Năm năm trước đây, tôi bắt đầu một phép thử – không phải do chính tôi tiến hành – để nghiên cứu tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam. Năm 2009, tại Hà Nội, tôi ký hợp đồng xuất bản một trong những cuốn sách của tôi có tên “The Spy Who Loves Us” kể về Phạm Xuân Ẩn, một phóng viên nổi tiếng trong cuộc chiến Việt Nam. (Ông đã kết thúc sự nghiệp báo chí ở chức vụ trưởng văn phòng đại diện của tạp chí Time tại Sài Gòn). Chỉ mãi sau cuộc chiến, chúng ta mới té ngửa ra rằng Ẩn đã nhận được cả lố những huân huy chương quân sự vì thành tích điệp viên cộng sản, phục vụ cho chính quyền Bắc Việt, là một loại vũ khí bí mật lợi hại nhất.
Có lẽ, người ta cho rằng một cuốn sách về người “Anh hùng Quân đội Nhân dân” sẽ được xuất bản dễ dàng tại Việt Nam, nhưng không có gì in ấn tại Việt Nam mà không bị kiểm duyệt. Năm năm trời, tôi nhìn người ta cắt xén sách của tôi. Rồi cuối cùng, một bản dịch ra lò vào cuối năm 2014. Tôi đến Hà Nội để gặp những nhà kiểm duyệt của tôi. Ít nhất, cũng có đến nửa tá các nhà kiểm duyệt chịu nói chuyện với tôi. Họ là những người tốt, dũng cảm, thừa nhận có tình trạng kiểm duyệt tại Việt Nam. Phía sau họ là một giàn âm binh vô hình vận hành toàn bộ xã hội Việt Nam.
Các nhà kiểm duyệt thân yêu của tôi giữa cả hai vai trò biên tập và xuất bản đã xin lỗi cho những gì họ đã làm, và hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn trong tương lai. Tốt sao được, khi Việt Nam và Trung Quốc thi nhau ném các nhà báo, nhà văn, nhà blogs vào tù, cơn hồng thủy ngược đang dâng trào. Đấy là lý do tại sao tôi quyết định phải có một bản dịch chính xác không bị kiểm duyệt xuất bản song song với bản kiểm duyệt của Hà Nội. Văn bản này đã đưa lên mạng vào tháng Mười một năm ngoái, cùng với các tài liệu về Chỉ số Kiểm duyệt của tổ chức quốc tế sẽ được công bố vào tuần này.
Các nhà kiểm duyệt đã thiến đi những gì trong sách của tôi? Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” Mỹ, hay thời ông học báo chí tại California. Ông không được phép “hiểu” Mỹ. Cắt bỏ ngay, tên và lời bình luận của những người Việt lưu vong. Cắt bỏ ngay, những gì đụng đến Trung Quốc, hối lộ, tham nhũng, phi pháp của cán bộ. Cắt bỏ ngay. đọan kể về sự thất sủng Tướng Giáp, người đã thắng Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, qua đời năm 2013.
Nhiều sự kiện nổi tiếng bị loại ra khỏi lịch sử Việt Nam. Hồ Chí Minh dùng khối lượng vàng lớn hối lộ tướng Tầu để họ rút ra khỏi Bắc Việt Nam vào năm 1946; chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại vào thập niên 1950; cuộc di tản vĩ đại của “thuyền nhân” sau 1975; cuộc chiến với Khmer Đỏ tại Cambodia năm 1978; cuộc chiến với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 1979; Nam Tiến, một cuộc hành trình lịch sử của người Việt xuống phương Nam dọc theo dải Annamite Cordillera, cuộc chinh phạt lãnh thổ của người Thượng, người Chăm, người Khmer và các dân tộc thiểu số đều bị cắt, cắt hết.
