Trật tự thế giới (World Order) là tựa đề của một quyển sách xuất bản vào năm 2014 của Tiến Sĩ Henry Kissinger trong đó ông phân tích về tương quan giữa các nước nhìn từ mỗi phía Mỹ, Trung, Nga, Iran và Nhật, cùng những dị biệt trong thế giới quan đã ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của mỗi cường quốc như thế nào. Trong chương cuối tác giả đề cập đến khung cảnh toàn cầu hoá khi mà kỹ thuật điện toán và thông tin lan tràn khắp mọi nơi đã tác động mạnh mẽ đến dư luận, các nhà lãnh đạo và các quyết định chính trị đương thời. Phần trình bày dưới đây tóm tắt quyển sách nói trên nhưng thêm vào đó một số nhận xét riêng của người viết.
Theo TS Kissinger thì trật tự thế giới ngày nay đặt trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia trên căn bản của các hiệp ước và tổ chức quốc tế. Tầm hiệu quả của những thỏa thuận và các cơ quan nói trên lại tùy thuộc nơi cán cân lực lượng giữa các nước lớn. Trật tự thế giới này do Tây Phương xây dựng từ sau Thế Chiến Thứ Hai dựa theo khuông mẫu của hòa ước Westphalian tại Âu Châu vào năm 1648. Để độc giả Á Châu dễ mường tượng ra mô hình Westphalian, giả sử nước Trung Hoa chia thành lục quốc từ thời Chiến Quốc kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay vì nhà Tần đã không thống nhất được lục địa; chiến tranh triền miên cho đến khi sáu nước đều kiệt sức, cuối cùng phải ký kết một hoà ước dựa trên thế cân bằng lực lượng để không nước nào còn mưu toan thôn tính và thống lãnh toàn bộ, khi đó nền hoà bình tại Đông Á sẽ tương tợ kiểu mẫu Westphalian. Trở lại với thực tế lịch sử Âu Châu, mô hình Westphalian do ba nước lớn Anh-Pháp-Đức cân sức lẩn nhau để khi một quốc gia trong số này muốn bành trướng thì các nước còn lại liên minh chống trả, qua đó duy trì được trật tự và an ninh thường trực.
Khuông mẫu Westphalian thành hình vì phù hợp với lịch sử và địa lý của Âu Châu, nay tuy được áp dụng như trật tự toàn cầu nhưng không phải lúc nào cũng được các nước lớn như Nga, Trung, Iran tôn trọng. Trái lại những cường quốc này muốn thay đổi mô hình nói trên ít nhất tại những vùng sân sau tức các lãnh thổ sát cạnh biên giới vốn bị xem thuộc về ảnh hưởng truyền thống của họ. Thế giới quan của mỗi nước lớn này được nhào nặng trong hoàn cảnh lịch sử và địa lý khác xa với Âu Châu. Người viết xin đưa ra một thí dụ so sánh Á-Âu: nhà Tần sở dĩ thống nhất được Trung Hoa một phần không ít nhờ vào vùng đồng bằng Trung Thổ mênh mông phù hợp cho vó ngựa chinh phục lục quốc, rồi sau đó nhà Hán tập trung và duy trì quyền lực nơi một chính quyền trung ương nhờ vào giao thông liên lạc thuận lợi. Trái lại Âu Châu bị núi non và sông ngòi ngăn chận nên một nhà nước trung ương dù được thành hình (như dưới thời vua Charlemagne) vẫn không thể tồn tại lâu dài do các phương tiện giao thông bị cách trở, cho nên khối Âu Châu đã không thể tập hợp thành một quốc gia lớn như nước Tàu ngày nay.
Trở lại với tác phẩm, nước Tàu thống nhất 200 năm trước Công Nguyên xây dựng một nền văn minh đồ sộ và lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại; tự đặt tên Trung Quốc như một trung tâm văn hóa và quyền lực độc tôn trong khi các lân bang như Miến, Lào, Việt, Nhật, Hàn… chỉ là chư hầu (satellite nations) man di mọi rợ. Mô hình tập quyền này kéo dài hàng ngàn năm và rất khác biệt với khuông mẫu phân quyền Westphalian của Tây Phương.
