự quằn quại, dầy vò lương tâm của những người cầm bút, những văn nghệ sĩ sống bằng lương tri. Những con người yêu đất nước và dân tộc – Nay chỉ vì thờ phụng cho một chính thể đã mọt ruỗng mà phải giết đi bao nhiêu cái tốt đẹp. Giết đi cả những tình cảm, lòng nhân ái và tư tưởng trong sáng. Cái tội ấy của nhà thơ, nhà văn… còn lớn hơn cả bao nhiêu thứ mà Người đã qui tội kia?

Chính tôi đã giết đi bao nhiêu thứ
Có khi không có tội như mình!

Đấy, ông đã viết như thế đấy! Vậy “trừ đi” là trừ đi cái gì? Ông nói, sau này đọc thơ ông thì hãy trừ đi một nửa – Chỉ đúng một nửa thôi, còn lại là giả…

Có phải cái “giả” mà ông muốn nói ấy… có khi là cả những bài thơ mà ông đã từng ca ngợi chế độ, ca ngợi Đảng? Bởi vì: nếu ông phê phán Đảng, lên án chế độ, thì ông sẽ bị… “đánh”, bị triệt… như vụ án Nhân văn giai phẩm. Gia đình, vợ con sẽ khốn khổ, khốn nạn theo ông. Nghĩa là, nếu ông mà nói thật… thì Đảng và Nhà nước cũng lắm tội lắm chứ!?

Tôi xin dừng lại bài bình luận về ba bài thơ của Người ở đây.


————————————-
Hai bài “Bánh vẽ” – “Trừ đi” đã viết đầy đủ như ở trong bài bình.
Chỉ xin chép lại toàn bộ bài thơ “Ai? Tôi!” dưới đây, để bạn đọc xem cho mạch lạc:

AI? TÔI!

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia
ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.

P.N.T.

Hà Nội, tháng 4/2015  

© Đàn Chim Việt

Trật tự thế giới dưới mắt Henry Kissinger

$
0
0

 

Trần Bình Nam: Ông Henry Kissinger vừa xuất bản cuốn “World Order” (Penguin press, sách dày 432 trang, giá $36.00). Ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Hoa Kỳ (2001-2006) và tại Anh (2006-2008) viết nhận xét dưới nhan đề “The world according to Kissinger: How to defend global order” đăng trong tạp chí Foreign Affairs số March/April 2015. Sau đây là các ý chính trong bài viết của ông Wolfgang Ischinger.

———————————–

book

Dùng nhan đề “Trật tự Thế giới” một cách chắc nịch như vậy cho cuốn sách mình viết mà không sợ bị giới nghiên cứu cho là hợm hĩnh có lẽ chỉ có ông Henry Kissinger. Tiến sĩ Henry Kissinger, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia và Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ được nhiều người hâm mộ nhưng cũng lắm kẻ ghét cho là người quá nhiều thủ đoạn với bạn cũng như thù. Người có cảm tình cho ông là nhà ngoại giao tinh lọc được sự khôn khéo của nghành ngoại giao Hoa Kỳ mặc dù qua cuốn sách “World Order” ông vẫn chưa chia tay với lối nhìn trật tự thế giới theo khuôn mẫu cũ .

Năm 2014 là năm có nhiều biến cố trên thế giới. Chiến tranh tại Syria đã giết chết mấy trăm ngàn người, và nhóm jihadist(1) làm toàn vùng Trung đông lên cơn sốt. Tại Á châu Trung quốc tự tin vào thế đứng của mình và đang là một mối bận tâm cho các nước láng giềng. Tại Tây Phi châu, bệnh Ebola xuýt làm cho nhiều nước mất hẵn trên bản đồ thế giới. Và tại Âu châu, vùng đất tôn trọng trật tự quốc tế nhất cũng đang bị Liên bang Nga dùng sức mạnh đe đọa thay đổi ranh giới quốc gia hiện hữu. Điều đáng lo khác là các lực lượng vốn có nhiệm vụ giữ gìn hòa bình thế giới như Hoa Kỳ, Cộng đồng Âu châu, NATO cũng đã có dấu hiệu mệt mỏi sau hai cuộc chiến tốn kém tại Afghanistan và Iraq.

Trong khung cảnh đó ông Kissinger vốn là một sử gia và một nhà chiến lược xác định lại “thế nào là trật tự thế giới” và đề ra cách thức xây dựng.

