Đỗ Trường sinh ra cốt để làm người. Làm người khó lắm ai ơi! Chả thế mà thi hào Trần Tế Xương (Tú Xương) từng chúc tết mọi người: “Sao được cho ra cái giống người”. Đến tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” (40), Đỗ Trường – “đỗ” lại bến trần gian là nước Đức dân chủ tự do thịnh vượng, tích lũy nghiệm sinh đã “trường vốn”, đã có một mái gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con khôn, nhà riêng, nghề nghiệp ổn thỏa, mới thấy sao lòng mình vẫn khôn nguôi, vẫn “đoạn trường” ? Thân tại Đức mà tâm tại Việt Nam: nỗi niềm tha phương khiến Đỗ Trường thao thức mỗi canh trường…
Trong một đêm tuyết trắng gần như đã nuốt chửng thành phố Leipzig – quê hương thứ hai của ông, không ngủ được, Đỗ Trường cầm lấy bút và viết, chả biết thể loại gì, viết như ma ám, như thể trái tim ông đã bị thương từ lâu nay chợt ứa máu. Ông không muốn thành một nhà văn, chỉ muốn làm một con người cầm bút. Đỗ Trường đã bước vào một đoạn trường mới có tên là văn chương…
Đỗ Trường hiểu rằng, phải đi từ gốc CHÂN, mới đạt được THIỆN và MỸ. Ông trút hết sự thật lòng mình với trang giấy. Đỗ Trường đã viết câu thơ của nhà thơ Nga Maiacovxki lên trang mở màn của máy vi tính: “Anh có thể dối em tất cả nhưng trong thơ anh không thể dối”. Ông làm thơ, viết đoản văn, tùy bút, cảm nhận văn chương, bình thơ, bình văn, cốt chép lại lòng mình mong tìm tri âm tri kỷ. Ông trộn các thể loại vào nhau như người trộn men vào cơm rượu.
Đỗ Trường viết văn bí mật như người đi vào một thành phố bị chiếm. Chao ôi, những trang giấy trắng này đã bị sự dối trá chiếm đóng từ muôn nơi, trong đó có quê hương của ông tàn tạ những chân trời. Ông hân hoan trao sự thật lòng mình cho trang giấy như người vợ đêm tân hôn trao cho chồng sự trinh trắng cả tâm hồn và thể xác…
Những bài báo, những tùy bút, bài thơ, bài bình thơ bình văn của Đỗ Trường bỗng được in trên các tờ báo của người Việt. Độc giả và bạn bè tiếp nhận ông như tiếp nhận một người thân yêu lưu lạc bỗng mới quay về. Không, Đỗ Trường đã lưu lạc trong chính tâm hồn mình, đã nhốt chính mình trong gan ruột, nay nhờ chữ nghĩa giải thoát mình ra khỏi xà lim của sợ hãi và cô độc.
Gần hai năm từ ngày Đỗ Trường bí mật viết văn trong chính ngôi nhà của mình mà vợ con ông không hề biết. Bỗng nhiều cú điện thoại từ quê nhà của mấy người anh chị em gọi cho bà xã ông, rằng chị (em) can chú ấy đừng viết văn nữa, công an tìm đến nhà anh (nhà em) đe dọa đủ thứ, rằng Đỗ Trường ăn nhầm phải bom nguyên tử hay sao mà viết lách rất là phản động trên các báo Việt Kiều…Bà vợ ông (ĐT) thề rằng không phải ông xã em viết đâu, Đỗ Trường nào đó, chưa bao giờ em thấy ông ngồi viết lách cả… Công an bên nhà họ nhầm đấy!
Cho đến khi ông anh vợ và ông anh của Đỗ Trường phải gửi tờ báo của Việt kiều bên Pháp sang Đức có in bài và ảnh của Đỗ Trường thì vợ ông mới tin là chồng mình dám bí mật cả gan viết văn. Lúc này, Đỗ Trường mới khai thật là ông sang đến tận nước Đức tự do mà còn phải viết văn trộm, lén viết khi ngồi bán hàng. Cho hay, công an Việt Nam đã quá thành công khi cấy con vi rút sợ hãi vào hồn của toàn dân Việt, trong đó có cả bà con Việt kiều đang sống trong các nước Âu Mỹ văn minh!
