Hạc Cầm Miến Điện, The Burmese Harp là một cuốn phim cổ điển của Nhật quay năm 1956 tại Miến Điện, đen trắng dài 116 phút do đạo diễn Kon Ichikawa thực hiện, dựa theo truyện của Takeyama Michio và Natto wada, nhà Sản xuất Masayuki Takaki.
Tài tử chính gồm Shoji Yasul (vai Mizushima), Rentaro Mikuni (vai Đại uý Inouye). Phim đã đoạt giải thưởng OCIC và San Giorgio tại Đại Hội Điện Ảnh Venise năm 1956, Giải ưu hạng tại Đại Hội Mainichi film Concours của Nhật năm 1957. Năm 1957 được vào Chung kết Giải Oscar Mỹ dành cho phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm. Năm 1956 vào Chung Kết Giải Sư Tử Vàng Đại Hội Điện Ảnh Venice . Năm 1985 nhà đạo diễn Kon Ichikawa đã thực hiện lại (remake) Hạc Cầm Miến Điện bằng phim mầu và các tài tử khác nhưng không thành công bằng phim cũ, chỉ được một vài giải thưởng nhỏ. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới cuốn phim đen trắng quay năm 1956 nêu trên.
Hạc cầm Miến Điện có tinh thần chống chiến tranh và chịu ảnh hưởng giáo lý nhà Phật.
Một điều lạ ở đây là phim này lấy đề tài Thế Chiến Thứ Hai, một đề tài rất ít khi thấy Người Nhật khai thác, đa số phim nghệ thuật của họ lấy đề tài về võ sĩ đạo thời trung cổ hoặc về ma quỉ. Đáng chú ý nữa là quân đội Nhật nổi tiếng tàn ác trên thế giới nhưng phim này cho ta thấy hình ảnh người lính Nhật hiền lành, có đạo đức, đầy tình thương nhân loại, phim cũng thể hiện tràn trề tinh thần từ bi bác ái bao la của Thích Ca Mâu ni trước nỗi khổ đau không cùng của con người.
Các nước Âu Mỹ đã thực hiện nhiều phim tố cáo những hành vi bạo ngược của quân Nhật tại các trại tù Á Châu thời Đệ Nhị Thế Chiến như Cầu Sông Kwai, phim Mỹ quay 1958; Đời Tôi Bắt Đầu Tại Mã Lai, phim Anh, thập niên 50; Road To Paradise, Mỹ thập niên 90… Người Pháp nói Bên này dẫy núi Pyrénée là sự thật, bên kia là sai lầm.
Hạc Cầm Miến Điện được thực hiện trong thời kỳ cực thịnh của nền Điện ảnh Phù Tang hồi thập niên 50, 60. Người Tây Phương bắt đầu chú ý đến Điện ảnh Nhật qua phim Rashomon của Akira Kurosawa quay 1950, đoạt giải Sư tử bạc Đại Hội Điện ảnh Venice và giải Oscar Mỹ, phim ngoại quốc hay nhất trong năm, đó là cuốn phim thành công đầu tiên của Nhật gây được tiếng vang trên thế giới. Kế đó những phim Bẩy Người Hiệp Sĩ, Người Phu Xe, Địa Ngục Môn, Ughetsu… đoạt các giải thưởng ưu hạng tại các Đại Hội Điện ảnh Quốc tế tại Cannes, Pháp, Venice Ý… được Tây phương chú ý và được phát hành đi nhiều nước trên thế giới.
Trong số các nhà làm phim Nhật, Akira Kurosawa là nhà đạo diễn được Tây phương khâm phục nhiều nhất, ông được coi như nhà đạo diễn lớn nhất thế giới và là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến nền điện ảnh Mỹ cũng như điện ảnh thế giới (primal influence), có khoảng trên dưới 20 cuốn phim của các nước Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kong, Pháp, Ý, Ấn… bắt chước hay chịu ảnh hưởng các phim của Akira. Riêng phim Bẩy Người Hiệp Sĩ quay 1954 của ông, đoạt sư tử bạc tại Venice đã có khoảng 10 phim bắt chước theo: The Magnificent Seven, 1960 ( Mỹ), The Return Of The Magnificent Seven, 1966 ( Mỹ), Gun Of The Maginficent Seven, 1969 (Mỹ), The Maginficent Seven, 1998 ( Mỹ), Beach Of The War Gods, 1973, Run Run Shaw (Hong Kong), Battle Beyond The Stars 1980 ( Mỹ) , World Gone Wild, 1988, (Hong Kong), Soley, 1975 ( Ấn), và gần đây năm 2002, Thất Kiếm, Trung Quốc, phim dàn cảnh vĩ đại, được coi là ăn khách nhất trong năm, chiếu khai mạc Đại Hội Điện Ảnh Venice .