Theo ông, “trật tự thế giới” là một cách nhìn về sự phân chia quyền lực chính trị của một địa phương hay của một nền văn hóa mà họ nghĩ có thể áp dụng cho cả thế giới (“world order” as “the concept held by a region or civilization about the nature of just arrangements and the distribution of power thought to be applicable to the entire world.”

Ông Kissinger nói một “trật tự” như vậy cần 2 yếu tố: (1) một hệ thống quy tắc ứng xử xác định giới hạn hành động của mỗi quốc gia hay của một nền văn hóa, và (2) một sự cân bằng thế lực có khả năng trừng phạt quốc gia hay văn hóa nào vi phạm các nguyên tắc ứng xử đã đồng ý với nhau để ngăn không cho một thế lực nào dùng sức mạnh ép các thế lực khác.

Theo quan niệm đó, quyền lực trên thế giới không phải chỉ là sức mạnh kinh tế và quân sự mà còn là sức mạnh của tư tưởng và ý chí, nhất là ý của kẻ mạnh. Theo ông Kissinger các quan niệm cổ điển từng làm cái khung giúp duy trì hòa bình thế giới trong 4 thế kỷ qua như “quyền chủ quyền” và sự “không can thiệp” vẫn còn có giá trị .

Hôm nay cái khung đó nhòa đi chút ít vì các thế lực chính trị đang lên dùng các khung chính trị khác nhau để duy trì trật tự như “dựa vào tôn giáo” (theocracy), “quyền lực tư bản” (autocratic capitalism) và “hiện tượng hậu văn minh” (postmodernity). Nhưng dựa vào gì đi nữa – theo Kissinger – cái mẫu nào mang hai yếu tính “hợp pháp quốc tế” và “cân bằng quyền lực” mới có khả năng tồn tại. Trong suốt cuốn sách Kissinger không quên nhấn mạnh một nguyên tắc là: đừng vất bỏ một cái khung tổ chức ổn định thế giới nào nếu chưa tìm thấy một cái khung khác có hiệu quả như cái khung cũ .

**
Kissinger cho rằng hệ thống quốc tế hiện nay là sáng kiến của các lãnh tụ quốc gia trong thế kỷ thứ 17 tại Âu châu qua hội nghị Westphalia họp tại Westfalen, Đức, sau một trận chiến tranh dài mà cao điểm là “trận chiến tranh 30 năm” từ 1618 đến 1648 (2). Thỏa ước đạt được đề ra quan niệm “chủ quyền quốc gia” và “quyền chủ quyền” là viên đá góc của trật tự thế giới .
Một trăm năm mươi (150) năm sau, tại Hội nghị ở thành Vienna (Congress of Vienna) 1814-1815 hai nhà ngoại giao Pháp Talleyrand và Áo Klemens von Metternich chính thức công bố nguyên tắc “cân bằng thế lực” và áp dụng nguyên tắc này vạch lại ranh giới lãnh thổ quốc gia của hầu hết các nước Âu châu sau các xáo trộn do cuộc cách mạng Pháp 1789 và các cuộc chiến tranh của Napoleon.

Hai nguyên tắc “chủ quyền” (Westphalia), và “cân bằng quyền lực (Vienna) được tiến sĩ Kissinger đề ra đối với việc duy trì ổn định thế giới hôm nay không được các nhà khoa học chính trị đồng ý cho là quá đơn giản trong một thế giới quá phức tạp nhưng cũng phải đồng ý với nỗ lực trí tuệ đầy tự tín của ông.

Đương nhiên thực tế cho thấy cái quan niệm về quốc gia và chính trị của Tây phương được áp đặt từ thời đại thuộc địa đến nay đã phải chật vật tranh đấu với các luồng tư tưởng khác. Thí dụ tại Trung đông. Ở đó sự tranh chấp không phải là “quốc gia” và “chủ quyền” mà là giữa hai giáo phái Shiite và Sunni của đạo Hồi .

Cái trật tự Westphalia một thời ngự trị tại Trung đông đang bị đe dọa bởi phong trào Hồi giáo không biên giới như phong trào chính trị Muslim Brotherhood, phong trào Jihad chống văn hóa Tây phương như al-Qaeda và Quốc gia Hồi giáo ISIS. Theo Kissinger phong trào ISIS đang làm biến thể quan niệm “quốc gia trong một biên giới xác định” thành một cuộc tranh chấp giữa các bộ lạc đậm màu sắc tôn giáo có khả năng đưa Trung đông đến hỗn loạn và chiến tranh như chiến tranh tại Âu châu thời tiền Westphalia.