Bên cạnh đó, lịch sử của Âu Châu mang đến ý tưởng phân chia giữa nhà nước và giáo quyền. Ngược lại Hồi giáo ra đời vào thế kỷ thứ 6 nhanh chóng chinh phục các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và Trung Á. Trong đạo Hồi không phân biệt giữa chính quyền và giáo hội vì cả hai đều là công cụ truyền giảng lời dạy của Đấng Tạo Hóa. Kinh Koran có giá trị tuyệt đối vừa là Hiến Pháp, Luật Pháp và đức tin theo đó mọi tín đồ chỉ có một trách nhiệm duy nhất là chinh phục thế giới và cải tạo người ngoại đạo. Hai thế giới quan đối lập giữa Tây Phương và Hồi Giáo mang đến nhiều hệ lụy thực tế, tác giả đưa ra các trường hợp khi Tây Phương thương thuyết để tìm một giải pháp hòa bình và thăng bằng nhằm giúp các bên tranh chấp có thể tồn tại lâu dài với nhau thì ngược lại Hồi Giáo xem các thỏa ước chỉ là bước tạm dừng để sau đó tiếp tục tiến đến mục tiêu tối hậu khi hoàn cảnh cho phép nhằm tiêu diệt đối phương.
Nước Nga rộng lớn, thưa dân với khí hậu vô cùng nghiệt ngã nên chỉ tồn tại khi có một chính quyền trung ương khắc nghiệt và quyết đoán. Trong lịch sử Nga hai lần là nạn nhân của Âu Châu vì phải gánh chịu những tổn thất kinh hoàng khi bị Napoleon và Hitler xâm lăng; nhưng đồng thời Nga lại là cứu tinh của Âu Châu vì đều đánh bại hai nhà độc tài này để tạo cơ hội cho Âu Châu hồi sinh. Nền văn minh Tây Phương không chinh phục nổi mảnh đất băng giá mênh mông nên người Nga bị Âu Châu xem như kém văn hoá, nhưng kèm theo đó là nổi nghi kỵ sợ hãi vì quân đội Nga dù thô bạo và thô thiển nhưng lại hai lần tiến vào các thủ đô ánh sáng Paris và Berlin. Sau đó trong Chiến Tranh Lạnh Nga lại là mối đe dọa hủy diệt toàn bộ Tây Âu. Ngược lại Nga rút tỉa bài học rằng mô hình trật tự phân quyền theo kiểu Âu Châu chính là mầm móng cho sự yếu đuối và cơ hội để các nhà độc tài – và hôm nay, cho khủng bố Hồi giáo – trổi dậy đe dọa toàn lục địa và cả nước Nga, nên Mạc Tư Khoa phải triệt để ngăn chận hai thế lực, một nhằm khiến nhà nước trung ương của Nga suy yếu và hai để xâm lấn tiến gần đến biên giới quốc gia. Thế giới quan vốn được nhào nặng từ trong lịch sử vô cùng tương phản khiến người Nga phẩn nộ vì sao mỗi lần cứu nguy Âu Châu thì Âu Châu lại quay lưng trở thành thù nghịch, cho nên Mạc Tư Khoa quyết tâm phải tạo ra một vùng trái độn nhằm ngăn ngừa hiểm hoạ từ Tây Phương như đã nhiều lần xảy ra trong quá khứ.
Nhật thường bị đánh giá như một quốc gia hải đảo cô lập và bảo thủ, nhưng trong thực tế Nhật đã hai lần trở thành đại cường nhờ vào chính sách khôn ngoan và vô cùng linh hoạt, có thể thay đổi trong khoảng khắc nên không thể tìm thấy nơi quốc gia nào khác. Vào thế kỷ thứ 17 Nhật là nước đầu tiên du nhập nền văn minh cơ giới của Tây Phương để trở nên hùng mạnh nhất châu Á. Sau khi thua Chiến Tranh Thứ Hai trong hoàn cảnh đất nước tan nát Nhật lại dứt khoát đặt mình dưới sự bảo trợ của của cựu thù Hoa Kỳ, theo đuổi chính sách hiếu hòa từ đó hồi sinh trở thành đại cường kinh tế. Qua hai bài học này khiến Tiến Sĩ Kissinger dự đoán Tokyo sẽ chọn lựa chính sách ngoại giao nào có lợi nhất cho Nhật dựa trên các phân tích về tương quan chiến lược mà không bị gò bó trong một hệ thống, các hiệp ước hay những bảo đảm nào từ bên ngoài.