Hạc Cầm Miến Điện lấy bối cảnh thời hậu chiến, nội dung tràn trề tình yêu nhân loại.
Sơ lược truyện phim.
… Mặt trận Miến Điện lúc Thế chiến gần kết thúc, quân đội Nhật bị Đồng minh truy kích, tấn công ráo riết. Một đại đội Nhật đang trên đường chạy về biên giới Thái Lan, một nước trung lập . Đại uý đại đội trưởng, nguyên là nhạc sĩ thường hay dậy lính hát, một anh binh nhì tên Mizushima đánh đàn hạc cầm Miến Điện rất hay, một loại đàn nhỏ có nhiều dây trong giống như đàn bầu của ta. Một hôm ông cho đại đội dừng quân giữa rừng rồi đưa tay đánh nhịp cho đại đội hát, khi ấy Mizushima gẩy đàn hoà theo, tiếng đàn du dương với âm điệu Tây phương nhẹ nhàng thanh thoát.
… Nước Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đại uý đại đội trưởng tuân lệnh trên nạp vũ khí đầu hàng , Mizushima được cử đi thuyết phục một đại đội Nhật khác tại một ngọn núi cách hai trăm dặm, đi hai ngày mới tới. Tại đây đại đội này không chịu đầu hàng chỉ muốn chiến đấu tới cùng. Tới nơi anh cho họ biết mình là sứ giả hoà bình, nhiệm vụ là cứu mạng cho cả đại đội vì nếu không đầu hàng sẽ bị quân Anh pháo kích chết hết. Họ đã không nghe còn chửi mắng hành hung anh, xỉ vả chàng là đồ hèn nhát. Ông sĩ quan Anh chỉ cho suy nghĩ nửa giờ, đại đội vẫn ngoan cố không chịu hàng bị quân Anh pháo kích tấn công, hầu như đơn vị này bị hoàn toàn tiêu diệt.
Mizushima bị thương cố lết ra ngoài xa, anh được một nhà sư đem về săn sóc cứu chữa, một thời gian sau lành bệnh anh bỏ chùa ra đi rồi tìm những xác lính Nhật còn xót đem chôn. Có lần thấy một nhà sư đang tắm dưới suối, anh bèn lấy cắp áo cà sa của ông rồi chạy ra xa, cạo trọc đầu, mặc áo cà xa rồi chạy trở lại ngọn núi ấy gom xác lính Nhật lại lấy cây củi đốt. Anh dò tìm ra đại đội cũ của mình hiện trong trại tù binh do người Anh canh giữ, Mizushima bèn tìm đến ở một ngôi chùa gần đó xin qui y, người ta cho anh nhập giáo hội hành đạo.
Khi đại đội có dịp đi lao động hoặc ra ngoài trại, họ gặp một nhà sư trông giống y như Mizushima, nhiều người cho là anh vẫn còn sống, nhưng cũng có người nói chàng đã chết anh dũng không đầu hàng.
Một hôm đại đội đi ngang một cây cầu gỗ hẹp, ông Đại uý nhìn anh chăm chú, mọi người nhận ra anh đang khoác áo cà xa nhưng chưa dám quả quyết. Họ hay hỏi thăm tin tức một bà già thường vào trại mua đồ thủ công của tù binh và bán quà bánh cho họ, bà già cũng dò tìm tông tích ông thầy dùm họ. Mỗi lần gặp anh, họ thường bảo nhau “ ông thầy sao giống Mizushima quá”. Thế rồi đại đội được người Anh cho về nước, ai nấy khăn gói chuẩn bị lên đường. Đại uý nhờ bà già gửi ông thầy một con két, Đại uý đã dậy nó nói: “Mizushima về nước nhá”.
