Một cô gái trẻ ở trong nước vừa tung ra một thách thức đối với chế độ bằng một quyển sách nhỏ, Ước mơ của Thủy. Mới khoảng 30 tuổi, tác giả Lê Việt Kỳnhi trong nhóm bcLH (“Bước chân Lạc Hồng”) đã viết nên một cuốn sách vừa sâu sắc vừa trong sáng, giàu trí tưởng tượng nhưng không phải là loại tưởng tượng hoang đường mà là một thứ tưởng tượng rất khoa học, có căn cứ rõ ràng. Rõ ràng đây là một cuốn sách mà như người Pháp đã có cách mô tả “rất Pháp”: “Ce qui se conçoit bien s’énonce clairement.” (“Cái gì đã được suy tư cẩn mật thì sẽ được diễn tả ra một cách trong sáng”).
Ba chương rõ ràng: Nguồn cội, Giáo dục, Nhân bản luận
Cuốn sách không dầy, chỉ hơn 100 trang nếu kể cả ba Phụ lục ngắn (“Hãy là con sư tử mang chính khí Việt Nam,” “Theo trào lưu thế giới,” “Quốc kỳ và Quốc dân”) nhưng gần như từng dòng một là mang một nội dung chất chứa suy nghĩ độc đáo, đáng để cho người đọc thẩm định. Đúng như Nguyễn Phương Uyên, một người trẻ khác, viết trong “Lời giới thiệu”: Đây là sách viết theo kiểu “ung dung ta nói điều ta nghĩ” nên “tôi nghĩ các bạn phải đọc cuốn sách này bằng cách nói chuyện với nó.” Vấn đề không phải là “cùng tác giả đi tới trang sách cuối cùng, mà phải nói chuyện nhiều lần với tác giả, nghĩa là phải đọc nó nhiều hơn một” lần. Chính cá nhân tôi, người điểm sách, đã đọc đi đọc lại cuốn sách ba lần trong vòng một tháng qua.
Đâu phải vì cuốn sách viết chữ nghĩa khó khăn hay mang những thông điệp gì bí ẩn! Như tôi đã thưa ở trên, cuốn sách viết sáng như ban ngày, không có tới một câu rắc rối hay cầu kỳ nhưng sâu sắc thì có những đoạn dị kỳ, làm ta sửng sốt!
Tôi xin tạm lấy một thí dụ. Trong chương “Nguồn cội” tác giả đã dựa một phần vào những người đi trước để nói về những nét văn hóa rất đặc trưng của ta như một nền văn hóa Đông Nam Á, tìm ra nghề canh nông lúa nước trước rất nhiều nước. Điều này đã được những học giả lừng danh thế giới như Wilhelm Solheim đã tìm ra từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nền văn minh trống đồng của Việt nam cũng đã được các học giả người Pháp, người Đức (như Heger), người Thụy điển (như Olov Janse) chứng minh qua những khai quật của họ từ thập niên 20 30 của thế kỷ XX, song đi vào tìm ra những ý nghĩa sâu xa của trống đồng, chẳng hạn, thì ta lại phải đợi đến Linh mục Kim Định với những sách như Sứ điệp trống đồng của ông—khác hẳn những lối khai quật khoa học được các khảo cổ gia miền Bắc học theo các thầy Tây phương nhưng không đi sâu được vào ý nghĩa của những vật mình tìm ra. (Mãi gần cuối đời, sử gia Trần Quốc Vượng ở Hà nội mới đi vào ngành folklore học để theo khảo hướng này.)
Sở dĩ phải tìm về nguồn cội thì ta mới biết được ta từ đâu đến để định ra con đường trước mặt. Sử học Cộng sản vì tất cả những gian dối của nó nên một ngày kia, chúng ta sẽ phải viết lại hết cả (cũng tựa như kinh nghiệm của nước Nga sau thời CS, họ đã phải viết lại hết cả sách giáo khoa về sử của nước họ). Cũng vì những lý do như thế mà tác giả Lê Việt Kỳnhi tỏ ra rất ăn ý với những nỗ lực “tìm về nguồn” của các tác giả hải ngoại như Phạm Trần Anh với cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt hay Du Miên với quyển Suối nguồn văn minh phương Đông. Cô không kỳ thị người ngoại quốc bởi cô trích với sự thích thú nhận định của G.S. sử học Keith Taylor và G.S. người Hàn quốc Han Do Hyun khi hai ông này cho rằng Việt nam thời cổ không kỳ thị đối với phụ nữ và còn có chế độ “lưỡng hệ (phụ hệ và mẫu hệ).” Đi từ nguồn cội như thế là để bác bỏ ảnh hưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ mà đòi hỏi trở về nguồn, tìm lại sự bình đẳng cho nữ giới để hơn một nửa dân số có thể đóng góp ngang hàng với nam giới (nếu không muốn nói là hơn, vì đông hơn). Đó là những loại tư duy rất độc lập của tác giả Ước mơ của Thủy.
