Quantcast
Channel: Đàn Chim Việt »ĐIỂM SÁCH
Viewing all articles
Browse latest Browse all 82

Ngày xuân đọc thơ Nguyễn Văn Gia

$
0
0
Nguyễn Văn Gia- đứng giữa- ảnh Interne

Nguyễn Văn Gia- đứng giữa- ảnh Interne

Có lẽ, không chỉ riêng tôi, mà dường như còn nhiều người sống xa quê vào những ngày xuân, ngày tết này, thường tìm đọc những bài viết, câu thơ về quê hương, đất nước và gia đình. Và từ trong cái hương hoa đồng nội ấy, như mong tìm lại được một chút của hương xưa. Qui Y, và Mơ của Nguyễn Văn Gia là những bài thơ, tôi tìm thấy và được đọc trong hoàn cảnh, tâm trạng như vậy.

Tôi biết và đọc thơ của Nguyễn Văn Gia đã khá lâu. Có thể nói, ông viết, in ấn chưa thật nhiều, nhưng là một trong những cây bút tài năng, có nội lực ở Đà Nẵng, xứ Quảng miền Trung hiện nay. Xuất thân từ nhà giáo, do vậy thơ ông nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, dù đó là những bài thơ thế sự xã hội bức xúc. Nguyễn Văn Gia viết đủ các đề tài, với nhiều thể thơ khác nhau. Nhưng, thơ Lục bát và Ngũ ngôn của ông để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Bởi, nó gần với Đạo giáo, gắn liền với những triết lý nhân sinh.

Tuy thể loại chỉ là hình thức chuyển tải, nhưng có thể nói, không thể thơ nào được sử dụng nhiều và gần gũi khi viết về mẹ, về quê hương như thể thơ lục bát. Và thơ Nguyễn Văn Gia cũng không nằm ngoài cái lẽ thông thường ấy. Tuy chỉ vỏn vẹn có bốn câu lục bát, nhưng bài thơ Qui Y đã hàm chứa cái giáo lý rộng lớn của nhà Phật: Cha mẹ là Phật sống tại gia. Hay nói cách khác, ông đã mượn nơi cửa phật để răn mình, răn người vậy. Nội dung, cũng như thể loại thơ quả thật không mới, nhưng nó làm rung động người đọc bởi thủ pháp nghệ thuật ngắt nhịp, xuống dòng của những câu lục bát. Dụng công làm mới thể thơ lục bát, trước và sau Nguyễn Văn Gia đã có nhiều người thử nghiệm, nhưng không phải ai cũng thành công:

Lên chùa
Với nén tâm nhang
Tam quan mách bảo
Phật đang vắng nhà
Trở về
Phụng dưỡng mẹ cha
Dẫu không thờ Phật

cũng là quy y.”
Bài Mơ… đọc lên, tưởng như là những câu thơ tình tự về quê hương của Nguyễn Văn Gia. Nhưng lặng lại giây phút thôi, ta mới chợt nhận ra, đó là một bài thơ thế sự xã hội của ông. Cái sự tàn phá xóm làng, hồn quê được che đậy bởi những mỹ từ dự án, quy hoạch, không khỏi làm cho nhà thơ bùi ngùi xót xa. Để rồi, cái hương lúa, hồn quê ấy, chỉ còn tìm thấy ở trong những giấc mơ và dĩ vãng. Và nó buộc người thi sĩ phải dùng thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng, như dằn, như cắt tâm trạng của mình. Ta đọc lại bài thơ nhẹ nhàng này, để thấy nghệ thuật làm mới thơ lục bát của Nguyễn Văn Gia:

“Chẳng còn đâu
Bóng tre xanh
Quê nhà giờ đã trở thành cố hương
Ngậm ngùi ta
Giữa phố phường
Mơ…
Mùa trăng cũ
Ruộng
Vườn
Tiếng chim“

Đọc thơ ngũ ngôn thế sự Nguyễn Văn Gia, luôn làm tôi liên tưởng đến thơ thế sự của Thái Bá Tân. Dù thơ Nguyễn Văn Gia trau chuốt, đầy hình tượng, khác hẳn với khẩu ngữ xù xì, thẳng thắn của Thái Bá Tân. Nhưng mức độ lột trần, đả kích sự thối nát của xã hội đương thời một cách sâu sắc và mạnh mẽ, không hề khác nhau. Và nếu như nỗi đau, tiếng cười trong thơ Thái Bá Tân được bật ra, thì dường như nỗi đau, tiếng cười ấy trong thơ Nguyễn Văn Gia lại lặn vào trong lòng người đọc. Kịch Câm là một bài thơ điển hình như vậy của Nguyễn Văn Gia. Sự lưu manh, đểu cáng của những kẻ cầm quyền đã được Nguyễn Văn Gia hình tượng hóa trên sân khấu hề chèo, một cách sống động:

“Đạo diễn giỏi tay nghề
Diễn viên hóa kẻ câm
Rồi ai cũng có thể
Là diễn viên kịch câm
Người nghe: Một kẻ điếc
Người nói: Một gã câm
Nhưng cả hai đều biết
Đang bàn cái – trống – không“

Không chỉ dừng lại ở đó, thơ ngũ ngôn Nguyễn Văn Gia còn chỉ ra sự tham lam, ươn hè của tầng lớp thống trị, cũng như (lớp người) bị trị. Và cũng chính cái tham và cái sợ, ắt dẫn đến sinh tử không chỉ cho một con người, mà cho cả một dân tộc này. Vâng! Cái triết lý như một sự đúc kết những bài học trong cuộc sống ấy, được thể hiện rất rõ trong bài thơ Tham Và Sợ của ông:

“Cái tham và cái sợ
Cha đẻ của cái hèn
Có cái giá treo cổ
Giữa hai bờ tử sinh .“

Có thể nói, thơ Nguyễn Văn Gia luôn làm cho người đọc trăn trở, suy ngẫm về cuộc sống, cũng như thế thái nhân tình. Với tôi, thơ ông như một nét chấm đậm trên nền thơ ca đang èo uột và mờ nhạt ở trong nước.

Trên đây là vài suy nghĩ, nhân ngày xuân đọc thơ lục bát, và thơ ngũ ngôn Nguyễn Văn Gia của tôi. Nó chỉ là những nét khêu gợi nhỏ, trong cái cõi thơ mênh mông của Nguyễn Văn Gia. Và chắc chắn, khi có điều kiện, tôi sẽ trở lại với thơ ông sâu và rộng mở hơn.

Leipzig ngày 14-1- 2017

Đỗ Trường


Viewing all articles
Browse latest Browse all 82

Trending Articles