Họ thấy nhà sư trông giống y như Mizushima xuất hiện bên ngoài hàng rào trại, nhà sư đứng cạnh một chú đệ tử lên mười đang ôm cây đàn Hạc cầm Miến điện. Ông thấy lặng thinh không nói gì, anh em hỏi gì cũng không nói. Các anh em bảo nhau hát bài họ vẫn thường hát để dò thái độ của nhà sư. Khi anh em cất tiếng hát, nhà sư bèn lấy cây đàn Hạc cầm hoà theo, bây giờ thì mọi người đều biết đó là Mizushima. Họ bảo anh ngày mai được về nước tại sao anh không về. Ông thầy bèn chơi ngay bản tiễn biệt, bản đàn vừa dứt, ông thầy ôm đàn đi khuất sau ngôi chùa tháp.
Mọi người thu xếp đồ đạc lên đường về nước, bà già đem thư của ông thầy nhờ gửi Đại uý, ông này bận quá bảo để khi nào lên tầu sẽ đọc, ông thầy cũng nhờ bà già đưa Đại uý một con két nói “Tôi không về được”. Khi lên tầu ông đọc thư, Mizushima kể lại những này đã qua, anh hiện đã qui y, tình nguyện ở lại để tìm kiếm chôn xác những người đồng đội, xoa dịu những nỗi khổ đau của con người.
Cuốn phim nhuốm màu từ bi, bác ái nhà Phật. Khán giả vừa được thưởng thức những âm điệu du dương tuyệt vời của cây Hạc cầm lại được du lịch Miến Điện, xứ Phật nghèo nàn lạc hậu đầy những chùa tháp. Chủ đề sâu sắc, nội dung cảm động, nhạc hay, điều đáng tiếc kỹ thuật thu hình xưa cũ, lạc hậu.
Đây là một bi kịch thời hậu chiến, chủ đề chống chiến tranh, nội dung mang nhiều ý nghĩa nhân bản tràn đầy tình yêu nhân loại. Cũng là phim lấy đề tài trại tù thời chiến như Cầu Sông Kwai, Y Sĩ Thành Stalingrad nhà làm phim không có mục đích nói lên sự tàn ác của kẻ thắng trận mà ngược lại còn có khuynh hướng ca ngợi lòng nhân đạo của họ. Những phim Cầu Sông Kwai, Đường Lên Thiên Đàng.. người Anh, Mỹ chỉ trích sự tàn ác của quân Nhật đối với tù binh nhưng ngược lại ở đây người Nhật không những chẳng chỉ trích người Anh mà còn cho thấy kẻ chiến thắng đối xử với ho nhân đạo, những tù binh chết cũng được họ làm lễ cầu nguyện và an táng tử tế. Lối làm phim này cho ta thấy tinh thần cao thượng của họ khi nói đến kẻ thù. Khác với Tây phương Anh Mỹ.. người Đức, Nhật khi làm phim chiến tranh với tinh thần phản chiến không khoe khoang chiến thắng.
Phim có những đoạn vui, ngộ nghĩnh nhưng cũng đượm vẻ buồn mang mác nhất là đoạn cuối đã kết thúc bằng một cảnh cảm động đầy nước mắt. Đại đội tù binh Nhật ai nấy đều quan tâm tới Mizushima, họ tưởng anh đã chết trong trận đánh. Sau nhiều lần gặp nhà sư khoác áo cà sa với khuôn mặt giống hệt như anh họ lại nghĩ rằng anh còn sống, nhà sư chẳng ai khác hơn là anh chàng đánh đàn Hạc cầm hay tuyệt. Dần dần nghi ngờ đã thành sự thật, bà già thường hay ra vào trại cho biết tin tức nhà sư và sau cùng trước ngày tù binh lên đường về nước, nhà sư lại xuất hiện bên ngoài hàng rào của trại để chào từ giã anh em. Độc đáo nhất là cuộc “nhạc đàm”, họ đã lấy bản hợp ca và tiếng Hạc cầm du dương để nói chuyện trao đổi với nhau.
Thấy nhà sư yên lặng không nói gì, bọn tù binh bảo nhau.
- Mình thử đồng ca một bản thường hát ngày trước xem sao, nếu đúng là nó thì nó sẽ hát hay đàn theo.
Nói rồi mọi người cất tiếng đồng ca bản họ thường hát trong đại đội trước đây, ông thầy bèn lấy cây Hạc cầm trong tay chú đệ tử rồi gẩy một bản hoà theo, cũng vẫn bản Hạc cầm du dương thanh thoát ấy. Thế là hai bên đã nhận ra nhau, một vài anh vui mừng la lớn.