Kissinger đặc biệt nghiên cứu quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran. Một bên, Hoa Kỳ chủ trương duy trì trật tự thế giới theo mẫu Westphalia, một bên -Iran – muốn nằm ra ngoài cái trật tự đó. Kissinger đi ngược dòng lịch sử của Iran trở về đế quốc Ba Tư để giải thích tại sao Iran luôn luôn bị dằng co giữa hai ý niệm “một quốc gia” hay “một lý tưởng”. Và sự theo đuổi một lý tưởng của Iran làm cho cuộc thương thuyết chương trình nguyên tử của Iran trở nên phức tạp. Ông Kissinger cho rằng để thuyết phục Iran, nghệ thuật ngoại giao chưa đủ, Hoa Kỳ cần dùng nguyên tắc cân bằng thế lực bằng cách liên kết khối Sunni để cân bằng với khối Shiite của Iran.

Ông Kissingr tiên đoán cuộc thương thuyết nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Iran hiện nay sẽ đưa đến kết quả: Hoặc Iran trở thành quốc gia lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo hay trở thành một nước lớn khép mình trong khuôn khổ của hệ thống Westphalia .
Ngoài Trung đông, Á châu cũng là nơi quan niệm ổn định Tây phương đụng chạm với quan niệm tổ chức địa phương. Tiến sĩ Kissinger chỉ ra rằng, danh từ Á châu do người Tây phương nặn ra sau khi họ đặt chân đến đó vào thế kỷ 15. Tại đó Trung quốc, đơn vị lãnh thổ lớn nhất tự xem mình là trung tâm thế giới thay trời ban bố trật tự để trị dân – nhân dân toàn thế giới. Bước vào thế kỷ 21, Trung quốc vươn lên như một quốc gia hùng mạnh và không ngừng trăn trở dung hòa cái khung Westphalia với ý niệm vai trò chủ quản của mình dưới bầu trời thế giới.

Kissinger nhấn mạnh rằng tuy Hoa Kỳ và Trung quốc quan niệm khác nhau về dân chủ và nhân quyền, nhưng trong cuộc chạy đua trước mắt cả hai nước đều thấy tránh đụng độ nhau là cần thiết. Trong cuốn “World Order” Kissinger cho rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc ít nguy hiểm hơn là quan hệ giữa Trung quốc với các nước trong vùng. Đông Á là “vùng nóng” có thể bật lửa bất cứ lúc nào.

**
Ông Kissinger nêu ra hai luồng tư tưởng hình thành chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Thứ nhất là “tính thực tế” (pragmatic realism) của tổng thống Theodore Roosevelt (tổng thống thứ 26, hai nhiệm kỳ 1901-1908) và thứ hai là “tính phóng khoáng lý tưởng” (liberal idealism) của tổng thống Woodrow Wilson (tổng thống thứ 28, hai nhiệm kỳ 1912- 1920).

Bàn về cung cách chấm dứt hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, Kissinger bóng bẩy đồng ý với những ai chê tổng thống Obama không lèo lái vững. Nhắc đến những cuộc chiến tranh Hoa Kỳ dính vào rồi bỏ dở nữa chừng tiến sĩ Kissinger không che dấu sự nghi ngờ của ông đối với các nhà lãnh đạo (trong đó có tổng thống Obama) chọn hành động phóng khoáng lý tưởng “kiểu Wilson” cuối cùng đưa đến những thất bại về chính sách ngoại giao.

Kissinger viết, “người chỉ trích cho rằng các thất bại đó do sự thiếu khả năng trí tuệ của nhà lãnh đạo, nhưng với các sử gia thì đó là vì người lãnh đạo không giải quyết được mâu thuẫn giữa quân sự và ngoại giao, giữa lý tưởng và thực tế, giữa sức mạnh tổng hợp và tính hợp lý của hành động”

Tuy nhiên Kissinger không đứng hẵn một bên, mặc dù ông thiên về tính thực tế. Ông viết: “Hoa Kỳ không còn là Hoa Kỳ nếu từ bỏ các quan niệm lý tưởng của mình”. Theo ông Hoa Kỳ không thể thiếu Âu châu, một đồng minh then chốt. Nếu hợp tác nhau Hoa Kỳ và Âu châu sẽ có ảnh hưởng lớn đối với các vấn đề trên thế giới và có thể gíúp nhau tránh những quyết định chiến lược sai lầm.