Ước vọng cuối cùng của Ần là được hỏa táng, rồi mang linh cốt ông rải xuống sông Đồng Nai đã bị thủ tiêu, thay vào là một đoạn miêu tả khung cảnh tang lễ theo nghi thức nhà nước với bài điếu văn được đọc bởi người đứng đầu ngày tình báo quốc gia.
Một danh sách dài các “lỗi” trong bản dịch của Hà Nội đưa ra trong đó các nhà biên tập người Việt của tôi hoặc thành thật, hoặc cố tình hiểu lầm, thí dụ: “người viết ma”, “phản bội”, “hối lộ”, “phi pháp”, “khủng bố”, “tra tấn”, “tổ chức giả danh”, “dân tộc thiểu số”, “trại cải tạo”. Người Pháp không được phép dậy bảo người Việt bất cứ điều gì. Người Mỹ cũng thế. Việt Nam chưa bao giờ sản sinh ra người tỵ nạn, chỉ tạo ra người định cư. Điều gì liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản như là một “thần tượng sụp đổ”: Cắt. Ông Ẩn mô tả mình có não bộ của người Mỹ ghép vào thân sác người Việt: Cắt. Những câu chuyện đùa cợt bông phèng của Ẩn: Cắt. Chưa kể tới những phân tích so sánh của ông về người cộng sản đã thay thế chế độ cảnh sát trị của Ngô Đình Diệm bằng một nhà nước công an trị của chính họ như thế nào. Phần cuối của cuốn sách là những gi chú và nguồn trích dẫn: Cắt.
Thực ra, sự xảo quyệt nhất đã xảy ra ở cung bậc của ngôn ngữ. Ẩn sinh ra ở vùng ven Sài Gòn. Ống là người Nam chính hiệu. Vậy mà, tiếng miền Nam cùng với những đặc thù văn hóa miền Nam đã bị xén tỉa khỏi văn bản, thay bằng ngôn ngữ miền Bắc, của những người đã cưỡng chiếm Sài Gòn 1975.
Kiểm duyệt là một phần của kiểm soát chính trị và khẳng định sức mạnh, nhưng trong trường hợp này là kiểm soát ký ức, kiểm soát lịch sử và kiểm soát ngôn từ.
Thực lòng, tôi không có ý phàn nàn về những gian khổ mà mình đã gặp. Những tác giả Việt Nam đang bị dồn vào thế hoặc phải câm lặng, hoặc phải lưu vong. Họ đã phải chịu đựng muôn vàn thống khổ. Tôi chỉ nhấn mạnh về sự thực của một chế độ kiên quyết bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của mình. Ở Việt Nam, qúa khứ và cách mà bạn nói về thời qúa khứ cũng là một tài sản quốc gia.
Dịch từ: Vietnam’s concerted effort to keep control of its past by Thomas A. Bass; February 1, 2015.
Lời người dịch: Thomas A. Bass một cây bút phóng sự điều tra có tiếng trong làng báo Mỹ. Đồng thời, ông dậy Anh ngữ và báo chí tại Đại học Tiểu bang New York ở Albany. Năm 2009, ông hợp đồng dịch và xuất bản cuốn sách “The Spy Who Loved Us” bằng tiếng Việt tại Hà Nội. Cuối năm 2014, cuốn sách ra lò, nhưng bị cắt xén tan nát. Ông quyết định tung bản dịch của riêng mình lên Pro&Contra của chị Phạm Thị Hoài, kèm phóng sự liên quan đến số phận của nó. Lập tức ông bị tố cáo: Vi phạm hợp đồng; tiết lộ thông tin cá nhân; bản dịch của ông sai tiếng Việt và sự kiện lịch sử. Cuộc bút chiến “đẫm máu” giữa hai người điếc rất thú vị đã nổ ra. Dịch lại một trong loạt bài phản bác của Thomas để bạn đọc có thêm thông tin.
Canada, tháng Hai 2015
© Trần Gia Hồng Ân
© Đàn Chim Việt