- Mizushima! Ngày mai tụi tao về nước, thế mày không muốn về à?
Người lính chiến đã xuất gia, qui y, nay tịnh khẩu chỉ trả lời bằng tiếng Hạc cầm thánh thót. Ông thầy vẫn lặng thinh bèn chơi ngay một bản đàn tiễn biệt, bọn tù binh bảo nhau.
- Nó đánh bản tiễn biệt tụi mày ạ!
Bản đàn vừa dứt, ông thầy ôm cây Hạc cầm đi khuất sau ngôi chùa tháp.
Hôm sau mọi người đang thu xếp đồ lên đường, bà già đem vào một bức thư rất dài nói là của ông thầy gửi cho Đại úy, ông này bèn cất thư đi bảo.
-Bây giờ đã tới lúc khởi hành, đọc thư không giải quyết được gì, thôi để lúc khác.
Ngoài ra con két do ông thầy gửi vào thường nói “ Tôi không về được” để trả lời Đại úy trước đó đã gửi con két nói “Mizushima về nước nhá”ù, đây là cuộc đối thoại độc đáo bằng hai con két.
Đoàn tù được đưa ra bến tầu về nước. Khi tầu đang lênh đênh trên mặt biển Đại úy mới đem thư ra đọc, bức thư rất dài dòng văn tự, bốn năm trang giấy.
… Mizushima kể lại từ ngày anh bị thương cho tới khi nương náu cửa thiền môn, anh cho biết mình đã bị thương rồi được một nhà sư cứu sống, ông mang anh về chùa chăm sóc nuôi dưỡng, nhà sư nói:” Dù người Anh hay người Nhật đóng tại đây, nước Miến Điện vẫn là xứ Phật”. Nay anh đã đượïc người ta cho nhập Giáo hội trở thành nhà sư, Mizushima tình nguyện ở lại để lo chôn cất xác những người Nhật tử trận tại đây….
… “Thưa Đại Uý, các bạn thân mến.
Tôi rất nhớ các bạn nhưng tôi không thể về đơn vị cùng các bạn, tôi không thể về thăm lại quê hương và xây dựng lại đất nước bị tàn phá cùng các bạn.
Dù rất nhớ các bạn nhưng tôi không thể về cùng các bạn, tôi không thể bỏ lại những xác chết đồng đội, những bộ xương của họ trên khắp các ngọn đồi nơi đây.
Khi leo lên những ngọn đồi để nhặt xác họ để đem chôn, đốt , tôi tự hỏi tại sao lại có những thảm kịch, những nỗi đau khổ như thế này, sao chúng ta không nói cho xã hội, loài người cùng biết? chúng ta phải góp phần vào sự xoa dịu những nỗi khổ đau của con người, ta phải cố gắng, dấn thân, đó là những lý do thúc đẩy tôi vào chùa học đạo. Khi nào làm xong những nghĩa vụ ấy có thể tôi sẽ trở về.
Thưa Đại uý nhưng tôi chưa biết khi nào tôi sẽ trở về, có thể tôi sẽ sống cho tới ngày cuối cùng tại nơi đây, miền đất đỏ của xứ Phật Miến Điện này….”
Bức thư dài bốn năm trang giấy, Đại uý dở đọc hết trang này tới trang khác khiến cho anh em ai nấy không cầm được nước mắt, nhiều người âm thầm khóc với những giọt lệ long lanh . Họ vô cùng cảm động về sự hy sinh cao thượng của Mizushima, người đã chọn ở lại để góp phần vào sự xoa dịu những nỗi khổ đau của con người. Mỗi lần Đại úy dở sang trang khác, lại có những dòng lệ tuôn rơi như không bao giờ dứt. Chính ông cũng nghẹn ngào khi đọc gần hết bức thư.
Người chiến sĩ đã đi tu, anh đã từ chối trở về đất nước để xuất gia đi tìm lý tưởng vị tha, một hình ảnh của Thái Tử Tất Đạt Đa cách đây trên hai ngàn năm trăm năm, từ bỏ lầu vàng cung điện để đi tìm phương giải thoát cho nhân loại. Mizushima tìm thấy hạnh phúc ở sự hy sinh cao cả, góp phần vào sự xoa dịu những nỗi khổ đau không cùng của loài người.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt