“People in the developing world don’t always understand how Wikipedia is created. It’s such a credible website, it comes so high up the search rankings—people think it’s just another encyclopedia.”
Nhiều người ở các quốc gia đang phát triển không phải lúc nào cũng hiểu cách thức wikipedia được tạo ra. Đó là một website được tin cậy, đến độ thứ hạng tra cứu thông tin qua nó đứng ở mức rất cao – người ta nghĩ rằng nó là một dạng tự điển bách khoa.
Andreas Kolbe, Wikipedia editor
Cuối đời, tôi hơi hốt hoảng khi chợt nhớ ra rằng mình chưa được đi du lịch lần nào ráo trọi. Trước khi chuyển qua từ trần, có lẽ, cũng nên thử nghỉ hè một chuyến cho nó giống với (phần đông) thiên hạ!
Gọi điện thoại hỏi qua mấy hãng du lịch, và được khuyên rằng nếu không rành tiếng Anh tiếng Pháp thì đừng có bầy đặt qua Tây qua Úc làm chi (cho má nó khi) cứ qui cố hương cho nó chắc ăn. Thủ tục xin chiếu khán vào Việt Nam, bây giờ, thoáng lắm.
Những địa điểm họ đề nghị nên đến “tham quan” cũng đều vô cùng hấp dẫn:
- Lăng Bác
- Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng
- Địa Đạo Củ Chi
Giữa tôi và ông Hồ Chí Minh không có mâu thuẫn gì lớn. Xích mích, đụng chạm, cãi cọ (nho nhỏ) cũng không luôn. Vào thăm lăng Bác âm u cho biết (nó âm u tới cỡ nào) cũng tốt thôi nhưng kẹt cái là phải ra tuốt luốt tận Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại thì xa xôi và lôi thôi quá. Đã thế, cứ theo dư luận thì nạn rạch hành lý của du khách ở phi trường Nội Bài “nổi cộm” hơn ở Tân Sơn Nhất rất nhiều lần (nên) tôi đành … thôi vậy!
Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi.
Lý do, theo ông Nguyễn Như Công, giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam: “vì lượng người đổ về tham quan quá đông” nên cái nền chịu đời không thấu.
Ông Công khiến tôi trộm nghĩ (“không mợ chợ cũng đã đông rồi”) mình bon chen vào xem làm gạch của tượng đài vỡ nặng hơn nữa thì dám bị nghi rằng đây là “âm mưu phá hoại của bọn thù địch nước ngoài,” chứ chả phải đùa đâu.
Lôi thôi có thể bị mời vô phường hay vô đồn để “làm rõ” là bỏ mẹ, hay (dám) bỏ mạng luôn. Ngày nào mà không có người đã “tự tử” ở trụ sở phường, hay trong đồn công an Việt Nam, đúng không?
Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi đến nơi tưởng cũng nên google thử chơi một cú. Wikipedia ghi rõ:
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách ThànhphốHồChí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được MặttrậnDântộcGiảiphóngmiền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ ChiếntranhĐôngDương và ChiếntranhViệt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.
Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây... tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.
Trời, đất, qủi thần ơi – hồi đó – sao cán bộ cách mạng giỏi dữ vậy cà? Ở dưới tuốt địa đạo cả chục thước mà không ai bị ngộp nước ráo trọi; đã vậy, họ còn làm kho chứa vũ khí, bệnh viện giải phẫu, và rạp để chiếu phim hay trình diễn văn nghệ nữa kìa.
Vậy mà bây giờ hễ cứ mưa là thủ đô Hà Nội trở thành Hà Lội, và thành phố Hồ Chí Minh (rực rỡ tên vàng) cũng bớt rực rỡ rất nhiều vì lụt lội – theo tin loan của báo Pháp Luật, số ra ngày 09 tháng 5 năm 2015: “Mưa nửa tiếng đường ngập như sông, xe cộ bì bõm trong nước cống… Trên đường đường Nguyễn Văn Quá (đoạn qua phường Đông Hưng Thuận, quận 12), sau cơn mưa lớn, tuyến đường này ngập ngụa nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc hơn 500m.”