Hoa Kỳ tự xem như một quốc gia ngoại hạng (exeptional). Người Mỹ quan niệm rằng nền hoà bình đặt trên cán cân lực lượng theo kiểu Westphalian chưa đủ vì đã hai lần sụp đổ qua thế chiến thứ nhất và thứ hai, mà phải kèm thêm hai yếu tố dân chủ và thương mại được tự do phát triễn trong một trật tự thế giới mà Hoa Kỳ góp phần xây dựng. Hoa Kỳ mang trách nhiệm phải duy trì nền trật tự này với các tổ chức như Liên Hiệp Quốc, IMF, World Bank, qua những hiệp ước trao đổi mậu dịch tự do, và nếu cần bằng sức mạnh quân sự áp đảo. Trong thực tế Mỹ phạm quá nhiều sai lầm, nhưng bù lại đã góp phần quyết định cho sự thành hình các khu vực an ninh, thịnh vượng và dân chủ tại Tây Âu, Nhật Bản, Nam Hàn. Nước Mỹ dù được ngưỡng mộ hay bị thù ghét nhưng vẫn là nguồn hy vọng dân chủ tự do của không ít người trên thế giới ngay cả khi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ bị mâu thuẩn giữa lý tưởng dân chủ và quyền lợi thực tế. Người Mỹ cho rằng hai khái niệm dân chủ tự do nằm trong tế bào DNA của họ nên ngày nào Hoa Kỳ chọn không còn lãnh đạo thế giới (to lead) nước Mỹ sẽ tự đánh mất bản chất ngoại hạn của mình.
Trong chương cuối tác giả phân tích về khung cảnh toàn cầu hoá khi các phương tiện truyền thông đã nhanh chóng tạo ra dư luận áp lực lên những nhà lãnh đạo khiến những người hoạch định chiến lược trở nên bị động trước các biến cố thời sự mà không thể hoạch định kế hoạch lâu dài. Thông tin tuy mang nhân loại gần lại với nhau nhưng nhanh chóng khích động tâm lý cực đoan nhất là khi thế giới quan đã bị nhào nặng từ trong lịch sử với chủ nghĩa dân tộc nước lớn.
Các phân tích của TS Kissinger về thế giới quan và quan điểm chiến lược giữa những nước lớn có giá trị khi họ đối thoại với nhau. Tuy nhiên đối với các nước nhỏ như Việt Nam, Ukraine, Georgia,… lại có cái nhìn rất đơn giản là cá lớn nuốt cá bé dù ngụy trang dưới màu sắc dân tộc hay tôn giáo, cho nên chúng ta không thể nào chấp nhận các loại trật tự quái quắt từ cổ đại nào theo kiểu Tập Cận Bình và Trung Quốc đang cố rao giảng khắp thế giới về biển Đông.
Trước kia khi giao thông còn khó khăn thì các nước nhỏ đều chịu ảnh hưởng độc nhất nơi nền văn hoá của những cường quốc láng giềng. Ngày nay khi truyền thông liên lạc dễ dàng thì dân nước nhỏ có cơ hội hấp thụ những nền văn minh ở xa, chẳng hạn như tại Việt Nam các khái niệm như tự do, dân chủ, bình đẳng trong giới tính và trước pháp luật … vốn không hề có trong Khổng Giáo nhưng nay được du nhập và chấp nhận rộng rãi trong xã hội. Cho nên cách nhìn và mối tương quan truyền thống giữa đại quốc và chư hầu đã lổi thời, nếu có vực dậy cũng chỉ do nước lớn khích động tình tự dân tộc nhằm âm mưu lấn ép lân bang.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt