Quantcast
Channel: Đàn Chim Việt »ĐIỂM SÁCH
Viewing all articles
Browse latest Browse all 82

Chu Văn Keng- Thơ và đời

$
0
0

Không phải, chỉ đến khi nhà xuất bản đề nghị viết lời giới thiệu cho thi tập Thơ Và Đời, tôi mới biết đến nhà thơ Chu Văn Keng. Mà tôi đã đọc và quen biết tên tuổi ông đã khá lâu, trên các trang báo mạng người Việt ở Đức, và đặc biệt các trang của nhà thơ Trần Nhương, Nguyễn Nguyên Bảy, lục bát.com, tác phẩm mới… trong nước.

Xét về nội lực cũng như như nghệ thuật sáng tạo, thơ Chu Văn Keng thật sự chưa có bứt phá, tìm tòi và bất chợt có những câu, những bài vụt sáng lên như các nhà thơ cùng sống ở miền Đông nước Đức, như An Giang, Thu Hà… Nhưng thơ ông, ngoài chất trữ tình, còn đọng lại khá sâu sắc trong lòng người đọc bởi tính xã hội, thời sự cao. Và cùng với họ, Chu Văn Keng đã đặt viên gạch đầu tiên cho dòng văn học đích thực của người Việt ở miền đông nước Đức.

CVKeng-T.COM

Nhà thơ Chu Văn Keng sinh năm 1950, trong một gia đình thuần nông, thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Sau khi tốt nghiệp khoa toán, trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, ông trở thành người lính, và có những năm tháng dài lăn lộn nơi chiến trường, trong cuộc chiến đau thương nhất của dân tộc. Hết chiến tranh, tưởng rằng sẽ bình yên. Nhưng không! Những người lính và trí thức như ông lại luẩn quẩn trong cái bế tắc chung của xã hội.

Với cái bi đát, bần cùng ấy, làm thuê, cuốc mướn nơi xứ người là lối thoát duy nhất còn mở ra cho ông. Vì vậy, buộc Chu Văn Keng khoác ba lô lên đường vào thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Hiện ông đang làm việc và cư ngụ tại thành phố Berlin, CHLB Đức.

Đọc Chu Văn Keng, ta có thể thấy, thơ ông được chia thành hai mảng, tình yêu và trào phúng rất rõ rệt. Sở trường là thơ lục bát, nhưng thơ thất ngôn, bát ngôn, tứ tuyệt cũng như thể thơ tự do của ông để lại dấu ấn khá đậm nét.
Và thơ trào phúng của ông gây cho tôi rất nhiều cảm hứng khi đọc. Có lẽ, thể thơ này hiện nay rất ít người viết, nên nó trở thành quí hiếm chăng?

*Gánh cả hai đầu nỗi nhớ.

Nếu không có cuộc thiên di dài dằng dặc bằng nửa sau của cuộc đời, thì có lẽ Chu Văn Keng không dính vào cái nghiệp viết lách này. Chính một chốn đôi quê đó, buộc người thi sĩ phải bổ đôi tâm hồn. Berlin hay Hà Nội, đứng bên nào cũng cảm thấy không cân. Cho nên, sự giằng xé ấy, chỉ có những trang viết mới giải tỏa được cái day dứt trong lòng thi nhân.

Đã từng là người lính cầm súng bảo vệ chế độ, nhưng Chu Văn Keng đã kịp nhận ra, ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Cuộc sống thực như trong mơ ấy, không chỉ cho riêng ông, mà của cả trăm ngàn người Việt đang cư ngụ trên đất nước tự do dân chủ này: “Tôi nay sống thực như mơ/ Nước Đức, xin được ngàn lần tri ân“ (Không đâu hơn đất nước này). Tuy là thế, nhưng nỗi nhớ quê, nhớ Hà Nội luôn đau đáu trong ông, dù nó có biến dạng và đổi thay đi rất nhiều. “Dẫu Một Chút Buồn, Hà Nội Mãi Dấu Yêu“ là một trong những bài thơ hay trong tập Thơ Và Đời của ông. Từ một vài hình ảnh của thiếu nữ dạo chơi trên hè phố, hay một thiếu phụ ở nơi bán mua, Chu Văn Keng đã nhận ra cái mất, cái nhạt nhòa vắng lặng của Hà Nội, và con người:

“Hà Nội ngày về
Tiếng sấu rụng không âm thầm rụng nữa
Đêm đâu còn tĩnh mịch tiếng rao khuya
Đáy không gian không chỉ tiếng chuông chùa
———————-
Cô thiếu nữ
Đến từ miền chiêm trũng
Dạo phố phường sao khỏi bước thấp cao
————————
Người thiếu phụ đi Vespa bóng nhoáng
Mua vịt rồi quyết không mua húng Láng
Người Hà Nội chỉ ăn “húng Hà Nội” thôi!!!
———————–
Mai xa rồi ta trở về quê mới
Dẫu một chút buồn Hà Nội mãi dấu yêu…“
Về lại quê mới, nhưng nỗi nhớ tuổi thơ, nhớ thương quê cũ vẫn treo lơ lửng, thường trực trong ông. Cái mang mang hoài tưởng ấy, đã được Chu Văn Keng hình tượng hóa một cách độc đáo qua bài bát ngôn tứ tuyệt “Tự Họa“. Có thể nói, thơ tứ tuyệt là thể thơ khó viết, bởi sức dồn nén không chỉ của ngôn từ, mà của cả ý tưởng, tâm trạng của nhà thơ. Và quả đúng vậy, Chu Văn Keng đang chắt lọc, dồn nén chặt vị ngọt hương quê vào chính tâm khảm mình, để rồi một lúc nào đấy tự“bùng nổ“ thành thơ chăng? Tôi nghĩ, Tự Họa là một bài thơ như vậy. Nó tiêu biểu về tình yêu quê hương, đất nước trong tập thơ này của ông:

“Ta chắt lọc từ đất quê vị ngọt
Men tuổi thơ thành ly rượu say nồng
Lơ lửng đưa ta cùng trời cuối đất
Đến tàn say thu quạnh bến bờ đâu?“

Chu Văn Keng viết khá nhiều thơ tình theo thể lục bát. Một thể loại có thể nói, là sở trường của ông. Tuy nhiên, lục bát là thể thơ dễ ghép vần, nhưng khó hay và hay nhòe lẫn vào thơ của những người đi trước. Do vậy, tìm kiếm được một bài thơ lục bát hay, nhất là về tình yêu đôi lứa, quả thật, khó lắm thay. Bài Em Đi là một trong những bài thơ tình lục bát hay, mà trong thời gian gần đây, tôi đã được đọc. Có thể nói, bài thơ này đã vượt sáng lên so với những bài lục bát khác trong thi tập Thơ Và Đời của Chu Văn Keng. Bài thơ diễn tả tâm trạng của nhà thơ trong cuộc chia ly. Ông đã nhân cách hóa hình ảnh để diễn tả, bộc lộ tâm trạng của mình, làm cho người đọc cảm thấy rờn rợn, xót xa.

Thật vậy, em ra đi, giấc mơ của anh cũng bị đóng lại “Chiêm bao khóa lại“. Tuy tâm trạng của thi nhân bị khóa lại, nhưng chính cụm từ này, là một chiếc chìa mở tung cánh cửa của bài thơ, dẫn sự cảm nhận, nỗi đau ấy, đến với người đọc. Với cụm từ “Chiêm bao khóa lại“ hoàn toàn cũ rích này, nếu đứng độc lập, nó ngây ngô và không tìm thấy tí tẹo nào thơ ca thi phú ở trong đó. Nhưng tác giả đã đặt nó đúng trong văn cảnh, nó trở thành nghĩa mới, cụm từ mới, làm cho câu thơ và cả bài thơ bất ngờ hay đến lạ lùng:

“Em đi mang cả trùng dương
Chiêm bao khóa lại, lời thương bỗng thừa
Còn đâu ngày nắng đêm mưa
Cơn đau xót… ngỡ người xưa trở về
Bóng chiều thổn thức bờ đê
Dây diều ai bứt mà quê tím lòng
Trời xanh mây trắng mây hồng
Có nghe heo hắt, bòng bong rối bời
Mái chèo tắt nhịp à ơi
Bỏ thuyền ai lặng giữa đời… Em đi!“

Gần đây, một số người viết đã chịu khó tìm tòi, dụng công làm mới hình thức thơ lục bát mang tính thủ pháp (như ngắt nhịp, xuống dòng). Nhưng do nội lực chưa tới, dẫn đến ngắt nhịp, xuống dòng một cách tùy tiện, mang đến cảm giác khó chịu cho người đọc. Tuy nhiên, cũng với thủ pháp nghệ thuật này, có một số nhà thơ như: Luân Hoán, Tùy Anh, Bành Thanh Bần…đã sử dụng rất thành công.