Nhưng cô còn đi xa hơn thế. Cô dẫn một cách tâm đắc nhận định của triết gia Kim Định:
“Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống…”
Lê Quý Đôn đã tóm ý đó vào mấy câu sau:
“Trời lấy trống không làm đạo,
Đất lấy im lặng làm đạo,
Người có trống không và im lặng mới hợp với đạo trời đất.
Vì trống không / khắc được tự sáng sủa.
Yên lặng khắc được tự yên định.”
Chưa hết, cô cho là còn phải thêm: Sứ điệp trống đồng còn nằm ở chữ “Đồng” nữa! Không chỉ có ý nghĩa là một kim loại, chữ “Đồng” còn có nghĩa là “đồng thuận, đồng tâm” tựa như trong câu “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.” Từ đó, cô cho rằng chúng ta chưa đi hết con đường ông bà tổ tiên chúng ta đã vạch ra: chúng ta chưa đi hết chữ “Đồng.” Thật là một ý tưởng vô cùng độc đáo!
Thách thức đối với quê hương, đối với nhà cầm quyền
Những suy tư khác của tác giả Lê Việt Kỳnhi cũng tương tự, đầy tư duy độc lập và sáng tạo. Nhưng không vô lý. Có thể là vì cô đã nghiên cứu nhiều năm sấm Trạng Trình và được biết trong cộng đồng mạng ở Việt nam như là “người giải sấm” (tiết lộ của Huỳnh Lê Nam trong “Lời bạt”). Và cũng vì cô cũng đã từng trăn trở với nhiều người con dân đất nước về một “lối ra cho một xã hội bế tắc” (tên một bài viết của cô trên Facebook của cô).
Đọc cuốn sách của Lê Việt Kỳnhi, chúng ta thấy như được đồng hành và trao đổi với một bộ óc tế nhị, thách thức những suy nghĩ đã vào khuôn vào phép của chúng ta—nhất là những bậc có tuổi, “bề trên,” dễ nghĩ là người già có độc quyền về trí tuệ, khôn ngoan hơn người. Đây là một trường hợp mà không những ta có thể nói, “Hậu sinh khả úy,” mà còn có thể nói thêm “Nữ hậu sinh diệc đại khả úy.”
Vì dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám viết nên Lê Việt Kỳnhi rất tự tin, không mảy may mặc cảm… trước người lớn!
Tôi không muốn đi vào những chi tiết của hai chương còn lại trong sách, về Giáo dục và về Nhân bản luận. Tôi muốn dành sự thích thú đó cho người đọc, nhất là “người lớn đọc” để chúng ta hết khinh thường tuổi trẻ VN hôm nay, đặc biệt là các phụ nữ trẻ như Lê Việt Kỳnhi, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy v.v. Đã đến lúc chúng ta cần xét lại hết cả những định kiến cổ hủ, hủ nho bại hoại của chúng ta để tháo gỡ cho tư tưởng Việt nam được bay bổng, bắt kịp với thế giới, bắt kịp với đời.
Tác giả gọi sách mình là “Ước mơ của Thủy”: “Tên tôi là Thủy… Tôi thật sự mơ được thấy một dân tộc Việt mạnh mẽ với hào khí ngút trời… Vì giáo dục là nền tảng xã hội, muốn đất nước hồi sinh không thể không chỉnh đốn lại nền giáo dục. Và cuối cùng là chương Nhân bản luận, là suy nghĩ to gan của tôi về một Việt Nam có thể tạo một bước tiến mới trong sự phát triển của nhân loại.”
Thì ra thông điệp của cô, mạnh là thế, lại được nói ra một cách rất đàn bà con gái, một cách thật nhỏ nhẹ. “Thủy” xem cho cùng là “nước,” không phải chỉ là một chất lỏng, mà còn là “nước, là quốc gia, là Việt Nam” với tất cả yếu tính linh hoạt của nó. Nước chảy, đá mòn, ước mơ của Thủy, đưa ra trước ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 của Hà nội, chắc sẽ có ngày làm cho khối đá CSVN phải mòn đi thôi.
Tâm Việt
_____________________
* Sách Ước mơ của Thủy của tác giả Lê Việt Kỳ Nhhi có thể mua trên Amazon Books hoặc độc giả có thể gởi $15 (Mỹ kim, gồm $12 ấn phí và $3 bưu cước) về: 6433 Northanna Drive, Springfield, VA 22150 1335. ĐT: (703) 971 9178.