Blogger Cao Huy Huân (VOA) còn cho biết thêm chi tiết: “ Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực trung tâm TP được xác định còn 68 điểm ngập, so với năm 2011 số điểm ngập trên nhiều hơn 10 điểm. Công tác chống ngập thời gian qua cứ loay hoay với câu chuyện xóa, giảm điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập khác, thời gian qua tại TP đã phát sinh tới 29 điểm ngập.”
Khoảng cách rất gần giữa Sài Gòn và Củ Chi, và rất xa giữa “khả năng của chính quyền cách mạng” hồi thời chiến với thời bình khiến tôi hơi nghi ngại – nghi ngại về mức độ khả tín và khả xác của Wikipedia! Lò dò thêm một chập tôi tìm ra được một nguồn tài liệu khác viết về Củ Chi, qua ghi nhận của một nhà văn: Xuân Vũ.
Ông không có tên trong Wikipedia, tất nhiên, dù đã để lại cho đời “một gia tài văn chương đồ sộ gần 50 tác phẩm” – theo ghi nhận của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh:
“Xuân Vũ (1930-2004) là một nhà văn mà các tác phẩm cả về lượng lẫn phẩm đều nổi trội. Ông viết nhiều thể loại, từ những hồi ký đến truyện dài, từ những truyện phong tục đồng quê của Nam Bộ thời xa xưa đến những truyện theo sát thời sự từ thuở kháng chiến chống Pháp đến lúc vượt Trường Sơn vào Nam…
Một bộ hồi ký gồm 5 cuốn mà Xuân Vũ viết qua ký ức của Dương Đình Lôi ‘2000 Ngày Đêm trấn Thủ Củ Chi’ cũng là một chứng tích của một cuộc chiến mà những chiến công tưởng tượng và những anh hùng là người có tên có tuổi thực nhưng được thổi phồng với những việc làm mà óc tưởng tượng cũng phải khó khăn lắm để sáng tạo ra.”
Tôi vào hệ thống thư viện ở thành phố San Jose, California, và tìm được ngay bộ sách này:
Title: 2000 ngày đêm trấn thủ củ chi / Xuân Vũ & Dương Đình.
Author: Xuân Vũ.
Publication Information: Glendale, CA : Đại Nam, 1991-
Description: v. <1-7 > ; 21 cm.
Note: Volumes 1-4 published by Trời Nam ; Volumes 5-7 published by Đại Nam.
Subject: Vietnamese War, 1961-1975 — Tunnel warfare. Vietnamese War, 1961-1975 — Vietnam — Củ Chi (Quận)
Củ Chi (Vietnam : Quận) — History.
Té ra trọn bộ tới bẩy cuốn lận, chớ không phải năm. Mẹ ơi, mấy ngàn trang sách thì đọc chắc tới tết hay dám tới chết luôn – không chừng. Mới coi qua đôi dòng “LÁ THƯ GỞI CHO MỘT NỮ ‘DŨNG SĨ’ ĐẤT CỦA CHI” mà tác giả viết thay cho lời tựa thấy cũng đủ thấy “chóng mặt” rồi:
Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 8 năm 1991
Em Bảy Mô thân mến,
Bất ngờ anh bắt gặp một quyển sách tiếng Anh viết về địa đạo Củ Chi trong đó có đề cập tới em và hình em nữa. Xem xong quyển sách này anh cười phì vì nó hài hước và bịp bợm quá lẽ, anh không muốn nêu tên sách và tác giả ra đây vì họ không đáng cho anh gọi là nhà văn, mà họ chỉ đáng được gọi là những thằng bịp…
Anh tự hỏi tại sao tác giả quá ngây ngô để bị lừa một cách dễ dàng rồi trở lại lừa độc giả của họ một cách vô lương như thế. Nhưng cho dù họ bịp được toàn nhân loại đi nữa, họ cũng không lừa được anh và em, những kẻ đã từng đổ mồ hôi và máu trên mảnh đất này. Riêng anh thì đã tử thủ mặt trận: Hai ngàn ngày đêm, không vắng mặt phút nào. Để nói cho độc giả biết rằng bọn Cộng Sản đã bày trò bịp thế gian một lần nữa, sau vụ đường mòn xương trắng và khuyên những người nhẹ dạ chớ có mắc lừa, anh quyết định viết quyển sách này.