Đọc thơ lục bát Chu Văn Keng, ta thấy ông vẫn trung thành hình thức cũ, (trên sáu, dưới tám) nhưng ngôn từ cũng như nội dung hoàn toàn mới lạ. Ông đã đưa thế sự, đất nước con người đương đại vào trong thơ. Đây là cái nhìn khác, một nhân sinh quan mới. Bài “Nhà Báo Nhà Thơ“ Chu Văn Keng viết tặng Trần Nhương và Nguyễn Nguyên Bảy là những nhà thơ, nhà báo đang lăn lộn trước bất công của xã hội, nỗi đau của con người, đã chứng minh điều đó. Và ta có thể thấy, thơ lục bát của ông đang dần đến độ chín:

“Gọi là một chút lòng thành
Tặng hai nhà báo song hành nhà thơ
Sáng tâm kẽ tóc chân tơ
Gom bao thế sự đói no vui buồn (*)
Báo thơ là cớ khởi nguồn
Buồn vui trần thế lệ tuôn trong lời
Tuyên ngôn lẽ sống ở đời
Dấn thân một thuở nguyên tươi tuổi già
Cuối thu bóng ngả chiều tà
Tinh khôi còn chút phù sa đắp bồi…“

Vâng! Nếu nghĩ, văn thơ cộng đồng người Việt ở Berlin và miền đông nước Đức được uốn, định hướng đến cùng một dòng chảy, thì có một nhánh sông nhỏ Chu Văn Keng, hình như đã tuột ra khỏi dòng chảy ấy.

*Ung nhọt trong xã hội, và thân phận con người

Trào phúng là thể thơ châm biếm, đả kích, động chạm tới nhiều mặt xã hội và con người. Cho nên, có ít nhà thơ đủ dũng khí đi theo đến tận cùng dòng thơ này. Tuy nhiên, ngoài những nhà thơ quen thuộc ở hải ngoại như Tú Lắc, Đồ Ngông, Thanh Hoàng… Gần đây tôi được đọc rất nhiều thơ trào phúng của hai thi sĩ Thái Bá Tân và Thanh Sơn Bành Thanh Bần ở trong nước. Tôi nghĩ, đây là hai thi sĩ hàng đầu về tài năng cũng như can đảm viết thơ trào phúng của Việt Nam hiện nay. Và khi đọc thi tập Thơ Và Đời, dường như nó hằn đọng thêm trong tôi dấu ấn rõ rệt nét thơ trào phúng Chu Văn Keng. Tuy tài năng và can đảm ở mức độ nông sâu, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng có thể nói, Chu Văn Keng đã góp phần làm phong phú thêm dòng thơ trào phúng trong giai đoạn èo uột, nghèo nàn hiện nay.

Thật vậy, khi đọc Chu Văn Keng, ta thấy cái tình yêu thi ca của ông đã hòa vào nỗi đau của dân tộc. Có lẽ, Chu Văn Keng là một trong số ít nhà văn, nhà thơ đang sống ở Berlin dám xông thẳng vào những vấn đề nhức nhối của xã hội và đứng hẳn về phía những người dân mất ruộng, mất đất nơi quê nhà. Sự can đảm ấy, như một luồng khí mới, nóng hổi tính thời sự thổi vào hồn thơ ông.

Thơ trào phúng Chu Văn Keng, dường như chủ yếu viết về những quan tham. Hình ảnh chúng hiện lên, khi thì lưu manh, dối trá lúc thì bần tiện, đê hèn. Có thể nói, Nhớ Hồ Xuân Hương là bài tiêu biểu trong mảng thơ trào phúng của Chu Văn Keng. Nó không chỉ gây tiếng cười thâm sâu, mà ông còn mượn hình ảnh, chí khí của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tát thẳng vào bộ mặt bẩn thỉu ấy:

“Thơ bà nức tiếng thiên tào
Dám đem “cái ấy“ tát vào mặt quan
Lạ thay cái lũ tục tần
Biết đau mà vẫn giả đần làm ngơ“.

Chuyện Làm Quan cũng là một trong những bài thơ khá hay vẽ về chân dung lũ quan tham của Chu Văn Keng. Dưới ngòi bút của ông, cái thối nát, bẩn thỉu ấy, hiện lên một cách đầy đủ, trung thực:

…Làm quan thân xẻ trăm miền
Phần dành cho vợ, phần khiêng cho bồ
Rồi thì “Miếu Cậu, Đồng Cô”
Toàn là những “Vé” những “Đô” những “Lầu”
Mật ngọt thì lắm ruồi bâu
Dè chừng tai tiếng, lấy đâu bù trì?
Sự đời lắm nỗi thị phi
Thôi thì ta cứ mũ ni mà xài
Đưa tay bịt kín lỗ tai
Phải trái, hay dở để ngoài mặc bay
Sân sau rào kín bằng “Cây”
Hỏi chống tham nhũng sao đây… Hỡi trời!“

Cái sân sau ấy, dù có được rào kín bằng tiền tài, vàng bạc, hoặc dưới mưu mô chước quỉ nào đi chăng nữa, với Chu Văn Keng chúng đã lộ nguyên hình:

“…Làm quan sao “nghèo” quá ta
Nào đâu có thấy Đô la, bạc vàng
Chỉ nguyên “vài mảnh đất xoàng”
Dăm ba khách sạn, làng nhàng vài sao
Tránh voi chẳng xấu mặt nào
Tên mình không đứng, thì sao lo phiền!“ (Chuyện làm quan)