Ông Kissinger cảnh giác các nước dân chủ đừng tự cho mình luôn luôn đúng. Ông nghi ngờ một số nguyên tắc “phóng khoáng quốc tế (liberal internationalism) thời thượng, thí dụ nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ” (reaponsibility to protect), nghĩa là nếu một nhà cai trị độc ác với dân mình thì thế giới có quyền can thiệp. Theo Wolfgang Ischinger sự nghi ngờ này của Kissinger là quá đáng vì nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ” có thể giúp bảo vệ trật tự thế giới hơn là tạo bất ổn.

Dẫn chứng mùa Xuân A Rập năm 2011 đưa đến sự sụp đổ hằng loạt các nước độc tài ở Bắc Phi châu và Trung đông (những chế độ độc tài do các nước Tây phương tạo ra với hy vọng tạo ổn định) ông Kissinger kết luận rằng sự độc tài không thể duy trì ổn định lâu dài được. Phải cần có dân chủ. Tuy nhiên ván bài Bắc Phi châu không phải dễ. Câu hỏi cho những thập niên tới là “bao nhiêu dân chủ là liều lượng vừa đủ?”

**
Cuốn sách của Kissinger xoay quanh chủ đề “quốc gia” (nation-state) là cấu trúc an toàn của thế giới. Ông không cho các định chế quốc tế hay các động lực không có tính quốc gia (nonstate actors) là quan trọng. Ông cho rằng thế giới ổn định trong suốt 100 năm cho đến khi xẩy ra thế giới chiến tranh lần thứ nhất (1914) là nhờ hội nghị Vienna (1814) đặt ra nguyên tắc “cân bằng thế lực giữa các quốc gia có chủ quyền”. Năm 1914, các nước Âu châu phá vỡ sự đồng thuận của Hội nghi Vienna đã đưa đến chiến tranh. Và Kissinger lập luận rằng tình hình thế giới hôm nay không khác gì năm 1914 . Nếu các quốc gia đi ra ngoài cái khung tôn trọng chủ quyền quốc gia thì thế giới khó tránh được chiến tranh.

Dưới góc nhìn đó Kissinger không mấy phấn khởi về sự hình thành “Cộng đồng Âu châu”, một mẫu “cộng đồng” nhiều nơi trên thế giới đang mô phỏng theo có thể đưa đến sự phá bỏ ranh giới giữa các quốc gia. Ông cho rằng Âu châu là một vùng đất đặc biệt, nơi khai sinh chủ thuyết Westphalia có thể dọ dẫm thí nghiệm mô thức tổ chức mới, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu áp dụng tại các vùng đất khác trên thế giới. Ông nhấn mạnh, cái khung Westphalia vẫn còn là căn bản của trật tự thế giới hôm nay.

Ngoài việc xác định chính sách của các nước lớn là chính, cuốn sách “World Order” của tiến sĩ Kissinger không quên các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến trật tự thế giới như (1) kinh tế toàn cầu, (2) sự thay đổi của thời tiết do độ nóng của khí quyển và (3) sự tiến bộ của kỹ thuật. Toàn cầu hóa làm cho các quốc gia lệ thuộc vào nhau, dựa vào nhau đưa đến những tiến bộ kinh tế và cơm áo, nhưng vấn nạn là toàn cầu hóa cũng làm cho sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng sâu đậm. Toàn cầu hóa giúp các thế lực trên thế giới dùng áp lực kinh tế để ép các nước khác thuần phục thay vì dùng vũ lực. Vũ khí kinh tế hiện nay là vũ khí duy nhất Tây phương dùng áp lực Iran từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử và áp lực tổng thống Vladimir Putin thay đổi chính sách xâm lấn Ukraine .

Thời tiết, nói chung là bão táp, lụt lội, động đất cũng có thể làm thay đổi trật tự thế giới. Hiện nay các nhà khoa học và một số chính trị gia đang tìm cách kiểm soát sự thay đổi của thời tiết ảnh hưởng đến hàng tỉ người trên thế giới do độ nóng của bầu không khí. Có thể đã chậm, nhưng chậm còn hơn không.

Trước một đại họa về thời tiết, những quốc gia yếu kém có thể không đủ khả năng duy trì ổn định quốc gia đưa đến xáo trộn, nhưng trong cơn mất mát chung, thế giới sẽ đứng bên nhau với sáng kiến mới như đã đứng bên nhau sau hoang tàn do thế giới chiến tranh lần thứ hai mang lại. Liên hiệp quốc và các cơ chế tài chánh do hội nghị Bretton Woods (3) thành lập như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) hình thành trên đổ nát của thế chiến 2 đã góp phần ổn định thế giới từ năm 1944 đến nay.

Về ảnh hưởng của kỹ thuật, Kissinger không thoải mái, nhất là đối với kỹ thuật tin học “internet” mà ông nghĩ nó làm cho con người sống hời hợt bên cạnh sự phức tạp của thế giới. Kissinger viết : “một cái bấm con chuột giúp bạn biết một chi tiết về sử hay địa bạn đang cần, nhưng điều đó không làm cho bạn thông thái hơn.” Đặt hy vọng vào thế giới ảo (cyberspace) để xây dựng và giải quyết các vấn đề thật của thế giới – theo Kissinger – là một ảo tưởng.

Nhưng nhiều giới, nhất là giới trẻ không đồng ý với Kissinger. Kỹ thuật (vận chuyển, thông tin …) rõ ràng đã giúp thay đổi cung cách lãnh đạo và kỹ thuật ngoại giao. Các nhà ngoại giao phải sẵn sàng trước ống kính truyền hình, phải có tài thương thuyết, vừa phải có khả năng truyền đạt. Và kỹ thuật thông tin đã thay đổi cách ứng xử của các nước lớn trong lĩnh vực quốc phòng. Phòng chống sự xâm nhập điện toán cũng như khả năng xâm nhập hệ thống điện toán của địch cũng quan trọng không kém trong việc bảo vệ và chế tạo vũ khí tấn công.

Qua cuốn “World Order” độc giả thoáng thấy hình như Kissinger ao ước một hội nghị Vienna của thế kỷ 21. Ông nhìn nhận nền chính trị thế giới đang bị ảnh hưởng bởi các ý niệm liên quốc gia (transnational), của sự tiến bộ tin học, của vũ khí giết người tập thể, của nạn khủng bố, và không thể ép vào cái khung Westphalia dựa trên nguyên tắc “chủ quyền” quốc gia, nhưng theo ông quan hệ giữa các siêu cường vẫn là yếu tố then chốt cho sự ổn định của thế giới. Vấn đề là: Ai sẽ là siêu cường?
Theo Kissinger, không cần phải có một trận “Chiến tranh 30 năm” để tạo điều kiện cho một tân Westphalia ra đời, và sau đó một Hội nghị Vienna chia lại thế giới. Kissinger tin sẽ có một biến chuyển trong hòa bình.

Đó là món quà quý hiếm Kissinger tặng cho những ai không muốn thấy một cuộc so gươm trong thế kỷ 21./.

Trần Bình Nam (thuật)

April 13, 2015

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt
————————————————-

Ghi chú:

(1) Jihadist: Người Hồi giáo quá khích chống ảnh hưởng của Tây phương và bất cứ chính phủ Hồi giáo nào không theo luật lệ của đạo Hồi.
(2) Thirty-years War : cuộc chiến tranh khốc liệt nhất tại Âu châu từ năm 1618 đến năm1648 giữa các nước theo đạo Tin lành và Thiên chúa giáo La mã, dần dần kéo tất cả các nước lớn vào cuộc. Cuộc chiến tranh làm cho các nước Âu châu kiệt quệ, dân số Đức, Ý và Hòa Lan giảm sút và kết thúc bằng hội nghị Westphalia triệu tập tại Westfalen, Đức quốc đặt căn bản trên “chủ quyền” và “quyền chủ quyền” quốc gia. Khi ảnh hưởng của Âu châu lan ra trên thế giới qua phong trào thiết lập thuộc địa, quan niệm chủ quyền quốc gia trở thành luật quốc tế giúp ổn định hòa bình thế giới.
(3) Bretton Woods (bang New Hampshire, Hoa Kỳ). Năm 1944 Liên hiệp quốc họp ký các chính sách tài chánh quốc tế ấn định sự trao đổi tiền tệ quốc tế và khai sinh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank).

 

Viewing all 82 articles
Browse latest View live