Đỗ Trường đã làm khổ vợ mình bằng nghề viết văn trộm, như thế ông vừa đi ăn trộm ái tình bị bắt quả tang phải đứng trước quan tòa của bà vợ tốt đẹp hết lòng vì chồng con. Vợ ông bảo: nếu anh thương em và các con thì đừng viết văn nữa, để lâu lâu cả nhà ta còn về thăm quê hương. Hoặc là vì vợ con, vì bệnh sợ công an Việt Nam quá mức dù cả nhà đã có quốc tịch Đức, vì những chuyến thăm quê an toàn, hoặc là phải nhốt mình vào lô cốt của sợ hãi và cô đơn, Đỗ Trường đêm nằm bóp trán day dứt !
Nhưng Đỗ Trường vẫn “ngoại tình” với văn chương, vẫn quyết lòng nói thật với trang giấy, “mảng vui quên hết lời em dặn dò”. Và đòn trừng phạt của xứ nói dối đã giáng xuống Đỗ Trường, ông bị cấm về thăm quê hương mình! Trong dịp tết Ất Mùi vừa qua, Đỗ Trường mới được sứ quán Việt Nam tại Đức cấp visa về nước. Nhưng ngày 7-3-2015, từ Hà Nội, Đỗ Trường ra sân bay Nội Bài bay vào Sài Gòn thì bị công an tịch thu hộ chiếu, vé máy bay, điện thoại, giam ông 10 tiếng đồ hồ rồi trục xuất ông về lại Đức chỉ vì ông dám cả gan nói lên sự thật…
Đỗ Trường có một cuộc đời xê dịch hiếm có. Ông sinh tại Hà Nội, học cấp một cấp hai tại Hà Nội, học cấp ba tại Nghĩa Hưng, Nam Định, học đại học ở Tây Nguyên, đi lao động xuất khẩu tại Đông Đức và giờ định cư tại Leipzig Cộng Hòa Liên Bang Đức. Quê mẹ ông ở đầu con sông Ninh Cơ – chi nhánh của Sông Hồng – họ Đặng làng Hành Thiện, cha ông ở gần cuối sông Ninh Cơ, huyện Trực Ninh, Nam Định. Trên dòng sông Ninh Cơ (sông của riêng Nam Định) này có một loài hoa di động là hoa bèo bồng (bèo Nhật Bản, Nam Kỳ gọi là hoa lục bình). Hoa bèo bồng tim tím tuyệt đẹp nhưng luôn luôn phải vừa đi vừa nở…
Không hiểu sao, sau mỗi lần đọc tác phẩm nào đó của Đỗ Trường, tôi cứ hình dung ra ông chính là loài hoa bèo bồng trên cạn, vừa đi vừa chạy trốn vừa nở hoa. Không biết đóa bèo bồng cô đơn này có kịp nở hoa khi bị công an Việt cộng trục xuất khỏi quê hương mình ép phải lên máy bay về Đức để làm nghề viết văn trộm hay không ?
Thưa độc giả kính mến, quý vị không chỉ đang cầm trên tay một tập sách phê bình văn chương, mà quý vị đang cầm trên tay một tấm lòng của một người con nước Việt đã bỏ chạy khỏi sự dối trá mà sự dối trá vẫn đuổi bắt ông, vẫn muốn trục xuất ông ra khỏi vương quốc sự thật, trục xuất ông ra khỏi tình thương mến của độc giả…
Tôi yêu quý Đỗ Trường, đến xứ tự do vẫn còn phải lén viết văn (viết văn trộm). Tôi quý một tác giả đã hình thành phong cách riêng, đã trải hết thân phận chữ nghĩa ra trang giấy bằng cả tấm lòng. Đưa mắt vào trang sách của ông, tôi tin rằng quý độc giả sẽ tìm thấy tri âm tri kỷ, tìm thấy gã đàn ông 55 tuổi, đẹp trai, vẫn tiếp tục tập làm người, tập làm nhà văn, tập làm một đám mây tự do bay về thăm đất nước đau thương của mình, bất kể công an cấm đoán…
© Đàn Chim Việt