Không chỉ dừng ở mức độ phê phán gây cười, thơ Chu Văn Keng đã được đẩy lên nấc phản kháng rõ ràng. Vịnh Tiền Chùalà một trong những bài thơ như vậy. Chìm trong những câu chữ tưởng như nhẹ nhàng mềm mại, nhưng đằng sau nó là lời cảnh cáo đanh thép, có sức phản kháng mạnh mẽ, rõ ràng:

“…Tiền chùa mấy cũng không vừa
Lòng tham vô đáy, xin thưa… “quan hiền!”
Họp hành hội nghị liên miên
Bàn nhau chia chác, bung biêng rượu chè
Bắt tay phe phái nhóm bè
Đẻ ra cơ chế, dễ bề chia bôi.
Tiền chùa đâu của giời ơi
Mồ hôi nước mắt dân tôi cày bừa
Khen ai khéo vẽ tiền chùa
Để cho bao kẻ làm bùa tiến thân.
Tiền chùa – sở hữu toàn dân
Xin ai chớ có giải ngân làm bừa“.

Với Chu Văn Keng, lũ sâu bọ quan tham dứt khoát phải hủy diệt. Vâng! Đó không phải ý nguyện riêng của nhà thơ, mà là nguyện vọng chung của cả một dân tộc: “…Ngày nay sao lắm “Sâu quan”/ Một bầy nhung nhúc… bất an đêm ngày/ Nay cần có một Minh Quân/ Dùng nhiều “Trảm Sớ” để dân tôn thờ“

Trong cái nhiễu nhương, đảo lộn tùng phèo của xã hội, Chu Văn Keng đã đứng hẳn về phía dân cày, những người mất đất, mất nhà và đang bị đẩy xuống tận cùng của oan trái, khổ đau. Những chính sách đổi mới, những định hướng quái đản đẻ ra những sân gôn, dự án phù phép mộng mị, không chỉ giết chết đất đai cấy trồng, mà còn giết chết bao sinh lực con người cũng như văn hóa hồn quê. Chính sự dồn ép ấy, sẽ đẩy người dân đến đường cùng. Sự quật khởi, đứng dậy của họ là điều khó tránh khỏi. Ta đọc lại đoạn trích trong bài Đất Và Dân Cày để thấy rõ điều đó:

“…Bây giờ có đất trong tay
Định hướng, đổi mới lo thay… mất còn?
Lúa đồng gặt vội, bán non
Sân gôn, dự án… ta còn thi công.
Dân cày ngày một càng đông
Lấy đâu canh tác cấy trồng… mà ăn?
Đường cùng thì phải liều thân
“Phá kho thóc Nhật” Nông dân… xông vào!“

Đọc Chu Văn Keng, ta có thể thấy, thơ của ông là những trang viết sống, bởi nó đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối nhất của con người và xã hội. Và nó không chỉ dừng lại những vấn đề xã hội và con người nơi quê nhà, mà còn chọc vào thói hư tật xấu của chính những người Việt cùng sống trên nước Đức. Ông đã vạch trần những kẻ cơ hội, bè đảng, sĩ hão nhưng lại nhu nhược hèn hạ trước thế lực cường quyền. Chuyện Hội Đoàn là bài thơ chọc phá, một trong những hiện thực bỉ ổi đó:

“Người Việt ở Đức lập hội đoàn
Kiếm tìm cơ hội …Những mưu toan
Năm bè bảy mối ngư tranh thực
Xấu mặt cộng đồng liệu có oan?“.

Tuy nhiên, thơ trào phúng của Chu Văn Keng khi đọc tôi thấy chưa được “đã“ lắm, bởi sự đả kích, châm biếm chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, không điểm mặt chỉ tên rõ ràng, cụ thể như thơ trào phúng Thanh Sơn Bành Thanh Bần và Thái Bá Tân.

Dường như, có lần Chu Văn Keng viết, thơ chỉ đơn thuần là nơi ông ghi lại, ký gửi những cảm xúc và chính nó đã giúp ông vượt qua những đắng cay của cuộc đời: “Đem câu thơ thả lưng trời/ Làm mòn mưa nắng gạn đời đục trong/ Bài thơ gửi gắm tiếng lòng / Dẫu đời xô lệch méo tròn…cũng qua“ . Có lẽ, nhà thơ khiêm tốn quá chăng? Với tôi, thơ ông không dừng lại ở những thú vui hay xúc cảm của một cá nhân, mà nó đã hòa chung vào niềm vui cũng như trách nhiệm trước nỗi đau của con người.

Vâng! Chính vì lẽ đó, tôi yêu thi ca Chu Văn Keng là vậy.

Leipzig 12-10- 2015

(Tác giả gửi đăng)


Viewing all articles
Browse latest Browse all 82

Trending Articles