Họ bảo rằng bề dài địa đạo là hai trăm dậm. Em có tin không ? Sự thực Củ Chi có mấy khúc địa đạo còn tạm xài được trước khi Mỹ vô (1964) ? Quận Củ Chi là một quận nhỏ gồm mươi lăm xã cách Sài gòn hai chục cây số đường chim bay, nhưng nó là cửa ngỏ đi vào Sài gòn cho nên có hai bên Quốc Gia lẫn Cộng Sản đều tử chiến ở đây, một chiến trường khốc liệt nhất Miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai của nước ta. Nếu tính bề châu vi thì quận Củ Chi đo được chừng năm mươi cây số. Như vậy bề dài của địa đạo ít nhất bốn lần chu vi Củ Chi. Họ còn viết rằng địa đạo đã lập thành một vòng đai thép bao quanh căn cứ Đồng Dù và người cán bộ mặt trận có thể ở dưới địa đạo nghe nhạc đang đánh ở trên căn cứ này. Cụ thể là ông Năm Phạm Sang ngồi đàn dưới địa đạo mà nghe Bon Hope diễn kịch ở trên đầu hắn.
Quyển sách ma này nói láo, nói bậy hoặc nói nhầm hầu hết về những gì đã xảy ra ở Củ Chi trong vòng năm năm (1965-1970) anh và em có mặt ở đó. Nhưng ở đây anh chỉ nhặt ra vài ba điểm quá ư ngu xuẩn của tác giả mà một người đã dám cầm bút viết nên sách dù kém tài đến đâu cũng không thể có được.
Ví dụ họ viết rằng anh Tám Lê và vợ là Thị Thắm mổ xẻ thương binh dưới địa đạo. Xin hỏi: “Làm cách nào để đem thương binh xuống đó ? ” Nên biết rằng miệng địa đạo chỉ hẹp bằng cái khay trầu thôi. Người thường tuột xuống đó còn phải lách chứ không dễ dàng. Thương binh, nếu nặng thì nằm trên cáng, còn nhẹ thì băng bó đầy mình làm sao tụt xuống được? Và nếu có tụt xuống được thì nằm ở đâu, dụng cụ gì, đèn đóm nào dùng cho cuộc giải phẫu.
Đó là chưa nói đến cái không khí ác độc ở dưới địa đạo. Người khỏe mạnh bất đắc dĩ phải xuống địa đạo thì chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã mệt ngất ngư rồi: vì không đủ dưỡng khí! Nếu bị kẹt vài giờ dưới đó thì con người đã trở thành miếng giẻ rách, còn khi bò lên được thì đã quên hết tên họ mình. Vậy sau khi được giải phẫu, thương binh phải sống dưới đó làm sao?
Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác như thương binh phóng uế hoặc thủ tiêu những băng đầy máu me. Những người chưa từng ở địa đạo nghe mấy vị này mô tả chắc sẽ nghĩ rằng cuộc sống dưới địa đạo khỏe khoắn như ở trong nhà lầu có máy điều hòa không khí.
Xin thưa câu chuyện không đẹp tai cho lắm: Một lần nọ khi chui xuống địa đạo chúng tôi bị quân Việt Nam Cộng hòa chốt trên đầu không lên được. Rủi thay một nữ cán bộ có đường kinh. Nếu ở trên mặt đất thì dù không kịp dùng băng vệ sinh người đàn bà vẫn không toát ra mùi gì (xin lỗi) nhưng ở dưới địa đạo gặp trường hợp này mọi người đều ngặt mình như sắp chết vì cái mùi uế tạp kia. Người chưa từng ở địa đạo không thể biết rằng đánh một cái rắm dưới đó chẳng khác nào bỏ một trái bom nguyên tử…
Em Mô thân mến,
Chúng ta hãy cùng nhau cúi hôn mảnh đất Củ Chi đau khổ của chúng ta hiện nay đang nhục nhã vì bị bọn Cộng Sản đem ra làm trò bịp thế gian…
Cái gì chớ “bịp” thì là nghề của “bọn Cộng Sản” mà, và Wikipedia (tiếng Việt) thì đúng là mảnh đất lý tưởng để cho mấy ổng múa gậy vườn hoang.
© Tưởng Năng Tiến
© Đàn Chim Việt